Teq's Blog

người nghệ sĩ già trên căn gác nhỏ

with 10 comments

 

 

Người nghệ sĩ già trên căn gác nhỏ

 

Để cắt nghĩa thế nào là cuộc sống
Ta đằm mình như trái ớt giữa chén tương
Càng dằm nát càng cay càng tơi tả
Rồi hít hà cười khóc với yêu thương (*)

Người Nga tầm hai mươi tuổi, tóc vàng buông dài, gương mặt xương xương. Anh ta mặc áo phông trắng, quần bò chất mịn, đi giày trắng, chơi bản Lịch sử tình yêu. Tôi thường thấy những người chơi vĩ cầm giống như anh ta, nếu rời cây đàn ra thì anh ta gầy guộc và mỏng manh yếu đuối. Nhưng khi cầm cây vĩ cầm lên, thì anh ta có một sức mạnh nào đó đủ sức sai khiến tất thảy. Tôi bỏ mấy đồng tiền vào cái hộp đàn anh đặt dưới chân, rồi đứng vào một góc, tựa lưng vào tường và lắng nghe, để cho anh ta dẫn dắt mình đi, đến bất cứ đâu, đến một nơi nào thuộc thế giới này hay không thuộc thế giới này. Đám đông nhiều người từ bỏ sự vội vã, dừng chân đứng lại. Một bà già xách cái túi cáu bẩn đứng cạnh tôi, chốc chốc lại nhìn sang tôi mỉm cười, “tuyệt vời quá phải không?”. Người đàn ông đối diện tôi một tay ghì lấy đứa con gái, một tay dịu dàng quàng qua vai vợ mình, rồi họ hôn nhau. Đứa bé gái nép mình vào cha nó, im lặng mắt tròn xoe, đôi mắt tròn và trong veo của tuổi thơ. Hồi trước chắc đôi mắt tôi cũng tròn xoe và trong veo như thế.

Hồi tôi mười hai tuổi, mắt tròn xoe và trong veo, tôi hỏi ông:
– Thầy ơi. Tại sao khi về già Beethoven bị điếc mà vẫn sáng tác được nhạc?
– Ông ấy là một thiên tài. Nhưng cháu ạ, ông ấy viết nhạc và nghe nhạc bằng trái tim. Âm nhạc chính là nụ cười và giọt nước mắt của con người.

***

Tôi chuẩn bị lên lớp 6, mẹ hỏi “có thích học đàn không?” Tôi gật đầu. Hồi nhỏ tôi luôn nghe lời. Thế là một buổi sáng chủ nhật, mẹ đèo tôi đến Cung thiếu nhi. Đến nơi, lên tầng bốn, mẹ đưa tôi vào một căn phòng nhỏ, chỉ đủ kê một cái bàn và hai chiếc ghế băng, tường phun vữa nhám để cách âm. Có một vài đứa trẻ khác đang ngồi trong lớp. Còn thầy tôi là một ông già thấp bé xấu xí. Như mọi đứa bé ngoan, tôi ngồi xuống và im lặng chờ đợi.

Lát sau ông đưa cho tôi một cây guitar bé nhỏ, loại dành cho trẻ con. Ông cầm tay tôi đặt lên phím đàn, và bảo tôi gảy thử, một âm thanh vang lên.
– Kêu rồi đấy! Giỏi quá, có khiếu đấy.

Rồi ông quay sang nói chuyện với mẹ, để bà mỉm cười sung sướng trước khi ra về. Mãi về sau này tôi vẫn cảm ơn cái lời khen đầu tiên của ông dành cho tôi, “kêu rồi đấy”. Dẫu đó là một lời khen rất buồn cười, chỉ để khen trẻ con, nhưng tôi không bao giờ quên được. Nó bắt đầu cho những năm tháng đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ của tôi.

 

***

Hồi nhỏ, tôi luôn là một đứa bé ngoan. Một đứa bé ngoan, học tốt và không phạm một lỗi nào ở trường, thì một mặt nó được thầy cô giáo yêu mến, một mặt nó coi sự yêu mến ấy là nghiễm nhiên và chẳng hề có một tình cảm nào với họ. Nhưng tôi thật sự yêu mến và gắn bó với người thầy dạy nhạc của mình. Đến khi lớn lên thì tôi mới hiểu tại sao tôi gắn bó với ông đến thế. Ông có một tình yêu đặc biệt và lớn lao dành cho trẻ nhỏ. Ông nói với chúng tôi bằng ngôn ngữ của trẻ thơ nhưng lại với thái độ dành cho người lớn. Ông không bao giờ trách phạt, không bao giờ quở mắng. Ông làm cho chúng tôi thấy rằng, cây đàn là bạn chúng tôi chứ không phải là một gánh nặng.

