Teq's Blog

Archive for June 2017

Đoàn tàu rời thành phố

with 3 comments

Phải chăng niềm hạnh phúc cũng như sự bất hạnh của con người, đều đến từ sự dũng cảm nhảy bừa vào toa tàu dừng ở một ga xép đêm mà không biết nó sẽ đi đâu  (!!!??? kaka). Hehe, viết câu này cho nó nguy hiểm, cho nó thấu cảm hehe. Mả cha cái từ “thấu cảm” này, mấy hôm nay đọc buồn cười quá. Cái đoạn văn trích dẫn đã ngẫn rồi, lại còn cãi nhau vì nghĩa của nó lại càng ngẫn hơn. Từ ngữ là để sử dụng, hiểu nhau là được. Mà cái từ này thì cũng có cái gì đâu. “Thấu cảm” đại loại cũng như “thông cảm”, xịn hơn tí. Như kiểu cái cống của ông già tôi thường xuyên bị tắc, gọi thợ đến thông, cho nó chảy được thì là thông cống, nhưng mà hiểu rõ vấn đề của cống làm sao trị đúng bệnh sau này không bị tắc nữa thì có thể gọi là thấu cống vậy.

À ở đây tôi viết cái rất câu thấu cảm trên, là vì tôi đang hạnh phúc sung sướng dã man, vì đã mạnh dạn hiên ngang bước vào một con đường không bao giờ tới đích và về cơ bản không để làm gì cả. Nhưng mà hoa thơm cỏ lạ thì đầy rẫy hai bên. Từ nay, xin goodbye các nhà sản xuất PC game, anh mày đã có một game khác chơi không thể chán được.

***

Số là tôi có một nhóm bạn thân. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cuộc đời để ngồi nói nhảm với nhau, từ tình yêu tình báo công việc ước mơ lẫn những nỗi buồn phiền. Nhưng khoảng độ năm năm trở lại đây, chúng tôi không còn chuyện gì để nói với nhau nữa cả. Nói nhiều quá hết cả đề tài rồi. Gặp nhau lại chỉ ngồi vần mấy chai rượu ngon, nghe nhạc, chả có đề tài gì. Tôi cũng phát chán lên, nhiều khi từ chối gặp các bạn. Tình bạn chuẩn bị tan vỡ đến nơi vì chẳng còn muốn ngồi với nhau.

Bọn chúng nó cũng chán. Một ngày kia, bọn chúng tán dóc với nhau trên facebook là cần phải thành lập một ban nhạc. Tôi email nộp đơn xin gia nhập ban nhạc ngay tắp lự. Thế là ban nhạc được thành lập. Trong đội, có một thằng hát hay quên sầu, trình cao, có số má trong giới nhạc nhẽo rock hardcore thanh niên Hà Nội. Thằng đó quá chuyên nghiệp, nên bị loại ngay. Cho ra rìa. Còn lại band có 5 thằng. Tôi, tất nhiên, một tay guitar cự phách đã cầm đàn từ năm 12 tuổi nhưng chưa bao giờ đánh được một bài gì ra hồn. Thằng Hiệp, một tay guitar cự phách khác, từ bé đến giờ chỉ chuyên quạt chả lúc rượu say. Thằng Nguyên, cũng tập đàn với tôi từ tấm bé, được giao đánh bass và tất nhiên là anh không biết đánh bass như nào rồi. Thằng Kỳ, một ca sỹ có màu giọng đẹp, nhưng luôn luôn sai nhịp và chưa hề biết nốt nhạc nào. Và thằng Tâm, được giao đánh trống, anh ấy tất nhiên chưa bao giờ biết một bộ trống có những bộ phận gì, thậm chí nhạc anh ấy còn chả thèm nghe.

Tập trống thì phải có trống, anh Tâm bèn đầu tư một bộ trống, đăng ký đi học. Nhưng trống thì phải có phòng riêng cách âm, không thì gia đình tan vỡ ngay sau vài buổi tập luyện. Chúng tôi tập trung nhau vào, tranh thủ lúc rảnh lao động chân tay làm được xong một cái phòng tập cách âm khá chuẩn. Đồ đạc nhạc cụ đầy đủ. Bây giờ chỉ còn tập thôi.

Mà tập cái gì? Chúng tôi thử chơi cover vài bản rock ballads nhưng ngay lập tức phát hiện ra anh em chưa đủ trình để chơi mấy bản nhạc ấy. Kể cả những bản dễ nhất. Chúng tôi ngồi uống bia với nhau bàn về tương lai u ám của ban nhạc, chúng tôi sẽ làm gì với phòng tập tiêu chuẩn và đống đàn đóm loa đài. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ chơi được một bài nào.

