Teq's Blog

Archive for November 2012

Đi thôi, ở nhà chán quá

with 4 comments

Trưa, tôi về ăn cơm ở nhà bố mẹ, xong như thường lệ kéo 3 cái ghế ăn xếp thẳng hàng nhau, một cái kê đầu một cái kê mông một cái kê chân, ngủ. Thường là ngủ 15 – 20 phút, ngủ hẳn hoi, luôn bực bội khi thấy chuông báo thức lúc 13h15 để dậy đi làm. Kỹ năng ngủ trên 3 cái ghế tôi đã luyện thành từ lâu lắm rồi.

Nhưng mà không ngủ được, thấy buồn tê tái. Chuyện vớ vẩn chả có gì cả, một sự xấu hổ nho nhỏ thôi, thế mà vẫn buồn. Biết rằng đến ngày mai là sẽ quên sạch cái này và tính mình thì không thể nào mà nhai cái sự này lâu được, nhưng vẫn buồn tê tái. Bèn nhắn tin cho vợ:

– Anh buồn quá em ạ.

– Có chuyện gì à?

– Chẳng có chuyện gì cả.

– Đi thôi anh.

– Ừ đi.

– Em muốn đi ngay ngày mai.

– Ngày mai chưa được, phải sắp xếp đã chứ, để ngày kia.

***

Đấy là chuyện trưa ngày hôm qua, bây giờ là nửa đêm ngày hôm nay, sáng mai chúng tôi lên đường.

Cả năm nay vợ tôi vất vả bận rộn, nhất từ trước đến nay, nên cậu ấy stress lắm rồi. Tuy thế thì cậu ấy cũng đã đi chơi 1 – 2 chuyến, còn tôi chưa đi chuyến nào. Mặc dù cứ cuối tuần là hộc lên chạy như ngựa nhưng tóm lại chẳng phải là đi chơi. Đi một chuyến vài ba ngày cũng tốt, mà phải là đi chơi, không có gì liên quan đến công việc hết, thì mới được.

Tôi đến gặp sếp, hỏi, “tuần này có việc gì gấp không anh nhỉ, đội chỗ em thì chẳng có gì gấp cả”. Anh ấy nghe phát biết rồi, đã làm với nhau mấy năm, “ờ cũng chẳng có việc gì gấp đâu”. “Thế em nghỉ phép mấy ngày”. “Ờ”. Của đáng tội là năm nay tôi chưa nghỉ dài phát nào, trong khi năm nào cũng phải có một hai phát như thế, đi Hà Giang chẳng hạn đâu thể 2-3 ngày mà về được.

Thế là tối nay vợ tôi đã đóng gói vali, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho con cái, sáng ngày mai hai vợ chồng đưa hai đứa con bé tí vào trong xe, đi. Nói với ông bà nội, ông bà có vẻ nhăn nhó, trẻ con còn bé quá chúng mày vác nó đi như thế. Nhưng mà ông bà cũng không nói ra, bởi biết đằng nào thì chúng nó cũng cứ đi thế thôi. Thằng nhóc mới 3 tuổi rưỡi mà đã theo chân bố mẹ đi khắp Sapa – Hà Nội – Thái Bình – Vinh – Huế – Đà Nẵng – Sài Gòn, con em mới được đi mỗi một phát Đà Nẵng. Lần này cho bọn chúng rong ruổi đường Hồ Chí Minh chơi.

Đã là con của bố mẹ chúng, thì chúng không lang thang hơi phí.

***

Nói chung, lý do cơ bản khiến tôi và thằng em không có tiếng nói chung với bố mẹ, là bởi vì ít đi chơi với nhau quá. Bố mẹ thì lúc nào cũng nói lời hay lẽ phải cả, đến giờ hơn 30 tuổi nghĩ lại vẫn thấy phải, nhưng nghe không được vào, bởi vì không đi chơi với nhau.