Đó là một người đàn ông già cả, hồi đó đã hơn sáu mươi tuổi, thấp nhỏ béo bệu và xấu xí. Ngón tay ông ngắn ngủn thô kệch và nhuộm vàng vì khói thuốc. Một người chơi đàn nhưng những ngón tay lại xấu xí. Thế mà những ngón tay xấu xí ấy lại truyền cho tôi một tình yêu sâu sắc với âm nhạc, cứ thế yêu mà không hề cần những kiến thức sách vở, những định nghĩa khô khan (tại ông mà đến bây giờ tôi vẫn không thuộc hết các ký hiệu ghi trên bản nhạc, mỗi lần tập là phải tra cứu). Đó là một tình yêu hoàn toàn bản năng. Một lối học và một lối cảm thụ bản năng, thuần tuý bản năng như tình yêu mãnh liệt của một ngưòi đàn ông dành cho một người đàn bà. Hồi đó tôi cứ say mê nghe ông chơi đàn. Ông chơi với khả năng và trình độ amateur của một người chỉ đủ sức dạy đám trẻ đến nhà thiếu nhi để sinh hoạt hè. Thế mà nó tuyệt vời biết bao. Bởi vì nó nồng nàn và chân thực. Tiếng đàn phát ra từ một đôi bàn tay xấu xí, từ một người đàn ông xấu xí, hơn sáu mươi năm sống chỉ biết yêu thương và chỉ yêu thương mà không nhận được gì.

Một trong những lần miệng sặc hơi rượu và đến lớp, ông chơi cho tôi nghe một bản nhạc tuyệt vời. Ông chơi một lượt rồi ông hát lời tiếng Việt, tôi chỉ còn nhớ có mỗi một câu là “Chiếc là vàng theo gió nhẹ rơi. Sớm từ biệt với cuộc đời, cũng như một tình yêu đã chết…” Hôm đó ông hát rất hay. Sau đó ông còn kéo tôi sang phòng bên cạnh, nơi có đặt một chiếc piano, dạo đàn và hát lời tiếng Pháp. Rồi ông lại đưa tôi sang phòng khác, mượn violin và lại kéo cho tôi nghe chính bản đó. Ông nói với tôi:
– Đó là bài Lịch sử tình yêu. Khi nào cháu lớn cháu sẽ hiểu tình yêu là gì. Mà có khi cháu không bao giờ hiểu được, nếu cháu lúc nào cũng may mắn với tình yêu.

Tôi rất ấn tượng với buổi sáng hôm đó, nên cho đến giờ vẫn nhớ nguyên văn câu ông nói. Tối về tôi khoe với mẹ:
– Hôm nay thầy Hạnh chơi bài Lịch sử tình yêu. Tuần sau nhất định con sẽ bảo thầy dạy con bài đấy. Thầy đánh hay lắm, bằng cả pi-a-nô và vi-ô-lông. Nhưng mà thầy hôm nay buồn, chẳng dạy gì con cả.
– Ừ… Sáng mai mẹ dẫn con đến phố Nam Ngư ăn phở. Phở ở đó ngon lắm. Rồi mẹ con mình vào nhà thầy chơi thăm thầy. Thầy giáo của con sống một mình, không có vợ, không có con…

 

***

Bạn cùng lớp học đàn của tôi có nhiều. Tôi chỉ mang máng nhớ họ, vì nhiều đứa chỉ học hơn một tháng, hai tháng là bỏ không đi học nữa. Một phần vì chúng không thích, chậm tiến bộ, một phần vì hễ cứ tiến bộ là bố mẹ chúng chuyển cho chúng đi học ở nơi khác. Chỉ có tôi là suốt mấy năm trời, chủ nhật nào cũng đến với ông. Những lúc nghỉ giữa giờ, tôi thường hay sang lớp khác nghe bọn học đàn organ điện tử. Bản nào chúng nó chơi cũng hay. Có lần tôi hỏi thầy xem ông có chơi được organ không. Ông bảo có, nhưng nói tiếp:
– Nếu cháu thích thì cứ học. Còn ông thì không thích chơi, ông thấy nó nhạt nhẽo. Organ điện tử làm hộ mình quá nhiều việc. Nếu như mình được người ta làm hộ quá nhiều việc, thì mình không còn tự do nữa cháu ạ.
Thế là từ đó tôi coi thường bọn trẻ chơi organ điện tử, dù chúng chơi được nhiều bài hay hơn tôi, tôi vẫn sang nghe chúng chơi. Tôi luôn kiêu hãnh với cây đàn nhỏ bé và thơm mùi gỗ của mình, cây đàn mà để chơi một bản nhạc, tôi phải tự làm từ đầu đến cuối.

