Teq's Blog

Archive for January 2024

Đợi trời sáng 07/01/2024

leave a comment »

Trời thì sáng cụ nó rồi, tôi vừa ra đường mua hai lon bia. Thằng ku đứng quầy Cirle K thoáng hơi ngạc nhiên khi sáng còn chưa bảnh mắt mà có thằng lại đi mua bia. Tôi làm việc thông đêm, nên giờ thèm uống một hai lon bia để đầu nó giãn ra.

Thời gian này hay phải làm đêm. Có nhiều ngày tôi làm việc liên tục tới gần 20 tiếng mỗi ngày. Thế nhưng không bị mệt mỏi. Đá bóng vẫn cày đủ 90 phút với bọn trẻ trâu kém mình 20 tuổi. Và hôm nọ thì, gần sáng đi ngủ được 3 tiếng, sau đó lái xe một mạch 14 tiếng chở vợ con thẳng từ Hội An ra Hà Nội. Cứ hai tiếng dừng lại vươn vài vài cái hút chưa tắt điếu thuốc thì lại phi tiếp. Vẫn là một tay lái trâu bò. Phải cảm ơn ông nội và ông già rất mực vì đã cho mình thừa kế bộ gen phi công chiến đấu 2 thế hệ, mà bà già thì cũng khỏe nữa. Dẫu biết sức khỏe là thứ không thể nói hay và coi thường được, nhưng cũng như sóng thần, động đất, hay chiến tranh… lo làm cái quái gì, cứ biết mình khỏe mạnh đã và cũng biết rằng tới năm 90 tuổi chắc chắn sẽ yếu lắm.

Làm việc nhiều và thức khuya nhiều, nhưng tôi cảm thấy mình rất khỏe và tỉnh táo, bởi vì đầu mình trong veo, không có một stress nào cả. Cả ngày tôi ngồi làm việc mình yêu thích, không họp hành, không phải đua xe qua những con phố đông đúc và khói bụi. Lúc nào thèm cafe thì làm một cối hoặc ra đường mua ly capucchino. Chẳng bị ai khiển trách, chẳng khiển trách ai, chẳng lo lấy lòng ai, chẳng ai lấy lòng mình. Và tuyệt đối hết hẳn những cuộc bia rượu công sở, nơi người ta tọng vào họng hàng đống bia cỏ, rượu cuốc lủi chất lượng thấp, hoặc whisky nốc cả ly, và nhất là phải tọng vào đầu biết bao stress vì môn chính trị công sở.

Tôi thấy mình an yên như chó, tĩnh lặng và uyển chuyển như một video clip của BlackPink được vặn volume về 0. Cô đọng, đó là cái mà tôi cảm thấy.

Khó mà biết được cái gì thì đầy đặn hơn, giữa những phấn khởi và hy vọng và nhiệt tình mà tôi luôn cầm trong tay mình, và những thất vọng thất bại xấu hổ và cay đắng mà tôi dùng bàn tay kia nắm lại. Nhiều năm, nhiều năm, mỗi khi tôi thấy một niềm hy vọng, một cơ hội thành công, thì tôi lại thấy một giọng nói vang lên, hãy dự cảm trước đi cái niềm thất vọng chua cay sẽ đến. Tôi là một con nhện, cảm thấy những rung động xa xôi và nhỏ bé nhất trên tấm lưới của mình. Nhưng tôi cũng là một con thiêu thân. Dù con nhện có nói bao nhiêu đi nữa thì con thiêu thân vẫn lao vào những cuộc phiêu lưu.

Bây giờ tôi không còn thấy như thế nữa. Cả con nhện lẫn con thiêu thân đều chỉ là sự phóng chiếu của nỗi thèm muốn được khẳng định bản thân mình với người ta. Giờ thì bọn người ta biến sạch rồi. Tôi chỉ có gia đình của mình, một vài người bạn thân mến mà chủ yếu là chat chit trên facebook, một vài người bạn thân mến khác tồn tại đâu đó không tương tác, một con chó Mông cộc, một con mèo rất láo, và gần một trăm con cá trong bể.

***

Tôi từ bé đã thích nuôi cá, nhưng gần đây mới nuôi được cá để nó đẻ thành bầy thành đàn. Chắc vì thức ăn công nghiệp mua sẵn là rất chất lượng, chứ không như xưa chỉ có tí hạt cơm hay ít giun mà chỉ có cá to mới ăn được.

