Teq's Blog

Archive for October 2012

Victor Tsoi–Việt Kino – Песня о друге

with 7 comments

9 năm trước, vào một đêm mùa đông tuyết ngập đến gối, chúng tôi chơi nhạc trong một quán của người Việt, nhân dịp đón năm mới. Đó là buổi tạp kỹ của sinh viên VN trong trường, chúng tôi cũng chỉ đóng góp 1 –2 bài gì đó thôi. Xong, ra quầy bar đứng làm đôi chai bia. Có một thằng ra bắt chuyện tôi. Thằng ranh con đẹp giai vãi đái, cho đến giờ tôi vẫn chưa thấy thằng nào đẹp giai bằng thằng ấy, vào buổi tối hôm ấy. Nó nhờ tôi dẫn mối để nó được lên sân khấu hát.

Tôi đưa nó lên sân khấu. Nó làm nguyên một dây năm sáu bài nhạc Nga và nhạc nó tự sáng tác. Bài nào cũng hay, nó cực kỳ hấp dẫn khi ở trên sân khấu, mọi người chỉ có há mồm ra mà nghe và say đắm mà nhìn. Xong tôi lôi nó về ký túc xá, lên phòng 316 của tôi. Sứ mệnh của nó bắt đầu. Sứ mệnh của nó là bắt tôi chơi nhạc. Có nhiều ngày nhiều đêm, học hành dang dở, tiền bạc không có, em út cũng không, mấy thằng chúng tôi cứ ở trong phòng uống vodka và chơi nhạc. Chơi nhạc với nó, là một phần đáng kể, rất đáng kể, trong nỗi nhớ và mặc cảm Nga lợn của tôi.

Chúng tôi gọi nó là Việt Kino. Bởi vì nó rất mê ban nhạc Kino (Кино – tiếng Nga có nghĩa là xi nê, cinema).

***

Ban nhạc Kino thực ra chỉ có một người (những người còn lại không đáng kể) là nhạc sỹ, ca sỹ Виктор Цой (Victor Tsoi).

viktor tsoi kino015

Tsoi có cha là người Hàn Xẻng. Anh ấy thực ra là một thằng Hàn Xẻng. Thế mà bọn Nga nổi tiếng sô vanh, “nước Nga là của người Nga” “Matxcova là của người Matxcova” “đánh chết mẹ bọn nước ngoài làm nghèo nước Nga”… lại tôn thờ Tsoi.

Tsoi sinh năm 62. Anh làm nghề đun nước nóng trong chung cư. Ngoài ra anh chơi nhạc. Trình độ guitar của anh rất lởm, ban nhạc của anh cũng rất nghèo. Thời đó bọn tây Anh Mỹ đã chơi rock vãi chưởng, thì các anh chỉ có những cây đàn ghẻ, tiếng rất quê. Nhạc của anh cũng quê, nhưng mà đi vào lòng người. Khi đã nổi tiếng, đã hát trên khắp các sân vận động của Liên Xô, đã đi nước ngoài lưu diễn, anh vẫn giữ nghề nghiệp của mình, một người trông nồi nước nóng.

Rất nhiều hình ảnh của nước Nga 2012 đã hiện lên trong đôi mắt 1988 rực cháy của Victor Tsoi, khi anh hát tại Moscow. Bài hát nổi tiếng của anh, ПЕРЕМЕН, sáng tác năm 1986, nhanh chóng lan đi và được giới trẻ khi đó đón nhận như tuyên ngôn của thế hệ mình. Tsoi hát:
Thay đổi – trái tim chúng tôi yêu cầu như thế!
Thay đổi – đôi mắt chúng tôi yêu cầu như thế!
Trong tiếng cười và nước mắt của chúng tôi, trong huyết quản của chúng tôi, rung lên "Thay đổi! Chúng tôi đang chờ đợi một sự thay đổi"
http://www.youtube.com/watch?v=eg7BFXss1hE&feature=related
Hãy nhìn đôi môi mím chặt cằm hất lên kiêu ngạo của Tsoi, đôi mắt thăm thẳm buồn bã của quá khứ và cháy bỏng niềm tin vào tương lai, bạn sẽ hiểu tại sao Tsoi được yêu mến như vậy. Hai năm sau, năm 1990, Tsoi chết trong một tai nạn giao thông, anh chết khi mới 28 tuổi và không được nhìn thấy sự thay đổi của nước Nga 1991.

