Teq's Blog

Archive for the ‘Âm nhạc – Phim ảnh – Vẽ vời’ Category

Một ngày đẹp trời–Bohemian Rhapsodi

with 3 comments

Buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock “VIET s NAMi”

Ngày 23 tháng 11 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (TTKH&VH Nga) đã diễn ra buổi biểu diễn của ban nhạc Việt Nam “VIET s NAMi”. Đây là buổi biểu diễn thứ ba của ban nhạc này trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Văn hóa Nga.
Tham dự sự kiện này có Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga tại VN K.V.Vnukov, các nhà ngoại giao Nga khác và vị đứng đầu sứ mệnh ngoại giao cũng như đại diện khác của Kazakhstan và Azerbaidzhan, Trưởng cơ quan đại diện thương mại Nga tại VN V.Kharinov, Giám đốc TTKH&VH Nga tại Hà Nội N.Shafinskaya, các vị lãnh đạo và cán bộ, nhân viên các văn phòng đại diện các công ty Nga được giao đặc nhiệm tại Việt Nam đã tham gia sự kiện này. Tham dự sự kiện này còn có Giám đốc dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, bố ca sĩ chính của ban nhạc Nguyễn Hoàng Việt đã được long trọng trao tặng quà lưu niệm từ Nga vì gia đình của ông đã có nhiều công lao phổ biến nghệ thuật âm nhạc Nga tại Việt Nam.
Đặc biệt, trước khi buổi biểu diễn bắt đầu Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga tại VN K.V.Vnukov thay mặt Ban tổ chức của hoạt động quốc tế “Binh đoàn bất tử” đã trao bằng khen cho Giám đốc TTKH&VH Nga tại Hà Nội N.Shafinskaya.
Màn trình diễn của các ca sĩ Nguyễn Hoàng Việt và Igor Milyaev gồm các sáng tác của các ban nhạc Nga nổi tiếng: “Kino”, “DDT”, “Chayf”, “Chizh và Co”, Bi-2 và các nhạc phẩm khác. So với thời gian đã biểu diễn tại TTKHVH Nga vào năm 2015 ban nhạc đã nâng cao trình độ biểu diễn, mở rộng danh sách các bài hát và buổi biểu diễn của họ theo truyền thống đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng nói tiếng Nga và nhận được những lời nhận xét tốt nhất của khán giả.
Tham dự sự kiện này có hơn 150 người.

46516246_10215695206006921_2883919098717143040_o

Trên đây là những dòng thông báo trên fanpage của Trung tâm Văn hóa Nga tại Hà Nội, đăng vào lúc 23h ngày hôm qua 23/11/2018. “Nâng cao trình độ biểu diễn, …nhận được những lời nhận xét tốt nhất của khán giả”. Khoác cái đàn xuống khỏi sân khấu, đi qua sảnh Trung tâm, tôi thấy thằng Việt đang được bao quanh bởi một đám Nga, bắt tay, ôm hôn, họ nói với Việt những từ như “rất hay” “rất cảm ơn” “xuất sắc”… Tôi bước ra ngoài đứng với vợ con và các bạn, hít khí trời. Sáu năm trước, vào năm 2012, Việt với tôi cũng có một buổi diễn như thế này, và tôi buồn vì buổi diễn lần đó suốt 6 năm. Hồi đó tôi đã có một buổi diễn tệ hại, dù vẫn có tiếng vỗ tay (người ta dành cho Việt, một người hát tiếng Nga rất hay). Các bạn tôi khi ấy ngồi dưới ghế khán giả, kể lại, người ta lắc đầu rất nhiều vì những câu đàn của tôi, những câu tôi đánh ra thì quá chán và tôi bỏ hầu như hết những câu đàn hay mà người ta muốn nghe trong những bài hát mà họ rất thuộc. Tôi đã nghĩ mình sẽ không lên sân khấu thêm một lần nào nữa.

Buổi diễn năm 2015 của Việt, tôi không tham gia. Lần này, Việt lại gọi tôi. Em muốn anh chơi với em lần này, cùng với anh Nam và anh Tuấn, là những người anh hai mươi năm của em. Tôi nhận lời.

***

Một tối Việt gọi cho tôi ra quán gần nhà, uống rượu, để làm quen với anh Nam. Anh Nam người thấp nhỏ, thích uống rượu, tình cảm và cô đơn. Càng về sau tôi càng thấy anh ấy giống với ông thầy giáo già dạy nhạc của tôi năm xưa. Giống về lối sống, về kiểu sống một mình chẳng có vợ con, về nét cô đơn và sự tình cảm. Nhưng có thứ khác rất cơ bản, anh Nam là một người chuyên nghiệp, rất quyết liệt không chấp nhận sự nửa vời trong âm nhạc. Anh Nam là tay trống số 1 của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia.

Anh nói với tôi trong bữa rượu ấy, chơi nhạc với nhau quan trọng nhất là thấy nhau ok. Anh thấy mày ok, tự anh thấy chứ không phải vì thằng Việt nó nói. Có thể mai anh không thấy thế nữa, nhưng hôm nay anh nghĩ mày có thể chơi được. Đừng lo gì về âm nhạc, không đánh được bọn anh sẽ dạy, câu quá khó bọn anh sẽ chỉ cách xử lý, quan trọng là tinh thần và tình yêu.

Anh Nam đã làm đúng như thế. Buổi tập đầu tiên, tôi chẳng đánh được câu nào, kể cả những câu ở bài quen mà mình đã thuộc lòng. “Ông nhìn cái tay nó co quắp thế kia thì đánh thế đéo nào được” – anh Tuấn mặt ma nói. Thôi bây giờ thế này, anh Nam bảo, mày đến nhà anh Tuấn học đàn đi, học ngay những bài mình sẽ chơi này này. Vì Việt, vì anh Nam nói, mà tại bữa bia sau buổi tập, anh Tuấn mặt ma nhận dạy tôi, và sẽ đưa đàn cho tôi để đánh trong buổi biểu diễn. Uống bia xong, anh Nam còn dẫn tôi đi mua “máy”, tức là ampli để đánh đàn. “Muốn chơi được nhạc, phải có nhạc cụ và công cụ tốt đã”, rồi về sau anh Nam nói thêm “hôm đấy tao muốn thử xem mày có thật sự muốn chơi nhạc không, có thật sự muốn đầu tư cho nó không, tao thấy là mày cầu tiến, được!”.

Ở các buổi tập sau đó, tôi ăn chửi liên miên. Nghe chửi thì là chuyên môn có thâm niên của tôi rồi, từ khi 15 tuổi ra chợ giời nghe chửi để học cách sửa headphone. Ai chả thích được khen, nhưng được nghe chửi thì rất có lợi. Chửi sai thì bỏ qua, chửi đúng thì phải nuốt lấy từng lời. Mà phân biệt đâu là chửi đúng đâu là chửi sai thì quá dễ rồi. Tôi có ra cái gì đâu, chưa bao giờ làm được cái gì ra hồn cả. Về cơ bản có người chửi là đúng mẹ luôn, chỉ là người ta có hạ cố mà chửi mình hay không. Sau mỗi buổi tập anh Nam đều bảo, trong lúc tập luyện bọn anh có nói gì quá lời thì mày đừng để bụng, là vì công việc chung thôi. Tôi bảo được các anh chửi là quyền lợi của em, các anh cứ mắng thoải mái, em sợ em không làm được mà thôi.

