Teq's Blog

Archive for March 2011

bốn cốc bia hơi góc đường bệ rạc

with 2 comments

Thỉnh thoảng bạn lại thấy hâm hâm. Chiều nay trên đường về nhà, sau khi vượt qua một chặng tắc đường nghẹt khói, thì bỗng nhiên không vì lý do gì cả, bạn phi xe lên vỉa hè, ngồi xuống ghế nhựa, uống liên tiếp bốn cốc bia hơi rồi đi về.

Trước đây, tức là trước khi bạn chuyển về khu này sống, thì con đường này không bao giờ bạn đi qua. Một là không có việc gì để đi qua, hai là có việc cũng không muốn đi qua, nó là một trong những con đường xấu nhất và tệ nhất của Hà Nội đã từng xinh đẹp. Vì vậy để có thể ngồi uống bia trên con đường này, bên con sông thối hoắc và khung cảnh bệ rạc, thì lý do là không có lý do gì.

Bạn uống bia, và như thường lệ, ngẫm nghĩ vớ vẩn. Như thằng bạn của bạn từng có lần trình bày bên tách cafe buổi chiều trong sân nhà Lạc Trung, mỗi ngày, nói chung, đéo gì cũng nên có một lúc trầm tư. Trầm tư tức là trầm và tư vớ vẩn thế thôi. Để tự nhìn thấy mình đang ngồi bên đường, một mình, số phận của mình và số phận của những người khác lẫn lộn trong giây phút hiện tại lạo nhạo của quán bia.

Bạn nghĩ về sóng thần Nhật Bản. Trong mười phút cuốn phăng tất cả, thật vãi, giả dụ ngay lúc này có một bức tường nước cao mười mét dựng lên trước mặt, thì bạn sẽ làm gì. Hành động đẹp nhất mà bạn có thể làm lúc đó, là nghĩ về gia đình và uống nốt cốc bia đang uống dở. Nếu làm được vậy thì sẽ là một hành động thật anh hùng. Dĩ nhiên bạn không phải là anh hùng và chắc hẳn bạn sẽ chạy trối chết trong cơn tuyệt vọng vô nghĩa, như một con kiến.

Nơi này, mà không, bên kia đường, cỡ hơn hai chục năm trước, khi bạn còn bé, là một trong những khúc đường đẹp nhất của Hà Nội xinh đẹp. Con sông thì vẫn lờ đờ thế thôi, nhưng không phải màu đen và chưa bị kè bê tông. Một bên đường là những cây cột điện cao thế. Một bên đường là đồng nước mênh mang bầu trời xa thẳm. Đi thêm chút nữa sẽ đến một trạm điện lớn, trong trạm điện có khu tập thể nhỏ của những người thợ điện. Chú Hòa là trưởng trạm, bạn rất thích được  bố mẹ cho đến trạm điện của chú Hòa chơi vì không hiểu sao nhà chú lúc nào cũng có thịt gà. Thế rồi một cơn sóng thần cao mười mét dựng lên, rất mạnh nhưng rất chậm, trong hai mươi năm cuốn phăng tất cả. Chỉ còn lại khung cảnh như bây giờ, lem nhem, màu xám xỉn của bụi đường, màu vàng xanh bết bết của những bến xe buýt, màu hồng hồng nhợ nhợ của những quán gội đầu tẩm quất cà phê thư giãn.

Nhưng mà đi đoạn nữa rẽ trái, thì lại đến chỗ mà bạn đang tạm ở bây giờ. Chỗ này có màu xanh của đồng nước khi xưa, hơi hơi một chút thôi. Nhưng nó cũng đủ để làm tan đi bụi bặm, và vẫn tạo nên một cảm giác tốt khi về tới nhà. Thật tốt khi mỗi ngày cảm thấy mình về nhà.

***

Hôm qua bạn dẫn thằng con đi chơi. Hai bố con đi xe buýt đi chơi, tất nhiên là lên Bờ Hồ bởi vì Hà Nội bao nhiêu năm vẫn chỉ có Bờ Hồ để đi chơi. Thật hay vì cái địa danh Bờ Hồ vẫn tồn tại chính thức trên biển chỉ tuyến xe buýt. Hai bố con xuống xe buýt trước cửa Bưu điện rồi ra vườn hoa.

