Teq's Blog

Archive for December 2011

Những con số – Le brothers

leave a comment »

Hà Nội hôm nay ngập nắng. Chả bù cho Huế hai ngày vừa rồi, ngập mưa. Hai ngày ở Huế, chẳng đi được đến đâu, mưa suốt. Nhưng mục đích của chuyến đi, là xem một cái triển lãm, thì lại đạt được. Đó là một triển lãm nghệ thuật đương đại, mà tôi – một kẻ rất hãi những chữ leng keng như “nghệ thuật” hay “đương đại”, thấy rất hay. Đến nỗi về tới nhà phải viết cảm nghĩ ngay sau khi ăn bát bún lót dạ.

Hai anh em sinh đôi, Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, là bạn của vợ tôi. Đúng ra tôi mới chỉ biết đầy đủ họ tên của hai anh này khi đến triển lãm, trước đó chỉ biết là Thanh – Hải. Hai ông này hình dung cổ quái, cổ quái quá phim cổ trang Tàu. Lúc mới gặp tôi tưởng như hai ông này cổ quái một cách cố tình bởi nghệ sĩ thì nó phải cổ quái mới oách. Sau này biết hơn, thì thấy hai ông này tự nhiên đã cổ quái, và phải làm nghệ thuật bởi không một công việc nào khác trên đời có thể thỏa mãn sự cổ quái đó.

Là một cặp song sinh, bọn hắn rất giống nhau, gặp tới lần thứ tư thứ năm tôi mới có thể phân biệt được gã nào là gã nào. Khi gặp bạn bè, hai gã nói rất nhiều và to, cướp hết phần nói của người khác. Ban đầu tôi thấy hễ nói một câu, thì Thanh nói nửa câu Hải nói nửa câu còn lại. Sau này thì thấy Thanh chỉ nói 1/3 câu còn Hải nói 2/3 câu.

Hai ông này có số má trong làng nghệ thuật bây giờ. Và việc tôi, thông qua vợ, được hai gã coi là thằng em thằng bạn, tôi tự thấy là điều hãnh diện. Và vì lẽ đó nên tôi mới cất công tháp tùng vợ đi Huế dự triển lãm năm nay của hai gã, mặc dù tôi hoàn toàn không có một kiến thức gì về hội họa, về những thứ rổn rảng như performance art, installation art…

***

50baff1d4c7f3cb570784a620da7c8cb.web

Chúng tôi tới Huế trước triển lãm một ngày, tới chơi gallery của hai anh ở phố Phạm Ngũ Lão. Sau khi đưa thằng con hai tuổi rưỡi đi ngắm tranh trong gallery, ngắm tranh y như cách thằng con ngắm, tranh này có con cá, tranh này có con mèo, tranh này có con trâu… thì tôi bắt đầu ngồi đọc những trang viết in trên sách giới thiệu triển lãm, trên web, trên blog một số nhà phê bình nghệ thuật.

Cái tôi đọc được rất mơ hồ. Những văn bản ấy là tập hợp của những từ khóa nghệ thuật. Giống như trong báo bóng đá thì những bài phân tích là tập hợp của những từ khóa như “chiến thuật”, “miếng”, “phong độ”, “bản năng”, “bắt bài”, “tinh tế”, “chiều sâu”… thì các bài phân tích về triển lãm Những con số là tập hợp của những từ mà tôi không hiểu lắm như “chiều kích”, “ẩn dụ”, “không gian”, “biến cố thị giác”, “tiếp cận”, “siêu ngợp”, “phi cụ thể”… Tóm lại khi đọc xong một loạt bài viết, thì tôi kết luận rằng không thể dựa vào những bài viết này để làm bản đồ khi đi xem triển lãm.

Tối đó, chúng tôi được mời đến một bữa tiệc rất đông người, tổ chức tại nơi làm việc của hai anh, công xưởng sáng tác của bọn hắn. Đó là một mảnh đất rộng có vườn có ao, có hai căn nhà thấp đơn sơ. Rất đông người, tôi không quen biết ai cả vì thế tự miễn cho mình màn giao tiếp chào hỏi, và đi xem những gì có trong nhà.

