Teq's Blog

Archive for November 2010

Going down the road

with one comment

Tôi ăn tối xong, thực ra là ăn khuya, bận đi đá bóng khuya về mới ăn. Trong nhà còn lại một chai bia, ngồi uống nốt trước khi đi ngủ, mai lên đường đi chơi.

Mai đi mà tối nay con xe trở chứng. Con xe của tôi là một con xe rất tốt và rất lành, nhưng dù sao nó cũng già rồi, thỉnh thoảng cũng trở chứng. Hôm nay nó bị đâu đó ở bugi và dây ga. Nổ mãi mới được, chạy một đoạn lại xịt. May có hàng sửa xe bên đường. Vừa chờ sửa xe tôi vừa nghe chửi. Không phải người ta chửi tôi mà người ta chửi nhau, vì những lý do khác nhau. Bà hàng xóm sang chửi chú thanh niên sửa xe vì khuya rồi mà con xe của tôi do lỗi dây ga nên cứ gào lên. Mẹ chú sửa xe thì lầu bầu chửi một ai đó khác, nội dung liên quan đến một khoản tiền nào mà “tính lãi kiểu l. gì mà ba mươi nghìn một ngày”. Ông bố chú sửa xe thì lầu bầu chửi “vợ với chả con”. Đoạn, ông ngồi im trên chiếc ghế đẩu, im đến cả nửa giờ, mắt nhìn mãi một điểm không xác định. Gương mặt của ông, nếu tôi là một nhiếp ảnh gia có ống kính to như cốc bia, thì tôi sẽ chụp ngay, đó là một gương mặt có thần thái lý tưởng để ra một tấm ảnh đẹp. Gương mặt rất có đường nét, không đẹp không xấu nhưng rất đường nét, lúc này rất buồn bã bế tắc nhưng không rầu rĩ cam chịu, kiểu như là bố mày đã xác định mẹ nó luôn là cuộc sống của bố nó thế, bố sẽ sống đến hết đời chả vấn đề gì. Bên kia đường, một chú thanh niên trắng trẻo ngồi trong Vọng gác Thanh niên của một cơ quan công an, nhìn sang bên này đường, quan sát, giết thời giờ.

Cuối cùng xe cũng sửa xong. Chú thanh niên sửa xe, sửa rất lởm. Nhìn biết là lởm, nhưng thôi tối rồi chạy được về nhà đã, mai sẽ chấn chỉnh lại chút rồi lên đường. Con xe già của tôi hơn năm nay không đi đâu xa. Công tơ mét của nó đang đếm đến hơn 1000km. Nó đã đếm kịch kim, về 0, rồi giờ là hơn 1000km. Nó đã đi biết bao nhiêu đường đất. How many roads must a man walk down – Before you call him a man? – Bob Dyland – The answer is blowin’ in the wind.

***

Mai được chạy xe máy ròng rã mấy ngày, sướng. Không chạy xe máy đi đâu xa, cứ cảm tưởng như mình chẳng đi được đến đâu cả, ngày lại ngày cứ ở văn phòng rồi lại về nhà.

Trong khi, thực ra, năm nay đi nhiều phết.

Đầu năm, sau Tết, là Sài Gòn – Vũng Tàu. Sài Gòn hoa lệ. Nhạc Vũ Thành An.

Một hai tháng sau, lại Sài Gòn. Sài Gòn hoa lệ. Không có nhạc Vũ Thành An. Vặt lông vịt trên bãi cỏ của ngôi biệt thự bên sông.

Một hai tháng sau, Vũ Hán, Khựa. Mấy buổi tối ngồi uống bia vỉa hè bằng những cái cốc nhựa tái sinh bé như cái chén. Tiên sư bọn Khựa.

Một hai tháng sau, Nha Trang – Đà Nẵng. Bạn Báu cả bữa bia chỉ nói về một cuốn sách, bạn nói rất là hay, đến nỗi tốt nhất không nên đọc nữa. Gặp đêm hoa đăng ở Hội An. Uống bia khuya bên bể bơi, sáng ra Cửa Đại tắm biển, rồi tranh lái xe về. Xe ngon chạy rất sướng, sướng quá chạy lúc là buồn ngủ.

Hai ba tháng sau, Maylay và Sing. Chán. Bia bán đắt như chó. Ở Kuala Lumpur uống đôi chai Ken xem một hiệp bóng đá tính ra mấy trăm ngàn. Ở Malacca có khá hơn. Đang đi dạo tối thì mưa, chạy ngay vào cái quán bia nhìn chất nhất Malacca (nhưng vẫn rất lởm), có một em béo và một em gầy hai em đều xấu hát trên sân khấu, các em vừa hát vừa nhìn mình vì có mỗi mình nghe. Ở Sing mấy tối lang thang chả biết làm gì vì chỗ nào cũng tinh tươm mà vô vị, chỉ thích nhất là đứng ngắm cặp mông rất rất đẹp của một bức tượng thạch cao to đặt ngoài phố trước một triển lãm điêu khắc mỹ thuật gì đó.