***

Tuy vậy chúng tôi có một thằng nhà thơ ở trong ban. Thời trẻ trâu thằng Kỳ điên đã có những bài thơ trác tuyệt viết trong lúc say rượu, rất nhiều nhạc tính, lời lẽ lại còn lãng mạn hoa lá, đại loại “Làm đĩ ở bến đò, cứ lò mò đêm tối, lối về là con nước, tiếp khách không là giường. Làm đĩ ở bến đò, mò không ra hạt thóc. Làm đĩ ở bến đò, đến con bò còn khóc”. Những bài thơ như thế viết ra chính để làm lyrics ca khúc rồi còn gì.

Chúng tôi có anh Nguyên lác, một con buôn đam mê công nghệ. Anh ấy sẽ làm chủ tất cả đống thiết bị âm thanh, các loại phần mềm thu âm, hậu kỳ. Và với tính thực tế của mình, thì tiếng bass của anh sẽ không màu mè phách lối. Anh sẽ sẵn sàng chê bai thẳng thừng những câu nhạc lởm.

Chúng tôi có anh Hiệp phò, con người anh đã chính là nghệ thuật rồi, chả có thứ nghệ thuật gì mà xa lạ với anh, nhạc nhẽo tất nhiên cũng thế. Anh sẽ chế tác ra những câu solo rụng rốn, lạ tai, như những cái cao siêu anh nói khi say rượu khiến chúng tôi không thể hiểu anh đang nói gì. Chỉ cần đưa cái đàn cho anh, bảo muốn chơi gì thì chơi, anh sẽ tuôn nhạc ra liên tu bất tận.

Chúng tôi có anh Tâm kỹ sư, một thủ môn xuất sắc và một quản trị viên database xuất sắc. Anh sẽ đánh trống chính xác chuẩn mực, trình lên tới đâu anh sẽ chơi đàng hoàng tới đấy.

Chúng tôi có tôi, một thằng điếc không sợ súng, chúng mày đá bóng hay thì tao đá bóng dở, chúng mày làm thơ hay thì tao làm thơ dở, chúng mày làm nhạc hay thì tao làm nhạc dở. Không sợ. Mà tôi lại là chuyên gia bắt lỗi ăn cắp của các vị nhạc sỹ. Nhạc chúng tôi làm sẽ không có nhạc ăn cắp.

Thế là chúng tôi quyết định sẽ chỉ tập và chơi nhạc do anh em tự làm, chả thèm chơi nhạc của thằng nào cả. Kể cả thằng ấy có là Chopin đi nữa.

***

Vui nhất có lẽ là hai cây đàn của tôi. Bây giờ chúng mới được chơi. Trước đây, mỗi khi buồn phiền hoặc vui vẻ, tôi cầm chúng lên gảy linh tinh dăm ba bài chả ra đâu vào đâu rồi lại treo chúng lên. Bây giờ chúng mới được làm một nhạc cụ đúng nghĩa.

Tôi mở phần mềm Guitar Pro trên máy tính, cầm đàn tìm kiếm những vòng hòa âm theo ý mình, những câu nhạc theo ý mình, rồi chép nó vào phần mềm. Nghe lại, xóa, sửa nghe lại. Khi quyết định tự làm nhạc của mình, tôi không còn bị bó buộc bởi cái gì nữa. Không còn những câu, những nhịp bị định sẵn bởi những giai điệu có sẵn. Cứ tự do tìm kiếm nét nhạc theo tai nghe của mình. Những hợp âm cũng không còn là hợp âm. Không còn bị bó buộc 6,7, dim gì nữa, chỉ đơn giản là với một hợp âm quen thuộc thì tôi cho vào những nốt lạ, có khi hay ho, có khi thối inh. Nhưng không sao, tay tôi chạy khắp cần đàn với một sự tự do mà trước đây khi chơi cover tôi chưa từng biết đến. Những kỹ thuật hạn chế mà tôi có, được dùng đúng vào chỗ tôi muốn, vào câu tôi muốn, nó trở nên rất hiệu quả.

Hồi nhỏ và hồi trẻ trâu, tôi chỉ thích chơi lead, tỉa những câu solo, cho oai. Nhưng bây giờ, khi bắt đầu mò mẫm viết nhạc, tôi mới thấy mình có khả năng trong sáng tạo bè guitar nền. Tôi muốn làm một bài hát, thì tôi sẽ chọn một hợp âm chủ, rồi cầm đàn gảy loạn cả lên cho đến khi bắt được một nhịp điệu và một hòa thanh hay, có hòa thanh rồi thì tôi bắt đầu làm giai điệu cho bài hát, tạo thành một concept chủ đạo của bài hát ấy. Rồi điền bè bass ví dụ, điền vài câu solo ví dụ, điền bè trống ví dụ, gửi cho các bạn để chế tác phần của các bạn.

