Teq's Blog

Archive for December 2014

Tôi

with 10 comments

Tôi, trôi nổi giữa cuộc đời này, tên là Đức. Chưa bao giờ tôi thích cái tên của mình, tôi chỉ tôn trọng nó vì cha mẹ đặt tên tôi như vậy, và tôi nghe người ta gọi tên tôi như một thói quen, gọi thì biết là gọi mình. Giống như khi tôi trở về nhà vào buổi tối, tôi gọi con chó của tôi, ê Vodka con chó, thế là nó đến với tôi, tôi xoa đầu nó và bảo, trông mày quá chó, nhưng mày tên là Vodka, Vod đại ka. Luôn luôn nó tỏ ra hài lòng. Nếu tôi được tự đặt tên cho mình, tôi sẽ chọn một cái tên khác, một cái tên mà sau nhiều năm sống thì tôi nghĩ mình giống như là thế. Tôi nghĩ một cái tên mà cha mẹ đặt cho mình, bằng cách này hay cách khác, nó sẽ quy định con người mình theo một kiểu gì đó.

Hôm nay đá bóng về, uống dăm cốc bia, vui, tự cảm thấy nếu không uống gì tiếp thì không chịu được, liền lấy chai Chivas trong tủ ra uống cùng nước lọc. Thứ rượu nhà quê này tôi không thích lắm, nhưng cũng ngon, và nó có một cái tên mà gọi lên là đã thấy nó rồi, Chivas. Chivas Chivas Chivas… nó đúng là Chivas. Như những thằng tên Hùng, tôi thích những thằng tên Hùng và tôi thường thấy phiền lòng khi thấy ai tên Hùng mà không giống như cái cảm giác của tôi. Tôi mãi nhớ đến thằng Hùng sói, thằng láo xược mà năm bảy tuổi tôi đã dám nắm tóc lôi lên để đánh nhau với nó và chiến thắng, nó là thằng đã chỉ ra cho tôi thế nào là can đảm và tôi luôn ước gì có lúc nào gặp lại để ngồi mời nó một chai vodka. Nhưng có thể nó đã chết rồi, giữa thời đại facebook này mà chẳng thấy nó ở đâu cả.

***

Mấy bữa trước có thằng bạn viết một cái status quá hay, chả nhớ tôi có bấm like hay không, nó nói rằng, buồn nhất là những thằng có quá ít kẻ thù, vì khi đó những bài học từ những người bạn là không đủ sâu để nó lớn qua từng ngày… Câu này thật cay đắng. Mà tình cảm. Rằng chúng ta cứ bị thấm đẫm đến nát cả ra với những điều ngọt ngào huyễn hoặc, với những lời nhẹ nhàng chia sẻ, với những thằng bạn sẵn sàng uống với ta khi ta buồn rồi mai quên mẹ mất, với những người đàn bà mãi mãi băn khoăn là ta có yêu họ hay không mà thật tình càng nghĩ thì càng không biết. Đôi khi, tất cả chúng ta những thằng đàn ông, tự hỏi mình có yêu mẹ hay không, xong rồi nghi hoặc. Tôi tin rằng tất cả những bạn bè tôi, trong thâm tâm của chúng, đều mong có một khoảnh khắc mà chúng có thể quên đi tất cả, tất cả mọi thứ, để được bước vào một trận quyết đấu mà chỉ có thể bước ra khi kẻ thù ngã gục dưới chân mình.

Tất cả những thằng bạn tôi đó, khi chúng yêu một người đàn bà nào đó, hay chúng yêu những đứa con trẻ, chúng đều hằng mơ trong những giấc mơ mù mịt rượu bia của chúng, rằng ước chi chúng có thể gặp một kẻ thù đe dọa đàn bà và con trẻ của chúng, chúng sẽ sẵn sàng bước vào cuộc đấu và sẵn sàng chết nếu thua trận. Tất cả bọn chúng đều luôn sẵn sàng như vậy, đừng có thằng nào dở hơi mà dám đe dọa đến đàn bà và trẻ con của chúng. Nhưng cuộc đời này, hỡi ôi, có quá nhiều bạn hữu và quá ít kẻ thù. Bọn chúng chỉ có thể thở dài não nuột rồi lại nai lưng ra làm lụng, mơ màng, yêu đương và phản bội, dạy dỗ những đứa con rồi bất lực với cách đứa trẻ lớn lên. Bất lực với chính bản thân mình, với nỗi thèm muốn vô chừng, không phải thèm đàn bà hay tiền bạc hay danh tiếng, mà thèm có một kẻ thù để bước vào cuộc đấu sống mái.