***

Mai là được đi bằng xe máy rồi. Cuối cùng chỉ có ba thằng đi với nhau. Không sao, một thằng đi còn vui nữa là ba thằng. Cảm giác được nhảy lên xe và chạy, không cần tính trước ăn ở đâu ngủ ở chỗ nào, thật là sướng. Mà cũng vẫn phải tính một chút.

Trưa mai ăn trưa ở Mai Châu. Tối mai đến Sơn La gọi thằng Giang Sơn La uống rượu. Khi uống rượu sẽ tính tiếp.

Written by Tequila

November 29, 2010 at 6:49 pm

guitar 2 – Lịch sử rock và các guitar heroes

with 3 comments

Trước khi nói tiếp về cách chơi guitar gỗ dòng vỉa hè, tôi xin bàn trước một ít về nhạc rock, về cây guitar điện và 108 vị anh hùng Guitar. Tại sao lại chuyển sang chuyện này? Bởi vì không nói về nhạc rock thì không thể hiểu vì sao cây guitar lại là một nhạc cụ đáng say mê trong nền âm nhạc thế giới thế kỷ 20 và cho đến nay cũng vẫn vậy.

Không thể phủ nhận vai trò của rock trong nền âm nhạc thế kỷ 20. Khi nói về nhạc rock thì người ta hay tìm hiểu về các dòng rock: rock cổ, hard rock, metal, heavy metal, deth metal, alternative rock… quá nhiều cách phân loại và ngay cả những dân nghe rock cũng dễ bị chìm nghỉm khi wiki hay google. Theo tôi, lịch sử phát triển nhạc rock là lịch sử phát triển của cây guitar điện.

Thời điểm người ta bắt đầu dùng bộ khuếch đại âm thanh gắn vào cây guitar gỗ để biểu diễn, là thời điểm mà như trong Thủy Hử thì cái lọ thủy tinh được mở nắp và 108 ngôi sao bay ra phát tán lên trời. Thời gian 108 vị anh hùng đó lớn lên từ những đứa trẻ con, là thời gian mà các kỹ sư nghiên cứu phát triển các bộ khuếch đại âm thanh gắn trên guitar. Kỹ thuật làm đàn điện ngày càng phát triển, giới hạn thể hiện của cây guitar điện càng được mở rộng. Đầu tiên chỉ như một cây guitar gỗ kêu to trong dàn nhạc, sau là tiếng đàn được làm cho méo đi thông qua bộ phơ (fuzz), sau nữa là khả năng phát ra những âm thanh ì èo như cưa máy, sau nữa là tiếng gì cũng có hết. Đỉnh cao của kỹ thuật làm đàn điện dẫn đến đỉnh cao của kỹ thuật chơi đàn điện: metal. Đỉnh cao theo nghĩa một dàn nhạc lúc này chỉ còn cần một cây bass một cây guitar core và một cây guitar solo, cộng thêm bộ trống. Ba cây guitar là thành một dàn nhạc hoàn hảo và hùng tráng khiến người ta phê dến vỡ tim.

Sự phát triển của kỹ thuật làm đàn, cộng với tài năng của 108 anh hùng Guitar, đã làm nên nhạc rock của thế kỷ 20. Nếu bạn chịu khó wiki về các ban nhạc rock, nhất là các cây guitar chủ đạo của các ban này, các bạn sẽ thấy những liên hệ như trong Thủy Hử. Năm này anh A gặp học đàn của anh B, rồi gặp anh C ở đâu đó lập thành ban nhạc, kết nạp thêm anh D, sau anh D lại bỏ đi chỗ khác lập ra ban nhạc khác… Ví dụ như trường hợp của Metallica: tay guitar/ca sĩ Hetfield gặp tay trống Ulrich trên báo rao vặt, sau đó kết nạp thêm tay guitar Dave Mustaine và một tay chơi bass. Anh Mustaine sau đó đổ bia lên đàn của anh chơi bass, anh chơi bass bỏ đi. Không lâu sau Hefield và Ulrich bất hòa với Mustaine vì anh này quá bựa. Mustaine bỏ đi, lập nên band metal huyền thoại Megadeth đại diện cho dòng Thrash Metal. Metallica của Hetfield và Ulrich (và Kirk Hammett thế chân Dave Mustaine), với tính cách “ôn hòa”, hướng tới khán giả hơn là cái tôi, làm thương mại tốt cho đến giờ này vẫn làm các live show đông nghẹt khán giả.

