Teq's Blog

Archive for September 2012

Linh tinh 21/9/2012

with 2 comments

Bạn biết không, có những lúc tôi cảm thấy rất buồn phiền. Giống như khi mình đói bụng mà nghĩ mãi không ra món gì mà mình ăn sẽ thấy ngon. Còn ăn những món không ngon thì mình lại không thích. Vậy là cứ vừa ôm bụng đói và vừa nghĩ món. Nghĩ mãi chẳng ra.

Bây giờ tôi khá buồn phiền, nỗi buồn vật lý, thường tới khi mình làm cái gì đó bằng hết năng lượng của mình. Xong rồi thì mình bị hết pin. Mà khi hết pin thì mình sẽ thấy cái gì cũng lèo phèo cả, mình không thấy yêu bản thân mình mấy nữa. Ngày hôm nay của tôi trôi qua, với bao nhiêu công việc và bao điều bận tâm, mà rốt cuộc, là tôi cảm thấy đói mà không muốn ăn gì.

Ngày hôm nay tôi cũng sống tốt, tôi làm mọi việc bình thường, đều có kết quả, thậm chí trận bóng tối nay tôi kiến tạo hai đường chuyền thành bàn thắng và chúng tôi thắng. Thật tốt đẹp. Nhưng dù vậy, có những ngày tốt đẹp mà bạn sẽ thấy nó nhạt nhẽo.

***

Lúc này là lúc mà tôi thấy cần một người đàn bà xa lạ, thật là mềm mại thật là dịu dàng thật là sexy. Cô ta sẽ đưa tôi vào một thế giới khác nơi tôi không là ai cả, cô ấy sẽ làm tình với tôi, thủ thỉ vào tai tôi những lời mật ngọt hoặc những tiếng kêu phấn khích. Điều đó sẽ xạc lại pin cho tôi. Tốt nhất là người đàn bà xa lạ ấy là vợ tôi.

Và vợ tôi cũng vậy, nàng cũng cần một người đàn ông xa lạ, mà tốt nhất người xa lạ ấy lại chính là tôi, để yêu nàng với sự mạnh mẽ và đam mê thổi bay đi tất cả những gì của hiện tại.

Nhưng chúng tôi đã quá quen nhau và chúng tôi không thể trở thành những người xa lạ. Cậu ấy đang ngủ trong nhà và tôi thì ngồi đây.

Bởi vì có những ngày hoàn toàn tốt nhưng nặng nề vì cái tốt ấy, khi người ta bị hết pin. Chúng tôi đã sống quá hết mình và vì thế có những ngày hết pin như hôm nay.

***

Hôm nay khi chiều tối trở về nhà tôi đã đánh con, phát vào mông nó thật mạnh. Trẻ con hư là phải tẩn, chuyện đó không bàn. Nhưng tôi cảm thấy có sự đứt gãy trong giao tiếp, khi tôi phát vào mông nó. Nó không thật sự hiểu tại sao nó bị như vậy và tôi cũng không thật sự hiểu tại sao phải làm thế. Nếu không có nguyên tắc (mà tôi cho rằng cần phải tuân thủ), thì tôi đã ôm nó lại, xin lỗi nó, vì thật ra chúng ta đâu cần phải làm thế với nhau.

Một ngày mà người đàn ông bị hết pin, thì tự nhiên những điều anh ta tin đều trở nên không đáng tin nữa. Tôi bỗng thèm được bà già ôm vào lòng, vỗ về bảo con làm mọi việc đều ok, dù có lúc đúng có lúc sai. Tôi bỗng thèm được ông già ngồi uống bia với tôi rồi bảo tôi rằng ok, cứ sống thôi con trai, không có điều gì phải lăn tăn cả. Nhưng đã quá lâu rồi họ không làm thế cho tôi. Họ sẽ chẳng bao giờ làm thế nữa, tôi biết. Chẳng ai làm như thế cho tôi nữa.

Và bây giờ tôi đi ngủ, tin chắc rằng sáng mai pin sẽ lại được xạc đầy.

Written by Tequila

September 21, 2012 at 1:33 am

Posted in Linh tinh

Trên đường 18/9/2012

with 10 comments

IMG_20120916_094757

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hey Jude! Tại sao lại là Hey Jude nhỉ? Chắc là thằng này cũng thích Beatles, như cái hồi mình 20 tuổi. Lần đầu nghe điện thoại của nó xong, tôi lầm bầm thành tiếng “bố sư cái thằng dở người, tiền chả lo kiếm, gái chả lo tán, trải với chả nghiệm!”

***

Chiều hôm đó, tôi đang chuẩn bị từ chỗ làm về nhà, thì thằng Câu, thằng con trai thứ hai của anh Chư, gọi:

Chú, nhà chú có thằng đang ở rồi?

– Thằng nào thế?

– Thằng người Kinh, tên là Trọng.

– Nó là ai?

– Hôm qua nó đến. Nó bảo nó dạy học. Bố cháu tưởng người của chú cử lên, nên nhận cho ở lại, cho ở trong nhà của chú. Sáng nay hỏi lại mới biết là không phải. Chú có cho nó ở nhà chú không, không thì để bố cháu bảo nó đi.

– Cho chú số điện thoại của nó. Hoặc bảo nó gọi điện cho chú.

Lát sau, điện thoại gọi tới:

Alo. Em chào anh.

– Chú là Trọng à.

– Vâng. Chú Chư cho em ở nhà anh.

– Chú ở được cái lán ấy cũng tài thật. Ngủ bằng gì, đêm qua có rét không.

