Teq's Blog

Archive for September 2011

Vạn Yên. Suzdal

leave a comment »

Hôm qua lên thăng long (tnxm.net) chơi nổi hứng viết hai bài du ký. Thấy tiếc tiếc bèn cóp về treo ở nhà vậy.

Vạn Yên

Bến nước đẹp lắm, cái tên cũng đẹp nữa, bến tên là Vạn Yên.

Trên bản đồ ta kẻ một đoạn thẳng nối hai điểm, Tp Sơn La và Tp Hoà Bình, rồi lấy trung điểm của đoạn thẳng đó, sẽ trúng vào một vùng nước xanh. Ở đó có bến Vạn Yên. Nói nghe đơn giản vậy nhưng tôi nghĩ là ít dân du lịch đi qua bến này, vì nó không nằm trên tuyến người ta hay đi. Chặng Hoà Bình – Sơn La người ta hay đi quốc lộ mới, qua châu Mai châu Mộc. Tôi thì ham đường, qua vùng nào là cứ muốn vòng vèo hết các tỉnh lộ huyện lộ, thì mới sướng, thì mới gặp bến nước này.

Đường tới Vạn Yên cực kỳ đẹp. Từ Sơn La xuôi quốc lộ 6 về Hoà Bình, tới ngã ba Hát Lót có quán dê núi rất ngon thì nhớ rẽ trái lên núi, lên đường đi Bắc Yên. Bắc Yên trên núi, đi quá Bắc Yên đường hạ dần xuống sông Đà. Bên phải là núi, bên trái là sông, bên kia sông lại núi, đường đi cứ quanh co dưới những tán lá xanh ngắt, lúc nắng thì lấp lánh màu lá màu vàng rơm rạ màu nước thẫm lá mạ, lúc mưa thì mù giăng kín sông dập dềnh lảng bảng. Lúc lúc tới khúc quanh lại có xóm chài, xóm nào cũng giăng vó cá tràn mặt sông, mà vó thì ánh sắc đỏ soi bóng cả một vùng nước.

Cứ ngắm cảnh chạy xe miết sẽ tới Vạn Yên.

Lần vội, chúng tôi qua đò ngang, sang tới bên kia thì chạy gấp đêm tối để về tới Mộc Châu rẽ về Mai Châu nghỉ đêm.

Lần không vội, tới bến Vạn Yên mới quá trưa. Tôi chạy xe máy lên đồi đất nhỏ cạnh bến, luồn lách qua đàn bò đang đi xuống, tới ngôi nhà lớn trên đồi. Ông già không chịu đi thuyền dọc sông, gọi thằng con trai đi, thằng nhóc lại gọi con em gái nhỏ đi cùng, ra đến giữa sông nó mới bảo em toàn chở khách qua ngang chứ chưa bao giờ đi dọc. Không sao, có mỗi một đường xuôi về bến Nánh mà chú, cứ đi đi bọn anh xem bản đồ rồi.

Đi thuyền trôi theo sông bao giờ cũng vui thú, lại là một đoạn sông đẹp như thế này. Giữa mây trời non nước, giở cuốc lủi ra uống, bắn vài điếu thuốc, nói cười hỉ hả, chúng tôi quên cả theo dõi bản đồ. Sông ở trên núi, ngách nhỏ chưa chắc là ngách cụt mà nước rộng chưa chắc là nước thông, thằng nhóc dẫn chúng tôi lạc vào đâu đó, chịu chẳng biết là đâu, đành nhìn mái nhà xa xa mà đến. Thế mà cũng đã gần chiều.

Chúng tôi táp vào bên bờ, giữa vùng lau sậy, nhảy lên mấy gốc gỗ để lên. Có mấy đại hán, chính xác là ba anh, đang ngồi xổm trên một thân gỗ, như ba con sẻ đậu. Các đại hán hỏi đi đâu, đến đây hết đường rồi, có mua gỗ chúng anh bán mà có ăn cơm chúng anh nấu. Trên ngôi nhà sàn, lấp ló thấy bóng đàn bà, chắc nghe thấy cơm nước bèn ra ngó. Các đại hán sơn tràng này, gấu thì vẫn gấu mà lành thì vẫn lành như đất. Chúng tôi mời các anh hút thuốc, lôi thêm mấy lon bia ra mời, hỏi đường đi sao cho kịp về đâu đó trước khi trời tối. Lời chỉ đường mỗi anh nói một vài từ, chắp lại thì thành câu. Trước khi đi chúng tôi hỏi thêm là nếu lần sau quay lại có được ở một đêm uống rượu với các anh không. Ba anh nói thành một câu gồm ba từ “có”. Chúng tôi chào các anh trở lại thuyền, trước sau các anh vẫn đậu trên cây như ba con chim sẻ.

Đi thuyền ngược lại một lúc thì thấy có cầu thang đá để lên đường trên cạn. Từ thuyền lên đường cao phải hơn chục mét, thang dốc mà mấy chiếu nghỉ. Lại có một con thuyền khác cập vào, mấy mẹ ăn mặc hội hè từ đâu trên đường tới, thì ra các mẹ sang sông để mai ăn đám cưới. Chúng tôi giúp các mẹ xách giỏ xuống thuyền, rồi mới thở dài động viên nhau vác xe máy từng bậc thang để lên đường. Vác bốn năm cái xe từ thuyền xuống đất, rồi lại hè nhau bê qua từng bậc, có vài chỗ còn khuyết bậc, để lên đến đường. Thật chính xác là cảnh hò kéo pháo. Cả lũ mệt chưa bao giờ mệt thế.

Chia tay chú em và cô bé lái thuyền, chúng tôi lên đường. Chạy một đoạn vài trăm mét thì sững người lại, dở cười giở khóc khi nhìn thấy ngay chỗ này có đường xi măng thoai thoải từ sông lên, sao nãy mình phải vác xe khổ nhục vậy. An ủi nhau là đen, sông chia nhánh như xương cá bố ai mà nhìn thấy trước được. Mấy đại hán sơn tràng bảo có đường lên chắc là đường này chứ có phải bậc thang kia đâu. Mà sao mấy mẹ đi đám cưới không bảo mình?