***

Và nhờ anh Tuấn mà tôi có được cây đàn của tôi. Anh nói, tao sẽ đưa đàn của tao cho mày tập và diễn, chứ tao không bán, bao tiền tao cũng không bán.

Tôi đến nhà anh để học đàn. Hôm đó là một ngày đẹp trời sao đó của anh ấy. Anh thuyết giảng cho tôi về đàn và về cây đàn. Nhà anh có nhiều đàn nhưng cây guitar điện Nhật hãng Gregco đó là cây xấu xí vô cùng. Thiết kế thì đã xấu rồi, lại còn trải qua bao nhiêu năm tháng, trầy chóc loang lổ. Nhưng nó là một cây đàn thật hay, cái đàn thì cần hay chứ đâu cần đẹp. Đàn nó có linh hồn đấy, anh Tuấn nói. Đây là một cây đàn được làm ra từ cái thời mà người ta làm đàn thủ công, bằng tay, chứ không phải kiểu đàn bây giờ cắm súc gỗ vào máy CNC hai phút sau nó phọt ra cái đàn. Cái gì được người thợ chăm chút làm ra từ đôi tay mình, anh nói, nó khác với máy móc làm ra. Mày nuôi một con cá cảnh thôi, nếu mày đặt sự quan tâm và chăm chút của mình cho nó, thì con cá nó bơi cũng khác. Tao mua cái đàn này từ một thằng Malay, cái đàn ở đây với tao được gần 20 năm rồi, tao không thể biết được thoạt tiên thì ai là chủ nó, một tay nghiệp dư hay là cao thủ. Nhưng cái tiếng nó hay như thế này thì tao nghĩ nó đã qua tay nhiều cao thủ. Đàn khác đéo xe máy, cái xe cùng chủng loại nhưng rơi vào hai thằng chủ khác nhau thì sau một số năm hai cái xe sẽ khác nhau. Người chơi có công lực tốt, thì qua thời gian gỗ trên đàn, phím đàn, pickup sẽ có những biến đổi nhất định. Cây đàn này không hề thua kém bất cứ một cây đàn xịn, mới, trị giá nhiều nghìn đô.

Rồi vì hôm đó là một ngày đẹp trời sao đó của anh ấy, rồi có thể vì tôi ôm cái đàn trong lòng mà ngắm nghía từng chi tiết nhỏ nhất của nó với sự ngưỡng mộ và trân trọng, anh nói “tao không bán đâu, nhưng nếu có duyên thì vẫn có cách để có nó”. Lát sau anh lại nói, cái duyên ấy là gì, là yêu nó thì có thể có được nó, mà phải thật sự yêu. Rồi cuối cùng anh nói, thôi nếu mày làm được hai điều này, đàn sẽ là của mày. Điều gì anh? Một là yêu nó, hai là khi hết yêu thì trả lại cho anh. Chứ tao đưa mày, rồi mấy năm sau hỏi lại mà mày bảo mày bán rồi, thì tao thề là tao sẽ tìm đến tận nhà mày đánh mày.

Cuối buổi học hôm ấy, tôi khoác cái đàn lên vai. Anh mới giật mình “ơ thế mày định cầm luôn đấy à”. Vâng, thì ít nhất là em mượn để tập. Ôi cái đàn này 20 năm nay nó chưa bao giờ đi ra khỏi nhà tao. Xong thì gục gặc đầu, thôi mày cầm về đi, có khi nó có duyên với mày thật. Tao sẽ đưa mày một cái giá vừa phải, để bọn nó không bảo tao bán đàn cũ mà đắt thế, nhưng nó cũng phải ở một mức giá nhất định để mày biết tôn trọng, bất cứ lúc nào mà mày chán nó trả lại tao thì tao trả lại mày tiền. Hôm sau anh nhắn tin “yêu nó, không được bán nó, thì giá của nó là …”. Tôi phải chớp cơ hội luôn, tôi yêu cái đàn xấu xí đó. Tôi đã lục lọi khắp internet, eBay, chỉ thấy một cái đàn gần giống. Gần giống thôi, cái đàn được rao bán trên eBay là cùng chủng loại, nhưng còn kém hơn một cái pickup (dòng này nhiều cây được sản xuất riêng cho người đặt hàng), cái đàn kém hơn đấy được người ta rao bán cao gấp gần 3 lần mức giá mà anh để cho tôi. Tôi không tin eBay, nhưng tôi tin một cái đàn được một cao thủ như anh Tuấn giữ trong nhà từng ấy năm thì ắt có giá trị, và tôi tin vào bản thân mình và tai nghe của mình khi cắm nó vào ampli và chơi nó.

“mày đừng có phân biệt mày là nghiệp dư, tao đéo muốn nghe cái từ nghiệp dư, đã lên sân khấu là bằng nhau hết, âm nhạc nó là hòa thanh của tất cả”.

***

Ngày diễn tới, buổi trưa chúng tôi đến nơi biểu diễn để căn chỉnh âm thanh, thử đàn, và duyệt một lượt các bài. Tôi trở nên bị áp lực và thiếu tự tin đến nỗi không thể đánh được câu nào cho đúng, không thể vào được nhịp nào cho đúng. Tôi thất vọng vô cùng, nhớ lại buổi diễn thất bại 6 năm trước, không biết làm thế nào nữa. Phần của tôi là những câu dẫn, những câu solo, cần to rõ ràng chứ không thể trốn đi đâu được. Tôi sẽ gây thảm họa nếu đánh sai những câu quan trọng ấy, sẽ hỏng luôn bài hát. Hỏng một bài tôi sẽ đánh hỏng cả chương trình. Mà chương trình có tới 14 bài. Anh Tuấn mắng tôi thậm tệ, anh Nam thì không nói gì vì không muốn gây thêm áp lực cho tôi.

Tôi trở về nhà trong tâm trạng nặng nề, thôi xong rồi, xong mẹ con ong. Tôi sẽ làm hỏng việc của thằng em Việt. Nó đã tin tưởng tôi, bản thân nó đã chịu rất nhiều áp lực mà trước giờ diễn còn phải nhìn thấy phong độ tệ hại hứa hẹn thất bại hoàn toàn. Buổi diễn lần này lại không giống những buổi trước. TTVN Nga, vì lý do nào đó, đã mời toàn VIP. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga sẽ đến nghe, đại sứ Kazakhstan và đại sứ Azerbaidzhan cũng đến,… sẽ thế nào nếu tôi làm hỏng. Tôi không hề bị áp lực bởi khán giả, đó là thế mạnh duy nhất của tôi. Nhưng tôi bị áp lực bởi Việt, và nhất là bị áp lực bởi hai sư phụ. Các ông ấy đã tốn bao nhiêu công lao dành cho tôi, đã bỏ nhiều tiếng đồng hồ để luyện cho tôi. Trình các ông ấy thì chỉ cần 1 buổi tập là xong chương trình, toàn bộ thời gian và lo lắng là đều vì tôi cả. Thế mà tôi đang làm gì thế này, không thể đánh đúng được bất cứ câu nào, trời ơi.