Cũng như nhiều entry dang dở của cái blog này, tôi có nhiều những đoạn nhạc làm thử, rồi không thành công vứt đấy, chỉ coi là bài tập. Có những hôm làm ra một đoạn thấy hay ơi là hay, save lại, sáng mở ra nghe, thấy như dở hơi, hoặc phát hiện là giai điệu này mình đã vô thức ăn cắp ở đâu đó.

Những đoạn nhạc tiến bộ lên dần đều, đến bây giờ đã có một hai đoạn nhạc tôi thấy hay. Có những đoạn nhạc lởm, tôi giữ lại đấy, có thể lúc nào khác sẽ lấy ra làm lại. Tôi còn hứng khởi phổ nhạc với đầy đủ các bè hòa âm cho một bài thơ của Lưu Quang Vũ, một bài thơ tôi đặc biệt thích. Rất tiếc rằng khi xong, nghe lại, thì cái màu của nó vẫn còn tầm thường, lúc khác tôi sẽ làm lại nó.

Cafe ngoai o 4

 

***

Ba năm triền miên nghe nhạc cổ điển quả là có lợi ích của nó. Tôi đã hiểu làm sao để treo một giai điệu chủ đạo ở trên cao, rồi thả vào một chuỗi những note bay lượn xung quanh để làm nền cho nó, rồi kéo một chuỗi khác với màu khác hẳn từ bên ngoài vào, thả cho chúng chạy song song hay vòng quanh, ghép tất cả chúng cho tập trung tại một điểm, nhấn mạnh nó, rồi chuyển đoạn. Chúng sẽ vui tươi hay buồn thảm, là do ý mình thôi.

Nghe thì nguy hiểm như vậy, nhưng âm nhạc là thứ tự nhiên và gần gũi với con người, thò tay ra là nhặt lấy. Như một anh thượng cổ cầm chày gỗ đứng trước của hang rống lên u ú. Như một người đàn bà vớt củi bên sông, bất giác hát la la la trong trẻo. Như một đứa trẻ nhảy chân sáo húy gió khi được thả ra vườn chơi.

Nhạc của chúng tôi có thể không hay. Quyền làm ra nhạc là quyền của tất cả mọi người. Hay dở lại là chuyện khác. Nhưng đều là những thằng duy mỹ và khắt khe theo kiểu của riêng mình, chúng tôi sẽ cố làm ra được nhạc để chúng tôi tự nghe được, chẳng phải để nhận được lời khen từ ai hết. Nó cũng như làm một bài thơ viết một đoạn văn vậy thôi. Và không có một công thức nào cả. Người ta không phải cứ tốt nghiệp trường văn thì mới được viết văn. Người ta cũng chẳng cần phải tốt nghiệp nhạc viện thì mới được viết nhạc.

Bọn trẻ trâu mười tám hai mươi bây giờ chơi nhạc rất nhiều, họ cũng toàn chơi nhạc tự sáng tác, thỉnh thoảng đâu đó bắt gặp trên youtube những bài thật hay. Chúng tôi rất khâm phục họ. Chúng tôi nay đã gần bốn xịch cả rồi, vui buồn nếm trải biết bao nhiêu. Giờ lôi lại những ký ức vui buồn đó, cả những cái hiện tại nữa, chuyển thành nhạc mà chơi thôi.

Đoàn tàu rời thành phố

Mang nỗi buồn tuổi trẻ

Những khung cửa lướt nhìn

Làng mạc in bóng mình

Trong nỗi buồn thành phố

*

Chúng ta thời tuổi trẻ

Đi hoang trong mộng tưởng

Vắt vai đầy hoài niệm

Mắt nhìn thấy hoang mang

Tay nắm đầy ước mơ

Tâm hồn chưa vấy bẩn

Bài thơ này của anh Kỳ điên, trước đây đã được một anh kiến trúc sư người Đức phổ nhạc. Chúng tôi quyết định lấy giai điệu của anh người Đức, sửa đi một chút và làm một phối khí mới. Đêm qua tôi đã viết ra được một concept khá tốt cho nó, ngày mai cuối tuần chúng tôi sẽ ngồi tập thử xem nó ra sao. Nền guitar của tôi nghe như tiếng đoàn tàu lịch xịch chạy xa dần trong đêm, với những ánh đèn loang loáng, thế mới tài.

Tự làm nhạc, tự chơi, tự khen mình, thật không có gì sướng bằng tự sướng.

Written by Tequila

June 24, 2017 at 3:55 am