Teq's Blog

Archive for June 2020

Dran và những con đường cao nguyên

with 2 comments

Đã khá lâu rồi, chừng mười năm vài tháng gì đó, tôi đọc được một bài blog của một nick trên diễn đàn cũ, viết về quê hương của anh – thủ phủ Dran của huyện Đơn Dương – Lâm Đồng. Nick này tôi biết cũng khá lâu trước đó, tức là cũng phải chừng gần mười năm trước của trước. Bài viết đó như một cái nút bấm khiến tôi muốn rút cái giắc cắm của matrix, mà làm quen với anh ta ngoài đời, nói rằng vì cái bài viết của anh mà tôi muốn một ngày nào đến thăm Đơn Dương. Thoạt là sơ giao, biết nói gì với nhau, giờ thì thân thiết lại càng không thấy cần phải chia sẻ kể lể đời anh đời tôi nữa. Chúng tôi hay trò chuyện với nhau bằng những con đường. Thành lệ được bốn năm, năm nào chúng tôi cũng thu xếp đi với nhau, một nhóm bốn thằng. Năm Hà Giang, năm miền Tây, năm lại Hà Giang Cao Bằng, năm nay thì đi Tây Nguyên, một góc thôi.

Chuyến lần này tôi ít được lái xe, đợt này cảnh sát giao thông làm căng mà tôi lại thiếu giấy tờ chưa làm lại. Tôi chỉ lái được chừng đôi trăm km, còn lại cả chặng đường ngồi bó gối ngủ gà ngủ vịt ở ghế sau. Anh bạn tôi, thanh niên Dran nói ở trên, có cách lái xe hơi gắt, khiến người ngồi sau hay bị lắc từ bên này sang bên kia. Ấy là vì tay cầm vô lăng của anh bị mắc một lỗi. Khi vào cua xong, anh không để cho chiếc xe từ từ theo tiến trình của nó đẩy vô lăng trở về với tim đường một cách tự nhiên. Anh thường bẻ vô lăng cưỡng chế cho xe thẳng trở lại, trước thời điểm cần thiết, khiến cho chiếc xe hơi giật lắc và người trong xe chao đảo. Tôi chẳng bao giờ bị say xe nên không phiền hà gì. Vả lại anh cầm vô lăng tuy không ngọt bằng tôi, nhưng anh kiểm soát anh và cuộc đời anh rất tốt, không như tôi lái xe thì êm ái nhưng những người sống quanh tôi luôn bị tôi làm cho lắc giật.

Chúng tôi đi từ Sài Gòn lên Bảo Lộc, ngủ ở Bảo Lộc một đêm, ca hát váng trời, rồi hôm sau lượn vòng vèo trên đường Đắc Nông rồi về Tà Đùng. Hồ Tà Đùng là một cái hồ chứa nước của thủy điện, rất rộng, nước ôm vòng quanh những hòn đảo mà khi xưa là đỉnh núi, mây chiều khi xưa chắc lẩn khuất dưới thung khe thì nay lảng bảng mặt hồ. Nói chung là đẹp. Việt Nam rất nhiều chỗ đẹp, phá mãi không hết, như chúng tôi thường nhận xét. Nhưng người ta hay nói là, sự kiều diễm của giai nhân nằm trong đôi mắt của thi sĩ. Các thi sĩ của chúng ta dường như có đôi mắt khá khác lạ. Để giai nhân trở nên đẹp hơn, thì các thi sĩ người Kinh mà nhiều phần là bọn Thái Bình Nam Định (một người con Thái Bình là tôi cho hay) thường thích trang điểm cho nàng bằng những nếp mái tôn đỏ quạch hoặc xanh lè, những góc check-in không thể thiếu thảm cỏ nhựa và chiếc xích đu trắng, hay những ô cửa kính lớn mà từ đó có thể nhìn toàn bộ vùng hồ qua một lớp váng loang lổ mà mưa và bụi tạo ra.

