Teq's Blog

Archive for July 2015

Một xà lim vô cùng thoáng đãng

with 4 comments

Ôi mẹ kiếp, đéo gì, nước mũi cứ chảy ra từ lỗ mũi bên trái, sau khi lỗ mũi bên phải đã khô. Thật là bực bội. Buồn ngủ thì lại chưa buồn. Cái kiểu cúm cúm này thật là bực bội. Lúc tối trên sân bóng, tôi dập dờ trôi ở bên cánh trái, như một con thuyền ngược ghềnh đá, mà những thằng trẻ trâu đội bạn là những con nước xoáy. Những con nước không bao giờ dừng lại ở mũi thuyền, mà hoặc nó phi sang trái hoặc nó phi sang phải. Tôi chỉ có thể lái cái thuyền của mình dập dờ dập dờ.

Hôm nay thằng em giai không đi đá cùng, những thằng bạn bia khác đều vắng mặt, chả có thằng nào uống bia sau bóng đá. Tôi kiểm tra kỹ đồ đạc rồi trở về nhà. Phải cẩn thận, tôi luôn đi uống bia sau đá bóng, và trong năm năm trở lại đây có bốn lần tôi về nhà luôn không uống bia, thì một lần mất ví một lần mất điện thoại và một lần mất giày xịn. Thật kỳ lạ là có nhiều thứ cứ như được lập trình, hễ chệch khỏi quy trình thế nào cũng có vấn đề. Có lẽ hôm nay mà vẫn đi uống bia thì tôi đã hết cúm rồi.

***

Khi về tới nhà, thì thấy thằng con vẫn chưa làm bài tập viết, bèn lôi cổ nó lên bắt làm bài. Nó ngại nhưng không nhăn nhó không kêu ca gì, có khi nó có tố chất để trở thành người tử tế, không như bố nó. Tôi đứng cạnh nó, hưởng một phần gió từ cái quạt, tay trái cầm một cuốn sách, tay phải cầm một cuốn. Hai cuốn đều hay. Tôi đọc một cuốn, hay đấy, vứt, lúc khác đọc. Đọc cuốn kia, cũng hay, vứt. Ngó lên giá sách nhỏ ở phòng đấy, có một dãy những cuốn sách tôi chưa đọc. Có những cuốn có vẻ hay có những cuốn chưa mở ra đã biết dở, thế nên tốt nhất là lúc khác đọc. Tôi giở điện thoại ra, check facebook, ôi mẹ kiếp facebook mấy hôm nay toàn máy ủi. Hết chặt cây, đến hoa hậu dạng chân, đến cụ Tổng đi gặp Obama hai anh diễn kịch, rồi đến 6 người chết thảm, rồi đến máy ủi đâm người dã man đến sái quai hàm. Thằng Mark giống y chang một bà chủ công ty cung cấp bữa ăn trưa cho trường mẫu giáo, bà ta dọn món gì thì các cháu ăn món đó, đứa thì ăn ngon đứa thì nhè ra.

Thế đéo nào những lúc bực bội như tình trạng cảm cúm hôm nay, tôi cho rằng người ta đã thật tài tình khi sáng tạo ra internet để tạo cho chúng ta một ảo giác về tự do và trí tuệ, cái đéo gì cũng biết và cái đéo gì cũng tư duy như đúng rồi. Nhưng mà tất nhiên, đéo đúng gì cả. Vì đa phần những gì ta nghĩ là đúng thì về cơ bản đã sai mẹ nó ở đâu đó rồi.

Những lúc cúm bực bội như thế này, tôi tin rằng những thằng đá bóng quá giỏi thì không thể làm được huấn luyện viên, những thằng có tố chất làm HLV thì đéo thể đá bóng giỏi. Tôi cũng tin rằng những thằng chơi đàn quá giỏi thì không thể sáng tác được nhạc, còn những thằng sáng tác nhạc thiên tài ắt sẽ kinh tởm đôi bàn tay của mình vì nó không bao giờ đủ. Tôi cũng tin rằng những thằng đọc quá nhiều sách sẽ không bao giờ viết được cái gì ra hồn vì cứ đặt bút xuống là bị những thằng nhà văn hoành tráng mà nó ngưỡng mộ đè đầu cưỡi cổ, còn những thằng nhà văn hoành tráng sẽ đọc sách dạy trồng cây hoặc xem phim sex. Những thằng thiện xạ hoặc anh hùng thì không thể làm tướng và những thằng tướng thì sẽ chết ngay trận đầu nếu cầm súng trước trận tiền. Tôi cũng tin rằng những thằng giỏi tán gái nhất thì đéo yêu gái, còn những thằng yêu gái thật sự thì bị gay. Tôi cũng tin rằng những bậc thánh nhân thì ghét bỏ loài người còn những tay yêu đời nhất thì mài dũa cuộc đời mình trong bar rượu. Tôi cũng tin rằng những thằng cứ mở mồm ra là tin cái này tin cái kia như tôi, thì mãi mãi ôm trong lòng một niềm hoang mang day dứt đéo thể tin vào bất cứ điều gì trên cái cõi đời long lanh lấp lánh này.