Nhà sau, trên cột nhà gắn những tập giấy A4 cắt đôi, trên đó ghi những dòng chữ viết tay. Tôi đọc và thấy gần gũi hơn với mình. “Liệu có bao giờ có cái gì là sự tĩnh lặng”, “thử tưởng tượng nếu xung quanh ta không có những âm thanh đẹp đẽ mà chỉ toàn những ồn ào hay những âm thanh hoặc chói tai hoặc ghê rợn, thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao”… đại loại vậy không nhớ nguyên văn. Rồi tôi được xem một cuộc trình diễn nghệ thuật (chả biết là gì) do một bà tây thực hiện. Bà ấy hai tay cầm 4 cái bút chì, vừa xem hai người đàn ông đánh cờ tướng vừa dùng 4 cái bút vạch vạch những đường nét dựa theo những cử động tay và thái độ tâm trạng của hai người đánh cờ. Ván cờ kết thúc, trang giấy chằng chịt những đường vạch bút chì, nét mạnh nét yếu, vừa giống như trẻ con vẽ bậy lại vừa giống như bản ghi điện tâm đồ loạn xạ ghi lại xung động tâm lý của người chơi cờ. Tôi thấy cái này hay phết, tôi thấy rằng xem những cái gọi là nghệ thuật cao siêu, thì tốt nhất nên xem bằng con mắt của trẻ thơ.

Tôi quan niệm nghệ thuật không phải là thứ cao siêu, hoặc ít nhất không cao siêu đến nỗi như người ta dọa nạt. Nghệ thuật biểu đạt cái đẹp. Mà cái đẹp, cũng như một người đàn bà đẹp ai nhìn cũng thấy đẹp, là thứ tự nhiên đã đẹp. Dĩ nhiên khi người ta làm nghệ thuật thì người ta dùng nhiều công cụ khác nhau để diễn tả cái đẹp. Có những thứ công cụ phức tạp, mà để hiểu thì người ta phải có kiến thức ở chút nào đó. Như trong nghề nghiệp của tôi thì tôi thích cái mà tôi gọi là vẻ đẹp của công nghệ. Để hiểu tường tận thế nào là vẻ đẹp của công nghệ tất nhiên phải hiểu công nghệ. Nhưng để cảm thấy cái đẹp của công nghệ, thì chỉ cần thấy sướng là được, như thằng con tôi hai tuổi rưỡi của tôi nghịch cái Ipad (một tác phẩm công nghệ đẹp). Sướng là được, không cần hiểu.

Tôi quyết định hôm sau sẽ đến xem triển lãm theo cách thằng con tôi nghịch Ipad, xem những tác phẩm của hai gã có làm tôi sướng không.

***

Và tôi đã sướng.

***

1945. Chén và đũa.

Chen-dua-anh-4

Đây là một góc của tác phẩm sắp đặt Chén và đũa 1945. Có 1945 bộ bát đũa, xếp nhiều hàng trên một tấm chiếu rộng mấy chục mét vuông, mỗi chiếc bát được sơn son thếp vàng bên trong và viết số 1945, trên mỗi bát có một đôi đũa son. Đứng xa sẽ thấy 1945 bộ bát đũa sắp hàng, đứng gần sẽ thấy mỗi bát có một con số 1945 không số nào viết giống số nào.

Người ta bảo rằng đây là sự tưởng niệm về quá khứ hai triệu người chết đói, rằng có tính tâm linh, rằng có tính nhắc nhở, rằng là sự kết nối đến quá khứ. Chắc rằng đây là khởi đầu ý tưởng của các tác giả. Nhưng ý tưởng của tác giả là của tác giả, ý tưởng của người xem là của người xem. Rõ ràng đây là thứ nói về năm 1945 khi hàng triệu người chết đói và những cái bát đũa như thể đặt trên quan tài, chỉ thiếu quả trứng nắm cơm. Đứng nhìn một lúc, bỗng tôi thấy kinh ngạc khi nghĩ rằng nếu thay 1945 bằng 1979, tức năm sinh của tôi, thì đây sẽ trở thành nghĩa trang của mình và những bạn bè cùng năm sinh với mình. Có ý nghĩ đó rồi thì càng nhìn càng thấy hãi. Nếu đây không phải buổi khai mạc triển lãm, rất đông người, nếu tôi ở đây có một mình ban đêm và nhìn những cái bát 1945 này, tôi sẽ thấy toàn ma. Mỗi người 1945 chết đói là một con ma, mỗi con số 1945 viết khác nhau sẽ ra những con ma khác nhau. 1945 con ma giống nhau mà khác nhau ngồi trên chiếu. Nhưng sẽ còn kinh hơn nhiều nếu đầu mình lại cứ thay 1945 bằng 1979, như thế thật vãi đái và thay vì tôi phải xem những bóng ma quá khứ thì sẽ phải xem những bóng ma tương lai.