Puskin đã chết trong niềm khoái cảm đó. Chẳng qua anh ấy nổi tiếng, làm thơ hay quá, người ta nhớ đến. Chứ còn thì đã có vô số thằng chết như thế, và đa phần bọn chúng là nhà thơ dẫu không biết đọc biết viết và chưa từng có câu thơ nào. Nhưng không là nhà thơ thì không thể dám chết vì một điều gì mình không hiểu và không có lợi ích gì cả. Thế giới này không thể hết chiến tranh bởi có quá nhiều nhà thơ, đó là số phận rồi.

***

Tuần trước tôi tới dự một cuộc hội nghị hoành tráng. Tôi trông cũng hoành tráng ngon nghẻ chả kém thằng nào, có phần ngon hơn một số thằng. Rồi người ta lên bục phát biểu, hết người này tới người kia. Máy quay truyền hình lướt qua lướt lại, chả hiểu có cái nào lên VTV hay không. Tôi nghĩ đến ông già mình, hồi còn làm việc, ông ấy thỉnh thoảng vẫn lên truyền hình, rồi giờ thì ông ấy chỉ đi uống chè đá, đưa cháu đi học. Tôi nghĩ không hiểu bao năm thì mấy cái bọn đang phát biểu này sẽ lại chè đá đưa cháu đi học. Tất cả những chuyện này có ý nghĩa gì?

Tôi bắt chuyện với bọn ngồi cạnh một tí cho phải phép, rồi lại thôi, kệ mẹ bọn nó. Đéo gì. Ngày mai nó sẽ quên. Cứ giả lả với nhau rồi rút name card ra trao đổi, để làm gì ấy nhỉ, chả hiểu nổi.

Tôi cũng chỉ nghĩ thế thôi, chứ tôi giao tiếp ổn, dù tôi tin chắc rằng bước ra khỏi cái phòng lớn này, thì họ sẽ vứt name card của tôi vào sọt rác, y như cách tôi cư xử với họ. Thế nhưng tươi cười bắt tay là chuyện không thể thiếu. Tôi biết cái thằng ngồi cạnh tôi nó ghét tôi, và ngược lại, tôi thấy nó cực đáng ghét, nhưng mà cứ cười thôi mà.

***

Nhưng mà mình giao tiếp với người nhiều, rồi mình sẽ biết cách giao tiếp với mình. Mình sẽ làm đẹp lòng mình và mình khỏa lấp mình bằng vô vàn những thứ – chả ra gì cả – nhưng mình thấy ổn. Rồi cái ổn ấy, tháng tháng năm năm, cứ ổn ổn và kéo mình tới một nỗi cô đơn vô hạn mà không bạn bè nào hay đàn bà nào có thể khỏa lấp, không đứa con nào hay nấm mộ ông bà nào có thể thông hiểu. May mắn thay những kẻ không nghĩ đến, chứ kẻ nào mà để ý nghĩ ấy len lỏi vào rồi, thì chẳng thể nào thoát ra và cứ cầm một nỗi cay đắng dăng dăng ấy.

Gần đây tôi không chơi với các bạn mình nữa, dù tôi nhớ chúng. Tôi không muốn uống lại những chai rượu đã uống rồi, không muốn nói lại những câu chuyện đã nói rồi, không muốn sống tiếp những gì đã sống rồi. Chẳng muốn yêu lại những gì mình đã yêu.

Lưu Quang Vũ viết, “mặt buồn như sỏi dưới hang sâu”. Đó là một câu thơ khủng khiếp.  Chẳng có người đàn bà nào, dù yêu ta đến mấy, có thể thấu hiểu cái viên sỏi dưới hang sâu ấy. Chúng ta chỉ có tự hiểu mà thôi, những viên sỏi dưới hang tự hiểu. Càng hiểu chúng ta càng không thể chia sẻ nổi, thằng này thằng kia đều nói ngu đéo tả, chúng ta không thẻ chỉa sẻ. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ với đàn bà, trong những khi mà chúng ta quá say hay quá quên bản thân mình, không còn mình nữa chỉ còn ý nghĩ, nhưng lúc đó, đàn bà, những người yêu chúng ta, họ thấy chúng ta rất buồn cười.

Thế là mình cũng cười thôi. Mong có người hiểu đã là sai rồi. Chả có ai hiểu được ai, tất thảy chỉ là mong muốn và những giấc mơ.

