Teq's Blog

Archive for August 2012

Trên đường 27/8/2012

with 5 comments

Entry trước tôi nhân một lúc thèm uống nên ngồi uống say rồi gõ. Sáng ra không thèm đọc lại cũng biết là những gì mình viết là rất nhảm, thậm chí giờ cũng không muốn đọc lại, đáng phải xóa đi. Song lại nghĩ, mình sao thì mình vậy, cái lúc uống say nói nhảm cũng vẫn là mình thôi, và vì mình thích uống rượu cho nên mình phải tôn trọng cái thằng mình lúc say, bất kể là hay hay dở, cũng vẫn phải tự tôn trọng. Chả việc gì mà xấu hổ.

Blog này của tôi vắng vẻ. Nhưng tôi cũng biết có những bạn mà tôi quen hoặc không quen, vẫn đọc nó. Tôi rất vui, rất cảm ơn các bạn đã đọc, cảm ơn các bạn vì thậm chí còn comment và follow. Nhưng tôi hiếm khi trả lời các comment. Thật là bất lịch sự. Đơn giản là tôi không biết trả lời các comment như thế nào. Chỉ biết rằng tôi cực kỳ vui khi các bạn, quen và không quen, của tôi, có đọc và có nói với tôi.

***

Vậy là ngôi nhà đã được dựng lên.

Nó hoàn toàn khác với những gì tôi mường tượng trong những lúc lãng mạn. Nó xấu xí giống như thực tế nó phải là như vậy.

Chúng tôi, tôi và vợ, ngồi ở bậu cửa, phía đằng sau các anh em H’mong vẫn đang hì hụi dựng nốt những tấm vách. Chúng tôi hài lòng vì ngôi nhà đã được dựng lên, dù nó thật sự xấu. Chúng tôi biết rằng còn quá nhiều việc phải làm. Một ngôi nhà H’mong đẹp là ngôi nhà chỉ còn hiện diện trong tâm trí. Thật hiếm có những nhà cột và vách bằng pơ mu. Hầu hết là “gỗ linh tinh” như lời các anh nói. Tất cả các nhà H’mong bây giờ đều lợp pro-xi măng, xấu lắm. Chứ nếu là nhà H’mong xịn, thì phải là gỗ pơ mu toàn bộ, qua năm tháng ám khói đen bóng, mái nhà là những phiến gỗ đuổi nhau từ trên cao xuống thấp tới chạm đầu, đi đến gần là ngửi thấy mùi khói, chưa bước vào đã thấy say rượu ngô.

Nhà như thế khắp vùng không còn. Cho nên khi chúng tôi mua một căn nhà cũ về dựng, thì nó chỉ là cái nhà như người ta đang sống, gỗ là “gỗ linh tinh” mái pro-xi măng, xấu xí như các ngôi nhà khác. Với hai mươi triệu, thì làm sao có cái nhà hơn thế. Tôi nhớ khi tôi lấy vợ, một cái giường một cái tủ, đã cũng chừng đó tiền. Đây thì, công chuyển từ trên núi cách đó 2km, chỉ bằng sức người, chừng đó cái cột, dầm xà, mái pro – xi măng, vách gỗ… tiền ăn uống và tiền công thêm mấy triệu, thế là rẻ lắm. Chúng tôi biết rằng để có cái nhà như chúng tôi muốn, còn cần nhiều công sức và tiền bạc. Và thời gian nữa. Tháng sau tất cả bọn đàn ông sẽ lên rừng tới sáng xuân mới về.

Nhưng dù sao cái nhà dù còn xấu xí cũng đã được dựng. Lần sau chúng tôi lên, sẽ ở trong nhà của mình, chưa tiện nghi thì ngủ trong nhà bằng túi ngủ.

***

Đêm chúng tôi ngủ trong nhà anh Chư. Tôi xác định sẽ uống say, và tôi cũng đã uống say. Như thường lệ, sáng ra tỉnh dậy chả nhớ đéo gì.