Các vị Guitar Heroes tính cách rất khác nhau, chơi nhạc rất khác nhau. Như anh Jimi Hendrix học đàn trong chuồng lợn, thuận tay trái mà lười/không biết đảo dây đàn nên tự chế ra kiểu chơi guitar riêng, bị đuổi khỏi ban nhạc đầu tiên vì tự dưng làm luôn 20 phút solo, sau anh chả thèm chơi với anh nào, lập band riêng cứ một mình đứng oánh cho sướng. Đến trẻ trung đời cuối như anh Kirt Cobain, luôn ước ao mình là thằng đồng tính mà không được, lập band Nirvana, trong band có thằng bạn đánh bass khi biểu diễn cứ nhảy tưng tưng như thằng dở người. Sân khấu nhạc rock có cả những anh chàng công tử lịch lãm như Eric Clapton cho đến những con bệnh như anh Ozzy, mỗi người mỗi vẻ kể không bao giờ hết.

Nhạc rock, trống đánh nặng tay hết cỡ, bass hùng tráng hết cỡ, và tiếng kim loại chói lói của cây guitar solo… là thứ âm nhạc thể hiện tận cùng cảm xúc của giới trẻ. Bọn hâm hay gọi rock là thứ âm nhạc nổi loạn. Thực ra các anh không hề nổi loạn, các anh chỉ không chịu được cái giữa chừng. Đã buồn là buồn hết cỡ, buồn vãi đái, đã vui là vui phát điên. Cây guitar điện của các anh mà mô tả tình yêu thì chỉ thích hai thái cực, khoái cảm tột bực hoặc đau khổ chết thôi, những cung bậc ở giữa để bọn Jazz, Pop, Country thể hiện. Xem video một buổi biểu diễn nhạc pop của anh Julio Iglesias thì thể thấy anh Julio có thể lấy nước mắt của các mẹ. Nhưng xem các anh Guitar Heroes biểu diễn thì thấy các anh có thể cởi được áo lót của các cô gái. Hình ảnh một cô gái trẻ ngồi trên vai người yêu, nghe đoạn solo phê quá bèn cởi áo ngực ra vẫy, là hình ảnh hùng tráng thể hiện quyền lực của cây guitar điện trong tay các anh.

Nhạc rock và metal đã đi đến tận cùng. Các vị anh hùng guitar, nhiều anh đã chết, các anh còn sống thì đã già. Già các anh chơi kiểu già, không phô diễn kỹ thuật, thậm chí chơi đơn giản như người mới chơi đàn. Nhưng nghe tiếng đàn của các anh người ta vẫn thấy ánh sáng của tuổi trẻ các anh và bạn bè các anh. Tiếng guitar của các anh giờ đây nhẹ nhàng như lời kể chuyện. Chuyện kể rằng các anh đã đưa tiếng guitar đến mọi nhà, các anh là những nhà truyền giáo đã đưa tình yêu cây guitar đến mọi ngóc ngách của trái đất. Kể rằng giờ đây khi đưa một cây guitar cho một cậu trai, hướng dẫn cậu ấy một vài kỹ thuật và dạy cậu chơi một vài đoạn nhỏ của các anh, tức là đã dẫn cậu ấy đến với miền đất của các anh và bạn bè các anh, miền đất mà đã từng đến sẽ không bao giờ quên được.

Written by Tequila

November 9, 2010 at 6:45 pm

Guitar 1

with 2 comments

(Nhân đọc seri Guitar bên blog bạn Hiệp, tôi cũng bắt chước. Xin trình bày rằng chuyên môn về guitar của tôi theo một môn phái khác với các bạn chơi guitar chính thống, tạm gọi là Môn phái guitar vỉa hè).

Guitar là một nhạc cụ rất phổ biến, google hoặc wiki là ra nhiều thông tin về lịch sử và phân loại đàn guitar. Nhưng đơn giản thì người ta phân guitar thành hai loại cơ bản, guitar điện và guitar gỗ. Guitar điện nói sau, nói guitar gỗ trước. Guitar gỗ thì được phân thành hai loại chính là guitar Việt Nam và guitar ngoại.

Cách phân loại guitar gỗ như trên rất phổ biến ở Hà Nội những năm cuối 90. Guitar ngoại hiếm và đắt, trừ sinh viên trường nhạc và bọn con nhà ra, thì những thằng chơi guitar vỉa hè tuyệt nhiên không biết đến guitar ngoại. Guitar Việt Nam thì ai cũng có quyền sở hữu, phân loại Guitar Việt Nam thì phân theo mức giá: loại 300k, loại 200k, loại 70k… cá biệt có những con guitar chỉ 20-30k. Thông thường anh em ta hồi đó chơi loại 200k là hoành tráng, còn hầu hết là loại đàn vô giá do xin được cây cũ về đem sửa.

