Teq's Blog

Archive for November 2017

20/11/2017

with 2 comments

Con gái tôi múa rất đẹp, ở trường mẫu giáo hễ mà có dịp hội hè lễ lạt gì là nó lại được lên sân khấu biểu diễn múa may. Giờ đi học tiểu học cũng thế, mới vào trường được có vài tháng thì các cô giáo cũng phát hiện ra và nó lại có tiết mục múa may trong lễ chào mừng 20/11.

Sáng vợ chồng tôi đưa bọn trẻ tới trường, tôi quyết định đi làm muộn, ở lại thêm để xem con gái biểu diễn. Con gái dĩ nhiên thích tôi xem nó rồi. Nhưng mà không chờ được, tiết mục của nó là tiết mục cuối cùng, múa với các cô giáo, mà tôi thì đến giờ phải đi. Không sao, hôm trước xem nó cùng các bạn biểu diễn kết thúc học kỳ lớp múa ba – lê, là phê rồi, múa ấy mới gọi là múa, chứ lên sân khấu trường tiểu học chạy ra chạy vào quay quay uốn uốn với các cô giáo, biết ơn các thầy cô, thì cũng không có gì ngạc nhiên để mà phải xem. Đi họp phát.

Trong lúc chờ tiết mục của con (mà không chờ được), tôi xem mấy tiết mục khác. Ngoài tiếng loa đài chỉnh dở ẹc, khiến nhạc thì chìm nghỉm còn các giọng hát đều thé thé, thì tôi thấy có một vấn đề của các tiết mục. Nó cứ hơi hơi dở hơi biết bơi thế nào đó, khi các thầy cô giáo dàn dựng các tiết mục để trẻ con biểu diễn ca tụng mình. Với trẻ con, thầy cô đương nhiên là tối thượng rồi, chúng nghe lời thầy cô hơn bố mẹ, vì thầy cô cho điểm chúng. điểm kém là về nhà gặp vấn đề với bố mẹ ngay. Còn với thầy cô, những tiết mục ca tụng này có ý nghĩa gì với họ, có làm họ thấy yêu nghề hơn, có làm họ muốn cống hiến hơn? Chắc là có. Những lời tri ân mà họ cho trẻ con lên sân khấu đọc, những bài hát ca tụng vinh quang nghề giáo, có cái gì đó khiến mình phải nghĩ về những thứ tuyên truyền vốn rơi rớt lại từ những giai đoạn lịch sử mà tuyên truyền là cần thiết. Đối tượng đã đang và sẽ thấm nhuần những tuyên truyền ấy, có phải trẻ con không, e rằng có mà không sâu đậm lắm, nó sẽ sâu đậm chính trong lòng các thầy cô giáo.

Công việc được một lúc, tôi bật máy tính nghe nhạc. Chình vì là cái ngày nhà giáo, nên tôi nhớ về người thầy duy nhất mà tôi luôn nhớ đến, là ông già dạy nhạc của tôi. Cầu cho ông ấy thanh thản trên thiên đường, trong vòng tay Chúa của ông. Tôi bật lại bản Polonaise số 13 của Oginsky, bản nhạc mà ông ấy rất thích, thường chơi cho tôi nghe bằng đàn piano, và tôi vì thích quá đã tự chơi nó trên guitar, giờ thỉnh thoảng tôi vẫn gảy giai điệu của nó.

Cái ông già ấy, không bao giờ quan niệm mình là thầy giáo, chả mong tri ân gì hết cả. Ông có dạy chúng tôi chơi bài gì mà Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi… bảo tập để 20/11 đi học thì có thể chơi tặng các cô giáo. Chứ ông đây không có bảng để mà có bụi phấn. Thế mà tôi chỉ nhớ đến mỗi ông ấy.

Xã hội chẳng có gì sai khi tôn vinh các nhà giáo. Chắc nhiều người trong số họ cũng vui khi được tôn vinh, được có một ngày cả thiên hạ ca tụng, để còn cảm thấy nghề của mình được tôn trọng, vui với đồng lương chết đói. Những người không thấy vui lắm với ngày này, chắc hẳn là các thầy cô giáo ở những biên cương hải đảo xa xôi. Những nơi chả có cha mẹ học sinh nào đến tặng hoa họ, hát hò ca tụng họ cả. Những nơi mà chỉ cần bọn trẻ con có đến trường, là họ đã vui rồi. Như cái bà giáo viên già ở đầu bản Sín Chải nhà tôi, chả chồng con gì, cả đời chỉ dạy học cho bọn trẻ con miền núi mà chả đứa nào nào coi trọng chữ nghĩa. Niềm vui của bà ấy là xin được gạo, để nấu cho bọn trẻ bữa trưa, cho chúng có lý do mà tới trường và không trốn đi chơi. Đấy là những người mà tôi ngưỡng mộ và muốn ca tụng họ, dù đi dạy học cũng là một nghề và họ cũng đang làm nghề mà thôi, nhưng họ có tình thương dành cho bọn trẻ con và niềm mong muốn từ năm này sang năm khác, làm sao để bọn trẻ con ấy găm được dăm ba cái chữ trong đầu, để cuộc sống chúng biết đâu dễ thở hơn. Nếu không có tình thương ấy, thì chẳng có đồng lương nào hay niềm vinh quang nào giữ được chân họ quá mấy tháng ở những góc núi mảnh rừng khuất nẻo, đêm tối hun hút buồn tênh chán đến nỗi ma quỷ cũng chẳng buồn hiện ra.