Vợ con tôi, em trai tôi và hầu hết các bạn thân nhất của tôi đều đến nghe, nhưng họ cũng không làm tôi tự tin lên được, họ sẽ được chứng kiến sự thất bại thảm hại của tôi mà thôi. Việt cũng cực kỳ căng thẳng. Chỉ có anh Tuấn mặt ma là cười với tôi, ông ấy có một kiểu chửi như tát nước và cũng có một kiểu động viên bằng nụ cười tươi tắn. Anh Nam thì không cười, nhưng bảo tôi “chúng ta đã tập rất vất vả và rất kỹ lưỡng, thôi giờ đừng quá lo em ạ, lên sân khấu thôi, khán giả họ phê lên thì mình cũng sẽ phê theo thôi, sẽ hay, tin anh”. Tôi làm sao tin anh được, tôi thấy mình quên sạch mọi thứ cần phải chơi. Nghe lời Việt, tôi tìm một ly whisky trong tiệc nhẹ trước lúc lên sân khấu. Thằng Igor hát 5 bài đầu tiên, với một tay guitar bán chuyên của nó, cùng các sư phụ. Ban nhạc đánh chính xác và hay. Còn tôi và Việt đứng dưới, chờ đến lúc lên thớt, cả hai cùng căng thẳng và không thể nào khỏa lấp đi được không biết cách nào để động viên nhau.

Rồi cũng đến lúc phải lên sân khấu. Tôi bước lên, cắm đàn của mình vào, thử tiếng, so lại dây. Các sư phụ không nhìn tôi, không động viên nữa, giờ là lúc chiến đấu. Tôi không thấy sợ gì đám khán giả bên dưới, đó vẫn là thế mạnh của tôi. Tôi chỉ biết là tôi sẽ làm hỏng chương trình. Rồi tôi nhìn xuống sân khấu, vợ tôi hiểu tôi không có tí tự tin nào, nàng cười với tôi để động viên. Rồi nhìn sang thằng con trai, nó chả quan tâm đến việc tôi sẽ đánh hay dở thế nào. Rồi nhìn sang đứa con gái, con bé cười với tôi, hóng chờ tôi chơi. Có lần tôi cho nó nghe thử một bản nhạc mà ban nhạc quần đùi của tôi và các bạn chơi, nó nghe hết bài rồi bảo “sao bố không lên sân khấu biểu diễn cho nhiều người vỗ tay’”. Tôi nhận lời Việt chơi chương trình này trước hết là vì nó, tôi muốn nó thấy tôi trên sân khấu. Và giờ tôi đang làm thế đây. Bố mày sẽ chơi cho mày nghe, con gái, hay dở sao cũng được. Tôi liếc nhìn các bạn mình, họ đến đây để nghe tôi chơi trên sân khấu, tôi sẽ chơi cho các bạn nghe. Nếu thất bại, thì chúng ta vẫn cứ chơi nhạc với nhau và uống rượu với nhau cơ mà. Lạ thay sau đó tôi tập trung được trở lại, tôi nhớ lại được những câu mà mình sẽ phải chơi ở bản đầu tiên.

Bản đầu tiên trong phần của tôi và Việt, chỉ có 2 anh em trên sân khấu. Trống bass và keyboard đều ra cánh gà. Việt chọn bài này để mở màn, ý của nó là bài này dành cho hai anh em mình, tình bạn của chúng ta.

Những hợp âm đầu tiên của Việt vang lên, rồi bốn câu hát, rồi đến phần tôi. Tôi đánh câu của mình, không sai, có những cái đầu đung đưa của khán giả. Tôi liếc nhìn vào cánh gà, anh Tuấn đang đứng nhìn ra, anh cười với tôi, gật gù. Anh quá lo cho tôi và tìm mọi cách có thể để động viên tôi. Tôi đang chơi bản nhạc đầu tiên đó suôn sẻ, dù câu đàn chỉ đúng chứ chưa hay. Tôi còn rất căng thẳng. Bản nhạc có tên là Mùa thu cuối cùng. Tôi bắt đầu rời bỏ khán phòng này, tôi nghĩ về mùa thu với những cánh rừng vàng rực ở Moscow năm xưa, nơi mà chúng tôi nướng thịt ăn nhậu, nhớ về căn phòng 316 ở KTX, mà tôi đã lần đầu tiên được thằng Việt hát cho nghe bản này, tôi đã nhớ lại hết giai điệu của nó. Kết thúc bài hát, tiếng vỗ tay vang lên, dù còn ngập ngừng thưa thớt. Tôi nhìn vợ mình, nàng giơ ngón tay cái “anh đã chơi tốt đấy”. Và niềm tin đã quay trở lại.

Các sư phụ và anh keyboard đã ra trở lại sân khấu. Bài này phần tôi không quá nặng, tôi trốn được sau các sư phụ. Nhưng tôi đã hoàn toàn tập trung, tôi nhớ hết cấu trúc của bài, các hợp âm, tôi bắt đầu chơi theo một cách mà tôi chưa từng chơi khi tập luyện. Tôi thả những câu tỉa, tôi đánh thêm những nốt màu sắc, rất chân phương thôi, nhưng nó là cái màu mà vì thế tôi thích bài hát này, bài hát Metel, Cơn Bão. Bài hát thành công, tôi đánh tốt, không sai, duy có một lần anh Tuấn phải vừa đánh vừa quay sang nhắc, đánh to quá. Tôi nhớ ra việc kiểm soát âm lượng. Ban nhạc là một tổng hòa, anh Nam vẫn thường nhắc đi nhắc lại với tôi, không phải cứ thằng nào thằng nấy giã ầm ầm, phải nghe thấy cái tiếng chung.

Bài thứ ba bắt đầu, anh Tuấn mở màn trước. Câu đó đáng lẽ là của tôi, nhưng vì tôi đánh tệ quá nên đành nhờ anh Tuấn đánh hộ. Tôi lấy làm tiếc vì tôi đã nhờ anh, lúc này tôi cảm thấy tôi có thể đánh được nó. Bài hát cũng rất tốt, hết bài khán giả vỗ tay rào rào.

Bài thứ tư, lại là một thử thách của tôi. Hầu như toàn bài là tôi phải tỉa những câu rất hay của nó, trống bass chỉ vào ở lúc gần cuối. Vòng hợp âm intro của Việt kết thúc, đến phần tôi. Tôi bắt đầu đánh những nốt nhạc đẹp đẽ đó. Và khán giả vỗ tay, có người hú lên, là dành cho câu đàn của tôi, của chính tôi. Họ tán thưởng tôi, trời ơi, vào đúng khoảnh khắc đó, tôi biết mình sẽ không làm hỏng việc, tôi sẽ chơi tốt chương trình này. Từng câu một được thả vào chính xác, có âm hưởng, có tình cảm, có vodka và tuyết của những năm xưa chúng tôi. Đoạn cao trào kết thúc, trống bass vào rồi ngừng lại. Đến câu kết của tôi, một câu mà tôi chưa bao giờ đánh được chính xác khi tập. Nó vẫn phải vang lên, và cùng với nó là tiếng vỗ tay và hút hét tán thưởng của khán giả. Họ nghe được cái câu đẹp đẽ mà họ chờ đợi, vì bài hát quá nổi tiếng. Câu đàn được chơi đẹp, và chính xác tuyệt đối, điều mà tôi không làm được khi tập. Trong tiếng vỗ tay, tôi thở đến phù một cái.