Sở hữu một con guitar Việt Nam, ta sẽ biết rất nhiều về cây đàn guitar. Thế nào là phím bị tẹt (phím tẹt chia làm 2 loại là phím tẹt những vẫn kêu được và phím tẹt hẳn không kêu), thế nào là phím lệch, thế nào là cần cong thế nào là cần thẳng, thế nào là ngựa đàn cao thế nào là ngựa đàn thấp (ngựa cao thì lấy dũa mài bớt còn ngựa thấp thì ta cần chèn thêm một thanh thép cho cao) vân vân… Một con đàn guitar chơi được, tức là tập hợp các lỗi của nó nằm ở mức chấp nhận được: phím tẹt một số chỗ ko quá quan trọng, dây hơi cao nhưng không đến nỗi quá đau tay, tiếng hơi phô ở mức nghe tinh thì mới biết. Vì thế, một tay chơi guitar Việt Nam kinh nghiệm thường được bạn bè nhờ đi chọn đàn. Cách chọn đàn khác hẳn cách chọn đàn ngày nay, hồi ấy chọn đàn có nghĩa là đánh giá các lỗi chi tiết và cho điểm tổng thể con đàn. Cuối cùng, giữa các con đàn coi là được, thì đánh thử con nào kêu to hơn ta lấy. Kêu to là tiêu chí quyết định. Bởi nếu thợ làm đàn làm cẩn thận, thì hạn chế được tương đối các lỗi. Riêng kêu to hay kêu bé thì thợ đàn Việt Nam tuyệt nhiên không làm chủ được, không hiểu sao!

Còn có thể phân loại chi tiết hơn là guitar dây sắt hay guitar dây nilon. Nhưng cách phân loại này không phổ biến, do đàn Việt Nam mà căng dây nilon thì khi đánh lên chỉ nghe thì thầm dịu êm như gió. Dây nilon chủ yếu chỉ căng cho đàn ngoại. Còn đàn Việt Nam, chơi quạt chả đệm hát hay chơi cổ điển, đều trên dây sắt.

Đàn guitar Việt Nam, với những tính chất nêu trên, có tính cá thể rất cao. Một con guitar Việt Nam là riêng, là duy nhất. Khi bạn sở hữu một con guitar Việt Nam tức là bạn có một thứ không ai khác có. Nói không ngoa, con guitar mà bạn sở hữu sẽ quyết định cách chơi đàn của bạn. (Nhân điểm này, tớ phỏng đoán rằng bạn Hiệp phò ngày xưa tập chơi đàn trên những cây guitar Việt Nam dây cao và đánh khá đau tay. Vì vậy cho đến nay bạn quạt chả hay chạy ngón đều hơi chặt tay và vì thế hơi thiếu mềm mại. Còn tớ, với năng khiếu trời phú, nếu cầm đàn lần đầu tiên mà đã được sờ vào con Yamaha thì giờ này chắc kỹ thuật đủ để chơi cover hết nhạc của Eric Clapton hay Mark Knopfler. Vấn đề khác biệt giữa anh em ta và bọn Eric, Mark… hị hị chỉ có vậy thôi).

Phải nói rằng, mặc dù guitar Việt Nam có nhiều phẩm chất quý báu như vậy, nhưng 100% các tay guitar vỉa hè khi đã có trong tay guitar ngoại thì chia tay luôn guitar Việt Nam. Guitar ngoại tiếng tốt dễ chơi và nói chung không có gì để chê cả. Thỉnh thoảng các tay guitar vỉa hè gặp được con guitar Việt Nam ở đâu đó, cũng chơi gọi là chào người cũ, nhưng khó lòng chơi lại được như xưa. Thôi thì mỗi thời kỳ mỗi khác.

Không rõ anh em sinh viên hiện nay đã nhiều người chơi guitar ngoại chưa. Nhưng tôi vẫn thấy ở Bách Khoa có ông già bán đàn guitar Việt Nam ở cổng ký túc, nên chắc chắn guitar Việt Nam vẫn có sức sống mãnh liệt. Giờ này, có lẽ đàn rẻ nhất là 500k, và có lẽ cũng ít lỗi hơn đàn hồi xưa. Chắc chơi cũng được không mất công chọn lựa nhiều lắm. Dù sao từ thời tôi sinh viên đến giờ đã 10 năm, mà nước mình phát triển tuyền 7-8-9%/năm, công nghệ làm đàn chắc cũng hơn trước nhiều rồi.

Written by Tequila

November 9, 2010 at 10:03 am