Teq's Blog

Archive for April 2013

Thức khuya đêm mưa

leave a comment »

Tôi bế thằng ku vào nằm cạnh em nó trong phòng, khép hờ cửa lại, mẹ nó cũng đã ngủ. Nhà chỉ có tôi và vợ con, không có bà giúp việc, một không khí lễ tết. Tôi mở một album flamenco nhẹ nhàng mà tôi rất thích, nghe rất nhiều vào nhữ đêm khuya.

Một tuần nhiều sự kiện.

Tôi đã định nối dài cái tuần nhiều sự kiện này bằng một chuyến đi lên Sapa, nhưng rồi lại thôi. Đứa em gái đòi vợ chồng tôi đưa đi nhưng rồi lại bận không đi được, mà vợ chồng tôi đi cùng nhau thì tốt thôi nhưng lại không muốn đi lắm, vì hầu bao đang không đủ để làm việc gì ngoài lên đó ngủ mấy ngày. Thằng bạn định rủ đi cùng để nấu rượu thì cũng lại bận không đi được. Kể ra nếu nó đi được là tôi cũng đi. Chúng tôi sẽ mua vật liệu ngon về, nhờ anh em trong bản kiếm đúng men chuẩn, nấu chừng hai chục năm chục lít, rồi đào một cái hố ở cạnh bụi tre, chôn rượu xuống đó. Tháng sau lên uống thử, nếu ok sẽ lại chôn tiếp năm chục lít, tới cuối năm là chúng tôi sẽ có một trăm lít rượu ngon. Thằng bạn là dân kinh doanh ngành vận tải biển, uống rượu quanh năm đủ các thứ hảo hạng trên đời, nó bảo, rượu là tài sản chung của nhân loại, loại rượu nào cũng ngon nếu mà nấu chuẩn đúng kiểu của nó. Tao với mày giờ ít uống cuốc lủi, bởi vì cuốc lủi giờ làm ẩu quá, không tin được, đành phải uống rượu tây đắt bỏ mẹ ra. Mà đôi khi đắt vẫn không ngon. Giờ mày có chỗ nấu được rượu, lại có chỗ chôn rượu, thì tội gì không làm. Tôi nghe vui quá, nhất định phải nấu rượu, mà phải có nó thì mới nấu. Chẳng phải quá vui sao, khi mà lên núi nấu rượu, xong rồi bỏ vào chum chôn xuống đất, chum rượu ở dưới nhưng sáng ra thì mây bay sát đất chỉ cách nó một gang tay.

Thôi để lần khác.

***

Cuối tuần trước đi Hà Giang. Mọi lần toàn đi bằng xe máy từ nhà, lần này đoàn đông nhiều thành phần nên thuê xe ô tô 24 chỗ chạy đến thành phố Hà Giang rồi mới thuê xe máy đi tiếp. Mọi lần chỉ cần đổ xăng rồi chạy, lần này lo o bế mọi việc nhức hết cả đầu.

Hà Giang năm nay đi có đôi nét buồn. Mới đó chỉ có hai năm chưa quay lại, thế mà trẻ con trên các con đèo đã biết chạy ra đường vẫy tay chào, tưởng chào là nét văn hóa mới, hóa ra chào vì xin kẹo. Dừng xe lại là chúng xúm lại “kẹo” “kẹo”, rồi tranh cướp với nhau. Trẻ con mà đâu thể trách chúng, chỉ biết buồn bọn người lớn. Đây đó cua xong một khúc, trẻ con túa ra vẫy tay chào dưới tấm biển “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, như trong một bức biếm họa.

Mà cái buồn hơn, là vì đất Hà Giang này, trẻ con chỉ có thể ra đường vẫy tay xin kẹo với những đôi mắt trong trẻo chứa đựng hình ảnh sắc nét chất lượng HD về tương lai buồn của chúng. Nó không như Sapa, Sapa còn có du lịch, còn có rừng, còn có những con trâu béo núc, còn có lợn chạy lung tung. Hà Giang chỉ thấy những con trâu gầy và vài con dê, đi suốt mấy ngày không nhìn thấy con lợn con gà con vịt nào. Chúng mày muốn kẹo thì chú cho. Sinh ra làm thằng Việt Nam thế kỷ 21, lại làm thằng Việt Nam dân tộc thiểu số, lại còn là dân tộc thiểu số ở Hà Giang toàn đá tai mèo, chúng mày không nghèo khổ hơi phí.