Tsoi chết đã hơn 20 năm. Chất nhạc quê kệch của anh đã quá lỗi thời khi làn sóng pop rock Anh Mỹ tràn vào nước Nga. Nhưng tại phố Arbat, con phố cổ thần thánh của Matxcova, vẫn có một bức tường dài dành cho Victor Tsoi. Trên đó là những hình vẽ graffiti về Tsoi. Đứng ngồi la liệt bên bức tường là những thằng thanh niên, có thằng biết đánh đàn có thằng chỉ biết vài gam quạt chả, chúng thi nhau hát nhạc của Tsoi.

russia-viktor-tsoi-2010-8-15-10-0-26

Bọn chúng, bọn thanh niên, vẫn cầm guitar ra phố, đứng chơi nhạc Tsoi kiếm tiền uống vodka.

Còn bố mẹ chúng, nếu hỏi họ, “Tsoi là ai?”, họ sẽ trả lời “Tuổi trẻ của chúng tôi”.

***

Mấy ngày trước thằng Việt Kino gọi điện cho tôi.

– Năm nay là Victor Tsoi tròn 50 tuổi. Em có nhận một đề nghị chơi nhạc kỷ niệm 50 năm ngày sinh Tsoi, anh em mình sẽ chơi nhé.

– Ờ, chơi luôn.

Thế là con đàn mới, con Gibson hoàng tử trong chuồng lợn của tôi, có dịp được lên sân khấu với tay đàn lởm của tôi. Như thằng em tôi có lần bảo, khi tôi mất tự tin, rằng “người ta chơi nhạc hay thì anh em mình chơi nhạc lởm, sợ gì!”. Nhưng chuyến này thằng em tôi không tham gia, một là chính nó không tự tin với cây bass của nó, hai là nó vốn không thích Tsoi lắm. Mặt khác tôi bảo thằng Việt Kino là, một chương trình nghiêm túc vậy, chỉ anh em đánh thì nó sẽ như cứt, phải gọi một thằng trống và một thằng bass xịn để cho vững vàng. Cũng đéo cần xịn lắm, chỉ cần hơn anh em vài level là được rồi.

Nhạc của Tsoi nghe rất quê, câu đàn quá quê so với nhạc Mỹ, nhưng truyền cảm. Qua Youtube thì không còn truyền cảm nữa, nhạc của anh là để chơi sống. Để hát sống, ở lề đường, ở góc chung cư, ở bến metro. Như kiểu thằng Việt Kino đến, làm đôi ly vodka, rồi hát Tsoi cho chúng tôi nghe.

Thế là tối về tôi tạm gác mọi việc lại, con cái cũng kệ, đi ra chỗ khác cho bố làm việc, rồi mở Tab, mở guitar pro, mở youtube, ngồi lập bập với những ngón tay khô queo đã lâu chỉ gõ bàn phím của mình. Nhưng tôi thấy hay. Bọn khán giả có thể không thấy hay, nhưng chúng tôi sẽ thấy hay và Tsoi sẽ thấy hay. Vợ tôi bình thường nếu thấy tôi cứ chúi mũi vào máy tính không quan tâm đến bọn con cái, là sẽ kêu. Nhưng cậu ấy biết rằng tôi đang máu nhạc, cần phải để cho tôi yên. Vì vụ nhạc nhẽo này, nếu cần tôi còn có thể xin bỏ làm vài ngày để tập, thậm chí là bỏ cả đá bóng.

***

Buổi biểu diễn, nếu chỉ có nhạc Tsoi thì sẽ nhàm, chúng tôi sẽ bonus thêm hai phần.

Một là nhạc của Việt Kino. Nhạc của Việt rất hay, công bằng mà nói là hay và chất hơn nhạc  Trần Lập The Voice rất rất nhiều. Chúng tôi sẽ lựa ra 3 – 4 bài để chơi.

Có một bài như thế này:

Vậy là đã bốn năm trôi qua, tôi sống trên đất người. Trong thành phố xa lạ, những con người xa lạ, và tiếng nói xa lạ, làm tôi nhớ về quê hương.

Trong thành phố này không có nổi một gánh hàng rong, không có những quán cóc liêu xiêu bên hè đường, không có cành đào cháy lửa vào mùa xuân không có những khuôn mặt tươi cười, chờ Giao thừa…”

Đó là bài Giao thừa. Đây không phải là lời nguyên gốc. Đây là lời mà tôi đã sửa cho nó, vào một đêm Moscow mùa đông 2003, là ngày tết ở nhà.

