Teq's Blog

Archive for February 2015

Chiều cuối năm

leave a comment »

Bầu trời Hà Nội u ám, mưa phùn dăng dăng, không gian có màu xanh xám, tôi mở cửa sổ văn phòng để mùi mưa phùn và âm thanh hối hả đường phố chiều cuối năm tràn vào. Những ngày làm việc cuối năm bao giờ cũng là những ngày đặc biệt, vào buổi chiều những ngày đó, tôi thấy lòng mình luôn trầm hẳn lại, và thường ở lại muộn, một nửa vì công việc cũng cần phải thế, một nửa vì tôi muốn được một mình. Chiều nay cũng vậy. Tôi viết những dòng này trên nền nhạc của Victor Tsoi và tiếng ồn ào của dòng sông người và xe đang trôi đi dưới cửa sổ văn phòng.

Tôi sẽ ghi nhớ cái năm Giáp Ngọ này. Nó bắt đầu bằng khoảng yên tĩnh mà mơ hồ lo âu. Rồi cơn bão đến, thật khốc liệt. Cuộc sống của tôi, với nhiều mặt mà nó có, như thể bị cơn bão ấy thò tay nắm lấy, dựng ngược lên, lộn từ trong ra ngoài và giũ như giũ một cái áo khoác. Năm nay tôi uống rượu nhiều bằng mấy năm cộng lại, nếu đánh dấu ngày vui bằng màu đỏ và ngày buồn bằng bút dạ xanh, thì tấm lịch năm của tôi ngập một màu xanh ngắt. Có những sáng tôi thức dậy mà không hiểu là mình đã ngủ hay chưa, có những ngày không ăn uống gì cả đói bụng thì lót dạ bằng bia. Bù lại, với ý thức giữ gìn sức khỏe của một người chơi thể thao từ nhỏ, tôi vẫn chú ý đến dinh dưỡng của mình, không hút thuốc quá nhiều, và tăng thời lượng đá bóng lên gấp đôi. Thế là khi cái đầu tôi nặng trĩu, thì cái bụng bia tròn tròn phát sinh từ mấy năm gần đây đã tan biến, cạp quần nào cũng rộng mà cân nặng thì giữ nguyên.

Đỉnh điểm của cơn bão đã qua, nhưng ấn tượng về nó thật đáng nhớ. Mà biểu tượng đáng buồn nhất là cái đêm mà tôi đánh mất con chó Vodka. Tôi uống say về khuya và khóa cổng để quên nó ở bên ngoài. Bốn giờ sáng nghe tiếng xe máy và tiếng cho kêu, tôi giật mình tỉnh dậy và lao xuống, mở tung cổng, gần như là ném cái xe máy CG, con ngựa chiến ngày đi 500km của tôi, ra ngoài đường, để mong đuổi theo tiếng xe máy và dù có một mình cũng phải làm một trận sống mái với bọn trộm chó, sự đau lòng và cơn giận dữ có thể khiến tôi lao vào chúng với sự điên cuồng. Thế nhưng thằng em trai tôi, tôi không biết nên cáu nó hay nên cảm ơn nó, đã làm cái xe hỏng từ lúc nào, không thể nổ được máy và tôi đành bất lực nghe tiếng xe máy của bọn trộm chó xa dần xa dần. Tôi vẫn ra đường vẫy một cái taxi lao tới khu tổ hợp thịt chó, nhưng khu đó im ắng trong đêm, anh taxi nói là, có hàng tỉ hàng thịt chó lớn bé ở khắp cái thành phố bảy triệu dân này, và tìm chó không khác gì mò kim đáy biển. Tôi quay trở về nhà khi tờ mờ sáng, ngồi bậc thềm, nơi con chó Vodka thường đến ngồi cạnh tôi, khóc nấc lên như một đứa trẻ.

