Teq's Blog

Archive for January 2020

Giao thừa năm mới

with 4 comments

Khi người ta có một cảm xúc đẹp, người ta nên làm gì. Cảm xúc đẹp cũng giống như mặt trăng ở trên núi vào đêm trời trong, nó tuyệt đẹp, nó xa vời, nó không có thật, hoặc nó là một sự thật nằm ngoài phạm vi chạm tới. Mọi sự lý giải về nó, như môn thiên văn học diễn tả, đều không thể giải thích tại sao nó đẹp như vậy. Rồi nó trôi vào giữa những đám mây, rồi những đám mây lại thả nó ra, giữa một bầu trời mênh mông mà từ khi nó hiện ra ở góc chân trời này đến khi nó sang tới góc chân trời bên kia, biết bao nhiêu là kỷ niệm.

Hôm qua tôi có một cảm xúc đẹp và ngắn ngủi, rất rạng rỡ. Ấy là khi chúng tôi đưa bọn trẻ con đi xem pháo hoa giao thừa. Tôi chưa bao giờ thấy pháo hoa đẹp, nó chỉ là một thứ rực rỡ, để đám đông ngóc cổ lên nhìn. Trẻ con nhà tôi cũng không mê pháo hoa lắm, có thì xem thôi, song đi xem pháo hoa cũng là một điều vui vào lúc giao thừa. Năm nay ngoài hai đứa con chúng tôi thì có thêm đứa cháu gái nhỏ, con của thằng em trai. Tôi đậu xe ngay bên công viên thống nhất, cả nhà ngóc cổ nhìn trời. Gần chỗ bắn pháo quá, pháo nổ đinh tai nhức óc, xác pháo rơi rụng lả tả xung quanh mình, đứa trẻ nhỏ sợ không dám xem. Tôi lại đưa cả nhà vào xe, phóng đến hồ Thiền Quang, dừng xe lại trên đường, tiếp tục xem. Pháo hoa năm nay đốt dài tới 15 phút. Thế là trong khoảng 3 – 4 phút cuối, tôi nổ máy xe chạy, dọc từ hồ Thiền Quang lên Quang Trung, hướng bờ Hồ pháo hoa rạng rỡ. Cảm giác như trong một cảnh phim vậy, khi mình lái xe dọc phố (chỉ có mình mình chạy thôi vì các xe khác đều dừng, đường phố dân tình như bị bấm nút pause), những mái nhà hàng cây lấp lánh sáng, ở khoảng trống chân trời của con phố, pháo hoa vẫn tung từng nắm ánh sáng xanh đỏ lên không trung.

Từ góc công viên chỗ đầu đường Đại Cồ Việt, lên tới Lê Duẩn, rẽ ra Trần Nhân Tông, ngược lên Quang Trung – Trần Hưng Đạo, dưới bầu trời sáng rực pháo hoa, thoáng qua đầu tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm từ lúc thơ bé cho tới ngày hôm qua ngày hôm kia, lấp lánh lấp lánh. Hà Nội vẫn là một thành phố đẹp đẽ, nó cứ đẹp như thế bất kể yêu nó hay ghét nó, bất kể những vẻ đẹp cũ mờ phai dần nhường chỗ cho những góc phố mới mình chưa kịp thấy quen.

Trên đường trở về nhà, vợ tôi nói dừng xe ở góc phố, mua một túi muối. Thằng bé bán muối chào hỏi rất lịch sự, lại còn em chúc mừng năm mới chị, chúc chị năm mới cái lọ cái chai. Năm mới nhận lời chúc của người lạ, theo một cách dễ thương như vậy, thật phấn khởi. Đi một đoạn, vợ lại bảo vòng trở lại, mừng tuổi thêm nó một phong bao lì xì. Thằng bé ấy sẽ là một kỷ niệm giao thừa của vợ tôi, sau nhiều năm nữa, và vợ tôi cũng là một kỷ niệm giao thừa bán muối của nó, sau nhiều năm nữa.

