Teq's Blog

Archive for February 2017

Hoa đào năm mới

with 4 comments

Trưa nay thấy thư thái, bụng thì mới hơi đói do sáng ăn sáng cafe muộn, bèn nghe nhạc viết lách tí. Bây giờ thích hợp nhất là lại lôi con sonata cho cello & violin tên Arpeggione của anh Schubert ra nghe. Bản này rất hay, mà quái ở chỗ nghe lúc nào cũng thấy hợp, buồn vui lo mừng sốt ruột thoải mái gì cũng nghe được hết. Giai điệu nhiều chỗ rất quen, mà mãi vẫn chưa nghĩ ra là quen thế nào. Nhạc Việt thấy có quả nhạc đỏ Người Hà Nội của cụ Nguyễn Đình Thi, cái đoạn “Mắt người sáng láng vầng sao thắm tươi” rất giống với một câu trong chương 2, nhưng không chắc lắm vì mới giống được có 70%. Mà thôi, không sa đà vào chuyện này, vì nhỡ cảm tính nhận định sai bọn nó chửi bỏ mẹ. Chỉ biết rằng từ khi nghe ròng rã các anh thiên tài âm nhạc cổ điển, tôi đã tự xây dựng được cho mình một hình dung riêng về lịch sử nền tân nhạc Việt Nam.

Bây giờ là 12h45 trưa, ngồi cho tới 2h, sau đó sang đường làm cái bánh mỳ, rồi có một cuộc họp, rồi sẽ về nhà sớm đón trẻ con, chuẩn bị quần áo, mấy bố con nhảy xe khách lên Sapa. Tết này chưa lên Sapa, giờ mới lên để dự lễ hội, ăn nhậu với các đại ca. Vợ lên trước 2 ngày, chụp ảnh hoa đào nở trong sân nhà đẹp quá, khiến tôi sốt ruột chỉ muốn đi ngay.

 

16649549_10212019576391586_7143623063241454391_n

***

Sapa, hay nói đúng hơn là bản Sín Chải, từ lâu đã trở thành nhà của tôi, cho dù vì bận rộn quá mà một hai tháng tôi mới lên ở được hai ba ngày rồi lại về. Câu chuyện về dự án Thung lũng khói xanh của tôi, viết ra thì lãng mạn thế, chứ nó chẳng lãng mạn mấy, nó là một việc thực tế. Là thời gian, công sức, tiền bạc, quan hệ, con người. Sau nhiều năm, chúng tôi vẫn kiên định với nó, bởi vì ở trên đó rất sướng và vui.

Chúng tôi đã thử làm nhiều việc, nhiều cách, nhiều giai đoạn khác nhau. Trong những chuyện đặt ra từ cái năm 2012 khi tôi viết entry Thung lũng khói xanh, chúng tôi vẫn bám sát, chỉ trừ có việc là chuyển lên ở hẳn và cho con cái học hành trên đó. Quán tính công việc vẫn giữ chúng tôi ở lại Hà Nội, còn trẻ con thì lớn lên rất nhanh. Bọn tôi vẫn còn ở Hà Nội nên trẻ con đi học ở Hà Nội thôi, chứ lên bản sao được. Cho dù, không chắc là học ở Hà Nội hay học với tụi trẻ H’mong, cái gì thì tốt hơn, nhất là ở cái thời đại Internet này.

Tôi đã dựng được ngôi nhà này từ năm 2013, tuềnh toàng trống huếch trống hoác. Nó cứ tàn tạ như thế suốt mấy năm, cho tới năm ngoái thì chúng tôi cho sửa lại, bây giờ ở quá ngon rồi. Có lẽ cũng còn ít khe hở, cần phải trám thêm gỗ cho kín. Nhà tôi ở đầu núi, trên một mô đất cao, là nơi hứng trọn mọi con gió thổi từ Thác Bạc dọc theo thung lũng về, tóm lại gió rất kinh. Cái hồi nó trống trải gió lồng lộng vào nhà như thế, trẻ con thì đứa hai đứa bốn tuổi, chúng tôi vẫn trải đệm, đốt bếp lửa, cho chúng ngủ được mà không cảm cúm. Nữa là bây giờ khi nhà đã khá kín gió, sạch sẽ thơm phức, có gác xép gỗ để chui lên ngủ. Vừa rồi vợ tôi đã sai thằng ku Câu đi mua được về một đống gỗ cũ, chúng tôi sẽ lợp đám gỗ ấy lên mái theo đúng kiểu, thế là sẽ có một nhà H’mong đúng chuẩn mái gỗ pơmu, rất đẹp trai. Chúng tôi cũng đã có một quả cối giã gạo chạy tự động bằng nước trên núi chảy về, thứ mà xung quanh đã thất truyền.