Lần đầu tiên tôi biết rằng, hóa ra nghệ thuật sắp đặt của mấy bố nghệ, cũng có thể điều khiển tâm trạng người ta giống như một thằng kéo violin giỏi có thể kéo trái tim người ta ra khỏi lồng ngực mà bóp.

***

1991. Giường nội trú.

Untitled

Đây là tác phẩm Giường nội trú.

Ảnh này không phải ảnh ở triển lãm, ở triển lãm là một căn phòng rộng trắng toát kê hai chiếc giường như thế này. Không gian tốt đủ để xem.

Đối với tôi con số 1991 không có ý nghĩa gì. Một cái giường sinh viên được sơn son, vẽ rồng phượng ở giát dường, treo những tấm lụa đào cũng thêu rồng phượng. Cái gường này cũng chẳng có ấn tượng gì với tôi, và tôi không hiểu ý của tác giả, dù cũng đi qua đi lại và cố lý giải thử xem nó là cái gì.

Chỉ tới khi có một thằng sinh viên Huế đi xem triển lãm, leo lên giường nằm, thò hai ngón tay hình chữ V ra ngang mặt cười để bạn nó chụp ảnh, trông rất lố bịch, thì tôi mới có được cái ý nghĩ của tôi.

Trong các văn bản mô tả triển lãm mà tôi đọc được, thì người ta bảo rằng đây là sự diễn giải quá khư riêng tư của các tác giả. Quá khứ riêng tư gì, học trên giường này, ngủ trên giường này, đánh bài trên giường này, hay bem bạn gái trên giường này…?? Tôi thì thấy việc thằng sinh viên giơ hai ngón tay nằm chềnh ềnh trên một cái giường nội trú sơn son thếp vàng, cho bạn chụp ảnh, trông thật lố bịch.

Một cái giường lởm như vậy được sơn thếp như giường vua chúa, là sự lố bịch. Hay là cái uy nghi vàng son của thiên tử, được giáng thành cái giường lởm cho bọn sinh viên nằm, là sự lố bịch. Một thằng dặt dẹo tô mình thành thánh nhân, hay là một vị thánh nhân bị đày thành thằng dặt dẹo?

Nghĩ tới đây, tôi thấy cái giường này giống như một phiên bản của Đại nội Huế vậy.

***

Nhưng mà tôi thích phim nhất.

Phim được chiếu bằng 3 cái projector, bộ ba hình ảnh xếp cạnh nhau chạy song song.

1323599852476

Untitled2

Untitled3

Bộ phim này tên là Chạm tới biển. Dài 59 phút. Hay vãi đái, không biết hay vì sao. Nghệ thuật thì nó phải cao siêu, hiểu thì còn gọi đéo gì là nghệ thuật hehe. Tôi cam đoan tác giả cũng đéo hiểu gì, hoặc ít nhất cũng không biết là mình làm ra phim này để muốn khán giả hiểu cái gì. Tác giả đâu có làm phim cho một hai thằng bạn cứt xem và hiểu, kiểu Bá Nha chi đánh đàn cho Tử Kỳ. Với bạn cứt thì uống rượu nói nhảm được rồi, cần gì làm phim cho lòe loẹt.