Rồi chúng tôi chạy một mạch về Đà Bắc, trời mới xẩm tối lại chạy luôn về Hoà Bình. Mới hơn tám giờ thôi chạy cố luôn về Hà Nội uống bia.Uống được cốc bia vào người, nhớ chặng ban chiều lại mê say cảnh Vạn Yên bến Nánh, hẹn nhau hôm nào đi lại tìm khúc sông cụt đó uống rượu với mấy bác sơn tràng. Từ đó đến nay, qua Vạn Yên một hai lần nữa nhưng cũng chưa có dịp ghé.

Nhánh sông ấy là nhánh nào, nhìn bản đồ không sao biết được. Chỉ biết từ Vạn Yên ngồi thuyền uống hết hai chai cuốc lủi thì mới tới. Nếu may gặp trúng lúc chú em lái thuyền ấy ở nhà, chịu đưa đi, có thể tìm lại.

Nếu không, thì lại lạc sang chỗ mới cảnh mới người khác. Đấy là niềm vui đi đường.

Suzdal

Đầu năm nay, tháng hai, bấy giờ bên Nga lợn trời khá lạnh, có ngày -15 có ngày -25 lại có ngày dưới -30 tùy theo cảm hứng của nhiệt kế. Mấy ngày trời được trả thù quá khứ, quay lại Moscow tuyền cãi nhau với mấy thằng mấy con Nga lợn qua bàn họp, ăn nhà hàng, uống bia tươi, vào bar ngắm teen Nga xinh phát sợ, tôi bỗng nhớ tới một mơ ước xưa.

Năm xưa, cái thời lang bạt vỉa hè và chui rúc trong các chợ các ốp người Việt, tôi được nghe các anh già kể chuyện nếu mà đi xa xa tí khỏi Mát, tới quê, thuê cái nhà quê rẻ bèo, rồi bỏ ra một hai tờ là có một em teen Nga bỏ học trốn nhà tới ở với mình cả tuần, nghe đã phê mẹ rồi. Cộng thêm ít lãng mạn sến sến tưởng tượng cảnh như trong phim Dr Zhivago, phòng xép nhà thờ bên ngoài tuyết trắng đồng, mơ mộng về một ngôi nhà làng quê Nga kiểu mẫu lâu lâu lại quay lại với tôi. Tôi bảo chú em, đêm nay mày đéo được đánh pocker nữa, tốn tiền toàn bị chúng nó chăn, sớm mai anh với mày đi Suzdal.

Suzdal là một thị trấn nhỏ rất đượm bản sắc lịch sử Nga lợn, lại gần Moscow, bác nào quan tâm có thể google. Tôi chọn đi chỗ này vì vào mùa đông bọn Nga không ai về quê, nhà quê chỉ để hoang tuyết, chỉ có xứ du lịch là có nhà thuê, hỏi cả đống Nga mà chẳng thằng nào tư vấn được địa điểm, bỗng lại có chị béo văn thư cho địa chỉ liên hệ tại Suzdal.

Check lịch tàu rồi, sáng sớm hai thằng dậy từ rõ sớm, tinh mơ bò ra metro đến ga Kievski, thế mà đến nơi chỉ kịp chửi bậy vào giữa mặt thằng lái tàu đang cho tàu chạy qua trước mũi mình. Chậm 3 phút.

***
Chúng tôi chạy nháo nhào lên tìm các chỉ dẫn, vô phương. Chán nản ra ngoài ga hỏi xe buýt cũng chẳng có, cùng đường hỏi dân chúng, ai cũng lắc đầu, cuối cùng hỏi trúng được một thanh niên chừng 45 tuổi đang đứng hút thuốc cạnh một hộp các-tông to. Thanh niên bảo hai chú mày xách hộ tao cái điều hòa này, nặng đéo chịu, anh em cùng đường cả, cùng mua vé tàu chậm rồi tao chỉ đường cho chúng mày đi.

Thanh niên 45 tuổi đút tay túi quần đi trước tiến đến quầy vé, bảo chúng tôi trông cái điều hòa, rồi nói chuyện với bà bán vé. Nói chuyện xong chúng tôi trả tiền mua hai vé của chúng tôi. Ba thằng ra cửa hút thuốc chờ tàu, nói chuyện. Cửa ra tàu có ba thằng đầu đen lực lưỡng bặm trợn đứng canh, chặn không cho ai có ý định trốn vé nhảy qua máy soát vé. Tỷ lệ thành công của bọn hắn là 60%, 40% còn lại có cả thanh niên cả ông bà già, cứ thế nhảy qua. Đúng là bọn Nga lợn!

Trời lạnh kinh, trúng hôm -30, tôi cứ thập thò đứng ngoài với thằng em và thanh niên tên Misa 45 tuổi mấy phút, rồi lại phải trốn sau cửa kính, lâu không gặp lạnh không trâu chó như xưa. Mãi khi lên tàu rồi, mới hiểu sao anh Misa tốt bụng vậy. Chẳng là anh vớ được hai thằng bọn tôi xách hộ anh cái điều hòa, thế là anh chỉ mua vé tiễn, coi như tiễn hai thằng tôi với cái điều hòa ra tàu. Lên tới tàu thì anh đợi soát vé, soát vé gần đến thì anh ra giữa hai toa hút thuốc. Soát vé đến giữa hai toa thì anh dập thuốc điềm nhiên vênh mặt đi vào, soát vé đằng nào cũng ăn lương tháng, tỉ lệ soát được vé tầm 60% là ok. Đúng là bọn Nga lợn!