***

Mùa đông, mùa đông. Mùa hạ mùa hạ, mùa thu, mùa xuân… biết bao mùa đã qua. Rồi biết bao mùa nữa sẽ qua.

Các ông, những thằng bạn buồn như sỏi dưới hang sâu của tôi, các ông muốn gì.

Written by Tequila

December 23, 2014 at 1:34 am

Posted in Linh tinh

Vũng Tàu tháng mười hai

with one comment

Anh lái xe lớn tuổi mất cả tối đề ngồi chờ chúng tôi ăn uống, rồi lại chờ chúng tôi café nghe nhạc. Phải nói khéo léo để anh không thấy ngại khi tôi từ chối để anh đưa tôi quay trở lại Sài Gòn vào ngày mai. Anh lớn hơn tôi nhiều nhưng chỉ xưng em với tôi, tôi cũng xưng em với anh, hai thằng cứ thằng này gọi thằng kia là anh xưng em, y như tôi với mấy thằng bạn cứt. Bắt tay chia tay mà có vẻ anh vẫn cứ muốn bỏ ngày Chủ nhật để đưa tôi về lại Sài Gòn. Ở những thành phố nhỏ trong nam, dường như vẫn còn tồn tại nhiều những người làm công khiêm tốn tận tụy và tự đặt mình ở dưới người khác bất kể tuổi tác như vậy.

Điệu Valse giã từ của Milan Kundera và giọng hát của Etta James khiến tôi tỉnh như sáo, với lại hôm nay không uống nhiều. Thằng cu đồng nghiệp trẻ trâu đã ngủ quay lăn lóc. Quẳng sách bóc một lon bia trong tủ lạnh, chuyển qua Pink Floyd thân thuộc và mở blog ra.

Vũng Tàu với tôi là ánh nắng chói chang và những đêm hoang vắng.

***

Lần đầu đến đây là khi tôi còn là một thằng chíp con mới vừa tròn mười tám tuổi, đi cùng mẹ khi ấy còn rất trẻ  rất đẹp và thằng em mới mười ba. Thi đại học xong về tôi bảo, thế nào cũng đỗ rồi, khỏi cần chờ xem điểm, bà già gật đầu tiến hành luôn chuyến đi như lời hứa, đưa hai con đi chơi miền nam. Đến Vũng Tàu thì ba mẹ con ở một cái khách sạn nhà nước chỉ toàn những dãy nhà một tầng. Bãi biển đầy nắng và đẹp một cách khó tả đối với một thằng bé mà biển xa nhất từng đi chỉ là Sầm Sơn. Đó là lần cuối cùng bà già dẫn chúng tôi – hai thằng con trai nhỏ – đi chơi. Chỉ một hai năm sau là bọn chúng đã trở nên gai góc cứng đầu.

Lần thứ hai tới đây, xe lướt trên con đường bờ biển, tôi để ý tìm lại nhưng không thấy cái khu khách sạn của nhà nước ấy đâu nữa, có lẽ nó đã bị đập bỏ và thay thế bằng những khách sạn cao tầng. Tôi cũng chẳng có thời gian để nghĩ và nhớ cái hồi năm xưa ấy, vì ông sếp đi cùng liên tục giã vào đầu những dặn dò mà ông ấy thì chẳng bao giờ dặn cái gì đến lần thứ hai. Tối ngủ cùng phòng, có lẽ ông ấy cũng ngồi bên cửa sổ như tôi bây giờ, hút thuốc và nghĩ tiên sư cái thằng trẻ ranh có khác, đặt lưng là ngủ. Ông ấy không hiền như tôi, ông ấy luôn miệng chửi quân như đúng rồi. Tuy nhiên giờ thì tôi cũng bắt chước ông ấy, đi đâu mà có đồng nghiệp trẻ đi cùng, là tôi chả động tay làm việc gì cả, bắt chúng phải lo liệu cho tôi, từ cái hóa đơn đến check-in sân bay.

***

4 Tết năm 2007, cơ quan gặp mặt đầu năm. Sếp tôi nói với sếp lớn, anh ạ, ngày mai mùng 5 Tết là thằng kia nó xuất hành đi lo việc mở cái Chi nhánh đầu tiên, nó sẽ đi một mình. Sếp lớn thế à, rồi nhìn tôi, vẫn không hết được vẻ ác cảm vì ông ta vốn ghét tôi, có thể ông thấy gợn và lo là tôi sẽ không làm được việc. Tuy vậy ngày tết nên không phản đối gì cả, ông mời riêng tôi một ly rượu. Uống ly rượu, tôi chả nghĩ việc ông sếp lớn ghét mình vì đằng nào cũng ghét rồi, còn công việc thì tôi cũng chẳng lo, tôi chỉ vui sướng với ý nghĩ rằng hai năm rồi kể từ khi trở về từ Nga lợn, mình lại được rong ruổi phương xa một mình.