Và phần thứ hai là nhạc Nga khác. Tức là vài bài classic rock Nga lợn. Một trong số đó là bài này, trong phim Hãy đợi đấy, bài Песня о друге, có nghĩa là Bài hát về một thằng bạn, thằng Sói bắng nhắng cả tin đầy đam mê.

http://www.youtube.com/watch?v=nDsoV61o-Fk

 

***

Lúc này tôi thấy mình thật hạnh phúc. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhiều vất vả nhiều ước mơ nhiều tình yêu, thứ này đã qua lại có thứ khác đến, khiến cho mình quay cuồng, vừa rất tự tin ta sẽ sống qua cõi đời này với những điều đó, vừa tự hỏi thế thì mình làm thế để làm gì. Có những khi đang vui bỗng xòe bàn tay ra, thời gian cứ trôi qua kẽ tay.

Bỗng có một thằng bạn đến bảo, Hey, ông đang làm cái đéo gì thế, cầm mẹ nó đàn lên chơi một vài bài đi.

Written by Tequila

October 18, 2012 at 2:28 am

Posted in Linh tinh

Vài kỷ niệm cũ

with 8 comments

Tối nay là một buổi tối không ra gì.

Trước khi đá bóng thì vợ dặn về sớm, đá xong về luôn. Tôi gật đầu. Sớm mai vợ sẽ phải đi công tác từ tinh mơ, nên muốn tôi về sớm để dặn dò, để yêu nhau. Nhưng tôi về đến nhà thì vợ lại đã ngủ rồi. Biết thế đi uống bia họp báo sau trận bóng cho đúng truyền thống. Hôm nay đá bóng cũng chán quá, thua lòi kèn.

Chả biết làm gì, ngủ thì sớm quá, thôi ngồi buôn chuyện vậy.

***

Những chuyện của 10 năm trước.

***

Tháng 11 năm 2002, tôi bị ăn một cái chai vào đầu. Thật hoành tráng là tôi bị ăn đập do cứu bạn. Bây giờ nghĩ lại thấy hôm đấy không bị đập hơi phí. Uống bia từ đêm tới sáng, sáng ra khật khưỡng đi ra đường, lên tramvai, sặc mùi bia. Thằng bạn lại nói năng bô bô ông ổng như chỗ không người. Thế là có mấy thằng tây chắc cũng uống từ đêm tới sáng, ngứa mắt nó tẩn cho thôi. Tôi che cho thằng bạn và bị dính một chai vào đầu. Do thân thủ phi phàm nên chỉ dính một cú đầu tiên ấy thôi. Máu me be bét, có bà già tây xuýt xoa lấy cái hình thánh bằng gỗ hình vuông chấm chấm cầu nguyện cho tôi. Xong bà cho tôi cái hình thánh ấy. Tôi xúc động gần chết, mãi tới giờ vẫn còn giữ cái hình thánh ấy. Giờ nghĩ lại thì thấy bà cho tôi hình thánh là phải, nó ướt máu be bét làm sao bà cầm đi được nữa.

Còn thằng bạn thì mãi về sau này, luôn luôn không bao giờ từ chối khi tôi hỏi vay tiền. Hehe. Vay được bao nhiêu là tiền. Tất nhiên là luôn trả đúng hạn không thiếu một xu.

Cái chai đó bắt đầu cho mặc cảm Nga lợn của tôi, thành phố Moscow vô cùng gắn bó của tôi.

***

Tháng 6 năm 2002, tôi tán đổ được vợ tôi bây giờ.

Cũng quen nhau từ hai năm trước rồi, khi cậu ấy mới học lớp 11. Tôi về trường cũ cùng các bạn lên sân khấu chơi bản And I Love Her rồi làm quen được cô bé. Cũng thư từ qua lại tình trong như đã mặt ngoài còn e lắm. Với lại thời đó quan tâm gì gái mú mấy đâu, ếch bỏ mẹ, toàn đá bóng đánh đàn. Vào cái năm 2000 ấy, có lần cô bé phải làm một bài tập kỹ thuật điện, đại loại là lắp một cái bảng điện. Sang nhà tôi làm, hai đứa ngồi phòng khách hì hục khoan khoan lắp lắp. Bà nội tôi ra xem một lúc, rồi đi vào. Khi cô bé về, bà bảo “mày mà lấy nó thì sau này mày sẽ bị nó bắt nạt”. Tôi cười hehe, bà đúng là lẩm cẩm. Bởi vì, một là bắt nạt được tôi là việc hơi khoai, hai là có cái gì đâu mà đã bảo là nếu lấy thì thế này thế nọ. Nào ngờ bà tiên đoán như thần. Sau này tôi vừa lấy cậu ấy lại vừa bị cậu ấy bắt nạt.