– Dạ không. Chú Chư cho em mượn chăn để đắp rồi.

– Bla bla

-..

– Ờ cuối tuần anh lên rồi gặp nhau.

Thì ra chú em 20 tuổi tròn tên Trọng này là dân quê Vĩnh Phúc, ra Hà Nội học. Vừa học vừa đi dạy tiếng Anh kiếm tiền, ra trường cũng đã có việc làm ngon lành. Bỗng quyết định bỏ ra 3 tháng hoặc hơn thế để lên núi tìm trẻ con dân tộc để dạy học chữ và dạy tiếng Anh. Gọi là để trải nghiệm. Nói chuyện xong với nó, tôi lầm bầm thành tiếng, bố sư cái thằng dở người, tiền chả lo kiếm, gái chả lo tán, trải với chả nghiệm.

***

Cuối tuần thì tôi lên, đi cùng vợ, thằng nhóc, và ông anh đồng hao. Đi lên qua đường Mù Căng Chải xem ruộng bậc thang. Đi từ tối hôm trước mãi tối hôm sau mới tới nơi. Chiều tối được đứng trên Ô Quy Hồ ngắm hoàng hôn, mây bay vần vũ cảnh sắc huyền hoặc như trong Tây Du Ký. Nhập nhoạng mới vào đến bản.

Trọng là một chú chàng khỏe mạnh đẹp giai. Đầu húi cua, ria cạo sạch nhưng để râu cằm lún phún, chỉ thiếu cái máy ảnh. Gặp nhau là vào việc luôn, những việc đã trao đổi qua điện thoại, rồi ra Sapa ăn cơm, chia tay, chúng tôi ra khách sạn ngủ. Kể cũng muốn ngủ ở cái “nhà của mình” nhưng nhà đó chưa đủ điều kiện để trẻ con ở, và còn 2 ông thợ xây mà chúng tôi cũng mới điều từ Hà Nội lên. Sáng sau tôi vào bản, vào “nhà của mình”.

Trong nhà, các cuốn vở học sinh xếp trên xà ngang. Trên xà nhà còn có dòng chữ nguệch ngoạc “nhà của chú Đức cô Mai ở Hà Nội”, chắc chữ thằng Câu, nét chữ đúng kiểu của một học sinh học hết cấp 2 nhưng trình độ lớp 2. Tường nhà có cái bảng, là cái hình tôi post trên kia. Ảnh chụp không rõ hết chữ, trên bảng có một dòng chữ, cụm từ thì đúng hơn mà tôi thấy rất phê: moutain – Sin Chai – village – house – sapa town – good class! Trọng kể hôm đầu chỉ có con nhà anh Chư đến học, hai hôm sau thì trẻ con cả bản đến học, dưới ngọn đèn tối thui và trong căn nhà còn xơ xác chưa đáng gọi là nhà.

Trong lúc tôi đang ngắm tấm bảng và các nét chữ, thì ông anh đồng hao ngồi với ông thợ xây để thiết kế và tính vật liệu cho cái toalet và cái bếp. Một chỉ huy trưởng công trình xuất sắc, vẫn thường tham gia vào những dự án trăm tỉ nghìn tỉ, ngồi bàn việc với một ông thợ xây về việc làm một cái toalet. Tuy vậy họ rất nghiêm túc, dù gì đi nữa, cái toalet cũng là một công trình. Mọi việc tiến triển tốt đẹp. Khó có cái toalet nào được chuẩn bị và triển khai bài bản hơn thế. Chúng tôi mua vật liệu về đổ một đống ở trường mẫu giáo. Rồi con cái nhà anh Chư mang bao tải ra thồ từng bao một, chất lên xe máy, chở vào nhà, chuẩn bị làm.

***

Lần này lên vướng hai việc, nên bị thiếu nhân lực, tiến độ không được như mong muốn. Tôi đặt hàng tới 10 ông H’mong nhưng cuối cùng chả ông nào đến. Hai việc đó là: gặt lúa và đám ma. Gặt lúa thì rõ rồi, lúa đang chín đầy đồng, cần gặt ngay mấy ngày trời đẹp. Nhưng việc quan trọng thế cũng chỉ có trẻ con bà già làm. Đàn ông đàn bà đều đi đám ma.

Gặp chúng tôi, bà cụ mẹ anh Chư khóc, nước mắt giàn dụa, nói tiếng H’mong chả hiểu gì cả. Bảo cái Mai 16 tuổi vợ thằng ôn Câu 16 tuổi dịch, thì ra bà khóc vì bà vừa mất một đứa cháu gái, 28 tuổi bị bệnh gì đó bụng cứ trương lên đưa bệnh viện cúng ma các kiểu đều không khỏi. Cho nên cả họ đang đi đám ma, đám ma đã được ba ngày, hôm đó là chôn. Nghe tưởng đám ma trong làng, hóa ra là đám ma của nhà anh Chư, thảo nào tất cả đều vắng mặt, chỉ có bố con anh Chư ở nhà làm cùng chúng tôi.

Thế nhưng vẫn không đúng được kế hoạch. Cuối ngày đó vẫn không gọi được ông H’mong nào. Hóa ra hôm đó đã định ngày sẽ đem chôn xác, đã đám ma 3 ngày rồi. Nhưng buổi trưa uống rượu say quá, ngất hết, không đem xác đi chôn được, phải để đến hôm sau. Người chết thế là bịn rịn ở lại nhà tới bốn năm hôm. Chuyện không chôn người chết được, vì cả họ say rượu, tôi mới nghe lần đầu.