Anh Misa phân trần, tao có một vợ hai con ở thành phố Dmitri, thất nghiệp ở nhà lên Moscow làm bảo vệ. Tuần tao về một lần để yêu vợ tao. Nếu mà tao mua vé tử tế thì hết mẹ một phần ba lương. Chú em tôi ở Nga đến nay cũng ngót nghét chục năm, học hành trong trường thì tử tế, nhưng ra đường toàn gặp Nga lợn ba que ở Moscow, giờ có thằng Nga lợn tử tế với mình, lấy làm mừng lắm tán chuyện rối rít, còn hẹn nhau sẽ tìm gặp uống vodka. Anh Misa thì bảo sẽ chia tay ở Dmitri còn chúng mày sẽ đi tiếp đường này đường này, có vấn đề gì cứ gọi tao tao sẽ giúp. Tôi thì chán nản với lại vốn tiếng Nga bồi cũng chả đâu vào đâu, bèn giở ipad ra xem cái điểm xanh chạy dần trên bản đồ google, đối chiếu với khung cảnh ngoài cửa sổ.

Thật là tôi yêu nhất tuyết và núi, nay lâu quá mới gặp lại những cánh đồng tuyết trắng, mở to mắt mà ngắm cố sao cho lưu thật nhiều hình ảnh vào bộ nhớ. Thoắt đã đến đâu đấy địa danh nhất thời không nhớ.

***

Chia tay anh bảo vệ Misa, chúng tôi chuyển tàu và đi tiếp. Ghi nhớ tên ga cần xuống, ngắm tuyết đã no mắt bởi nơi nào cũng là tuyết, tôi thiu thiu ngủ. Chú em cũng thiu thiu ngủ cạnh. Đang ngủ thì chú em giật tay bảo xuống ngay xuống ngay, tới ga cần xuống rồi. Tôi nghe loa đọc không giống lắm, nhưng thôi tin tưởng chú em đã ở lâu hơn mình, vội xách đồ đi theo. Ngờ đâu chú em quá gà, ở Nga lâu mà chỉ ở thành phố, ngủ lừng chừng nghe loa giật mình cuống lên, xuống đến ga, tàu đi rồi mà có phải đâu. Ga đó tôi quên tên rồi, có ghi đánh dấu trong ipad, ghi là “ga lạc đường”, phải giở ipad ra mới nhớ tên.

Ga đó là một ga xép, một ga rất xép, đường tàu ở giữa hai bên là hai hàng ghế như bến xe buýt, tuyệt không có chỗ nào trú gió. Chúng tôi đứng mười phút, mười lăm phút, ngó nghiêng nhà quản lý ga nhưng chỉ thấy một căn nhà gỗ đóng kín cửa, lại gần thì không có người. Chân tôi ấm nhưng người lạnh cóng. Cái áo khoác mới mua, chỉ là loại để mặc trong vòng nửa tiếng ngoài trời, vì thân áo có lông nhưng tay áo không có lông.

Bỗng đâu thấy tàu đến, mừng húm, rồi tàu đến gần chột dạ sao mà tàu đến ga lại chạy nhanh thế. Nó đến nơi, mới hóa ra một tàu chở xăng dầu. Nga lợn là cường quốc năng lượng, sức mạnh năng lượng của nó thể hiện một cách dọa nạt ở đoàn tàu chở xăng dầu này. Đầu tàu lao đi vùn vụt, kéo theo những toa téc xăng tròn vành vạnh, cắt gió lồng lộng hắt cả tuyết dưới đường lên. Đoàn tàu có lẽ dài đến mấy cây số, chạy tốc độ như vậy mà mãi không qua hết, nó như một con rắn mà đầu ở chân trời bên phải đuôi ở chân trời bên trái.

Tàu chở dầu đi qua, chợt có mấy anh thợ đường sắt phía xa xa bò ra làm gì đó trên đường tàu. Chúng tôi lại hỏi thì anh nói là sắp có tàu khách anh nói là đéo phải, phải tầm một hai tiếng nữa, hai anh lầu bầu cãi nhau, chửi bậy như thanh niên xa mẹ thăng long. Ở cái xứ này, đồng không mông quạnh này, không thể tin ai. Giả dụ các anh mà không lành hiền, các anh cho mình ra sau bụi cây, thì đến sang xuân tuyết tan mặt mình mới hiện ra dưới mặt trời. Tôi bảo chú em thế. Chú em cũng hãi hãi. Tôi chủ định dọa chú em tí đặng nó nghĩ cách nào tích cực hơn, thế mà nói xong cũng thấy hãi theo.

Đợi thêm mười phút mười lăm phút thì quả tình tôi hết chịu nổi. Lạnh đã thấy vào đến bụng. Tôi bảo, thôi từ đầu đến giờ mày hướng đạo, từ giờ trở đi anh hướng đạo, chờ không biết bao giờ lạnh cóng rồi, xa xa kia có làng, phải tới đó cái đã. Thế là chúng tôi lội tuyết đến làng, làng chả có nhà nào mở cửa, chúng tôi đi qua làng, mừng húm vì hết làng là đường cái.

Chúng tôi đứng vẫy taxi. Ở Nga lợn có ít taxi mà không ai đi, ai cũng ra phố vẫy xe, thằng nào dừng lại sẽ hỏi đi đâu, thuận đường sẽ cho quá giang tính phí. Chúng tôi đi ba chặng quá giang ấy thì tới được Suzdal.

***
Suzdal Kremli

Suzdal là một nơi thật đẹp, quá đẹp. Góc góc đều là nhà thờ cổ, dân chúng nhìn ai cũng hiền hòa, trừ mấy thằng choai choai bặm trợn thì cứ kệ chúng là xong. Chỗ này chụp ảnh mùa nào cũng đẹp, góc nào cũng đẹp, đang mùa đông cảnh tượng không khác gì phim Dr Zhivago.

