Teq's Blog

Archive for November 2019

Đêm uống grappa Mận nghe Claydermann

with one comment

– Grappa: Một loại rượu của Ý, chế từ bã nho. Vốn là một loại rượu dành cho anh em lao động, vì nước ép nho thì bọn quý tộc chúng nó làm thành vang hết rồi, người lao động nghèo chỉ còn lại bã, nấu lên thành rượu nặng mà uống.

– Grappa Mận: Lần đầu được uống cách đây hai năm trên Hà Giang, ở một địa điểm mà do không được trả tiền nên thôi không quảng cáo cho nó. Người ta chọn ra những quả mận ngon, đều, nấu theo kiểu grappa nho. Chất lượng tuyệt hảo, không thua gì một chai Grappa Ý giá trên hai củ, có khi hơn. Hôm nọ đến lại chỗ ấy, anh em bèn mua hai lọ đựng vào chai Lavie, bỏ ngăn đá lạnh ngắt.

– Claydermann: Richard Claydermann, nghệ sĩ oánh piano bình dân.

Số là chú em gửi cho một đoạn chú sáng tác, để ngửi thử xem có hương vị thế nào, có giống nhạc của ai không. Tôi nghe thử, ngay mấy giây đầu đã nhận ra một giai điệu rất quen thuộc mà không nhớ ra nổi. Bèn cầm đàn đánh cho điện thoại nghe, điện thoại cũng không tìm ra được. Một giai điệu chắc chắn là quen và tôi còn nhớ rõ nó, cầm đàn lên đánh ra ngay. Ngửa mặt nhìn trần nhà lục lọi một hồi thì nhớ ra là của Richard Clayderman. Lại mở Spotify duyệt nhanh qua gần chục album và hơn trăm bản nhạc, thì tìm ra nó. Báo cáo chú em xong, mới nghe lại cẩn thận bản nhạc. Nó hay mà. Bản “Couleur tendresse”

https://www.youtube.com/watch?v=nbJP955jYyM

Chỗ này phải nói thêm là, chuyện dân amateur thậm chí dân chuyên nghiệp viết nhạc ra bị giống, bị “đạo" của ai đó, là quá thường. Những trường hợp chủ ý đạo nhạc cũng có nhiều, nhưng thường thì là do vô thức bị giai điệu nghe đâu đó ăn vào não, biến thành chủ đề cho bản nhạc của mình. Song lý do thường gặp hơn cả, là dùng vòng hòa thanh đơn giản dễ nghe và vì thế dễ bị giống người khác.

Lúc nào rảnh, tôi sẽ dùng toán (đi học lại toán phát) để bảo vệ Thạc sỹ âm nhạc có đề tài là Nguyên lý đạo nhạc.

Về lý thuyết, dù nhạc chỉ có 7 nốt, nhưng với trường độ, cao độ, nhịp điệu khác nhau, sẽ ra vô vàn bản nhạc không lặp lại, nhiều như sao trên trời. Song khi chọn thể loại, số trường hợp sẽ giảm đi đáng kể. Rồi chọn tiếp đến nhịp, 4/4; 6/8,… tập hợp nhạc lại thu gọn đáng kể nữa. Chọn âm giai chủ, tập hợp lại giảm đi mấy chục lần. Đặc biệt, khi chọn tới vòng hòa thanh, thì tập hợp sẽ gọn lại cực kỳ cực kỳ đáng kể. Thể loại giống nhau, nhịp điệu giống nhau, âm giai giống nhau, vòng hòa thanh giống nhau, thì có thể nói là nhạc đẻ ra sẽ có mùi y như nhau, bài này lắp qua bài kia được. Như thằng em Tân tàu của tôi có đề tài tiến sỹ “Năm hợp âm chinh phục Nhạc Việt” là vì lẽ đó.