Nhưng mà đang kể tháng sáu năm 2002.

Bẵng đi một thời gian không tán tỉnh nhau nữa, thì tháng 6/2002 tôi và thằng bạn thân làm tốt nghiệp đại học, 2 thằng đều chơi với cô bé. Cô bé thì rảnh mà cũng quý tất cả bọn chúng tôi, nên đến xem chúng tôi tốt nghiệp. Ngày nào cô cũng đến cantin C9 uống chè đá với bọn tôi rồi xem các bạn bè của chúng tôi bảo vệ tốt nghiệp. Cô lúc ấy 19 tuổi rất là xinh. Có thằng bạn ra hỏi tôi, bạn gái của ông à. Tôi bảo, đéo phải, bạn thôi. Thằng bạn bảo, thế tôi cưa nhé. Tôi bảo, hehe, tùy ông tôi có liên quan gì.

Hôm tôi tốt nghiệp, lượt bảo vệ cuối cùng, cô bé cũng đến. Làm bảo vệ tốt nghiệp xong thì cả lũ 20 thằng ra quán bia uống bia ăn mừng thắng lợi. Tiền bia là tiền chúng tôi cho thuê máy chiếu kiếm được. Mấy thằng tổ chức cho thuê máy chiếu kiếm tiền anh em uống bia ấy, bây giờ toàn chủ doanh nghiệp oách. Uống bia rất vui, mà tôi đã uống bia là phải biêng biêng mới muốn đứng dậy. Uống hồi lâu cô bé đứng dậy bảo em phải về. Thằng bạn có ý định cưa cẩm kia đứng lên bảo, để anh đưa em về. Tôi ngó theo hai đứa ấy dắt xe máy ra đèo nhau đi. Tự nhiên giật mình nghĩ, “Ơ! Thế là đéo được rồi!”.

Một hai hôm sau tôi mời nàng đi ăn kem. Quán kem ở góc đường Bạch Mai – Lê Thanh Nghị, gọi là quán Trái Đào Tiên. Ăn kem rồi nói chuyện vu vơ, tôi cũng chả biết là nên tiếp diễn thế nào, bởi dù sao mấy tháng nữa là tôi đi Nga rồi. Nhưng chẳng lẽ chỉ thế thôi sao nhỉ. Trời đổ mưa rất to, tôi nhìn ra đường, có một cái xe buýt đi qua, xe buýt tuyến số 31. Tôi buột miệng bảo, trời mưa thì mình đi chơi bằng xe buýt đi. Nàng gật đầu.

Chúng tôi lên xe số 31. Vừa đi vừa nói chuyện vu vơ và ngắm Hà Nội năm 2002 còn đẹp lắm chứ không như bây giờ. Xe buýt cũng chưa có mấy ai đi, vắng hoe, hầu như chỉ có hai đứa tôi trên xe. Cứ ngồi đến tận bến cuối là Chèm, đại học Mỏ, tôi xuống xe làm cốc chè đá hút điếu thuốc bụng nghĩ cứ như thế này cũng vẫn đéo được. Xe buýt đi chuyến trở về. Ngồi trên xe tôi muốn nắm tay nàng. Nhưng không dám. Tôi ngồi đặt hai tay lên đùi y như Forest Gump ngồi công viên. Thế rồi đâu như đi ngang qua Hồ Tây, hoa phượng cháy đỏ rực, tôi đầu ngoái ra cửa sổ ngắm đường lấy hết cả can đảm, cả AQ cả tinh thần chấp nhận thương đau, tay thò sang nắm tay nàng. Nàng không phản đối, nắm chặt tay tôi, lát sau ngả đầu vào vai tôi. Thế là xong phim.

Xe về đến bến đầu ở Tam Trinh, chúng tôi vẫn cứ ngồi trên xe nắm tay nhau. Bác tài xe buýt nhìn chúng tôi chẳng nói gì, lát sau ra thu tiền chúng tôi đi lượt mới. Chiều hôm đó chúng tôi cứ ở trên xe buýt số 31, đi đi về về mấy lượt. Rồi khi chiều muộn, chúng tôi đi xe máy về nhà nàng. Chúng tôi hôn nhau. Cái hôn đầu tiên trong đời, của cả hai đứa.

Đó là chuyện mùa hè năm 2002.

Chưa bao giờ tôi tỏ tình với nàng như kiểu là “anh yêu em, em có yêu anh không”.