Lắm lúc, gần đây, muốn rủ ông già đi chơi, ông già toàn bảo, chỗ nào tao chả đi rồi, không dưới đất thì trên trời, chả có chỗ nào tao chưa từng ngồi hoặc bay qua. Cái chỗ mà mày bảo chứ gì, chỗ ấy có khe núi, thằng nào ngu bay trực thăng qua mà không biết lựa thì hẫng cái bụp, xong, tao lạ gì, tao nhặt xác nhiều thằng rơi máy bay ở những chỗ còn hẻo lánh hơn những chỗ chúng mày biết nhiều. Giờ tao chả muốn đi đâu cả. Thế còn nói làm gì! Bà già thì vẫn đi suốt, nhưng tuyệt đối không bao giờ đi chơi, chỉ đi chơi kết hợp công tác.

Lần gần nhất mà gia đình tôi, tức là ông bà già và tôi và thằng em, đi chơi cùng nhau, là biển Sầm Sơn, mãi từ hồi tôi mới học lớp 8. Sao ông già lại không muốn làm một chuyến chỉ cho tôi thấy những chỗ ông đi nhặt xác đồng đội rơi máy bay hoặc nhặt hài cốt lính Mỹ, những chuyến đi mà nhờ đó ông có tiền cho anh em tôi có thêm miếng thịt trong bữa cơm, chịu chả hiểu.

Bố mẹ tôi chỉ chăm chỉ cày cuốc, để có nhà cửa, mong nuôi các con ăn học thành tài, mong sao các con trở thành những thằng hoặc quyền cao chức trọng hoặc bằng cấp đầy mình nói ra những lời cao quý của các tiến sỹ giáo sư. Nhưng bố mẹ tôi đã thất vọng hoàn toàn, tới nay hai thằng con chỉ là hai thằng lởm khởm và nói chung là không có hy vọng gì cả. Nói như ông già của ông anh đồng hao tôi, thì “Bây giờ mày lớn rồi, mày phải chăm chút cho thế hệ sau của mày đi. Chứ như tao nhìn thế hệ sau của tao, tao thấy nản quá!”.

Nói thế để thấy rằng, nếu mình cứ yêu thương và nuôi dạy con cái, để sau này nó thành thằng này con kia, thì một là rất ít khả năng nó sẽ trở thành người như mình muốn, hai là vì cái muốn ấy mà mình bỏ phí khoảng thời gian tốt đẹp nhất của bố mẹ con cái, là khi lũ trẻ vẫn còn là lũ trẻ. Thế nên phải chơi với chúng.

***

Hôm rồi tôi phải ngồi câm như thóc nghe vợ giáo huấn. Vợ bảo, anh nói thì hay lắm, nhưng anh xem anh chơi và dạy cho con được những cái gì, vào lúc nào. Anh thì công việc, bạn bè, đá bóng, nhạc nhẽo… xong có lúc nào yên ổn ở nhà thì lại sách truyện hoặc chơi game. Em chẳng thấy con cái ảnh hưởng gì từ anh cả, anh có đi mấy ngày nó cũng chẳng nhắc anh.

Lúc đó tôi định  bảo là hồi tôi còn bé thì thích nhất là những lúc bố vắng nhà, thế mà giờ tuy bố chuối anh vẫn yêu bố. Nhưng lại thôi, thấy lý lẽ của mình phản cảm.

Anh chẳng dạy chúng nó chơi bóng đá, anh chẳng dạy chúng nó vẽ, anh chẳng dạy chúng nó học chữ… trong khi lúc nào anh cũng tuyên bố anh vẽ từ năm 2 tuổi, đọc sách từ năm 4 tuổi, đá bóng từ năm 6 tuổi, chơi đàn từ năm 12 tuổi… anh biết bổ quay, anh biết bắn súng cao su, anh biết đào hầm, anh biết trèo cây, anh biết đánh nhau và biết chạy, anh biết tự chữa vết thương, anh biết nói tiếng chó không con chó nào cắn anh bao giờ… vân vân… Nhưng em chẳng thấy anh dạy gì con anh cả.