Ngoài phố nhà nhà đốt vàng mã giao thừa. Những đám lửa nhỏ cháy bập bùng dọc phố. Ai nói cần phải giản tiện hơn, văn minh hơn, thậm chí bỏ Tết nguyên đán… nhưng tôi không bao giờ nói thế. Tết nhất thật là vất vả, lắm việc. Nhưng chính sự chộn rộn, huyên náo, mua mua bán bán, thăm hỏi biếu xén, dọn dẹp nhà cửa, cãi cọ nhau vặt vãnh vì dọn nhà đón tết, rồi bụp phát tới giao thừa, bùm bùm pháo hoa bắn, trôi cái vèo sang năm mới, như trẻ con leo lên tới đỉnh cầu trượt thì trượt vèo cái là hạ cánh vào năm mới, lại xênh xang áo xống đi chúc nhau những câu trăm người như một, làm cho một năm mới đến có ý nghĩa đậm đà, không chỉ là một kỳ nghỉ và đổi một cái tên âm lịch.

Một năm mới luôn đem đến những hy vọng mới, năm nay biết đâu sẽ nhiều may mắn, cứ nghĩ như vậy đi đã. Chờ đợi vận may là đã may được bảy tám phần rồi.

Written by Tequila

January 26, 2020 at 1:39 am

Posted in Linh tinh

Một chiếc xe tốt

with 2 comments

Tết đã gần đến cửa nhà. Hôm nay ngoan ngoãn từ sáng, ngủ dậy đưa vợ đi ăn sáng, đi chợ mua đồ, treo vào xe máy ba bốn túi quà, rồi đến thăm những người lớn họ hàng bên vợ bên mình. Hôm qua nhắn cho vợ một cái tin, mà tôi nghĩ là tin nhắn tình cảm nhất trong nhiều năm, “mai anh đèo em đi chợ tết mua đủ đồ linh tinh về treo”. Ấy là khi vợ nhắn cho một cái ảnh vài món thiệp gì đấy người ta bán để treo cành đào, tôi mới bảo để tôi chở vợ đi mua. Cũng chẳng biết vì bây giờ tôi hiểu cuộc đời hơn, hay vì tôi chấp nhận thất bại, hay vì tôi đã sẵn sàng cho những việc làm mà thành công thất bại hay người khác nghĩ gì tôi cũng không quan tâm nữa. Và thế là tôi bắt đầu thấy vui với những điều nhỏ bé, rất nhỏ bé, đến nỗi phải kể ra đây.

Con chó nhà tôi gần đây không đái bậy đầy sân nữa. Ông già tôi giờ đây đã già, ông ấy không còn hứng thú với nhiều chuyện, trong đó có chuyện cho chó đi dạo mỗi khuya. Con chó thường bị nhốt trong nhà, cả ngày, ngày này qua ngày khác, và khoảng sân lúc nào cũng nồng nặc mùi nước đái chó. Gần đây tôi đã làm được một việc nhỏ bé, là cho chó đi dạo mỗi ngày. “Chơi” là một từ nó hiểu, khi tôi sẽ cho nó ra ngoài, đôi mắt nó long lanh. Tôi nuôi chó từ bé, tôi hiểu một con chó, nhất là một con chó đực, cần phải được đi ngửi các loại mùi, cần phải được tè vào chỗ nào nó cho là cần thiết, và thế là nó sẽ có một vị trí trong xã hội của nó, một điều gì đấy làm nó thấy nó an toàn, đang sống, và sống có ý nghĩa. Con chó của tôi hiện giờ được đi dạo mỗi ngày, được tè vào những chỗ nó thích, và thế là nó trở nên khá an yên, an yên như chó. Có hôm tôi uống rượu về say quá, tôi ôm nó, trêu nó, và nói những chuyện mà tôi chỉ nói với chó, những thằng nào nuôi chó từ nhỏ thì đều biết cái kiểu nói chuyện này “ê, mày là đồ chó, biết đéo gì, dẩu mẹ cái mũi mày ra đây tao bóp vỡ mũi, đồ chó ăn cứt, à mà mày đã biết ăn cứt chưa, chó mà không biết ăn cứt thì nói làm đéo gì…” Thế rồi do say quá, mà đêm đông thì con chó rất ấm, tôi ôm chó ngủ một giấc tới sáng ở ngoài sân.

