Teq's Blog

Nhân chuyện quấy rối

leave a comment »

Mấy bữa nay trên mạng ồn ào vụ Nhã Nam, tôi đọc chả sót cái gì, thỉnh thoảng thả like cho những ai nói phù hợp với suy nghĩ của mình, ngu gì lên tiếng nơi công cộng khi mình nghĩ ngược trend, đang bận không có thời gian cãi chửi nhau. Tuy nhiên cái vụ việc này không phải chuyện tầm phào vài hôm sẽ qua đi, tôi thích tiếp tục theo dõi.

Một điểm thú vị mà tôi quan sát thấy, là trong số friend facebook của tôi, một số bạn từng nhảy cồ cồ ý kiến và share và cãi nhau ầm ĩ trong một số vụ việc trước đây (sau đó bị việt vị tẽn tò), lần này không thấy ý kiến mấy. Có thể các bạn đã kinh nghiệm rồi. Mấy bà mẹ trong phim Hàn đã dạy đi dạy lại chúng ta, là đừng có nhẩy lên vội, từ từ suy xét, để cơn bức xúc qua đi. Bức xúc không làm ta vô can, nhưng mà khi ta hết bức xúc thì hóa ra vô can thật. Nói tóm lại là nên thiền một tí, phật pháp một tí, chữa lành một tí, và nhân ái một tí.

Có hôm Jesus đi nhậu về, thấy đám đông đang hò hét đòi ném đá một người phụ nữ phạm tội, mấy bạn nhậu hỏi ý kiến Jesus. Jesus thủng thẳng bảo, mấy thằng chúng mày, cả bọn kia nữa, đứa nào trong sạch không tội lỗi thì cứ lấy đá mà ném cô ta. Jesus hoành, ai cũng nể, nên thôi cả mấy thằng bạn lẫn đám đông không ai ném người đàn bà nữa. Tản đi hết cả. Còn lại Jesus và người đàn bà, cô ta cảm ơn Jesus. Ngài nói, thôi cô về đi, sau này đừng phạm tội nữa. (Trích láo Tân ước đọc lâu không nhớ cụ thể).

Ở đây có 2 chi tiết hay, một là lời của Jesus quá hay ai cũng nhớ, còn hai là lời dặn của Ngài, sau này đừng phạm tội nữa. Jesus đoán rằng, chắc là đúng thôi, không có lửa sao có khói, rằng người đàn bà đã phạm tội nên mới bị đấu tố. Ngài bảo vệ cô ta bằng luân lý và dẹp đi cái độc ác của người đời, nhưng Ngài cũng căn dặn cô đừng tiếp tục phạm tội, nếu như, cô đã phạm.

Ở vụ việc Nhã Nam, cho đến nay vẫn không có thông tin cụ thể về mức độ của hành vi (được bên thứ ba cho rằng) quấy rối tình dục. Có thể có, có thể không, có thể rất kinh tởm, có thể chỉ hơi kinh. Thế mà cả cộng đồng mua sách (đọc hay không thì không biết) nhảy lên ném đá nhân vật chính và muốn ném chìm cả doanh nghiệp. Để trừng phạt ông giám đốc, họ còn đòi tẩy chay cả nhà sách và những cuốn sách. Họ không muốn ông chủ ấy vẫn tiếp tục kiếm được tiền từ làm sách. Nhưng đồng thời, họ sẽ làm phương hại đến những người lao động trong doanh nghiệp ấy, cả những tác giả, những dịch giả, và cả những người đọc khác.

Ở nhiều vụ việc khác, người ta ồn ào lên rằng phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Ở vụ việc này, nhiều nhiều những ý kiến cho rằng QRTD là rất khó có bằng chứng, là nạn nhân rất khổ sở và cần được bảo vệ… Thế cứ hễ ai bị tố là treo người ta lên ngọn cây luôn sao. Đáng lý ra, cách bảo vệ nạn nhân tốt nhất là đấu tranh trực diện, công khai. Bị quấy rối chứ có phải bị hiếp dâm đâu mà ngại. Sự công khai và trực điện đấu tranh, sẽ khiến cho những nạn nhân khác ở đâu đó thấy rằng, cứ chửi bỏ mẹ thằng quấy rối đi, có trăm triệu người ủng hộ. Bọn quen thói quấy rối cũng sẽ lấy làm sợ hãi, e dè, thôi chịu khó đóng vai lịch thiệp lành hơn.