Đây là cho công chúng. Nhưng lại không có gì cho công chúng hiểu. Nếu muốn, tác giả đã làm cho nó dễ hiểu hơn. Có thêm ít câu chuyện, thêm ít dẫn nhập, có ít gì đấy dễ hiểu hơn cho người ta hiểu. Hoặc tác giả phải viết ra một bài diễn văn 59 trang cho 59 phút phim, để cho khán giả vừa xem vừa đọc, chỗ này bọn tao làm thế này là có ý nghĩa này, nó như này, như này… Như thế, chả đứa nào thèm xem.

Ở đây, các tác giả cứ mô tả cảm nghĩ của mình, và khán giả muốn nghĩ thế nào cũng được. Tôi nghĩ tác giả đã thành công. Bằng chứng là thằng ngoại đạo như tôi, chả hiểu gì về điện ảnh, toàn thích xem phim đánh nhau hoặc hôn nhau, cũng thích.

Trong phim có những cảnh rất oách. Như cảnh một thằng trói tóc thằng kia lên nóc khoang thuyền, buộc dây anh đỏ chằng chịt đầu mình tay chân, rồi ngồi xuống đối diện nhập thiền. Như cảnh một thằng quấn thằng kia từ đầu đến chân bằng lụa đỏ, cung kính chậm rãi như người ta quấn một cái xác ướp, rồi kéo lê cái xác ướp đỏ choét, từ dưới hố cát đi lên. Rồi cả thằng người cả cái xác bỗng sung sướng tung hết lụa đỏ chạy chơi giữa trời. Hoặc cảnh hai thằng thay phiên nhau bê vác vật lộn nhau trên con thuyền tròng trành. Rồi lại chỉ còn có một thằng giãy dụa như con sâu trong đống vải đen và vải đỏ…

Cái hay là hai thằng này giống hệt nhau (đạo diễn kiêm diễn viên là hai thằng sinh đôi mà). Một thằng mà như hai thằng, hai thằng lại chắc chắn chỉ là một thằng mà thôi. Như người ta cứ mãi vật lộn đấu tranh nhau và thỏa hiệp với nhau, mà “nhau” ở đây là chính mình và chính mình.

Biển là cái gì mà phải chạm tới. Biển là cõi tâm linh, hay là chỗ vinh hoa phú quý, là hạnh phúc tiềm ẩn khổ đau, là khổ đau mà hứa hẹn hạnh phúc, hay là biên giới của sự hiểu biết của con người và sự vô cùng của trí tuệ. Hai thằng đó, hay là một thằng đó, cứ đau đáu. Lúc thì cùng lội dưới sông. Lúc thì đi trên cát. Lúc thì tụt xuống hố. Lúc thì chênh vênh trên con thuyền. Mà con thuyền không ở ngoài khơi, con thuyền chỉ len men bên bờ nước, bên bờ cuộc sống thường nhật. Trên con thuyền, lúc thì hắn vật lộn với chính mình, lúc thì trói mình lại và thiền định. Như thể một con người, hễ đặt ra câu hỏi về giá trị và ý nghĩa cuộc sống của mình, bắt buộc phải như thế. Trừ khi chán không hỏi nữa, thì như trong phim Châu Tinh Trì, vỗ vai thằng bạn bảo “sao trông mày buồn quá zdậy, cầm tiền đi chơi đĩ cho zdui đi”. Hoặc từ bỏ hẳn và đi theo những thứ không phải cõi đời này, như một vị sư. Còn không, chỉ vài ba nỗi buồn nhỏ nhỏ, uống rượu với thằng bạn tâm giao, hoặc có lúc tĩnh lặng ngồi một mình chơi game, bụng lại tự hỏi, Biển ở đâu, sao không chạm tới.

***

Xem những thứ như thế này, không nói gì tốt hơn là nói, mà đã nói, thì nên nói ít đừng nói nhiều, mà đã trót nói nhiều, thì một lúc sau cần tự biết mà ngậm mồm lại.

Nên thôi, mặc dù còn muốn dông dài nhưng thôi không nói nữa.

Nhắc thêm một lúc, giữa khi đi xem triển lãm thì tôi vào phòng để uống rượu vang. Triển lãm có một căn phòng nhỏ để các tác giả tiếp bạn bè. Những bọn nghệ có số má, những bọn nghệ tưởng mình có số má, những bọn nghệ muốn mình có số má, đều vào đấy uống rượu vang cả. Tôi đang xem phim tới lượt hai thì phải vào bởi vì thằng con nó quậy quá, vào để cho nó cái ipad chơi cho đỡ làm phiền, tiện ngồi làm ly vang một mình, ngóng chuyện thiên hạ. Có một đoạn trao đổi rất hay.