Những bài sau đó, tôi chơi tốt, dù có những đoạn hơi phô do sai dây. Tôi đã quên mất duy nhất một điều anh Nam dặn, là thay bộ dây đàn mới trước khi biểu diễn. Tôi đã đánh được hết những bài mà khi tập luôn sai, luôn hỏng.

Bài gần cuối, Sau Tất cả, Việt chơi một mình gần như toàn bài, rồi sau đó band vào. Trong âm thanh mạnh mẽ, rõ nét, khán giả vỗ tay theo nhịp. Rồi anh Tuấn chạy một màn solo bass rất tuyệt vời. Sau đó đến lượt anh Nam làm một màn solo trống cực kỳ đẳng cấp của một tay trống dàn nhạc giao hưởng quốc gia. Khán giả vỗ tay không ngớt.

Hai bài cuối lại đến phần của tôi là chính, sẽ phải nổi bật. Đây là hai bài tôi thích nhất, và tôi thuộc nhất. Mọi người trong band nhạc đều đã thở phào. Hai bài này thì tôi đánh rất được, các sư phụ đã nhận xét như thế trong lúc tập. Và sự thể đã diễn ra như thế, hai bài tôi chơi đều hay, xuất sắc hơn nhiều lúc tập. Khán giả tán thưởng tôi. Tôi đã làm đúng được như anh Nam yêu cầu. “cái câu này, cái bài này tao đéo hiểu lời nhưng mà nó rất xa vắng, cô đơn, kết câu intro phải như một dáng người xa xa bước khuất dần đi trong rừng tuyết. mày phải đánh nó ra như thế”.

Khán giả vỗ tay rầm rập, đòi thêm nữa, thêm nữa. Nhưng chương trình đã hết rồi. Tôi hạnh phúc và tự hào. Cái mặt tôi trên sân khấu vẫn khổ sở, tay đàn của tôi vẫn vụng về. Nhưng tôi đã làm được cao hơn khả năng của mình, vào đúng lúc cần, và trong áp lực cao nhất.

***

Đêm trước diễn, ngồi đá bia sau giờ tập, Việt nói với tôi. Em biết anh từ khi em mới có 15 – 16 tuổi, em như tờ giấy trắng, anh là người viết lên tờ giấy ấy những dòng đầu tiên, thế mà anh chẳng bao giờ để tâm đến em. Lần này em muốn anh chơi cùng em, cùng với anh Nam và anh Tuấn, là những người anh thân thiết nhất, ảnh hưởng đến em nhiều nhất, và em yêu quý nhất.

Sau giờ diễn, sau khi đã thành công, ngồi bia, Việt nói với anh Nam: anh đã hiểu sao mà em cứ phải bắt anh Đức chơi chương trình này chưa, anh ấy chơi đàn nghiệp dư nhưng mà có cái tâm hồn để chơi nhạc này. Anh Nam quay sang nói với bố Việt, ông giám đốc của Dàn nhạc giao hưởng: “Cái nhạc Nga này nó quá hay, nhưng người ta làm theo cách tối giản, cực kỳ tinh tế nhưng cực kỳ đơn giản hiệu quả, tôi nói cho anh nghe là nhiều thằng chuyên nghiệp sẽ không đánh được nhạc Nga như thằng Đức này. Nó không có kỹ thuật tốt nhưng nó có tình cảm, nó đã biết tuyết và vodka”. Bố Việt nói với tôi, chúc mừng cháu, chơi tốt, nhưng sẽ hay hơn nếu biết chủ động hơn nữa. Việt nói “anh Tuấn có thể dạy anh câu đàn, nhưng chương trình này anh Nam mới là thầy tốt của anh, dạy anh thế nào là âm nhạc”. Ờ, đúng thế rồi, sư phụ Nam đã dạy cho anh rất nhiều thứ quý giá. Nhịp, kiểm soát âm lượng, âm sắc, dỏng tai lên mà nghe các bè khác và tìm lấy điểm cân bằng, chơi câu phải thật rõ ràng nhưng phải tình cảm và có không gian.

Cần nói thêm là anh Nam chơi guitar cũng cực hay. Trước đêm diễn một đêm, tập đàn từ 2h chiều đến 11h đêm, Việt quá mệt nên về luôn. Tôi đi uống rượu cùng sư phụ Nam đến rất khuya. Chúng tôi ngồi một bar nhỏ ở Bảo Khánh, tôi gọi whisky để mời sư phụ.

– Đức, anh thấy mày là người có nhiều uẩn khúc ở trong lòng, mày vừa tự tin vừa tự ti, vừa mạnh dạn vừa lo âu với con đường của mình, vừa nhiều bạn vừa là người hạnh phúc vừa là kẻ cô đơn.

– Anh là thầy bói à?

– Anh nghe mày đánh đàn là anh biết.

– Em đánh kém như thế, sao nghe tiếng đàn mà biết như thầy bói được.

– Cả đời anh phục vụ âm nhạc, nghe tiếng đàn của người mới tập chơi anh cũng biết người đó thế nào.

– Tiếng đàn của em sao?

– Nhạc Nga nó trong sáng, giản dị. Mày không phải là người chơi tốt nhạc Nga, mày cũng không yêu nhạc Nga lắm, mày chỉ yêu nhạc Nga vì những kỷ niệm của mày với thằng Việt thôi.

– Anh nói đúng.

– Mày không thể đánh một nốt đàn dài mà cân bằng. Cái đầu của mày nó giao động, nó không thuần khiết, nửa chính nửa tà. Một nốt dài mày đánh, đến cuối bao giờ cũng bị nghiêng đi bị luyến láy một chút.

– Không phải đâu anh, vì em đánh nốt không đủ tốt, thường bị ngắt sớm, nên cuối nốt hay phải nhấn nhá phím một tí để nó kéo được đủ dài.

– Mày lại cãi tao.

– Thế em chơi nhạc gì thì hợp?

– Mày nên chơi nhạc Queen.

– Anh lại đúng nữa, em rất rất thích nhạc Queen, nhưng đã lâu em không nghe lại.

– Đôi khi vì mình quá hợp với một thứ, quá yêu một thứ, nên không muốn nhìn thấy nó, không muốn nhìn thấy người ta hàng ngày. Mình muốn tránh đi, muốn quên đi thứ đó, quên đi người ta đó.

***

Từ khi ông thầy giáo già của tôi khuất núi, giờ tôi lại tìm được một người thầy của mình. Một người thầy đúng nghĩa, người mà, như bạn Nguyên lác của tôi, một triết gia mới nổi hơn năm nay, nói “thầy chính là thằng mà nó nói thì mình muốn nghe, chứ tầm này mình có muốn nghe thằng đéo nào đâu”.