Theo lời vợ tôi kể lại, thì tới cuối buổi rượu, tôi say lắm. Tôi chỉ còn nhớ đoạn gần cuối, khi các anh lớn đã say cả, tôi ra bếp lửa nghe thổi khèn và cũng tập thổi khèn. Tiếng khèn buổi đêm trên núi nó làm say còn hơn rượu. Sáng ra vợ tôi kể, hôm qua anh say lắm, nói năng lung tung cả, cứ anh thế này em thế nọ, chúng ta là anh em, lặp đi lặp lại tới cả hai chục lần cùng một nội dung. Tôi bảo, dù hơi xấu hổ, là em cứ thử uống vào chừng đó rượu đi, kim đồng hồ nó sẽ quay như chong chóng và lời nói thì nói hai mươi lần vẫn tưởng là một lần.

Tôi bảo, biết là uống say là nói nhảm, người tỉnh nghe rất buồn cười. Nhưng phải thế. Sau cuộc rượu chả ai còn nhớ gì, chỉ cái chân tình còn đọng lại (dĩ nhiên nếu chân tình). Đang trình bày với vợ thì thằng điên hút thuốc lào bên cạnh, hắn là thằng H’mong điên thật, là người bị điên, quay sang bảo, uống rượu nói chuyện mới vui. Không uống rượu thì chán.

***

Còn quá nhiều việc để làm. Chúng tôi sẽ còn phải bỏ công sức rất nhiều. Tôi nghĩ rằng nếu làm để kiếm tiền thì sẽ không làm được, làm để từ thiện cũng sẽ không làm được, làm để vì cộng đồng cũng sẽ không làm được, chỉ có một cách là làm như làm việc của mình. Coi nó như công việc của mình. Coi những người đó như những anh em của mình.

Một lũ đàn ông đang làm việc, dựng vách, trèo lên làm mái, chỉ đạo sai phái nhau om sòm. Còn bà cụ thì ngồi xuống ghế cạnh tôi, cùng xem mọi người làm. Mảnh đất này là sở hữu của bà cụ, bà mẹ anh Chư, ông chết rồi nên bà là chủ trên giấy tờ đóng dấu đỏ to tướng. Chính bà đã đồng ý để nhượng cho chúng tôi, anh Chư phải xin phép bà. Bà đến ngồi để coi xem bọn con cháu làm ăn thế nào. Bà không biết tiếng Kinh, vợ chồng tôi trao đổi với bà qua âm sắc giọng nói và cử chỉ.

Hồi đầu tôi cứ tưởng chúng tôi được chấp nhận, được làm việc này, là vì tôi giao tiếp tốt với các anh em H’mong. Sau tôi mới thấy, được như vậy là nhờ bà già. Mà bà già tin cậy chúng tôi, là vì vợ tôi. Những người đàn bà họ không tin cậy mấy thằng đàn ông lúc nào cũng vỗ ngực hoành tráng với nhau nhưng làm thì như cứt, họ có những kênh riêng để tìm hiểu và tin cậy lẫn nhau. Và rồi thì dù bàn nhậu bày ra, theo phong tục H’mong thì họ không bao giờ ngồi vào, họ sẽ ngồi ăn bên trong, mặc kệ bọn này uống rượu nói nhảm. Sáng ra, tỉnh rượu, người đàn bà sẽ nhắc nhở là chúng mày đã nói với nhau cái gì và vì thế sẽ phải làm cái gì.

Khi chúng tôi còn là khách, vợ tôi ngồi cùng mâm uống rượu với tôi và các anh. Sau này vợ tôi né, rồi gần đây thì vợ tôi xuống bếp ăn cơm với đám đàn bà, gọi cũng không ra ngồi cùng. Từ khi vợ tôi làm thế, bọn đàn ông tôi nói cái gì cũng nghe. Bọn đàn bà thật ảo diệu.

Bà già, mẹ anh Chư, không nói lời nào, tay vẫn cầm mảnh vải thổ cẩm đang làm dở, bỏ chỗ ngồi quen thuộc của bà trong bếp nhà bà, ra đứng ngó hồi lâu rồi ngồi xuống cạnh tôi, trong ngôi nhà đang dựng dở. Bà ấy chả nói câu nào, mà tất cả đều hiểu, là bà tin cậy chúng tôi và đồng ý cho chúng tôi làm mọi thứ trên khoanh đất này của bà. Hành động đấy còn giá trị hơn tất cả những gì mà chúng tôi, tôi và bọn đàn ông H’mong, đêm trước say rượu nói nhảm với nhau 20 lần cùng một nội dung để mong nhau nhớ.