Vườn hoa Gandhi từ lâu đã thành tượng đài Lý Thái Tổ. Tấm phù điêu giản dị ghi chữ Indra Gandhi bằng đá trắng đã bị bỏ đi, thay thế cho nó là một thứ gọi là sân thì quá rộng, chả biết gọi là gì. Cuối cái không phải sân đó là bức tượng Lý Thái Tổ. Bức tượng cũng được, nhưng kích thước ấy thì cái sân này phải là cái quảng trường thì mới có khoảng cách để ngắm. Hai bố con đi tiếp ra sau. Vẫn là cái lầu bát giác ấy, năm xưa khi bạn còn bé thì cái lầu dùng để nhốt một con công thỉnh thoảng hâm lên con công vẫn múa. Bây giờ thì trong lầu các bạn công đang nhảy hip hop. Bất chợt bạn cảm thấy niềm vui của một ông bố là dẫn con mình đi xem các chỗ mà ngày xưa bố thế này, ngày xưa bố thế kia…

Kết thúc buổi đi chơi là thằng con ôm quyển sách tranh, đi theo thằng bố và thằng bạn của thằng bố ra quán bia. Quán bia vỉa hè bên đường Lý Thường Kiệt, in dấu mông của thằng bố suốt từ khi thằng bố mới học cấp ba. Giờ có thêm dấu mông thằng con. Nắng vẫn vàng.

***

Chiếu tối nay thì bạn uống bia bên vỉa hè con đường xấu bẩn kinh người, bãi hoang tàn của cơn sóng thần hai mươi năm. Đôi lúc cần trầm tư để ghi nhớ một khoảnh khắc tầm thường của một ngày bất kỳ. Ngày bất kỳ nào cũng là ngày mà con sóng thần đang đi qua, chậm, rất chậm. Một con sóng thần cao mười mét, dài tám mươi năm, là đủ để quét sạch tất cả, cả bạn, cả mấy thằng bàn bên cạnh, cả bà mẹ vừa ngang qua và cả đứa trẻ địu buộc trước ngực cô.

Bất chợt bạn cảm thấy nghi hoặc. Bởi một câu hỏi nguyên thủy, tất cả những điều này có nghĩa là gì?

Cảm giác nghi hoặc chỉ tan đi, khi bạn mở cửa nhà, cởi giày bỏ vào tủ, rồi xoa đầu thằng con bạn chạy ra ôm lấy chân bạn. “Chào bo-ố”. “Bố gì?” “Bố Đi-ư-ứ-k”.

Written by Tequila

March 14, 2011 at 6:19 pm

Posted in Linh tinh

Mưa lưng đèo

leave a comment »

Tôi nhớ mưa ở lưng đèo. Lưng đèo, có khi là thả dốc, có khi là lên dốc, mưa ướt rượt mặt đường, gió táp buốt ngang mặt, nước nhòe mắt. Tôi nhấn ga, xuyên qua màn mưa, cảm thấy cái rét ngấm qua khăn quàng cổ.

Tối nay khi trở về nhà, tôi mở vali lấy đồ. Hơn tuần rồi vẫn còn chưa lấy hết đồ trong vali ra, cái vali vẫn nằm ở góc nhà. Mở vali ra thấy mùi tuyết, hóa ra là từ chiếc khăn quàng chưa thèm bỏ vào máy giặt. Ngửi thấy mùi tuyết mà tôi lại nhớ mưa giữa đèo, không hiểu ra làm sao. Hay là mùi tuyết gợi nhớ cái sự đi. Lại thèm ăn một bát phở sáng, uống cốc cafe, rồi buộc lại dây giày, cắm tai phone vào tai, đeo găng tay, nhìn đồng hồ, rồi nổ máy con ngựa già, xuất phát, đích đến của ngày hôm nay là 350km phía trước…

Có người định nghĩa, đời là một thời để đi.

Giữa các chuyến đi là gia đình, công việc, bạn bè. Là những bữa cơm, là cốc cafe lúc 9h sáng, là những con phố đông nghẹt người không khí đặc quánh trên đường về, là những email, giấy tờ, là những trận bóng đá, những cốc bia. Cứ như vậy vài tháng, có khi vài tuần, là lại thèm lên đường.

Thèm cảm giác mệt mỏi gắng gượng vượt qua từng km cuối chặng. Như cái hôm nửa đêm còn đang trên Ô Quy Hồ, ba anh em dừng lại trên đỉnh đèo, mưa và rét. Đứng hơi khuỵu gối là cơn run xuất phát từ gót chân lên đùi qua eo lưng đến cổ và đầu, y như cách bọn chó vẫn làm để vẫy nước. Bảo nhau, bọn nào biết chắc cười anh em mình bị điên, đêm hôm hun hút mà vẫn còn trên đèo, tối thui trên cái đèo đẹp như thế. Biết làm sao khi mọi kế hoạch đều bị phá vỡ, chạy hơn mười tiếng rồi vẫn còn chưa tới nơi. Đấy là chuyến hành xác hâm nhất. Đi có ba thằng với nhau, chẳng mang theo máy ảnh, sáng dậy nhẩn nha uống cafe phố núi, rồi bắt đầu chặng đường mười mấy tiếng mỗi ngày qua hết các huyện lỵ và các con đường đang làm dở của đại công trường Lai Châu. 