Nhưng tóm lại vẫn còn bố con anh Chư, còn Trọng, còn anh đồng hao  tôi, còn hai ông thợ xây, không lo.

***

Thế nhưng mọi việc vẫn không như ý muốn. Sáng sau Trọng gọi điện sớm, bảo, hôm qua địa chính và công an xã đến nhà. Chúng tôi phải lên xã làm việc.

Ủy ban xã nhỏ xíu, tấp nập người, thứ hai giao ban, rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi ngồi hơn một tiếng ở bàn tiếp dân. Bên kia, trong phòng họp, vẳng ra tiếng bàn luận, chỉ đạo.. về việc tiêm phòng chó dại. Nghe lỏm thấy việc tiêm phòng chó dại quả thật không đơn giản, chẳng ai biết nhà mình có bao nhiêu con chó và kể cả cán bộ thú y có xuống từng nhà để tiêm thì cũng khó biết được con nào đã tiêm rồi con nào chưa, cán bộ đến chắc phải cả nhà tập trung giữ chó. Phải là sự chỉ đạo quyết liệt từ xã, triển khai xuống thôn, rồi trưởng thôn phải có trách nhiệm, rồi chủ hộ phải tuân thủ, tất cả mọi người tập trung tiêm chó… bởi vì đây là địa bàn du lịch. Bên này, trong phòng tiếp dân thì dân chúng nhao nhao đủ mọi việc, cấp tập nhất là việc nhập trường “thế bây giờ chú chọn đi, đứa này là sinh năm bao nhiêu? mà cháu sửa cho chú đứa này là 2007, thì đứa kia là 2008, còn chưa được đi học đâu đưa đến cô giáo lại không nhận, chú ngồi tính lại cho cả mấy đứa con đi rồi cháu sửa một thể, còn anh kia, không phải sửa gì cả, cô giáo mà không nhận thì anh làm đơn…” Tôi ngồi nghe một hồi trộm nghĩ mình cứ tinh tướng thế chứ quả nhiên không đủ trình độ để làm được một chủ tịch xã trên núi.

Trong lúc chờ đợi, một số cán bộ xã người Kinh ngồi uống chè với chúng tôi, nói việc anh đang làm là tốt, chúng tôi đánh giá cao, nhưng phải có chấp thuận của cấp quản lý. Các anh biết đấy, tháng trước dưới kia có vụ lập vua Mèo, còn ở đây thì cũng phức tạp. Các anh là tổ chức hay là cá nhân, các anh dạy tiếng Anh cho trẻ con thì tốt thôi, nhưng phải được phép… Tôi vừa trả lời các đồng chí, cũng tình cảm và vui vẻ thôi, công việc của các bác mà, vừa nghĩ, lần này về cơ quan tôi sẽ tập trung quan tâm vụ vào đảng. Em mà có thẻ đảng xòe ra ở đây, các bác khỏi phải nghĩ.

Rồi cũng đến lúc gặp được chủ tịch xã, sau khi xã đã giao ban xong. Chủ tịch ngồi ở bàn làm việc, trang trọng tiếp chúng tôi. Cả tôi và anh đều băn khoăn không biết có nên bắt tay nhau không, tóm lại là không, ngồi xuống trình bày luôn. Chủ tịch là hot boy H’mong, cao cỡ mét tám, người ngợm to dềnh dàng, mặt mũi phương phi, đẹp trai vãi đái, không thể đoán được anh lớn hơn tuổi tôi hay nhỏ hơn. Cô kế toán văn thư ngồi cạnh anh, người Kinh, xinh xẻo, trông rất lép vế so với anh về mặt nhan sắc.  Trong lúc trao đổi, tôi và anh mắt nhìn thẳng nhau không rời. Tổng thời gian trao đổi là đúng 5 phút. Thật pờ rồ. Xã ủng hộ, nhưng anh phải về làm một tờ đơn, nói cụ thể anh là ai, nhân thân thế nào, anh định làm cái gì, để xã nắm được. Tôi đánh giá anh chủ tịch rất cao, bởi khi nghe tôi trình bày xong, anh chỉ hỏi một câu duy nhất, “anh dựng nhà thì gỗ lấy ở đâu”. Oách! Đó chính là vấn đề căn bản. Tôi giải thích với anh, em kiếm nhà cũ người ta bán lại, tháo ra về dựng, tuyệt đối không lấy gỗ trên rừng.

***

Giải thích thêm vụ lình xình này. Số là việc tôi dựng một ngôi nhà gỗ, thậm chí làm cái bếp, thì cũng chả là vấn đề gì cả. Nhưng chú em Trọng làm khuấy động cả thôn bản vì cái lớp học tiếng Anh của chú, do đó xã phải quan tâm. Đó là việc là trách nhiệm của họ.

Tôi phơi phới chia tay chủ tịch xã ra về, cắt đặt thêm công việc, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng chỉ còn thiếu một chuyến gạch.

Trên đường trở về Hà Nội, bỗng trở nên băn khoăn, vì chủ tịch xã gọi điện, “Anh Đức à, anh phải dừng lại, xã không đủ thẩm quyền. Tôi ủng hộ anh nhưng anh phải xin phép huyện đi”. Tôi rầu hết cả lòng. Việc bé bỗng đã xé ra to rồi sao. Chúng tôi không ngại huyện, thậm chí tỉnh, nhưng mất công mất sức cho những việc này thì chẳng đáng với việc dựng một cái nhà. Vẫn biết rằng vấn đề ở biên giới, vấn đề người dân tộc, đặc biệt là H’mong là không đơn giản.