Cái nhà mà chúng tôi thuê, là một khách sạn chứ không phải nhà quê cổ truyền. Nhưng không sao, từ cửa sổ phòng chúng tôi nhìn xuống được một nhà quê cổ truyền với vườn táo trĩu tuyết trên từng cành khô, ngoài ngõ cũng đầy nhà quê cổ truyền, góc nào cũng có nhà quê cổ truyền, nhà nào cũng băng treo dài dưới mái như thạch nhũ. Mỗi tội chẳng có chỗ nào có vẻ như có thể đàm phán với một hai em teen Nga sẽ trốn nhà theo cùng như các anh già chém gió năm xưa.

Chúng tôi đi dạo, chụp ảnh, uống một cốc bia trong quán quê, ra khỏi quán còn có ông già chủ quán mặc vest đeo cà vạt đỏ ôm hôn thân thiết, cái hôn có mùi thơm dưa chuột muối. Chúng tôi ăn tối trong một quá ăn quê, người ra vào lịch sự, nam kéo ghế mời nữ ngồi, nữ ngồi xuống rồi hai bên tình nhân mới nhìn nhau như muốn nhảy vào nhau. Em phục vụ teen teen không xinh mà rất duyên, tôi ngắm em nhiều quá khiến em làm dáng hơi nghiêm trọng mỗi khi chúng tôi gọi đồ, tôi chụp với em một bức ảnh kỷ niệm, rồi em nhoẻn cười duyên đọc số tiền thanh toán.

Mà trước khi ăn tối, quên không kể, chúng tôi còn được một em cỡ 17 -18 ngoại hình quá cả siêu mẫu nhà mình, đánh con ngựa đốm kéo xe chở chúng tôi đi một vòng xa, cũng chụp ảnh trước khi tính tiền. Chúng tôi định mời em ấy ăn tối nhưng mà vừa xuống xe thì có thằng hộ pháp cao gần bằng con ngựa không biết là em trai hay bạn trai của em ra hỏi là chúng tôi có đi đâu nữa không, bèn thôi.

***

Của đáng tội, ăn tối xong uống xong chai vodka, chúng tôi cũng định kiếm chỗ massage xông hơi. Kiếm mãi rồi cũng có, tới nơi hỏi han rồi gõ cửa phòng massage thì có ông bác sỹ râu xồm mở cửa ra quát “khách tiếp theo”, chúng tôi bảo nhau thôi lượn đéo phải kiểu nhà ta rồi.

Chúng tôi về khách sạn hỏi bà chủ khách sạn. Bà tươi cười đi ra rồi hai phút sau quay lại, chúng mày sang bên kia đường. Bên kia đường là một ngôi biệt thự, vườn rộng thênh thang, bấm chuông cổng xong có bà già đi ra mở cửa, bà già dẫn chúng tôi vào căn nhà gỗ biệt lập nơi góc vườn. Lò đã nổi lửa. Rượu hai chai cầm theo, nước hai chai bỏ ngoài cửa cho lạnh, chúng tôi bước vào.

Đây là một cái banhia cổ truyền Nga lợn. Dưới tầng là khu tắm, khu xông hơi, trên tầng là phòng uống rượu, phòng ngồi chơi,… góc góc đều biệt lập, có thể nhét vào năm đôi mà không đôi nào cảm thấy mất tự nhiên. Căn nhà quá sexy mà anh em chúng tôi chỉ có hai thằng đực, thật là đáng tiếc. Nhà này phải đi cùng gái, cái vẻ hòa hoa dâm đãng của nó trần đời này không ai đỡ được. Chúng tôi, khoác áo tắm, đội mũ xông hơi, ngồi uống rượu với nhau, phải qua mấy chén mới hết cảm giác mình như hai thằng pê đê với nhau. Uống tới qua chai thứ hai mới bắt đầu chém gió đời anh đời mày, sao giờ mới biết sao anh không dẫn vợ con đến chơi những chỗ thế này sao mày không đầu tư mời bạn gái đến những chỗ như thế này. Qua hết hai chai mà đầu vẫn toàn gái, nói chuyện đàn ông với nhau không được mà ngồi chơi không cũng không vào nữa, uống nữa cùng vậy, đành là thôi đi về ngủ mai còn về Moscow, đầy tiếc nuối.

***

Hôm sau chúng tôi về gấp Moscow. Tôi phải có việc. Chú em còn phải đi làm, mới nhận được việc làm giám sát xây dựng cho chủ người Việt, hứa lương cao đủ để chi trả học phí làm tiến sĩ và ăn ở. Tôi dặn dò là mày phải cẩn thận đừng đếm cua trong lỗ.

Về tới nhà mấy tháng sau hỏi lại, chú em bảo mẹ kiếp đéo gì cuối cùng bị quỵt chả được đồng lương nào, pocker thua mẹ một đống, đói quá lại quay tiền nhà. Thôi thì cái kiểu nó như thế. Mặc dù tôi không biết là thằng đấy làm tiến sỹ Nga lợn làm cái gì, về nhà thằng nào nó tin là đi Nga mà học hành tử tế, mà có thằng tin thì cũng hai tám ba sọi rồi về làm ở đâu… nhưng ngẫm lại tôi vẫn thấy là mỗi thằng mỗi kiểu, chả biết hay dở sao nhưng cứ theo đường mà đi rồi cũng đến đâu đấy.

Lại nghĩ bụng chửi nó ở Nga bao năm mà đường cũng không biết mà đi, gặp khó lại anh mày hướng đạo. Rồi lại nghĩ nếu không có nó đi cùng thì tôi cũng chả được đến Suzdal. Lại nghĩ thêm rằng vì chỉ có hai thằng với nhau trong căn nhà vừa sexy tuyệt hảo khi đi cùng gái vừa hoành tráng tuyệt hảo khi đi cùng bạn bè ấy, cái sự thiếu hụt mới khiến mình nhớ mãi, mới thấy là gặp khung cảnh đẹp mà không có gái không có anh em thì mình bâng khuâng biết nhường nào.

Suzdal Suzdal.

