Teq's Blog

Archive for April 2017

Phú Quốc 2017

with 2 comments

Khi đi công tác, kiểu gì tôi cũng ở lại chơi thêm một ngày, coi như được đi du lịch miễn phí. Không còn khách khứa, đồng nghiệp, đối tác, công việc, thậm chí bạn bè cũng ít khi tôi alo hẹn gặp. Tôi dành một ngày đó cho bản thân mình. Mượn một cái xe máy, chạy lòng vòng, tiện đâu ghé uống nước ở đấy, tiện đâu ghé hàng ăn ở đấy. Thường thì ngày lang thang đó luôn để lại những dư vị, khi nhiều khi ít, nhưng luôn ngon lành.

Chiều qua tôi trả phòng khách sạn nơi đã ở mấy hôm phục vụ cho công việc. Tôi vào thị trấn tới một khách sạn khác, nơi mà dịch vụ đặt phòng trên mạng đã tự chọn cho tôi “em cứ lựa đại cho anh một cái, tương tự mức tiền như khách sạn kia là được”. Chẳng ngờ khách sạn này ngon lành hơn tôi nghĩ rất nhiều. Đó là một resort nhỏ, xinh đẹp, chắc là được xây dựng từ khi hòn đảo này bắt đầu phát triển du lịch, rồi gần đây được tu bổ lại. Những bungalow xây gạch ngói đỏ nằm sát nhau, chỉ cách một lối đi hay một ô đất bằng manh chiếu, trồng cây cỏ xanh mướt, thế nhưng không gây cảm giác chật chội tù túng. Cái bungalow của tôi, lại là cái xinh đẹp nhất, chắc vì nhỏ nhất. Nó dẹp lép như một cái bao diêm dựng đứng. Tôi rất hài lòng với chỗ ở này, vì thế sáng nay tôi không đi đâu nữa, bắc ghế ra hành lang, ngồi dưới bóng cây chuối, trước mặt là dàn dây leo, mở máy tính ra, nghe nhạc và viết một tí với đôi ba lon bia trong tủ lạnh.

***

Đã gần tròn mười năm tôi mới quay lại đảo Phú Quốc. Trong trí nhớ của tôi, hòn đảo này toàn là cây, những cỏ lau dập dềnh hai bên đường, những bụi cây lúp xúp trên cát, những vạt rừng ngập mặn, những vườn tiêu, những cánh rừng xanh ngắt trên những ngọn đồi thấp, thậm chí bãi biển cũng đầy những dây muống biển chạy lan từ bờ ra bãi cát, vừa lan ra vừa nở những bông hoa màu tím.

Lần này quay lại, Phú Quốc vẫn nhiều cây như thế nhưng người và xe còn nhiều hơn. Xe con, xe du lịch cỡ lớn, xe tải chở cát và vật liệu xây dựng chạy rầm rập. Quãng chừng giữa thị trấn Dương Đông và mũi phía Bắc, có một nơi mà tinh túy của cả đảo đổ về, nằm ngay bên đường, một núi rác to đùng mà mùi hương của nó khiến người đi qua dù đã nín thở vẫn đắng nghẹn cổ họng. Lên gần mũi Bắc là Vinpearl Land và Vinpearl Safari. Đi quá khỏi đoạn này, thì có vài cây cổ thụ rất đẹp đứng ngay cạnh đường, chắc hẳn chúng vẫn đứng đấy từ trước khi có đường. Chúng đẹp, cao quý, và ngơ ngác, như mấy cô công chúa đang trong cung cấm tự nhiên chả hiểu sao bỗng thấy mình đứng giữa chợ. Từ chỗ mấy cái cây, nhìn qua bên trái, sẽ thấy một đại công trường nơi Vincom hay một tập đoàn nào đó đang xây dựng khu nghỉ dưỡng. Cả trăm, vài trăm ngôi biệt thự đang xây nằm san sát nhau, mà từ phía xa này nhìn, tôi thấy cảnh tượng rất quen. Nghĩ thì ra, là cảnh tượng ấy tôi đã từng thấy khi mấy năm trước chạy từ Lai Châu về phía Lào Cai, cũng là hàng trăm hàng ngàn nếp nhà như thế phủ đầy một vùng đất rộng, là khu tái định cư cho người dân tộc thiểu số khi thủy điện đã dọn sạch nhà cũ của họ. Giờ nhìn khu biệt thự kiểu khu tái định cư đang xây này, tôi không hiểu nếu nó hoạt động tốt thì sẽ có bao nhiều người đổ đến đây để du lịch, và họ sẽ du lịch ở đâu. Để cho họ có chỗ mà chơi và du lịch, thì Phú Quốc sẽ cần thêm nhiều bãi biển, nhiều cánh rừng, nhiều quán nhậu, nhiều khu vui chơi. Những khu vui chơi thì người ta sẽ làm được đơn giản, nhưng còn rừng, cây, vạt san hô, và những bãi biển hoang vắng cho những anh chị chó Phú Quốc lừng danh chạy và bơi, thì lấy ở đâu ra. Mà nếu không có những thứ đó, thì cuối tuần anh em ta cứ cho trẻ con ra Time City Royal City mà chơi được rồi, chứ tốn tiền bay ra tận Phú Quốc thuê khách sạn ở làm cái khỉ gì. Nghĩ thế thôi chứ tôi không thắc mắc nhiều, những việc lớn như thế đã có lãnh đạo và doanh nghiệp lớn tư duy bằng tầm nhìn hoành tráng của họ.