Tối nay tôi đi với vợ, suất chiếu muộn, xem Bohemian Rhapsodi. Thằng diễn viên chính trông như con khỉ, chả ra được dáng hình của Freddie. Kịch bản phim cũng chả ra gì. Nhưng âm nhạc của Queen thì vẫn bất diệt, tôi nổi gai ốc với những soundtrack, với trường đoạn Live Aid. Tôi sẽ tập nhạc Queen. Nhưng tôi không nói với sư phụ là tôi sẽ tập chỉ để luyện kỹ năng và nghiên cứu thôi. Tôi muốn chơi nhạc của mình. Dù gì những bài học của Nam sư phụ là vô giá với tôi, mà tôi cũng sẽ tập Queen để còn lân la đi theo ông ấy. Trước hết là dự án Bắc Ninh, ông ấy đang hầu như miễn phí dạy dỗ cho hội thầy giáo yêu nhạc ở Bắc Ninh chơi nhạc rock.

Tôi ngồi xem Bohemian Rhapsodi, xem mà lại càng cảm phục Nam sư phụ. Vợ tôi bấm tay tôi mà cười, nửa thú vị nửa cay đắng, khi có đoạn Mary nói với Freddie “anh nói anh yêu em, nhưng anh lại cần phải có không gian riêng của anh”.

Tôi thấy yêu bản thân mình suốt từ đêm qua lúc xong biểu diễn, đến giờ vẫn còn chưa hết.

Written by Tequila

November 25, 2018 at 4:34 am

Ve sầu nhốt trong hộp diêm

with 7 comments

Hôm nay tôi được nghe một trình diễn tuyệt vời trên youtube, nghệ sĩ mù trẻ tuổi người Nhật Bản tên Nobuyuki Tsujii chơi bản Piano Concerto số 2 của Rachmaninoff.

https://www.youtube.com/watch?v=dGX3temma5Q

Thoạt tiên là không có gì nổi bật, youtube tự bật tự chơi theo list của nó. Bản nhạc quen thuộc này tôi đã nghe nhiều lần mỗi lần nghe một nghệ sỹ khác nhau trình tấu. Nghe một hồi, bỗng thấy lần này có cái gì đó đặc biệt. Các bản tôi thường nghe thì tiếng đàn của nghệ sỹ piano rất nổi bật, concerto cho piano mà. Lần này, tiếng piano hòa quyện với dàn nhạc dây một cách đáng ngạc nhiên. Nó như không phải là một concerto dành cho piano mà là một bản hòa tấu mà các bè đều được có vai trò cân bằng với nhau. Tiếng piano đứng cùng với những tiếng đàn khác, không nhảy ra phía trước, không đứng lên cao, khiêm tốn, tinh tế, nhưng rồi vẻ đẹp của nó vẫn cứ hiện ra uy nghi và sững sờ như sau khi xuyên qua một cánh rừng nhiệt đới rậm rạp bỗng ta nhìn thấy một tòa thành cổ bị bỏ quên cả nghìn năm.

Tôi phải chuyển qua màn hình youtube, bật lại từ đầu để xem.

Người nhạc trưởng lớn tuổi dìu nghệ sỹ piano Nobuyuki ra tới đàn piano, giúp anh ngồi xuống, rồi nhạc trưởng về vị trí của mình. Những nốt nhạc đầu tiên vang lên như từ chốn xa xôi chiếu tới, nó quyện vào rồi chìm đi trong bè dây. Nobuyki còng lưng ngồi bên đàn. Cái đầu của anh lắc bên trái, lắc bên phải, theo từng nhịp đàn, cách đung đưa đầu thường thấy của những người mù chơi nhạc. Anh không đeo kính, gương mặt anh có lẽ là đẹp trai nếu nó gắn với một đôi mắt sáng, nhưng với đôi mắt nửa nhắm nửa mở thì trông nó như thể một chiếc mặt nạ. Nhìn khá quái dị, dù không đáng sợ hay thương. Đôi bàn tay anh cũng quái, nhảy nhót trên phím đàn như là tự những ngón tay chúng thích nhảy nhót như thế chứ không ai điều khiển cả. Những ngón tay không có sự điệu đàng làm dáng của các nghệ sỹ mắt sáng. Chúng dính vào phím đàn này, rồi bật lên nhảy sang phím đàn kia, hoàn toàn tự nhiên do cái âm thanh nó cần phải thế, có điều sự tự nhiên thuần chất đấy lại khiến chúng có vẻ ma quái. Đôi bàn tay của Nobuyuki như những xúc tu của một con bạch tuộc bám dính và vê vảy trên phím đàn, hay đúng hơn là giống với những cái chân luôn quờ quạng loạn xạ của một con tôm biển.

Vậy là cái gương mặt như mặt nạ vô hồn, cái đầu lắc từ bên này sang bên kia chẳng ăn nhập gì với cái lưng còng, những cái chân tôm biển gõ gãi trên phím đàn… không hòa nhập gì với những gương mặt trí thức đẹp đẽ và biểu cảm của các nghệ sỹ xung quanh anh. Từ góc máy quay, ta thấy gần cạnh anh là một nữ nghệ sĩ vionlin tóc nâu áo hở ngực đẹp như một nàng công chúa, thật đối lập. Kết thúc chương, anh đung đưa người một cách kỳ quặc, rút trong túi ra chiếc khăn mùi xoa để lau mặt, rồi vào chương tiếp.

Cái đầu anh vẫn lắc qua lắc lại. Lúc này, hình dạng cổ quái của anh không còn nữa. Tôi có thể nhìn thấy anh đẹp như một hoàng tử trong truyện tranh, với mái tóc dài, gương mặt thanh tú, mũi cao, đôi mắt sáng trong xanh mơ mộng, thân hình thanh thoát. Vị hoàng tử đẹp đẽ đó vì một lời nguyền cổ mà bị nhốt vào trong thân hình xấu xí, quẫy đạp trong cái vỏ thân xác bị người ta chụp lên mình, cô đơn trong miền tối tăm của đôi mắt đã bị bịt lại. Hoàng tử bị nhốt trong bóng tối ấy, không nhìn thấy những hình ảnh dẫu là đẹp đẽ hay là xấu xa, không nhìn thấy loài người. Đám đông đang lắng nghe bên dưới sân khấu, anh biết có đám đông ấy, đám đông với anh chỉ là một khái niệm, một cái gì đó gồm nhiều những thứ giống nhau. Cái anh nắm bắt rõ nhất là âm thanh của dàn nhạc dây, rõ từng nốt từng nốt một, tạo thành một thứ ánh sáng mà anh nhìn thấy. Anh điều khiển cho đám cẳng chân tôm biển của mình múa trên phím piano, tạo ra những viên bi lấp lánh hòa hợp với thứ ánh sáng đó. Đôi chỗ, ở những đoạn mà bản nhạc để riêng đất diễn cho piano, thì tiếng đàn của anh nổi lên một cách dõng dạc và mãnh liệt bất ngờ.

Tôi lắng nghe bản nhạc mà không thể rời mắt ra khỏi những cử động quái dị của cái đầu và đám càng tôm biển của Nobuyuki, thật là một phần trình diễn quá đẹp đẽ, chính xác tới từng chi tiết nhưng rất lại hoang đường.

***

Mùa hè đến rồi, tối nay đạp xe với vợ ra phố lượn một vòng, phố đêm o e tiếng ve gọi hè. Tầm này ve vẫn còn kêu giọng kim, chúng đang gọi hè thôi, hè còn chưa đến hẳn. Khi hè đến hẳn, chúng sẽ đông hơn, kêu to hơn thành một dàn nhạc hoành tráng hơn.

