Teq's Blog

Archive for September 2018

Một đám ma

with 8 comments

Thế là bà cụ đã chết. Cầu cho cụ thanh thản hạnh phúc ở chỗ mà bây giờ cụ sống. Trên đường về, chúng tôi không nói gì cụ thể tới bà cụ, nhưng những câu chuyện và trao đổi xoay quanh khiến tôi ngạc nhiên khi về tới nhà nhìn đồng hồ thấy mình đã lái xe liền năm tiếng không nghỉ.

***

Mấy tháng nay, nhờ sự giúp đỡ rất có nghề nghiệp và tấm lòng của một người bạn, chúng tôi duy trì tốt một account trên Airbnb để bọn tây đến ở nhà mình. Hoa vẫn nở trước sân nhà tôi, chim vẫn hót ngoài vườn mỗi buổi sáng. Nhưng hoa chỉ nở nhiều khi chúng tôi có thời gian lên thường xuyên để chăm sóc. Đất và khí hậu ở trên đó thật ra là khắc nghiệt, mùa hè khô hạn, mùa đông lạnh giá, đôi khi băng tuyết, cây cối và đặc biệt là hoa sẽ không thể nở bung xòe tóe loe nếu không được chăm sóc hàng ngày. Căn nhà cần người ở thường xuyên và cần lý do để được chăm sóc thường xuyên. Vậy là những anh chị tây dở hơi lục tục đặt chỗ để ở, rồi thì cái việc mà nhiều năm trước chúng tôi lãng mạn đặt ra, dần dần mới thành hình.

Lần này là một thằng người Đức cao lớn đẹp trai và tinh tế, đến ở. Hắn khẩn cấp báo cho chúng tôi rằng ông Chư thì ho sù sụ, còn bà cụ già thì có vẻ yếu, hôm nay tôi thấy mọi người đến lấy gỗ làm cái gì đó giống như quan tài, liệu có ai đó sắp chết không? Tôi trả lời hắn qua Whatsapp, rằng bà cụ chắc là sắp chết, nhưng bà ấy tốt đến nỗi mọi người có thể buồn vì sự chia ly sắp đến nhưng điều đó không phải nỗi đau khổ. Thậm chí bà cụ nằm trong nhà cũng thấy hài lòng khi thấy con cháu đã chuẩn bị cho mình một cỗ quan tài tốt. Không có gì phải lo cả. Tuy nhiên, mày cứ ở đấy, sáng mai tao sẽ lên.

Tôi đi trước, chạy xe một mình lên, còn vợ thì bận nên đi sau bằng xe khách. Tôi đã may mắn hơn cô ấy. Tôi đến và hỏi Chư, bà già sao, Chư bảo, yếu lắm, nhưng chưa chết được ngay đâu. Hôm đó có cả Trọng – một người bạn cũ, thầy của tất cả lũ trẻ con, cùng một đám bạn của Trọng nữa, lên chơi tổ chức Trung thu cho trẻ con. Bữa tối đông vui. Tôi định bụng tối nay là uống say khướt rồi, không tránh được, cố gắng ăn thật nhiều trước khi phải uống. Song cũng chỉ kịp nhai đôi miếng thịt thì cũng phải tọng vào người tới gần chục chén. Cuộc vui đang trở nên rất vui, thằng Phillipp ngồi cạnh tôi, ở vị trí trang trọng dành cho khách quý. Bỗng, chị Giả vợ chư từ đâu xuất hiện ngay cạnh tôi, nói gì đó với Chư. Lập tức tất cả đứng dậy, sau ba mươi giây toàn bộ bàn ghế bát đũa biến mất. Chư và các anh em phi vào buồng trong, tôi theo sau, tất nhiên.

Bà cụ thở những hơi rất yếu, mọi người gọi bà, không đáp lại. Rồi Chư quay lại nhìn mọi người, đoạn bế bà cụ lên, mang ra một cái chiếu được trải sẵn bên bếp lửa. Bà cụ đang thở những hơi cuối cùng. Chư vừa như để tay kiểm tra hơi thở, vừa bóp nhẹ cằm bà cụ. Phillipp hỏi tôi sao Chư đang làm gì vậy, tôi giải thích rằng làm như thế để khi cụ thở hơi cuối cùng xong, miệng cụ sẽ khép chứ không há ra, đấy là tôi đoán thế. Rồi Chư cất tiếng khóc đầu tiên, đó là sự trộn lẫn giữa một tiếng khóc than và một bài bi ca. Tiếp theo, tất cả mọi người òa lên bài bi ca đó, nó có một giai điệu rất buồn bã thương xót nhưng không có nỗi đau đớn. Ở giữa bài ca dài dằng dặc đó, lặp đi lặp lại một giai điệu mà hết người này đến người kia cất lên, thì tôi tự cho phép mình tới quỳ bên cạnh cụ như một người con. Tôi vái lạy cụ theo phong tục của tôi, trán tôi dính đất và tro bay từ bếp lửa mà khi nào lên tới đây tôi cũng vào và ngồi đó để chào cụ, để hỏi bà khỏe chứ bà, con lên thăm bà với Chư đây. Tất cả những người khách khác đều đã tránh ra một góc, rồi ra khỏi nhà. Tôi không phải là khách. Tôi ngồi đó lắng nghe bài bi ca vẫn liên tục vang lên, tôi sờ tay vào bàn tay đã bắt đầu lạnh của bà cụ, tôi bóp nhẹ cổ tay bà. Tôi lại vái lạy bà cụ một lần nữa thay cho vợ tôi. Rồi tôi nhường chỗ cho bọn ở hàng cháu.