Tôi dừng ở đầu mũi Bắc, nơi gọi là Gành Dầu, làm ít bia và ăn gỏi cá trích. Món gỏi rất ngon. Ráng chiều đỏ ối phủ xuống mặt biển, biến những con tàu cá trở thành những du thuyền lãng mạn mà mong gì ta được nằm trên đó gác chân uống rượu ăn mực. Những hòn đảo và mũi đất bên kia vịnh biển cũng rực đỏ lên dưới nắng. “Hồi đấy chắc ông ấy cũng xơi món mực trứng và món gỏi cá trích tuyệt luân này, mỗi tội chỉ có rượu gạo chứ không có bia Sài Gòn”. Năm 1883, mới có 21 tuổi nhưng đã kịp thất bại và dựng lại quân đội tới mấy lần, Nguyễn Ánh thua to trận ở Đồng Tuyên, tướng lĩnh chết cả, quân còn vài mống, cưỡi trâu qua sông trốn về Mỹ Tho rồi dong buồm đưa mẹ và vợ con trốn ra Phú Quốc. Trong cuộc đời chinh chiến kỳ vĩ mà thua nhiều hơn thắng của mình, Nguyễn Ánh đã mấy lần thua trận dạt về đây. Từ đây ông đã cho con trai cả của mình là Cảnh, khi ấy mới 3 tuổi đầu, theo thằng bạn tây của ông là Bá Đa Lộc, lên thuyền sang tận Paris đặt quan hệ ngoại giao và cầu viện Pháp. Hiệp ước được chính vị vua lịch sử Louis 16 ký kết. Mỗi tội Nguyễn Ánh quá đen, chưa kịp cầu viện được gì thì anh Louis 16 đã bị anh em cách mạng Pháp lật đổ và cho lên máy chém. Nhưng có lẽ nhờ những dấu ấn lịch sử như vậy, mà khi người Pháp chiếm Đông Dương, đã xác quyết Phú Quốc thuộc về quản lý hành chính của Cocchichine, sau này thuộc về VNCH, và tất nhiên giờ thuộc về CHXHCN Việt Nam. Nếu không có những sự kiện lịch sử này, giờ anh em bay ra Phú Quốc du lịch sẽ phải mang hộ chiếu đi xin Visa.

Ngược lại lịch sử thêm chút nữa, khi xưa có một anh Tàu Khựa họ Mạc tên Cửu chạy giặc Thanh mà kéo anh em tới Hà Tiên và Phú Quốc lập cơ đồ. Thoạt tiên anh Mạc Cửu theo Campuchia, xong anh bị Thái Lan đánh tơi bời mà vua Cam không cứu, anh bèn gặp chúa Nguyễn thứ sáu là Nguyễn Phúc Chu, xin làm phiên thuộc. Từ đó dưới sự hậu thuẫn của các chúa Nguyễn, con cháu họ Mạc đứng vững ở Hà Tiên, oánh nhau với Thái Lan Chân Lạp, chiếm nhiều vùng Tây Nam Bộ, cho tới khi bị nhà Tây Sơn (cũng có sự giúp sức của nhiều tướng và quân đoàn Khựa lưu vong) đánh bại. Tây Sơn thắng hay Nguyễn Ánh thắng, thì cuối cùng kiểu gì vùng đầu mút phía nam này của chữ S, vẫn thuộc về chúng ta ngày nay. Về sau nhà Tây Sơn khi chiếm được Sài Gòn Gia Định đã giết tróc hết cả cộng đồng người Hoa ở đó, đến khi Nguyễn Ánh đánh chiếm được Gia Định, họ Mạc và những người Hoa sống sót chạy trốn sang Miên đã quay về đóng góp rất nhiều tài lực giúp Ánh lập nên cơ đồ.