Một ngày uống rượu với các bạn, một thằng đéo nào đấy tự nhiên bảo, đcm internet như cứt. Thế là chúng tôi ồ lên, đúng rồi, như cứt. Giả dụ mà như ngày xưa, tất nhiên với điều kiện anh em là quý tộc, anh em làm được một bài thơ, bèn sai một thằng đầy tớ cưỡi ngựa phi đi, thay đến tám trạm ngựa, đến nhà của một thằng bạn, gửi thư tay viết trên giấy bản rằng, “tôi vừa làm được một bài thơ hay, mời ông ngày rằm tháng sau quá bộ đến chỗ tôi nghe tôi đọc bài thơ ấy”. Thế là thằng bạn khấp khởi chờ đến gần ngày, rồi cưỡi ngựa mấy ngày đường, tới nhà bạn “chào tiên sinh lâu quá không gặp”, đoạn vào nhà bày tiệc chỉ trăng đọc thơ. Như thế, thơ đéo hay cũng thành hay, đơn giản là đéo thể đéo hay được. Rồi hai thằng bạn sẽ ở với nhau ba ngày, uống rượu ngâm thơ, mơ mộng bởi thế giới quá rộng lớn đéo thể nào biết được đi hết con đường này tới phía chân trời kia sẽ có cái gì.

Bây giờ, bạn làm được một bài thơ, post facebook trong một group đóng hoặc gửi email cho nhau đọc. Đỉnh cao là nhận được comment “thơ như lìn”, hạng trung là đéo ai thèm nói gì, hạng bét là được like rồi comment “hay đấy”.

Tôi cũng bắt đầu thấy mấy thằng bạn sành điệu của mình thật nhảm nhí. Chúng sành rượu đến nỗi đéo uống rượu nữa mà uống nhãn hiệu, chủng loại, năm sản xuất. Tất nhiên tôi kính trọng bọn chúng vì sự hiểu biết về rượu. Nhưng tôi ước gì có một hôm nào đó, chúng tôi có thể thốt lên với nhau, ôi cái chai vang trắng này nhãn hiệu lạ quá, đéo hiểu vùng nào sản xuất, vào năm nào, mà sao uống với đậu phụ chấm mắm tôm lại ngon thế nhỉ!

***

Tôi tin là, lại tin, đéo gì, thôi đéo tin nữa, rằng chúng ta đang sống trong một cái xà lim khổng lồ mà bất cứ cửa sổ nào cũng là một vùng mênh mang bao la ánh sáng của tự do và trí tuệ, nhưng chúng ta không thằng nào con nào trèo ra ngoài cửa sổ bởi vì chúng ta sẽ bị disconnect với những thằng con khác và không thể kể cho bọn trong xà lim rằng ngoài này có cái gì. Đéo thể kể được với ai, thì cô đơn quá, thôi ở lại với các bạn tù vui hơn.

Ôi thế giới này của chúng ta thật là buồn cười.

Tất cả những gì chúng ta đang có là sự chia sẻ của các bạn tù. Chúng ta chỉ có thể huyễn hoặc mình rằng mỗi người chúng ta là duy nhất, thằng khác là thằng khác và con khác là con khác. Nếu chúng ta không thể tìm được sự khác biệt, thì nỗi cô đơn là vô cùng lớn lao, tất nhiên những đứa nào chưa từng nhìn ra cửa sổ xà lim thì nỗi cô đơn lại càng lớn nhưng cũng thật nhẹ nhàng vì chúng không biết.

Mỗi đêm như thế này tôi đều tự hỏi ngày mai ngủ dậy mình như thế nào. Nếu mình là một người khác thì thật là kinh khủng, tất cả các giá trị tôi vẫn ôm đều đổ vỡ. Nếu mình vẫn là mình như hôm nay thì cũng thật là kinh khủng, có phần hơn, vì mặt trời đã mọc cho một ngày khác rồi mà mình vẫn ôm nặng nề những điều của ngày cũ. Ôi!