Hà Nội hóa ra bé hơn tôi nghĩ, chạy xe máy vèo cái từ đầu này tới đầu kia, tết nhất không tắc đường. Cả năm nếu tôi có đi đâu ra khỏi nhà, là đi hàng trăm cây, còn thì chỉ có 2km từ nhà đến văn phòng rồi lại về. Có rất nhiều ngôi nhà mới xây và những hàng cây góc phố tôi chưa quen. Nhưng tới nhà cậu tôi, thì có một ông già tóc bạc ở đầu ngõ, tôi nghĩ tôi biết ông ta, tôi biết ông ta từ khi tôi mới ba tuổi. Lúc ấy cậu tôi còn chưa lấy vợ, còn ở nhà ông bà ngoại, ông ấy là hàng xóm. Ông chống một cái gậy, gương mặt đờ đẫn, chỉ tập trung cho việc chống gậy và đi, có lẽ là việc duy nhất ông ta – một người nổi tiếng trong giới của ông ấy – bây giờ cần làm. Ông ta mặc một cái quần ngủ có cái đũng lùng thùng, như thể ông ta đóng bỉm bên trong. Ngày xưa ông ấy (hoặc không phải ông ấy mà là người tôi còn nhớ trong ký ức) thường cực kỳ lịch xoạc với mũ nồi mũ vành và quần áo chỉn chu. Bất giác tôi nghĩ, khi nào tôi đến tuổi ông ta, tôi sẽ sẽ không bao giờ mặc một cái quần ngủ có đóng bỉm bên trong như thế ra đường. Có thể tôi sẽ kiếm được một góc nào đó để tôi có thể cởi truồng mà không phiền tới ai.

Chúng tôi đến nhà người bác của vợ. Năm xưa khi chưa lấy vợ, tôi đã từng say quá ngủ luôn ở nhà ông ấy. Hồi ấy vợ có lẽ khá thấy phiền lòng. Nhà bác ở tầng hai. Tầng một là một nhà cho gửi xe máy. Cái ông anh nhận trông xe ấy chả khác gì xưa, ngoại trừ tóc đã bạc trắng. Tại sao người ta có thể trông xe trong một góc chung cư cũ hàng mười mấy năm và hơn thế, cả đời người ta. Hỏi tức là trả lời. Tại sao người ta có thể sống từng ấy năm. Bác tôi, tức bác cả của vợ, từ xưa vẫn mực thước và giờ vẫn mực thước. Và nhà bác bao giờ cũng xấu, buồn, đến cây quất cành đào cũng chưa bao giờ có cái gì đẹp, đến chai rượu ấm trà mời khách tết cũng chưa bao giờ có gì ngon. Dưới sân nhà bác, cả các hàng xóm chung quanh, cũng thế, đều có vẻ gì tù đọng, ngoại trừ việc cái sân ngày xưa rộng rãi như vậy còn ngày nay thì chật cứng những chiếc ô tô xấu.

Ô tô, đắt rẻ mặc dầu, nó như con ngựa, mà người yêu ngựa chỉ liếc qua là biết con ngựa ấy có hạnh phúc hay không. Ngày xưa cậu tôi có một con Vitara, cậu mua mới nó, và đi nó đến nỗi cái cửa của nó gần như không thể đóng kín được, nhưng nó là một con ngựa hạnh phúc vì nó đã chạy quá nhiều đường đất. Hay như con Pajero của chú tôi. Con xe mà tôi đã đưa các bạn đi Hà Giang an toàn lành mạnh khỏe re đường núi hay đường bằng cũng như nhau, ngoại trừ việc khi đạp côn xong thì mình phải thò mũi giày móc cái côn ra. Con xe đó cũng là một con ngựa già hạnh phúc, vì nó đã đi hết đường đất ở cái đất nước này. Cũng như con xe Ford Laser của ông già tôi, con xe long lanh khi ông già mua nó và đúng ba tuần sau thì ông già đã cho nó lộn chổng ngược và từ đó trở đi nó không bao giờ còn ngon như ngày đầu. Nhưng không sao, con xe đó đã đi với tôi bao đường đất, trong nam ngoài bắc, dù đôi khi mũi nó bốc khói, và đôi khi cái mã của nó khiến người bán xăng phải lấy làm ngán ngẩm. Từ khi tôi phải bán con bán tải trâu bò của tôi đi, thì tôi chỉ đi nó, đi miết đến nỗi từ ghẻ lạnh chuyển sang yêu thương, nó là con ngựa mà các con tôi lớn lên trên yên. Tôi nghĩ ở Hà Nội này không có nhiều con ngựa già được yêu thương như con Pajero của chú tôi (nay đã chuyển cho bà cô) và con Ford Laser của ông già. Mỗi con trị giá không quá 150 củ nhưng đều có một cái chuồng riêng trong thành phố.