***

Tôi bàn tán với vợ về vụ này, con gái 13 tuổi dỏng tai lên nghe lỏm, rồi hỏi, chuyện gì thế ạ. Tôi bảo thẳng, một ông người nổi tiếng bị tố cáo quấy rối tình dục. Nó đã được dạy chuyện đó là chuyện gì, cười cười hơi xấu hổ. Tôi bảo, nếu có đứa nào quấy rối con, cứ hét to lên và chửi bỏ mẹ nó đi. Nhìn mẹ đấy, đanh đá như thế, làm gì có thằng nào dám.

Về chuyện quấy rối và ghẹo gái, phải kể chuyện anh bạn thân hồi cấp ba của tôi. Năm ấy cũng đã chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 rồi, anh ngồi vắt vẻo trên con cuốc ghẻ trước cổng trường, xung quanh có bọn tôi và vài bạn nữ trong nhóm. Một cô bé xinh xẻo đạp xe qua. Anh cợt nhả gọi, em ơi em xinh thế, dừng lại đây đi. Cô bé kia không thay đổi tốc độ đạp xe, chỉ ngoảnh mặt sang nhìn thẳng vào anh, chửi to dõng dạc vang vọng  cả con đường vắng “ĐM thằng mặt L”. Vãi đái gái Hà Nội. Bọn tôi cười hô hố, mấy cô bạn gái thì cười ha há xong ra hỏi là trêu gái vui thế đợi xem có em nào qua trêu tiếp đi. Anh bạn tôi từ đó trở nên lịch thiệp, không bao giờ trêu ghẹo các bạn nữ, nhậu nhẹt cũng không đùa tục tĩu bao giờ, không pha trò phiếm chỉ tình dục, vân vân… Không chỉ anh ấy mà mấy thằng bọn tôi cũng được học bài học lớn.

Chuyện giai gái là thiên kinh địa nghĩa, phân tích phức tạp thì vô cùng nhưng nói gọn lại cũng chỉ có một chuyện. Biết bao nhiêu luật lệ, luân lý và đạo đức chỉ để quy định người ta hành xử phù hợp với xã hội, cụ thể là xã hội hiện hành. Mọi luật lệ, không chỉ riêng luật về giai gái, cũng đều như cái đèn đỏ ở ngã tư, người thì tuân thủ người thì ngó quanh không có công an là vượt. Có người tuân thủ đèn đỏ tuyệt đối nhưng lại vi phạm nồng độ cồn, hoặc lái xe lấn làn. Ranh giới giữa các mảng màu là rất mong manh. Bóng đá còn phải có VAR không thì cãi nhau òm tỏi. Có VAR rồi dường như lại bớt đi sảng khoái. Nhưng rõ ràng minh bạch vẫn tốt hơn, việt vị chỉ một ly cũng là việt vị, đành chấp nhận.

Nếu người ta cứ quan niệm rằng QRTD là rất khó xử lý, không thể bắt vạ được thủ phạm, không thể đấu tranh công khai thẳng thắn, thì chỉ có cách là đấu tố. Hoặc tệ hơn, là biết không bắt vạ được vì thiếu bằng chứng, thì đấu tố tùy tiện.

Thế tốt nhất là chúng ta cứ theo các cụ ngày xưa, đến tuổi thì cha mẹ kiếm bà mối, xong hai bên thấy hợp lý, thì ký kết hợp đồng, cả làng cả tổng chứng kiến, rồi động phòng hợp cẩn. Khỏi đầu mày cuối mắt, khỏi tán tỉnh tà lưa, khỏi ném đá dò đường, khỏi băn khoăn cân đong tình ý đối phương. Thế là cũng chẳng có chuyện tình nào cả, các nhà thơ hết tứ để gieo vần, các nhà văn hết chuyện éo le để kể, nhà sách cũng vì thế đóng cửa luôn. Nếu không có chuyện giai gái tình tứ yêu-ghét lộn xộn chả biết đâu mà lần, văn chương tiêu tùng là một chuyện, mà người ta cũng chẳng cần đọc sách self-help hay làm giàu làm cái gì. Không yêu đương gì không cần cạnh tranh gì với thằng nào, thì ngủ với chơi game chứ phát triển với làm giàu làm cái khỉ gì.

Vài dòng giải trí, cũng không được logic mấy. Cơ bản là giờ tôi ngồi trong hang, cả ngày không ra đường không gặp ai, an toàn. Tuy vậy mỗi sáng chở vợ đi ăn sáng, cũng vẫn phải rất cân nhắc đoán xem hôm nay cô thích ăn phở hay ăn bún.