Chả lẽ lại bảo là bố anh có dạy anh đâu, đấy là tự anh biết.

Rồi vợ lại bảo anh ích kỷ, anh chỉ biết anh thôi. Chả lẽ lại cãi là nếu mà anh làm được những điều em muốn, thì anh trở thành mẹ nó một thằng hoàn hảo, vãi đái. Ngày nó có 24 tiếng thôi.

Nhưng mà cũng không dám nói thế, bởi ông đã lấy vợ đẻ con ra rồi lại trót tuyên bố là với anh vợ con là nhất, thì ông phải tìm cách thôi. Biết làm sao được. Trong khi trong thâm tâm mình thì mình nghĩ, ảnh hưởng của người bố đến người con là nó theo một cách thức rất quái đản không thể nào mà đàn bà hiểu được. Một thằng bố hoàn hảo thì đến 99% là thằng con sẽ hoàn hảo theo một kiểu rất bỏ mẹ!

Một thằng bố mà hoàn hảo thì sẽ thành một cái cây cao lớn và bộ rễ của nó tản ra xung quanh tiết chất độc khiến cây khác không lớn được. Những cái cây con bên cạnh sẽ chỉ èo uột mà thôi. (Nhưng, vẫn chưa tệ bằng một bà mẹ hoàn hảo).

Đấy là tôi nghĩ thế chứ không thể bẻ gãy được lý luận của vợ.  Tôi có một người vợ tốt, và khi nàng nói, thì tôi cảm giác giống như khi mẹ tôi nói vậy, bao giờ cũng rất đúng không thể cãi được.

***

Và giải pháp của tôi là đưa bọn trẻ sống cùng cuộc sống của chúng tôi. Không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc trừ sâu, không bao bì hoành tráng. Cho chúng nó sống đúng cái cuộc sống đang diễn ra mà thôi.

Mai chúng tôi lại rong ruổi trên đường, viết ra những kỷ niệm mới của chúng tôi. Ôi chao, cho đến lúc này, tôi đã quên hết những công việc, tiền bạc, những dự định, chỉ còn lại là tôi, người đàn bà của tôi, những đứa con của tôi. Chúng tôi ở bên nhau trên chặng đường dài. Và chúng tôi yêu nhau, tất cả những chuyện khác đều là vớ vẩn.

Tất cả mọi chuyện đều là vớ vẩn. Có đéo gì mà phải lăn tăn.

Written by Tequila

November 28, 2012 at 1:52 am

Posted in Linh tinh

Xe ôm 1968

with 2 comments

Không để ý không biết, rồi nhiều khi thật ngạc nhiên khi biết một người rất bình thường hàng ngày vẫn gặp, lại hóa ra là một người rất vãi đái. Sáng nay tôi kết được một người bạn mới cực kỳ hoành tráng, khiến tôi vô cùng hâm mộ. Đấy là cái ông xe ôm góc phố gần văn phòng.

Ở đó có 3 ông xe ôm, tuổi chừng sáu chục. Một ông rụt rè hiền lành, một ông nghiêm nghị, một ông tay chơi. Ba ông này tôi đều biết đã hai ba năm nay rồi. Ông nào cũng biết rõ các địa chỉ của tôi, nhà bố mẹ, nhà bố mẹ vợ, nhà tôi đang ở, cơ quan, công ty vợ… Số là hai ba năm gần đây, từ sau khi thằng em mượn con ngựa già của tôi để chạy, thì tôi chuyển qua nghịch các loại xe 67, Vespa, con nào cũng khật khừ. Vì vậy mà chuyện xe hỏng là thường xuyên, và tôi trở thành khách hàng quen thuộc của ba ông xe ôm này. Gần đây có việc gì cũng vẫn hay nhảy xe các ông tạt ngang ngửa cho tiện. Có cái gì cần gửi nhận đi đâu cũng nhờ các ông cho nhanh.