Trong bể của tôi có một con cá chọi rất đẹp. Kiếp hiện sinh của nó có màu xanh cô ban, tuyền xanh từ đầu tới đuôi. Nó bơi ve vẩy trong bể một cách chậm rãi, như một hoàng tử giữa đám dân chúng loi choi và mấy con cá vàng lừ đừ giống mấy con bò ngốc ngếch không đáng quan tâm. Gọi là kiếp hiện sinh, vì chết mấy con rồi, con này là con hiện sinh. Cá chọi chính ra dễ chết ở môi trường rộng và tự do, cứ bỏ đói trong cái lọ thì lại sống dai. Cá chọi đực sinh ra để đánh nhau nên không thể nuôi hai ba con được, chúng sẽ đánh nhau đến chết, hoặc một con thất bại khổ sở chạy trốn cả ngày, rất khổ. Nên thôi nuôi một con thôi, và thả một chị chọi cái vào đấy bơi lơ lửng cho hoàng tử thỉnh thoảng bơi lại xòe bộ vây cánh tuyệt đẹp của mình ra tán tỉnh. Nói chung làm con cá chọi trong bể của tôi rất sướng, và tôi sẽ hạn chế thay nước để nó không bị chết nữa. Chết mấy lần rồi kể cũng vất vả.

Mà giờ nuôi cá cũng dễ, ngoài chuyện thức ăn tốt thì còn có thiết bị sưởi. Từ hồi tôi mua cái thanh sưởi nhiệt cho bể cá ngoài trời, mùa đông lúc nào nhiệt độ cũng vẫn giữ ở mức 18-19 độ, không bị xuống thấp khiến cá phơi mẹ bụng lên. Kiếp trước nữa của con cá chọi này, mùa đông nó lạnh quá (mà tôi cũng chả biết nó có lạnh quá không, chỉ thấy nó lờ đờ nằm im) và một số con cá khác chết vì lạnh, tôi bèn mang đèn ra cho chúng sưởi. Kết quả là con cá chọi thì chết còn mấy con cá vàng bị lở hết đầu. Chúng thấy đèn ấm, cứ quây vào đó, đến khi bỏng đầu. Thật ngu như cá.

Nói chung đến cá cũng cần tiện nghi. Nên con người không thể nào quay trở về tự nhiên được đâu, cứ phải tiện nghi mà thôi đồng thời hô hào nhau bảo vệ môi trường. Cho nên căn nhà của tôi trên núi, giờ đây đã có xí bệt, đèn sưởi nhà tắm, nước nóng, vừa rồi lại có thêm cả máy giặt. Con dâu anh Chư xuống Hà Nội workshop đồ chàm một tháng, ở nhà tôi, tự nhiên không còn muốn giặt tay nữa. Ở trên núi mùa đông giặt tay thì đúng là vất vả thật. Thế là cái máy giặt cũ được upload lên đó, còn nhà tôi thì có máy giặt mới xịn hơn tiện nghi hơn.

Bây giờ công việc tôi tự do, tôi sẽ có điều kiện để lên và chăm sóc ngôi nhà ấy hơn. Chẳng mấy nó sẽ thành một chỗ tiện nghi, dẫu là vẫn khói lửa nghi ngút.

***

Mấy bữa trước bạn Chi thân yêu hỏi, nhà Đức ở Sapa Tết này có rảnh không nhà tới với hai nhà nữa lên ở, tôi từ chối ngay. Thôi không ở được đâu. Dù nhà tôi đã tiện nghi hơn nhiều rồi nhưng quả thật nó không phải là chỗ cho các bạn. Các bạn vẫn là những đứa trẻ thành phố. Cảnh đẹp với các bạn là cảnh được nhìn thấy từ một góc view tiện nghi chill chill. Có gì hơi vất vả thì các bạn sẽ gọi là trải nghiệm. Các bạn đâu giống như tớ, có thể làm việc cả đêm bên bếp lửa, sáng ra nhìn cái bàn làm việc của mình phủ trắng tàn tro, như một cảnh tượng hậu tận thế trong phim. Đêm đông trời mưa rời bếp lửa đi toa lét mà mở cửa ra thấy toa lét quá xa, đi 7m ra đó thì lạnh sun mẹ nó mất, bèn đứng ngay dưới gốc đào. Gốc đào mới ngày nào còn thanh mảnh, giờ đã là một gốc đào bự mốc meo trông rất mạnh mẽ và phấn khởi. Mà thế quái nào năm nay đào trổ bông sớm thế nhỉ, không hiểu tết nó có ra hoa không.