1h đêm chúng tôi mới về đến nhà, ngủ một giấc mệt mỏi để sáng ra đi làm.

***

Chiều nay Trọng gọi điện, mọi việc chú em đã lo liệu xong xuôi, chỉ còn chờ xe gạch. Tôi bảo chú từ từ để tôi tính, chú chưa biết là chủ tịch xã đã yêu cầu dừng. Rồi tôi và vợ chat với nhau để bàn, đang chat dở thì tôi bỏ ra ngoài. Tôi ra để gọi điện cho chủ tịch xã (lúc quay vào mới biết là vừa lúc tôi đi, thì vợ tôi bảo “anh nên gọi cho chủ tịch xã”).

Alo

– Alo, anh Đức à.

– Vâng em đây. Em gọi điện để để nghị anh xem xét cho em hai việc.

– Vâng anh Đức nói đi, tôi nghe.

– Thứ nhất là em sẽ tuân thủ đúng như yêu cầu của anh. Em sẽ viết một bản đề xuất, và viết một cái đơn nói rõ những việc em đã làm và sẽ định làm. Anh có email thì cho em xin để em gửi trước. (Thật sự tôi nghi ngờ việc một ông chủ tịch xã người H’mong lại dùng email, nhưng cứ hỏi).

– Có. Nói chuyện xong tôi sẽ nhắn tin cho anh.

– Việc thứ hai là. Anh cho em làm nốt cái nhà vệ sinh. Cát, si măng, sắt, đá… em đã chuyển vào hết rồi, chỉ còn thiếu gạch.

– Không anh Đức ạ. Việc dù bé, nhưng dự án nào cũng phải được huyện thông qua, xã không có thẩm quyền.

– Chủ tịch, anh cứ coi như là việc xây nhà vệ sinh là ông Chư làm. Em giúp ông Chư làm nhà vệ sinh. Đó là quyền của dân. Chúng ta coi như việc này chỉ là việc dân dựng một cái nhà dân ở và làm cái nhà vệ sinh, thế thôi.

– ngần ngừ… Được, anh cứ làm cái nhà vệ sinh đi. Nhưng cái nhà gỗ thứ hai mà anh định dựng để làm nhà trưng bày, thì anh phải xin phép.

– Vâng, tốt quá, vậy anh cho em địa chỉ email của anh.

– Mình sẽ nhắn tin cho anh ngay bây giờ.

Chỉ hai phút sau, tôi nhận được tin nhắn từ mr M.A. Nủ, chủ tịch xã San Sả Hồ, huyện Sapa, Lào Cai: “địa chỉ mail của tôi là XXX…ABC@gmail.com” (tôi để email không chính xác để không xâm phạm privacy của anh”.

***

Được sự chấp thuận của anh Nủ, là một niềm vui của tôi. Như vậy là nhà vệ sinh sẽ được làm, cái lán gỗ của chúng tôi sẽ trở thành nhà. Chú em Trọng sẽ có chỗ ở, sẽ tiếp tục lớp học, mà theo chú nói, là nếu anh chị được xã cho phép thì em sẽ ở đây ít nhất đến cuối năm, em vẫn còn tiền để sống.

Nhưng vui hơn nữa, là tôi cảm nhận thấy ở người chủ tịch xã này một thái độ làm việc nghiêm túc và một sự trong sáng khi anh làm việc cho dân của anh. Nghe có vẻ cũ kỹ nhưng cụm từ “dân của anh” là chính xác. Tôi thật sự mừng rỡ khi những người H’mong bạn bè tôi lại có được một vị lãnh đạo như vậy, dù là vị lãnh đạo rất bé. Lần sau lên tôi sẽ mời anh uống rượu, hy vọng anh nhận lời. Thật sự đã lâu rồi tôi mới có cảm giác kính trọng với một người làm trong bộ máy công quyền. Tôi sẽ cảm thấy hãnh diện nếu người đàn ông ấy chịu làm bạn với tôi.

Và để nêu bật hình ảnh của anh, tôi phải nói thêm về những người cấp dưới người Kinh của anh. Khi họ hỏi chuyện tôi, tôi phản cảm nhất vì như thể họ coi tôi là thằng nào đó lắm tiền rửng mỡ. “Việc này là một việc làm từ thiện đấy”. Dường như với người Kinh chúng ta đã quá lạm dụng từ “từ thiện”, như thể những việc gì làm mà không ra tiền thì gọi là từ thiện. Tôi không hy vọng gì những con người đó có thể hiểu được việc chúng tôi đang làm. Tôi không hy vọng gì những người đó có thể hiểu sự tôn trọng của tôi dành cho những người bạn H’mong, những người tôi gọi là anh, gọi là cháu, gọi là bạn.

Nhưng họ, những người Kinh cấp dưới của anh Nủ, cũng dạy cho tôi một bài. Rằng những người Kinh chúng ta sẽ chính là những người cản đường. Má A Nủ giật mình gọi điện cho tôi, bảo dừng, chắc cũng vì cấp dưới đề đạt. Họ sẽ luôn đặt câu hỏi động cơ gì mà chúng tôi làm, như thằng bán nước ở Cát Cát hỏi tôi anh đang đầu tư gì trong đó, như lão bán hàng hỏi tôi rằng cậu mua đất của đồng bào làm gì, có gì hay không. Thậm chí có những anh đảng viên mồm vừa nhai thú rừng vừa bán tín bán nghi chắc chúng tôi là phản động. Những thằng người Kinh mà tôi chưa biết đã đang và sẽ tấn công lên Sín Chải để dựng lên những ngôi nhà ống hai tầng mở quán nước chăn tiền khách du lịch, phá nát bản của tôi. Tôi cũng đã được những người Kinh đó dạy rằng, tôi đang dựng lên một chiến lũy, và tôi sẽ phải chiến đấu cho nó, như anh Tom Cruise chiến đấu bên cạnh các samurai.