***

Thái độ và hành động của bà già ấy làm tôi xúc động vì nghĩ tới mẹ tôi.

Một công việc rất nhỏ và vợ chồng tôi làm cùng em tôi. Tất nhiên em trai tôi là một thằng đàn ông và kệ xác nó nó vẫn cứ sống đều, bất kể. Nhưng vì một việc liên quan đến nó, mà khi tôi đang đánh xe ra khỏi ngõ, nhìn lại thấy mẹ vẫy tay rồi chạy theo. Chạy, chứ không đi, một người đàn bà chạy. Tôi dừng lại, mẹ hỏi là thế em con có làm được việc không, tôi cười xòa bảo mẹ đừng lo, bọn con lớn rồi mẹ lo gì nhiều thế. Mẹ tôi cười cười như thể có lỗi, nói là mẹ chỉ quan tâm thôi, rồi quay về. Tôi ước gì em tôi nhìn thấy mắt mẹ khi mẹ chạy theo để hỏi về việc của nó. Điều đầu tiên lúc đó là tôi thấy ghen với thằng em mình.

Tôi cũng nghĩ tới vợ tôi.

Tôi muốn ca ngợi vợ tôi, nhưng chẳng bao giờ cô ấy thèm đọc những gì tôi viết, cô quá bận và cô có những mối quan tâm khác. Cô chẳng bảo giờ buồn đọc, hoặc nếu có đọc cũng bỏ qua không để tâm, tất cả những gì tôi viết trên mạng, trên TTVN, trên Thăng Long, trong những email gửi riêng… Cô ấy bỏ qua tất cả những lời nói và cảm xúc vớ va vớ vẩn của tôi, cô ấy chỉ quan tâm xem tôi thực-chất-in-đậm rằng tôi có vui không, có buồn gì không, có được sống như là tôi muốn không, chỉ thế, và là quá nhiều.

Đàn bà thật là đáng nể và gần đây tôi bắt đầu trở nên không thể yêu được những thằng nào không yêu và không kính trọng phụ nữ. Có lẽ là tôi đã trở thành một thằng đàn bà chăng.

***

Tóm lại là chúng tôi đã dựng được một căn nhà xấu. Chúng tôi sẽ còn phải làm nhiều việc để nó đẹp lên như chúng tôi mong muốn.

Nhưng ngay bây giở, có ai muốn nghe thổi khèn dưới trăng không?

Written by Tequila

August 28, 2012 at 1:17 am

Posted in Linh tinh

Linh tinh 14/8/12

with 2 comments

Tôi muốn gạch nhiều gạch đầu dòng cho buổi tối hôm nay.

Buổi tối hoàn toàn bình thường. Chúng tôi cùng trở về nhà, ôm hai đứa bé vào lòng và đùa nghịch với chúng. Đứa lớn thì mẹ nó cắt tóc cho ngắn cũn, trông nhâng nháo và nghịch ngợm. Đứa bé thấy tôi thì chào bằng cách riêng của nó với tôi, bập bập mồm. Chúng rất dễ thương và đem đến cho tôi niềm vui mỗi ngày được trở về nhà. Sau bữa cơm một lát thì vợ mệt đi nghỉ sớm, đứa bé một lát sau cũng đi ngủ sớm. Tôi ngồi xem phim, thằng nhóc cũng ngồi xem clip trên Ipad. Dạo này nó thích Kungfu Panda, thích con hổ đánh võ, và thường bảo tôi là bố cho con đi học múa võ.