Hè này tôi sẽ lên đấy ở nhiều hơn, bõ cho nhiều năm qua nhiều lúc rất cay vì nhà mình đẹp thế, mà toàn để cho mấy thằng tây lông ba ngơ lên ở. Tôi sẽ bảo anh Chư làm lại cho cái cối giã gạo, và tôi sẽ làm hệ thống dẫn nước vào cối. Làm sao để mỗi khi tôi thích xem cối hoạt động, thì mình vặn phát, không thích thì lại tắt đi. Có thể tôi sẽ để trên đó một con xe máy, để khi cần thì tôi sẽ lượn quanh bán kính trăm cây. Đi xe máy trên núi rất sướng, nhưng mà chỉ ở trên núi thôi.

Nói chung giờ thành ra có điều kiện, tôi toàn hình dung ra những ngày thư thả vắng vẻ như vậy. Gần đây tôi rất hay nghĩ đến cuộc sống của mình vào năm 90 tuổi. Cứ như thể nó là ngày mai vậy.

***

Đặc tính của thời gian là nó trôi qua rất nhanh, nhanh không tưởng. Mới ngày nào còn tưởng tượng nếu mình là một sinh viên đại học thì cuộc sống sẽ ra sao nhỉ, thì giờ con cái mình đã sắp đến lúc đi học đại học. Thế nên cứ nghĩ luôn lúc mình 90 tuổi thì ra sao kẻo lúc ấy lại bỡ ngỡ. Thế gian lúc ấy sẽ rất vắng vẻ, ngoài đường toàn bọn cá bảy màu loi nhoi, và mấy con cá vàng bơi lừ đừ như mấy con bò. Mọi mục tiêu và mọi kết quả của đường đời đã qua đều là chuyện vớ vẩn. Quan trọng nhất là phải có quy trình công nghệ để ghi chú sao cho trong mọi thời điểm mình đều có thể tra cứu xem mình đã ăn cơm chưa. Lại cần có cơ chế cảnh báo để khỏi tè dầm. Vân vân tương đối phức tạp.

Điều tò mò là, khi ấy nếu thấy gái trẻ đẹp, kém mình cỡ hai chục ba chục tuổi, thì mình có thấy chúng hấp dẫn không, chúng cũng đã bảy mươi. Hay phải kém sáu chục tuổi. Hay tất cả chỉ là bọn cá bảy màu loi choi. Mà nếu tất cả chỉ là cá bảy màu loi nhoi, thì lúc ấy mình sẽ nghĩ về điều gì. Lúc ấy mọi triết lý hay tất cả những cái chuyện của bọn người đều là nhảm nhí cả, chỉ có nghệ thuật là còn nguyên giá trị mà thôi.

Written by Tequila

January 8, 2024 at 5:57 am

Posted in Linh tinh

Viết

with 2 comments

Tôi không ngủ cả đêm. Tôi chong đèn viết một phong thư.

Gần sáng, khi biển vẫn còn màu đen và  bầu trời vẫn còn lốm đốm những ngôi sao nhạt màu, tôi lẻn vào phòng trong, nhẹ nhàng gỡ thằng Cảnh ra khỏi tay mẹ nó, ôm nó lên. Nó vẫn say giấc, bọn trẻ ngủ say nhất lúc gần sáng, tội nghiệp, tôi choàng một tấm lụa mỏng lên mình nó, bước ra ngoài. Tên lính vẫn ngồi xổm mà ngủ ở cổng, không biết tôi đi qua.

Tôi ôm thằng bé đi trên bờ biển, về phía cầu cảng nơi con thuyền nhỏ của lão cha cố đang đậu. Gần tới nơi thì có tiếng gọi ở sau. Lan tất tả chạy trên cát, đuổi theo cha con tôi. Nàng vừa chạy vừa gọi. Chúa Công! Chúa Công! Nàng gọi tôi. Anh ơi! Mình ơi! Nàng không gọi tôi là chúa công nữa. Mình ơi! Trả con cho em! Cảnh ơi, con ơi.

Tôi rảo bước lên cầu cảng. Bá Đa Lộc mặc choàng đen nghiêm chỉnh, đứng thõng tay, nhìn tôi trân trối, rồi nhìn qua vai tôi về phía người đàn bà đang chạy đến. Tôi đưa thằng bé cho lão, cùng với phong thư và túi đựng ấn kim bảo. Lão một tay nhận lấy phong thư và ấn, một thay ôm thằng bé vào ngực, ngả đầu nó lên vai. Thằng bé vẫn chưa tỉnh hẳn, cạu cọ chút rồi lại yên. Tôi thò tay tháo dây buộc, vứt lên thuyền, lấy chân đẩy thuyền trôi ra khỏi cầu cảng. Người lính tên Bổn, người lính có cái sẹo dài trên lưng, ngoái đầu nhìn tôi rồi hối hả chèo thuyền rời bến.