***

Vợ chồng tôi, bây giờ có thêm em Trọng, một thằng hot boy dở người tiền đéo muốn kiếm gái đéo muốn tán, máy ảnh đéo có tiền cũng không, đang là ba chiến binh ngoại lai bảo vệ thành trì cuối cùng của Sapa rộng lớn. Chúng tôi bảo vệ thành lũy Sín Chải. Đồng đội của chúng tôi sẽ có anh Nủ, anh Ninh, vài ông công an xã, anh Chư và các anh em của anh, bà già anh Chư…

Chúng tôi đang chiến đấu.

Written by Tequila

September 18, 2012 at 11:53 pm

Life in a day

with 5 comments

“Life in a day” là tiêu đề một cái phim mà thằng bạn tôi, tức thằng Kỳ, tức thằng Daysleeper, đặt link rồi cười rõ to trên facebook. Tôi bấm thử, đó là một cái phim quay trong một ngày, quay ở khắp nơi trên thế giới về cuộc sống bình thường của ngày đó, ghép lại thành ra một cái phim. Đầu phim có thằng ngồi trên ghế công viên, uống bia. Hết, vì tôi mới xem đến đó thôi. Mai tôi sẽ xem, vì thằng bạn này khen hay thì phim chắc là phải hay, cũng có thể tôi chẳng bao giờ xem bởi vì cho rằng tôi hiểu được cái gì làm cho nó thích và nó thích những cái kiểu gì, xem hay chưa cũng vậy. 

Nhưng cái phim Life in a day này khiến tôi lại ngồi thêm ở máy tính và viết về a day in my life, là ngày hôm nay.

***

6am.

Chuông báo thức reo trên điện thoại, tôi đứng dậy cầm điện thoại, rồi bấm tắt đi, ngủ tiếp. Hôm nay không phải ngày thích hợp để tập thể dục. Đầu và da mặt tôi nặng trĩu, tối qua vừa phải uống một viên thuốc Decolgen, để dập ngay cơn cảm cúm vừa mới manh nha do lây vợ. Vợ tôi vốn bị cúm nhẹ nhẹ từ cuối tuần trước. Và sau show diễn rất hoàn hảo của chúng tôi vào trưa ngày Chủ nhật hôm qua, thì vợ tôi cúm nặng hơn còn tôi thì bắt đầu bị chảy nước mũi. Tối thì cậu ấy cho tôi uống thuốc, bảo tôi là già đầu rồi còn dại gái. Viên thuốc có tác dụng tốt, tôi dập được ngay cơn cúm, nhưng sáng dậy người như đi mượn, ngủ thêm chứ không dậy tập thể dục.

Tôi mới dậy sớm để tập thể dục từ hơn tháng nay. Một sự điều độ và chỉn chu làm chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Chuyện dậy sớm tập thể dục buổi sáng đã gián đoạn hơn 10 năm kể từ khi tôi còn là sinh viên. Để có thể dậy sớm, tôi phải ngủ sớm hơn thường lệ và phải bỏ đi một phần thời gian riêng tư của mình, thời gian sung sướng của tôi dù chỉ để chơi dò mìn.

Có một trận bóng, tôi xoạc bóng rất cố gắng nhưng quả bóng vẫn chuội đi ngay trước mũi chân mình. Chuyện này cỡ hơn năm nay thường gặp, cứ nghĩ là làm được nhưng sức lại làm không tới. Nhưng quả đó quá tệ và sau trận bóng tôi nghĩ rằng, chết mẹ, đúng là mình đã chảy đi nhiều. Sáng sau tôi dậy sớm hơn một chút, thử tải hai cẳng chân của mình bằng cách đứng lên ngồi xuống bằng một chân, chân kia giữa thẳng song song với mặt đất. Chân trái ok nhưng chân phải thì kêu răng rắc, tôi ngã bệt ra nhà. Tôi quyết định phải tập lại, một trận bóng một tuần là quá ít và phải tập thể dục sáng. Vì tôi vẫn thể thao đều đặn cho nên việc lấy lại sức không khó lắm, sau một tháng bụng tôi gọn hơn, cơ khỏe hơn và đã có thể đứng lên ngồi xuống mỗi bên 5 phát mà không ngã. Phong độ trên sân bóng cũng cải thiện rõ rệt.

7am.

Tôi ra khỏi nhà, chở vợ con đi. Lịch trình sẽ là đưa con về nhà ông bà nội để ông nội cho đi học, đưa vợ tới công ty và sau đó thì tôi đến chỗ làm của tôi.

Tôi đỗ xịch xe bên vỉa hè, ông già thì đang ngồi uống chè đá, cách tôi chưa đầy 3m. Nhưng ông không nhìn thấy chúng tôi dù mặt vẫn hướng về, vẫn còn mải chém gió với ông bạn già, cửa xe mở ra và cháu ông gọi ông mới nhận thấy. Gần đây ông già tôi như vậy, phản xạ nhận biết không gian xung quanh của ông rất kém. Có khi tôi đi bộ ngược lại ông, hai bố con trên một con ngõ, đi qua nhau (tôi ko chào để thử ông) nhưng ông cũng không nhận ra tôi. Lần nào khi tôi đưa thằng nhóc tới quán chè đá, để giao cho ông đưa vào lớp, ông cũng là người nhận thấy chúng tôi cuối cùng, bao giờ các ông bạn già cũng phải nhắc. Thế mà ông từng là phi công và mới nghỉ bay chưa tới chục năm.