Written by Tequila

September 30, 2011 at 7:08 am

những bảo vật của tôi

with 2 comments

Tôi có hai bảo vật, một vật thì vợ tôi đang cất đâu đó trong tủ do chưa tìm được chỗ trang trọng để đặt, một vật thì đang nằm mưa nắng ở sân nhà cha mẹ tôi. Vật thứ nhất là một cái máy chữ, vật thứ hai là một cục đá.

Tôi chưa hiểu bày một cái máy chữ và một cục đá bên cạnh nhau ở phòng khách, thì nó sẽ trông như thế nào. Nhưng khi nào tôi có một phòng khách, mà không, khách khứa gì, phải là một phòng đọc sách có cái bàn rộng, thì tôi sẽ đặt hai vật đó cạnh nhau.

Cục đá

Người ta bảo rằng nếu mà tôi đến trường không quân ở Nha Trang, vào sảnh lớn, sẽ thấy ảnh lớn của ông nội tôi. Tôi chưa bao giờ đến đó. Từ trước tới giờ tôi mới chỉ đến Nha Trang một lần và nghỉ lại một đêm. Rồi một ngày kia tôi sẽ đến. Mà cũng chưa biết được. Tuần nào tôi cũng có một trận bóng đá ở sân Không quân – Lê Trọng Tấn. Cách sân bóng đá của tôi, một trăm mét đường chim bay, là bảo tàng Không quân, nơi người ta đặt cái máy bay của ông nội tôi. Thế mà suốt từ hồi xưa lắm đến giờ tôi chưa đến xem lại cái máy bay đấy. Chỉ nhớ hồi khai trương cái bảo tàng, ông nội có đưa tôi đến, chỉ cái máy bay, bảo đây là cái máy bay mà ông dạy các chú bay. Tôi nghĩ nếu mà có linh hồn, thì linh hồn ông nội tôi phải có nhiều hơn ở cục đá của tôi, chứ không phải là cái máy bay.

Đó là một cục đá rất tầm thường, giá sáu nghìn đồng vào năm nào đó cuối 8x quên rồi. Người ta bán nó ở chợ Thanh Xuân. Dạo đó tôi mê non bộ, cá cảnh, tôi vòi ông nội mua cho tôi. Rồi người lớn chở nó về Bách Khoa cho tôi, tôi đặt vào trong bể cá với những con cá mua được nhờ công sức nhổ tóc bạc cho mẹ. Hòn đá có một cái lỗ xuyên qua, tôi thấy nó là một hang động kỳ bí mà chỉ những con cá bơi xuyên qua mới biết trong đó có gì.

Bao năm đã trôi qua, bây giờ tìm khắp nhà Bách Khoa chẳng biết có còn gì là vật cũ của tôi, chỉ còn hòn đá đó.

Máy chữ

Nó là một cái máy chữ Alder thật đẹp. Loại xịn, nhỏ, có nắp gập và quai xách. Nó là cái laptop của đời xưa. Thật may vì sau khi ông ngoại mất, bà ngoại vứt đi mấy cái máy chữ cũ nhưng vẫn còn giữ lại cái nhỏ này. Tôi mới xin được nó về.

Chưa bao giờ tôi viết một dòng nào về ông ngoại. Nhưng những kỷ niệm về ông chưa bao giờ mờ phai. Mỗi lần sang nhà ngoại ăn giỗ ăn tết, tôi tưởng như ông vẫn còn ngồi đó, chỉ chờ mọi người lắng đi những câu chuyện thường nhật, ông sẽ lại uống một hớp rượu và bắt đầu bài thuyết trình, mọi người sẽ im lặng lắng nghe. Khi tôi còn bé, ông thường nói khá dài và mọi người đều nghe chăm chú. Sau này ông già dần, mẹ tôi và các cậu trở thành những người lớn tuổi, những đề tài của ông lạc hậu dần, sự lắng nghe ngày càng giảm bớt. Đến những năm gần cuối đời của ông, mọi người chỉ nghe chút đỉnh cho lịch sự, dường như bài thuyết trình chỉ có mình tôi lắng nghe.

Tình hình gần giống như bây giờ, khi mà ông già tôi uống đôi chén rượu và bắt đầu suy nghĩ, xúc cảm, trình bày, toàn những câu chuyện đã nghe nghìn lần rồi và hai thằng anh em chúng tôi chỉ nghe chút đỉnh vì lịch sự. Có một sự coi thường lớn lao mà những người trưởng thành hay dành cho những người già, chỉ có trẻ nhỏ là lắng nghe kính trọng và ghi nhớ.

Chưa bao giờ ông ngoại tỏ ra yêu tôi. Có lẽ cũng chẳng yêu.

Cục đá

Ông nội và ông già tôi đều là những người lính. Còn sống sau chiến tranh vì may mắn mà cũng vì có điều kiện và chỉ phải đánh nhau ít thôi, các anh hùng được tôn vinh đều chết nhưng mà họ không phải anh hùng vì họ còn sống. Nhưng họ rất dũng cảm. Có điều họ chẳng bao giờ dạy tôi những kỹ năng đối đầu.

Có lần còn nhỏ, tôi đi thuê truyện chưởng cho ông nội, đi đường gặp thằng trấn lột. Tôi đã vận dụng hết khả năng mồm mép để không bị trấn, không bị đánh, bảo toàn sách và tiền, dong hắn đi cùng hai mươi phút về gần đến nhà sau đó hét lớn bỏ chạy vào vào mách bố và ông. Chuyện xong, tôi tưởng thế là ngon quá. Nào ngờ tôi nghe lỏm thấy ông nội bảo ông già tôi: Mày phải xem thế nào chứ thằng này nhát lắm, bị trấn lột không biết đường chống lại, phải về mách bố.