Tính tôi ít khi buôn chuyện trời ơi. Ngồi sau xe các ông rất nhiều nhưng thường không nói chuyện gì cả, thường cắm tai phone nghe nhạc thôi, có nói cũng chỉ là hai ba câu thời tiết. Vậy nên biết lâu mà không gọi là quen. Các ông cũng không phải người hay chuyện như thói thường của các ông xe ôm.

***

Sáng nay, bật lửa hết ga, buồn tình nhảy xe ôm lên hàng bật lửa ở Nguyễn Hữu Huân mua ga về nạp. Ra đầu phố, thấy ông xe ôm nghiêm nghị đang ngồi, vậy là đi xe ông. Ông này nghiêm nghị ít nói, thường mặc quả áo bay bộ đội, đầu đội mũ bảo hiểm cũng xanh bộ đội. Ông để ria mép bạc, mặt mũi cương nghị, ánh mắt rất bản. Có thể cho đóng nhân vật giang hồ già trong phim hành động. 

Tôi bước ra khỏi cửa hàng bật lửa, tay cầm chai gaz, trèo lên xe. Ông xe ôm này hôm nay bỗng hay chuyện, tưởng tôi mua xăng Zippo, nên bàn chuyện Zippo. Ông bảo, chú trước có con Zippo của lính Mỹ, sau 75 chú nhặt về dùng chơi. Nhưng mà hồi đó không có xăng chuyên dụng như bọn cháu mua bây giờ, phải dùng xăng xe máy thôi, để túi quần cũng nặng túi quá rồi sau chú quẳng ở nhà, rồi cho thằng khác. Tôi bảo, của đấy bây giờ còn giữ được là bán được giá lắm đấy.

Ông bảo, trước chú còn có một hộp thuốc lá của Mỹ nữa, nhỏ nhỏ, chỉ đựng được 4 điếu.

– Sao hộp thuốc lá lại chỉ đựng có 4 điếu nhỉ?

– Ờ, nó chỉ đựng được 4 điếu thuốc thôi. Trong hộp chỉ có 4 điếu thuốc lá và 4 viên thuốc. Biết thuốc viên để làm gì không? Để bọn nó hành quân đường xa, khát nước, thì ngậm một viên vào là hết cảm giác khát nước. Đấy là thuốc chống khát nước khô cổ.

– Chú là lính à?

– Ừ, lính Mậu Thân 1968. Sau đó đánh nhau cò cưa lớn nhỏ mãi. Tới 1975 thì đánh trận Xuân Lộc là chiến dịch lớn.

– Oách thật!

– Oách cái gì, may sao số may nên còn sống. Sau này chú còn đi đánh Campuchia đợt 1978. Nhưng mà mình là cựu binh, ở tuyến sau thôi, nên không chết. Chứ bọn tuyến đầu chết nhiều lắm, có khi còn nhiều hơn cả hồi đánh Mỹ.

Ông kể, hồi 1978 ông là lính cựu đánh Mỹ, nên người ta không đưa ra tuyến đầu ngay. Còn mình thì cũng đánh nhau mãi rồi, chán đánh đấm rồi không còn ham hố gì cả, nên cứ ở tuyến sau làm hậu cần này nọ cho lành. Còn tuyến đầu mặt trận, là lứa lính nhập ngũ đợt tháng 10/1974, chưa kịp ra trận thì đã hết chiến tranh, rồi 3 năm hòa bình chẳng ai còn nghĩ đến đánh đấm nữa. Bọn đấy vẫn là lính mới, ra trận đánh với Polpot thì 10 thằng chết 8. Mãi sau thấy chết nhiều quá, người ta mới điều quân chủ lực là cánh bọn chú lên tuyến đầu, đánh mấy trận là thắng luôn. Rồi lanh quanh tiếp bên đó mãi 84 mới được cho về. Cũng né được đợt 1979 đánh Trung Quốc.

– Chú có bị thương không?

– Cũng bị vài vết nhưng nhỏ thôi, không được tính là thương binh nên cũng chẳng có chế độ gì.

– Thế có quân hàm chức sắc gì không?