Sau này tôi cũng chẳng nói lời cầu hôn với nàng như kiểu là “em có đồng ý lấy anh không”.

Mọi việc cứ diễn ra một cách đương nhiên là cần phải như vậy, khi chúng tôi đã phải đương đầu với rất nhiều thứ. Đã có những đổ vỡ đau đớn và chia tay, chúng tôi chia tay nhau đâu như mười sáu hai mươi lần, lần nào cũng quyết tâm. Rồi chúng tôi chẳng ai bảo ai quyết định lấy nhau bởi quá mệt mỏi với những lần chia tay. Chia tay nhiều quá rồi chẳng muốn chia nữa. Lấy nhau xong chúng tôi cũng cãi nhau rất nhiều, năm ngày một trận cãi lớn ba ngày một trận cãi nhỏ. Rồi cũng đến lúc mệt quá chẳng cãi nhau nữa, chỉ yêu nhau và làm việc cùng nhau thôi. Cuối cùng thì nàng đã thuần phục được tôi.

Nàng đã cùng tôi vun đắp tới năm chỗ ở. Nhà ở Cầu Đuống, nhà ở Lạc Trung, nhà bố mẹ tôi ở Bách Khoa khi chúng tôi lấy nhau, nhà thuê này ở Tam Trinh ngay gần bến xe 31 năm xưa, rồi nhà Sapa mà chúng tôi đang làm. Nhà nào cũng đơn sơ mà gắn bó. Hễ chỗ nào mà nàng xắn tay lên làm lụng thì chỗ đó y rằng trở thành tụ điểm của tôi và các bạn bè.

Có lẽ thành công và sự can đảm lớn nhất mà tôi đã làm được, là nắm tay nàng trên cái xe buýt tuyến 31.

***

Năm 2002 còn nhiều chuyện đáng nhớ khác. Những năm khác cũng có nhiều chuyện đáng nhớ khác. Cái ổ cứng trong đầu tôi đầy những nỗi nhớ. Đến nỗi bất cứ khi nào tôi truy cập vào database của tôi và select một trường nào đó, thì dữ liệu cứ tuôn ra vài trang màn hình tay gõ không kịp. Những hạnh phúc cũng nhiều mà những nỗi buồn cũng nhiều, những thành công cũng nhiều mà những thất bại lại càng nhiều. Những điều tốt đẹp cũng nhiều mà những điều sai quấy cũng quá nhiều.

Tôi luôn có ý thức chuẩn hóa database của mình, như công việc thông thường của một thằng IT. Mỗi một ngày mỗi một việc mà tôi làm, tôi đều có ý thức rằng cần làm cho tử tế để nó sẽ được là nỗi nhớ của tương lai. Khi tôi nhiều tuổi hơn, khi tôi già hơn, khi tôi trở thành một ông già , cả tôi và vợ tôi đều mong muốn là tôi sẽ có một cái phòng đọc sách với cái bàn rộng, mở cửa sổ nhìn ra núi hoặc ra sông, truy cập database và viết.

Do yêu thích viết lách và văn chương, nên tôi từng thử viết nhiều thứ và thậm chí có lúc cũng định là mình sẽ viết cái gì đó mang tính văn chương, tưởng tượng hư cấu. Tôi đã nghĩ ra nhiều kịch bản nhiều cốt truyện và cũng từng thử. Nhưng rốt lại tôi không phải một nhà văn, tôi không có tài năng ấy, tôi chỉ thích làm một người kể chuyện, kể về những câu chuyện của chính mình mà thôi.

Tôi cảm thấy yêu bản thân mình vì/khi có những câu chuyện kể.

Written by Tequila

October 5, 2012 at 1:00 am

Posted in Linh tinh

Trên đường 01/10/2012

with 4 comments

Cô gái yêu một người.

Cha cô không cho cô lấy người đó.

Cô rất buồn.

Cô vào rừng, cô hái lá ngón.

Cô ăn lá ngón và chết.

Tại sao cô ăn lá ngón và chết.

Tại vì cô không được lấy người cô yêu.

Thằng Nhà uống tây tây rồi chạy về nhà lấy khèn sang thổi, gọi là báo cáo tiến độ học khèn. Thằng em nó là thằng Xu đẹp giai ngồi dịch tiếng khèn ra tiếng Việt.

Khèn của người H’mong đâu như chỉ có 5 nốt. Tôi nghe bài nào cũng giống bài nào, ì èo như vậy. Nào ngờ nó có ngôn ngữ. Có thể nghe tiếng khèn và dịch ra thành tiếng nói. Câu khèn có ý nghĩa như câu nói. Một thằng thổi khèn là người khác có thể hiểu nó nói gì, thật kỳ lạ.