Còn bọn trẻ con của chúng tôi, tuy chúng không ở hẳn trên này được, nhưng coi như chúng đã lớn lên song song giữa Hà Nội và Sín Chải. Tỉ trọng tuy có chênh lệch lớn, nhưng tôi chắc rằng sau này khi chúng lớn lên, ký ức tuổi thơ của chúng sẽ có nhiều núi non, bờ suối, con lợn con trâu.

***

Quán tính công việc giữ tôi ở Hà Nội. Ở Hà Nội có lương tháng, có vô vàn các kế hoạch công việc, những thất bại và những hy vọng mới. Nói chung tôi không phải kiểu người năng động thích bay nhảy. Tôi ở mãi một góc Hà Nội không chuyển đi đâu, có thể nói là sinh hoạt chỉ vỏn vẹn trong bán kính 3km từ nhà. Từ khi đi làm tôi chỉ làm một chỗ, hầu như không có ý định thay đổi chỗ làm. Tôi quan tâm tới việc mình muốn làm cái gì và phát triển các ý tưởng của mình, hơn là lương lậu hay đãi ngộ. Thôi thì công việc chính này của tôi, tôi cứ làm nó. Tôi có tính ngoan cố, định làm cái gì thì cứ làm cho được. Cái nhà trên bản cũng thế, có lúc này có lúc khác, nhưng chúng tôi sẽ giữ nó và sẽ làm cho nó thành một chỗ đẹp đẽ.

Đã gần năm năm kể từ khi chúng tôi dựng cái nhà. Nói thì dễ làm thì khó. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa giúp gì được anh em H’mong của tôi. Toàn họ giúp chúng tôi thì có. Cái suy nghĩ đơn giản ban đầu rằng, làm thế nào để anh em trên bản có thể dùng văn hóa của mình, giữ văn hóa của mình, để từ đó ra thu nhập… nhanh chóng đối diện với một thực tế là đứng trước cơm áo, hay nói gọn là tiền, thì cái gì ra tiền nhanh hơn cái đó sẽ được ưu tiên. Với cáp treo Fansipan (mả bố cáp treo) và lượng khách du lịch tăng đột biến ở Sapa, thì quá trình Kinh hóa và thương mại hóa những sắc màu bản địa càng diễn ra khốc liệt. Hiện giờ trong các anh em, chỉ còn có duy nhất anh Minh là vẫn luôn mặc đồ truyền thống. Còn lại, tất cả đã mặc đồ tây và chỉ còn lôi đồ truyền thống ra khi có lễ lạt hay ma chay cưới hỏi. Bọn trẻ con (tức là bọn trẻ con năm nào chứ giờ cũng thanh niên cả rồi), chắc chỉ có dí súng vào dầu hay dí tiền vào tay thì chúng mới thèm mặc đồ truyền thống.

Những công việc triển khai trên đó thì, khi có mặt chúng tôi (hay đúng hơn là vợ tôi) thì mới được thực hiện đúng ý. Còn không thì có vô vàn lý do hoặc vô vàn bữa rượu sẽ chen vào các kế hoạch, lối sống của họ thế, không thể bảo được anh Chư phải thay đổi cách làm việc thâm căn cố đế của anh ấy, để làm cùng bọn tôi. Chúng tôi đã nghĩ nhiều cách, nhưng cuối cùng hiểu rằng khi nào chúng tôi còn chưa ở hẳn trên đó, thì phải từ từ rồi từng việc từng việc nho nhỏ gom góp lại, không thể ào một phát là triển khai hẳn ra một cái gì luôn. Muốn ào một phát, thì phải có chính quyền hay tổ chức nào đó hỗ trợ, phải có một cục tiền, và rất dễ là khi có cả hai điều kiện đó, thì chính chúng tôi khéo lại thay đổi thành một dạng khác chứ không còn tự nhiên như bây giờ.