Tóm lại lan man chuyện xe cộ nhưng hôm nay cũng như tết năm ngoái, tôi đưa vợ đi thăm biếu xén họ hàng, những việc khi xưa tôi không bao giờ làm. Tôi ghét những chuyện đó. Bây giờ, có thể do vợ giáo dục, có thể do tôi đã trưởng thành keke, tôi thấy có ý nghĩa phết. Ông bác vợ đã già, mỗi năm tôi chỉ gặp ông ta đôi lần dịp lễ tết, cũng không gần gũi gì đâu nhưng cũng là họ hàng, và ông ấy là biểu tượng lưu giữ nhiều ký ức thơ bé của vợ tôi. Ông ấy có thể ra đi bất cứ năm nào, năm nào Tết cũng có thể là năm cuối. Cậu tôi cũng đâu có yêu thương gì tôi. Cũng như tôi, cậu tôi mỗi năm đều chỉ nhớ đến tôi một lần duy nhất khi Tết đến nhà bà ngoại ăn Mùng Một, nhưng cậu đã từng yêu tôi và người yêu của cậu cũng đã từng yêu tôi khi tôi năm tuổi ngồi trên xe Vespa của chàng và nàng dạo phố Hà Nội. Hai người đó sau này không lấy nhau, cho nên hình ảnh đẹp ấy vẫn còn mãi, khi chàng phong độ trẻ trung và nàng thì mặc một cái váy dài và sau đó tình yêu ra đi chàng giờ đã thành một ông già còn nàng thì chắc hẳn chỉ còn có tôi nhớ nàng đã đẹp thế nào.

Cô tôi, cô họ, tên Mai giống tên vợ tôi. Ngày xưa khi cô đẻ đứa thứ nhất, cô bị hậu sản và bị điên. Cô đầu trọc lóc, khóc cười như điên, mà điên thật. Xong cô tỉnh và không điên nữa, nhưng cũng chẳng bao giờ còn tỉnh như khi xưa chưa chồng cô đẹp quá thể đẹp. Ngày bé tôi ngỡ cô yêu tôi, vì lúc nào gặp cô cũng ôm tôi xoa đầu tôi và khen tôi đẹp trai giống bố, nét mày đẹp hơn bố nhưng mắt bố mày sâu hơn. Nay cô đã trải một đời và ngoài tôi ra chắc không còn ai nhớ ngày trẻ cô đã xinh đẹp thế nào. Cô dẫn người đàn ông bây giờ của cô tới nhà tôi để thắp hương ông bà tôi và ông bà nhà cô. Ông chú 60 tuổi bồ của cô bất giác, ông cháu đẹp giai, cô liền miệng, cháu cô Mai thì đẹp giai chứ. Cô chỉ là con nuôi trong nhà, không phải con đẻ, ông bà trẻ tôi không có con, từ nhỏ cô đã lạc loài. Và cô vẫn lạc loài trong già đình đến giờ. Nhưng Tết nhất cô vẫn đến. Dù ông bà đã mất cả, các anh em thì không ruột già và chẳng ai yêu cô cả, thằng cháu thì cũng chả biết nói gì hơn ngoài sự tôn trọng. Nhưng sau biết bao điều ghẻ lạnh mà người ta dành cho cô, và cô dành cho mọi người, cô vẫn đến lúc Tết nhất để thắp hương cho ông bà.