Tình cảm thì buồn đau và khốc liệt. Tôi có thêm một cái sẹo mới trên tay, do cố muốn biến cái đau trong lòng thành cái đau thể xác, đã đấm vỡ một tấm kính. Tất cả những người xung quanh tôi đều bị cuốn vào cơn bão này, và mỗi người đau hoặc buồn trách theo cách của họ.

Vào đầu năm tôi nghe Печаль (Nỗi buồn) của Tsoi khi đi trên đường, trong con bán tải khỏe như trâu của mình. Cuối năm tôi cắm headphone vào tai và nghe Печаль trên xe bus, và trên các con đường Hà Nội. Các con đường trở nên gần gũi và yêu thương hơn, chúng chào đón những bước chân tôi, và khi tôi đi bộ khắp các phố phường của nó trong năm đáng nhớ này, tôi đã trở lại là một người của Hà Nội. Nó vẫn là một thành phố tệ hại như ta vẫn thấy, nhưng cái yêu kiều dịu dàng kín đáo của nó, thì phải đi bộ mới có thể nhận ra. Trong nỗi buồn tôi nhìn thấy lại vẻ đẹp của nó, thế nên có đêm tôi khùng đến nỗi cuốc bộ từ sân bóng ở Hoàng Minh Giám về tới tận nhà mình ở Bách Khoa.

***

Khi máy bay sắp hạ cánh, nó như trôi từ miền cao nguyên núi non hiểm trở xuống đồng bằng, thành phố Viêng Chăn hiện dần dưới cánh máy bay, tôi lật lật cuốn hộ chiếu của mình. Cuốn trước hết hạn tôi vẫn giữ ở ngăn kéo văn phòng. Cuốn này làm từ 2008, mất 2 triệu để làm gấp cho kịp chuyến đi, cuối cùng bị hụt mất chuyến đi ấy. Nhưng bù lại, nó có nhiều dấu. Hai tấm visa Nga ngố, một tấm Khựa, dấu của Sing ghẻ Mã ghẻ, dấu đường bộ vào Lào, dấu máy bay vào Lào. Lật giở tấm hộ chiếu như lật lại những thước phim của cả một chặng đường dài. Ngày hôm sau, tôi thích thú đứng ở đầu phà, xem thằng Lào lái phà cập bờ chính xác đến từng cm, bụng nghĩ không biết là nó cảm nhận dòng sông và con phà này như thế nào để lái được chuẩn như thế. Tập trung cảm nhận và lái, nhấn ga, đấy chính là cách đưa một con phà qua sông.

Trong những tháng ngày bão tố, tôi để mặc mình trôi vào những cơn khùng điên, rồi lại thở sâu thật chậm rằng kiên trì kiên nhẫn. Cố mà nhắc mình một câu bàn về Dịch, rằng cùng tất biến, biến tất thông. Tôi cố giữ cho mình ở trạng thái cân bằng khi đến với công việc, gạt những phiền muộn âu sầu sang bên, để nghĩ thật kỹ và làm thật chính xác những gì cần làm. Con tàu phải đi chính xác vào những lằn ray mà tôi vạch ra trong những buổi trưa cuốc bộ vòng vèo phố cổ.

Một ngày gần cuối năm, người ta đưa cho tôi thêm một cái tờ giấy đóng dấu đỏ, mà khi xưa mượn giày của ông già và cuốc bộ đi xin việc vào ngành này, tôi chẳng thể tưởng tượng ra. Tôi xếp cái tờ giấy ấy vào một cái phong bì, mà tôi đựng tất cả các tờ giấy tương tự, nó cũng như cuốn hộ chiếu kia, là nơi đựng những dấu chân kỷ niệm của cuộc hành trình.