Nên là chuyến đi Hà Giang lần này, cảnh vẫn đẹp tê tái đến nỗi cứ vừa đi vừa tiếc sao không thể ngồi lại ngắm, mà nhìn trẻ con bên đường cứ thấy buồn thiu.

***

Party đám cưới bạn Kỳ (khác với đám cưới trong nhà hàng kiểu truyền thống dành cho các cụ đã diễn ra vào tối trước), tôi đến muộn. Đến muộn vì mấy lý do. Một là phải vượt qua chặng đường tan tầm để trở về nhà, lấy cái guitar để dự phòng cho các bạn (mà rồi như tôi đoán trước là không dùng đến vì ở đó đã có sẵn). Hai là phải đi đón một anh bạn chung mà bạn đã tha thiết mời nhưng anh sẽ ngại đến nếu không có tôi. Ba là tất cả đều chưa ăn tối và party thì không có đồ để ăn no nên chúng tôi quyết định ăn ở ngoài đường trước khi vào party.

Party của bạn diễn ra hoàn hảo theo ý mà bạn muốn. Cũng vui vẻ kiểu tây, cũng đầm ấm kiểu Việt, và cũng có những trò lố bịch kiểu anh em. Bạn vui mà cô dâu của bạn cũng vui. Chúng tôi cũng vui. Tôi nghĩ nếu bạn muốn một đám cưới khác với mọi người thì bạn đã làm được. Còn với tôi thì một buổi party là một buổi party dù là một party bạn cưới vợ. Tôi thì không hợp với những bữa tiệc như vậy dù nếu cần thì tôi cũng phấn khích được như thường. Tôi kéo những bạn bè chung riêng của tôi và Kỳ (chung riêng có nghĩa họ là bạn của tôi và Kỳ nhưng lại không quen đám còn lại) vào một góc bên lề và ngồi đó cho tới tận khuya.

Trước đám cưới, trong giờ làm việc, tôi ngồi đọc blog bạn Kỳ những entry rất cũ. Tình bạn và cả sự trình diễn về tình bạn của chúng tôi thật là vãi đái, có rất nhiều màu sắc và sự kiện. Đến độ, tới giờ này, nếu ai có thể làm nó nổi đóa lên chỉ bằng một câu nói thì đó chính là tôi. Ngược lại thì tôi sẽ không nổi đóa, nhưng tôi sẽ bị mất cân đối và ngồi đặt câu hỏi cho hết tất cả những khía cạnh của bản thân mình. Nổi đóa và đặt câu hỏi xong thì đâu lại vào đấy. Chúng tôi chơi với nhau không bằng những gì thường nhật, hàng ngày mày làm gì lấy vợ đẻ con ra sao hay làm ăn thế nào yêu đương thế nào thực không quan trọng. Quan trọng là sau khi làm những điều đó rồi, ngồi với nhau, làm cốc bia hoặc chén rượu, bắt đầu mổ xẻ. Như kiểu sau khi đi diễn một hồi các vai trò của cuộc sống, ngồi lại với nhau thì không phải là hai thằng đang diễn ấy nữa mà là hai thằng phê bình nghệ thuật. Hồi trẻ hơn, sự kiện nó còn ít và cụ thể, chúng tôi phân tích rất kỹ và đều đi đến những kết luận rất đáng nhớ mà hôm sau quên luôn. Gần đây, cuộc sống riêng khác nhau quá nhiều, dẫn đến việc sự mổ xẻ không còn là mổ xẻ từng việc, mà là mổ xẻ cái tâm thức nằm trên các việc ấy, và thường thì hoặc rất thông cảm nhau hoặc là rất ghét nhau. Cuối cùng lời khen tặng cũng là lời thân ái thật lòng nhất vẫn là “mày là thằng rất phò”. Từ “phò” ở đây vẫn là nguyên nghĩa, nằm trong cụm từ “con phò”, một từ tệ hơn là con đĩ hay con cave, nó có tính miệt thị cực cao. Vì nó là từ miệt thị, nên nó đối lập với sự cao quý, sự tử tế, là những thứ mà chúng tôi không thấy mình có nổi. Vậy nên gọi nhau là “phò” thì chúng tôi sung sướng, hây, mình chưa nghĩ mình là người tốt, là người tử tế, và bạn mình cũng đánh giá thế, thật mừng bỏ mẹ. Và thằng bạn mà chúng tôi rất mực nể phục vì cái đầu óc vãi đái của nó, chúng tôi thống nhất gọi nó là thằng Hiệp phò, bởi vì nó quá phò. Thằng bạn khác mà chúng tôi luôn dành sự kính nể cho nó, thì chúng tôi hỏi nhau “dạo này thằng Báu thế nào”, “vẫn phò như thế”, thế là yên tâm. Sau nhiều năm sống, lao động, yêu đương, uống rượu hát hò và bê tha bệ rạc, chúng tôi vẫn là những kẻ ngu ngơ bên lề xã hội này, vẫn không hiểu thế nào là thế nào cả, vẫn phò, thế là chúng tôi yên tâm.

