Teq's Blog

Archive for February 2011

Historia De Un Amor

leave a comment »

 

Chiếc lá vàng theo gió nhẹ rơi, sớm từ biệt với cuộc đời… Than ôi, một tình yêu của tôi đã chết.

Tôi nghe tin khi đang ngồi ăn uống liên hoan với đồng nghiệp. Không bất ngờ, không hẫng hụt, chỉ một cái thở dài nhẹ như một tiếng vọng từ khoảng không xa xôi. Người thày, người bạn, ông cụ già bé nhỏ của tôi, đã chết. Những lời đưa tin qua điện thoại trôi tuột qua tai tôi. Căn gác nhỏ trên phố Nam Ngư sẽ không còn ai ở đó nữa, không còn người bạn già để cho tôi thỉnh thoảng, thỉnh thoảng khi tôi nhớ tới ông, đến gặp.

Người ta thường dạy nhau rằng, khi yêu thương một ai đó, thì hãy nói và hãy làm ngay tất cả những gì có thể, để khỏi hối hận vì cuộc đời rất ngắn. Nhưng ai trong chúng ta có thể làm cho đủ và như thế nào là đủ.

Hôm qua tôi trở về nhà sau chuyến đi, tổng đài gửi tin nhắn có 25 cuộc gọi nhỡ, trong đó có vài số lạ. Tất nhiên tôi không gọi lại cho những số lạ, vì khi cần thì người ta sẽ gọi lại tôi. Và người ta đã gọi lại, báo tin. Người đó là ai, là cháu của cụ, là bà hàng xóm, hay là bà giúp việc một hai tuần đến dọn nhà cho cụ một lần… không quan trọng. Cơ bản là người ta vẫn còn nhìn đến số điện thoại tôi ghi trên tường. Tôi vẫn còn kịp đến dự đám tang vào ngày mai.

Trước Tết, lần cuối cùng tôi đến thăm cụ, cụ uống với tôi một hai ly nếp cẩm còn tôi làm nốt nguyên chai. Hôm đó tôi đã liêng biêng trước khi đến nhà cụ, và chai nếp cẩm lại càng khiến cuộc nói chuyện thêm thân tình, có lẽ đó là lần mà tôi nói chuyện với cụ nhiều và lâu nhất. Sau những lời thăm hỏi là những câu chuyện khác và những hình ảnh khác về sự cô đơn. Sự cô đơn lắng trọng trên từng hạt bụi bám trên những chiếc áo cũ trong căn phòng mờ tối, trên những câu chuyện của ký ức đã quá xa xôi. Một ông già cô đơn không vợ con như cụ, có lẽ ba mươi năm trở lại đây không còn mấy điều đáng gọi là ký ức cuộc đời, phải là những quá khứ xa hơn. Những biến cố rất xa, những tình cảm rất xa, những người đàn bà rất xa.

Và, tôi đã hỏi cụ rằng bây giờ cụ còn muốn đàn bà không. Trước khi trả lời là có, già quá rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn có, cụ bảo ngoài tôi ra không có ai hỏi cụ điều đó. Ông cụ cảm ơn vì đã quan tâm đến cái điều được coi là khoảng tối ấy, rồi giải thích như một kẻ mắc lỗi, rằng chẳng bao giờ người ta hết yêu cái đẹp. (Cái đẹp ư? Dù gì thì người ta cũng cần một tấm áo ngôn từ, cái áo này tuy sai về kích thước kiểu dáng nhưng lại phù hợp cho hai người chúng tôi trong câu chuyện đó). Tôi nói tôi sẽ tìm. Ông cụ hỏi là liệu người ta có chịu không. Tôi nói có. Cả hai, tôi và ông cụ, đều biết rằng cuộc đời không phải như trong tiểu thuyết và sẽ chẳng tìm đâu được ra một con bé Delgadina, một mụ tú bà Rosa Cabarcas, như trong truyện của Marquez.

Cuộc đời thật xôi thịt hơn truyện của Marquez, mà cũng hợp lý hơn, thời gian đã ngừng lại với cụ và tôi không còn có thể thực hiện lời hứa đó nữa. Lời hứa không bao giờ thực hiện ấy sẽ là kỷ niệm cuối cùng của tôi với ông cụ, những lời thật thà đã phải cần quá nhiều từ ngữ bọc lấy mới nói được ra, hai người đàn ông một buổi chiều mùa đông trong căn phòng mờ tối.

Ngày mai tôi sẽ đến đám tang ông cụ. Sự có mặt của tôi không còn quan trọng với cụ nữa, cũng không quan trọng với tôi. Một nén hương, một phong bì phúng viếng, bước chân đi qua quan tài, cúi xuống đối mặt nhau lần cuối, chẳng có ý nghĩa gì đối với hai chúng tôi. Nhưng có người đã gọi điện cho tôi, người ấy muốn tôi đến, người ấy muốn nhớ về cụ như một kẻ không hoàn toàn cô đơn trong những năm tháng cuối đời. Tôi sẽ đến, tôi và cụ sẽ thực hiện nghi lễ trong đám tang, là để cảm ơn người ấy.