Bao giờ sẽ đi tiếp đây. Đi đâu. Có lẽ là Hà Giang. Hà Giang có mấy con đường đã thuộc từng đoạn, quá quen rồi, mà vẫn muốn đi. Hà Giang, Mã Pì Lèng, nửa đêm Quản Bạ một mình cưa hết chai ngô Thanh Vân.

Written by Tequila

March 8, 2011 at 7:02 pm

… cho đến ngày nay

leave a comment »

Giờ này là 1h sáng mà phòng đọc sách của tôi – tức cái bàn máy tính kê cạnh cửa ra ban công – vẫn còn mở cửa. Buổi đêm thời gian trôi nhanh. Mà thời gian lúc nào chả nhanh. Vèo cái hết buổi sáng, vèo cái hết buổi chiều, vèo cái hết buổi tối, đêm ngủ vèo cái đã đến giờ phải dậy.

Hôm qua đi đám tang ông cụ. Tôi gọi thêm 2 thằng đi, là  thằng em tôi và một thằng bạn tôi. Hồi xưa, xem nào, hồi xưa là hồi tôi học lớp 8, tức là 14 tuổi, tôi đi học đàn cùng hai thằng này, đã 18 năm. Nếu mà tính thời điểm đầu tiên tôi gặp ông cụ thì là tròn 20 năm. Hôm qua ba thằng cùng nhau đi đám ma ông cụ, được nghe một bài điếu văn thật hay.

– Ông sinh năm… ông lớn lên trong một gia đình… Sau ngày toàn quốc kháng chiến, như các thanh thiếu niên khác cùng thời, ông gia nhập thiếu sinh quân và sau đó thì vào bộ đội. Hòa bình lập lại, ông trở thành một giáo viên dạy nhạc, cho đến ngày nay…Mọi người, người lớn và trẻ em trong khu phố, không ai không yêu quý hình ảnh một ông già với nụ cười hiền hậu và tiếng hát hồn nhiên.

Một bài điếu văn không có những từ “gương mẫu” “chân chính” “cống hiến” “sự mất mát to lớn” “lòng tiếc thương vô hạn”… Chỉ là một giáo viên dạy nhạc “cho đến ngày nay” với nụ cười hiền hậu và tiếng hát hồn nhiên. May thay, chúng tôi không phải nghe một bài của các tay thợ viết điếu văn của phường hay của nhà tang lễ, mà được nghe một bài điếu văn giản dị như vậy về một con người giản dị đáng yêu của chúng tôi.

Hơi lệch sóng vì sau không khí chân thành của bài điếu văn ấy, lại có một bài thơ do một cụ tiến ra đọc. Bài thơ thì khá leng keng nên hơi phản cảm chút, nhưng ý nghĩa của nó cũng không tồi, ý của bài thơ nói rằng “tại sao thằng anh hàng xóm này của chú đã 89 tuổi mà vẫn còn sống để đọc thơ điếu, mà chú mới 78 tuổi thì đã chết rồi, thế là cái kiểu gì hả chú ơi?”.

***

Chúng tôi ra về với tâm trạng vui tươi. Được biết ông cụ ra đi thật gọn gàng và nhẹ nhõm, đám tang không có những thể loại đến viếng vì nghĩa vụ. Mọi thứ đều phù hợp với ông cụ, cầu cho linh hồn ông cụ an lành. Trong tâm trạng vui tươi ấy, chúng tôi đi ăn trưa uống bia hơi. Thằng bạn bảo “đéo hiểu sau này mình chết thì điếu văn như thế nào”. Mấy thằng cười hihi, có khi sẽ là “sau khi tốt nghiệp phổ thông thì ông vào đại học, ra trường thì như bao thanh niên khác cùng thời, ông đi xin việc và làm việc kiếm tiền, cho đến ngày nay”.

Sau đó chúng tôi vừa uống bia vừa nhắc về những kỷ niệm xưa, xung quanh thời gian làm học trò học đàn của ông cụ, như một cách tưởng nhớ đến ông. Đám tang chốt lại một hình ảnh hoàn hảo về ông cụ, giản dị và chân tình cho đến cuối, khiến cho chúng tôi tạm thời quên đi những vòng đua hàng ngày. Bàn với nhau về hình ảnh các bạn bè chiến hữu của ông cụ ngồi hàng ghế dài chờ lễ truy điệu, chúng tôi đếm xem cuộc đời có mấy dịp lớn để bạn bè tụ họp nhau. Một đợt là đi đám cưới nhau. Đợt thứ hai là đi đám cưới của con cái nhau đi dự đám tang của cha mẹ nhau. Cuối cùng là đi dự đám tang nhau.

Tính ra thật đơn giản như vậy thôi. Đâu có gì đâu, nước chảy dưới chân cầu, cho đến ngày nay.

Written by Tequila

March 2, 2011 at 6:36 pm