Teq's Blog

Archive for February 2021

Đợi trời sáng–30 Tết

leave a comment »

Hôm nay là ngày cuối năm, tôi ngủ dậy muộn, ăn trưa, rồi bắt đầu làm việc nhà từ trưa cho đến tối. Tôi chẳng ưa làm việc nhà, tôi ưa chơi game và đánh đàn. Nhưng có một điểm khiến tôi luôn là một người hạnh phúc vui vẻ, là tôi luôn có thể thích những việc mình làm, chứ không phải chỉ làm những gì mình thích. Về điểm này tôi chính là một thiền nhân. Tôi tỉ mẩn lau cái bàn thờ, dùng cái thìa lót giẻ để cọ từng cái khe giữa những hình hoa văn lằng nhằng lân phượng của nó. Trong lúc đó, tôi nghe Spotify, một list mà người ta thống kê lại những bài mình nghe nhiều nhất trong năm, và tôi được nghe Judas Priest trộn lẫn với Elton John, lẫn với nhạc Nga chuyên dùng ru con ngủ, Metallica những bài năm qua đã tập và cả nhạc phim Hạ cánh nơi anh. Giữa đống nhạc hầm bà lằng thì tôi nghĩ về những cái bát hương và những vật dụng trên bàn thờ, về những cụ kỵ tổ tiên ông bà của tôi, những người mà tôi không hề biết gì về họ và cả những người gần gũi với tuổi thơ tôi. Nước chảy mây trôi, những cuộc đời tan biến vào hư không không vết dấu chỉ còn làn hương tưởng nhớ một cách quy ước, mà ngày cuối năm này thì ngay cả làn hương cũng chỉ còn lại là những chân hương và tàn hương mà tôi thu dọn.

Rồi tôi lắp cái máy bơm mà vợ mượn về, loại bơm xịt nước tăng áp mà người ta thường dùng để rửa xe ô tô. Tôi dùng nó để xịt những cánh chớp cửa sổ tầng một phía ngoài đường, những cánh cửa luôn bám bụi đen xì. Vợ tôi thật cao kiến, nếu không có cái này thì làm sao mà lau sạch được cửa chớp. Tôi thích thú hưng phấn xịt nước lên cửa sổ như người ta phun sơn, phun tới đâu lên màu tới đấy. Năm xưa tôi đã xem những người thợ phun lớp sơn vàng kem lên những cánh cửa sổ gỗ nâu, thì nay tôi phun nước để sơn lại những tấm cửa ấy, từ màu đen của bụi đất trở lại màu vàng kem nguyên bản. Rồi tôi xịt cả những khung chấn song. Cái nhà này ông già xây đã gần ba chục năm, khi ấy chính tôi là người bị giao sơn chấn song chứ ai. Những trưa hè ve kêu râm ran mà ngoài tiếng ve ra thì tịch mịch ấy, tôi đã dùng chổi để quét sơn cũng màu vàng kem lên các khung chấn song này. Những giọt sơn đọng tròn tròn méo méo ở dưới những thanh sắt, chính là tác phẩm của tôi vậy. Trong nhiều năm sau đó, chỉ thảng hoặc tôi mới bị bắt đi lau cửa sổ và chẳng bao giờ làm đến nơi đến chốn cả.

Rồi tôi đi dọn cái phòng của tôi, tức là cái phòng máy tính và đàn đóm của tôi. Vốn nó chẳng có gì nhiều để dọn, mọi thứ cái nào luôn ở vào chỗ ấy. Những thứ duy nhất cần dọn là những dây dợ đồ điện tử đồng nát lằng nhằng mà cứ mỗi năm thì tôi lại phải vứt đi một túi nilon to. Tôi mở tủ và mở những cái hộp trong tủ để vứt đi những gì không cần thiết. Có một cái hộp đựng giấy tờ cũ. Mọi năm tôi thấy giấy là lại để vào chỗ cũ, năm nay mở ra xem. Thì ra là có mấy tờ giấy mà tôi và vợ chép lại trong hôm đi xem bói “ông con mèo”. Lúc đó chúng tôi chuẩn bị cưới nhau. “Ông con mèo” là một ông thầy bói trên phố cổ, xem tử vi, ông ta có một ngôi nhà nhỏ âm u và một con mèo nhìn mặt giống y ông ta, hay là ông ta giống y con mèo vậy. Giở tờ giấy ra đọc lại, thấy ông ấy bói sai hầu như bét be cả. Nhiều năm trôi qua, những tờ giấy đã hơi ố màu. Tờ giấy này là chữ của tôi, tờ giấy này là chữ của vợ, hai đứa trẻ năm xưa ấy mới yêu nhau làm sao.