Tôi quay lại, chắn ở cầu cảng. Lan lao tới, tôi tóm lấy nàng, nàng dãy dụa thúc chân vào bụng tôi, đấm vào mặt tôi. Nàng gào lên “Bá Đa Lộc! Trả con cho tôi! Trả cho tôi”. Mặt nàng bê bết nước mắt. Tôi vòng tay khóa vai nàng lại, đưa chân gạt khuỵu gối nàng xuống rồi quỳ ôm lấy nàng, cả cơ thể nàng cứng ngắc trong tay tôi không giãy được nữa. Nàng vẫn gào hét. Con thuyền tan dần vào bóng tối lờ mờ của mặt biển sắp bắt đầu le lói bình minh.

Nàng đã thôi gọi con, chỉ khóc, rồi người nàng mềm dần và nàng gục đầu vào vai tôi, ướt đẫm cả vai tôi.

– Chúa công, mình ơi, nó còn nhỏ quá mà.

– Ừ, nhưng chúng ta không thể để giặc bắt được nó.

– Thì cho em đi theo với nó chứ, lấy ai chăm sóc nó. Nàng vừa nói vừa nấc nghẹn.

Tôi thủ thỉ với nàng hồi lâu. Em biết là không được mà, biển trời bao la như thế, anh cũng không biết Bá Đa Lộc sẽ làm thế nào để đi thoát. Lão chỉ có thể lo được cho một mình thằng bé thôi. Bọn cha cố làm sao dẫn theo đàn bà mà tránh được bị để ý. Rồi khi có tin lão cha cố và con mình ở đâu đó an toàn, anh sẽ gửi em và mẹ tới đó mà.

Hồi lâu nàng hơi dịu đi, tôi nửa dìu nửa bế nàng quay về. Tội nghiệp nàng. Nàng sẽ còn phải xót nhớ con nhiều năm. Tôi chưa nói cho nàng biết rằng, thằng bé sẽ phải đi một chuyến đi dài vượt qua nhiều mặt biển nhiều vương quốc nhiều bất trắc hiểm nguy.

***

Đó là đoạn kết thúc của mấy chương đầu tiên, thời kỳ mà Nguyễn Phúc Ánh thoát được khỏi cuộc bao vây của Trương Văn Đa ở đảo Cổ Long thuộc Xiêm, và trốn về Phú Quốc. Tôi biết cái cầu cảng mà rạng sáng Ánh bế con tới giao cho Bá Đa Lộc, chính là cái cầu cảng phía nam đảo giờ đây tấp nập. Tôi cũng biết suốt cả cuộc đời sau này, anh ta luôn cảm thấy có lỗi với người vợ cả. Và nỗi đau của người mẹ mất con (thực tế khi Cảnh trở về thì đã là một người trẻ tuổi chẳng có kết nối với cha mẹ), thì hai vợ chồng họ chẳng bao giờ còn được như xưa.

Tôi cũng biết người đàn lạ mặt đã đem cơm gạo đến cứu đói cho Ánh và mười mấy tàn quân, là một vợ lính góa chồng và rồi nàng phải lòng Nguyễn Văn Thành. Ánh trốn đi Xiêm La, Thành và người phụ nữ ấy cải dạng thâm nhập trở lại Gia Định, trà trộn vào một gánh hát của người Hoa, rong ruổi khắp Đàng Trong để bắt mối lại với các đầu mối người Hoa, những người sẽ tiếp tục hỗ trợ vật lực cho cuộc kháng chiến. Tôi biết khi nhỏ ở Gia Định thì Thành chơi thân với một thằng bạn người Hoa, mà ông bố của thằng đấy – chủ một gánh hát – thực tế là đầu lĩnh của một hội kín, và Thành học được võ nghệ cao cường có cái tính quân tử Tàu và chữ nghĩa nửa mùa từ cái lò đấy. Thành nấp trên mái nhà, thằng bạn nhậu say khật khưỡng về, ngồi phưỡng bụng cho hầu gái rửa chân. Thành phi thanh kiếm sượt qua đầu nó, thằng bạn không đụng đậy, dù hai con hầu gái ngã ngửa ra vì sợ. Nó tự rửa nốt chân, rồi bảo, Thành, mi xuống đây. Tau biết trên đấy có người nhưng hóa ra là mi. Hồi bé hai thằng thường chơi phi kiếm gỗ nhằm trên đỉnh đầu nhau một tấc, mẻ trán bao lần, về sau chuyển thành kiếm thật.