Cái quan tài chẳng biết từ đâu đã được đặt vào chỗ của nó, dưới bàn thờ. Một cái trống cũng không biết từ đâu đã được treo lên giữa nhà, một thằng trẻ tuổi bắt đầu gõ trống, tùng cắc tùng cắc đều đều. Anh Pho, tầm bằng tuổi Chư mà là cháu của Chư, gọi bà cụ bằng bà nội, đang xách cổ một con gà lông vàng sáng gần như trắng. Anh Pho cắt tiết con gà ngay giữa nhà, chỉ một tay tóm cổ mà con gà không thể giãy dụa gì nổi. Rồi một thằng xin phép tôi, cho lấy cây cung của tôi, cây cung tôi đã xin được và treo trang trí trong nhà tôi. Con gà được buộc vào cây cung, rồi cả cung cả gà dựng vào góc bàn thờ.

Rồi tôi ngồi ở cạnh bếp lửa dựa lưng vào cột nhà. Tôi nhớ lại những gì bà cụ đã yêu thương và làm cho chúng tôi, cho con cái của chúng tôi. Toàn những việc nhỏ như đuổi lợn gà không phá cây của chúng tôi, mang cho chúng tôi nước, mang cho chúng tôi bó củi, có khi bà cụ lấy một tấm gỗ và cụ sử dụng cây dao H’mong mà xẻ tấm gỗ như người ta dùng dao dọc giấy, thành ra chục thanh củi cho tôi. Rồi khi tôi hỏi bà (bà nói không được nhưng tôi biết bà nghe hiểu), là con lên đây làm nhà ở với bà và Chư có được không, bà đã vỗ vai tôi thế nào. Và khi tôi dựng cái nhà phiên bản đầu tiên, bà cụ đã chắp tay sau đít đi thị sát thế nào, để chắc rằng bọn con cháu đã làm tử tế. Nước mắt của tôi dâng lên nhưng nó chỉ đủ để lăn ra một giọt nơi khóe mắt.

Tôi lên nhà ngồi cưa chai whisky với Phillipp và Trọng. Những câu chuyện về nơi đây, về bà cụ, về Chư, và những đứa bé. Tôi, thật có lỗi, không để ý đến giờ giấc. Tôi chẳng ăn gì cả ngày, đến bữa tối thì ăn được chục chén rượu, rồi lại whisky, nên khi vợ tôi được xe khách đưa đến Sapa thì đã không thể gọi điện được cho tôi, cho Chư cũng như bất kỳ ai. Và thế là cô ấy đi bộ 5km vào lúc 3h sáng trên núi đêm trăng để vào bản, có giận tôi một chút, nhưng rồi cũng thôi vì hơn ai hết cô ấy biết rằng không bao giờ nên chờ đợi tôi làm một điều gì đúng vào lúc cần phải làm đúng.

***

Phillipp nói với tôi, ở đây, tức là trong bản này, mọi thứ đều không có kế hoạch, mọi thứ đều ngẫu nhiên. Tôi đồng ý với hắn, một thằng thuộc dân tộc luôn nổi tiếng về kế hoạch và tuân thủ kế hoạch, nhưng cũng nói với Phillipp rằng mọi kế hoạch đều không có ý nghĩa gì, khi xung quanh toàn là núi và mặt trăng mặt trời đã có sẵn kế hoạch rất chính xác cho tất cả.

Hơn mười năm đã trôi qua kể từ khi vợ chồng tôi gắn bó với nơi này. Nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên, trong đó có con cái của chúng tôi. Nhiều người đã chết đi, và giờ là bà cụ. Mọi thứ đều ngẫu nhiên theo kế hoạch. Sự sống có kế hoạch lớn của nó, sinh ra tồn tại và chết đi, có thế thôi. Còn cuộc sống, là cái mà chúng ta cứ cố gắng để trở thành và đối phó, đối phó và trở thành gì đó, một cái gì đó mà về cơ bản là khi nhìn lên mặt trăng đêm sát rằm thì phát hiện ra rằng có hay không có, là hay không là, thì mặt trăng không hề quan tâm.

Tôi uống rượu gần hết một đêm với Phillipp, đến đêm sau thì không uống rượu nữa mà hai thằng ngồi uống trà trong lúc vợ tôi đã vào nhà ngủ. Tới nửa đêm Phillip xách máy ảnh bò lên đồi, hắn là một nhiếp ảnh gia (một thể loại chắc là khác với nhiếp ảnh gia Việt Nam). Khi quay về, hắn kể với tôi. Đây là một trải nghiệm rất lạ của tôi, Phillipp nói. Dưới ánh trăng, hắn ngồi dưới gốc cây, nhìn ra khoảng không gian rộng lớn, mắt mở to, như cái máy ảnh đang mở để chụp trong bóng tối. Tôi nhìn giống như cái máy ảnh nhìn – Phillip nói, rồi dần dần mọi thứ rõ dần lên, tôi có thể nhìn thấy những khóm cây trên núi, những mái nhà, đồng ruộng, một đám người ở khá xa đang đi đi lại lại trên đồi như thể tìm kiếm một vật gì. Rồi hắn đưa máy ảnh cho tôi xem, đây, xem đi, thật kỳ diệu. Đó là một bức ảnh chụp trong đêm, mà thuật ngữ nhiếp ảnh là gì tôi còn chẳng biết tiếng Việt đừng nói tiếng tây, tóm lại là mở ống kính thật lâu để nó thu nạp dần ánh sáng. Bức ảnh sáng rỡ và rõ nét như ban ngày.