***

Hôm qua vợ tôi nói, anh có biết cái khăn tắm này đã dùng bao lâu rồi không? Từ hồi đẻ thằng Phong đấy! Ồ mà thằng lớn của chúng tôi năm nay đã mười hai tuổi rồi! Thật đáng ngạc nhiên. Chiếc khăn tắm vẫn luôn ở trong phòng tắm, và tôi vẫn thường dùng, chả lẽ tôi lười tắm vậy sao? Dù gì nó quả là một chiếc khăn tắm tốt, hồi đấy khi có đứa bé đầu lòng cái gì chúng tôi cũng mua những thứ tốt nhất. Chúng tôi có cả một tương lai hết sức tốt đẹp trong tay, một đôi vợ chồng trẻ thông minh chăm chỉ và yêu nhau.

Như hồi xưa tôi từng viết, thời gian có một sức mạnh băng giá vô song. Mỗi phút giây sống động của hiện tại, gặp phải thời gian, đều lập tức đóng băng vĩnh viễn và biến thành quá khứ. Cái tương lai hồi đó của chúng tôi, từ từ chầm chậm trở thành những kỷ niệm. Nhiều hạnh phúc, nhiều nỗi buồn, nhiều cả đau đớn, nhưng được cái chưa bao giờ thiếu vắng tình yêu cả. Tôi là một kẻ tự do và ham phiêu lưu, ưa lang thang vốn sinh ra không phải để dành cho gia đình. Vợ tôi là một phụ nữ hiền hậu dẫu khá khắt khe với những giá trị gia đình và gia đình con cái là tất cả. Hai người đó vốn dĩ khó mà sống được với nhau lâu. Nhưng trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, tôi đã trở thành một người đàn ông của gia đình, theo cách mà người ta cài Windows lên máy Mac vậy. Tôi đã trở nên chỉn chu hơn rất nhiều, từ một thằng không bao giờ quan tâm đến mặc gì như thế nào, giờ tôi rất rất khắt khe với áo sơ mi quần tây giày dép đi làm. Từ một thằng không bao giờ vào bếp, nay tôi có thể đi làm về và nhanh chóng nấu cơm cho cả nhà nếu vợ bận. Từ một thằng luôn chủ trương kệ mẹ cuộc đời cứ làm những gì mình muốn, chống lại mọi khuôn khổ gia đình, thì nay tôi bắt đầu giảng giải và áp chế thằng con lớn để hiểu rằng thế nào là khuôn khổ.

Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn là tôi, hệ điều hành nguyên bản của tôi không phải là hệ điều hành gia đình. Khi vợ tôi vắng nhà, không ai có thể kéo tôi ra khỏi nhà, đi nhậu chẳng hạn, không. Tôi muốn tận hưởng sự tự do, dù đơn giản là tự do ngồi đánh đàn, không có ai can thiệp. Và mỗi khi có việc gì phiền lòng, khi tự hỏi mình muốn gì, thì tôi vẫn hiểu rằng mình muốn một cách sống khác, tự do, phiêu bạt, nay đây mai đó, rượu, đàn bà, không biết đến ngày mai. Ngày mai có là gì đâu kiểu gì nó chả trở thành quá khứ. Những năm gần đây của tôi không tốt đẹp lắm, dù, là một thiền nhân, tôi vẫn có thể yên vui trong chính những nỗi lo lắng vất vả của mình. Nhưng hai đứa bọn tôi như một mảng băng ở nam cực gặp biến đổi khí hậu chỉ muốn đứt gãy và tách nhau ra, dù biết như thế là tồi tệ. Sự gắn kết không phải là con cái, sự gắn kết vô hình mà rất mạnh ấy có thể nói là tình yêu chắc không sai.

Tầm này năm ngoái, Tết ở trên nhà Sapa, bên đống lửa, mảng băng nam cực đã định sẽ tách ra làm đôi theo một kiểu nào đó. Thì sau đó, trờ về Hà Nội, chúng tôi biết rằng mình sắp có thêm một đứa con, đứa bé đã hoài thai được sáu bảy tuần. Với một đứa bé sẽ ra đời, thì mọi vấn đề của bố mẹ trở thành thứ yếu. Chúng tôi lại đồng hành với nhau trên chiến hào, và đã chiến thắng một cuộc chiến cam go để đứa bé ra đời mẹ tròn con vuông, hai mẹ con đều khỏe mạnh. Đúng là các cụ phù hộ.