***

Đôi khi tôi cũng bị hấp dẫn bởi một thứ lý luận rẻ rách, chỉ để nói cho bọn trẻ con, rằng hiện tại mới là đáng giá, quá khứ là cái đã qua đáng vứt vào sọt rác còn tương lai thì không thể nào biết trước. Lý luận đó cũng đúng mà cũng hay, để những đứa trẻ quên đi những ưu phiền thất bị để tập trung vào hôm nay lao động đi mà chờ đón ngày mai. Nhưng đừng nói lý luận đó với những ông bà già cơ thể nhăn nheo lập cập đi du lịch chờ ngày đóng hộp.

Cũng đừng nói như thế với chúng tôi, những thằng tuy vẫn còn trẻ nhưng tuổi trẻ thực sự điên khùng đã ở lại sau lưng. Tôi không quên nổi những ngày quá khứ, những nỗi buồn và những niềm vui có giá trị ngang nhau, niềm vui đôi khi ngắn chẳng tày gang mà nỗi buồn thì giá trị mãi tới sau này. Mỗi ngày của tôi làm không phải đáng trân trọng vì là hiện tại mà vì ngày mai thôi nó đã là quá khứ. Nhiều năm trước chúng tôi thực hiện mỗi ngày của mình với hy vọng vào tương lai đẹp đẽ. Ngày nay, dường như chúng tôi thực hiện mỗi ngày của mình để có một quá khứ đẹp đẽ. Tài sản của chúng tôi là quá khứ. Người ta có thể phá hoại và tước đoạt tương lai của một người, chứ không thể phá hoại quá khứ của anh ta.

Có một thằng gọi là Sisyphus. Không hiểu nó bị tội gì đấy mà các thần đày nó bằng cách bắt nó lăn một tảng đá lên đỉnh núi, giao hẹn hễ lăn lên tới đỉnh sẽ được giải thoát. Sisyphus hì hục lăn đá, ngày lại ngày tới hàng trăm năm, cứ lên gần tới nơi thì vì lý do nào đó tảng đá lại chệch ra và lăn xuống vực. Sisyphus lại bò xuống và lại lăn tảng đá lên với nỗi hy vọng rằng sẽ lăn được tới nơi, nhưng không bao giờ được cả, hàng trăm năm như thế. Ngày kia, Sisyphus nghĩ ra cách chiến thắng các vị thần, bằng cách yêu cái công việc lăn đá. Hắn lăn đá một cách si mê đầy sung sướng. Thậm chí khi lăn gần tới đỉnh hắn lại sợ là hòn đá không rơi xuống. Và thế là hắn chiến thắng các vị thần.