Ông già tôi 65 tuổi mà đã già quá. Từ khi nghỉ hưu ông không chịu tập thể dục thể thao gì cả. Bạn bè cũng ít dần bởi lẽ thật tình thì nói chuyện với ông không phải là điều hấp dẫn gì cho cam. Ông chỉ yêu thích quán chè đá, xem TV và phán xét vợ con theo lăng kính của ông. Nói ông ích kỷ chỉ yêu bản thân ko để ý đến người khác thì hoàn toàn không đúng. Nhưng tại sao ông lại như thế thì tôi không thể hiểu được. Đành giải thích rằng vì ông không có sở thích nào, và giải thích rằng ông không yêu mọi người như họ vốn có mà lúc nào cũng chỉ nhìn qua lăng kính của ông, không bao giờ đổi góc nhìn. Ông già là một phi công, về sau là một dẫn đường trực thăng xuất sắc, mà trên trực thăng thì dẫn đường là cơ trưởng, có lẽ đó là bệnh nghề nghiệp của ông, chỉ tin vào bản đồ và kinh nghiệm của mình.

Hiện giờ thì ông rất yêu cháu nội nhưng tôi ngờ rằng đó là ông yêu hình mẫu đứa cháu trong cái bản đồ của ông.

Trao thằng ku con cho ông già, tôi chở vợ đến chỗ làm của vợ, nơi cậu ấy sẽ làm việc vất vả cả ngày điện thoại liên tục đỏ nòng khi đang cơn cảm cúm. Rồi tôi đến chỗ làm của tôi.

8am – 12am

Tôi làm công việc của mình. Công việc không phải thứ để giải bày ở đây. Ngay cả facebook của tôi, tôi cũng rất hạn chế sinh hoạt vì trót lỡ add khá nhiều đồng nghiệp làm friend.

Tuy vậy cũng có thể nói chút chút là gần đây công việc ở cơ quan không làm tôi phấn khởi lắm. Tôi thuộc dạng sến nên tôi luôn nghĩ rằng người ta đi làm là để cho vui, để phấn khởi, để say đắm chiến đấu vì một mục tiêu chung nào đó, đặt danh dự và mơ mộng của mình vào đó, vào cái sản phẩm mà mình làm ra, vì tổ chức, đại loại là một thứ mà mình không biết nó để làm gì cả giống như chơi game vậy. Tôi đã làm việc như thế 5 năm, cho đến khi thấy mình trở nên lạc lõng, cho đến khi nhìn quanh tôi không thấy ở đâu niềm say mê và lòng tự hào, chỉ còn lại thăng tiến và đồng lương. Những thứ đó là tốt là cần nhưng nên là phần thưởng chứ không phải là mục đích. Tôi thậm chí cũng không thích phần thưởng đó. Tôi làm chỉ vì tôi thích thôi. Năm 2005 khi dặt dẹo từ Nga lợn trở về, sau khi lao động vất vả và vất vưởng với những điều bụi bặm nhất, tôi đã thấy mình không là ai cả và chả cần phải là ai cả. Tiền bạc thì tôi rất giỏi sống không tiền và nhu cầu tiền chỉ thực sự hiển hiện khi có con cái. Mà nuôi cơm cho con, thì là việc có cao siêu gì, thằng bố nào chả làm được, chả có gì để tự hào.

Thế nên gần đây tôi làm việc rất vớ vẩn. Tôi vẫn mẫn cán và vẫn làm đúng vai trò trách nhiệm của mình, nhưng chỉ với không đầy 30% năng lực. Ai cũng hiểu là nếu chỉ làm đúng chức trách thì dễ bỏ mẹ. Vậy nên ngược lại tôi cũng thấy cảm ơn cái chỗ làm của mình, người ta trả lương tôi dù bèo nhưng vẫn quá cao so với mức cống hiến.

Đôi khi tôi, một cách phiến diện và tinh tưởng, lấy làm ái ngại cho các đồng nghiệp, đồng cấp và cấp dưới thậm chí cả sếp, là không hiểu rồi các bạn sẽ đi về đâu. Chắc chắn các bạn sẽ đi về đâu đó, sẽ đạt được cái gì đó, nhưng để làm gì thì tôi tinh tướng mà trộm nghĩ rằng ít người nghĩ đến.

Các bạn đồng nghiệp tôi tuyệt đại đa là không đọc sách (riêng sách thậm chí tôi chưa gặp ông nào đọc), không quan tâm lịch sử văn hóa, không quan tâm chính trị (dĩ nhiên chém gió phân tích lãnh đạo thì ngon), không biết chơi nhạc cụ nào, không nghe rock không nghe jazz không nghe giao hưởng chỉ nghe karaoke, không xem phim (chỉ xem phim rạp rất vớ vẩn hoặc xem phim Hàn Quốc), không nghiên cứu tôn giáo mà chỉ đi lễ và xem bói, không biết chơi môn thể thao nào (chơi tennis là còn rất khá mặc dù trò đấy khó thì khó thật nhưng ông văn phòng bụng bia nào cũng chơi cũng đấu nhau như thật thì tôi quá ngờ vực chất lượng môn tennis ở VN)…

Riêng sách, cái thằng bạn tên Báu ở Đà Nẵng của tôi uống bia bảo “Đéo gì, sách ở VN in bây giờ toàn 2000 – 3000 bản, tính ra anh em biết mẹ hết tất cả những thằng những con có đọc sách ở VN.” Công nhận là với những đường link các nhân vật từ TTVN năm xưa, Thăng Long sau này, facebook bây giờ, lanh quanh có khi biết mẹ hết dân đọc sách ở VN thật!!! Nhà thơ Goldmund vừa rồi dịch cuốn sách, khéo lượng người mua và có đọc sẽ đúng bằng lượng fan trên blog của anh!