 

***

Một lần, tôi đến lớp với ngón tay cái bị sái, và kể cho ông nghe chiến tích của mình.
– Cháu đánh được một thằng. Nhưng lại bị hai thằng khác đến đánh. Cháu chạy được nhưng bị đau tay.
– Thế thì tập đàn làm sao được. Lần sau đừng đánh nhau nữa. Đánh nhau là không tốt, là hư.
– Nhưng cháu bị trấn lột.
– Thế à – Ông mỉm cười nhân hậu rồi nói tiếp – Dù sao đánh nhau cũng là không tốt. Cháu không nên thế.
– Thế hồi bé thầy có hay đánh nhau không?
– Có. Nhưng cháu đừng đánh nhau với đứa nào trước khi suy nghĩ xem có nhất thiết phải thế không.
Tôi nhớ đúng ngày hôm đó, ông dẫn tôi đi dạo chơi trên các phố, kể cho tôi nghe tuổi trẻ của ông. Ông chỉ cho tôi những chỗ mà ngày xưa ông làm một Vệ quốc quân chiến đấu sau chiến luỹ.

Thầy dạy nhạc của tôi cả đời chỉ là một nghệ sĩ phong trào, một nghệ sĩ của đường phố. Ông đã hát những bản anh hùng ca đằng sau chiến luỹ dựng bằng giường tủ hoành phi, trong những lối đi xuyên qua tường nhà của Hà Nội mùa đông năm bốn sáu. Ông đã từng chơi những bản romance nhẹ nhàng trong đêm trên chiến khu để nhớ về một người con gái, rồi khi tìm gặp lại trong ngày thủ đô chiến thắng thì người ta đã lấy chồng. Trong cuộc đời nghệ sĩ và chiến sĩ của ông, có lẽ nhiều lần những ngón tay xấu xí của ông đã run rẩy trong những khúc ca của tình yêu. Và chắc chắn cũng từng đấy lần, chúng đã thổn thức vì nỗi thất vọng chua cay. Không bao giờ ông có nổi một tình yêu trọn vẹn, không bao giờ ông có nổi một mái ấm cho mình. Ông chỉ có cây đàn, những bài ca và những con đường Hà Nội.
Thầy tôi, người nghệ sĩ già sống trên căn gác nhỏ phố Nam Ngư. Ông đã nhận được những gì từ cuộc đời này? Không danh vọng, không tiền bạc, không vợ, không con, sống một mình trong cuối thu của cuộc đời. Vậy mà tên ông lại là chữ “hạnh”. Chữ “hạnh” đó ông đem đến chia cho tôi, trong những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thơ tôi. Tôi gắn bó với ông cho đến tận năm hết cấp hai lên lớp mười, khi mà tôi có nhiều những mối quan tâm khác và thực tế ông không còn gì để dạy tôi cả.

 

***

Ngày hai mươi tháng Mười một năm kia, tức là sau bảy năm không gặp, tôi tìm gặp lại thầy. Trước khi đến, tôi muốn mua chút quà, nhưng cuối cùng chỉ đủ tiền mua bao thuốc và một chai nếp mới.

Phố Nam Ngư là một phố cũ của Hà Nội. Trong một khu phố như thế, cái ngách nhỏ như thế, nếu bảy năm trước cầu thang đã rêu phong thì bảy năm sau nó vẫn rêu phong, nếu bảy năm trước căn gác đã cũ nát thì bảy năm sau nó vẫn cũ nát. Tôi đi lên cầu thang, gõ cửa căn gác nhỏ. Người mở cửa chính là thầy tôi. Không kịp nhận ra khách là ai, ông đã vội vàng, quá mức vội vàng, gần như là hốt hoảng, thu dọn đám quần áo lăn lóc, đám sách báo cũ nát và những vỏ bao thuốc không biết nằm trên sàn từ đời nào. Rồi ông mới nhìn kỹ tôi, ông ngạc nhiên và rồi ông nhận ra tôi. Thật tội nghiệp, ông bắt tay tôi mà bàn tay run run, cái nắm tay mềm nhẽo của những ngón tay thô bủng và xấu xí tôi từng quen thuộc.