Written by Tequila

April 22, 2024 at 4:27 am

Posted in Linh tinh

Một lát cắt

leave a comment »

Lại một trận thua to, siêu hậu vệ tự phong mắc lỗi trực tiếp dẫn đến hai bàn thua, dù còn lại thì chơi khá ngon. Thôi thì cũng cắt được nhiều quả và có một pha tước bàn là để cho thằng tiền đạo trẻ trâu đối phương hiểu rằng bóng đá mà cứ hùng hục cậy trâu như thế chỉ có ăn đòn, anh mày, à chú mày, hồi trẻ con bị đánh nhiều rồi.

Dạo này cứ khuya là thèm viết, ước lượng thời gian và năng lượng suy nghĩ không đủ để viết cái của mình, nên đành bỏ đó để phần mềm chạy nền nó xử lý dần. Viết là một việc rất tốn năng lượng và đòi hỏi không có ruồi. Để viết một đoạn, mình sẽ phải cần một chút thời gian để dẹp hết các vấn đề hiện tại hiện sinh, rồi thả mình vào một không gian khác, trở thành nhân vật và hành động nói năng như nhân vật. Nếu không, nó sẽ giả tạo ngay, hoặc chỉ viết ra những thứ nhàn nhạt làm dáng. Vậy nên blog nhiều cho nó đỡ thèm.

Hôm nay đá bóng về, công việc tạm thời tiến độ khá ổn, mai tính tiếp. Cắt một lát lấy vui.

***

Bá Đa Lộc ngồi trong căn phòng mình, trên gác hai của tu viện, bên ngoài trời đổ tuyết. Paris mấy năm nay mùa đông nhiều tuyết. Trong nhiều năm ông cứ nhớ tuyết và cái lạnh, nhưng bây giờ ông thấy nó xa lạ, ông lại nhớ cái nóng nực của miền nhiệt đới. Ông thấy ông thuộc về cái xứ đó, nhiều hơn là tổ quốc của mình quê hương mình.

Giờ này thằng bé đang ở trong giờ học toán, nó khá thông minh nhưng không xuất sắc về môn gì cả, được cái nó ngoan đạo và kính Chúa. Nó có thể được dạy dỗ để trở thành một linh mục, quản một xứ đạo nhỏ ở Đàng Trong, đấy là nếu như nó có một tương lai yên bình mà buồn thay chắc sẽ không bao giờ có. Ông thường kể với nó về mẹ nó, về cha nó. Nó đã bị bứt ra khỏi họ từ khi nó quá nhỏ, rơi vào vòng tay của ông, nó không có mấy ký ức về họ ngoài những gì ông kể. Một phần trong ông muốn nó trở thành một linh mục, hay cũng có thể quay về thế tục, cưới một cô vợ mà quản một ruộng nho, chính là cái đồi nho của gia đình ông thôi. Một phần khác mạnh mẽ và thực tế hơn, ông biết rằng ông phải dẫn nó về với nơi nó sinh ra, nơi nó thuộc về, và cũng là nơi mà ông thuộc về.

Thằng Cảnh là vị hoàng tử Châu Á thứ ba của ông. Vị hoàng tử đầu tiên, một cậu bé khôi ngô, thông minh, một hoàng tử Xiêm. Ông đã từng dạy cho cậu ta học, chăm cho cậu ta bữa ăn giấc ngủ, bảo vệ cậu ta. Thế rồi người ta trói ông bỏ ngục, cậu hoàng tử bị bắt đưa về quê nhà, và bị xử tử. Vị hoàng tử thứ hai, Nguyễn Vương – Nguyễn Phúc Ánh, ông tìm ra khi mới cậu ta mười lăm tuổi, cũng bằng mọi cách bảo vệ cậu ta. Rồi cậu ta trở thành Nguyễn Vương, và rồi đại bại chết hết anh em, lang bạt lưu vong. Vị hoàng tử thứ ba này, cậu bé mà ông đang như thể là cha của nó, là con của Nguyễn Ánh, thì lưu lạc với ông về tận nơi đây.

Ý Chúa, mọi việc đều là ý Chúa, nhưng ông đã làm sai ý Chúa điều gì. Ông nuôi dưỡng một hoàng tử Xiêm, hoàng tử ấy bị xử tử. Ông hỗ trợ Nguyễn Vương, Nguyễn Vương thua tan nát. Ông đem con của Nguyễn Vương về Pháp, ký được hiệp ước với Vua Lois XVI, nhưng bọn cách mạng đang nổi lên và có lẽ Hiệp ước này sẽ thành giấy lộn. Bá Đa Lộc cảm thấy mình đã già. Chúa ở nước Pháp hiện hữu nhiều hơn nhưng lại dường như xa cách. Khi ông ở Đàng Trong xa xôi, toàn những dị giáo và tà đạo, Chúa lại gần với ông hơn. Chúa gọi ông ở đâu và muốn ông đến đâu?