Nhớ hồi nhỏ thường chơi trò bắt ve. Bắt được con ve đực xong thì cũng ác, con ve sẽ bị cắt cánh để không bay mất được, bỏ vào hộp. Khi nào thích thì lôi nó ra, nắm trong lòng bàn tay, bóp nhẹ, thế là nó kêu váng lên. Tất cả các trò chơi trẻ con đều ác, ác theo nhiều cấp độ. Giật đuôi mèo, đá đít chó, vặt đầu châu chấu để xem các hiệp sĩ không đầu tiếp tục bò, bỏ đói cá chọi chôn xuống đất mấy ngày rồi lôi lên lắc lọ ầm ầm cho chúng say để lao vào đánh nhau, vặt chân bọ xít dính vào lá cây làm xe đua F1… Cái nhân tính của loài người, loài duy nhất có sở thích hành hạ các con vật khác và hành hạ nhau cho vui, thể hiện rất rõ trong các trò trẻ con.

Tính tôi vốn yếu mềm như gái, cho nên cũng không chơi mấy trò ác được lâu. Tôi từ từ bỏ mấy trò vặt chân bọ xít, rồi thường chăm sóc chó mèo, rồi bắt được ve cũng không cắt cánh chúng nữa, chỉ nhốt vào hộp diêm, bóp bóp chơi một hồi rồi khuya lại thả nó đi. Về sau cũng không ham bắt ve nữa, thấy tội tội, vì đọc sách biết là bọn ve chúng lóp ngóp dưới đất tới mấy năm rồi mới bò lên kêu ầm ĩ tán nhau, rồi đẻ trứng và chết. Cơ hội của chúng rất ít, bắt chúng vặt cánh và bóp cho kêu như kèn, quả là ác với chúng. Sau này lớn lên, đọc thêm nhiều những cuốn sách ba vạ, thì hiểu thêm là cái độc ác không chỉ đơn giản là bắt con ve và hành hạ nó, mà ác hơn là trong khi đó thì con ve không biết là chúng bị hành hạ ra sao. Con ve đâu biết gì, nó ở dưới đất tới mấy năm mới bò lên, lột xác, còn chưa kịp hiểu gì thế giới thì đã bị nằm trong bàn tay của đứa trẻ. Thế giới của nó chính là bao diêm và bàn tay, nó thấy bị bóp một cái, thì kêu thôi. Nó sẽ nghĩ rằng nó đã làm đúng những việc nó cần phải làm rồi, và khi bị bóp thì rung cái bụng là đương nhiên. Chắc hẳn nó rung hết mình đầy tự hào như nó cho rằng phải như thế.

***

Quay lại với phần trình diễn của hoàng tử Nobuyuki Tsujii.

Tiếng đàn của anh thật hay, sự chính xác của anh rất tuyệt, khả năng kiểm soát của anh khi trình diễn rất tốt… Một phần trình diễn tuyệt vời, nhưng sẽ không phải là phần trình diễn mà tôi sẽ muốn nghe đi nghe lại nhiều lần. Dẫu có là hoàng tử đi chăng nữa thì bị lời nguyền vẫn là bị lời nguyền. Trình diễn của Nobuyuki Tsujii xuất sắc, đẹp đẽ, đầy nhạc tính, nhưng nó thiếu tính người.

Bản concerto số 2 của Rachmaninoff không phải là một bản nhạc vui, cũng không phải là một bản nhạc buồn, không giận dữ không thương cảm, nó là một bản nhạc mà theo tôi là một bản nhạc về sự xa cách và nỗi cô đơn. Chả thế mà chương hai của nó, đã được thằng nào chế thành ca khúc và Celine Dion đã hát All by myself rất phê. Hoàng tử Nobuyuki sinh ra đã mù, như một con ve bị bắt nhốt trong hộp diêm, chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trời hay mặt người, sự xa cách là mặc định. Nỗi cô đơn và khác biệt cũng là mặc định. Nobuyuki đương nhiên luôn xa cách và cô đơn. Anh dĩ nhiên không thể hiểu về thế giới của loài người. Anh không nhìn thấy mâm cơm mà mẹ nấu cho anh ăn, anh không nhìn thấy đàn bà và không xem được JAV, anh không xem được bóng đá hay là không xem được phim ma để trau dồi nỗi sợ hãi, anh không xem được phim chiến tranh để mà hiểu bom rơi máu đổ, anh cũng không xem được tranh để mà hiểu cái đẹp phi thời gian mà một thứ gắn liền với thời gian như âm nhạc dù rất liên quan nhưng lại hoàn toàn khác biệt. Anh làm tôi nhớ đến một lần xem cố nghệ sĩ guitar Văn Vượng trình diễn trên TV, ông nói, sau khi trình diễn độc tấu Người Hà Nội, rằng Hà Nội đẹp lắm tôi biết thế nhưng chưa nhìn thấy Hà Nội bao giờ.

Và vì thế mà bản Concerto số 2 Racmaninoff mà Nobuyuki trình diễn thật tuyệt vời, đẹp đẽ, không thể nào mà không cảm động. Nhưng nó vẫn thiếu hay vì nó quá đúng. Nó đúng một cách đương nhiên và vì thế nó sai. Giống như chúng ta không thể nào hiểu tình yêu nếu xung quanh ta toàn tình yêu, chúng ta không thể nào hiểu được sự tử tế nếu lúc nào mọi người cũng tử tế với ta và ta cũng tử tế với mọi người. Chúng ta không thể vui được nếu lúc nào ta cũng vui và cũng không thể buồn cho ra buồn nếu lúc nào ta cũng buồn thảm.

***

Dưới phạm vi tác động của bản Concerto số 2 Rachmaninoff mà hoàng tử Nobuyuki trình diễn, và mấy lon bia, thật ra tôi rất muốn nói về một cái gì hoành tráng, mang tầm nhân loại. Nhưng một cách khôn ngoan thì những suy nghĩ mang tầm nhân loại ấy nên giữ riêng cho mình, không cần trình bày bởi vì chỉ cần nửa chai whisky là ai cũng phát biểu mang tầm nhân loại cả. Mẹ ơi hôm nay ăn gì thế, cũng là một phát biểu mang tầm nhân loại rồi.

Hôm nay trước khi nghe Noubyuki, trước khi nghe tiếng ve gọi hè, tôi cho bọn trẻ con xem một cái phim, xem cùng bố mẹ. Phim về một con chó, và dù đã tra cẩn thận độ tuổi để xem cùng với trẻ con, thì trong phim vẫn có một cảnh yêu đương hôn hít. Cô con gái 6 tuổi xem cảnh ấy bỗng bẽn lẽn, tự dưng đánh trống lảng bằng một câu nói gì đó, và sau đó thì kín đáo sờ môi mình. Gái mà, 2 tuổi đã ôm nựng búp bê và trong đầu suốt ngày công chúa hoàng tử và hôn hít và cầu hôn đám cưới, dĩ nhiên cũng thương con chó vì sao nó tình cảm thế vân vân. Thằng con giai thì cũng xúc động, như tôi, nhưng thiên về những thứ kiểu tình bạn, lòng trung thành. Đó là những dòng code của Thượng Đế.