Bao giờ thằng Nhà học hết môn khèn, tôi sẽ nhờ nó thổi cho một bài mang nội dung đơn xin vào Đảng! Chắc sẽ rất ảo diệu, được kết nạp ngay tức khắc! Mà khi tuyên thệ, ngại phết, tôi sẽ nhờ nó dạy cho cách tuyên thệ bằng khèn, sẽ trân trọng nghiêm trang hơn.

***

Đó là uống rượu đêm trước.

Sáng sau địa chính vào đo đất cát. Rồi tôi và anh Chư vào ủy ban xã. Cán bộ địa chính lập sẵn hợp đồng cho chúng tôi. Anh Chư chả thèm đọc hay nghe xem hợp đồng nói gì.

Rồi vì thửa đất vẫn đứng tên bà già anh Chư, nên chúng tôi phải chạy về nhà lấy chữ ký của cụ. Tất nhiên cụ sẽ ký bằng cách điểm chỉ. Không cần nói nhiều, bà cụ đưa tay cho anh Chư ấn vào hộp mực dấu rồi điểm lên hợp đồng. Tôi phải lấy điện thoại ra quay cảnh bà cụ điểm lên hợp đồng, để làm kỷ niệm cho tôi. Những con người chất phác này, họ tin tôi tuyệt đối. Họ làm cho cơn sến của tôi nổi lên gai cả sống lưng.

Tôi và anh Chư ngồi trước hiên nhà tôi, mà nó mới chỉ giống cái lán. Anh bảo “thủ tục như thế nào em cứ làm, còn chúng ta là anh em lâu dài” (từ sau bữa rượu mà tôi say, cứ nhắc đi nhắc lại vài chục lần chúng ta là anh em, anh là anh còn em là em, thì anh Chư đã đổi cách gọi tôi là “anh Đức” sang “em Đức”). Anh nói thêm, tất nhiên là không gãy gọn lắm, rằng, anh nghĩ anh em mình như cùng một mẹ vậy. Tôi xúc động quá, lên cơn sến khiến mắt muốn cay cay, chả biết làm gì cho hợp lẽ bèn rút điện thoại, bật loa ngoài, nghe nhạc của bạn mới gửi. Hai thằng cứ ngồi hồi lâu, chả nói năng gì, nghe nhạc, nắng và gió lồng lộng, hương lúa chín thơm ngát. Mây cuốn lấy nhau trên đỉnh Fansipan.

***

Rồi ông em Trọng về tới nhà, thu dọn đồ đạc để đi cùng xe tôi về xuôi. Nó cho tôi xem mấy cái thư, trẻ con viết cho nó. Số là, thằng Trọng cả tháng nay ngày nào cũng vào trường cấp 1 dạy học thay cho các cô giáo. Nên cả trường cấp 1 trở thành học trò của nó. Giờ này biết “thầy giáo Trọng” về xuôi, chúng hì hục ngồi viết thư cho thầy. Mới có ba lá thư của ba cô bé học giỏi, mấy thằng học dốt vẫn đang ngồi kỳ cạch viết chưa xong. Tôi đọc mấy lá thư, cơn sến lại nổi lên. Thư nào cũng hay. Đây là toàn văn văn kiện của một em tên Phếnh:

Thầy Trọng kính mến,

Em tên là: Vàng Thị Phếnh

Thầy ơi hôm nay thầy, đã đi về rồi và thầy có biết chúng em yêu quý thầy. Như thế nào không ạ! và thầy đi lại lên chơi với chúng em nhé.

Và dạy tiếng anh cho chúng em để biết tiếng anh và sao này xây dượi mà chúng em mới không khổ nhé, thầy và chúng em xe. Thầy cũng rất quý chúng em mà thầy quý chúng em vì chúng em học giỏi mà thầy mới quý và hôm nay thầy đi rồi thì chúng em rất buồn và lúc thầy đến thì chúng em thấy thầy học giỏi và lúc nào thấy thầy chúng em cũng phải chàu thầy và hôm nay thầy về mà thầy cũng phải lái quà cho chúng em ăn uống nữa.

Phếnh

Vàng Thị Phếnh.