Trong lòng bồn chồn, Bá Đa Lộc rời khỏi phòng mình, tới thánh đường. Ông ngồi xuống một cái ghế, giữa những hàng ghế. Ông nhìn lên tượng Chúa và cầu nguyện. Qua cả giờ chiều, những đồng đạo khác đến, rồi đi. Rồi ông thấy thằng bé Cảnh ngồi bên ông, cũng im lặng và cầu nguyện, lâu lâu sốt ruột liếc sang nhưng thấy ông cứ ngồi im nên nó lại ngồi. Trời đã tối từ bao giờ, mùa này trời tối sớm.

– Về thôi con.

– Vâng, thưa Cha. Thằng Cảnh nói bằng tiếng Pháp.

– Ừ, đi về nhà. Bá Đa Lộc nói bằng tiếng Việt – Về với cha mẹ con.

Nửa năm sau, với cái Hiệp ước giấy lộn trên tay, Bá Đa Lộc cũng thu xếp được với chính phủ, một con tàu chiến với hạm pháo hiện đại, một viên thuyền trưởng vốn là thuyền trưởng tàu buôn, hai viên đại úy pháo, và một kỹ sư xây dựng thành trì. Nửa năm sau nữa, ông về tới Đàng Trong.

Ngoại đề: Trong thời gian ở Pháp, (nằm ngoài khuôn khổ của entry này, Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đã có những gặp gỡ chất lượng với Thomas Jefferson, một (trong những) vị quốc phụ Mỹ và là tác giả chính của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, mà năm 1945 chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam. Duyên nợ của Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu từ đó.

Ngoài ra, theo nghiên cứu bá láp của tôi, Mozart, vâng chính là anh Wolfgang Amadeus Mozart vĩ đại,nhiều khả năng đã gặp Hoàng tử Cảnh. Trong một buổi chiều nào đó, Mozart uống rượu trong cung vua Pháp, trong lúc đuổi theo định chén một em nào đó, như anh vẫn thế, anh nghe được một người lính hầu gốc Đàng Ngoài hát câu dân ca ngũ cung. Về Mozart viết ra bản concerto số 26 mà chương 2 đậm màu Bèo dạt Mây trôi. Mozart concerto 26 (Coronation) – 2. Larghetto (Gulda) (youtube.com)

Đôi năm sau, vua Pháp Louis 16 bị anh em Cách mạng Pháp treo cổ. Một trăm năm sau, Pháp chiếm Việt Nam. Một trăm bảy mươi năm sau, Hồ Chí Minh và các chiến sỹ của ngài, trong đó có vị ông nội thần thánh của tôi và các anh em trai của vị ấy, chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng xong các vị bèn chả có gì đáng nói nữa.

***

Ngày 24/6/1789, Nguyễn Vương Ánh cùng vợ mình là bà Tống Thị Lan ra cảng Sài Gòn đón con.

Tôi đứng trên cầu cảng, hai bên hàng quân nghiêm trang cờ bay phấp phới, Lan đứng bên cạnh tôi. Từ khi trao thằng Cảnh cho Bá Đa Lộc mang đi, tôi và nàng đã đẻ thêm hai đứa con, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ còn như xưa nữa. Nàng chỉn chu, mực thước, xa cách. Tôi không dám hỏi đến lòng nàng nghĩ gì. Tôi là  Vương, nàng là mẫu nghi, cứ để thế đi.

Tôi thấy Bá Đa Lộc bước lên, lão trông già hơn, nhưng vẫn là lão. Tôi sửa sang lại tư thế, mặt tôi lạnh đi, che giấu niềm xúc động. Lão cha cố ấy như là anh tôi, như là chú tôi, tôi muốn chạy tới ôm lão. Nhưng lão cũng sửa sang tư thế, bước đi của lão dõng dạc, lạnh nhạt, lão đến gần tới chúng tôi. Đằng sau lưng lão là một chú bé, thằng Cảnh con tôi. Tôi nhìn thẳng vào mắt lão. Lão vái chào tôi, sau lưng vẫn là thằng bé.

– Nguyễn Vương vạn tuế – lão nói bằng cái giọng lơ lớ tôi bao lâu rồi mới nghe lại.

– Đức Cha bình thân – tôi nói.

– Đường xa muôn dặm, năm tháng gió sương, mừng vì Đức Vương vẫn khỏe.

– Ông thấy đấy, ta vẫn chưa chết. Tôi nói nhỏ đủ lão nghe – kiểu nói này tôi chỉ dành cho lão.