Phillipp có kế hoạch du lịch hai tuần, không hiểu vì tình cờ thế nào mà hắn quyết định đến chỗ này. Rồi hôm nay hắn lại book thêm mấy ngày nữa. Tôi có mọi thứ ở đây, hắn nói, tôi không cảm thấy cần phải đi đâu nữa, tôi ở đây đến cuối tuần rồi về nhà thôi. Con người và cảnh vật ở đây quá đẹp. Tôi đưng trước hiên nhà mình, ngắm dãy núi, nói với Phillipp rằng mỗi lần lên đây, nếu không bị vợ giao cho làm cái này cái kia trong vườn trong nhà, thì tôi toàn ngồi ở hiên này uống cafe uống trà hút thuốc và chả làm gì ngoài nhìn núi. Phillipp bảo, tôi cũng thế, tôi chỉ làm mỗi việc là ngắm núi, một ngày trôi qua như một giờ.

Khi hôm nay vợ chồng tôi đưa Phillipp cùng đi để thăm nhà Câu, con thứ của anh Chư, nó mới được bố cho ra ở riêng, chúng tôi ngồi uống nước lã trước hiên nhà Câu, cũng ngắm núi. Tôi nhắc lại, tôi có thể ngồi đây đến mai, chỉ ngắm núi. Phillipp nói, tôi cũng vậy. Tôi nói, chỉ nhìn thế thôi, thậm chí chả nghĩ gì cả. Phillipp nói, just look. Rồi hai thằng nháy mắt với nhau. Sau một buổi bia ở Hà Nội, hai ngày trên bản ngồi nói chuyện liên tục với nhau, tôi nhận thấy vốn tiếng Anh cùi bắp như vậy thế mà tôi lại thoải mái để nói mọi thứ với Phillipp mà không hề cảm thấy khó khăn gì, đến nỗi về sau có cái gì thật là thông hiểu thì chúng tôi còn chả thèm nói, chỉ cần búng tay, cười khẩy, nháy mắt.

Nhà có đám tang và đó là một dịp để Phillipp được thấy văn hóa H’mong rất rõ nét, mà ngay cả tôi cũng mới được thấy lần đầu. Đôi năm trước, khi anh Chứ, anh trai của Chư chết, tôi bận không lên được. Lần này, tôi đi vào đi ra như người nhà, đặc biệt là ngày đầu tiên khi nhà chưa tiếp khách xa mà chỉ toàn là con cháu. Phillipp đi theo tôi, cứ nhìn tôi mà làm theo y chang. Mà tôi có làm gì đâu, chỉ bày tỏ sự tôn trọng với người đã khuất, cười với những người đang cười, nghiêm trang với những người đang nghiêm trang. Tôi hỏi anh Chư, thằng Tây này được phép ra vào nhà chứ, được chụp ảnh chứ. Chư bảo, được chứ, muốn làm gì thì cứ làm như mọi ngày thôi mà.

Phillipp rất ngạc nhiên thấy đám tang gì mà vừa buồn thương vừa như một ngày hội. Rồi hắn quan sát và tự giải thích với tôi. Rằng. Bà cụ già rồi, bà ấy chết đi vì ai cũng chết thôi, sống lâu rồi chết thôi. Người ta để tang ba ngày, đánh trống liên tục. Ai mà chưa đến được hôm đầu, thì hôm sau đến, rồi khóc. Khi thằng này khóc, thì thằng khác (đã khóc rồi) uống rượu với nhau. Tôi nghĩ nó đúng và tự nhiên hơn phong tục của chúng tôi – Phillipp kết luận. Tôi đem điều này hỏi lại thằng Sở, con trai trưởng của Chư, Sở xác nhận. Đúng rồi chú, ai cũng yêu bà hết, nhưng ai khóc xong rồi thì thôi uống rượu, người khác chưa khóc thì sẽ khóc. Thế mỗi người được khóc một lần à? Không chú, ai thích thì khóc tiếp cũng được mà, khóc liên tục cũng được.

Không ai khóc liên tục cả. Họ chỉ hát bài bi ca khi ở bên quan tài, có người nước mắt lưng tròng người không. Nhưng rồi, đặc biệt là phụ nữ, họ sẽ ra khỏi nhà và tìm một gốc cây, một góc vườn, để khóc. Đôi khi tôi và Phillipp đang ngồi ngắm trời đất, chờ vợ tôi đi chợ, tán phét với nhau, thì một người đàn bà đến chào, xong chị ta ngồi ở góc mà chị ta cho là thích hợp trên hiên nhà, cạnh khóm hoa, cách chúng tôi có ba bước chân, rồi ngồi đó lặng lẽ khóc. Phillipp hỏi tôi, có nên thăm hỏi và mời nước chị ấy không, tôi bảo không. Chị ta khóc xong thì quay lại cười với chúng tôi, tôi mời nước chị ta, uống xong chị đi. Lát sau lại một chị khác đến, ngồi ở một góc khác, âm thầm khóc. Phillipp và tôi hầu như ngồi cả ngày uống trà tán phét, tiếp các chị khóc, tiếp các anh say rượu.