Thế là từ mùa đông lạnh giá Hà Nội, tôi đến với Vũng Tàu đầy nắng. Lựa một cái khách sạn ở sát địa điểm cạnh Chi nhánh, lôi điện thoại ra gọi vài cuộc, đợi hàng đến, chất đầy máy móc trong phòng khách sạn, rồi bắt đầu ra đường thuê cái xe ôm đi một vòng Vũng Tàu, lòng phơi phới tự do trong một thành phố đầy nắng và gió với một bản kế hoạch công việc dày đặc nhưng chẳng có thằng sếp nào bên cạnh để chửi mình cả. Thật là một thành phố tươi đẹp!

Những ngày sau đó, ban ngày thì đi lo các công việc, từ cái bàn cái ghế, điện đóm, dây dợ… tất nhiên với sự giúp đỡ của một đại ca tên Bách vốn được sếp giao việc sẵn là phải giúp tôi với đầy đủ nguồn lực trong tay, tối về thì xoay trần ra, nhiều hôm còn chả thèm mặc quần cứ nhồng nhộng uống bia hút thuốc và cài cắm mấy cái máy chủ với mấy chục cái PC. Nhưng đến đêm khuya, thì cái bản tính lang thang lại trỗi dậy. Tôi tiêu những đồng tiền ít ỏi của mình vào mấy cái bar sập xệ, nơi mà không hiểu sao hồi đó lại cứ hay bật nhạc rock ballad rất hợp gu, toàn những November Rain hay The Unforgiven. Tôi cứ ngồi ở quầy bar, nghe nhạc, dè sẻn nhấm từng tí tequila, hai ba bạn cave trẻ măng xinh xẻo của quán rượu vắng người sán đến rồi lại đi. Tôi uống đến khuya rồi về đi ngủ. Lần tiêu tiền nhiều nhất lên tới quá nửa triệu bạc, là lần tôi uống không biết bao nhiêu ly cả tequila cả vodka với một thằng thủy thủ già tóc dài vàng ươm người Phần Lan hay Đan Mạch gì đó quên rồi, chả biết nói những chuyện gì với vốn tiếng Anh bồi của mình.

Chừng mười ngày sau có những đồng nghiệp tiếp theo tới, ba bốn thằng cùng chui vào cái phòng khách sạn rộng rãi của tôi. Những ngày vui đơn độc chấm dứt. Một thằng đồng nghiệp hoành tráng rủ tôi đi bar, hai thằng cưa hết một chai vodka đắt tiền. Tôi bảo, anh em không thể nào tối nào cũng tiêu tiền như thế này được đâu, giờ tốt nhất là kiếm được một cái PS2 về phòng khách sạn anh em oánh điện tử cho rẻ. Chú đồng nghiệp alo ngay về nhà, hai ngày sau đã có một cái PS2 gửi tới và chúng tôi trở nên xông xênh vì không còn tốn tiền vào các buổi tối nữa mà chỉ có vui vẻ la hét ầm ầm với game bóng đá.

***

Thế rồi Chi nhánh cũng khai trương xong ngon lành. Tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn còn ở lại để hỗ trợ thêm.

Anh Bách, người mà đã giúp tôi rất nhiều việc như đã nhắc ở trên, có một người bạn tên Tâm. Hai ông này là bạn thân, trạc tuổi nhau, nhưng tôi cứ gọi ông Bách là anh và gọi ông Tâm là chú. Cái kiểu nhiều khi nó lạ thế. Chú Tâm là trưởng viện kiểm sát Côn Đảo. Đi cùng anh Bách đến chơi uống rượu ở cái trang trại nghèo nàn của chú Tâm, chú Tâm bảo, mày ra đảo chơi với tao đi, mai tao ra đấy rồi, mày mua vé đi rồi ra chơi với chú.

Thế là tuần sau tôi gọi mấy đồng nghiệp cả giai cả gái, các cô chú thích đi chơi Côn Đảo không. Đi. Chúng tôi mua vé tàu thủy mà đi, tàu thủy sẽ đi mất một đêm.