Lão lùi lại một bước, rồi đẩy thằng bé ra trước. Tôi nhìn nó, cố tìm ra điểm gì thân quen ở thằng bé. Thằng bé vái tôi, không nhìn lên, “cha”, rồi nó ngập ngừng nhìn sang Lan, “mẹ”. Lan òa tới muốn ôm lấy nó, “con ơi”, thằng bé bất giác lùi nửa bước chân. Lan sựng lại, rồi nàng xoa đầu nó, nắm tay nó. Nàng nói “con lớn quá”. Thằng bé ngoan, nhìn mẹ, rồi quay sang nhìn Bá Đa Lộc. Lão cha cố gật đầu khích lệ nó. Hai mẹ con nắm tay nhau vòng về phía sau tôi, cái xe với bọn lính đang chờ.

Bá Đa Lộc vẫn chưa ngẩng đầu lên nhìn tôi. Tôi hạ lệnh cho bọn túc hạ, “ đưa Đức cha về nghỉ”. Lão cha cố vẫn cúi đầu. Tôi bảo lão, “ông về nghỉ đi, tối dùng bữa với ta”, rồi tôi lên xe. Hai hàng lính lục tục chạy, cờ bay phấp phới, xe tôi đi trước, xe của vợ con tôi theo sau. Người đánh xe nghiêm cẩn ngồi, tôi cách anh ta một bức màn mỏng. Tôi nhìn trái nhìn phải, không ai liếc mắt sang tôi. Tôi nhìn về phía sau, cái xe của vợ con tôi đi cách mười thân ngựa. Vào lúc ấy, tôi hiểu rằng tôi đã xa nó từ cái hôm tôi giao nó cho lão cha cố và sẽ là xa nó mãi mãi.

Những năm sau này, tôi vẫn để nó ở cùng lão cha cố. Năm năm sau, tôi lập nó làm Đông cung thái tử, phong Nguyên soái quận công, giao hai lão Tống Phúc Đạm và Trịnh Hoài Đức dạy dỗ nó. Mười năm sau, nó chết vì bệnh đậu mùa. Tôi không bao giờ tha thứ cho bản thân mình, và Lan không bao giờ tha thứ cho tôi.

Về sau, khi ở cuối cuộc đời mình, đôi khi tôi khi tự hỏi tất cả những chuyện này có ý nghĩa gì, câu trả lời chẳng có gì cả ngoài một cung điện rộng toang hoác, Bá Đa Lộc chết đã lâu, hết chiến tranh rồi thằng Thành thằng Duyệt cũng ở nơi xa lắc. Muốn gọi bọn chúng về uống rượu để xem chúng châm chọc nhau, thì cũng không thể, chúng là quan lớn một phương, tôi là hoàng đế. Đến cả bóng ma của Nguyễn Huệ cũng không còn xuất hiện. Đêm tôi lại hay mơ tới phủ thái tử của cha mẹ tôi, khi buổi sáng tôi quẹt mắt thức dậy, thấy các anh đang tập võ ngoài sân. Thức dậy chỉ nghĩ giá mà cuộc đời cứ êm đềm như tuổi thơ ấy mãi.

***

Năm ngoái tôi đi viếng mộ Gia Long, lúc tôi vào khu mộ vắng vẻ chẳng có ai, tôi thắp hương cho ngài và bà Lan vợ ngài, hai ông bà là hai ngôi mộ nằm cạnh nhau. Khi trở ra, đột nhiên một tiếng chim oác oác bay ngang lưng trời dựng cả tóc gáy. Tôi nghĩ ngài ra dấu phù hộ cho tôi để tôi viết về ngài.

Bằng chứng là dù muốn hay không, thì những công ty mà tôi muốn gửi thân ăn lương đều tèo dần đều cả, thế là tôi thất nghiệp ở nhà, và chỉ chú tâm cho công việc mà tôi làm hiện tại, một công việc khiến tôi chả phải đi đâu ra khỏi nhà cả. Thôi xin ngài phù hộ, con chả cần nhà to xe đẹp, chỉ cần đủ tiền cho trẻ con ăn học, à với cả có tiền mua cafe nữa, à tiền uống bia nữa ạ.

Written by Tequila

April 16, 2024 at 3:52 am

Posted in Linh tinh

Bơm xe phát ông ơi

leave a comment »

Hôm qua gần trưa, tôi chở vợ đi ăn sáng muộn rồi uống cafe. Trên đường về thấy người ta túa ra phố phường để ăn trưa, những người đàn ông và những phụ nữ trong trang phục công sở, ngồi ở những hàng cơm, hàng bún đậu, hàng lòng… chợt thấy kỳ lạ và phải cố một chút mới tưởng tượng lại việc mình mặc đồ tây kẻng bong hàng ngày đi làm ngân hàng. Những chiếc sơ mi phẳng lét trong tủ quần áo, lâu không dùng tới, đã phủ một lớp bụi mỏng.