Một chàng nghệ sỹ hỏi một em sinh viên (tình nguyện viên trong đội giúp các tác giả làm 1945 cái bát):

– Bọn em làm bao nhiêu cái bát.

– Dạ 1945 cái. Không thực ra là 2000 cái nhưng lựa vứt đi những cái xấu, để lại 1945 cho đúng số triển lãm.

– Nếu mà những cái bát này không có số 1945, thì anh sẽ bán được tất cả.

– ???

– Năm ngoái anh có đặt làm một lô bát lọ sơn son thếp vàng, để bán cho các gia đình hoặc bán cho tây. Người ta mua nhiều lắm. Bát ở triển lãm này, nếu không ghi số 1945, thì có thể bán cho khách người ta mang về nhà trưng bày hoặc để ăn trong dịp lễ tết. Bán được tiền đấy chứ không đùa đâu.

– !!!

Tôi khoái chuyện của chàng nghệ sĩ ấy quá, uống bụp phát hệt mẹ ly rượu, lại phải rót ly nữa.

Thì ra giá trị của nghệ thuật nó như vậy. Nếu không định làm nghệ thuật, không có ý tưởng 1945 cái bỏ mẹ gì cả, thì sẽ bán được tiền. Và nếu đã gán số 1945 vào, thành mẹ tác phẩm nghệ thuật, thì không thể đem bán được nữa. Hai ông anh của vợ tôi và các sinh viên nghệ thuật Huế đã dày công làm đủ 1945 cái bát đẹp và viết đủ 1945 chữ 1945 khác nhau, chỉ để người ta không thể mang các cái bát ấy ra mà ăn cơm được nữa. Nghệ thuật nó ở chỗ ấy.

1945 Chén và đũa, chỉ là bát đũa để ăn mà rồi thành ra không dùng để ăn được, chính là thành công của tác phẩm. Mấy bài viết rổn rảng câu từ, đánh bẫy người ta trong tổ hợp các từ khóa cao siêu, không bằng nhận định của anh nghệ sỹ kia, vì có số 1945 mà anh không thể bán các bát này cho người ta ăn cơm tết.

***

Entry này viết khi vừa trở về nhà từ Huế, về ăn xong bát bún là nhảy vào viết luôn. Để tới mai, tất không dám viết nữa. Nghệ thuật cao siêu quá, tuổi gì mà tôi dám bàn vào.

Chỉ là ghi lại những ý nghĩ đã có trong một chuyến đi ngắn và nhiều cảm tưởng.

Written by Tequila

December 12, 2011 at 3:18 pm

Những hình ghép vụn vặt

leave a comment »

Tôi vừa ru con ngủ. Bằng cách thông thường là nói chuyện hoặc kể chuyện cho nó nghe. Câu chuyện hôm nay là về một siêu nhân có cái mồm to, tức là cái hình nó ghép lại bằng đồ chơi ghép hình, mà theo nó là một con siêu nhân có hai cánh và một cái mồm to.

Còn bây giờ, khi thằng bé đã ngủ và cả nhà đã ngủ, tôi chơi trò chơi thường lệ, trò ghép hình của tôi, những khi ngồi trước máy tính mà đầu óc tản mát, chơi game cũng không tập trung mà nghe nhạc cứ chuyển hết bài này tới bài khác, ý nghĩ, kỷ niệm, hình ảnh… cứ lan man hết từ nơi này sang nơi khác. Bao nhiêu miếng ghép lớn nhỏ và không thể ghép thành một cái gì đó có hình thù.

Và tôi nhặt từng miếng ghép của ngày hôm nay.

***

Khi tôi nhìn vào bản thân mình, chẳng bao giờ tôi muốn mình là một người bận rộn. Không bao giờ muốn thấy mình cứ cắm cúi với những công việc ở nhiệm sở, với những việc gia đình, với biết bao mối lo. Tôi cũng không muốn thấy mình là một người có đông bạn bè, người quen, để rồi những cuộc gặp gỡ, cafe, bia bọt, chơi bời… chiếm hết khoảng thời gian còn lại. Thế nhưng đấy lại chính là tôi hàng ngày.