Chúng tôi là những thằng Sisyphus. Việc của chúng tôi là lăn đá thế thôi.

Written by Tequila

April 29, 2013 at 3:02 am

Posted in Linh tinh

Lưng đèo sẽ mưa hay sẽ nắng

with 6 comments

Ngày mai tôi sẽ đi Hà Giang, bây giờ thì đã hít thở bằng không khí của nó rồi. Ôi mẹ kiếp, đừng nói là hồi hộp đến không ngủ được nhé.

***

Hà Giang 2008 là chuyến phượt đầu tiên của tôi. (Tôi ghét cái từ “phượt” nhưng rồi cũng phải dùng vì nó phổ biến quá rồi và cũng không có từ khác thay thế). Trước đó tôi cũng đi lanh quanh lanh quanh nhưng mà đó là lần đầu tiên nhảy lên một cái xe máy và đi đường dài. Khi ấy vợ bảo, anh phải chuẩn bị cho kỹ càng và đi cẩn thận, bọn nó (tức mấy thằng bạn vợ) đi suốt rồi anh cố gắng mà theo. Tôi bực và tự ái tới tận gót chân nhưng cũng phải im lặng.

Chuyến đó, trong tiết trời mưa gió lạnh giá kỷ lục của mùa đông 2008, chúng tôi phi vào cung đường Du Già – Mậu Duệ. Đường bùn lầy nhão nhoét cả gang tay, xấu thôi rồi. Chúng tôi cưỡi những con xe wave mất hai ngày để vượt qua chặng đường 80km. Vượt qua chặng đó, bọn nó (tức mấy thằng bạn vợ) xòe mỗi thằng không dưới mười phát , người ngợm bẩn thỉu mặt mũi ngẫn ngờ. Chặng đường xấu kinh tởm đã qua, tôi bảo vợ “em thấy không, bọn nó xòe liên tục mà anh chưa xòe phát nào, anh biết đi xe máy đấy”, nói dứt lời thì xòe phát đầu tiên ngay trên đoạn đường đẹp, mà xòe đường đẹp thì đau hơn xòe đường bùn. Dựng xe dậy, xin lỗi vợ, phát hiện thấy hai tay mình run run vì quá sức ở nẻo đường bùn đất, rồi đi. Nửa cây số sau lại xòe, phải ngồi nghỉ một hồi mới dám đi tiếp. Thế nhưng từ đó vợ không vác bọn nó ra để làm gương cho mình nữa.

Sau chuyến đi Hà Giang năm ấy và một vài chuyến sau, tôi đã xây dựng được thương hiệu của một tay lái cứng và trâu chó.  Tôi dám vỗ ngực tự bảo là bọn phượt hay chém gió trên các loại diễn đàn, nếu gặp tôi đa phần mất điện. Tất nhiên không dám so sánh với các bác “phượt thủ” chuyên nghiệp lâu năm, bởi vì các bác nhiều thời gian được đi nhiều quá. Em chỉ biết là em xe nào cũng chạy được, côn số ngon phò như nhau, đường xấu đường đẹp không thành vấn đề, chạy ngày hay chạy đêm cân hết, đủ sức chạy từ sáng đến khuya liên tục vài ngày trong mọi thời tiết. Và chạy cẩn trọng tập trung không đú. Thế là ngon mẹ nó rồi.

***

Lần thứ hai đi Hà Giang, tiết trời nắng ráo tuyệt đẹp. Tôi trót quảng cáo với mấy thằng em là chặng Du Già – Mậu Duệ khó đi, hấp dẫn lắm. Nào ngờ ngày nắng trời khô, đi đường ấy chẳng khác nào đi đường Bà Triệu, vèo cái đã qua, chẳng bù cho lần trước khốn khổ phải dựng lều ngủ đêm giữa đường. Quảng cáo có cái di tích thành cổ, ngon lắm, khi cùng mấy thằng em đến lại chỗ ấy, thì đã thấy một nếp nhà cấp bốn dựng sát vào tường thành, dây phơi chăng qua đường, đồ chị em treo tá lả, chán kinh.