Vì thế, để chế tạo nhạc không giống ai, thì phải dùng vòng hòa thanh hoặc sự kết hợp không giống ai. Âm nhạc thật là đơn giản. Mỗi tội, nhạc hay chúng nó sáng tác hết mẹ rồi. Mình cố tìm ra cái mới không giống ai, thì chả khó, mỗi tội không hay mà thôi. Thôi thì người ta làm ra nhạc hay, thì mình làm ra nhạc dở, kể cũng không phải xấu hổ. 

Quay lại Richard Clayderman. Tôi nghe lại bản Couleur Tendresse của chàng. Thấy hay, bèn nghe tiếp nghe tiếp những bài ngày xưa đã từng nghe. Tôi nghe Clayderman khá nhiều, vào những năm xưa khi nguồn nhạc chẳng có mấy, chỉ có vài cái cassette và đôi đĩa CD. Về sau thì bỏ, chê nhạc chàng nông dân, chả thèm nghe nữa. Tôi chẳng buồn search xem Richard có chơi cổ điển hay không, chắc có, nhưng chắc không đủ tài hay đủ đặc biệt để theo đuổi. Chàng có ngón đàn đẹp, dịu dàng, và chàng chơi thứ nhạc tạm gọi là nhạc không lời. Dễ nghe, dễ chịu, mau chán. Richard Clayderman, Paul Mauriat… trong nhiều năm tháng vang lên ở mọi miền mọi quán cafe.

Hôm nay nghe lại, thoạt tiên là nghe tí rồi next, nghe tí rồi next, rồi nghe dài hơn chút, rồi nghe cả bài, rồi nghe cả gần hai tiếng nay.

Những ngày hè trời cao không gợn mây và nắng gắt, những ngày thu trong xanh nắng hanh vàng, những ngày đông bầu trời xám xám… tôi đi học về nhóm cái bếp than ngoài sân để nấu cơm. Trong nhà chiếc máy cassette Tàu bật nhạc Richard, tiếng piano trong trẻo, bè dây đệm du dương, trống bass đẩy vào rõ ràng nhịp điệu. Giờ nghe lại mới thấy mình biết và thuộc nhiều bài của Richard như thế nào. Nghe lại vẫn thấy hay, vẫn xúc động (dù là vì những bài nhạc cũ kéo về không gian cũ), mà bao năm vẫn kỳ thị chê bai chẳng một lần mở ra nghe lại. Nhạc rock và nhạc cổ điển đã kéo tôi đi quá xa khỏi những bài nhạc cũ thuở nhỏ nghe nát cả băng mòn cả đĩa. Quên mất là chính từ những bài nhạc dễ nghe, đơn giản, nịnh tai ấy, mà mình bắt đầu nghe nhạc.

Hai shot grappa mận mà thấy bồi hồi. Buổi đêm khuya, ngày cũ đã qua mà ngày mới là một ngày khác. Nhà bà dì họ ở mặt phố Lò Đúc, đối diện rạp Mê Linh. Dì chơi thân với mẹ, nhưng những đứa con không chơi thân với nhau. Mãi lớn mới thân nhau. Phòng khách của nhà dì rất đẹp. Hồi đó tôi học lớp 12, cô em họ học lớp 11, hai anh em mới làm quen trở lại nhau. Tôi đi học thêm về, vứt túi xách lên bàn, ngồi nghe cô đánh đàn. Cô chơi một bản mà tôi nghe một lần nhớ mãi, cũng là một bản của Richard, nó rất đẹp, bản “Chùm hoa dại” – Les Fleurs Sauvages. Một cái phòng khách sang trọng, sa lông da, bàn gỗ khăn bàn màu huyết dụ, sàn trải thảm, piano, một cô gái chơi dương cầm, cô không vô cùng xinh đẹp nhưng cực kỳ sang trọng. Đó là hình dung của tôi về một gia đình thượng lưu, mà dì dượng họ của tôi đúng là thượng lưu hồi đó. Chỉ một năm sau, cô em họ đi Pháp học, ở lại, lấy chồng, suốt từ ngày đó chỉ gặp lại một lần thoáng chốc, cách đấy cũng đã nhiều năm. Trong lần chào hỏi ngắn ngủi ấy, chuyện mà tôi nói với em họ, chỉ là, cuối cùng anh đã tìm lại được bản nhạc hồi xưa em chơi cho anh nghe.