Dĩ nhiên tôi cũng bảo nó là, ăn nhiều cơm, ăn cả rau cả thịt, khỏe rồi bố mới cho đi học võ. Dĩ nhiên, tôi chưa thể bảo nó là, học võ không quan trọng, nếu muốn sau này chiến thắng trong các cuộc đối đầu một cách tự nhiên, thì phải bưởng nhau từ bé, từ trong lớp mẫu giáo. Võ chỉ là kỹ năng, tinh thần mới là quan trọng. Thắng trận sẽ có dũng khí còn thua trận bị đập cho thì sẽ biết thế nào là đau và vượt qua được nỗi sợ. Bố mày từ bé ít bị bạn ghét, bưởng nhau không nhiều trận, tới khi lên cấp 2 là đã toàn giải quyết bằng mồm, tinh thần thượng võ vì thế không được cao. Dù luôn cố gắng để không sợ hãi, nhưng không thể có được bản lĩnh thản nhiên vả vào mồm thằng khác khi nên làm thế.

Tôi hỏi thằng bé là đi học có bị bạn bạn đánh không, có đánh bạn không. Nó nói có. Tôi cố gắng dạy nó rằng, nếu bạn là con trai mà bắt nạt con thì phải đánh cho nó một trận, còn nếu bạn là con gái thì chạy đi mách cô. Không hiểu nó có làm thế không. Mà chả biết thế có đúng không? Thôi thì dù sao là thằng con trai điều đầu tiên là không để cho mình bị thằng khác vả cho cái đã ôm mồm khóc hu hu.

***

Tôi lướt facebook. Thấy có mấy cô bạn cấp ba đi nhậu, mừng gặp lại một cô bạn cấp ba khác từ nước ngoài lâu năm trở về, các cô chụp ảnh up lên facebook, trong ảnh mỗi người một cái smartphone đang check facebook. Một giao thiệp đơn giản cũng phải đưa ra cộng đồng và được sự chứng kiến của cộng đồng. Tất nhiên nó là một thói quen vui vẻ bây giờ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy có một độ hẫng. Phương tiện giao tiếp ngày càng tiện nghi, rồi dường như người ta đang bị phương tiện kéo đi.

Tôi có một thằng bạn mà tôi rất yêu mến, ở trong Đà Nẵng. Mỗi lần tới đó tôi đều alo rủ nó đi uống bia. Mặc dù cả hai thằng đều có facebook, nhưng cả hai thằng đều không sinh hoạt facebook nhiều hoặc ít nhất không post các chuyện cá nhân, mặc dù nó vẫn đọc blog của tôi nhưng không bao giờ để lại dấu vết. Và mỗi lần chúng tôi gặp nhau, đều đúng nghĩa là đã lâu không gặp, đúng nghĩa cả năm không gặp, vài tháng không gặp, uống bia thì hỏi dạo này mày thế nào, mày nghĩ cái đéo gì trong đầu mày. Và chúng tôi bắt đầu nói nhảm. Chúng tôi không bao giờ bàn với nhau chuyện thời sự.  Chúng tôi chỉ có những đề tài: mày sống thế đéo nào, có vui không, bố mẹ thế nào, vợ chồng có yêu nhau không, con cái thế nào, kiếm tiền có khổ không. Cuối cùng chốt lại đều là chúng ta đang sống qua cuộc sống này. Thực chất đéo có gì quan trọng.

***

Sự lựa chọn khi giả lập một tình huống.

Tối trước tôi uống bia với mấy người bạn. Những người bạn thân, mà bây giờ khó định nghĩa thế nào là thân, đơn giản là chúng tôi chơi với nhau đã khá lâu biết rất rõ về nhau và khi gặp nhau nói chuyện nặng nề mệt lắm, toàn nói nhảm là chính. Bia đông người dĩ nhiên hay nói chuyện thời sự. Có chuyện là Tàu – Việt. Tôi với một thằng bạn có lần đã thống nhất quan điểm trên bàn bia là nếu có chiến tranh, anh em mình đéo đánh nhau mà chạy sang Lào lập căn cứ khởi nghĩa. Uống bia lại nói chuyện đấy, chả thằng nào yêu nước cả. Ý kiến sang Lào lập căn cứ dĩ nhiên là nhảm rồi. Tôi nêu ý kiến băn khoăn là bây giờ nhỡ có chiến tranh, anh em mình ra trận mà ra trận như nào thì xem phim với chơi súng sơn biết rồi đấy, ra phát chết ngay, thế mình chết cho cái bọn như bọn quan chức bây giờ nó ở nhà à. Thế đéo được. Có ông bạn, ông anh phát biểu gọn lỏn, lúc đấy thích đánh thì cứ đánh thôi, chứ cuộc chiến nào chả thế, có bọn đi chết và có bọn ở nhà bắc loa tuyên truyền. Thế thôi, lựa chọn thế nào tùy, mà được lựa chọn hay không lại là chuyện khác.