***

Trưa nay có một thằng và một con đến nhà. Nói là bạn của thằng Trọng. Ngồi hỏi ra, thì mới biết là hóa ra cái thằng Singapore này, 6 năm trước đã đến đây, ở chính trong nhà tôi, 10 ngày trời. Tôi quay sang bảo Phillipp, 6 năm trước thì nhà này là cái lều, và thằng này là một thằng điên vì đã ở tận 10 ngày. Ba thằng nhìn nhau cười. Thằng Singapore kể, khi nó ở đây, thì chẳng có gì cả, nó tắm dưới suối và đi ị ở dưới suối, khuyên Phillipp nên thử. Tôi bảo Phillipp, đấy mày đừng tiếc tiền Airbnb, mày là thằng rất may mắn vì giờ đây khi mày đến đây thì nhà đã có chỗ mà ị.

Thằng Singapore tình cờ có mặt ở dịp này, như Phillipp nói, tất cả là tình cờ ở nơi này. Như Trọng nói với Phillipp, rất tình cờ là bà cụ chết đúng vào ngày mà tôi và Đức đều có mặt. Những người đã đến đây đều nhớ và muốn quay lại, không phải vì cảnh vật, mà vì con người. Vì anh Chư, vì bà cụ, vì bọn trẻ con… Thằng Singapore quay lại sau 6 năm, xách theo một cái vali đầy quần áo mà nó muốn gửi tặng mọi người trong bản. Một cách mà tôi tuy cảm ơn nhưng cũng không thích lắm, tôi ghét những việc làm mang tính từ thiện. Thằng Sing hỏi tôi, bây giờ thì nó 30 tuổi rồi và đã lấy vợ chắc là ổn định giàu có rồi, rằng muốn gửi tiền để giúp những người ở đây. Tôi bảo, cái vali quần áo của mày là quá nhiều rồi, mà đôi khi cũng không cần lắm đâu, thật. Hay thế này đi, 6 năm trước bọn trẻ mà mày đã chụp ảnh đều lớn cả rồi, rồi chúng sẽ lớn thêm. Nếu mà tao thấy đứa nào ổn, muốn cho chúng đi học, mà tao hết tiền, thì tao sẽ đề nghị một món nho nhỏ cho chúng đi học, nếu mày thích thì góp thôi. Thằng Sing phấn khởi. Một thằng đã đi ị 10 ngày ở dưới suối tất nhiên sẽ muốn gửi tiền cho lũ trẻ đi học. Có rất nhiều bạn bè, thân hoặc sơ, ngỏ ý muốn góp tiền để làm gì đó, vợ chồng tôi đều từ chối. Vấn đề không phải là tiền.

Thằng người Sing có một vài tấm ảnh nó chụp 6 năm trước, rất hay, tôi xin nó. Vì thế nó mở facebook để kết bạn giữ liên lạc. Tên mà nó để trên facebook là tên riêng của nó kèm thêm chữ Vàng A Linh. Nó tự gọi nó bằng cái tên H’mong ấy. Có thể cho vui, nhưng tôi nghĩ không chỉ vui thôi mà nó tự hào khi thể hiện nó là một thằng Singapore mà đã sống trong bản và đi ị dưới suối.

Giống như tôi vẫn tự hào, năm xưa nhà mới dựng tôi đã nhiều đêm thức đến gần sáng để canh bếp lửa cho vợ con ngủ, khi gió lạnh mùa đông se sắt lùa vù vù qua những khe ván gỗ.

***

Chúng tôi đã tiêu rất nhiều tiền trên bản, so với chúng tôi. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng vấn đề không phải là tiền, vấn đề không phải là lòng tốt, sự giúp đỡ. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Vợ tôi thường nói về tình cảm, cô ấy yêu những người đàn bà thuần hậu dung dị và người đàn ông chất phác mà manly dã man ở đây, yêu những đứa trẻ mắt đứa nào cũng sáng như sao. Tôi thì toàn uống rượu và vô tích sự, dành cả ngày để nhìn núi nếu không bị vợ sai bảo gì. Phillipp bảo, tôi rất vui mà cũng ngạc nhiên sao những người đàn bà ở đây họ yêu vợ anh thế, mà những thằng giai từ lớn đến bé thích anh thế. Tôi bảo, đàn bà yêu vợ tôi vì vợ tôi yêu thương họ, chia sẻ nỗi khổ của họ, đàn bà ở đâu chả khổ, còn đàn ông thích tôi và tin tôi, vì tôi tôn trọng họ. Bày tỏ sự tôn trọng, đấy là thứ duy nhất tôi làm ở đây, ngoài ra tất cả mọi thứ đều là vợ tôi làm và những người đàn ông đàn bà giúp vợ tôi làm. Từ cái nhà cho đến cái toalet. Từ bông hoa nở trong vườn.