Ôi!

Đã nhiều năm nay anh không còn có thể chia sẻ với các bạn mình. Vì bọn anh đã lớn, bọn anh đã lấy vợ và đều đã có con. Họ, vợ và các con của bọn anh, và cả tự bọn anh, là chính bọn anh, đã trở thành những thằng đéo nào đấy hoàn toàn xa lạ, đã đến và tròng vào cổ bọn anh những xiềng xích mà một cách ngỡ ngàng bọn anh thấy rằng cần phải học và thích ứng. Bọn anh không còn đủ dũng cảm để cho phép mình gục ngã ngay sau bụi cây kia, mà phải tiến lên, vì một điều gì đó mà bọn anh không hiểu. Vào những năm rất lâu sau này, khi bọn anh đã bảy mươi chín tuổi, nếu bọn anh còn sống, con cái của chúng ta đều không còn cần hay quan tâm đến bọn anh, các em cũng chẳng quan tâm mà chỉ nghĩ về bọn con cháu. Vào lúc đấy, bọn anh sẽ ước gì mình còn trẻ, các bạn mình cũng còn trẻ, nghe một bản nhạc rock và thốt lên với nhau, uống đi các ông, rượu ngon vãi đái, thế giới thì kệ mẹ nó tiêu tan.

Thế giới vón cục dưới chân bọn anh, cả trên đầu bọn anh. Tiếc thay anh biết rằng những suy nghĩ này sẽ mờ đi khi sáng mai anh tỉnh giấc.

Written by Tequila

July 16, 2015 at 2:06 am

Posted in Linh tinh

Chả có gì để viết

leave a comment »

 

Hôm nọ trên đường về nhà, tôi bước từ xe buýt xuống, đi bộ dọc phố. Bất chợt nhìn thấy, mà không, là cảm thấy trước khi nhìn, bên kia đường có hai vị phong thái bất phàm đạp xe qua. Tôi đứng nhìn họ đi qua, còn ngoái cả lại để nhìn khi họ sóng đôi đạp xe đi khuất trong dòng người. Đó là anh điên ở khu tôi và một người bạn của anh, chắc hẳn cũng điên. Hai anh mặc như đồng phục, hai bộ quần áo khác nhau nhưng qua năm tháng đã xuống màu thành nâu nâu xám xám, hơi nhàu nhưng sạch sẽ. Hai anh đạp xe thong thả bên nhau, gương mặt thanh thản và vui tươi. Như là cuộc đời này tuyền là những điều tốt đẹp.

Phong thái ung dung như hiền sĩ của hai anh điên đạp xe, khiến tôi chợt thấy mình lố bịch với những sơ mi quần âu giày đen điện thoại đồng hồ. Tôi bỗng ước gì ngay lúc này trời đổ một cơn mưa thật to, rồi mưa tạnh khi trời chưa kịp tối và ánh nắng chiều sẽ làm những ngọn cỏ dại từng tồn tại trên con đường này nhiều năm về trước sáng bóng lên long lanh khi những con chuồn chuồn túa ra bay lượn sau mưa. Tôi sẽ được mặc quần đùi, cởi trần, cầm cái súng cao su bảo bối của mình những năm xa xưa ấy, lò dò vào trong những bụi cỏ tìm cho được một con chuồn chuồn ngô nào đấy để bắn nó, trước khi đến giờ bố gọi về ăn cơm.

Chợt moi ra một ý nghĩ cũ là cuộc đời của một con người có thể không phải là một chuỗi thời gian tuyến tính với những câu chuyện liên tục. Có thể chỉ là những lát cắt của ký ức và những gì mình không còn nhớ có thể chưa hề tồn tại và những gì mình nhớ được có thể chỉ là mơ mộng.

Written by Tequila

July 8, 2015 at 1:41 am

Posted in Linh tinh

Linh tinh 4/7/2015

leave a comment »

Đêm khuya thế này rồi mà vẫn nóng hầm hập. Vừa phải vào nhà tắm dội nước rồi mới ra ngồi máy tính bật quạt. Phòng này không có điều hòa, mà cũng không nên có điều hòa để mà còn ngồi hút thuốc. Giải nhiệt bằng một ít nhạc cũ của Lobo. Bia không có, đành uống nước lạnh, có nên là thêm một ít cognac hay không nhỉ.