Ông không tiếp tôi trong căn gác của ông, mà kéo tôi sang căn nhà bên cạnh. Đó là nhà của người anh trai ông, một hoạ sĩ không tên tuổi và đã qua đời. Tôi vẫn còn nhớ những bức tranh treo trên tường, ngày bé tôi và mẹ đã từng ngắm chúng. Thầy gọi chị dâu, gọi cháu gái ra giới thiệu tôi, cứ như thể tôi là một người khiến ông có thể đem ra để lấy le. Và tôi có thể hiểu được cái nhìm đượm vẻ tò mò mà những người thân của ông dành cho tôi.

Khi còn lại hai thầy trò, tôi mở chai Nếp mới, rót rượu ra ly. Ông mỉm cười sung sướng. Bảy năm trước thầy tôi đã là một ông già, thì dĩ nhiên bảy năm sau ông vẫn là một ông già như thế, gần như không hề đổi khác. Chỉ có tôi là lớn lên. Không hiểu sao, tôi nhận thấy ánh mắt ông đầy ắp sự kính nể. Ông kính nể sự trưởng thành của thằng nhóc tôi ngày xưa, ông kính nể tuổi trẻ mà tôi đang có, hay ông kính nể thời gian?

Ông uống cạn ly rượu, không biết nói gì và lại nở một nụ cười hiền lành. Nụ cười ấy quá đỗi hiền lành. Sao tôi cứ nghĩ rằng, một nụ cười như thế luôn khiến cho một đứa trẻ thấy ấm áp vững tin, nhưng lại làm người lớn bỏ qua những gì ông nói.

Tôi nói một lời chúc mừng, và uống cạn ly rượu của tôi. Tôi chúc mừng ông nhân ngày 20-11, nhưng thật khác với những gì tôi quen nói. Tôi nói hệt như hồi bé mẹ dặn, “mẹ bảo em chúc mừng thầy nhân ngày nhà giáo”. Chỉ đơn giản có thế thôi. Đã bao nhiêu năm nay tôi không đến thăm ông, vì sao vậy? Trong khi ngày 20-11 năm nào tôi cũng bận rộn từ sáng đến tôi với những bó hoa và đi cùng chúng bạn, để mà đàn đúm vui chơi gặp lại bạn bè là chính. Tôi không đến với ông, trong khi tôi là đứa học trò ông yêu quý nhất, trong khi ông là người thầy rất đặc biệt đối với tôi. Ông là một con người đặc biệt. Mỗi một người trong chúng ta đều là một cá nhân đặc biệt.

Chúng ta luôn tự nghĩ thế về mình. Chúng ta tự hào vì chúng ta đặc biệt. Có điều chúng ta sẽ hết tự hào nếu cái đặc biệt, cái khác người ấy, lại là do một số phận kém may mắn áp đặt lên mình.
Tôi lại rót thêm rượu, và kể cho ông nghe về những trò quậy phá thời cấp ba và đại học với cây đàn. Ông sung sướng nuốt lấy từng câu chuyện của tôi, khi tôi miêu tả về những đêm trại không ngủ, những sân khấu thời cấp ba và đại học, những chồng loa, những ngọn đèn, những tràng pháo tay và những niềm vui không gì so sánh được. Đôi mắt ông long lanh bừng sáng một niềm hạnh phúc giản dị và ấm áp, niềm hạnh phúc khiến người ta cảm thấy xót xa vì nó giản dị quá. Chúng tôi tiếp tục uống với nhau. Rượu Nếp mới kể ra cũng thơm và ngon. Cần gì cứ phải là Remi Martin, cần gì cứ phải là Napoleon… Hai thầy trò chẳng thể uống hết được chai này. Thế nào ông cũng giữ nó lại. Rồi chẳng hạn có một người bạn già nào đó đến chơi với ông, thế nào ông cũng sẽ mang nó ra, thế nào cũng sẽ kể về tôi.