Khi nào thèm được lười nhác quá, tôi lại nhớ đến căn phòng cũ của mình ở Matxcova, nơi làm nên mặc cảm Nga lợn của tôi. Ở đó tôi đã có ba năm lười nhác, số thời gian làm việc và kể cả thời gian uống vodka cộng lại đều không bằng thời gian lêu hêu. Lêu hêu nằm trên giường, cạnh cửa sổ, lạnh run lên co ro trong cái chăn trắng cháo lòng, ngắm tuyết bay, thò chân đá cái cửa sổ cho nó mở hé ra, hút thuốc. Lêu hêu đi lang thang những con đường góc phố, những khu chung cư ổ chuột. Lêu hêu qua những công viên bến tàu buổi đêm, trên những chiếc xe điện khuya vắng ngắt, lạch cạch chạy qua những ngõ vắng. Lêu hêu với những nỗi buồn và những ảo tưởng.

Ba năm đó tưởng dài như mười năm, vì tôi có quá nhiều thời gian lêu hêu, để nghĩ, để buồn vui, để viết, để đối chiếu và cảm nhận chính bản thân mình. Về sau, đôi khi ngồi nói chuyện với một người nào đó, tôi cứ nghĩ vớ vẩn rằng không hiểu anh/chị ta có bao giờ ngồi nghĩ về cuộc sống của mình hay không. Hay là cuộc sống cứ đầy ắp những sự việc, những sự lựa chọn và những sự làm theo các lựa chọn, cuối cùng lại là một chuỗi phản ứng tương tác với ngoại cảnh mà thôi.

Năm 17 tuổi tôi có một cuốn nhật ký, vợ tôi vẫn còn giữ, nhưng tôi không bao giờ đọc lại vì xấu hổ với những suy nghĩ trẻ con và to tát hồi đó. Tuy không đọc nhưng tôi vẫn nhớ rằng, hồi đó tôi đã viết, tôi có hai nhân vật trong mình, một thằng sống và một thằng không làm gì cả chỉ xem thằng kia sống.

Thế nên tôi rất nhớ một buổi chiều, tôi và bạn Kỳ đều trốn làm về sớm, hai thằng ngồi với nhau ở sân nhà Lạc Trung, trên cái ghế gỗ mà bạn vừa tự mua gỗ về đóng. Bạn pha hai cốc cafe, cùng tôi ngắm nhìn cái cây còi cọc trước sân và ánh nắng chiều xiên qua khe giữa những ngôi nhà chiếu xuống chỗ chúng tôi ngồi, bạn bảo, đéo gì mỗi ngày chúng ta đều phải dành chút thời gian để mà trầm tư.

Dạo này không hiểu bạn còn trầm tư hay không, hay ngay cả trầm tư cũng lại trở thành một công việc mà bạn thực hiện hàng ngày.

***

Tôi đã viết thư cho mẹ. Một bức thư dài bảy tám chai bia. Tức là từ khi mọi thứ đều rất chuẩn tắc cho đến khi ý nghĩ quay tít mù mười ngón tay gõ không cần suy nghĩ và kim đồng hồ quay tít hai tiếng cũng trôi nhanh như mười phút. Sáng hôm sau, ngồi ở bàn làm việc, thậm chí tôi đã định login vào hòm thư của mẹ để xóa đi, nhưng không được vì mẹ đã nghe lời tôi đổi pass từ bao giờ.

Một ngày, hai ngày, ba ngày… không thấy mẹ có phản ứng gì, dù hai mẹ con vẫn gặp nhau mỗi buổi trưa. Nhưng tôi rất kiên nhẫn, cho tới khi nhận được reply. Mẹ bảo đã nửa tháng mẹ mới check mail, mới nhận được thư của con và trả lời. Mẹ bảo mẹ rất hạnh phúc vì nhận được thư của tôi, mẹ rất yêu tôi, và mẹ bao giờ cũng là người bạn đường tin cậy mà tôi có thể chia sẻ mọi điều.