Một câu chuyện nhảm mà tôi cũng phải suy nghĩ. Nếu thế thì sao. Nước mình hòa bình (dù có những lúc vẫn bắn nhau lẻ tẻ) được từ 79 đến giờ đúng bằng tuổi tôi, như thế đã là hơi lâu nếu thống kê lịch sử. Nhà tôi toàn lính, tôi lớn lên cũng toàn với lính. Ông già tôi giờ cứ nói chính trị, tham nhũng với chiến tranh là ông gạt đi, tao không quan tâm, cả đời tao toàn súng giờ tao chỉ thích chơi với cháu. Nhưng tôi biết nếu thực sự có chiến tranh, bom nổ ở Hà Nội, cháu ông bị nguy hiểm, thì ông sẽ máu còn hơn là máu mở cổng xộc ra đem thân già ưỡn ngực chửi bới thách thức bọn taxi đái bậy. Lúc đấy có khi ông lại hoành tráng đúng với bản chất của ông chứ không phải là như giờ toàn quan tâm vấn đề lìu tìu.

Còn tôi, bị đầu độc bởi phim ảnh, sách vở, tôi biết rằng nếu có chiến tranh và tôi ra trận cầm súng chứ không phải ngồi ở đồn chém gió, tôi biết 90% là tôi sẽ chết ở trận đầu tiên. Không có bộ máy tuyên truyền nào có thể lừa tôi chuyện đó. Đàn bà của tôi và những đứa bé của tôi sẽ ra sao.

Nhưng tôi cũng biết là ông anh kia nói đúng, thích thì chiến, vậy thôi. Đến một ngưỡng nào đó người ta không còn lăn tăn nữa. Như ông già tôi bảo, khi mà con bay trên trời, nhìn xuống thấy thành phố làng mạc của mình bị tàn phá, thì con chỉ thèm gặp được một thằng máy bay địch và lao mẹ cả máy bay cả mình vào. Nhiều người bạn của ông già đã đen đủi và đã may mắn hơn ông già, là gặp tình huống đó, và họ đã chết, số ít còn sống thì là anh hùng. “Mày đừng tưởng phi công mình giỏi hơn phi công Mỹ, nếu không bị nó bắn rơi và vào được gần, thì đơn giản là lao vào và thằng Mỹ, nó không căm thù như mình rốt cuộc nó sẽ ngửa bụng lên và mình bắn, có thế thôi”. Ông già tôi chưa gặp phải tình huống đó, nên ông có tôi và có cháu nội của ông. Nhưng không bao giờ tôi nghi ngờ dũng khí của ông. Trong các câu chuyện ông già đã kể hai nghìn lần, có một chuyện mà lúc nào nghe tôi cũng nghe như nghe lần đầu. Đó là chuyện đoàn học bay của ông già có 300 người, sau chiến tranh còn 60 người, năm nào 60 người ấy cũng gặp nhau một ngày, đầu tiên là hội già ngồi khóc tập thể tưởng nhớ những thằng bạn trẻ măng đã mờ nhạt trong trí nhớ, sau đó uống rượu.

Chốt lại sau nhiều chuyện kể lể này nọ về chiến tranh, ông già bảo, tốt nhất là đéo chiến tranh, đi làm nuôi vợ con. Ông xem thời sự biển đảo một cách lãnh đạm như xem tình hình Libi.

Như thế là như thế nào nhỉ? Tôi vẫn không hiểu được.

Vì thế tôi từ chối những sinh hoạt mạng và những sinh hoạt facebook về chuyện chiến tranh, về biển đảo. Tôi chẳng bao giờ mảy may có ý định tham gia các cuộc biểu tình chống Tàu, chuyện đó dành cho sinh viên và đàn bà, ông già bà cả.