Một đêm hè cũng nóng như thế này, rất là lâu rồi, ông già rủ tôi lên sân thượng. Ông đổ một xô nước lên lớp gạch nung chống nóng trên mặt thượng, đợi một tí cho ráo đi, đổ một xô nữa, rồi hai bố con nằm xuống đó, cả hai mặc quần bơi. Cái nóng dịu dần và một lát sau đã trở nên mát mẻ. Bầu trời hôm đó đầy sao, ông già nằm chỉ cho tôi các chòm sao. Tôi nghĩ lớn lên mình sẽ dựa vào những chòm sao này để định vị khi đi rừng hay đi biển, như trong truyện vậy. Rồi tôi nghĩ, trong sách có nói nhiều ngôi sao mà ta nhìn thấy, nó ở rất xa, có thể là nhiều năm ánh sáng. Ví như ngôi sao này, hay ngôi sao kia, ánh sáng của nó mờ nhạt xa xôi vậy, rất có thể nó cách xa mười mấy năm ánh sáng. Và tôi nhìn thấy nó như bây giờ, là nhìn hình ảnh của nó từ khi tôi chưa ra đời và đêm nay thì hình ảnh đấy bay đến đây. Chẳng phải là như cổ tích hay sao. Và chẳng phải thật vô lý sao, nếu bầu trời kia là vô hạn và như thế thì nó không hề có ý nghĩa gì. Thể nào cũng có một biên giới của vũ trụ. Biên giới đó sẽ là một lớp vật chất mỏng manh nhưng rộng lớn vô cùng, bao trùm lấy vụ trụ, giống như vỏ một quả bóng bay. Và quả bóng bay đó là một phân tử của một thế giới lớn hơn tỷ tỷ lần. Và ở cái thế giới đó, cũng có một trái đất khổng lồ, tất cả mọi thứ cũng y như thế này, chỉ là phóng đại lên tỷ tỷ tỷ lần. Và ngay bây giờ, ngay lúc này, cũng có một thằng tôi, vô cùng khổng lồ, cũng đang nằm với bố trên một cái sân thượng to không thể tưởng tượng nổi. Nếu bây giờ tôi lăn người vào đám nước kia, thì thằng tôi khổng lồ kia cũng sẽ ướt hết lưng. Những thế giới là những bản sao xếp chồng lên nhau theo cách thức như vậy đó. Tôi thiếp đi với những tưởng tượng hùng vĩ ấy.

Những tưởng tượng theo năm tháng ít dần đi. Có thể những điều chúng ta được dạy và những điều chúng ta học được từ sách vở, khiến những tưởng tượng bị cho là buồn cười, phi lý. Có thể vì một lúc nào đó trong tuổi thiếu niên, tôi bị hấp dẫn bởi những mẫu nhân vật tiểu thuyết có tính cách thực tế, rõ ràng, lý trí, luôn chính xác, luôn biết mình cần làm gì. Tôi bị hấp dẫn và mong muốn mình trở thành một người như vậy. Tất nhiên mong muốn đó không thành sự thật, và tôi biết rằng trong phần lớn thời gian của mỗi ngày, tôi vẫn đang cố gắng đóng vai của người khác, để còn đi làm kiếm ăn. Vẫn có những phần nhỏ của ngày, tôi lắng nghe và thả cho những ý nghĩ của mình bay đi lung tung. Những giây phút ngắn ngủi tĩnh lặng và mông lung ấy luôn là lúc đáng nhớ nhất trong ngày.

***

Hôm trước, buổi sáng, tôi ra ngồi quán café, dành cho mình một ít thời gian tĩnh lặng. Tôi ngồi ở vỉa hè, nóng bức, mồ hôi rịn ra sau lưng. Nhưng tôi không lấy làm phiền, tôi ngồi im như phỗng. Và có lẽ không chỉ vì thân thể tôi im như phỗng, mà ý nghĩ của tôi cũng im ắng như vậy, nên hai cô bé chạy bàn ngồi chờ khách không quan tâm đến sự hiện diện của tôi. Một cô ngồi bên tay trái tôi, một cô ngồi bên tay phải, cách xa nhau, các cô nói chuyện với nhau như thể tôi đang không có ở đó. Các cô đều nhỏ hơn mười sáu mười bảy tuổi.

– Chị, sao em nói mà chị không để ý?

– Chị có nghe đấy chứ.