Sau này mỗi lần gặp nguy và phải đối đầu, cái lời ấy cứ vang lên. Tôi xấu hổ vì mỗi lần gặp nguy tôi đều sợ hãi, tim tôi đập mạnh, đầu gối tôi run lên. Song lời nói ấy vang lên trong đầu và tôi trở thành một diễn viên đóng vai người dũng cảm. Chưa có ai thấy tôi sợ hãi, chỉ tôi biết, và chắc hẳn ông nội tôi cũng biết. Chẳng bao giờ tôi có thể là một hảo hán như ông nội, cầm súng chạy dọc theo sông bắn nhau với cano Pháp.

Bố tôi chê trách ông nội và cấm tôi đọc truyện chưởng như ông nội. Ông nội bảo bố tôi, truyện chưởng chẳng có gì xấu với trẻ con, nó dạy trẻ con thế nào là dũng cảm và hiệp nghĩa. Lời này tôi cũng nghe lỏm được.

Máy chữ

Ông ngoại tôi, nếu như định nghĩa thành công là danh vị hay tiền bạc, thì ông là một loser buồn bã. Ông là một nhà văn nhà viết kịch chẳng mấy ai biết tới. Nhưng ông lao động vì nó cho đến khi nhắm mắt. Tôi chẳng thấy có ai lao động và học hành đến khi chết như ông ngoại tôi. Trừ những khi tết nhất ngồi cả nhà với nhau thì tôi thấy ông ngồi ăn, uống rượu, giáo thuyết. Còn lại, lúc nào cũng đang đọc, đang viết hoặc đang làm việc gì đó phục vụ việc viết.

Một trong những niềm vui tuổi thơ của tôi là được sang ông bà ngoại. Tôi chui lên gác xép của ông ngoại, nằm một góc và nhặt những cuốn sách để đọc đọc đọc. Cuốn sách nào cũng chi chít những ghi chú của ông. Trừ kịch là thứ tôi không thích, còn thì tiểu thuyết tôi đọc hết. Đọc cùng với những ghi chú.

Ông ngoại tôi không tin vào cái gọi là tài năng thiên phú. Ông chỉ tin vào sự chăm chỉ và làm việc nghiêm túc. Ông thường vỗ ngực tự hào rằng trong cái bọn nhà văn VN, tao là một trong những thằng đọc nhiều nhất, biết nhiều thứ tiếng nhất và nghiên cứu sâu rộng nhất. Ông nghiên cứu không phải để chém gió, để phê bình, mà là để phục vụ cho tác phẩm đỉnh cao mà ông muốn viết. Đến 80 tuổi ông vẫn học và nghiên cứu phục vụ cho những tác phẩm đỉnh cao ấy, ông chết khi chưa có tác phẩm đỉnh cao nào. Có khi ông bớt nghiên cứu, bớt bị những kiến thức sập vào người đè nén sự sáng tạo hồn nhiên, có khi ông đã viết được cái gì đó. Chuyện này lại là một đề tài khác.

Tôi còn nhớ năm tôi học cấp 3, nhà có máy tính, tôi đã làm một việc là số hóa đám giáo trình của ông đi dạy ở đại học sân khấu và trường viết văn. Cả mấy giáo trình dài, tôi nhớ nhất là chương về nhân vật. Ông nói đại khái là mỗi khi gặp ai đó trong hoàn cảnh nào đó, mình phải ghi nhận lại cái nét đặc sắc, và viết ngay vào sổ tay, không được bỏ sót. Nó sẽ là một database để khi viết, nhân vật sẽ hiện ra sống động, thật.

Nói lan man thì cái hồi tôi số hóa giáo trình của ông ngoại, số hóa đề tài nghiên cứu làm tiến sĩ của mẹ, chép kinh phật giúp bà ngoại, thời gian đó đem lại cho tôi nhiều hiểu biết giá trị mà không phải đứa trẻ 12-15 tuổi nào cũng có, có thể chém gió với sinh viên. Văn học, tôn giáo, kinh tế học và thời trang, những thứ mà nhà ngoại bơm vào đầu tôi khi còn bé, là nền tảng văn hóa của tôi. Thứ mà rất tiếc khi lớn lên tôi đã không đối xử với nó cho tử tế, và ngày nay kiến thức của tôi lan man yếu kém. Nói khi uống bia thì được, nói khi uống cafe thì không.

Lúc đó tôi còn một việc khác phải làm, và làm cho tới nay không đặng, là làm một hảo hán.

Cục đá

Mẹ tôi dạy tôi đọc chữ, viết chữ. Ông nội tôi dạy tôi làm việc.

Buổi sáng cha mẹ đi làm, tôi ở nhà cùng ông bà nội. Tám giờ sáng tôi ngồi vào bàn học với một lô bài tập do ông nội giao. Ngồi đấy làm. Còn ông thì xuống bếp đạp giá. Bà nội tôi bán giá đỗ ngoài chợ. Hạt đỗ khi mua về phải rửa sạch, bỏ vào chậu nước, rồi ông nội tôi đứng đạp. Cứ đạp như thế đến trưa, kỹ thuật nó phải thế, để chiều ông bà sẽ nén nó vào trong các vại, lèn chặt, ngâm nước cho hạt đỗ nảy mầm giá.

Ông nội đạp giá từ sáng đến trưa, chẳng bao giờ lên ngó tôi, việc của tôi là phải ngồi yên tập trung làm bài cho đến khi ông lên nhà. Bây giờ nghĩ lại thật khó tưởng tượng một đại tá về hưu lại làm việc chăm chỉ thế. (Ông nội tôi là một đầu lĩnh của không quân cộng sản, nhưng chẳng bao giờ lên được tướng, cứ lâu lâu ông lại bị hạ cấp vì lính chết khi tập bay, ông bảo chết ngay một vài thằng còn hơn dạy hời hợt rồi ra trận chúng nó chết hết cả). Tất nhiên là thời đấy nó thế, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông nội kêu ca gì, và tôi cũng không được kêu ca, cứ thế ngồi đấy học. Thằng em tôi thiệt thòi hơn mặc dù nó thông minh hơn tôi bội phần, nó không bao giờ được luyện tập như thế. Nó không kiên nhẫn. Nó chưa bao giờ nhìn thấy ông nội đứng một tay chống vào tường, chân đạp chậu đỗ, từ sáng đến trưa. Nó đánh nhau rất khá và chẳng bao giờ bị chê là thằng nhát gan.