Tôi chỉ băn khoăn giả sử chiến tranh có xảy ra, tôi sẽ cầm súng để 90% chết ngay trận đầu, hay là ôm vợ con chạy trốn cùng với bọn lãnh đạo bọn nhiều tiền và bọn có khả năng. Nhà tôi toàn lính và chỉ có sự lựa chọn là lính chiến hay là không, có thế thôi.

Các bạn phụ nữ, đàn bà, các bạn trí thức, các bạn facebook, tốt nhất nên vứt bỏ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, hay là cái mả mẹ gì đó, toàn shit cả. Đừng cổ súy chiến tranh. Bởi vì hễ có chiến tranh, những người đàn ông dũng cảm nhất đẹp trai nhất manly nhất  lãng mạn nhất của các bạn sẽ ra trận và chết.

Nếu có dũng cảm, hãy nói thật những gì mình nghĩ. Làm thật những gì mình muốn làm. Như là đừng sợ thằng sếp nó ghét mình. Như là từ chối cho tiền cảnh sát giao thông khi bạn phạm luật, mà hãy chịu phép theo luật. Như là nếu vẫn ở trong tuổi nhập ngũ khi có chiến tranh thì cứ sẵn sàng.

***

Những lời hô khẩu hiệu ở trên, là tôi tự hô khẩu hiệu. Cho tôi.

Tôi có làm được thế đâu. Tôi vẫn hèn như thường lệ. Nhưng tôi cảm thấy tôi bị bội thực vì những điều hay lẽ phải mà mọi người suốt ngày post trên facebook và đủ các loại mạng. Sao tất cả mọi người đều tốt vậy đều thông minh như thế mà xã hội này lại phò vậy? Sao những người đàn ông đều đàng hoàng, những người phụ nữ đều chính chuyên, mà bồ bịch tan vỡ gia đình nhiều thế. Sao ai cũng yêu thương cha mẹ mà những người già của chúng ta cứ đau đáu chăm con cho chúng ta rồi lại lủi thủi ra về vậy?

Nếu chúng ta cứ làm được ngược với những điều chúng ta phê phán, thì tốt biết bao.

***

Năm sáu bảy tám chai bia rồi không đếm.

Tôi cũng biết rằng entry này tôi đang nói nhảm, nói chung những gì nói ra được mà không làm theo được thì đều là nhảm cả. Gần đây tôi cũng bớt nhậu nhẹt với bạn bè say sưa, bởi vì thấy rằng lúc uống với nhau nói toàn những chuyện hay, mà rồi cuộc sống mỗi thằng đều như cứt cả. Tôi với các ông bạn quý của tôi, bao năm nay đã biết bao nhiêu câu chuyện hay đã nói, biết bao lời hay ý đẹp, rồi thì năm tháng cứ trôi qua và rồi thì chả thằng nào ra được cái gì đáng khoe cả. Thủ dâm, là một từ bậy, nói về một hành động bậy. Nhưng mà nó còn trong sáng và đẹp đẽ hơn những gì mà chúng tôi đã sống.

Tự nhiên tôi thấy hơi hiểu được tại sao ông già tôi chuối vậy mà vẫn sống thoải mái (theo cách của ông) và tự tin như vậy. Bởi vì ông đã trải qua chiến tranh, một thứ say mê nhất mà một người đàn ông có thể làm trong đời. Những thứ khác đều là những thứ có thể đem ra bàn luận lật ngược lật xuôi. Nhưng cái sống cái chết ở một trận chiến, như ở các phim ảnh chúng ta xem, là thứ mà lời bàn đều không ý nghĩa, là thứ mà khi trải qua người ta có được lòng tin về cuộc sống của mình. Có câu nào khen tặng người đàn ông oách hơn là câu “anh ấy là một chiến binh”.

Còn tất cả những gì chúng ta nói với nhau ở quán bia, facebook, đều là lởm cả.

Written by Tequila

August 15, 2012 at 1:37 am

Posted in Linh tinh