Không phủ nhận rằng những năm tháng cổ cồn ấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhất là về các quy trình quản lý và khả năng tưởng tượng ra một hệ thống công nghệ chạy xuyên suốt như một hệ thống thần kinh của cơ thể doanh nghiệp. Thế nhưng phải nghĩ lại rằng, nếu người ta không cho tôi lên quản lý quá sớm, và tôi không có những hãnh tiến mà tất nhiên ở tuổi ấy người ta phải có, để chậm lại chừng ba năm thôi, thì tôi đã có thể phát triển thành một tay chuyên môn cứng cựa và sẽ có ích nhiều hơn cho cả tôi lẫn cho tổ chức mà tôi đã cống hiến bao năm mà thành tựu không có mấy.

Đấy là nghĩ thế thôi, chứ tôi biết là nếu có đảo ngược thời gian, thì sự thay đổi duy nhất tôi có thể thực hiện, là lười biếng theo một cách khác và ngu ngốc theo một cách khác.

Trong blog này tôi ít khi nhắc tới công việc, chẳng có gì đáng nói. Tuy vậy hiện nay tôi cảm thấy vui và khá ngạc nhiên với việc tôi làm bây giờ. Chỉ một năm trước đây, tôi chưa từng viết một dòng code nào, dù làm việc về công nghệ bao nhiêu năm. Tôi chỉ làm về hệ thống, chưa kịp tinh thông thì đã chuyển qua chỉ viết email với đi họp. Thế mà trong một năm trở lại đây, đống code mà tôi viết ra không biết nếu in ra giấy thì đã dày tới thế nào. Một doanh nghiệp sản xuất và phân phối cả B2B và B2C đang hoạt động trên hệ thống dữ liệu và những apps mà tôi một mình viết ra, dựa trên bộ công cụ khủng khiếp của Microsoft.

Tôi nhốt mình trong cái hang này, chẳng cần một quyết tâm nào, ngày ngày lọ mọ làm, như chơi một cái game lớn cứ vài ngày lại qua được một màn. Dù không, chưa, có thời gian để viết hay làm nhạc, nhưng mọi thứ đều liên thông với nhau. Trong lúc làm việc, thì một phần mềm thường trực trong đầu vẫn cứ chạy. Thời gian chạy nền ấy sẽ lắng đọng đi những cái màu mè hoa hoét, những gì đến nó sẽ đến.

Nhốt mình trong phòng làm việc, tôi cảm thấy hạnh phúc và yên tĩnh, kiểu trong truyện chưởng có những thằng cao thủ trong tuyệt cốc vậy. Cứ ở trong tuyệt cốc lâu tự khắc thành cao thủ, vì ở trong tuyệt cốc luôn luôn có con rắn, con bọ cạp, hay bông hoa gì đó, ăn vào tự nhiên nội lực tăng bộ phần. Trong tuyệt cốc của tôi đang có hai cái bánh sừng bò, để ăn phát.

***

Mỗi ngày thức dậy, nếu mà đêm trước được ngủ đầy đủ, tôi đi oánh răng rửa mặt và thưởng thức tuổi trẻ của mình. Phải, tuổi trẻ, dù tôi đã 45 tuổi. Cảm nhận cái sảng khoái trong hơi thở nhịp tim, cái đầu nhẹ bỗng trong veo veo không có stress dù cày như trâu đêm ngày. Cảm nhận những bắp thịt của đôi cẳng chân vẫn rắn chắc, Đức trâu siêu hậu vệ cánh bóng bay đến đâu người lao tới đó.

Của đáng tội là siêu hậu vệ cánh giờ đã chuyển về đá thòng cho nó nhàn. Phét tí, chứ hôm trước vừa gặp đội trẻ trâu hơn 20, toàn thằng nhanh khỏe khéo. Có thằng nó lắc qua đảo lại như rang lạc, làm mình cũng phải đảo theo. Không bị nó đi qua nhưng đá xong trận đấy thì nhức cổ chân trái tới mấy ngày, mấy thằng ranh làm mình phải đảo trụ quá nhiều, chúng mày làm anh, à chú, nhớ ra tuổi tác của mình. Có lần ở sân bóng, có thằng hỏi, anh bao nhiêu tuổi rồi. Thế à, anh lớn hơn bố em hai tuổi.