Cho nên dù ngày nay chúng ta ức chế và ghét Khựa thế nào, thì cũng cần hiểu rằng nếu không có những vị anh hùng Khựa lưu vong, lịch sử chúng ta đã rất khác và giờ này khéo bay đi Cần Thơ uống rượu nghe đờn ca tài tử, anh em cũng phải xin Visa.

Tôi vẫn có một câu hỏi, mà đếch dám hỏi ai bởi hễ nói ra là cả bạn bè thân cũng sẽ chửi cho, đó là câu hỏi “chúng ta thực sự ghét Khựa từ khi nào”. Có phải họ hàng nghìn năm luôn tìm cách bắt nạt chúng ta, hay chúng ta cứ nịnh họ khi họ mạnh, nhờ cậy dân lưu vong của họ khi chúng ta cần, rồi giết và đuổi họ khi chúng ta mạnh lên. Sự kiện gần nhất mới có bốn chục năm. Trong có vỏn vẹn vài trăm năm chúng ta đã chiếm cả nửa dưới của chữ S, bằng máu chứ đừng nói là văn hóa, máu của ngoại bang và máu của chính chúng ta. Còn bọn Khựa, tiên sư bọn Khựa, sau đôi nghìn năm chúng vẫn không thể làm gì ngoài di mấy cái cột mốc trên núi và dăm ba cái đảo không người ở mà thực ra cũng chả biết thế nào vì dân ta đi thuyền thúng thì giỏi chứ giong buồm ra khơi xa chắc không đủ trình với cả lười bỏ mẹ.

***

Đó là những suy nghĩ vẩn vơ chiều hôm trước, sau công việc, tôi chạy mạn Bắc đảo chơi.

Hôm qua, khi lấy phòng khách sạn mới xong, thì tôi chạy một vòng những khu dân cư sầm uất của đảo. Tôi tìm về cái resort cũ, nơi cách đây mười năm đã từng ở, có kỷ niệm đẹp của tôi. Resort ngày ngày xưa nhỏ, giá rẻ, nên tôi mới thuê, nên giờ với tốc độ phát triển ở đây thì nó càng nhỏ bé và lẻ loi hơn nhiều. Tôi không còn nhận ra căn bungalow xưa tôi ở nằm ở chỗ nào nữa. Tôi xuống bãi biển nằm lên một cái ghế và gọi lon bia, đĩa mực hấp. Kỷ niệm là chính chứ bia thì nó cho đá vụn chưa uống đã tan, mực thì vừa đắt vừa chán. Bãi biển nhỏ, khách toàn tây lông, nghe xì xồ thì biết là người xứ nào. Có mấy mẹ xề Nga và mấy thằng bụng phệ Nga nhìn nản hết cả lòng, cũng may có đôi em Pháp trẻ mi nhon tung tăng đi lại tắm biển, ráng chiều lóng lánh trên đôi bờ mông thật thơ mộng. Những muốn hỏi, “Bông dua, cô đưa mông tôi xoa?” nhưng không dám nên chỉ chat kể với đôi thằng bạn cứt đang online trên facebook.  Tôi uống đôi chai bia với kỷ niệm đẹp của mình rồi trả tiền bỏ đi. Tôi đi dọc phố, ra đến ngoài rìa thị trấn, vẫn đói bụng nên kiếm đồ ăn. Có một quán ăn vắng tanh vắng ngắt cô quạnh nằm bên đường, tôi vào. Chị chủ quán chưa kịp mừng vì có khách đã lại thất vọng sâu sắc vì khách chỉ có một người. Rồi cả buổi cũng chỉ có một người là tôi.