Lần này đi sẽ chẳng thèm qua cái đường Du Già – Mậu Duệ ấy nữa, cứ đi quốc lộ dạo mát thôi. Cũng phải tranh thủ đi, kẻo anh chị em quan chức Hà Giang bắt đầu vẽ ra quy hoạch du lịch Hà Giang tầm nhìn 2030 rồi. Hễ các anh chị ấy phóng tầm nhìn tới đâu là chúng ta nên tự biết đi chỗ khác chơi. Hôm trước đọc báo thấy các anh chị bảo sẽ xây Casino trên cao nguyên đá Đồng Văn, xong thấy không ổn lắm các anh chị bảo sẽ làm công viên có cầu trượt đu quay. Mà chỗ nào đẹp nhất chỗ ấy lắp đu quay là chuẩn. Tầm nhìn của các anh chị, loại như em chỉ biết khâm phục mà thôi. Rồi đây các anh chị, với tầm nhìn vãi đái của mình, chắc sẽ xây dựng thế nào đó để mặc cái áo con cho núi đôi Quản Bạ, chứ để thiên nhiên như này e rằng sexy quá không hợp thuần phong mỹ tục.

Có chút liên quan là năm ngoái em được đọc là các anh chị ở Lào Cai đã phóng quả tầm mắt 203o lên khắp địa bàn, và định làm quả cáp treo lên đỉnh Fansipan. Quá chuẩn! Nóc nhà Đông Dương là của mọi người, không phải của bọn trẻ trâu cậy sức trèo lên, phải làm cáp treo để ông già bà cả cũng lên được sau 30 phút. Sau đó cái đỉnh Fans hiện trạng thật là vớ vẩn chả có gì, các anh chị sẽ cho làm cái miếu, thờ Mẫu Thượng Ngàn chẳng hạn, thắp hương nghi ngút. Dưới chân dốc sát đỉnh Fans, chỗ ấy bằng phẳng, có thể làm quán bia nhậu thịt rừng cho anh em.

Tầm mắt các anh chị phóng tới đâu, bọn em run bắn tới đấy.

***

Bốc phét thế thôi, đi ngủ mai còn đi.

Tôi cứ băn khoăn một cái thế này. Nửa thì muốn núi nguyên là núi, người bản địa nguyên là người bản địa, với những nếp nhà sàn, nhà tường trình, nhà H’mong, bếp lửa khói bay, con người thuần hậu, tay dao tay nỏ, đi Minsk cho đúng chất chứ đừng đi Win tàu. Nửa lại nghĩ chả lẽ mình cứ muốn họ nghèo vậy, khổ vậy, để mình đến chụp dăm ba tấm ảnh, nói dăm ba câu chuyện thăm hỏi rởm đời, rồi về post facebook mở smartphone bốc phét với bạn bè về sự trải nghiệm, cảm thấy mình như ở cõi trên so với đồng bào rừng núi.

Tôi yêu những bếp lửa những chén rượu nồng những miếng thịt trâu gác bếp những chị phụ nữ cười mềm mại đun nước cho chúng tôi nấu mì ăn tạm giữa đường. Nhưng tôi chỉ đi chơi ba năm ngày, rồi lại về ăn cơm vợ nấu sạch sẽ trên bếp ga, uống bia với đá trong tủ lạnh, con cái tôi chăn ấm nệm êm, đi học bị cô giáo mắng một cái đã điên tiết muốn đến đập bàn hiệu trưởng, tiền bia uống một năm đủ vận hành cả một gia đình ba thế hệ trên núi. Ở đây có một sự ác độc, rởm rít, bốc mùi, đáng phải lấy làm xấu hổ.

Đã lâu rồi tôi từ chối ngắm nhìn những bức ảnh chụp những ông bà già nhăn nheo trên núi, những đứa trẻ mắt to tròn đẹp đẽ vãi cả đái mà chứa đựng cả một tương lai nghèo khổ thất học ngập trong rượu hoặc bạo lực gia đình. Tôi cũng từ chối đọc những chương trình từ thiện, tham gia thì đương nhiên không.