Và ở mảng khác của trận chiến, vào buổi trưa ấy ở thành phố Viêng Chăn thư thái, đến những con chó cũng thư thái nằm duỗi cả bốn chân nhắm mắt kệ khách khứa đi ra đi vào, tôi cảm thấy hồi hộp đến nỗi tự nhắc mình hãy yên tĩnh, đừng có một cử chỉ nào thừa. Tôi yên lặng nhìn người đàn ông trung niên thấp đậm nhưng có cú đấm nghe nói là vỡ cả mặt bàn ấy, ký và đóng lên tờ giấy cái dấu xanh của ông ta. Tờ giấy có dấu xanh ấy như thể một cái ấn tiên phong mà ông ta giao cho tôi, để cưỡi một con ngựa trắng khẩn cấp lao đi, đánh một trận lớn nơi vùng núi non Thượng Lào.

Dường như cơn bão sẽ sớm tan và ở phía đông bình minh dường như sắp rạng. Hai tờ giấy một đỏ một xanh ấy là hai nhiệm vụ của tôi, hai trận đánh lớn mà năm mới tôi sẽ vẫn ngồi ở cái bàn này, cửa sổ nhìn xuống phố, để điều khiển chúng. Hai trận chiến khó khăn mà thất bại luôn có thể chồm ra bất cứ lúc nào, và cần nhiều may mắn, nhưng chỉ có một cách để gặp may mắn đó làm tất cả mọi thứ một cách tốt nhất có thể, để không bị tuột mất khi nó đến.

***

Đó là chưa kể, rất có thể là tôi sẽ có một tháng mà các buổi tối sẽ nằm đọc sách hoặc tập guitar ở góc một thành phố nhỏ dưới chân dãy Ural bên Nga nhợn.

Đó là chưa kể, trong nỗi buồn dằng dặc và những nỗi bâng khuâng day dứt của những con đường Hà Nội và nhưng ly rượu cay, tôi đã quyết định bắt tay vào viết một cái gì đó nghiêm chỉnh, không phải tản văn không phải chém gió blog. Và tôi thấy thích những trang viết đầu tiên này của mình, nghĩ rằng nó là cái tốt nhất tôi từng viết ra và những trang hay hơn còn ở phía trước.

Đó là chưa kể, trong những cơn sến sẩm của mình, tôi thấy mình bắt đầu thích làm thơ. Những bài thơ của tôi, đa phần là nghĩ ra trong đầu xong rồi say quá quên mất, nó chẳng bao giờ mượt mà, chẳng vần vèo gì cả, nhưng nó có nhịp điệu có những từ ngữ và cái gai gai buôn buốt.

Ôi cái năm khùng điên sầu thảm buồn thương lo âu tuyệt vọng, cuối cùng đã kết thúc bằng những điều ước hẹn long lanh. Tôi chỉ có một việc là đóng gói lại những nỗi buồn, khoác thanh kiếm của mình lên vai, trèo lên lưng con ngựa trắng và lao vào trận địa. Tôi nhớ về những đêm mà nỗi tuyệt vọng dâng đầy đến muốn từ bỏ và đầu hàng những khó khăn, đã cố mà tự nhắc mình và an ủi mình rằng, hãy kiên nhẫn và Chúa chỉ thử thách những kẻ mà Chúa lựa chọn.

Chào năm cũ. Liệu người ta có thể tạm biệt năm cũ theo một cách nào tốt hơn được nữa hay sao.

Phố đã lên đèn. Mọi người đã về hết. Thời gian cô đơn ngọt ngào của chiều cuối năm đã cạn, các việc cần làm đã khép lại, giờ là lúc về với gia đình để chuẩn bị đón Tết, đón năm mới, năm con Dê của tôi.

Written by Tequila

February 14, 2015 at 6:06 pm

Bài thơ mùa đông

with one comment

Bài thơ mùa đông

Vào ngày gió lạnh

Nhạc từ headphone cũng đặc vào như những giọt băng

Là bài thơ đéo hiểu vui hay buồn

Vì buồn quá

Hay vì vui quá

Mà vui hay buồn, đều phải đợi người đàn bà đến nói cho ta

Hay thằng bạn say rượu nói cho ta

Còn ta

Biết đéo gì

***

Hôm nay khi tôi ngồi lại ở quán bia góc phố, một góc phố đẹp của Hà Nội, góc phố đã khác xưa và tôi tất nhiên không còn giống xưa, tôi cố tình nghĩ mà làm một bài thơ. Và làm hỏng bài thơ mà tôi nghĩ nó sẽ hay. Thơ là thứ không thể cố mà làm thành. Cũng như tình yêu, hay tình bạn, hay cuộc đời mình, đều không thể cố mà làm thành. Chẳng có điều gì trên đời này cố mà làm thành được cả, chúng nó cứ tự thành hoặc tự mất vậy thôi.