Tôi thật sự thấy lạc lõng với những con người như vậy ở xung quanh. Và tôi cảm thấy cô đơn. Với sự cô đơn này, tôi tập trung vào gia đình, vợ con, bố mẹ, thằng em trai, dăm thằng bạn cứt. Và đó là cuộc sống của tôi, có làm gì cũng lanh quanh từng đó người.

12am – 13.30 pm

Tôi ăn trưa với thằng Kỳ. Chúng tôi ngồi ở một quán cafe văn phòng nhạt nhẽo chẳng hay chẳng dở, vơ vẩn và hụt hẫng như bất kỳ chỗ nào ở Hà Nội này. Vừa ăn vừa nói chuyện nhưng chúng tôi chẳng nói chuyện gì cụ thể cả. Cứ lơ vơ vậy. Chúng tôi đã mệt mỏi với những đề tài cũ. Đề tài mới thì chẳng có gì. Cần phải uống rượu để nói nhảm, hẹn một đêm nào đó trong tuần này hoặc tuần sau, nhưng chúng tôi cũng không thu xếp được thời gian.

Thời gian lúc nào cũng có, nhưng thời gian cho những lúc ngồi thâu đêm nói nhảm thì giờ không còn nữa. Gần đây nếu có tụ tập nhau, chúng tôi chia tay rất sớm, uống chưa đến bốn tiếng đã về. Vợ tôi rất hài lòng, cho rằng tôi tiến bộ. Nhưng tôi không vui chút nào, đâu phải tôi ngoan ngoãn mà về sớm. Ngay những thằng bạn cứt này, những thằng mà xưa kia chỉ một cái lá rơi từ trên cây xuống sân cũng có thể trình bày cả bữa rượu, mà nay đổi đến 20 đề tài vẫn chỉ giữ nhau được bốn tiếng, thì quả là đáng buồn. Chúng tôi không buồn chia sẻ nữa, bởi đã chia sẻ quá nhiều cả thời thanh niên, và nay thì thời tìm hiểu thế giới và chứng tỏ bản ngã đã qua, chúng tôi còn quá ít những chuyện để nói với nhau, mày thế đéo nào bố mày lạ cái đéo gì nữa đâu.

Tuy vậy nếu không chơi với nhau thì chơi với ai. Những người bạn mới đáng quý vẫn liên tục xuất hiện, nhưng thật khó để có một người bạn thân mới. Khi một cái lá rơi xuống sân đã trở thành điều bình thường, thì còn điều gì là quan trọng. Không còn điều gì là quan trọng, thế đéo nào cũng được cả, lâu lâu nhớ nhau thì chúng ta gặp nhau vậy thôi.

Nếu bây giờ mới gặp nhau, thì tôi và thằng bạn thân của tôi là thằng Kỳ, đéo thèm chơi với nhau. Hiện nay chúng tôi còn yêu mến và quan hệ với nhau vì chúng tôi có hai thằng bạn chung, là tôi của hồi xưa và Kỳ của hồi xưa. Chúng tôi đều yêu mến hai thằng đó, nhiều lúc nhớ chúng nó quá mà không thể gặp lại, buồn lắm.

13.30 pm – 17.30 pm

Giờ làm việc buổi chiều. Toàn những việc nếu không làm thì người ta sẽ không biết trả lương cho mình vì cài gì.

16h anh Chư gọi điện, đang bận không nghe máy.

17.30 pm – 21.30 pm

Đón vợ con về.

Ăn cơm.

Online đọc facebook. Dạy cháu học.

Vợ tôi có một thằng cháu. Thằng này được đưa vào tầm ngắm là nó sẽ lớn lên thành đứa không gia gì. Năm nó học lớp 5 lên lớp 6, tôi đã đón nó về nhà để dạy nó học. Thằng Kỳ bảo tôi là mày ôm nhiều giá trị quá, khổ bỏ con mẹ còn ôm rơm nặng bụng. Nhưng tôi vẫn dạy cho thằng ku học được để lên cấp 2, dù trước đó thì nhân chia cộng trừ còn sai. Đến nay, chỉ vì một bữa ngồi uống bia với ông anh đồng hao, tức bố thằng bé, tôi lại nhận nó về dạy với hy vọng nó lại lên cấp 3 ổn thỏa. Dù, chúng tôi không rảnh rang gì và nhà tôi quá bé để có thêm một thằng 15 tuổi đến ở. Nhưng tôi vẫn làm. Cũng hơi hơi hối tiếc vì trong lúc uống bia mình bốc đồng lên tuyên bố là anh lại giao nó cho em năm nay.