– Thế sao chị nghe em nói mà không quay sang nhìn em.

– Vì chị đang nhìn cây bàng.

Tôi mỉm cười và thấy một cảm giác thật dịu dàng. Các cô bé đang ở tuổi ngắm cây bàng và mơ về hoàng tử bạch mã. Rồi các cô sẽ lớn lên. Như bà chủ của các cô, một thiếu phụ trẻ, cũng đã tìm ra một hoàng tử bạch mã của mình, một hoàng tử thấp béo và lễ phép với khách hàng. Công chúa và hoàng tử năm năm trước mở quán café này và tôi là một trong những người khách đầu tiên. Hồi đó công chúa nói với tôi, anh thấy quán em sao, anh có thích ngồi đây không, tôi nói anh không thích lắm, nhưng anh nghĩ anh sẽ ngồi đây nhiều vì nó đang vắng, có điều xưa nay chỗ nào anh ngồi về sau cũng đều đông đến nỗi anh không muốn ngồi nữa. Về sau tôi ít đến ngồi quán này, vì nó nhỏ thế nhưng luôn đông người. Và công chúa đã trở nên một bà chủ khó tính, già trước tuổi, lúc nào cũng nhăn nhó. Khi người ta quen thói sai bảo nhăn nhó với người khác từ ngày này sang ngày khác, thì mặt người ta sẽ nhăn nhó như táo tàu vậy. Người ta cứ hay theo đuổi hạnh phúc và niềm vui bằng những kế hoạch vật chất và chẳng để ý đến việc niềm vui đang ngày một ít dần đi. Người ta có lẽ là không có cách nào khác cả.

***

Hôm khác, một hôm khác khác, trời nóng khiến tôi chỉ muốn ăn sáng bằng cái gì thật nhanh, làm cốc chè đá rồi chui lại văn phòng điều hòa. Tôi đi ra ngã ba, thấy có một quán xôi mà nhìn là biết xôi chán. Nhưng ăn xôi là thích hợp vì nó nhanh, tôi vào, gọi một bát xôi thịt. Xôi thịt mà có cả ruốc và hành khô, biết ngay, chả ra cái gì. Nhưng tôi vẫn ngồi ăn. Quán này, ngày trước là một cửa hàng bán trang sức vàng tây, rất lâu năm, rồi không hiểu sao dẹp tiệm biến thành quán café. Quán café chắc chẳng bán được cho ai, biến thành quán xôi. Bà chủ quán trông mặt lầm lì nhưng trước kia bà ấy là một người xinh đẹp. Đứa bé gái con bà thì phụ mẹ bê bát. Ông chồng gày gò thấp bé đi ra đi vào. Tôi ngồi nhá món xôi rất tệ. Quán chỉ có mình tôi là khách.

Một bà già đi đến trước mặt bà chủ quán, nhẹ nhàng mở lời.

– Cháu à…

– Thôi bà đi đi! Bà đâu biết gì chuyện nhà tôi mà tham gia.

– Cô chỉ định nói thế này…

– Thôi đừng có nói gì nữa cả. Vào hùa với chúng nó. Bà đi chùa lễ phật mà không biết phải trái đúng sai, miệng nam mô một bồ dao găm. Thôi bà đi đi, đi ngay.

-…

– Tôi đã bảo bà cút đi mà. Mày cút đi. Từ nay tao không có cô cháu họ hàng gì với mày cả, con mụ già!

Ở nhà bên một chị khác đi sang, gày gò đen đúa dáng vẻ vất vả kiếm sống, tiến đến.

– Này tôi nói với chị…

– Nói nói gì, mày định làm hại cả nhà tao rồi bây giờ còn gọi con mụ già kia sang khuyên nhủ tao, đồ ác nhân!

– Này tôi có định gây gổ gì với chị đâu, chị định như thế nào…

Bà bán xôi với tay sang trái, nhặt cái phích đá lên, ném thẳng vào mặt bà hàng xóm, bà hàng xóm gạt tay đỡ được. Đoạn, hai bên lao vào cấu xé. Hai bà nắm tóc nhau, cào cấu chửi bới váng cả ngã ba. Ông chồng bà bán xôi từ trong nhà lao ra can. Bên hàng xóm một ông khác to lớn cũng lao ra.