Cái hồi đó chưa có internet, biết là nhạc Richard (do cô em bảo) nhưng nó không hề có trong các băng đĩa mà tôi có hay ngoài chợ giời có. Em cũng chưa nghe bao giờ (cô nói), chỉ tập theo bản nhạc cô giáo đưa. Ngày cô lên đường đi Pháp, cô tặng tôi một cái CD tự ghi gồm những bài hát và bản nhạc mà cô thích, trong đó có Chùm hoa dại, nhưng không có tên bài trên bìa. Còn tôi thì tặng cô cuốn Phố của Chu Lai, để cô nhớ về Hà Nội.

Rồi cái đĩa tự ghi nhanh chóng hỏng. Song ấn tượng về căn phòng khách, chiếc piano với âm thanh rất đẹp, cô gái chơi dương cầm, khiến tôi mãi bao lâu sau vẫn tìm kiếm bản nhạc đó. Về sau có internet, nhưng nguồn nhạc thì cũng không có bao nhiêu, chưa có youtube, chưa có spotify, chỉ là những file mp3 free trên mạng. Nhưng cuối cùng một ngày kia tôi cũng tìm ra nó. Nghe xong, thỏa mãn, bố tìm được mày rồi nhé, rồi bỏ đó. Mãi đến 2015, khi nghe Hilary Hahn kéo đàn, nghe đến một bản cực kỳ quen thuộc (mà quen thế sao mãi mới nhận ra) tôi mới phát hiện Chùm hoa dại được anh Richard phát triển từ một câu của Chương ba bản Concerto cho Violin và dàn nhạc Op.61 Beethoven. Câu chuyện được đóng gói, lý giải tại sao nghe cô em họ chơi một lần mà tôi nhớ mãi, lý giải tại sao Richard lại có nhạc hay thế, thì ra là nhạc của ông điếc.

Nhạc của ông điếc, bản diễn tấu theo chủ đề ấy của anh Richard, em họ tôi chơi dương cầm trong căn phòng khách sang trọng, chú em nhờ tôi ngửi nhạc… cùng với một chút grappa mận, khiến tôi thức đền giờ này. Loài người cũng như loài kiến, sinh ra đã có code được ghi sẵn trong ADN, Thượng Đế kỳ lạ chứ chúng ta không hề kỳ lạ. Có những thứ, và tuyệt đại đa số những thứ, chúng ta giống nhau nhưng tưởng mình khác biệt. Con kiến không ngạc nhiên thấy mình giống con kiến khác, và cũng chẳng muốn khác đi. Con người biết mình giống con người khác nhưng vẫn muốn khác đi, một chút. Và điều đó làm nên lịch sử.

Grappa ngon quá nên phải triết thêm phát. Cuộc đời con người cũng giống như anh nhạc công trong dàn giao hưởng. Bản nhạc có sẵn, ghi chuẩn mẹ từng nốt một. Ông nhạc trưởng đứng kia, ông ấy muốn thay đổi một chút cho không giống nhạc trưởng khác. Đến lượt mình, mình lại gắng chơi thật đúng (cơm áo gạo tiền) như mọi người nhưng lại phải có chút gì khác để mình thấy là mình đang sống. Có người không khác được bản nhạc, hoặc chỉ hoàn toàn theo ông nhạc trưởng. Có người làm khác đi được, một chút. Làm khác đi được, thì lại chia làm hai loại, một loại được khán giả tán thưởng, một loại thì không.

Ai phán xét chuyện đó, ông nhạc sỹ thì tai đã điếc và lại còn đã chết rồi.

Written by Tequila

November 6, 2019 at 2:54 am

Posted in Linh tinh