Đó là cái mà anh Chư đêm uống rượu trên lưng chừng Fans, bên đống lửa, cứ nói mãi với tôi, mà dịch ra tiếng Việt trôi chảy thì là “Anh cần đéo chú giúp anh tiền bạc, anh chỉ cần chú uống rượu với anh cho vui, và dạy anh cách tính toán”. Đêm đó anh chốt là sẽ bán đất cho tôi, trả góp. Sau, tôi trả được một phần thì anh sợ hãi bảo là từ từ đã, bao nhiêu tiền cô chú đưa anh tiêu hết mẹ, nhanh quá, chú tính lại thế nào giúp anh đi. Thôi thì đời còn dài, rượu còn uống nhiều, em cũng ngu biết đéo gì mấy, từ từ anh em tính.

Chỉ mong gì các anh chị lãnh đạo bé bé ở huyện ở xã, mỗi người mỗi ngày dành ra 30 phút để nghĩ và làm cho người dân, 7 giờ 30 phút còn lại để đấu đá quyền lợi và ngáp ruồi, sự thể hẳn sẽ khác đi một cách không tưởng tượng nổi. Mong ước đó có vẻ là lãng mạn hơn cả thằng Romeo con Juliet.

Chuyến đi ngày mai của tôi lên Hà Giang lại sẽ là một niềm vui phấn khích trước cảnh đẹp và những cảm xúc rởm rít, mà tôi có thể bôi đầy vài trang màn hình, nhưng tôi đã thấy trước cái mùi của nó rồi.

***

Trưa nay ăn trưa với bạn Kỳ, nói những chuyện vợ chồng con cái nhân dịp bạn sắp lấy vợ, rồi bạn sẽ đẻ con. Tôi bảo rằng không gian này đã tan vỡ một cách quá thể đáng rồi. Hồi trước còn trẻ trâu tao muốn sống làm một người tử tế, và tao 18 tuổi đã định nghĩa khá rõ, nhưng giờ tao cũng đéo hiểu thế nào là một thằng tử tế. Tao có tử tế hay không tao cũng đéo biết. Và tao thấy việc dạy dỗ cho thằng con trai, đứa con gái, của tao, thành những người tử tế, là quá sức của tao.

Tôi cũng nói rằng, ở những nước IQ cao, thì bố mẹ mặc dầu thế nào, trẻ con vẫn được hưởng một nền giáo dục tử tế cho tới năm 14 – 15 tuổi. Bố mẹ có thể tin cậy giao phó cho xã hội việc đó, nền giáo dục sẽ đưa đến cho đứa trẻ những chuẩn mực cần thiết và chúng hiểu. Sau đó chúng có thể tự do lựa chọn trở thành giáo sư bác sỹ công nhân ông chủ chính trị gia anh quét rác, hay là một con cave nghiện rạc, một thằng hiếp dâm giết người hàng loạt… Còn ở nơi này của chúng ta? Tôi nhìn các con tôi với những đôi mắt to tròn diễm lệ long lanh vãi cứt, tôi xót thương chúng mà không thể tin ai từ ông bà cho tới cô giáo và những người chúng gặp ngoài đường, chỉ có thể là tôi và vợ tôi gắng dậy chúng, trên một nền tảng là tôi thì dốt nát và quan trọng nhất là tôi đéo biết mình có tử tế hay không. Tôi thật sự đéo biết các ông ạ, và tôi nhiều lúc không dám mắng các con mình khi chúng hư.

Đề tài này hardcore quá chắc dành tiếp cho lúc khác.

***

Giờ đi ngủ để chiều mai sức khỏe tốt đi Hà Giang.

Written by Tequila

April 18, 2013 at 1:58 am

Posted in Linh tinh

Sinh nhật 34 tuổi

with 4 comments

Bây giờ là 1h và tôi có 1 tiếng nữa ngồi ở đây, để sáng mai dậy đưa con đi học, không phải lớp mẫu giáo mà là một lớp vừa học vừa chơi cho trẻ. Con trai tôi đợi cả tuần để được đến buổi học đó. Một tuần thật là dài với một đứa bé.