Đầu lá thư mà tôi gửi mẹ, tôi nói rằng mẹ đừng lo lắng khi nhận được thư của con, dù nó là việc rất khác lạ, mẹ yên tâm rằng con ổn và con đang hạnh phúc. Sau đó là bảy tám chai bia để diễn giải.

Thế là tôi đã làm được việc khó khăn mà khi mới chào đời con gái tôi đã nhắc nhở tôi, hãy viết thư cho mẹ.

***

Tôi đọc Murakami. Bây giờ tôi mới đọc Murakami, nếu không kể một tiểu thuyết ngắn không có gì nhiều để đọng lại. Tôi đang đọc Biên niên ký chim vặn dây cót. Thằng em tôi bảo Murakami không hay, tôi đồng ý, nó cũng bảo Biên niên ký chim vặn dây cót không hay, tôi cũng đồng ý. Văn học cũng như âm nhạc, cũng như món ăn, nó là khẩu vị. Một chuyên gia ẩm thực chưa chắc đã là kẻ sung sướng khi ngồi vào bàn ăn.

Nhưng tôi thích cái giếng trong Biên niên ký chim vặn giây cót. Tôi thích ý nói, khi ngồi trong giếng thì ban ngày cũng có thể nhìn thấy sao trời. Chẳng biết nó có phải không nhỉ, tôi không có cái giếng nào để chui xuống và nhìn lên xem sao trời ban ngày. Không biết có phải không, nhưng tôi vẫn tin là thật. Người ta không cần có giếng, và không cần trải nghiệm hay dùng các kiến thức để phân tích xem ở dưới giếng có nhìn thấy sao trời ban ngày không, người ta chỉ cần thích ngồi dưới giếng để ngắm sao trời ban ngày.

Tôi tin cái giếng của Murakami. Chúng ta lúc nào mà chả ngồi trong cái giếng của mình và chúng ta vẫn nhìn thấy những ngôi sao trời giữa ban ngày đó thôi.

***

Trong câu thơ của em anh không có mặt. Câu thơ hát về một thời yêu đương…

Đêm nghe những bài hát cũ thấy hay quá. Đây là một đêm trong những đêm mà nếu không bắt buộc phải đóng vai một người bận rộn, tôi có thể ngồi hết đêm, tới khi trời sáng, để nghe nhạc và nghĩ ngợi lằng nhằng miên man như nhân vật của Murakami ngó trân trối lên những ngôi sao trời ban ngày.

Nhưng mà thời gian không cho phép và tôi chỉ có thể buông thả mình thêm hai hoặc ba chai bia nữa.

Nhưng thôi tôi nghỉ blog ở đây.

Written by Tequila

December 6, 2011 at 12:38 am

Posted in Linh tinh

Xâu hàng 02

with one comment

Hôm trước mượn được thằng bạn Welcome to the hell, thằng Nguyên lác, cái máy ảnh xịn của nó, về chụp ảnh con cái. Có lẽ thằng này đang rắp tâm truyền bá thêm cho tôi trò tốn tiền mới là trò chụp ảnh, nhưng tin chắc nó sẽ không thành công. Tuy vậy cũng phải cảm ơn nó vì đã cho mượn máy ảnh.

Hôm nay đã up một ít lên facebook, giờ show tiếp ở đây.

Trước hết kính mời các bác các cô các chú xem lại Xâu hàng 01, thằng ôn con lúc nó 2 tháng tuổi.

img_5233

Và bây giờ thì nó đã hai tuổi rưỡi, thường thích làm siêu nhân và chơi trò xếp hình.

DSC_0787

Chơi chán thì thích ngồi lòng bố

DSC_0694

Rồi ngủ

DSC_0878

Hoặc chơi với em

DSC_0738

Cô em của nó thì rất xinh đẹp

DSC_0764

và giống hệt anh của nó

DSC_0823

sau này rồi sẽ còn xinh hơn mẹ

IMG_4100

***

Đấy là gia đình nhỏ và niềm tự hào lớn của tôi.

Written by Tequila

December 2, 2011 at 1:59 am

Posted in Gia đình