Một ngày gần đây tôi viết một đoạn văn sau,

Mùa xuân.

Mùa xuân trốn đâu đó sau những cơn tuyết cuối cùng, có thể nó bay lượn đâu đó ở trên đỉnh núi, hoặc nó nép mình lẫn vào những cơn gió, rồi bỗng một đêm mà cả người già nhất cũng chỉ có thể đoán chờ, có thể đêm nay, có thể đêm mai đấy, chứ không bao giờ biết đích xác là đêm nào, nó đến.

Người ở làng có những sắc màu sặc sỡ tin rằng, vào đêm mà Mùa xuân đến, Mùa xuân bay trên bầu trời như một cơn bão tĩnh mịch trong veo vô hình đến cả đại bàng cũng không cảm thấy, rồi giữa đêm Mùa xuân giáng xuống mặt đất một tia sét cũng vô hình vô ảnh. Ở nơi mà tia sét ấy giáng xuống, đúng vào lúc ánh mặt trời đầu tiên chiếu xuống từ đỉnh Núi Lớn đằng đông, ở nơi ấy sẽ mọc lên bông hoa xuyên tuyết đầu tiên cũng trắng tinh như màu tuyết. Rồi tiếp theo bông xuyên tuyết đầu tiên đấy, anh em của nó sẽ mọc dần lên và chỉ vài ngày sau đã tràn ngập cả cánh đồng, kéo theo những bạn bè khác, màu trắng, màu xanh ngọc, màu tím, màu vàng, màu đỏ… Rồi những đọt lá xanh nhú ra từ những cành cây trong mùa đông vốn đen thui như củi mục, chẳng mấy chốc sẽ phủ màu xanh kín những cánh rừng thưa quanh làng. Khi đó những con ngựa sẽ bồn chồn, chúng không thể ăn tiếp cỏ khô trong chuồng nữa, và người ta phải thả chúng chạy ra thảo nguyên. Khi đó ngay cả những kẻ thờ ơ nhất, cũng sẽ nhận thấy trong gió thứ mùi đặc biệt, thứ mùi trong và mát, mùi của Mùa xuân.

Rồi băng tan trên mặt sông, tuyết tan dần, lăn ra thành những giọt nước, chúng hòa vào nhau rồi chảy đi, tiếng nước tí tách róc rách ở khắp mọi nơi, trộn thành một bản nhạc vô tận được chơi bằng hằng hà sa số những cây đàn ba dây.

Đó là một đoạn văn hay nhất mà tôi từng viết được, và tôi kệ mẹ những thằng khác, đó là đoạn văn tả mùa xuân hay nhất mà tôi từng biết. Như có ai đã nói rằng, nếu trên giá sách của bạn không có những cuốn sách bạn muốn đọc, hãy viết ra nó. Và đoạn văn Mùa xuân của tôi đã viết ra đó, nó chất chứa bao nhiêu là buồn.

Như một ly vodka

Một ly vodka chứa bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu nỗi buồn

Và người uống nó, nếu không đủ vui hay không đủ buồn, thì biết đâu đến Vodka

Tôi chẳng bao giờ muốn uống vodka với người mà không đủ vui hay đủ buồn, hay các loại rượu khác cũng vậy. Bọn tử tế và bọn đàn bà thường nói với chúng ta rằng đừng uống rượu, rượu là sai là xấu, nhưng rượu là Thượng đế mang đến, như Ngài mang đến cho chúng ta ngũ cốc hay rau xanh. Đừng trách Ngài mang đến rượu, đàn bà, hay tiền, hay thanh kiếm, chúng ta biết làm đéo gì khi không có những thứ đó.