Thằng Trọng điềm đạm, làm nhiều ít tiếng, chứ không phải loại ba hoa bốc phét giống tôi. Nhưng tôi nhìn nó cũng biết là nó không thể không xúc động với những lá thư như thế này, mặt trông đần đần. Y như rằng, hôm nay về tới nhà lên facebook, thấy cậu chàng để status :

Time passes so fast…teardrops on letters of H’mong students.
I promise to come back again…

Những chuyện này không phải chỉ kiểu một hai buổi hoành tráng rồi chia tay, kiểu những lá thư của những cô bé cậu bé trong một lúc cảm xúc con trẻ. Đêm trước khi uống rượu, tôi thấy những thằng thanh niên bắt đầu nói tiếng Anh vài ba từ, thấy những đứa bé thập thò sang học mà người lớn đang uống rượu lại ra về, những đứa máu hơn thì kể cả người lớn đang nhậu cũng vẫn mò vào nằm lên giường đắp chăn và lấy vở ra viết. Thằng Trọng mà ở luôn đây dạy học, thì con nhà Chư sẽ học lên đến tiến sỹ!

Thậm chí tôi tôn trọng thằng hâm này đến độ không dám vỗ vai anh anh chú chú với nó. Dù sao mới gặp có hai hôm, khi gặp toàn bàn việc, còn chưa uống rượu tay đôi. Tôi chưa dám thân mật với nó. Nó có lẽ cũng còn nhiều e ngại vì tôi lớn hơn nó cả hơn một giáp. Thằng này khỏe mạnh, đẹp giai, hồn nhiên mà nghiêm cẩn, lãng mạn mà cực kỳ tự tin. Tôi bắt đầu nghi ngờ là thằng này lên núi để trốn gái. Loại như nó, gái không yêu quá phí.

Những việc trong một tháng qua nó đã làm (trong điều kiện bị xã tuýt còi hỏng nhiều kế hoạch):

– Dạy học tiếng Anh trong nhà tôi cho trẻ con và thanh niên trong bản.

– Dạy hộ các cô giáo ở trường cấp 1, không dạy theo sách vở mà dạy bằng các trò chơi.

– Xin sách truyện tiếng Anh ở trường cấp 1 (do các cá nhân hoặc hội từ thiện cho), về xếp một đống trong nhà tôi.

– Dạy trẻ đánh bài và dạy trẻ dùng bông ngoáy tai (nó chụp mấy cái bông ngoáy tai bọn trẻ dùng rồi, kinh vãi đái).

– Tiếp bọn tây đến chơi. Có lần 3 thằng tây đến, nó cho bọn chúng ăn canh rau cải mèo và cơm nguội, thu được 230k. Giao dịch thành công đầu tiên của ngôi nhà.

– Tổ chức trung thu cho trẻ con, chỉ là trẻ con mấy nhà thôi. Thắp nến trên bể nước và rước đèn.

– Giúp chúng tôi tổ chức bọn thanh niên khuân vật liệu. Hàng trăm lượt xe máy chỉ để chở lượng vật liệu đủ xây cái toalet.

– Lên gia phả họ hàng hang hốc nhà anh Chư.

– Và nhiều việc khác mà tôi chưa biết.

Đêm trước khi nó về, nó xóa hết tấm bảng và viết lại cho những đứa trẻ:

8042237305_07acabe930

Cái nhà của tôi mới chỉ là một cái lán huếch hoác. Nhưng cái thằng hâm dở, tức người đàn ông 20 tuổi tên Nghiêm Xuân Trọng, đã làm cho nó có tâm hồn rồi.

***

Tôi ngồi trước thềm nhà với anh Chư, ngắm đỉnh Fansipan và nghe nhạc bạn gửi, tự thấy mình phong lưu vô đối, post một cái status trên facebook, rồi nhớ tới chuyện kể của Andersen, truyện Bà Chúa Tuyết.

Đọc từ bé cũng không nhớ lắm, đại khái rằng có cậu bé và cô bé rất thân nhau và yêu nhau. Chúng tự soi mình vào tấm gương thủy tinh, một khuôn mặt đẹp đẽ rạng ngời trong gương. Rồi một ngày chúng làm vỡ tấm gương thủy tinh. Những mảnh thủy tinh bay vào mắt, từ đó chúng nhìn mọi việc không giống như mắt của chúng nữa, mà là những hình ảnh rạn vỡ và méo mó của những mảnh sạn thủy tinh trong mắt. Chả hiểu tôi có nhớ đúng không nhỉ. Nhưng hình ảnh những mảnh thủy tinh trong mắt là chính xác. Tôi không còn nhớ câu chuyện tiếp sau thế nào, chỉ còn nhớ những mảnh thủy tinh.