Tôi nghĩ mình làm gì trong tình huống này. Chả làm gì cả, thôi ăn nốt xôi. Thế là các bà vẫn cứ đánh nhau, hai ông chồng vẫn cứ nhảy vào can hai mụ. Hàng xóm nhảy ra ngó. Mấy ông bảo vệ ở bên kia đường ngó sang cười và bình luận với nhau. Tôi lẳng lặng ngồi cách đó mấy mét từ từ làm nốt bát xôi siêu chán của mình.

Con bé con bà bán xôi chạy từ trên gác xuống, đứng trước chỗ tôi ăn, như trời trồng đứng xem mẹ mình đang chiến đấu. Con bé chừng 11 – 12 tuổi, tôi liếc nhìn, vai nó run lên từng cơn nhẹ. Hôm nay sẽ là một ấn tượng mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, cũng có thể là một bài học về phương pháp đánh nhau của phụ nữ, đó là kéo tóc, cào mặt. Và nếu nó tiếp tục sẽ sống ở cái góc phố Hà Nội cũ này, rồi nó sẽ phải tự bảo vệ mình và quyền lợi của mình theo cách thức ấy.

Khi tôi xơi xong bát xôi, thì đám đánh nhau đã kết thúc. Ngồi ăn xôi xem đàn bà đánh nhau cũng có thể gọi là một trải nghiệm thú vị. Bà bán xôi đã ngồi lại vào vị trí bán xôi của mình. Nhìn mặt bà, không hiểu sao tôi nghĩ rằng bà là người có lý trong cuộc tranh chấp vừa xảy ra. Bà không có vẻ nanh ác, chỉ là bà cần phải làm thế. Tôi hỏi, chị cho em trả tiền. Bà ngước lên, nhớ ra là có khách hàng ăn xôi, bảo, của em hai mươi lăm nghìn. Tôi trả tiền rồi đi. Bên hàng xóm, đấu thủ còn lại cũng đã ngồi vào bàn làm việc và đang múc nước chêm bát bún chân giò cho khách. Tôi trở về văn phòng để làm việc của mình. Đi qua ngã tư, ông xe ôm lính chiến 1968 nhìn tôi cười nửa miệng hơi có vẻ chế giễu như ông ta luôn thế, thò tay ra bắt tay tôi, café sáng về hả cháu, nóng quá nhỉ.

Ở các ngã tư cột đèn Hà Nội, người ta hàng ngày vẫn sống chiến đấu lao động và học tập như vậy. Không lạ nếu vài tháng nữa, hai nữ đấu thủ sẽ làm hòa với nhau và cùng nhau đi lễ, mong bán chác đắt hàng, và những điều tốt đẹp sẽ đến cho gia đình họ. Những thần phật ở đất này, chắc chắn sẽ phù hộ cho họ, vì thần phật đã quá quen với những xung đột tranh giành của đám người chen chúc này. Khi về già, các bà sẽ lại thành ra hai bà già phúc hậu mặc áo sa tanh trắng phe phẩy quạt nan dạy dỗ con cháu những điều nhân nghĩa ở hiền ắt sẽ gặp lành.

Tôi về tới văn phòng, check mail, thấy có vụ tranh luận với đối tác về dự án đang triển khai. Chắc do âm hưởng của trận chiến đường phố vừa chứng kiến, tôi quyết định tỏ thái độ căng căng tí cho oách, bèn viết một cái email bày tỏ thái độ quyết liệt với cách thức tệ hại mà hai bên đang triển khai dự án.

***

Và nhớ lại một entry hồi lâu đã viết, tôi tưởng tượng về một con sóng thần cao ba mươi mét, hung hãn mạnh mẽ nhưng đi với tốc độ cực kỳ chậm, đang quét qua thành phố này từng giây một, sẽ cuốn đi tất thảy. Nó sẽ cuốn đi hết, vài chục năm nữa nó sẽ quét đi hết sạch những bà bán xôi, bà bán bún chân giò, ông xe ôm 1968, những quán hàng trên phố này, kể cả tôi và những email những công việc mà ngày này là quan trọng với tôi… tất cả sẽ bị cuốn đi hết sạch. Sẽ có những quán ăn mới, những ông xe ôm mới, một thằng tôi mới, lại bán hàng lại đánh nhau lại chạy xe lại viết email… theo một cách thức có thể khác đi đôi chút.

Dù biết đến sự tồn tại và sức mạnh của con sóng thần ấy, thì tất cả những gì chúng ta có thể làm là cứ làm những việc mình cần làm hoặc không cần phải làm.

Written by Tequila

July 4, 2015 at 3:20 am

Posted in Linh tinh