Sự tôn trọng, tôi bảo Phillipp, là thứ mà người ở đây tôn trọng. Họ tôn trọng sự tôn trọng. Tôi chưa bao giờ thấy những thằng đàn ông ở đây dù say đến mấy, mà cãi nhau đánh chửi nhau, luôn luôn tôn trọng. Hòa thuận và tôn trọng. Những thằng đến đây, người Việt hay người Tây, thường tự cho mình là giỏi giang hơn, hiểu biết hơn, nhiều tiền hơn, và… Phillipp tiếp lời, nghĩ rằng người ở đây là ngu ngốc nghèo đói và kém cỏi? Tôi kể cho Phillipp nghe tại sao tôi tôn trọng Chư, vì khi đi Fansipan trời mưa rét anh ta chỉ cần dùng đúng 1 que diêm để châm lên ngọn lửa sưởi ấm cho người yêu tôi, tức là vợ tôi bây giờ. Thế là rất đủ rồi, chưa kể tôi thấy mọi thằng đàn ông ở đây đều tôn trọng Chư, dù họ đều có kỹ năng trên rừng như Chư, rồi họ lại tôn trọng tôi vì tôi biết tôn trọng Chư và bà cụ.

Chúng tôi nói về sự tôn trọng một lúc, thì một thằng say xuất hiện. Thằng đấy say đến nỗi nó nói to oang oang khi vợ tôi đang ngủ trong nhà, tôi cảm thấy rất bực mình. Nếu không có Phillipp chắc tôi xách nách thằng đấy đuổi đi. Nhưng tôi xuống gọi Chư, anh Chư, có thằng say quá nó lên nói to quá mà em không biết làm thế nào. Chư lên, uống trà với tôi và Phillipp, xong bảo, nó say ấy mà, nhưng nó hiền lắm, thôi cho nó nói một tí, rồi mình kéo nó đi. Anh em mình say cũng nói nhiều mà, tôi dịch cho Phillipp nghe, cả ba cùng cười, thằng say thấy cười cũng cười theo, đoạn Chư kéo thằng đấy đi.

Sự tôn trọng, thân tình. Tôi biết rằng nếu Phillipp hay bất cứ một thằng Việt Nam nào khác, có mặt ở lúc bà cụ mất, mà đi lại lăng xăng, sẽ bị đuổi. Nhưng đầu tiên là tôi xin phép cho tôi, ngay sau khi vợ Chư thông báo bà cụ yếu quá sắp chết. Tôi hỏi Chư và Ninh – anh của Chư – khi theo sau hai anh vào phòng cụ, tôi đứng trước cửa phòng hỏi, em giống em của các anh, cho em được vào đây với bà. Ừ ừ chú vào đây, mình là anh em. Khi bà trút hơi thở cuối cùng trên tay Chư, tôi hỏi, cho em khóc bà được không, bà chăm sóc vợ con em. Chư bảo, chú là em mình, chú làm gì chú muốn. Hôm sau, tôi lại hỏi, thằng khách này (ý là Phillipp) nó cũng muốn vào có được không, nó muốn chụp ảnh phong tục có được không. Ừ ừ, nó là khách của anh mà, chứ có phải khách của riêng chú đâu. Tôi chưa yên tâm, còn hỏi khắp đàn ông xung quanh, anh Pho, anh Sùng, Quả, cho thằng này vào được không? Được chứ được chứ, đám ma là để mọi người đến với bà mà.

***

Nhắc lại, mấy năm trước, có một anh bạn của vợ tôi, đến thăm nhà Sapa cùng chúng tôi. Về anh ấy bảo tôi, anh hiểu là em và Mai muốn giúp đỡ mọi người nhiều, nhưng anh cảm thấy là họ đang giúp các em. Ông anh nói câu đấy làm tôi giật mình và nghĩ lại rất nhiều. Quả thực, vào ngày mà tôi bày tỏ với anh Chư là muốn mua miếng đất dựng cái nhà, tôi đã nghĩ mình sẽ giúp được anh thật nhiều, vì mình ở thành phố, mình học cao hơn, điều kiện mình hơn, mình biết nhiều hơn… nhưng càng ngày càng thấy ông anh kia nói đúng, anh ấy rất minh triết, thật ra vợ chồng tôi được họ giúp đỡ rất nhiều.