Đứa bé thứ ba giống y đúc anh chị nó hồi nhỏ, nhưng vẫn có cái khác. Thằng bé này rất giống tôi, không như anh chị nó có nhiều nét của mẹ. Nó giống tôi y chang. Khi mang thai, mẹ nó ắt hẳn nghĩ về tôi nhiều. Có thể do ghét quá mà nghĩ nhiều, có thể do vẫn yêu nhau khi cuộc đời chẳng còn toàn là màu hồng nữa. Dù thế nào đi nữa, tôi nhớ lời ông sếp hồi xưa bảo, vợ chồng nhà nào yêu nhau thì con sinh ra sẽ đẹp. Thằng bé thứ ba này vừa đẹp lại vừa giống tôi. Chúng tôi lần hồi nhớ lại những kỹ năng chăm trẻ sơ sinh đã quên cả chục năm, để nhanh chóng hòa nhập lại cuộc sống bỉm sữa. Tôi lại làm một list nhạc Nga chuyên dụng cho ru trẻ ngủ, thực hành lại cách bế trẻ trên một tay, hay vác trên vai, hay kỹ năng đang đêm bật dậy pha sữa dưới một phút, hay lại đọc bài thần chú kinh điển mà tôi nghĩ ra để khiến trẻ vui vẻ an tâm chuẩn bị ngủ mà khi xưa tôi đã áp dụng cho anh chị nó.

Rồi đứa bé lớn dần lên, đã được sáu tháng. Nó có một điệu cười chinh phục tất cả mọi người trong gia đình, ai cũng yêu nó không chỉ đương nhiên bởi nó là đứa bé, mà cái điệu cười ấy khiến người ta hạnh phúc. Ông bà nội nó trở nên gần nhau hơn vì nó. Mẹ nó và mẹ chồng của mẹ nó cũng trở nên gần nhau hơn. Bố của nó cũng trở nên “gia đình” hơn và mẹ nó cười nhiều hơn.

***

Năm nay vợ tôi tất tả chuẩn bị Tết, dường như cẩn thận hơn và chu tất hơn, có lẽ phải năm sáu năm nay tôi mới lại thấy vợ chuẩn bị Tết như vậy. Nhìn một người đàn bà chuẩn bị Tết, người ta có thể thấy được cả một gia đình. Dù rằng hệ điều hành của tôi vẫn là Windows bị cài trên máy Mac, dù là như vợ tôi thỉnh thoảng nói, sống với anh cứ cảm thấy anh có thể vứt bỏ mọi thứ và bỏ đi bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi đã có bé Kiên và tôi là một thằng đàn ông châu Á. Một thằng đàn ông châu Á nguyên bản bao giờ cũng muốn những đứa trẻ của mình lớn lên dưới mái nhà của mình. Mà để như thế, thì ông cần phải có cái mái nhà và ở đó. Trách nhiệm không phải là thứ tôi nghĩ đến, tôi hoàn toàn có thể trở thành một người cha vô trách nhiệm, tôi chả sợ ai nói ai chê. Cơ bản là tôi yêu chúng nó, không thể không yêu những đứa bé ngoan và xinh đẹp như vậy. Nhìn những đứa trẻ được ăn ngon, mặc ấm, được học hành và lớn lên một cách tự tôn, là niềm hạnh phúc của cha mẹ và khiến cha mẹ gần gũi nhau. Đấy là niềm hạnh phúc của một con cá hồi, như hồi trước tôi đã nói mà giờ mới hiểu hơn.

Và quan trọng nhất là, tôi đã hiểu ra điều ai cũng biết, là tự do hay phiêu lưu không nằm ở bối cảnh hay không gian địa lý không gian xã hội, mà nằm trong chính mình. Khi tôi thật sự nghiêm túc và cố gắng với những trò chơi xưa nay vẫn chơi, là viết và nhạc, thì tự nó đã mở ra cho tôi một địa hạt mênh mông mà mình là một lữ khách nhỏ bé gầy gò chẳng thể nào biết được tối nay sẽ dừng chân nghỉ tạm ở đâu.

Written by Tequila

February 11, 2021 at 7:07 am

Posted in Linh tinh