Nhưng có một lý do khác. Năm xưa, khi tôi mới quen vợ tôi, nàng mới 17 tuổi, đến nhà nàng chơi thì đã thấy nàng chăm đứa cháu này, lúc đó nó mới 3 tuổi bằng thằng ku nhà tôi bây giờ. Có lẽ tôi bắt đầu yêu vợ tôi vì thấy cái cách mà nàng chăm đứa cháu. Từ đó tôi đã biết là nàng chăm trẻ con thì nhất hạng. Hồi đó tôi thích một bài nhạc sến của Bryan Adams, có câu “when you can see her unborn children in her eyes you know you really love a woman”. Có lẽ tôi bắt đầu thấy yêu nàng khi nhìn nàng chăm thằng cháu, tôi hình dung thấy những đứa trẻ chưa ra đời của tôi.

Rồi thằng bé lớn lên, nó không còn dễ thương như xưa nữa. Nó là một đứa trẻ sinh ra bị hở môi và bà nội nó không muốn nhận nó về, nó lớn lên trong tình yêu thương của nhà ngoại, nó cũng không giống những trẻ em khác, thậm chí khi đã được phẫu thuật gần như bình thường thì nó vẫn còn mặc cảm. Năm nay nó 15 tuổi, lún phún râu và tôi thấy nó cố gắng để râu tơ mọc dài, hòng che đi vết sẹo ở môi trên.

Nó thần tượng tôi. Chỉ tôi có thể nói được nó. Tôi nhận dạy nó tiếp, cho nó lên cấp 3, vì tôi cảm ơn cái tình cảm ấy của nó với tôi. Dù rằng bây giờ dậy sớm tập thể dục, tối phải đi ngủ sớm, lại còn dạy cháu học, thì thời gian của tôi dành cho tôi là quá ít. Nhưng tôi thấy cần phải làm vậy, để đáp lại tình cảm nó dành cho tôi, một sự quý mến và tôn trọng vô điều kiện (ngoài bọn trẻ con ra thì làm đéo có ai quý mến tôn trọng ông vô điều kiện?!)

Bố nó chắc sẽ không dám để nó bỏ lớp học thêm của cô chủ nhiệm. Mai tôi sẽ thử nói với anh ấy, nếu không được thì đành tìm cách khác. Nó là một điển hình rằng một đứa trẻ thông minh có thể trở nên dốt và tự ti như thế nào chỉ vì người lớn. Tôi nghĩ nó khó có thể trở thành một giáo sư bác sỹ, nhưng để trở thành một tay lái xe tải đường dài, hay chủ gara xe, hay là một người lính hoặc chủ quán bia… đều ok. Nó thích âm nhạc, thích lịch sử văn hóa, thích đọc sách (là vì nó thấy tôi làm thì nó làm theo), vậy còn đòi hỏi gì ở nó nữa đây?

Và nhiệm vụ mà tôi nhận kèm cặp nó năm nay, dưới vỏ bọc giúp nó vào cấp ba, thực ra là tôi muốn nó có thời gian để nghĩ được rằng nó muốn cái gì. Hiện nay có cạy răng nó, nó cũng không nói được là nó muốn cái gì. 15 tuổi không biết mình muốn gì, muốn thịt gà hay thịt bò, hoặc tệ hơn là muốn mà không dám nói ra, thì sau này nó sẽ ra sao.

***

21pm – 23.30pm

Tôi xem phim, vừa xem vừa tập đàn, gián đoạn bằng việc ru con ngủ.

Ru được con ngủ là một việc rất vui, giống như thắng một màn game vậy. Thằng ku nhà tôi 3 tuổi, nhà chật nên hiện tại buộc phải để nó ngủ với vợ chồng tôi. Nó là đứa rất tình cảm và vì thế tôi buộc phải hạn chế, hạn chế tẩn nó những lúc nó hư, dù tôi cho rằng trẻ hư là cần phải tẩn. Tôi kể chuyện, gãi lưng cho nó để nó ngủ. Trước khi ngủ thì nó rúc vào lòng tôi, tôi thấy mình mềm như bún. Tôi ôm nó vào lòng và hầu như có thể cảm nhận được tình cảm của một người mẹ. Ngay lúc đó tôi thấy nhớ mẹ mình da diết. Khi tôi lớn lên, mẹ tôi chỉ ôm tôi những lần tôi chia tay bà để đi xa, nhưng tôi nhớ vòng tay ôm đó. Bây giờ thì tôi lộc ngộc thế này, ba mươi ba tuổi, một vợ hai con, bà thậm chí trở nên kiêng dè tôi chứ biết đâu rằng đôi khi mệt mỏi, tự hỏi tất cả những chuyện này là cái gì nhỉ, tôi lại thèm được bà ôm vào lòng, xoa đầu rồi đi nấu cơm cho tôi ăn. Quả thực thì năm tôi 5 tuổi, em tôi ra đời, tôi ngủ riêng trên cái giường xếp, mẹ tôi đã không còn ôm tôi nữa, cho đến năm 22 tuổi tôi ra sân bay bà mới lại ôm tôi.

Nhưng thay thế cho việc đó, những đứa con lại rúc vào lòng tôi. Tôi hạnh phúc vì biết rằng thế giới của chúng nó là tôi và vợ tôi. Chỉ có thế thôi. Đôi khi tôi nghi ngờ tình yêu của mình dành cho những đứa con. Có phải thật mình yêu chúng đến thế không, hay là tôi yêu chúng vì đó là những người thật sự yêu-tôi-vô-điều-kiện-bất-kể-tôi-là-ai.

23.30 pm đến giờ

Tôi viết entry này, dài và lung tung.

Bây giờ tôi đi ngủ.

Written by Tequila

September 11, 2012 at 2:29 am

Posted in Linh tinh