Sau mười năm, anh Chư và mọi người đã biết sự cần thiết của nước sạch, toalet, biết động viên và cho các con đi học thật nhiều, thật hết cỡ chúng muốn. Đã biết giữ đất chứ không bán rẻ cho người Kinh lấy tiền trước mắt, đã biết coi những thằng khách là những thằng khách, chúng chẳng có gì hơn mình. Tôi không thể dám nói rằng vợ chồng tôi làm được họ thay đổi, nhưng mưa dần thấm lâu, vợ tôi thì thủ thỉ với đàn bà còn tôi thì say khướt với đàn ông, toàn chỉ nói chuyện làm toalet, cho trẻ con đi học, tìm nước sạch, không bán đất. Đó là những việc mà tôi nghĩ dự án lãng mạn Thung lũng khói xanh của chúng tôi đã đạt được kết quả lãng mạn dù hành trình là cả nghìn giờ chạy xe, nghìn giờ uống rượu và bao thứ lặt vặt mà tiền không giải quyết được, nói không giải quyết được, làm cũng không giải quyết được, mà cần thời gian, như cách tôi mang một gốc phong lan và treo nó dưới thùng lọc nước, nó cần độ ẩm và thời gian, hết ngày này qua ngày khác. Bù lại, chúng tôi được sống trong một đại gia đình, mà đàn ông thì làm anh em với tôi, đàn bà thì làm chị em với vợ tôi, trẻ con (dù nhiều đứa giờ đã lớn rồi) coi tôi như người lớn trong nhà nói gì cũng nghe, và tôi được học về sự tử tế và chân thành, tử tế một cách chân thành, mà tôi biết rằng mình không có. Trẻ con của tôi được sống và được lớn lên (dù chỉ đôi chục ngày một năm là cùng) với những đứa trẻ ấy, để chỉ cần 2 tiếng ra Sapa mua đồ là khi quay về phóng xe máy qua tôi không nhận thấy rằng con gái mình đang ngồi trên bể nước cùng ba bốn đứa con gái cùng lứa khác, chúng quá giống nhau.

Phillipp ở thêm mấy ngày, hắn nói rằng, tôi đã có đủ mọi thứ ở đây, không cần đi đâu nữa cả trong kỳ nghỉ này. Rồi tôi sẽ quay lại, cùng bạn gái tôi, và sẽ đi rừng leo Fansipan, cho dù tôi không thích cái đỉnh núi toàn đèn điện như một thành phố mà từ đây nhìn thấy nó mỗi đêm.

***

Viết một entry dài và loạn xạ để nhớ về bà cụ, nhiều năm sau này đọc lại sẽ vẫn nhớ. Trên Chrome của tôi vẫn lưu cái link bookmark từ 5 năm trước, link về bà cụ, người cuối cùng còn biết vẽ sáp ở bản Sín Chải, chắc cũng là toàn Sapa. http://www.tinmoi.vn/nguoi-cuoi-cung-ve-sap-o-ban-sin-chai-011202960.html Cảm ơn bạn nào đã đến và viết bài báo này.

Người cuối cùng ấy đã ra đi. Chúc bà cụ yên nghỉ. Tôi nghĩ bà sẽ không vắng bóng. Những đêm ở trên đó, nhất là khi trời tối mịt không trăng sao, với một lượng rượu đủ nhiều và lòng dạ thì sẵn sàng cho những điều không thực, ắt tôi sẽ lại thấy ánh đèn pin loáng loáng và thấy bà cụ đi lên nhà tôi, ngó xem tôi còn đủ củi đốt hay không. Sự sống của bà đã chấm dứt nhưng cuộc sống của bà chưa hết. Chúng tôi sẽ còn nhớ tới bà ấy rất rất nhiều năm, nhớ một người chưa từng ngồi ăn cùng một bữa cơm hay uống cùng chén rượu, bởi vì bà là bà, bà là người chăm sóc.

Có thật ít những người mà sự sống của họ vẫn cứ còn mãi trong lòng mình. Như ông già dạy nhạc của tôi, như cụ Chè tôi khi cụ ấy năm xưa dẫn tôi lên cây cầu bắc qua sông ở quê nhà “cụ dẫn cháu đến đây chơi chỉ để sau này cháu còn nhớ tới cụ”, như bà cụ già mẹ của anh Chư này. Những con người đáng yêu ấy, làm sao mà mình quên được họ, khi mình chưa quên chính mình.

Written by Tequila

September 25, 2018 at 3:31 am

Posted in Linh tinh

Summertime

with 4 comments

Một chú friend trên facebook viết một câu rất hợp ý tôi lúc này, rằng: “Sống ở Hà Nội đủ lâu, chúng ta đều biết ghét mùi hoa sữa và biết yêu mùi của đêm gió mùa”. Hôm nay dường như là mùa hè đã hết.

Tôi đang nghe bản Summertime do Andrea Motis trình diễn. Mở đầu bài hát là tiếng guitar bịt tiếng bật bông lúp búp, rồi thằng trống cầm hai cái chổi quét lẹt quẹt trên mặt cái snare của nó, thằng già chơi contrabass bĩu môi gảy những cái dây to như cái đũa của lão, rồi Andrea cất tiếng bằng giọng hát trong trẻo 20 tuổi của nàng, một cánh chim chao dưới nắng chiều. Mùa hè, cuộc đời dễ chịu, cá đang nhảy còn cây bông thì mọc cao. Trong đêm, nhạc jazz kiểu chậm như thế này nghe rất ngấm, có khi phải làm đôi shot whisky cho một đêm đẹp như thế này.

***

Hơn tiếng trước, tôi đang gà gật ngủ với quyết tâm ngủ sớm cho một sáng mai, thì một cuộc điện thoại gọi tới. Người gọi từ đâu chui ra đã lôi tôi tỉnh khỏi cơn buồn ngủ bằng những đêm cuối hè đầu thu hoang mang và đần độn mà tôi và hắn đã có với nhau những kỷ niệm tồi tệ chẳng thể diễn tả hết được. Xong rồi – hắn nói. Xong là xong thế nào? Là xong thôi.