Máy chữ

Ông ngoại đột quỵ. Tôi chạy tới, sớm, các cậu còn chưa đến kịp. Ông ngoại nằm lăn trên giường, nằm trên uế thải của mình, trong căn phòng vốn bừa bộn và bẩn. Ông sung sướng khi thấy tôi, ông không muốn phải nhờ vợ hay con dâu những việc thế này, ông chửi đuổi hết cho đến khi tôi tới. Ông thấy tôi thì chịu cho tôi giúp. Tôi dìu ông vào phòng tắm, tắm cho ông. Tôi gỡ những miếng cứt đã khô, dây lên trên lưng trên vai ông. Tôi dùng vòi hoa sen xả nước và tắm táp cho ông, kỳ cọ trên đầu trên lưng, sau mông, dương vật. Khi ông sạch sẽ thì tôi bàn giao cho bà ngoại và cậu lớn lúc ấy đã tới.

Tôi thật may mắn vì đã được làm việc đó cho ông tôi. Ông chết trong bệnh viện sau đó mấy ngày thôi. Tôi luôn biết ơn vợ tôi vì thời điểm đó nàng đã gọi điện gay gắt bảo tôi phải đến với ông ngay không vì lý do gì được chậm trễ. Nhờ thế tôi đã đến được trước nhất và tôi được làm việc đó.

Cục đá

Bố nhắn người gọi tôi gấp. Tôi phi đến bệnh viện kịp thời. Ông nội trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi. Một cuốn truyện chưởng vẫn còn trên giường. Tôi thấy người ông cứng lại, lạnh đi. Tôi hôn lên cái đầu bóng loáng vì hói của ông. Tôi thấy mình diễm phúc khi con người đó ra đi trên tay tôi. Tôi không khóc một tẹo nào, cả ở mắt và cả ở trong lòng. Tôi đã khóc âm thầm trong nỗi nhớ bao năm nay cho đến bây giờ. Tôi khóc âm thầm khi bốc mộ nhìn thấy cái hàm răng giả của ông, cái mà khi mới sắm, ông đã làm trò cho tôi xem. Tôi tiếc ôi là tiếc vì ông chết khi tôi còn bé quá, mới có 15 tuổi. Bao nhiêu điều tôi cần có ông nói cho tôi nghe, nhưng ông chết sớm quá và tôi không kịp hỏi.

Tôi luôn nghĩ rằng nếu ông nội sống thêm 5 năm nữa, khi tôi 20 tuổi mà vẫn còn ông, thì tôi đã học được bao điều. Hảo hán trên đời có được bao nhiêu? Trang hảo hán như đầu lĩnh Thủy Hử của tôi lại chết sớm quá, khi hắn chưa kịp truyền đạt hết cho thằng cháu nội lớn nhất của hắn, rằng phải làm sao làm sao. Sống thế đéo nào thì gọi là sống!

Lần nào về quê, thắp hương lên cái bia mộ bé tí mà dưới đó là bộ xương khô của ông nội tôi, tôi cũng đều cáu rằng những cái hương khói vàng mã này có ý nghĩa gì. Tôi luôn chỉ khấn ông tôi một điều, ông phù hộ cháu với và ông hãy cho cháu lòng dũng cảm. Lần nào bước ra khỏi nghĩa trang, tôi cũng tràn đầy lòng dũng cảm, cho tới lúc cuộc sống này khiến tôi cảm thấy mình trở lại là thằng hèn nguyên bản, như ông đã nhận định, tôi lại đến gặp ông.

***

Ôi, tôi ngờ rằng hai người đàn ông ấy, với tất cả các con cháu của mình, với vợ mình, với bạn bè, với những người đàn bà trong đời mình, vẫn quá cô đơn.

Các anh ấy đã được sinh ra, đã sống, đã yêu đàn bà, đã kết bạn bè, đã yêu và căm ghét, đã phấn đấu, đã chiến đấu, đã làm tình rất nhiều, đã nhận lời khen và lời chê, đã được tâng bốc đã bị sỉ nhục, đã có những lúc vinh quang và hèn đớn, đã ôm những đứa con và ru chúng ngủ, đã bị vợ chửi, bị gái chửi, đã già đã bệnh tật, đã nằm trên bãi cứt của chính mình, đã xoa đầu những con/thằng cháu, … biết bao điều các anh đã trải qua.

Hai anh bây giờ chỉ còn để lại cho thằng cháu của hai anh một cục đá và một cái máy chữ. Đáng ra phải nói rằng một anh là khẩu súng và một anh là cây bút.

Làm một người đàn ông sống trên đời, ông nội và ông ngoại ơi, phải làm sao?

Written by Tequila

September 15, 2011 at 7:09 pm

Posted in Gia đình

Gửi con gái

with 7 comments

Bố đang ngồi ở trong nhà, cái căn hộ mà bố mẹ đang đi thuê, nhưng nó rất gọn gàng và đẹp. Bố có thể ở những chỗ rất vạ vật bừa bẩn bao lâu không kể, nhưng chỗ mà gọi là nhà thì nó phải sạch đẹp, dù chỉ ở một vài ngày, nữa là cả hai năm nay. Bố mở nhạc rất to vì nhà không có ai cả. Đêm nay bố được ở một mình trong nhà và làm gì tùy thích, để ngày mai khi con về, mẹ con về, anh con về, bà giúp việc về, chị họ con sang, là bố nhiều khi sẽ đi khắp nhà mà không biết chỗ nào có thể đứng.