Tôi ra về khi chiều đã muộn, ông đã ngà ngà. “Cháu sẽ có một cuộc đời rộng lớn, cháu sẽ vượt qua những phong ba, cháu sẽ có một tình yêu khiến cháu vững vàng và can đảm”. Đó là một lời chúc phúc đẹp đẽ, do một người đàn ông già dành cho một người đàn ông trẻ. Nó sẽ đem lại may mắn vì nó quá chân thành và quá nhân hậu, tôi tin thế. Ông chia tay tôi trong niềm hạnh phúc. Mà chính niềm hạnh phúc đó của ông đã đem lại cho tôi một ngày hai mươi tháng Mười một đẹp đẽ nhất, trong mười bảy ngày hai mươi tháng Mười một tôi đã đi qua suốt thời gian cắp sách đến trường.

 

***

Tháng chín năm ngoái, tôi từ biệt tất cả để lên đường. Tôi theo cha về quê để tạm biệt họ hàng ở quê. Cha mẹ tôi tổ chức mấy bữa ăn để tôi chia tay với người thân. Bạn bè anh em tổ chức 3 bữa nhậu lớn và vô số các bữa nhậu nhỏ để chia tay tôi. Tôi đã có những kỷ niệm đẹp đẽ vô cùng với người con gái của mình “để anh ra đi mà sẽ không quên em và quay trở về với em”. Trước khi đi, tôi đã kịp đến chia tay từng con đường mà tôi yêu. Chia tay cả với từng quán cóc, từng góc phố vỉa hè mà tôi xiết bao gắn bó… Thế mà tôi không kịp đến từ biệt ông, người thầy, người ông, người bạn vong niên già cả yếu đuối của tôi. Tôi không đến chào ông, người nghệ sĩ già sống trên căn gác nhỏ phố Nam Ngư.

Ngày hôm nay, người Nga hai mươi tuổi mặc áo phông trắng, quần bò chất mịn, đi giày trắng, chơi Lịch sử tình yêu bằng cây vĩ cầm của mình. Anh ta cứ thế chơi đi chơi lại liên tục tám lần không hề ngừng nghỉ, mỗi lần mỗi khác. Bà già đứng cạnh tôi, khi nghe đến lần thứ năm thì đã bỏ đi trong sự tiếc nuối. Người đàn ông đứng đối diện đã đi cùng với vợ con mình, sau khi nghe hết lần thứ bảy. Lại có những người khác dừng chân và đứng thay thế những người đã đi, cứ thế hết lượt này đến lượt khác. Sau khi chơi Lịch sử tình yêu lần thứ chín, cách chơi thứ chín, người Nga trẻ tuổi dừng lại. Anh cười một nụ cười hồn nhiên vui tươi, nhận lấy tràng pháo tay của những khán giả qua đường. Hiếm khi trong ga tàu điện ngầm lại có một tay trẻ tuổi mà chơi chuyên nghiệp và tuyệt vời như thế. Anh buông cây vĩ cầm của mình, thân hình anh gầy guộc và yếu đuối, sức mạnh của anh như đã truyền sang người khác. Anh nhận lấy một chai bia từ một khán giả trẻ tuổi, mặt mũi rất cô hồn cứ như dân đao búa. Anh ngửa mặt lên trời và tu từng hơi, trong tiếng pháo tay vẫn vang lên đầy tán thưởng và khâm phục.

Lá ngập đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung
Quán bia Cổ Tân ngập cơn lũ lá vàng
Tôi đứng (lạ lùng chưa chả có ai chen lấn xếp hàng)
Chiếc mũ sắt chìa ra tôi hứng
Năm vại bia tươi
Không cần ly cốc
Và cứ thế dưới trời sao tôi nốc
Nước mắt chảy lưng tròng
(*)

Tôi nhớ người thầy, người ông, người bạn già nhỏ bé của tôi. Tôi nhớ cái lần ông chơi Lịch sử tình yêu bằng guitar, piano và violin, hát nó bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt, bằng cả tiếng nói không lời chỉ phát ra từ trái tim và được cảm nhận chỉ bằng trái tim.
Tôi muốn gửi tặng ông một lá thư, một món quà. Nhưng thật đáng tiếc tôi biết căn gác ấy, ngôi nhà ấy nhưng không hề biết số nhà. Mẹ tôi cũng chưa chắc đã còn nhớ nhà ông, bà chỉ đến nhà ông một lần và đã quá lâu rồi.