Tôi nhớ khi tôi dặt dẹo, thất bại và sắt đá từ Nga lợn trở về, trong mắt tôi cũng chỉ toàn là những mảnh thủy tinh. Tôi những mong sẽ khẳng định lại bản thân mình bằng trí khôn, bằng sự lọc lõi mà tôi tưởng rằng tôi đã lọc lõi ,và những bài học mà tôi những tưởng là bài học mà người ta đã gây cho tôi.

Nhưng thật may cho tôi, có những người bạn và đặc biệt là những người đàn bà đã kéo tôi ra khỏi bãi lầy toàn mảnh thủy tinh ấy. Mẹ tôi đã yêu thương tôi và kiên nhẫn chờ tôi trở về như cũ. Những thằng bạn sống với tôi và uống rượu với tôi triền miên kiên nhẫn nghe những điều cay đắng và sắt đá. Những cô gái kết bạn với tôi. Có cả những người mà tôi không dám mạn phép nhắc tới, đã yêu tôi và tôi cũng đã yêu, dù không dài mà không quên được, đã kéo tôi lên từ dưới cống rãnh của sự tự ti. Rồi mẹ vợ tôi bây giờ, đã dành cho tôi sự thương yêu không có lý do gì cả, như bà vẫn luôn thương yêu những người xung quanh như một bổn phận. Rồi vợ tôi bây giờ, đã tiếp nhận tôi trở về dành cho tôi cả tình cảm của người yêu, người em, người bạn, người chị, thậm chí khi nàng tỏ thái độ hoành tráng thì nàng như người mẹ tôi vậy. Nàng không có mảnh thủy tinh nào trong mắt cả.

Và kết quả là cho tới bây giờ, khi tôi ngồi với anh Chư trước hiên nhà, chờ thằng Trọng về thu xếp đồ của nó, tôi thấy quanh tôi toàn người tốt. Có những người tốt đẹp một cách đáng ngạc nhiên, không thể hiểu được nếu mắt tôi vẫn còn những mảnh thủy tinh.

***

Nếu với những mảnh thủy tinh, thì tôi sẽ chỉ thấy ông em Trọng là một thằng trẻ con đang thích thử nghiệm bản thân và sau này nó sẽ khác đi với cơm áo gạo tiền. Với những mảnh thủy tinh thì tôi sẽ thấy là anh Chư là một thằng ngốc và bà già anh Chư còn ngốc hơn vì chả biết tôi đã làm gì với mấy tờ giấy. Với những mảnh thủy tinh thì những người H’mong sẽ nghĩ tôi là một thằng láu cá và họ sẽ có những cách nào đó để đối đáp với tôi mà tôi chưa biết được. Những mảnh thủy tinh sẽ phản chiếu những hình ảnh từng mảnh méo mó vụn vặt, ghép vào nhau thành một bức tranh quái dị.

Nhưng chúng tôi từ chối những mảnh thủy tinh. Chúng tôi đã cùng làm với nhau trên cơ sở không có những tờ giấy có giá trị pháp lý. Anh Chư và mẹ anh đưa đất cho tôi, bà cụ ngồi thêu khi người ta dựng nhà để xác định sự tin cậy, còn chúng tôi thì đưa tiền cho anh.

Tôi sẵn sàng mất đi số tiền mà chúng tôi đã đưa anh, nếu tôi và anh không nhìn nhau nữa. Còn anh thừa hiểu là nếu muốn thì bọn người Kinh có thể làm những gì trên những tờ giấy. Chúng tôi từ chối những mảnh thủy tinh và dành cho nhau sự tin cậy. Dù mọi điều đều có thể xảy ra. Tôi đã trải qua nhiều điều tôi chẳng ngây thơ. Anh cũng là người đàn ông thủ lĩnh ở trong bản.

Quan trọng là số tiền đấy, dù có nhiều hơn gấp bội, cũng không đủ để mua lại những đôi mắt không có thủy tinh.

Mà chúng tôi đã dành để nhìn nhau.

Một cách, tuyệt đối không dễ dãi. Những mảnh thủy tinh có thể bay vào mắt bất cứ lúc nào nếu chúng tôi không để ý.

Tôi và anh đều hiểu vậy khi chúng tôi ngồi im lặng bên nhau, ngắm mây bay trên đỉnh Fansipan.

How many roads must a man walk down before you call him a man.

Bob Dylan đã làm thơ như thế.

Written by Tequila

October 2, 2012 at 1:20 am

Posted in Linh tinh