Còn giữa chúng tôi, đã có những kỷ niệm.

Hồi còi vang trên sông giục bước người tình ra đi
Để ngày mai in sâu hình bóng của ngày chia li

Written by Tequila

February 28, 2011 at 6:21 pm

Trở lại Moscow 2

with 3 comments

Ảnh trên chụp trên đường đi làm về chiều qua, trời nắng đẹp -22 độ.

Còn bây giờ là gần 3h đêm, ngoài cửa sổ lạnh – 27 độ (nói cho oai chứ tôi đang ngồi trong nhà, cởi trần cũng được). Tôi đã làm việc cả ngày và tối không nghỉ, đến giờ nằm mãi cũng chẳng ngủ được. Như tối qua, mấy thằng kia chơi pocker ồn ã la hét òm tỏi thì tôi lại ngủ ngon. Bây giờ chúng nó ngủ cả đã lâu rồi, yên ắng đến nghe được tiếng đồng hồ đeo tay chạy rích rắc, thì lại không ngủ nổi.

Mấy ngày rồi bận làm quá, không đi lang thang được. Cuối tuần này sẽ lang thang đánh dấu lại những chỗ xưa. Nhưng mà, có nhất thiết hay không? (Mẹ, cái lon bia này đắng vãi đái!)

Tôi cũng không ngờ rằng mình hoà nhập lại nơi này, cả về vị trí địa lý và vị trí tâm hồn, nhanh đến thế. Như thể một cái laptop đang dùng thì gấp xuống, hibernate, 6 năm sau mở lên mọi thứ lại y nguyên. Chủ nhật tôi đi chơi mua đồ mùa đông, mua trong siêu thị ngầm ở trung tâm, rồi bò lên mặt đất đứng hút thuốc. Mở cửa ra thấy mình đứng ngay cạnh vườn Alexandre, trước mặt là Kremli, tuyết bay mòng mòng, trời lạnh tê môi hút thuốc ngon đéo tả. Tôi thấy như là ngày hôm qua mình vừa ở đây. Cảm giác xúc động chỉ là ngày đầu tiên, khi đang đêm tôi nhảy taxi chạy về KTX cũ, gõ cửa căn phòng cũ, đến bên cửa sổ nhìn xuống thùng rác. Cảnh vật mà tôi nhìn ngắm nhiều nhất khi xưa, bên cửa sổ, chính là cái thùng rác. Có lẽ chính cái thùng rác đã kéo tôi lại nơi này, nguyên vẹn.

Cuộc đời là cái vòng tròn mà. Vòng xoáy trôn ốc. Lật nắp con laptop lên, mọi thứ trở lại như xưa, nhưng mà theo một kiểu khác. Ngày trước tôi vật lộn bao nhiêu chỉ để có bánh mỳ và vodka nhét vào mồm, giờ vào quán ăn bữa trưa ngồn ngộn ăn mãi mới hết, thêm cốc bia tươi rồi mà chúng nó vẫn cho mình thêm cốc trà. Ngày trước nói chuyện với thằng Nga lợn rét bỏ mẹ, thằng nào cũng nhìn từ trên xuống mình, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giờ ngồi bàn họp nói chuyện bằng phân, bằng phân cho lịch sự nếu cần trên phân luôn. Mà khi cảm thấy mình bằng phân với chúng nó rồi, đi ra đường bỏ luôn trò nhìn ngó cảnh giác. Thấy thanh niên túm năm tụm ba cũng kệ mẹ đi qua như thường, thấy gái đẹp bèn ngắm.

Tôi thấy lòng nhẹ nhõm, như là đã trả được món nợ với nơi này.

Tôi đã nợ nơi này một thời gian không dài nhưng then chốt của tuổi trẻ tôi. Chính ở đây, tôi đã học được sự tôn trọng. Những ngày đói khát khiến tôi biết tôn trọng những bữa ăn gia đình. Những đêm nằm ngủ trên ba chiếc ghế đẩu của quán internet khiến tôi biết cách chịu đựng vất vả. Những ngày dài đi kiếm ăn mà chẳng được đồng nào khiến tôi biết tôn trọng công việc của mình. Những hiểm nguy đã trải khiến tôi tôn trọng mỗi ngày của mình. Những điều tệ hại đến từ người khác, những vô tâm láo xược khinh bạc bội nghĩa vân vân mà tôi đã làm, khiến tôi không còn phán xét người khác.

Những món nợ ấy khiến tôi cứ mãi mặc cảm Nga lợn. Tôi còn nợ nơi này một lần quay lại. Và bây giờ tôi đã quay lại, tôi trả món nợ của chính mình. Khi mà tôi quay về, tôi sẽ nhớ nơi này như một mảnh đất quen thuộc, chứ không còn nỗi nhớ đau đáu về một mảnh tâm hồn bị mất của mình.