Chứ còn thì cũng như một con ve sầu mà thôi. Chui lên, đầu tiên cố gắng bò lên gốc cây ở một độ cao ok, bám chắc, lột xác ra, chui ra khỏi cái vỏ cũ, người ướt át yếu đuối bò dần lên cao. Vỏ mới sẽ khô cứng lại, bắt đầu rung bụng được rồi, rung thôi toe toe. Toe toe. May mắn thì sẽ có một con ve cái nào đó bắt sóng, thế là ổn, phá đảo game, hoàn thành kiếp ve và rụng xác xuống đất. Còn nếu không, chả ảnh hưởng gì, mùa hè này và mùa hè sau đều có ngàn vạn con ve chui từ dưới đất lên và cố gắng làm những việc y chang như vậy.  Nếu một ngày nào đó những con ve bắt đầu tự hỏi nhau mình làm thế để làm gì, cho ai, tại sao, thế nào… thì nỗi đau khổ bắt đầu và những con ve bắt đầu cần đến tài sản và tôn giáo. Khi ấy chúng sẽ rưng rưng khi bỗng thấy có một con ve thuần khiết, chỉ có chui lên, lột xác, trèo cao hơn, và rung bụng, không suy nghĩ gì cả. Kể cả khi con ve ấy bị một đứa trẻ bắt được và bóp cho nó kêu toe toe.

Written by Tequila

May 11, 2018 at 3:11 am

Nhạc ngày mùa thu

with 4 comments

 Tháng 10 rồi, tiết thu đang rõ dần. Đã có những ngày đúng là mùa thu. Như mấy năm trước có lần viết. “Mùa thu Hà Nội là một mùa không rõ ràng, nó chỉ có vài ngày mà thôi, luôn qua đi trước khi người ta cảm thấy, phải ở Hà Nội nhiều năm người ta mới có thể nắm bắt được mùa thu. Chỉ vài ngày, diễn ra xen kẽ nhau, không liền mạch. Người ta không thể nói mùa này là mùa thu mà chỉ có thể nói đây là một ngày mùa thu. Hoa sữa chỉ thơm vào những ngày thu ấy”.

Những ngày thu, đi ra đường, tôi luôn có xu hướng hếch mặt lên mà ngó như con ếch. Đấy là vì những cửa hàng cửa hiệu trên phố ngày càng bóng bẩy, đẹp mắt, nhưng lại không phải là thứ thú vị để ngắm. Mà phải nhìn bên trên những cửa hàng và biển hiệu ấy, lấp ló sau những vòm cây. Đó là những ban công cũ, những cửa sổ cũ, những mái nhà cũ. Nhìn chúng, ta có thể đoán được ngôi nhà này đã tồn tại cả trăm năm, đã tồn tại năm mươi năm, hay là được xây từ những năm tám mươi, hoặc những năm chín mươi, những năm hai nghìn.

Tôi chẳng phải người ưa những gì cũ kỹ. Thành phố bây giờ đẹp hơn hồi trước nhiều, nhưng mà nó nhộn nhạo quá. Nó khiến cho sự tĩnh tại vốn đơn giản trở nên hiếm hoi. Cái đám đông xe cộ trên phố hòa mình vào đám đông trong các quán cafe, cùng với các cửa hàng biển hiệu, thành con nước lụt ngập lên đến lưng chừng tầng hai của các ngôi nhà. Bên trên con nước lụt ấy, những nóc nhà của Hà Nội ngày xưa ngập ngừng lấp ló. Thử tưởng tượng đường phố vỉa hè cứ rộng rãi sạch sẽ như giờ, mà con nước lụt này tự nhiên cạn đi, lại lộ ra những cửa ra vào sơn màu xanh đồng màu cửa sổ trên ban công, lại lộ ra cả một dãy phố toàn là những ngôi nhà cùng phong cách, cùng cả màu vôi ve, thì những ngày thu này đi dạo trên phố Hà Nội nó mới oách làm sao. Có khi như thế thì buổi tối, những quán rượu vỉa hè lại mọc ra đầy ở những ngã tư, bọn nó lại ngồi bệt xuống nói nhảm, tới quá nửa đêm khi chị lao công đi quét đường, chị ấy sẽ gom đầy những bài thơ mà bọn say rượu viết ra trên những vỏ bao thuốc lá.

Bọn chúng sẽ lại làm tiếp những bài thơ đã quá nhàm về là bàng hoa phượng, những con phố dài đầu đông heo hắt heo may, đôi tình nhân hẹn hò gặp nhau nơi góc đường mùa thu hoa sữa, bọn trẻ con sớm hè đi bắt ve khi trời tảng sáng. Và khi ấy, trên ban công hay gác thượng của những ngôi nhà, bọn trẻ trâu sẽ lại dặn nhau khẽ mồm thôi khi cầm guitar chuyền tay hướng dẫn nhau hát những khúc ballads.

***

Nhiều năm sau khi mà nhớ lại những ngày tháng này, thì bên cạnh những điều không tốt đẹp mấy trong cuộc sống và trong bản thân mình, tôi sẽ nhớ về những buổi đầu này, khi chúng tôi cùng nhau chơi nhạc. Chúng tôi điếc không sợ súng, lao đầu vào chơi nhạc do mình tự viết ra. Cuối tuần gặp nhau một buổi, chui vào phòng tập cày cuốc mấy tiếng mệt nhoài, rồi ra ven hồ ngồi uống bia, hoặc vào quán xơi vịt trời tiết canh, bàn tán tranh cãi liên tu bất tận.

Ngày xưa, ông thầy giáo già bé nhỏ của tôi, nói rằng, âm nhạc là nụ cười và nước mắt của con người. Tôi đã tin như thế nhiều năm, như trẻ thơ chúng ta vẫn thường tin rất nhiều điều người lớn nói. Ông ấy nói không sai, nhạc, văn, thơ,… mọi thứ nghệ thuật hay kể cả kỹ thuật, đều là như thế cả. Nhưng hồi thơ bé tôi cứ nghĩ rằng để làm ra được nhạc, người ta phải vui nổ trời hoặc buồn phát khóc, hoặc say rượu, thì mới làm ra được. Giờ hiểu rằng không phải thế. Nhạc cũng như ngôn từ, chỉ là những âm thanh vô nghĩa lý. Rồi một lúc nào đó tự nhiên thích lên, ta ngồi xâu chúng lại với nhau như một người thợ kim hoàn tỉa tót những hạt gỗ, sơn màu lên chúng và xâu lại với nhau, thành ra một thứ đáng để đeo lên tay một người đàn bà nào đó.

Tôi không được học nhạc lý, không biết ký xướng âm, nhắm mắt nghe một nốt nhạc tôi chịu chả biết là nốt gì. Từ hồi trẻ trâu rất nhiều khi tôi muốn làm một đoạn nhạc, mà không biết làm thế nào cả, không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chỉ có thể nhìn bản nhạc của người khác và đánh theo, nghe bài hát của người khác và bắt theo.

***

Nhưng giờ tôi và các bạn đã thành ra một nhóm, và hiểu nhau. Chúng tôi mừng vui và hạnh phúc với nhau khi cùng thống nhất tôn chỉ là “cực kỳ nghiêm túc để làm ra những thứ như cứt” và khẩu quyết “In GTP we trust”.