Tôi xơi một đĩa mực hấp, đúng cái món đang dở mồm ở resort kỷ niệm. Rồi gọi ghẹ, chị chủ quán bảo ghẹ đây chỉ bán cân thôi, em ăn một hai con chị không bán. Tôi gần như sẵng giọng, em ăn nửa cân thôi, chị chủ bèn dạ dạ rồi alo thằng con trai đang đi chơi đâu đấy bảo mua nửa cân ghẹ về mẹ bán cho khách. Tôi tự tin như thế, vì quán này có một vị trí hay, dù nó bên đường và vắng vẻ nhưng cái kiểu của nó là hay. Tôi thường tự cho rằng, hễ chỗ nào mình ngồi mà thấy ok là y rằng quán đó sau này đông khách đuổi đi không hết. Tất nhiên chỉ là tự sướng thôi, dù đúng là chỗ nào ở HN mà tôi đã chọn ngồi thì sau đó đều đông khiến tôi phải té đi chỗ khác, nhưng mà dân số HN đã tăng gấp 10 so với hồi xưa thì cái quán đếch nào còn tồn tại được chả đông nhung nhúc.

Ngồi một lúc thì mưa xuống lộp rộp, rồi tan đi. Thiêu thân trào lên bay kín đặc quanh cách bóng đèn, khiến tôi phải đổi bàn. Chị chủ quán xách ra một bình xịt to. Chị xịt khắp sân khiến vị bia mà tôi uống trở nên toàn mùi thuốc xịt côn trùng. Rồi chị lấy chổi ra quét được một vốc. Thế mà vẫn không hết, ở mảnh đất toàn bụi cỏ bên cạnh, dưới ánh sáng đèn, có thể nhìn thấy lớp lớp những con thiêu thân trào lên, hoan hỉ và mừng rỡ trong đời sống ngắn ngủi của chúng, rồi tản đi khi thấy mùi thuốc xịt. Ấy thế nhưng chỉ có khoảng 20 phút là giờ khắc của thiêu thân đã hết, không còn con nào bay lên, chúng đã xong cuộc đời của mình.

Thằng con của chị đã về, sau nhiều cuộc điện thoại. Chị vào bếp rồi mang ra cho tôi ba con ghẹ hấp, ghẹ rất ngon dù tôi phải ăn cố vì đã no bụng, và vì bia nữa, đã uống tới mấy chai to khi chờ đợi. Tôi hiểu rằng quán của chị sẽ không thể đông được, chị không phải kiểu người bán quán. Chị đã lao động và nuôi nấng con cái bằng một nghề gì đó khác, nay chắc khá giả hơn nên chị mở đại cái quán có ai vào thì vào thôi.

Chị ngồi sau bàn tôi, khoanh chân trên ghế, vui sướng tán chuyện với một chị bạn, điện thoại để trên bàn để loa ngoài, tôi chỉ nghe và bắt buộc phải nghe chị nói. Tôi cũng chẳng có gì để suy nghĩ bởi vì cả tay lẫn đầu óc đều phải để tâm vào món ghẹ, món ghẹ nói thế chứ khi ăn phải để tâm thì mới gỡ chuẩn được các lớp lang của nó, đại khái do ăn ghẹ nhiều nên tôi hiểu về phẫu thuật cơ thể ghẹ, bẻ chỗ nào gỡ thế nào đối với từng miếng, nhưng phải để tâm chứ không thì miếng ghẹ sẽ nát ngay.

– Ôi chị biết không – chị chủ quán nói với bạn qua điện thoại để trên bàn – thanh minh ấy à, nhà cha mẹ em có tới tám đứa con, mà thanh minh thì mỗi đứa sẽ mang đến một món, em đang chưa biết làm món gì đây. Mà á, mấy đứa chúng nó như là muốn dằn mặt nhau ấy, đứa nào cũng mang đến món ngon nhất, có đứa còn mang cả cân tôm hùm bộn tiền à chị. Ngày thường cãi chửi nhau suốt mà thanh minh là cứ gọi điện cho nhau vui lắm, hỏi xem nhà ai sẽ mang đến món gì để không bị trùng á.

– Ôi chị ơi, em đi biên làm ăn mãi rồi, hoang vắng một mình đêm hôm em không có sợ ma đâu, nhưng em sợ ra bãi tha ma lắm. Kể cả đi thanh minh ban ngày. Chị ơi từ khi mà ông già em mất á, em không bao giờ ra bãi tha ma nữa. Cứ nhìn thấy cái mả là em sợ phát khiếp.

– Em á, em chỉ cần một manh chiếu góc nhà là em ngủ được, nhưng mà em không bao giờ đi ở trọ. Em đi nhiều nơi rồi mà chưa bao giờ em ở trọ đâu.

– Chị ơi ở Phú Quốc này bây giờ loạn lắm, nhiều người bị lừa lắm chị ơi. Có đứa nó yêu một thằng quá, mua cả xe 7 chỗ cho thằng đó đi cho đứng tên thằng đó. Rồi thằng kia dẫn vợ con đến, khóc rồi quỳ xuống lạy luôn á chị. Nó không trả xe mà cứ lạy xin lỗi thôi, chị bảo làm thế nào.