Đêm trên tàu, nằm dưới khoang bập bềnh dập dờn, mọi người sợ sóng nằm bẹp dí. Tôi nghĩ, sao mình chả thấy say gì nhỉ, bèn mò lên khoang uống rượu với mấy ông dân chài. Uống một hồi rất sướng, bất đồ thấy quay cuồng, bỏ mẹ, say sóng rồi. Tôi loạng choạng chui xuống hầm tàu bò về giường của mình. Chả cái khổ nào bằng say sóng, nôn nao mà không nôn được, cắm đầu vào gối bịt hai tay lại hồi lâu vẫn thấy quay cuồng vô cùng khó chịu. Thế rồi chắc do thể lực tốt nên rồi cũng ngủ được thiếp đi, điện thoại ví tiền rút hết ra quẳng lên gối. Sáng dậy kiểm đồ kiềm tiền chả hiểu sao mất mất năm lít tiếc đứt ruột, chả hiểu ai lấy.

Rồi tàu cập cảng Côn Đảo, nước xanh như ngọc. Mở lại entry cũ, nhớ ra nhiều chuyện cũ. Nhớ chú Tâm bảo, tao ở đây buồn chết mẹ, trên đảo làm gì có phạm, tao chỉ toàn xử lý hồ sơ ly hôn. Rồi bảo, ra đây các cháu không được bố láo, mỗi một tấc đất chúng mày đứng lên, bên dưới đều có xương của tù nhân đấy, nghe cũng rợn gáy.

***

Trưa nay, giờ nghỉ ăn trưa, tôi alo mời anh Bách tới ăn cùng. Anh tới ngay, cười trêu bảo, là có chú Đức đến đây nên anh mới được dự bữa này. Hỏi chú Tâm sao rồi anh, anh bảo, bây giờ ra đảo mày phải gọi là cậu Tâm. Biết sao lại gọi là “cậu” rồi chứ? Ông ấy giờ có mấy chục phòng nghỉ, chuyên tiếp đón và tổ chức cho người ta nửa đêm đi ra Hàng Dương khấn cô Sáu.

Thế, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, tôi đã trưởng thành nhiều so với cái hồi trẻ trâu 2007 ấy, anh Bách thì vẫn vậy không có gì đổi khác, chú Tâm giờ là cậu Tâm, còn mộ cô Sáu dường như đã linh thiêng hơn gấp bội. Những chuyến tàu cánh ngầm đã bị dẹp bỏ. Thành phố vẫn đầy nắng và đêm của nó thì vẫn vắng.

Chi nhánh đã chuyển sang địa điểm khác, chỗ cũ đã bị đập bỏ. Khách sạn cũ nơi tôi ở hồi xưa đã biến thành một cái ngân hàng. Giở máy điện thoại tìm thì đã chẳng còn lưu số cô bạn người Bà Rịa ấy đâu nữa. Hồi ấy cô là lễ tân của khách sạn. Hôm dẫn tôi đi uống café ở quán bên bờ biển nắng chiều chói chang, cô bảo, lúc anh mới đến, bọn nó thách em làm quen với giai Hà Nội, em sợ gì mà không làm quen. Cô có cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, như thể những người như cô không mưu cầu gì nhiều quá nhưng luôn nắm chắc trong tay số phận của mình. Vào năm 2008 hay 2009 gì đó, cô có gọi điện báo hỷ cho tôi, sau khi đã lấy chồng, rồi bặt tin từ đó, tôi thì đổi điện thoại vài lần cũng chẳng còn lưu số cô. Chẳng có gì để hiểu lầm đâu, chỉ là bạn uống café. Nhưng nhớ lại cái kiểu mà cô khoái chí khoe rằng làm quen với giai Hà Nội để lấy le với mấy cô bạn, vẫn khiến tôi cười ngấm ngầm tự đắc.

***

Mỗi một thành phố một miền đất đi qua, cảnh vật thì có thể google mà xem ảnh, nó là chung cho tất cả mọi người. Song những con người mà mình quen ở miền đất đó, thì là của riêng mình, làm nên cái riêng và khác biệt. Có khi cái người mình gặp này sẽ chẳng bao giờ gặp lại lần thứ hai trong đời đâu. Nhưng cũng có khi, biết đâu đấy, họ sẽ là người giúp mình biến cái miền đất vốn xa lạ trở nên quen thuộc, trở thành một cái gì đó chỉ riêng mình có.

Written by Tequila

December 7, 2014 at 2:51 am