Teq's Blog

Viết

with 2 comments

Tôi không ngủ cả đêm. Tôi chong đèn viết một phong thư.

Gần sáng, khi biển vẫn còn màu đen và  bầu trời vẫn còn lốm đốm những ngôi sao nhạt màu, tôi lẻn vào phòng trong, nhẹ nhàng gỡ thằng Cảnh ra khỏi tay mẹ nó, ôm nó lên. Nó vẫn say giấc, bọn trẻ ngủ say nhất lúc gần sáng, tội nghiệp, tôi choàng một tấm lụa mỏng lên mình nó, bước ra ngoài. Tên lính vẫn ngồi xổm mà ngủ ở cổng, không biết tôi đi qua.

Tôi ôm thằng bé đi trên bờ biển, về phía cầu cảng nơi con thuyền nhỏ của lão cha cố đang đậu. Gần tới nơi thì có tiếng gọi ở sau. Lan tất tả chạy trên cát, đuổi theo cha con tôi. Nàng vừa chạy vừa gọi. Chúa Công! Chúa Công! Nàng gọi tôi. Anh ơi! Mình ơi! Nàng không gọi tôi là chúa công nữa. Mình ơi! Trả con cho em! Cảnh ơi, con ơi.

Tôi rảo bước lên cầu cảng. Bá Đa Lộc mặc choàng đen nghiêm chỉnh, đứng thõng tay, nhìn tôi trân trối, rồi nhìn qua vai tôi về phía người đàn bà đang chạy đến. Tôi đưa thằng bé cho lão, cùng với phong thư và túi đựng ấn kim bảo. Lão một tay nhận lấy phong thư và ấn, một thay ôm thằng bé vào ngực, ngả đầu nó lên vai. Thằng bé vẫn chưa tỉnh hẳn, cạu cọ chút rồi lại yên. Tôi thò tay tháo dây buộc, vứt lên thuyền, lấy chân đẩy thuyền trôi ra khỏi cầu cảng. Người lính tên Bổn, người lính có cái sẹo dài trên lưng, ngoái đầu nhìn tôi rồi hối hả chèo thuyền rời bến.

Tôi quay lại, chắn ở cầu cảng. Lan lao tới, tôi tóm lấy nàng, nàng dãy dụa thúc chân vào bụng tôi, đấm vào mặt tôi. Nàng gào lên “Bá Đa Lộc! Trả con cho tôi! Trả cho tôi”. Mặt nàng bê bết nước mắt. Tôi vòng tay khóa vai nàng lại, đưa chân gạt khuỵu gối nàng xuống rồi quỳ ôm lấy nàng, cả cơ thể nàng cứng ngắc trong tay tôi không giãy được nữa. Nàng vẫn gào hét. Con thuyền tan dần vào bóng tối lờ mờ của mặt biển sắp bắt đầu le lói bình minh.

Nàng đã thôi gọi con, chỉ khóc, rồi người nàng mềm dần và nàng gục đầu vào vai tôi, ướt đẫm cả vai tôi.

– Chúa công, mình ơi, nó còn nhỏ quá mà.

– Ừ, nhưng chúng ta không thể để giặc bắt được nó.

– Thì cho em đi theo với nó chứ, lấy ai chăm sóc nó. Nàng vừa nói vừa nấc nghẹn.

Tôi thủ thỉ với nàng hồi lâu. Em biết là không được mà, biển trời bao la như thế, anh cũng không biết Bá Đa Lộc sẽ làm thế nào để đi thoát. Lão chỉ có thể lo được cho một mình thằng bé thôi. Bọn cha cố làm sao dẫn theo đàn bà mà tránh được bị để ý. Rồi khi có tin lão cha cố và con mình ở đâu đó an toàn, anh sẽ gửi em và mẹ tới đó mà.

Hồi lâu nàng hơi dịu đi, tôi nửa dìu nửa bế nàng quay về. Tội nghiệp nàng. Nàng sẽ còn phải xót nhớ con nhiều năm. Tôi chưa nói cho nàng biết rằng, thằng bé sẽ phải đi một chuyến đi dài vượt qua nhiều mặt biển nhiều vương quốc nhiều bất trắc hiểm nguy.

***

Đó là đoạn kết thúc của mấy chương đầu tiên, thời kỳ mà Nguyễn Phúc Ánh thoát được khỏi cuộc bao vây của Trương Văn Đa ở đảo Cổ Long thuộc Xiêm, và trốn về Phú Quốc. Tôi biết cái cầu cảng mà rạng sáng Ánh bế con tới giao cho Bá Đa Lộc, chính là cái cầu cảng phía nam đảo giờ đây tấp nập. Tôi cũng biết suốt cả cuộc đời sau này, anh ta luôn cảm thấy có lỗi với người vợ cả. Và nỗi đau của người mẹ mất con (thực tế khi Cảnh trở về thì đã là một người trẻ tuổi chẳng có kết nối với cha mẹ), thì hai vợ chồng họ chẳng bao giờ còn được như xưa.