Chúng tôi, tôi và các bạn mình, sau biết bao đau thương khổ sở, thường an ủi nhau rằng, mình – tức là tao và chúng mày – đéo thể ngửi nổi bọn người tốt. Bọn người tốt chúng sống làm gì nhỉ, anh em chả hiểu được. Chúng sinh ra chỉ có mỗi một nhiệm vụ, chửi anh em mình, rồi chết. Chúa không phù hộ bọn người tốt, vì Ngài đã có bọn cha cố hay bọn sư sãi, game của Ngài là chúng ta. Bọn người tốt là bọn phế phẩm, có gì vui để chơi với chúng.

***

Tôi đã mất tới ba mươi mấy năm để có thể thuyết phục mẹ mình rằng, mẹ ơi, con chỉ là một thằng rởm rít vứt đi. Cuối cùng bà công nhận thế rồi vẫn yêu thương tôi, tất nhiên theo một cách khác, mà ngồi với các bạn uống vang trắng với nhạc Chopin sang chảnh tôi nói với các bạn rằng, tôi sẽ đi tìm lại mẹ mình vào  ngày mà tôi biết chắc là bà ấy yêu tôi.

Ông già tôi đã chấp nhận tôi, sau ba mươi mấy năm. Lòng ông tràn đầy thất vọng, nhưng ông đã yêu tôi. Các bạn tôi, một số thằng mà năm xưa nghĩ tôi là tử tế, thì giờ đã chấp nhận tôi, là một thằng lởm. Tôi thấy chúng yêu mến tôi hơn hẳn. Tôi dường như đã gột bỏ được những thứ lòe loẹt.

Mỗi sáng tôi ngủ dậy, chuẩn bị đi làm, tôi đeo vào cổ tay mình cái đồng hồ mà bà cô ruột tôi mới cho tôi. Bà nói rằng đó là cái đồng hồ cực kỳ xịn mà bà đã mua với giá mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Bà ấy cho tôi, tôi tin là bà đã mua nó bằng một giá đắt, thậm chí cực kỳ đắt. Tôi đã check trên mạng và những trang web mà tôi check cho tôi biết rằng nó là một cái đồng hồ thậm chí là hàng fake, bà ấy rất có thể bị lừa một vố rất to khi mua nó. Song điều đó không hề quan trọng, mỗi sáng tôi đều tự hào hạnh phúc để lồng nó vào cổ tay mình. Rất có thể nó là một cái đồng hồ fake, song đó là món quà mà sau hơn ba mươi năm kể từ khi bà ấy bồng tôi trên tay, khi bà còn là một cô gái xinh đẹp vô chừng, đi dạo trong khuôn viên trường đại học, và hát Chiếc khăn piêu, bọn thanh niên vây quanh bà vuốt tóc tôi để lấy lòng bà, đến nay bà đã yêu tôi.

Tình cảm yêu thương đôi khi phải chờ nhiều năm và rất nhiều nỗi buồn rồi mới đến.

***

Bài thơ mùa đông

Vào ngày gió lạnh

Là bài thơ chả hiểu vui hay buồn

Vui quá, hay là buồn quá

Nó chỉ là những từ chợt đến

Chẳng để tán gái, cũng chẳng để vuốt ve bản thân mình

Chỉ là sự vắng lặng, mà những cơn gió dường như cũng ngại vì gây ra tiếng rì rào

Written by Tequila

February 10, 2015 at 1:26 am

Posted in Linh tinh

Một sáng tốt lành

with 2 comments

Tối qua tôi thấy mình say trước, quyết định không về nhà nữa, leo lên tầng ngủ. Thằng chủ nhà đã say trước và đi ngủ trước, vợ con nó thì không có nhà. Tôi leo lên tầng hai nhà nó, kiếm chỗ ngủ, ngó vào một phòng thấy trống và toàn đồ chơi trẻ con, bèn yên tâm đây là chỗ an toàn, ngủ đây không phạm đến ai cả.