Cuộc đời đã cố gắng dạy cho tôi rất nhiều bài học mà một thằng học sinh dốt như tôi không bao giờ học được. Dù sao nó cũng có những luật lệ, và dù luật lệ gì thì cách thức của nó vẫn chỉ là những tiếng tích tắc của cái đồng hồ. Hôm qua trước khi vào trận đá bóng thì tôi thấy điện thoại báo nhận được một cái thư quan trọng. Đó là một cái thư mà tôi gửi cho chính mình, mấy năm trôi qua và giờ thì tôi đã nhận được nó. Tôi chưa đọc, cuộc điện thoại khiến tôi muốn đọc nó ngay.

Tôi ra khỏi giường, rửa mặt, lấy một bình nước lạnh uống một hơi dài. Cuốn một điếu thuốc đặt trên bàn, lấy một chai bia craft rất ngon vợ mới mang về, rót ra cốc. Tôi đặt cái cốc ngay ngắn, đặt gạt tàn ngay ngắn, nghiêm trang mở youtube lấy một bản song tấu violin và piano dài 13 phút mà thời gian ấy ngày nào tôi cũng nghe, nghe nhiều lần trong ngày. Tôi vừa nhấm bia, vừa hút thuốc, nghe hết bản nhạc đó, rồi mới đọc thư. Lá thư thật ngây ngô làm sao, khi viết nó, tôi còn chưa hình dung được hết những gì sẽ diễn ra, lá thư vẫn còn tràn đầy hy vọng. Tất cả những hy vọng ấy đều đã rơi lả tả sau vài tháng, nhường chỗ cho những tiếng tích tắc của đồng hồ, điểm từng ngày từng tuần. Tôi đã được dạy nhiều điều, những bài học mà tôi sẽ không học được. Nhưng có một bài học mà tôi đã học được, đó là tiếng tích tắc đồng hồ, mà trò gửi thư cho chính mình trong tương lai chính là một cái cheat code của game. Bất kể thế nào, thì khi mình nhận được thư này, mọi chuyện đã khác, tồi hơn hoặc tốt hơn, nhưng khác. Thế rồi hãy kệ mẹ nó đi. Tôi chuyển sang nghe một bài hát tươi sáng, Summertime, and the livin’ is easy, Fish are jumpin’ and the cotton is high.

***

Mùa hè này vợ chồng tôi cho thằng bé con đi bộ đội 10 ngày, tức là cho vào trại hè quân đội. Một chương trình tốt và tử tế, nhưng vẫn có những vấn đề. Mười ngày không gặp con, mà lại biết rằng nó đang buồn khổ vì một lý do nào đấy, thật không dễ chịu. Đến ngày được lên thăm, trước khi hết khóa một ngày, vợ vắng nhà nên tôi lên thăm nó một mình.

Hai bố con ngồi giữa những bậc thang của một cầu thang vắng người, xa xa tiếng đàn hát của đêm Gala báo cáo kết quả chương trình đang rộn rã, chỗ bố con tôi ngồi thì khuất nẻo mờ mờ tối chỉ có ánh sáng hắt ra từ những ô trống của bức tường. Thằng bé ngồi bó gối, cằm dựa lên cánh tay, nước mắt vòng quanh. Con không thể nào chịu được một phút nào ở đây nữa đâu. Tại sao thế? Các anh ấy trêu con, bắt nạt con, đánh con còn bóp cổ con nữa, gọi con là đồ chó dại, mà con chỉ có một mình chẳng ai bênh chẳng ai chơi với con.

Tôi chỉ muốn tống nó lên xe chở về nhà ngay, cho nó ăn, cho nó đi chơi, yêu chiều nó. Nhưng tôi lại dẫn nó ra căn-tin cho nó uống coca và hỏi thêm ngọn ngành. Xót làm sao khi thằng con dân thành phố của mình, mắt sáng lên như thế khi được gọi một chai coca. Chúng tôi tuân thủ đúng yêu cầu của chương trình, không cho tiền thằng bé mang theo. Những thằng khác thì không thế, chúng ăn bánh, uống coca, còn con tôi thì nhìn thèm rỏ dãi. Haizz.

Thằng bé thật giống tôi hồi nhỏ, mà giống cả tôi bây giờ. Hỏi chuyện nó thì tôi mới thấy là nó giống tôi, nó không chịu được đám đông xa lạ, dù vẫn tuân thủ hết và làm tốt yêu cầu mà người ta đặt ra, từ gấp quần áo, ăn uống, luyện tập. Bọn trẻ cùng “tiểu đội”, lớn hơn nó, giờ chơi tự do chúng bắt được một con cóc, đánh đập hành hạ con cóc tội nghiệp. Thằng bé không chịu được, nó bảo vệ con cóc, nhặt con cóc chạy vứt đi. Thế là những chuyện tiếp theo xảy ra đương nhiên. Rồi bọn trẻ bàn nhau kháo nhau những thứ mà nó nghe thấy, xen vào trình bày, thế là lại có chuyện nữa. Ví như đứa trẻ lớn nói là động vật có vú thì đẻ con chứ không đẻ trứng, nó lại cãi là có con vẫn đẻ trứng là con thú mỏ vịt, thế là lại bị đuổi, bị chửi, bị đuổi khỏi cái giường mát của mình phải chui vào góc nóng, đến khi phụ trách kiểm tra mới được về.