Tôi cũng biết người đàn lạ mặt đã đem cơm gạo đến cứu đói cho Ánh và mười mấy tàn quân, là một vợ lính góa chồng và rồi nàng phải lòng Nguyễn Văn Thành. Ánh trốn đi Xiêm La, Thành và người phụ nữ ấy cải dạng thâm nhập trở lại Gia Định, trà trộn vào một gánh hát của người Hoa, rong ruổi khắp Đàng Trong để bắt mối lại với các đầu mối người Hoa, những người sẽ tiếp tục hỗ trợ vật lực cho cuộc kháng chiến. Tôi biết khi nhỏ ở Gia Định thì Thành chơi thân với một thằng bạn người Hoa, mà ông bố của thằng đấy – chủ một gánh hát – thực tế là đầu lĩnh của một hội kín, và Thành học được võ nghệ cao cường có cái tính quân tử Tàu và chữ nghĩa nửa mùa từ cái lò đấy. Thành nấp trên mái nhà, thằng bạn nhậu say khật khưỡng về, ngồi phưỡng bụng cho hầu gái rửa chân. Thành phi thanh kiếm sượt qua đầu nó, thằng bạn không đụng đậy, dù hai con hầu gái ngã ngửa ra vì sợ. Nó tự rửa nốt chân, rồi bảo, Thành, mi xuống đây. Tau biết trên đấy có người nhưng hóa ra là mi. Hồi bé hai thằng thường chơi phi kiếm gỗ nhằm trên đỉnh đầu nhau một tấc, mẻ trán bao lần, về sau chuyển thành kiếm thật.

Thằng đó béo, lùn, sử song đao thiện nghệ, hát kịch rất hay, nhưng đã chết trong một trận chiến để Thành và người đàn bà kia thoát khỏi quan quân vây bắt. Nhiều năm sau này, khi ở lại Thăng Long làm tổng trấn toàn miền bắc, Thành dựng Khuê Văn Các là để tưởng nhớ thằng bạn thoăn thoắt song đao nhưng mở mồm là điển cố. Chỉ có những thằng tay đao tay kiếm như chúng tao, mới có thể bình định thiên hạ, và dựng văn đài cho bọn hủ nho chúng mày.

Tôi biết các chuyện đó, cứ biết thế thôi. Truyện vẫn đang phải dừng lại ở cái khúc mà Thành và người vợ lính góa chồng trôi trên biển và các kinh rạch trước khi tìm được thằng bạn béo. Họ yêu nhau như chúng ta yêu nhau bây giờ, vì hai trăm năm hay hai nghìn năm thì người ta vẫn thế, có khác chăng chỉ là vật dụng xung quanh. Nàng tên là gì quên rồi. Một ngày nàng thấy Thành lại tới cửa nhà mình trên đảo, một ngôi nhà tềnh toành chẳng có thứ gì, chồng đi lính chẳng về, mẹ chồng mất năm ngoái. Thành gọi cửa, nàng ra, nàng biết anh ta chẳng phải một tên lính tầm thường đâu, lính thường làm gì có ai đẹp trai mà ăn nói văn hoa. Các ông lại cần thêm gạo rượu à, để em xem nhà còn gì. Thành trông thì lại nghiêm nghị và cung kính quá. Thành nói với nàng, không, tôi đến để hỏi xem chị có đồng ý làm vợ tôi không. Nàng quá đỗi ngạc nhiên, mà nàng buột miệng nói có từ trước khi nàng nghĩ ra được là mình nên nói gì. Thành nói, làm vợ tôi thì khổ và nguy hiểm lắm, nếu chị có thể lại là gái góa sau ba tuần trăng, thì đi theo tôi, tôi sẽ trân trọng rất mực khi nào tôi còn sống. Nàng lại bất giác vâng. Chị thu dọn đi, mặt trời mọc sáng mai tôi đến đón.

Và thế là nàng chẳng nghĩ được gì cả dù rất muốn nghĩ nhưng ý nghĩ thì chúng cứ bay bay trên đầu nàng khi nàng đang thu dọn đồ đạc, rồi nàng mới phát hiện ra nàng chẳng có gì để thu dọn cả. Một tay nải gạo và bộ quần áo vẫn mặc trên người, nàng đi theo Thành lúc mờ sáng khi chàng ấy đến. Họ đi bằng chiếc thuyền của nàng. Nàng nấu cơm cho Thành ăn, rót rượu cho Thành, và lái thuyền. Làm vợ của Thành trên chiếc thuyền chật chội hết nửa con trăng, thì họ mới làm việc vợ chồng. Nàng sung sướng và hạnh phúc quá. Thành nói, anh đã chết được nhiều năm rồi, mà anh vẫn còn đây vì Chúa công chưa chết. Vậy mình cứ sống như những người đã chết anh ơi, hôm nay em cũng đã chết rồi.

***

Đó là những gì tôi muốn viết trong phần tiếp theo, dù phần tiếp theo ấy mấy năm nay rồi không có tiến triển gì. Nhưng tôi rất yên tâm từ khi hiểu rằng cái gì diễn ra thì cái đó đúng, kiểu nó phải thế. Từ từ rồi sẽ ngồi được mà viết ra hết. Nó chắc chắn sẽ là một cuốn hay, vì tôi thích nó.

Thật rất thèm được dành ra nửa năm, một năm, hai năm để viết cho xong. Nhưng từ khi tôi có ý định viết đén nay, cuốn sách như một cái mầm cây được kỳ vọng lớn lên thẳng thớm hoành tráng, song đã tự diễn biến thành một bụi rậm. Thật hay khi nó đã trở thành một bụi rậm để rồi từ từ mình sẽ rẽ qua từng sợi dây leo.

Written by Tequila

January 5, 2024 at 5:11 am

Posted in Bịa chơi

2 Responses

Subscribe to comments with RSS.

  1. Văn hay lắm, Chúc mừng bạn

    Anonymous

    January 5, 2024 at 2:57 pm

  2. Vẫn chờ câu chuyện của a viết xong

    norah

    January 8, 2024 at 8:37 pm


Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.