Sáu giờ sáng, trong ánh sáng lờ mờ xuyên qua rèm cửa sổ, tôi nhìn sang bên cạnh mình thì thấy một thằng đang nằm. Nhìn khuôn mặt nó, tôi không thể nhận ra nó là thằng nào, thằng Tâm hay thằng Hiệp. Tôi thắc mắc một tí rồi ngủ tiếp. Tám giờ sáng dậy thì biết thằng đó là thằng Hiệp. Thằng chủ nhà, thằng Kỳ cũng đã dậy, đang pha café hay làm cái khỉ gì đấy lạch cạch dưới bếp.

***

Những năm gần đây ít ngồi với nhau. Hôm trước Kỳ nhắn tin facebook cho cả mấy thằng:

– Đcm, các bạn nghĩ sao về lịch bú rượu tất niên cuối tuần này? Đcm.

– Đcm – tôi trả lời ngay tắp lự – tôi cho rằng cuối tuần này là rất hợp lý.

– Đcm các bạn rảnh vãi – Hiệp tiếp – tớ có mặt.

Lát sau Tâm bảo “đcm cuối tuần này luôn đi”, rồi đến Hải cave “kinh b. gì!”

Câu chuyện trao đổi tiếp diễn bằng những từ long lanh nhất của tiếng Việt, theo phong cách đại hiệp Voòng Ngẩu Pín. Những từ ngữ này, nói trong nhóm nhỏ những thằng ngày ngày đi làm luôn phải từ ngữ chuẩn chỉ, thì đem lại niềm vui rất thơ trẻ, quá vui. Nó đem lại sự phấn khích cho bữa rượu sắp tới. Vì tôi cũng có chút chuyện có thể chúc mừng được, nên tôi nhận sẽ mang rượu đến. Là rượu Grappa. Gần đây bọn tôi thích uống với nhau single malt, vang trắng, và nhất là Grappa, thật sang chảnh. Lý do nhiều khi cũng vì thằng Kỳ viết về Grappa hay quá, lại phải paste lại vào đây:

Sau khi uống vài cốc vang trắng sau đấy chuyển qua nàng Grappa thì bạn sẽ có một cảm giác tựa như vừa bước ra một cánh đồng nho từ một quán bar sặc mùi nước hoa của các cô nàng thành thị đỏm dáng đỏng đảnh và buồn tẻ. Ở đấy bạn sẽ gặp nàng Grappa hoang dã đang chổng mông hái nho. Mông nàng căng cũng tựa như nho đang mùa chín tới, mái tóc màu hạt dẻ của nàng lất phất trong gió, qua làn áo mỏng bạn có thể thấy đôi bầu vú nàng ửng hồng, mắt nàng mà xanh ngọc lục bảo đang mỉm cười. Và rồi bạn có thể đi đến nắm tay nàng đến gốc cây sồi già ở ngọn đồi phía trên kia những cách đồng nho, nơi có thể nhìn thấy dòng La Dora đang lượn mình quyến luyến. Bạn sẽ làm tình với nàng ở đấy…

Tôi đến sớm, tức là đến đúng giờ. Thằng chủ nhà đảm đang đã bày biện một mâm đồ ăn nhậu ngon. Hai thằng làm vài lon bia trước. Chúng tôi bỏ vào cái đầu đọc đĩa than của nó một đĩa Tchaikovsky, bản Concerto số 1. Thật quá sang chảnh. Khi bọn kia dần lục tục tới, bắt đầu mới bỏ rượu ra, tôi nói là hôm nay tôi sẽ say sớm trước các ông, quả rồi đúng như thế thật.