– Không, đánh nhau mười mấy năm toàn chiến trường khốc liệt, nhưng chú chỉ là thằng lính trơn. Tay cầm AK bụng đeo lựu đạn, chỉ đâu đánh đấy, chỉ làm thằng lính tốt. Chú là thằng đánh trực tiếp, phi lên trước họng súng bên kia, suốt từ lúc ra chiến trường lần đầu tới khi giải ngũ. Đánh suốt mà cũng chẳng có chiến công gì.

Ông bảo, phúc ông bà nhà chú chắc to quá nên mình không chết. Nhưng giờ ngẫm lại cuộc đời mình, thấy chẳng có cái gì, giờ già chẳng có đồng lương hưu, ra phố làm thằng xe ôm. 84 về chú phục viên, đi làm nhà nước, nhưng cũng chẳng có nghề ngỗng gì, đầu óc cũng không có, biết bắn súng chứ có biết làm gì đâu, làm lanh quanh sai vặt thôi. Rồi bỏ bao cấp, chú về nghỉ một cục. Từ đó cứ làm ăn gà què ăn quẩn nghèo túng cho đến giờ thôi.

– Nói thì cũng không được phải lắm, nhưng cháu ạ, chú nghĩ nếu mà chả may lại có chiến tranh, thì có lẽ không nên đi làm lính đâu. Nhà nước này nó chả có đãi ngộ gì cả, người ta quên mẹ bọn chú rồi.

***

Đường đi ngắn, chuyện tới đó là hết. Tôi trả ông xe ôm 30 nghìn, rồi bảo, hôm nào cháu mời chú đi uống bia nhé, cháu thích nghe chuyện của chú. Ông xe ôm cười gật đầu nhất trí.

Tôi rất thích rất phục những người như ông ấy. Thế hệ mình bây giờ, hở tí kêu khổ, chạy được một đoạn đi chơi lên núi vượt ba cái đèo dốc ba cái lầy lội đã vỗ ngực anh đây hoành. Đụng chút hơi nguy hiểm tí, đấm nhau vài thằng ở sân bóng, đã vỗ ngực anh đây bản. Phải nhìn những người như ông xe ôm kia, làm lính bộ binh xách súng chạy suốt từ 1968 đến 1984, mới là đáng nể. Không hiểu các ông nghĩ gì khi mấy thằng chọi con đi xe rồi lên giọng xấc với các ông? Mà hai ông xe ôm còn lại chắc cũng không đơn giản, nhìn cũng giống kiểu cao thủ võ lâm tiền bối lắm. Có khi lập một đội súng sơn, mời các ông về cùng đội, bắn nhoe nhoét giữa đầu mấy thằng bạn.

Đề tài chiến tranh là đề tài không bao giờ tôi hết hứng thú. Nhất định phải thu xếp mời ông xe ôm đi uống bia nghe chuyện tiếp. Nhưng khi uống bia là tôi sẽ phải hỏi, trên cơ sở những gì tôi đã đọc, để nghe ông trả lời và kể chuyện. Chứ tự ông kể, chắc cũng chẳng có gì để mà kể. Cuộc đời ông tóm lại chỉ có một câu, chú đánh nhau suốt từ 1968 đến 1984 rồi phục viên về, rồi thất nghiệp làm ăn lanh quanh cho tới giờ. Chẳng khác nào cuộc đời ông thầy dạy nhạc của tôi, năm 1954 Hà Nội giải phóng, ông phục viên về làm một người dạy nhạc, cho đến ngày nay. Còn cuộc đời của tôi và các bạn bè mình, chắc hẳn sẽ là, năm 2002 các anh tốt nghiệp ra trường xin được việc làm, rồi làm việc kiếm tiền cho đến ngày nay.