Một con chó cái chừng hai năm tuổi, xách bộ vú ve vẩy của nó đón tiếp chúng tôi, dẫn chúng tôi đi ngắm giai nhân của nó. Nó gặp hai thằng chúng tôi (hai thằng kia lười quá uống bia ngắm hồ ở resort mái tôn) ở đầu bãi xe, cứ quanh quẩn bên chân, rồi chạy lon ton dẫn đường cho chúng tôi tới triền đốc, rồi đi xuống nữa, qua một cái ruộng hoang, qua một vườn ớt nơi có một người đàn ông đang cặm cụi làm nốt công việc cuối ngày chẳng buồn ngẩng mặt lên nhìn người lạ, tới tận mỏm đất mà từ đó con chó biết rằng một cơn mưa đang đến và cầu vồng sẽ hiện ra. Chúng tôi ngắm cảnh, cố gắng chụp vài cái ảnh, chờ trận mưa đang trút nước từ phía tay phải cách xa chừng hơn hai cây số, tiến lại gần. Rồi mưa bắt đầu lất phất, rồi cầu vồng hiện ra. Một cái cầu vồng gần đến nỗi có cảm giác như mình đi tới gốc cây kia là sẽ tới chân của cầu vồng, rồi người mình cũng thành ra bảy màu. Chưa bao giờ tôi thấy một cái cầu vồng gần đến như vậy. Mưa bắt đầu nặng hạt và khi chúng tôi chạy trở lại được xe thì người đã ướt sũng. Những ông bạn ngồi ở resort mái tôn uống bia cũng kể cho chúng tôi về cầu vồng, nhưng khổ thân bọn chúng không thấy cầu vồng ở một vị trí mà ném viên đá cũng xuyên qua nó được.

Sáng hôm sau tôi ngủ muộn hơn. Anh bạn Dran của tôi thì dậy sớm và anh ta đi chạy. Dẫn đường cho anh cũng chính là con chó cái đấy, thêm cả thi sĩ của nó nữa, là một con chó đực hoành tráng có khả năng chửi bới hết tất cả bọn chó trong làng dám làm phiền đường chạy. Chắc hẳn con chó cái dễ thương kia tối về kể cho thằng thi sĩ của nó là hôm nay em thấy có mấy thằng người đi ngắm cảnh chứ không phải đi check in xích đu.

Rồi chúng tôi về Dran.

***

Không có nhiều điều để nói về Dran. Chỉ biết rằng Dran là một thị trấn nhỏ và xinh đẹp. Dran giống như một cuốn sách mỏng với những câu chuyện dịu dàng, mà chúng tôi mới biết cái tên chứ còn chưa được đọc. Có một cuốn sách như thế thật, đang chuẩn bị đem in, được viết bởi ông già của anh bạn Dran. Tôi nghĩ trong lòng mà gọi ông ấy là ông già Dran.

Ông già Dran sống ở thị trấn Dran, một phố thị cao nguyên nhỏ xinh chỉ có hai ba con đường, nằm nép cạnh đập nước thủy điện Đa Nhim. Ở Dran có những ngôi nhà gỗ chừng hơn 80 năm tuổi, từ khi người Nhật đến xây thủy điện. Bên cạnh đó là những ngôi nhà xây từ trước giải phóng, rồi những ngôi nhà xây tầm 80 –90, và những ngồi nhà tầm 2010 – 2020. Có nhiều nhà cũ xấu, như mọi thị tứ trên đất nước này. Nhưng cái hay là những ngôi nhà mới xây thì lại khá đẹp. Dường như khi người ta sống ở một nơi đẹp, trầm tĩnh, rồi người ta giàu lên và có tiền xây nhà, người ta sẽ xây những ngôi nhà đẹp và khá sang, mà lại không quá phô trương.