Bây giờ bọn chúng tôi chẳng còn trẻ trâu nữa, hết cái thời bàn chuyện cá nhân của nhau rồi lôi ra phân tích này nọ nữa. Toàn nói những chuyện buồn cười. Từ chuyện chém lợn, chuyện săn cá voi, sang chuyện có mấy thằng Mỹ trắng đăng đàn chửi bởi rất hay, chửi chết mẹ mấy thằng mấy con cứ đòi bảo vệ môi trường và bảo vệ trái đất, vì bọn mày chả có tư cách đéo gì bảo vệ trái đất cả, nó lắc một cái là chúng mày bay chết sạch như một đàn bọ chét, đến chuyện thế giới này như nào là do ý thích của hạt cơ bản, đến chuyện bọn Nhật và rồi chuyện cái làng Ma-côn-đô  siêu kinh điển của Marquez, bạn nhậu lớn của tất cả chúng ta… Chúng tôi thống nhất vào 11h ngày hôm sau sẽ đồng loạt online share cái status nhại Marquez của Hải cave, về việc cụ già Menđyakết đã mang đến làng Macondo cái máy sấy quần áo made in China như thế nào. Thế rồi lần lượt từng thằng một say và đi ngủ hoặc đi về nhà.

***

Buổi sáng nay thức dậy trong tiếng nhạc Chopin, ngồi uống café với thằng Hiệp và thằng Kỳ bên gốc cây khế trong nhà nó, chúng tôi lại nhẩn nha nói chuyện. Định là uống cốc café rồi đi, mà câu chuyện nhẩn nha lại giữ chân lại. Thêm một chai vang trắng và một chai vang đỏ nữa, cho mãi đến trưa.

Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm cũ, những người bạn cũ, hoặc những người vô tình xuất hiện thoáng qua trong cuộc đời và không bao giờ gặp lại. Như là một cái thằng tên Bắc, hoặc Sơn, mà mười năm trước làm nhân viên ở quán nhậu Chim Sáo, thường phải ở lại muộn để chờ chúng tôi ngồi nói nhảm với nhau, cuối cùng yêu quý và thích những câu chuyện nhảm của chúng tôi. Thằng đó, vào ngày nó thông báo nghỉ việc, chúng tôi đã mời nó một cuộc nhậu tại quán, tuôn trào vào tai nó những lời chỉ dạy của các đại ca 25 tuổi, thế nào là cuộc đời và cần làm gì với cuộc đời, những thứ mà mười năm qua chính các anh chả làm được cái mẹ gì cả. Sáng nay chúng tôi nói với nhau rằng giá kể kiếm lại được thằng đó thì hay nhỉ.

Các bạn bèn có sáng kiến là tạo một group trên facebook, để đi tìm Bắc Sơn. Không hẳn là tìm chính nó, chính cái thằng đấy. Tìm những điều khác. Hiệp nói, có khi tôi cũng đăng tin tìm kiếm lại thằng Hiệp năm xưa. Tôi nói, có thể tôi đi tìm lại mẹ tôi vào cái thời mà tôi biết chắc bà yêu tôi. Hoặc tôi sẽ đăng tin tìm lại con bé không biết mặt mà một đêm năm xưa nó đã ném giấy từ trên gác xuống chỗ ngồi của tôi và Kỳ, nhờ giải cứu. Bạn Hiệp nói sẽ tạo group, sẽ lấy một câu của tôi “Hà Nội là một thành phố luôn luôn mất đi” và sửa thành “Macondo là một ngôi làng luôn luôn mất đi”. Chúng tôi sẽ đi tìm những niềm vui đã đến và đi ấy.

Sau mười năm, kể từ buổi sáng tết dạo nào ngồi cả sáng ở chè đá vườn hoa Ganhdi, chúng tôi mới lại ba thằng ngồi với nhau nói chuyện lâu như thế. Một buổi sáng ngọt ngào. Thật là tốt lành khi nhậu tất niên với nhau và để tiễn năm cũ theo cách như vậy.

Chúng tôi sẽ đi tìm Bắc Sơn.

Written by Tequila

February 2, 2015 at 12:24 am

Posted in Linh tinh