Cả tuần nay tôi nghe Elvis Presley, ở mọi nơi, ở văn phòng, ở nhà, trên xe… những bản tình ca của anh ấy. Đó là thứ nhạc để nghe khi người ta cần sức lực và sự bền bỉ. Những bản tình ca thì toàn là lời yêu đương, song cái giọng trầm trầm của anh ấy như giọng của một người anh lớn, một người chú. Người mà khi đứa bé trai bị bạn đánh, đánh không lại, mà không muốn nói với bố bởi bố sẽ nói những điều mà nó biết bố sẽ nói, thì đứa bé sẽ gặp người ấy. Người ấy không bảo nó phải làm sao cả. Nghe xong chuyện của nó, người ấy sẽ kể cho nó nghe một câu chuyện nào đó, không liên quan gì cả, nhưng đứa bé sẽ cảm thấy dễ chịu để thoải mái gặp lại thằng bạn lớn bắt nạt nó, xử lý theo một cách mới nào đó, mà nó có thể vẫn bị tẩn như lần trước, nhưng nó đã có một sức mạnh khác. Tôi chẳng có ông anh lớn nào, cũng không có người chú nào giống như vậy. Tôi luôn tự nắm tóc lôi lên để làm vai trò đó cho mình. Đã nhiều lần tôi nghe nhạc của Elvis khi phải nắm tóc lôi lên. Hồi trẻ hơn, thì tôi cầm guitar và hát một mình những ca khúc của anh. Bây giờ thì tôi không muốn nghe giọng của mình, nên tôi nghe anh suốt cả một tuần trời. Có lẽ tôi sẽ nghe cho tới khi tôi xử lý được vấn đề của mình.

Trước sinh nhật, trong những băn khoăn và lo lắng, tôi nghịch với bạn và viết một câu chuyện hoàn toàn có thật của bạn mình, chỉ có bản thân cái câu chuyện là không có thật mà thôi. Đó là một entry vụng về, nhưng khi tôi đưa cho thằng bạn đọc, thì hai thằng chúng tôi đều thấy hay. Cái hay của nó là cả mười năm của chúng tôi và các bạn, mà câu chuyện bịa kia là lời nói đùa gợi nhớ. Và thế là đủ, tôi cứ post nó trong blog của mình, nếu chăm chỉ thì lúc nào đó sẽ vác ra luộc lại.

Sinh nhật, tôi thức dậy thì nhận được lời chúc mừng của vợ và thằng nhóc, khi cả ba vẫn còn nằm trên giường. Tôi đưa thằng nhóc đi học, rồi đi làm. Buổi trưa có làm tí với cơ quan, theo thông lệ. Chiều rồi về nhà, như một ngày bình thường, nhưng vẫn là ngày của tôi. Các bạn bè chúc mừng sinh nhật trên facebook, tôi bấm like và cảm ơn. Ngày sinh nhật, thực tình, tôi thích được ở một mình, với một chai vodka. Tôi muốn một mình uống với những năm tháng tuổi thơ, uống với cái ngày đầu tiên biết đến sinh nhật, khi mẹ mua về một miếng bánh ga-tô nhỏ xíu, gọi là mẩu bánh mời đúng, đặt trên bậu cạnh bàn ăn “hôm nay là sinh nhật của con đấy”.

Mới ngày nào mình mới ba tuổi, trường mẫu giáo có cái bể cá to ở giữa sân. Mới ngày nào nghĩ, bao giờ mới lên tới cấp ba. Rồi bao giờ thì mình mới 18 tuổi. Rồi bao giờ mình sẽ tròn 20 tuổi. Rồi tuổi 30 đến. Rồi bây giờ là 34. Thời gian quả thực là như tên bay. Bao nhiêu điều mong ước phải rơi rụng đi và thu gọn lại, bởi mình không đủ tài giỏi hay ho. Bao nhiêu điều sai quấy muốn thực hiện nhưng phải rơi rụng đi và thu gọn lại, bởi mình đã bị quy ước.