Thằng đó béo, lùn, sử song đao thiện nghệ, hát kịch rất hay, nhưng đã chết trong một trận chiến để Thành và người đàn bà kia thoát khỏi quan quân vây bắt. Nhiều năm sau này, khi ở lại Thăng Long làm tổng trấn toàn miền bắc, Thành dựng Khuê Văn Các là để tưởng nhớ thằng bạn thoăn thoắt song đao nhưng mở mồm là điển cố. Chỉ có những thằng tay đao tay kiếm như chúng tao, mới có thể bình định thiên hạ, và dựng văn đài cho bọn hủ nho chúng mày.

Tôi biết các chuyện đó, cứ biết thế thôi. Truyện vẫn đang phải dừng lại ở cái khúc mà Thành và người vợ lính góa chồng trôi trên biển và các kinh rạch trước khi tìm được thằng bạn béo. Họ yêu nhau như chúng ta yêu nhau bây giờ, vì hai trăm năm hay hai nghìn năm thì người ta vẫn thế, có khác chăng chỉ là vật dụng xung quanh. Nàng tên là gì quên rồi. Một ngày nàng thấy Thành lại tới cửa nhà mình trên đảo, một ngôi nhà tềnh toành chẳng có thứ gì, chồng đi lính chẳng về, mẹ chồng mất năm ngoái. Thành gọi cửa, nàng ra, nàng biết anh ta chẳng phải một tên lính tầm thường đâu, lính thường làm gì có ai đẹp trai mà ăn nói văn hoa. Các ông lại cần thêm gạo rượu à, để em xem nhà còn gì. Thành trông thì lại nghiêm nghị và cung kính quá. Thành nói với nàng, không, tôi đến để hỏi xem chị có đồng ý làm vợ tôi không. Nàng quá đỗi ngạc nhiên, mà nàng buột miệng nói có từ trước khi nàng nghĩ ra được là mình nên nói gì. Thành nói, làm vợ tôi thì khổ và nguy hiểm lắm, nếu chị có thể lại là gái góa sau ba tuần trăng, thì đi theo tôi, tôi sẽ trân trọng rất mực khi nào tôi còn sống. Nàng lại bất giác vâng. Chị thu dọn đi, mặt trời mọc sáng mai tôi đến đón.

Và thế là nàng chẳng nghĩ được gì cả dù rất muốn nghĩ nhưng ý nghĩ thì chúng cứ bay bay trên đầu nàng khi nàng đang thu dọn đồ đạc, rồi nàng mới phát hiện ra nàng chẳng có gì để thu dọn cả. Một tay nải gạo và bộ quần áo vẫn mặc trên người, nàng đi theo Thành lúc mờ sáng khi chàng ấy đến. Họ đi bằng chiếc thuyền của nàng. Nàng nấu cơm cho Thành ăn, rót rượu cho Thành, và lái thuyền. Làm vợ của Thành trên chiếc thuyền chật chội hết nửa con trăng, thì họ mới làm việc vợ chồng. Nàng sung sướng và hạnh phúc quá. Thành nói, anh đã chết được nhiều năm rồi, mà anh vẫn còn đây vì Chúa công chưa chết. Vậy mình cứ sống như những người đã chết anh ơi, hôm nay em cũng đã chết rồi.

***

Đó là những gì tôi muốn viết trong phần tiếp theo, dù phần tiếp theo ấy mấy năm nay rồi không có tiến triển gì. Nhưng tôi rất yên tâm từ khi hiểu rằng cái gì diễn ra thì cái đó đúng, kiểu nó phải thế. Từ từ rồi sẽ ngồi được mà viết ra hết. Nó chắc chắn sẽ là một cuốn hay, vì tôi thích nó.

Thật rất thèm được dành ra nửa năm, một năm, hai năm để viết cho xong. Nhưng từ khi tôi có ý định viết đén nay, cuốn sách như một cái mầm cây được kỳ vọng lớn lên thẳng thớm hoành tráng, song đã tự diễn biến thành một bụi rậm. Thật hay khi nó đã trở thành một bụi rậm để rồi từ từ mình sẽ rẽ qua từng sợi dây leo.

Written by Tequila

January 5, 2024 at 5:11 am

Posted in Bịa chơi