Những ngày này trung tâm của tôi là bọn trẻ con. Dạo này chúng có nhiều thay đổi, thằng lớn thì sắp thi cấp ba, con bé thì dạo này mê mải chơi piano, còn thằng bé con thì biểu hiện rất nhiều tình cảm đa dạng và nói nhiều hơn, tất nhiên vẫn nói song ngữ. Có những điều làm mình hài lòng với chúng, có những điều khác thì không, thế nhưng tựu chung lại thì việc nhìn quá trình chúng lớn lên là một điều đáng giá của cuộc sống. Cuộc sống của chúng không chỉ là của chúng, còn là của mình, mình vừa là một thằng trẻ trâu bốn mấy tuổi, vừa là một thằng trẻ trâu mười lăm, đôi khi lại là một con bé mười ba, và thường xuyên là một thằng ba tuổi.

Hè này, thằng lớn thi xong, tốt xấu mặc dầu, tôi sẽ bắt nó tham gia một dự án với tôi. Hai bố con tôi sẽ dọn dẹp cái tầng mái nóng nực này, gọn lại các giá để đồ cũ, trải nền, làm thành một cái Dojo. Chúng tôi sẽ tự tay làm một con mộc nhân, mặc cho nó bộ áo samurai, để vung kiếm tre tẩn nó hàng ngày. Dạy cho một thằng bé trai sắp lớn cách cưa đục, khoan, vít… sẽ là một niềm vui. Dẫu tôi làm những thứ này không được giỏi, không sao, những thứ đó thằng giai không nhất thiết giỏi mà cần biết làm là được. Một thằng đàn ông sẽ luôn cảm thấy vững chãi, nếu nó có thể làm những việc giản dị mang tính bản năng như các cụ nó ở trong hang đá đã làm, là làm những thứ nho nhỏ giản dị xung quanh mình để tồn tại không cần người khác cứu vớt. Một cái ghế băng xấu xí, một cái bàn khòng khoèo, mấy cái đường điện kém thẳng thớm nhưng gọn gàng và an toàn, trồng được mấy cái cây cho nó sống, dạy con chó úp mặt xuống khi xin ăn, đi xe máy, lái ô tô… Thằng bé còn ngỏ ý, lên cấp ba nó muốn chơi bóng đá. Trước tôi bảo nó đi chơi nó không đi. Nó thay đổi ý kiến vì một ông bạn, ông anh của tôi, có lần lôi được nó ra sân đá với bọn trẻ con cùng tuổi, và khen nó rằng, nếu cháu mà chơi bóng thì sẽ hay hơn thằng bố cháu. Nếu nó đi tập bóng và tôi có thể chỉ cho nó một ít, tôi sẽ rất vui. Tôi sẽ dạy cho nó môn võ bóng đá, cái thời khắc để mình xoạc quả bóng, cách đỡ đòn khi người ta cùi chỏ vào mõm mình, hay tiện tay vỗ hạ bộ mình, dù gì bố mày đây cũng là cao thủ, tuy đá thì như hạch nhưng giỏi võ.

Thế rồi năm, mười năm nữa, bọn chúng lớn lên và bay xa. Vợ tôi nói, chúng ta sẽ về ở một chỗ nào yên tĩnh. Tôi đồng ý với cô. Nhưng tôi thầm nghĩ, có lẽ tôi đã khác với những mơ mộng hồi trẻ hơn, là sẽ sống ở trên một triền núi hay ở một làng chài. Tôi nghĩ có lẽ sau này tôi sẽ thích sống trên một căn gác nhỏ nào đó ở giữa các phố Hàng.

Mà có lẽ, tôi sẽ thích tóm gọn những vật dụng mình cần, cái máy tính, đôi cặp loa, hai cái đàn, sao cho có thể xếp chúng vào sau một cái cốp xe. Tháng này tôi ở Hà Nội, tháng sau tôi ở trên núi, tháng sau nữa tôi ở làng chài. Chúng tôi có đủ chỗ để có thể tránh được đám đông. Và cái xe bán tải chở đồ của tôi, có thể lúc chỗ này lúc ở chỗ kia, nhưng sẽ vẫn ở trên cái dải đất hình con giun đầy những vấn đề này mà thôi. Vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc, hay con người… của nơi này nơi nọ, có thể làm tôi choáng ngợp và thán phục, nhưng tôi chỉ cảm thấy xúc động khi nhìn cảnh đẹp của đất nước mình, khi mình đứng trên mảnh đất thấm đầy máu của những thế hệ trước, léo xéo tiếng nói của những người đồng bào ít khi thấy ưa.