Ông già Dran có ba người con, tất cả ông đều đặt trùng một cái tên là Thao. Yên Thao – Nguyên Thao – Vũ Thao. Tên gì toàn tên đẹp quá đi. Chị Yên Thao nói, khi về nhà chỉ có chị được gọi tên Thao bản quyền, còn hai em chỉ được gọi bằng tên đệm là Nguyên và Vũ. Chị Thao hơn chúng tôi nhiều tuổi, là một người phụ nữ đã có cháu gọi bằng bà, nhưng còn rất trẻ và mi nhon, xưa ắt hẳn là hotgirl. Chị về Dran trước chúng tôi một ngày, lừa ông già rằng khách mà Vũ dẫn về nhà là hai cặp vợ chồng và một đứa con. Ông già Dran và bà già Dran lọ mọ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp phòng ốc. Ông nói rằng có phụ nữ tới nhà là mình phải chỉn chu cẩn thận, vì phụ nữ họ rất tinh tế. Chứ mà biết chúng mày toàn một lũ đực rựa thì tao chỉ cần cho chúng mày cái đệm rồi muốn sao cũng được. Tôi đoán ông nói thế thôi, như thể ngượng nghịu về sự chuẩn bị chu toàn chăm sóc mà ông dành cho chúng tôi. Ba con của ông thì có anh Nguyên là ở Dran, còn chị Thao và Vũ ở Sài Gòn cả năm chỉ về vài lần. Khi chiều xe xịch tới đậu bên lề đường, một thằng trong chúng tôi xuống mở cổng, cổng chưa mở xong thì ông bà già và chị Thao đã đứng ở bậc thềm để đón.

Một bữa cơm gia đình ấm cúng với thời lượng rất vừa phải, rồi ông già bà già rút vào phòng xem tivi, nhường không gian thoải mái cho khách tự nhiên tán phét. Ông tinh tế hơn phụ nữ nhiều, tôi nghĩ. Chúng tôi ra vườn sau đốt lửa uống rượu chơi đàn hát hò. Có một khắc ông già Dran thò đầu ra vườn, chụp ảnh chúng tôi bên bếp lửa. Sáng sau ngủ dậy tôi thấy ông đang uống cafe bên cửa sổ, trước một cái laptop. Khi chúng tôi đi rồi, ông viết một cái tút rất tình cảm post facebook kèm cái ảnh.

Anh bạn Dran của tôi, ngoài sở thích lái xe, thì còn là một nhà thơ. Tôi nghĩ, anh lớn lên ở một nơi như vậy, một gia đình như vậy, không yêu thơ và không làm thơ sao được. Dran không có vẻ đẹp mĩ lệ, không làm người ta sững sờ, mà nó nên thơ. Có lẽ nó nên thơ vì con người hơn là vì những triền cỏ hay đồi thông. Chẳng thế mà anh Trịnh Công Sơn năm xưa lang thang ở Dran mà viết vài bức thư sến súa nồng nàn cho em Dao Ánh nào đó, khiến đến giờ biết bao nhiêu Dao Ánh trên facebook vẫn hàng ngày nức nở.

Rồi chúng tôi rời Dran, trôi xuống biển, ăn nhậu một đêm, rồi về Sài Gòn, rồi giải tán.

***

Người ta nói rượu ngon phải có bạn hiền. Với chúng tôi thì đường đi mà hay ho là phải có bạn hợp cạ. Anh bạn Dran thường đọc thơ cho chúng tôi nghe trên đường, anh thuộc rất nhiều thơ. Chuyến đi năm ngoái trên Hà Giang anh khiến tôi ngấm thơ Quang Dũng. Năm nay trên đường cao nguyên Lâm Đồng anh khiến chúng tôi ấn tượng với thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi thường chỉ nói chuyện ba lăng nhăng không có chủ đề. Hai thằng còn lại thường cãi nhau về rất nhiều chủ đề. Chủ đề nào mặc dầu, thì tóm lại càng đi càng thấy đất nước mình đẹp, phá mãi chưa hết. Tiếng Việt hay và thơ của nó quá hay, càng đọc càng cảm động.

Thôi nhé ngàn năm em đi qua
Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
Trời sinh ra để chiều hôm đó
Tôi thấy mây rừng bay rất xa

(thơ Nguyễn Đức Sơn)

Written by Tequila

June 16, 2020 at 12:57 am