– Ôi chị xem đấy, đời em cũng khổ nhiều rồi, giờ em cứ ở nhà mở quán bán hàng có ai vào thì mình nấu cho ăn thôi. Đàn ông ấy mà, người ta thương mình thì họ cưu mang mình, mà họ tốt thì mình cũng có thể làm lụng cưu mang họ. Nhưng mà họ phải tốt chứ, nhưng mà phải tốt chứ không thì làm sao.

Tôi gọi tính tiền, chị chủ vẫn đang điện thoại, chỉ tay sang thằng con cỡ mười mấy tuổi đang cắm đầu vào điện thoại. Tôi trả tiền xong chào chị, chị vẫn không dừng điện thoại, chỉ hoa hoa tay cười, chẳng biết là chào em nhé hay mày cút mẹ mày đi chị đang bận.

Tôi thấy quý chị chủ quán phết, quán chị chắc chắn không thể đông được với cái kiểu của chị. Nhưng biết đâu được khi mà Phú Quốc ngày càng đông và dân du lịch sẽ dần tỏa ra xa xa, sẽ tới quán của chị, và chị sẽ có đồ ăn để sẵn trong nhà mà tiếp khách chứ không phải có mỗi thằng khách đến rồi lại bảo con chạy ra chợ mua ghẹ.

Mà chỉ đôi ba câu điện thoại của chị, tôi có thể mường tượng ra cuộc đời của chị như thế nào. Cuộc đời một con người kể chi li ra thì dài như tiểu thuyết, mà kể ngắn gọn lại cũng có thể trong hai câu. Chị là người ở Rạch Giá, lớn lên bôn ba đi làm thuê nhiều nơi, rồi gặp một người đàn ông lấy làm chồng, về Phú Quốc này. Anh đi biển đánh cá, chị ở nhà chạy chợ, đẻ mấy đứa con. Giờ khá giả hơn chị mở quán ăn. Thằng con lớn học xong cấp ba chẳng nghề ngỗng gì cứ lang thang phố chợ. Ở đảo này cứ đi một đoạn là thấy biển tấm lớn cổ động “Học để biến ước mơ thành sự thực”, chứng tỏ ở đây người ta ít đi học nên mới phải tuyên truyền, giống như nhiều vùng sâu vùng xa có biển “Đóng thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của chúng ta” do không thu được thuế. Có điều thuế thì dễ hiểu, chứ ước mơ, biến ước mơ thành sự thực nhưng trước hết cần có ước mơ. Ước mơ nào, ước mơ gì. Tôi hồi bé đã có nhiều ước mơ, rồi dần dần lớn lên tôi quy hoạch ước mơ nào dở hơi quá thì xóa, ước mơ nào dễ hơn thì giữ. Rồi với các ước mơ khả thi, tôi lại quy hoạch chúng, dần dần không còn ước mơ nào hết chỉ còn các hy vọng. Tôi nghĩ nên thay các biển cổ động kia thành, “Học để vào làm cho các resort 5 sao, kiếm nhiều tiền hơn đánh cá”.

***

Tôi ăn bữa trưa của mình ngay tại bàn này, ngoài hành lang, dưới bóng cây chuối và dăm ba sợi dây leo. Tôi vừa gọi thêm mấy lon bia . Ở cái resort nhỏ xíu này chỉ có tôi là khách ăn trưa, và do không chuẩn bị gì cả, nên họ chỉ có thể cho tôi bánh mỳ và trứng. Họ nhìn tôi ngạc nhiên và tò mò.

Còn tôi thì sau khi ngủ dậy rất muộn, ăn sáng rất muộn, đã dành thời gian buổi sáng và giờ ăn trưa để ngồi viết entry này, một entry vơ vẩn mang tính nhật ký. Nhật ký là để rất nhiều năm sau này, tôi sẽ nhớ lại hết tất cả những chuyện và những điều này, kể cả những điều tôi không đủ dài dòng để mà viết ra. Ngay cả tiếng nước từ máy điều hòa rơi nhỏ giọt trên tấm lá chuối đã hàng tiếng nay, mà giờ tôi mới để ý đến, nó cũng chứa đựng những sắc màu riêng trong buổi trưa nay.