Cô ruột tôi rớt nước mắt, vì một lý do nào đấy, vì tôi, vì em tôi, vì bố tôi, vì cô út tôi, mặc dầu. Cô hai tôi, cô kề bên bố tôi, có gương mặt của một người đàn ông, luôn luôn cứng cỏi và lạnh lùng, mãi mấy năm gần đây để ý tôi mới biết cô tôi mau nước mắt. Suy nghĩ của cô có thể khác tôi, cô có lẽ cũng không yêu bố tôi, không yêu tôi, nhưng nếu kể tên những người quan tâm đến tôi thì cô ấy luôn có tên. Tôi thường từ chối những lời hỏi thăm của cô. Nhưng nhiều khi nghĩ lại, một người khó tính và nhiều suy nghĩ nhiều soi xét như cô, mà năm xưa đưa thằng con trai duy nhất đến nhà tôi ở cùng bọn tôi mấy năm, tình cảm nói vậy chứ không thể là nhẹ được.

Cô hai mới là người luôn gọi điện cho tôi để hỏi thăm bố tôi, hỏi xem bố tôi và chú tôi chiến nhau thế nào, hỏi xem bố mày có khỏe không, báo tin cô út ngày mai ra tòa đấy, đến với cô ấy. Tôi đến tòa, ngồi đằng sau nhìn cô út tôi đối đáp với quan tòa. Cô út tôi một đời sai lầm, nhưng hảo hán thiên hạ ít người được như cô ấy. Trước tòa đại án, những người đàn ông đàn ang oai phong sống trên thiên hạ cả một đời mà ra tòa như con giun con dế, còn bà cô tôi – một con mụ đi lên từ bán trứng ngoài chợ – thì dõng dạc can trường. Cô ấy coi tiền bạc, pháp luật và bọn đàn ông như rơm rác. Ngày trẻ cô đẹp lắm, là loại con gái mà đi đến đâu người ta phải ngóc cổ ngoái theo, mà theo như tôi thấy thì cô chẳng yêu ai. Rồi cô lấy chồng, một người chồng cô không yêu, đẻ ra hai đứa con. Ngoài hai đứa con đẻ của cô, thì cô yêu tôi, tôi biết. Tôi là cháu trưởng của cô mà. Khi cô bán trứng cháu cũng chẳng xin cô trứng, khi cô có một mả tiền và cháu nghèo như chó cháu cũng không xin cô tiền, cháu chỉ muốn cô Tết nhất đến chào bố cháu và thắp hương cho ông bà. Xưa cô út bế tôi trên tay, đi hội trại trường Bách Khoa, giai vây quanh cô đến cả trăm thằng, đàn bà quyến rũ như cô thật ít người, kể cả khi cô đã nhiều tuổi rồi và hình thể không còn thu hút người ta về tình dục. Có những người đàn bà mà uống một chén rượu thôi đủ khiến cả bàn đàn ông gục, đấy là cô út tôi.

Nhưng nếu không đến thăm cô hai tết nhất, thì cũng không có được số điện thoại của Minh. Minh là con cô út, đi Mỹ mấy năm, xong bằng, về. Cô hai bảo không có số của nó, chỉ có Facebook messenger. Tôi bảo, cô nhắn cho nó đúng thế này cho cháu, “gọi cho anh Đức, số đt….” ý là cháu lệnh cho nó phải gọi cho cháu. Đúng nửa tiếng sau nó gọi điện, và anh em gặp nhau, thắp hương cho ông bà, ông bà ngoại của nó và ông bà nội của tôi.

***

Có nhiều điều nhỏ nhặt mà tôi thích kể bây giờ.

Mỗi lần về quê thắp hương ở mộ của dòng họ, là tôi lại thủ bao thuốc lá. Chả phong tục gì đâu, mà tôi nghe vợ. Vợ bảo, anh hút thuốc, các ông các chú các cụ đều hút thuốc, sao anh không mời các cụ một điếu. Thế là tôi thấy hợp lý, tôi cắm thuốc lá chi chít. Ông nội tôi hút như trĩ, tôi cắm cho ông một điếu. Ông Cán cũng thế, ông Hộ cũng thế, các ông khác mà tôi biết cũng thế.