Tôi lôi lại bản nháp cũ, đã có lần tôi nói đến ông. Tôi viết lại nó, như một món quà mà người học trò xa nhà gửi tặng cho thầy giáo dạy nhạc của mình. Khi tôi trở về, tôi sẽ cầm nó đến, cùng với một chai Nếp mới. Tôi sẽ kể cho ông nghe tiếp những năm tháng tôi một mình nơi đất khách, tôi vẫn tin yêu cuộc đời này và tôi vẫn có một cây đàn dựng trong góc phòng để làm bạn. Chỉ cần đến khi tôi về, ông vẫn còn ở đó, trên căn gác bừa bộn cũ nát của phố Nam Ngư.

Kính tặng thầy, người bạn của tôi, người nghệ sĩ già trên căn gác nhỏ.

Matxcơva tháng Sáu 2003

Written by Tequila

April 15, 2009 at 9:56 am

10 Responses

Subscribe to comments with RSS.

  1. Bài này của a đã làm tôi nghẹn ngào mãi ko thôi! phải cố nén lại để xung quanh người ta không thấy. Trong cuộc đời này biết bao lần mình đã vô tình với những con người mà bản thân họ đã là những điều kỳ diệu của cuộc sống! Đọc bài của a xong tôi tự hỏi lại mình đã biết cách yêu người mẹ (cũng là cô giáo về hưu) của mình chưa? Trong cuộc sống này mình đã bao lần biết thể hiện tình yêu với những con người mà mình yêu quý?

    Thu

    January 17, 2013 at 5:51 pm

  2. Em đang ngồi 1 mình trong quán cafe, xung quanh ồn ào tiếng cười nói xen lẫn tiếng ghita . Hy vọng là ko ai nghe thấy tiếng sụt sùi khe khẽ của em khi đọc bài này

    NP Trà My

    August 12, 2013 at 9:19 am

  3. Em nghĩ bản nhạc đó tên là Câu chuyện tình yêu ạ. Histoire d’amour đúng ko ạ?

    huouu

    October 22, 2013 at 10:43 am

    • Đúng là bài đó. Ông thầy già gọi là Lịch sử tình yêu cho nên tớ cứ thế giữ tên bài hát ở trong đầu như vậy.

      Tequila

      January 12, 2017 at 11:22 am

  4. em vẫn đang tìm một người thầy, người bạn như thầy

    Smile.

    January 24, 2016 at 1:03 am

  5. hay va cam dong

    võ văn tấn

    November 6, 2016 at 8:47 am

  6. không search được bản nhạc lịch sử tình yêu nhưng lại ra bản nhạc bất hưu Love Story .Năm ngoái ,tôi có dịp ra Hà Nội và cũng may mắn đi lang thang nhiều nơi.Có thể ,vì đọc được nhiều sự chia sẽ của mọi người về Hà Nội cũ ,đẹp và nhẹ nhàng nên khi tôi ra đấy,Hà Nội vẫn thế,ở một khía cạnh của thời gian thì tôi vẫn cảm nhận được cái đẹp và gần gũi của Hà Nội,Tôi thấy ganh tỵ vì anh đã gặfp được một dòng chảy kỉ niệm đẹp trong tâm hồn mình.

    ciaokhoa

    January 12, 2017 at 10:33 am

    • Cám ơn bác.

      Bản “Lịch sử tình yêu” là bản nhạc gốc Tây Ban Nha có tên Historia de un Amor, có tới hàng ngàn phiên bản bằng nhiều thứ tiếng. Mời bác nghe một version: https://www.youtube.com/watch?v=pIWxS6_98t8

      Tequila

      January 12, 2017 at 11:16 am

  7. Người thầy duy nhất của tôi đã chết được nhiều năm rồi. Những ngày mưa gió như thế này tôi vẫn thường buồn nhớ ông ấy. Chưa bao giờ tôi đi viếng mộ ông, sang xuân tôi sẽ đi.

    https://teq316.wordpress.com/2011/02/28/historia-de-un-amor/

    Tequila

    January 12, 2017 at 11:28 am

  8. Cảm ơn anh. Những bài viết của anh đã cứu rất nhiều ngày của em.

    hthoai

    May 7, 2019 at 11:24 am


Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.