Tôi ngồi hơn một tiếng đồng hồ nghe nó kể chuyện, an ủi nó, rằng có những chuyện không như ý mình, nhưng mình vẫn phải làm thế nào để chịu được. Rằng không phải ai cũng yêu mình, rằng có những đứa thì yêu quý động vật giống mình, lại có đứa không yêu. Cuối cùng nó cũng kể và chỉ một anh, anh đấy suốt ngày trêu con, nhưng mà anh ấy là người duy nhất thỉnh thoảng chơi với con. Đấy, nhiều khi cái thằng hay trêu mình lại là thằng quý mình. Đấy, không phải mọi người ghét con đâu, mà có thể cái cách của con khiến cho con hay bị trêu chọc. Chẳng hạn như khi bị trêu thì con lại phản ứng mạnh quá, tức giận hoặc khóc, chúng nó lại càng thích trêu. Nếu bị trêu mà con không đánh được vì thằng kia khỏe hơn, thì con cứ bỏ ngoài tai ấy, nó sẽ chán thôi. Suốt cả tiếng tôi nói với nó, hầu như hết những kinh nghiệm tuổi thơ và tuổi trẻ của mình, bằng ngôn ngữ để nó nghe được. Và cuối cùng tôi cũng thuyết phục được nó ở lại.

Con ạ, nhiều khi mọi việc không tốt, bố biết là con thấy rất khổ khi ở đây. Nhưng chỉ còn một ngày nữa thôi, con chỉ cần chịu đựng một ngày là sẽ hoàn thành. Như thế là mình không bỏ cuộc, mình sẽ chiến thắng. Bố sẽ rất tự hào nếu con không bỏ cuộc. Sáng ngày kia, bố sẽ lên tận nơi xem con nhận bằng hoàn thành chương trình, rồi sẽ đưa con về cùng với bố chứ không cần con đi cùng xe với các bạn khác.

Đêm đó, từ trường quân sự trở về, tôi tạt qua nhà bạn, uống cocktail thằng bạn tự pha, nghe thằng bạn chơi Metalliaca mà nhớ con thương con đến xoắn cả dạ dày. Rồi cách một ngày, sáng cuối tuần, tôi đến đón nó. Trong cả hội trường đông đúc và sực nức mùi hôi của những bộ quân phục trẻ con do chúng mặc và tự giặt suốt mười ngày, tôi ngắm thằng con mình ngồi ở xa xa sau khi ra dấu để nó biết tôi đã đến. Nó ngồi nghiêm túc trên ghế, nghe đọc tên thì lên nhận chứng chỉ, mặt đã trở nên vui tươi hơn vì biết bố đến đón và sắp được về. Nó giống tôi làm sao, mong manh yếu đuối, bắt được con dế cũng nghịch một lúc rồi thả ra, bị bạn đánh cũng không bao giờ đánh lại cho ra hồn, dù đã khóa được tay thằng bạn, thật khó để mà đấm thẳng vào cái mặt không có gì che chắn. Nó cũng mau nước mắt và dễ bị tổn thương. Nó sẽ lớn lên, và sẽ biết che dấu cái yếu đuối của mình, hiểu rõ nỗi sợ của mình để lựa chọn làm người can đảm.

Một tháng sau, ở trên bãi biển Hải Nam – Quy Nhơn, tôi dẫn thằng con mình tới gần đám trẻ làng chài đang đá bóng. Tôi vẫy thằng thủ môn là thằng lớn nhất của một đội, rồi bảo thằng con mình, “con nói với anh đi”. “Anh ơi cho em đá với nhé?”. Rồi tôi ngồi bệt xuống cát, xem thằng con mình đá bóng với bọn làng chài. Nó chắc sẽ quên nhưng tôi sẽ còn nhớ mãi cái ánh hạnh phúc ngời lên trong mắt nó, khi cản phá được đường lên bóng của đội bạn.

***

Một mùa hè đẹp đã đã sắp qua, những ngày thu lác đác sắp đến.

Hôm nay chúng tôi có một buổi tập nhạc rất tốt. Chúng tôi bận rộn quá, thời gian dành cho nhạc nhẽo quá ít, tiến bộ chậm. Mà trò này quan trọng là giờ bay, giờ bay chung với nhau. Tuy nhiên hôm nay chúng tôi đã gần như hoàn thành một bài rất tốt, cover thôi, chơi lại bản nhạc nổi tiếng ấy theo cách của riêng mình, với câu cú và màu sắc của mình. Tôi đã kiểm soát được tiếng solo rất tốt, đã có thể nhảy ra khỏi cao độ cơ bản để nhấn nhéo sợi dây trong một phạm vi do tiếng bass đẩy lên.

Niềm vui trong cuộc sống là đơn giản. Một bọn già cuối tuần hẹn nhau chui vào cái phòng bé tí, trống đàn đinh tai nhức óc, tập đến buốt ngón tay, chả có ai nghe cả và sẽ không ai nghe, chỉ để chơi tốt một bản xong thì thốt lên với nhau “hay đéo chịu được nhỉ hehe”.

Summertime, and the livin’ is easy
Fish are jumpin’ and the cotton is high
Oh, your daddy’s rich and your ma is good-lookin’
So hush, little baby, don’t you cry

Written by Tequila

September 10, 2018 at 2:31 am

Posted in Linh tinh