Chú Thảo cũng thế. Lúc nào tôi cũng châm cho chú Thảo điếu thuốc, ông chú đẹp giai cao to nhất nhà chết trẻ quá, bao giờ tôi cũng châm cho chú một điếu. Bao giờ cũng khấn, chú Thảo, cháu Đức đây, mời chú điếu thuốc, chú hoành tráng ở đâu không biết nhưng nhớ phù hộ cho các em. Chú Thảo tôi đã mất nhiều năm rồi. Mỗi lần châm mời chú điếu thuốc, tôi đều nhớ chú quá đi, ông chú cao lớn đẹp trai, khi ấy tôi mới bảy tuổi đang tắm truồng dưới bếp, chú nhảy vào, ném tôi vào bể nước, mặc quả quần đùi bộ đội màu xanh, chú là sĩ quan biên phòng. Chú bảo, khi hai chú cháu lóp ngóp trong bể nước ngày hè mà nó vốn là bể nước ăn nhưng chú quá bựa, bố cháu chỉ biết bắn tên lửa, chú mới biết bắn súng này, chú có thể bắn chết con ruồi đang đậu trên tường. Tôi rất tin điều ấy, vì đưa tôi khẩu súng tôi cũng bắn được như vậy, đàn ông trong nhà tôi là như vậy. Lởm thế thôi, chỉ hay bắt nạt nhau, nhưng rồi thì người ngoài cũng không bắt nạt được. Tuy nhiên tuyên bố bắn chết ruồi của chú là biểu tượng, mãi không quên.

Thím tôi, vợ của chú, tôi cứ gọi là cô thôi, nuôi các em gái tôi đến lớn, rồi cô ấy mới đi tìm tình riêng dối già. Hôm nọ Tết tôi về quê, nhà tôi chạp họ vào tháng Chạp, tôi là cháu trưởng nên ngồi lễ các cụ, rồi cô vào, cháu chào cô. Cô tôi chồng mất đã bao năm, nuôi các em khôn lớn, mà chẳng yêu ai khác, hay yêu mà không đành lòng. Mà đàn ông trong họ mạc nhà tôi cư xử với cô chẳng đáng gì. Tôi cũng thế. Tôi chẳng bao giờ nói với cô là, tôi rất yêu ông Thảo chồng của cô, và nhìn thấy cô đến là tôi thấy cảm động, bất kể cô chú âm dương cách trở bao năm, các em đã lớn, nhưng cái lễ nghĩa tình cảm của cô khiến thằng cháu thấy rằng cháu cần vẫn thắp hương và đốt cho chú điếu thuốc, vì chú Thảo có đúng có sai gì trong cuộc đời chú nhưng chải hiểu sao đàn bà của chú vẫn nhớ đến chú dù chú chết lâu quá rồi.

****

Rồi thì mọi người già đều ra đi. Cả những người mình yêu mình gần và cả những người mình không yêu không gần. Mỗi người là một cuốn sách. Mình có thể đọc biết bao là sách vở của những thằng cha căng chú kiết. Mình có thể thấy vui và lý luận nhiều thứ. Vì mình giỏi mà, thông minh vãi đái, có cái gì là không thể hiểu nữa đâu.

Nhưng bạn tôi, một thằng đã đi khỏi nhà từ năm 20 tuổi, và sống ở nước ngoài. Bố nó bị ung thư, nó về chăm ông già những ngày cuối. Ông già vừa qua đời, chúng tôi vừa uống một chai whisky. Niềm hụt hẫng của nó là không diễn tả nổi, dù tình yêu là khó định nghĩa, dù cuộc đời là trôi qua. Người ta nói dễ lắm, khi người ta chưa thất bại. Người ta nói dễ về tình cảm gia đình lắm, khi chưa ký đơn li hôn. Người ta yêu mẹ lắm, khi mẹ vẫn đang alo sao con đi đâu giờ này chưa về., Người ta nói dễ vì tình cảm cha con, khi bố mình chưa chết.

Tôi mong bố tôi khỏe. Không chết sớm.

Tôi thấy sợ vãi đái nếu từ mai bố tôi không còn mắng tôi. Và tôi sẽ đéo bao giờ bán cái xe, tôi không thể kiếm ra được một cái xe tốt như thế nữa.

Written by Tequila

January 24, 2020 at 3:38 am

Posted in Linh tinh