Chúng tôi cực kỳ nghiêm túc, đến giờ tập là bỏ hết mọi thứ, việc cá nhân việc gia đình phải tự sắp xếp. Những buổi tập đầu còn vừa tập vừa uống bia, sau là chỉ có uống nước lọc, hút thuốc cũng ra ngoài dù cả band toàn con nghiện. Tập mấy tiếng mệt quá đá bóng. Rồi khi về nhà thì tranh thủ bất cứ thời gian nào rảnh là lại ngồi làm nhạc. Nhạc rác viết ra đầy một đống. Việc được đôi câu thấy được là lại phải ngồi tự google trong đầu, xem giai điệu này có quen hay không, có phải mình vô thức ăn cắp ở đâu đó hay không. Nhạc là phải của mình, chống ăn cắp dưới mọi hình thức. Nhạc như cứt cũng là cứt của mình. Đôi khi chúng tôi tranh cãi nhau, chơi nhạc làm nhạc để làm gì. Câu hỏi này khó trả lời quá đi. Dường như là chúng tôi sẽ gắng hết sức để làm ra những bản nhạc mà nó cứ nằm đâu đó trong người mình, là kết tủa của bao nhiêu buồn vui yêu thương tủi nhục hớn hở phê pha, việc giờ là viết chúng ra chơi chúng thành tiếng.

Rồi GTP. In GTP we trust. GTP là một phần mềm để viết nhạc, như Word để viết chữ. Trên GTP tôi bỏ qua nốt nhạc, chỉ ký âm bằng nốt TAB (một loại ký âm đặc dụng mô phỏng phím đàn guitar). Khi tôi có một đoạn nghịch được trên đàn, thấy hay hay, tôi viết nó vào TAB của GTP, bấm play nghe đi nghe lại và quan sát, quan sát bằng cả tai và mắt, trong đó mắt quan trọng hơn.

Hồi nhỏ tôi rất thích môn hình học, giờ tôi làm nhạc bằng tư duy hình học. Cái đoạn này nhìn có vẻ loãng loãng, phải thêm vài nốt vào chỗ bị trống này. Cái đoạn này nhiều nốt quá, đặc quánh, chen chúc, cần xóa đi vài nốt. Cái đoạn này mất cân bằng quá, cứ chạy từ thấp lên cao nhìn nó bị chênh vênh, phải cho vài nốt bass xuống phần nền. Cái đoạn này cân xứng quá, mà cái gì quá cân thì mất sướng, phải làm cho nó như sắp bị tuột ra khỏi nền, thì mới phê. Cái khúc này toàn phím 7 với 9 nhìn hơi tẻ, cho mẹ mấy số 8 hay 6 vào xem kêu thế nào. Cứ thế, rất nhiều khi tôi ra được một sản phẩm khiến mình tự ngạc nhiên, hợp âm quái đản mà tư duy nhạc theo lối mòn 5 gam chinh phục nhạc Việt của mình sẽ không bao giờ đánh ra, thế nhưng lại có một sự hợp lý bất ngờ.

Đấy là làm nhạc, dễ bỏ mẹ, cứ làm thì ra thôi. Hay hay không, lại là một chuyện hoàn toàn khác. Và không bao giờ có thể nắm được điều đó. Tự nghe nhạc của chính mình cũng giống như gái tự ngắm mình trước gương, sai số so với cái nhìn khách quan là cực kỳ lớn. Nhưng cái gì là cái nhìn khách quan lại là một câu hỏi không dễ trả lời.

***

Đây là một bài thơ của Kỳ, một bài thơ đẹp của bạn.

Làm điếm ở bến đò
mệt hơn ở thành phố
phải chòng chềnh sóng nước
phải ngước mắt thấy trời

Làm điếm ở bến đò
phải lò mò đêm tối
lối về là con nước
tiếp khách không là giường

Làm điếm ở bến đò
mò không ra hạt thóc
khách chơi thường trả rẻ
giá cơm cá trên trời

Làm điếm ở bến đò
đến con bò còn khóc

Một bài thơ rất không ăn khách, vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng thơ này đẹp. Tôi cứ thích bài này mãi, cứ đòi dùng để làm nhạc. Một tối bạn Kỳ giở iPhone ra, ư ử hát vài nét giai điệu bài thơ này rồi gửi cho tôi. Thơ là của bạn, concept giai điệu là của bạn, tôi ký âm vào GTP giai điệu đó, chỉnh sửa đi, rồi bắt đầu chơi trò vẽ hình nốt nhạc. Tôi mất gần cả đêm để làm nó, đủ các bè guitar trống bass solo, sáng đi làm mắt trũng sâu phải táng đôi cốc cafe mới tỉnh.

Bài này các bạn đã vote và quyết định sẽ làm kỹ nó, nó chắc chắn sẽ trở nên tốt hơn, nhưng cũng có nghĩa là cho tới khi thành phẩm thì sẽ có nhiều phiên bản mỗi phiên bản lại sẽ khác đi một chút. Tôi up youtube và post vào đây để giữ bản gốc làm kỷ niệm. Bản nhạc do phần mềm GTP chơi, sạch sẽ nhưng thiếu cảm xúc. Như một cô gái đứng trước gương, mình cũng xinh phết nhỉ, tôi thích bản nhạc này.

Mà vì bạn Kỳ bảo bài này ngày xưa làm ở Huế, nên trong câu solo tôi có trộn một câu Lý Mười Thương.

***

Chúng tôi đang là một band nhạc có trình độ chơi nhạc cụ kém nhất thiên hạ. Chắc còn lâu chúng tôi mới có thể chơi sạch được nhạc của mình như máy chơi, và có thể post nhạc của mình chơi mình hát thay cho nhạc máy chơi như thế này. Hồi mới tụ tập nhau, chúng tôi đặt mục tiêu đầu mùa thu sẽ có một bản thu bài hát đầu tiên. Giờ đã là giữa thu rồi, vẫn còn đang nhăn nhó vật vã vì chưa chơi được chuẩn nhạc của mình, không thằng này sai thì thằng kia sai, hoặc tất cả đều đánh hỏng.

Không sao, mặc dù chúng ta sinh ra là để chơi bời chứ không phải đề làm việc, song ngày nào mà chả phải đi làm. Cứ từ từ. Cái bài này, gọi là bài Đĩ Đò, oánh dễ, chắc sẽ sớm chơi được thôi. Chứ bài sáng tác đầu tiên là bài Đoàn Tàu, thì chắc đến Tết mới đánh tươm tươm được mất.

Sau mười năm, có thể chúng tôi sẽ ra được album, tên bài hát toàn là Đĩ đò, Tàu hỏa, Nắng đéo tả, Vợ vắng nhà, Sò huyết, Tư Lò… có ai mà chịu nghe thì ăn mừng hết cả thùng single malt mất. Nhưng mà sợ gì, niềm vui GTP chúng tôi đang được hưởng mỗi ngày, niềm vui tập nhạc với nhau được hưởng mỗi thứ bảy hàng tuần, mệt phờ ra rồi ra quán Tư Lò xơi tiết canh vịt trời, thì có ai hưởng được thay chúng tôi đâu.

In GTP we trust!

Written by Tequila

October 6, 2017 at 2:18 am