Dưới bóng mặt trời của miền nam nhiệt đới, vào hôm trời nhiều mây nắng không quá gắt, đủ để một tán lá chuối cũng khiến cho mát mẻ, cùng với một chiếc loa nhỏ hình tròn tròn mà trong không gian tĩnh lặng này thì âm thanh của nó cũng đủ để vừa lòng những đôi tai khắt khe, năm bảy lon bia dù không quá nhiều cũng đủ để mình trở nên bay bổng xa xôi miễn là đừng có ai hỏi đến, những hơi thuốc lá đượm khói nhưng khi thả ra khỏi cuống họng thì gió sẽ khiến nó bay đi hít một hơi dài chỉ thấy mùi xanh mát của cây cỏ, tôi gột rửa tâm trí của mình trong một nghi thức huyền bí cổ đại khi cả những vị thiền sư còn chưa ra đời.

Những vị thiền sư ấy không ăn thịt chó, không gái gú, không rượu chè, không xem phim sex lẫn phim Holywood, không Mozart lẫn nhạc vàng, giao giảng cho chúng ta về cái sắc-không và tham sân si, nhưng các vị nào mà ngồi trước mặt chúng ta nói về những điều ấy thì ắt là còn sân si nhiều hơn chúng ta trong cái vòng đạo thức của các vị. Chối bỏ những dục vọng sướng khoái ắt là luôn để những điều đó trong lòng, khổ ghê.

Nguyễn Ánh ở Phú Quốc hay chị chủ quán vắng teo bán hàng ở Phú Quốc, rồi cũng chừng ấy năm cuộc đời. Nguyễn Ánh chết mất xác ở đây thì lịch sử sẽ khác và sẽ có Nguyễn Ánh khác, quán của chị sập tiệm rồi cũng có quán khác, chỉ khác chăng câu chuyện về người này có nhiều sự kiện hấp dẫn hơn người kia. Không hiểu các vị thiền sư ngồi kiết già nhập định thì thấy gì, chứ tôi ngồi một mình ở nơi xa, xa rời gia đình và cả thế giới, nhập định bằng bảy tám lon bia, tự nhiên thấy không còn cái tôi nữa và quá khứ vị lai không có gì khác nhau cả, chỉ có bia thơm trong cổ họng, gió thổi bát ngát, âm nhạc trở nên có lời, cuộc đời mình dẫu thành công hay thất bại cũng như một buổi chơi game, hy vọng hay thất vọng của tôi bất quá như con chó con đang nuôi ở nhà nó mừng hay giận.

Mới nhớ năm xưa, sau buổi thiền định hơi sâu với thằng bạn, lúc tôi còn thuê nhà ở Lạc Trung sống một mình toàn với bạn bè và bia rượu, buổi ấy sau khi nhập định với đôi chai vodka hay wishky gì đó, tôi về lên blog tuyên bố một câu mà tất nhiên không có like nào, đại loại rằng, “nếu mà chúng ta không còn xúc động khi thấy một chiếc lá rơi trên mặt hồ, thì cuộc đời này chẳng còn gì để xúc động nữa cả”.

Chợt nhớ đôi cặp mông chiều qua trên bãi biển. Cha ông các em từng làm chủ nơi này và có thể cho đến ngày nay khi tới đây các em vẫn lưu trong mình một tiềm thức sâu xa của những người chinh phục và bọn anh đây vẫn lưu giữ những tiềm thức sâu xa về những cặp mông mẫu quốc. Ngay cả anh đây, trong bộ dạng xe ôm tới resort, bọn Cochichine chúng vẫn lịch sự ra hỏi đại loại anh đến đây làm gì, anh uống bia ngắm biển chú ạ. Bọn chúng vẫn nghi ngại cho tới khi anh vứt áo cởi trần nằm dài trên ghế chúng mới tin anh đúng là khách du lịch, chúng bèn hỏi anh sẽ thanh toán bằng thẻ đúng không ạ, anh bảo thanh toán cái đéo gì chả được. Anh ngắm ráng chiều đỏ ối phản chiếu trên đôi mông ướt nước và lấm cát của các em, thông cảm với đôi thằng Nga lợn đang ôm con vui đùa trong sự giám sát của vợ chúng mặc dù anh biết rõ chúng ước gì được như anh nằm thoải mái uống bia ngắm hoàng hôn buông trên mông.

Và tới giờ đi ra sân bay rồi. Một buổi sáng trưa đẹp đẽ của Phú Quốc đã lặn. Về thôi.

Written by Tequila

April 2, 2017 at 2:02 pm