Written by Tequila

November 16, 2012 at 11:39 pm

Posted in Linh tinh

Marylou

with one comment

Marylou trong phim thật đẹp, hầu như giống như những gì tôi hình dung về nàng. Chỉ thiếu một chút nên thơ ngơ ngác. Bộ phim đẹp, chẳng biết hay dở thế nào bởi tôi mới chỉ xem một đoạn. Chắc là dở thôi bởi người ta không thể kể On the road thành một câu chuyện phim được. On the road là một ước mơ xưa cũ, khi một thằng đàn ông đã hết thời lang thang, ngồi nhẩn nha ly bia bên vỉa hè thành phố, ngẫm nghĩ về những chuyến đi và hiểu rằng không thể nào còn như thế nữa. Marylou trong phim làm tôi không đủ kiên nhẫn để xem tiếp phim nữa, tôi muốn ngồi vào máy tính và viết.

Tôi luôn thèm viết được cái gì đó đẹp, làm cho tôi say chứ không phải để cho người khác thích. Thay vì cố gắng, thì tôi cứ để nỗi thèm muốn cứ ở đó. Tôi thà viết về những thứ vụn vặt của mình cho đỡ thèm mà thôi. Tôi cứ tự nhủ với mình rằng đến khi nào tôi có thể đóng cửa phòng, mở rộng cửa sổ để ánh nắng hoặc màn đêm xâm chiếm, bật nhạc thật to, một két bia bên cạnh, và không có ai không có việc gì khiến tôi phải đi ra, thì tôi sẽ viết.

Marylou là người tình trong mộng của tôi, người có thể lôi tôi đi hết chỗ này đến chỗ khác, làm tôi quên mất bản thân mình. Tôi đã có Marylou của mình, chính là vợ tôi, nhưng cùng với thời gian nàng đã không còn là Marylou như Marylou, còn tôi đã không còn là Dean Moriarty nữa. Tôi mở cửa phòng để hôn tạm biệt Marylou ngày xưa của tôi, hôn cả hai vệ sỹ một trai một gái nằm hai bên nàng, cả ba đều chưa ngủ đều đang chuẩn bị ngủ và đều yêu tôi. Ba cái hôn dịu dàng quá thể khiến tôi thấy trong nhà mình thiếu một khẩu shotgun, để tôi dựng bên cạnh ghế, gác chân lên lan can, hút điếu xì gà và sẵn sàng bắn vỡ sọ thằng nào dám có ý nghĩ gây hại tới họ.

***

Đêm qua, ở Thái Bình, hai anh em tôi, bố, chú, vợ chồng cô ruột, thằng em họ, ngồi uống rượu vui vẻ để sáng sau đi ăn hỏi cho thằng em họ. Bữa rượu rất vui, cho tới tận cuối, khi chiến tranh nổ ra. Khi bố tôi uống rượu là thể nào cũng nói năng lằng nhằng và động chạm đến những vấn đề mà anh em tôi rất dị ứng. Và hễ nói đến những đề tài đó là anh em tôi bật lại, rất gay gắt, khiến cô tôi ngồi nghe thấy sợ. Gia đình tôi thật lạ, không thể thiếu những cuộc cãi vã. Không tham gia vào cãi vã với ông già, tôi như thể chẳng còn là con của ông nữa.

Chiều, ăn hỏi xong, đã về đến Hà Nội, đã ăn bữa cơm mời nhà gái, tôi chở ông già và thằng em về nhà, rồi về nhà mình. Điện thoại hết pin, nếu có muốn cũng chẳng thể liên lạc được với ai, chẳng ai liên lạc được với mình. Trên đoạn đường ngắn trở về nhà, tôi hoàn toàn cô độc vì chẳng ai có thể gọi được mình. Bỗng tôi muốn đổ đầy bình xăng và cứ thế chạy đi đâu đó vài ngày. Lâu lâu lại thấy muốn bỏ lại cả thế giới ở sau lưng. Tất nhiên là không thể như thế được, tôi còn vợ con ở nhà, còn công việc. Nếu có muốn đi như thế thì cũng phải dừng ở đâu đó để nhắn tin hoặc email cho vợ, em à, anh nổi cơn điên, anh đi vài ngày, đừng lo. Xong rồi còn phải nhắn tin hoặc email cho lãnh đạo, bảo em có việc gì đó, vắng mặt vài ngày. Tức là vẫn phải đặt chỗ để quay về, như vậy đi còn có gì vui nữa. Nghĩ qua nghĩ lại về ý muốn đó, thì đã về tới nhà, con trai con gái ôm chặt lấy chân, đuổi mãi mới chịu đi để lên giường nằm nghỉ.