Nhưng tôi vẫn sẽ phải đi vài điểm. Một là đến bảo tàng xem lại bức tranh to đùng mà tôi từng nhiều lần ngồi hàng tiếng để ngắm. Hai là đến bến sông, con sông đóng băng như bây giờ, chào những con vịt của tôi. Hy vọng tôi sẽ gặp được con cháu của những con vịt cổ xanh ngày ấy.

Written by Tequila

February 18, 2011 at 12:45 am

Trở lại Moscow

with one comment

Hình ảnh quen thuộc – những cánh đồng tuyết trắng – hiện ra dưới cánh máy bay. Xuống thấp dần, cảnh vật rõ dần. Rồi khi máy bay từ từ lăn bánh về điểm đỗ, tôi nhìn thấy những bông tuyết li ti vui vẻ táp vào cửa sổ. Tôi im lặng gửi lời chào Moscow, một cách trìu mến, như chào một cô gái, một người yêu cũ nhiều năm mới gặp lại.

Tròn sáu năm để tôi quay lại nơi này.

Moscow đón tiếp tôi đúng theo cách quen thuộc. Những bạn hải quan tốt bụng bắt tôi chờ đợi rõ lâu, rồi mở tung vali của tôi, nghiêm nghị trình bày rồi rút ra giấy phạt. Những thứ tôi mang đi đúng là đáng phạt thật, đáng lẽ cần phải gửi qua bưu điện chứ không phải nhét vào hành lý mang theo. Nhưng tôi tính rồi, tôi là người quen cũ của các bạn mà, tôi biết cách nào nhanh chóng thuận tiện và rẻ tiền hơn bưu điện. Tôi đưa cho bạn một tờ mỹ, rồi đóng gói lại hành lý.

Người yêu cũ của tôi, Moscow mùa đông, ôm chầm lấy tôi ngay sau khi tôi bước ra khỏi cửa ga hàng không. Cái lạnh -15 C quen thuộc ngay lập tức xuyên qua chiếc quần bò, làm tôi cảm giác như mình đang không mặc quần. Tôi vội mặc thêm áo khoác, quấn khăn, rồi lập cập kéo vali chạy ra taxi, người run lập cập vì chân bị lạnh. Nhưng tôi không quên bốc một nắm tuyết, cho lên miệng nếm, tôi đã nhớ tuyết bao lâu rồi.

Xe lao đi vun vút trên đường từ sân bay về. Những gì quen thuộc bắt đầu lần lượt quay trở lại, những biển chỉ đường, những biển hiệu… Về tới chỗ ở, tôi lại cùng mấy thằng kia chạy luôn ra đường, đi mua đồ ăn và vodka. Chân tôi vẫn chưa quên cách đi trên băng trơn, tôi không còn thấy lạnh nữa. Vào siêu thị tôi nhặt lại những gì trước kia tôi vẫn thường nhặt. Rồi khi về, tôi ăn nhiệt tình, uống nhiệt tình. Mới hết 1 chai to là các bạn nhậu của tôi đã say. Chú em của tôi đến. Một giờ đêm, hai thằng chúng tôi ra đường. Chú em của tôi vẫn ở ký túc xá cũ, tôi quyết định về đó thăm, giữa đêm, tôi không thể chờ được nữa.

Ngôi nhà mà tôi đã ở mấy năm trước, không có gì khác xưa. Chỉ có chiếc ghế dài bên kia đường, đối diện cửa ra vào, là không còn. Chú em đưa 50 rúp cho bảo vệ để tôi vào không cần chào hỏi. Tôi đi một vòng các tầng, rồi gõ cửa phòng 316 của tôi. Một cậu người Việt mở cửa cho tôi vào. Căn phòng quá sạch sẽ so với thời tôi còn ở đó. Tôi đến bên cửa sổ, nhìn xuống thùng rác, khung cảnh vẫn như xưa. Ôi khung cửa sổ này, tôi đã đứng đây bao lần, với những niềm vui nho nhỏ và những nỗi buồn dai dẳng. Bao nhiêu điều xưa cũ ùa về khiến tôi run cả người.

Tôi đập cửa phòng Sana nhưng hắn không mở cửa, đã khuya quá rồi. Tôi về phòng chú em, viết vài dòng mail, rồi lại uống vodka, rồi ngủ lúc nào không nhớ. Tôi ngủ đến quá trưa mới dậy, lúc tỉnh dậy chợt không hiểu mình đang ở đâu, rồi nhớ ra vui không tả xiết.

Những bến metro không có gì khác. Tôi qua chỗ làm việc một lát để chào mọi người, rồi lại đi. Mọi thứ đã trở lại với tôi, như là tôi vẫn đang ở đây, hôm qua hôm kia. Chứ không phải là đã 6 năm rồi. Tôi có 2 ngày cuối tuần để đi chơi, trước khi làm việc. Ngày mai tôi sẽ lại tiếp tục đi, đi chào lại tất cả những nơi thân thuộc của tôi.

 

 

Written by Tequila

February 11, 2011 at 8:45 pm