Khác với những sinh nhật cũ năm nào đó, những khi ấy tôi nghĩ về con người mà tôi muốn trở thành. Sinh nhật năm nay, số 34, số lẻ lưng chừng, nhưng đánh dấu một điều khác, đó là tôi đã là người mà tôi đã trở thành. Tôi là một người chồng và một người bố, tốt hoặc xấu còn tùy góc nhìn của người quan sát, nhưng tốt hay xấu thì tôi vẫn là một người chồng và một người bố. Đó là tôi. Tôi là một người chồng và một người bố, tốt hoặc tồi, không quan trọng, tôi là như vậy. Tôi chẳng sống vì vợ con, không cống hiến cho họ, họ là tôi, những việc chúng tôi làm cùng nhau cũng giống như tới bữa đói bụng thì ăn vậy.

Vợ tôi yêu tôi và đôi lần nàng nói rằng, sống với anh nhiều khi không an tâm, sợ như kiểu là, bất cứ lúc nào anh cũng có thể bảo là anh đi, và cứ thế đi. Bản thân tôi đôi lúc cũng không yên tâm về mình, chính tôi cũng sợ tôi đi mất. Đi theo cái gì đó mình thích, và khác với những gì mình đang sống. Nhưng sinh nhật năm 34 tuổi này, khi tôi nhìn ngày sinh nhật chậm chậm trôi từ sáng sang chiều, tôi hiểu rằng mình đã là chính mình rồi. Đó là một cảm giác khó diễn tả. Nó vừa tích cực vừa tiêu cực. Vừa buồn rất buồn mà lại êm ái hạnh phúc.

Trước sinh nhật vài ngày, vào cuối tuần, tôi đưa vợ con đi bảo tàng Không quân. Đi mãi tới sân sau thì mới nhìn thấy cái máy bay của ông nội. Nó là một cái máy bay huấn luyện thật khiêm nhường, dù nghe kể thì nhiều người đái ra quần trên cái máy bay đó khi thực hiện những bài bổ nhào đầu tiên. Khi tôi còn rất bé, bảo tàng mới thành lập, ông nội dẫn tôi đến, chỉ và bảo, đây là máy bay của ông, rất nhiều phi công đã lên trời lần đầu bằng cái máy bay này. Bây giờ tôi dẫn hai đứa bé con tôi đến, bảo, đây là máy bay của cụ. Cụ là ai? Cụ à?! “Cụ là ông nội của bố, là bố của ông nội”. Nói xong tôi chả hiểu câu của mình như thế nào nữa cả. Tôi chụp ảnh chúng khi chúng ngồi cạnh bánh xe máy bay. Về nhà Bách Khoa xem lại ảnh ông nội, ông chụp khi đứng trên cánh máy bay. Rồi tôi thắp hương cho ông. Năm tháng cứ liên tục đánh số và chúng ta gánh từng phần, đôi khi dãy số giao thoa nhau, những lúc chúng ta có nhau. Những lúc chúng ta có nhau là những lúc mà hay dở mặc dầu nhớ lại luôn thấy rưng rưng.

***

Năm tôi  17 tuổi gì đó, xem video clip Sacrifice của Elton John, tôi cứ ấn tượng cảnh ông bố khiêu vũ với đứa con gái nhỏ, anh ấy bồng đứa bé, hai chân nó bám vào eo lưng anh, anh cầm tay nó và khiêu vũ như với một cô gái. Đoạn đó chỉ có 5s nhưng là một hình ảnh ghi dấu trong thời trẻ trai của tôi. Và 17 năm sau, tôi cũng ôm đứa con gái của mình như thế, tôi cầm tay nó đúng dáng, và tôi quay nó vòng vòng theo nhịp valse từ trong phòng ngủ ra phòng khách, trong tối sinh nhật lần thứ 34 của mình. Con bé cười khanh khách, mắt nó long lanh, giống y như sau này lúc nó 17 tuổi.

Written by Tequila

April 13, 2013 at 3:03 am

Posted in Linh tinh