Thực ra đã có lần tôi làm vậy, đột ngột bảo vợ, anh cần đi vài ngày, rồi cứ thế đi, vào Sài Gòn uống rượu lăng quăng. Vợ giận lắm. Rồi về. Chuyến đi đó cũng chẳng có gì vui.

Vợ tôi hiểu những cơn điên của tôi. Cuộc sống không phải là những trách nhiệm. Làm việc không phải để kiếm tiền. Anh không có nhu cầu làm một thằng chồng thằng bố tốt. Anh không có nhu cầu thăng tiến. Anh không quan tâm ai đó nghĩ anh tốt hoặc ai đó nghĩ anh xấu. Vân vân. Nhưng tất cả chỉ là cáu mà nói vậy thôi. Anh vẫn là tù nhân của những điều đó. Anh sẽ không biết làm gì nếu không làm vì những điều đó. Và cuối cùng thì ước mơ của vợ chồng tôi là có thể xếp lại tất cả để đi chơi. Hy vọng lúc đó chúng tôi đừng có quá già, đừng có làm hai ông bà già lóc cóc dẫn nhau đi du lịch. Nếu một ngày kia có thể đi chơi như thế, thì mong sao là tôi còn chưa già, còn uống được rượu ngon bắn được thuốc, còn lái được xe, còn ăn được các món ngon, còn chưa hết đát để mà còn làm tình với nhau.

***

Truyện kết thúc khi tất cả đều còn rất trẻ. Marylou vẫn mới chỉ 18 tuổi thôi, những thằng điên bên cạnh nàng vẫn còn là những thằng điên nguyên vẹn.

Còn chúng tôi, những thằng điên năm xưa, tôi, thằng Kỳ, thằng Báu, thằng Hiệp, thằng Tuấn Anh bựa, thằng em tôi, thằng Tân tàu, thằng Việt Kino, thằng Việt võ sỹ, và vài thằng khác,… cả một lũ điên, giờ đây đều dần trở thành bình thường. Tôi đã quá bình thường chỉn chu hầu như giống với những gì vợ tôi mong muốn. Thằng Kỳ đang bình thường dần rồi.  Thằng Báu bình thường đã lâu đang tìm cách điên lại. Thằng Hiệp vẫn còn điên nhưng điên đều đều không đột biến nên cũng thành ra bình thường. Thằng Tuấn Anh bình thường đã lâu dù vẫn hơi điên. Thằng Tân tàu không còn điên được như xưa. Thằng Việt Kino vẫn điên nhưng đang cố gắng thành bình thường. Thằng Việt võ sỹ nghiệp dư sau khi đấm thắng mấy thằng vô địch boxing chuyên nghiệp thì giờ chỉ chăm chú làm sao cho bình thường. Thằng em tôi đang tập trung để bình thường nghiêm túc.

Chỉ bởi vì đàn bà của chúng tôi đều không còn điên nữa. Các cậu ấy yêu những thằng điên, yêu vì cái điên, nhưng yêu rồi thì lại tập trung mọi sức lực để thuần hóa những thằng ấy trở thành bình thường. Kiếm tiền, đẻ con, giữ phép với người lớn, chăm cho con cái. Và vì thế, Marylou 18 tuổi mãi mãi là người tình trong mộng. Với Marylou, chỉ cần đến đây với em, đưa em đi đâu đi, yêu em đi, kệ con mẹ thế giới.

Kệ con mẹ thế giới, thật là một ước mơ cháy bỏng.

Written by Tequila

November 16, 2012 at 1:48 am

Posted in Linh tinh