Cứ khoảng 2 năm, bối cảnh lại thay đổi. Trước đây khi bắt đầu cáp treo được thi công (mả bố cáp treo lần nữa) thì nhiều chuyện đã thay đổi, bây giờ con đường mới sắp được mở dọc thung lũng (mả bố con đường) sẽ đem đến nhiều thay đổi nữa. Sau khi anh Chứ mất đi, anh Chư tiếp bước trở thành thầy cúng rồi, oai lắm. Trong bản hoặc bản khác hễ có việc gì là anh Chư lại đi uống rượu. Hoành tráng thế nên ông ấy chẳng cần quái gì ở tôi, chỉ cần thỉnh thoảng lên uống rượu với nhau cho vui, say rượu còn bảo tôi là “anh em mình giống như cùng cha mẹ đẻ ra”. Cảm động lắm, nhưng mà đúng là mình chẳng giúp được gì cho anh ấy cả, anh ấy chả cần, chỉ cần làm một thằng anh em là được rồi.

Thế nên năm nay, chúng tôi quyết tâm làm nốt nhà, vườn, khu vệ sinh… cho thật ngon nghẻ, thật đẹp, cây cối xanh mướt hoa nở tưng bừng. Rồi chúng tôi sẽ cho người ta thuê nhà ở, cho thằng Câu con anh Chư làm việc chăm sóc nhà cửa, có tí thu nhập. Không nhanh để ra tiền, cho nó thấy là có cửa kiếm tiền, là cách kiếm ăn tốt… thì sang năm nó lại như bố nó, chả cần gì ở tôi, chỉ cần làm thằng chú của nó là được rồi.

***

Đúng ra thì cũng chỉ cần làm em ông Chư, làm chú của thằng Câu, là quá oách rồi. Bây giờ tôi lên bản, đã không còn là khách, mà là một người anh em. Tuy nhiên tôi rất tiếc rẻ nếu đến thế hệ thằng Câu, lại cứ quần bò áo khoác, dẫn khách đi cáp treo Fansipan (mả bố cáp treo phát nữa), mà để mai một hết những nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ. Cho nên quan điểm của tôi về dự án Thung lũng khói xanh không hề thay đổi, mà sẽ phải điều chỉnh theo điều kiện thực tế.

Làm xong cái nhà này, chắc chúng tôi sẽ làm thêm cái nhà nữa. Một nhà để cho thuê, một nhà chỉ để mình ở và các bạn bè thân của mình lên ở. Chứ bây giờ cái nhà đẹp rồi, cho khách lạ thuê chẳng thích tí nào. Nghĩ đến việc chỗ uống rượu của mình, mà lại đem cho mấy thằng tây balô xì xà xì xồ thuê ở, thấy bực bực. Nhưng thôi, bọn bố sẽ thu tiền của chúng mày để trang trải cho nỗi bực dọc này.

Bố sẽ bày một chỗ uống rượu thật đẹp ở hiên nhà, dựng mấy khẩu súng giả, rồi vừa uống rượu vừa ngắm mây bay, vừa chơi trò sniper với chúng mày, bắn rụng mấy toa xe như mấy con nhện bò trên cáp treo. Đấy, chiến khu Sín Chải, nơi khởi nghĩa chống lại nền công nghiệp du lịch rẻ tiền ăn xổi, bắt đầu bằng mấy cái bé bé như vậy. Núi còn nhiều, ruộng đất hoang của anh Chư vẫn còn, rồi bố mày sẽ dựng thêm nhiều đồn bốt cho mấy thằng tây ghẻ chúng mày lên gia nhập, tham gia vào du kích quân chiến đấu bảo vệ nền văn hóa H’mong hoành tráng.

***

Tưởng tượng tí thế cho vui thôi. Giờ là đi họp, sau đó bắt xe lên núi. Sáng mai xem lễ hội ở Sín Chải. Nhiệm vụ quan trọng là uống rượu, sẽ cần chuẩn bị thể lực để uống rượu cho tốt. Mọi việc đã có các bà vợ và bọn trẻ trâu lo, việc của anh em H’mong ta là uống rượu cho đàng hoàng, uống rượu được đàng hoàng xong rồi mới nói được đến cuộc kháng chiến của du kích quân.

Written by Tequila

February 10, 2017 at 2:12 pm

Posted in Linh tinh