Ngày mà con ra đời, hôm thứ ba vừa rồi, bố mẹ đều không nghĩ sẽ đi sinh con ngày đó. Bác sỹ hẹn là vào ngày thứ ba, rồi lại đổi sang ngày thứ năm, thế mà tới khi chiều tối bố mẹ chuẩn bị ăn cơm thì bác sỹ lại bảo là vào bệnh viện luôn. Bố mẹ nhìn nhau, thôi đi luôn. Bố động viên mẹ ăn cho đủ bữa, mà mẹ con không ăn được. Bố cũng không ăn được, dĩ nhiên là bia thì kiểu gì bố vẫn uống được vì thế bố uống hết chai bia rồi đưa mẹ đi. Vào tới bệnh viện bố mới gọi mọi người, lúc đó mọi người mới tất tả đến.

Bà mụ đưa con cho bà nội, rồi bà nội đưa con cho bố. Ngay lúc đó bố cảm thấy tim mình nghẹn lại, không giống như khi đỡ lấy anh con lần đầu, lúc ấy bố chỉ thấy tò mò. Khi ôm con trên tay lần đầu ấy, bố cảm nhận thấy rõ mình yêu hai đứa trẻ, con và anh con, như thế nào. Đó là thứ tình cảm có thể cầm lên được, nắm chặt vào được, máu thịt và sắc lẹm.  Bố chưa bao giờ thấy yêu ai như thế.

***

Hôm nay bố đưa anh Phong vào chơi với mẹ và con, cùng với ông bà nội nữa. Anh Phong trèo lên cái nôi của con, bám tay vào kệ sát giường, rồi ngã. Mấy ngày không ngủ, phản xạ của bố chậm hơn mọi ngày, bố không kịp đỡ lấy Phong, anh con ngã xuống đất. Bà nội đang ôm con, lập tức giúi con cho mẹ một cách nhanh chóng và dứt khoát quá, để ôm anh Phong. Bố, và cả mẹ nữa, đều nhìn và hiểu rằng ông bà nội yêu anh con hơn yêu con.

Không phải là vì con là con gái, ông bà không phong kiến vậy. Mà vì anh con là đứa cháu đầu tiên, là nơi mà ông bà dành tình yêu cho nó như cách lấy lại khoảng trống rỗng do hai thằng con trai đã lớn và đã bỏ đi để lại. Anh Phong lấp đầy chỗ đó. Dù sao, ông bà nội cũng đến thăm con, như việc nó cần phải như vậy, không hơn.

Khi ông bà nội đi rồi, mẹ con khóc, bố bảo: bố sẽ yêu em Lam nhất nhà. Ý bố là những người đàn ông trong nhà sẽ yêu những người đàn bà trong nhà.

Rồi bố quay lại nhà Bách Khoa để cho anh Phong uống sữa rồi đi ngủ. Tội nghiệp, bé thế mà làm anh rồi, phải bị chia sẻ tình cảm, bị chia sẽ mẹ, bị chia sẻ bố. Phong nhất quyết không chịu uống sữa và không chịu ngủ với bà. Nhưng khi bố đến, bố bế Phong lên phòng bà nội, tắt đèn, rồi bố kể chuyện cho Phong. Bố kể một câu chuyện về một con thỏ trắng, sáng ra muốn đi ăn cỏ phải vượt qua một ngọn đồi khô cháy mà trên đó lại có một con chó sói rất thèm thịt thỏ. Bố kể một hồi rồi chính bố cũng không hiểu tại sao con thỏ lại có thể vượt qua ngọn đồi chó sói đó với sự giúp đỡ của một con gà mào đỏ và một con rùa to đùng.

Bố hôn anh Phong mấy cái rồi mới đi.

Bố định về nhà ngay nhưng rồi với thói quen là cà, bố lại chạy lên nhà chú Kỳ ở phố Ngô Quyền. Chú Kỳ đãi bố rượu vang rất ngon. Rượu rất ngon, vẫn là căn gác có cửa sổ nhìn xuống phố, nơi bố rất thích. Nhưng câu chuyện rời rạc và rồi bố về sớm.

Những ngày qua, kể từ khi con ra đời, xung quanh bố toàn tình yêu. Tình yêu với con, với anh Phong, với mẹ, với ông bà nội ông bà ngoại, với chú Nguyên, với các bạn bố… Những thứ đó làm bố tưởng như, với những ngày phép của mình, như là mình đang là một người thất nghiệp chả có công việc chả có tiền bạc gì cả. Bố chẳng quan tâm cái gì đang diễn ra ở chỗ làm của bố, ở chỗ làm của mẹ. Bố thậm chí chẳng nhớ mình là ai. Thực ra thì bố chính là một người rất hoàn hảo, tức là bố của Phong và Lam, thế thôi. Bố không bao giờ đặt nick name ở nhà cho các con, bố luôn gọi các con bằng tên của các con, cái tên mà khi lớn lên người ta sẽ gọi các con.

Bố cảm thấy mình như một người đàn ông tiền sử. Hắn đứng ở trước cửa hang, bên trong là một người đàn bà của hắn và những đứa con. Hắn đi săn và chiến đấu bằng cái ngọn giáo gỗ của hắn. Và đó là tất cả mục đích sống của hắn, đi săn và chiến đấu bằng ngọn giáo, giữ mạng sống và mang thịt về cho vợ con. Ngọn giáo của bố là đầu óc của bố, trí thông minh của bố, kiến thức của bố,… những thứ mà so với đại đa số các bạn của bố, chỉ là thứ để các bạn cười hô hố. Nhưng dù vậy nó chắc chắn sẽ nuôi sống các con của bố.

Ngọn giáo của bố tuy kém cỏi vậy thôi, nhưng bao giờ cũng đủ để những người đàn ông những người đàn bà đến nhà mình, sẽ ngồi xuống và nói những lời tử tế.

Written by Tequila

September 2, 2011 at 5:56 pm

Posted in Gia đình