Tình yêu đất nước là chỉ là thứ bọn nó dõng dạc giơ nắm đấm lên trời khi cần anh em cầm giáo gươm, nhưng sự gắn bó với mảnh đất nơi cái bộ lạc của mình sinh sống, thì lại có thật. Sự huễnh hoãng khi bốc phét về những con đường đã đi có thể là cái khoa trương, nhưng tình cảm của mình với chiếc xe máy, chiếc xe ô tô lái mòn cả vô lăng, thì là có thật. Tình cảm gia đình có thể là cái thứ nhàm chán bọn nó lải nhải khắp nơi, nhưng bát cơm động viên ông già ăn, lời khen khi ăn món ăn vụng về mà đứa bé lần đầu nấu, lại là có thật. Tình yêu đôi lứa đẹp trên phim, cũng đẹp trong đời thật, dù bị pha loãng và bị làm xấu xí đi bởi vô vàn điều hay dở, song sự gắn bó với người đàn bà đã đẻ ra và cùng ta nuôi nấng tới mấy đứa con, cuối tháng vét sạch tiền cho chúng đi học này đi chơi nọ, em còn tiền không bắn anh ít, em hết rồi, lúc sau lại thấy ++ trong tài khoản… thì người ta vắng nhà vài hôm lập tức thấy cái ngôi nhà này rộng như cung điện của một Sultan.

***

Cái xe máy điện non hơi, vợ bảo bơm nó đi, mấy ngày sau vẫn non hơi, mãi rồi tôi mới mới chịu bơm.

Nhà tôi ở đầu này sân vận động, bên kia sân vận động là nhà Lào, tức là KTX của anh em sinh viên Lào và một số sinh viên ngoại quốc khác, tới lễ tết của họ là múa may ồn ã mấy ngày. Bên bức tường của nhà Lào, có hai cha con làm nghề sửa chữa vặt xe đạp xe máy, chiếm lĩnh một khoảng vỉa hè. Người cha khỏe mạnh và phương phi, nhưng lúc nào cũng cau có và u buồn. Người con thì khoèo tay, ngớ ngẩn, mặt mũi xấu xí nhưng lành hiền, lúc nào cũng ngồi bên cạnh người cha, khi có khách vá xe thì lật đật bưng chậu nước bằng đôi cánh tay khoèo của mình, nhúng cái săm xuống, tìm những bong bóng hơi. Anh con trai trạc tuổi tôi, hoặc trẻ hơn vài tuổi, hoặc già hơn vài tuổi. Tôi vá xe ở chỗ họ nhiều lần.

Một ngày kia, người cha qua đời, hay là sao đó, không còn ngồi bên tường nhà Lào nữa, chỉ còn anh con trai. Xong lại chẳng thấy đâu, tôi cũng không để ý tới nữa. Bỗng một ngày đi qua, chợt thấy mọi thứ vẫn như xưa, vẫn bộ đồ nghề ấy, vẫn hai cái ghế, nhưng chỉ có anh con trai ngồi, mặt vẫn thế không hiểu là cười hay mếu, bó gối nhìn ra đường. Mai bơm xe thôi. Nhưng mai không thấy anh ta, ngày kia cũng không thấy,… cuối cùng tôi phải tự bơm khi cái lốp xe đã dẹp lép. Đợi mấy hôm mà không thể, ây ông ơi bơm xe phát, ờ ờ, ô,..ô k..kê.

Tôi tưởng như mình cũng như anh khoèo, dù tôi sống cuộc đời khá là nhiều linh hoạt của mình, nhưng rốt lại thì cũng luôn chờ một sự kiện gì đó xảy ra mang đến thay đổi cho một ngày hay cho mười năm tới, một người khách dừng cái xe, bơm phát ông ơi. Điều rốt lại tôi hiểu ra, rằng ngày mai sẽ tới, kiểu mẹ gì nó cũng tới hễ mình còn thở, dù cả ngày chẳng có người khách nào dừng lại. Ngày mai kiểu gì cũng tới dù ngày mai ấy có thể không như mình muốn, thường khi nó chẳng như mình muốn.

Có một người khách, may lắm thay, đã dừng ở quán bơm vá xe của tôi. Này có bơm không ông ơi, bơm, bơm.. ờ, ô..ô.. kê. Và tôi đang bơm xe bằng tất cả niềm vui của mình. Tôi bơm một cách chỉn chu, phấn khởi, tận hưởng từng nhát bơm, cảm thấy từng bọc phân tử khí bị nén xuống bởi cái pít-tông và tuôn trào vào cái lốp đang ngày một căng và nặng.

Written by Tequila

April 14, 2024 at 4:45 am

Posted in Linh tinh