Và tôi cũng nhắn một cái tin cho mẹ tôi, bà ấy là một nhà giáo. Bà ấy luôn thấy vui với những điều mà tôi cho là phù phiếm, khi đến 20/11 được học sinh đến nhà tặng hoa. Bà thường có rất nhiều hoa, hoa cắm đầy nhà, đầy các xô chậu vào ngày 20/11 khi bà còn trẻ. Giờ bà đã hưu rồi, mấy năm nay, đến 20/11 bà chẳng còn có nhiều hoa nữa. Để tôi về bảo hai đứa con đi mua hoa tặng cho bà. Tôi nghĩ, chỉ cần bọn trẻ con biết bà cũng là cô giáo, thế là bà vui rồi.

Written by Tequila

November 20, 2017 at 12:00 pm

Posted in Linh tinh

Những thứ đẹp xinh nhỏ nhỏ

with 6 comments

Đêm nay nghe nhạc thèm viết một cái gì không nặng đầu, thôi lại viết chuyện đi chơi vậy. Mặc dù là gần đây toàn đi làm, ít được đi chơi, nhưng tháng trước có đi Hà Giang, lại Hà Giang. Mặc dù Hà Giang là nơi quen thuộc đến nỗi ai cũng từng đi nhiều lần, nhưng vẫn nên đi và nên đi tiếp, bởi nó cũng như mọi nơi đẹp khác, cứ bị xấu dần đi từng năm từng tháng một.

Có ông anh ở Sài Gòn, chưa đi núi phía bắc bao giờ, đặt hàng mấy anh em đi chơi Hà Giang, thì đi. Chẳng có gì để kể mấy, vì thân thuộc quá, kể chuyện đi Hà Giang chơi chả khác nào kể chuyện sáng ngày vừa quá bộ lên Hồ Gươm. Nhưng có cái thú vị riêng của chuyến đi này, là tôi được hưởng cái thú lái xe. Chưa bao giờ được lái xe đi lên mạn đó cả, mọi khi toàn là phi xe máy, hoặc ngồi xe người khác lái.

Lần này đi, mượn cái xe Pajero cũ rích của ông chú ruột. Đã lâu mới lại được chạy một cái xe bò to, cũ kỹ, nó chẳng có một tiện nghi khỉ gì. Mấy năm đi đâu toàn chạy sedan, giờ leo lên cái xe bò này thấy hơi ngợp. Tôi phải chạy rất từ từ trong phố, để làm quen chút. Ga của nó không êm, côn thì dơ, đạp côn xong đôi khi nó chẳng nảy lên hết, lại phải thò chân móc. Nhưng đi một đoạn thì quen và thấy là nó an toàn. Thế là chạy liền mấy ngày, làm thằng lái xe cho các bạn. Vừa chạy vừa khen cái xe cho các bạn yên tâm, chứ cái xe cũ rồi chẳng khỏe mạnh gì lắm, chạy cao tốc không vọt được xe khác, chạy đèo thì do côn dơ nên không điều côn được, đèn thì như đèn dầu. Tuy nhiên vẫn thú vị, những thằng có sở thích chạy xe, thì xe ngon hay xe lởm đều có cái vui riêng.

Chuyện Hà Giang hết rồi, chả có gì đặc biệt. Cảnh thì đẹp rồi. À trên Mèo Vạc có cái homestay rất phê, đặc biệt phê vì ở đó có món rượu mận nấu kiểu grappa, cực kỳ ngon. Với cả bọn người Kinh đã xóa sổ Phố Cáo. Phố Cáo lần đầu tiên tôi lên, vào một ngày lạnh giá mờ sương, đẹp khó tả nổi những ngôi nhà tường đá mái ngói đen mờ tỏ trong sương mù. Nay thì cả Phố Cáo đã chẳng còn cái nhà nào như thế cả. Dù rất hiểu rồi nhưng vẫn chịu không hiểu sao người ta lại có thể thiếu ý thức giữ gìn như thế với những thứ đẹp đẽ. Như kiểu cái đẹp là thứ bị căm thù hay ít nhất là luôn bị hiểu sai trên đất nước này.

Cho nên tôi rất đồng ý với ý kiến của một thằng bạn tôi, rằng chúng ta phải cố gắng để bọn trẻ con của chúng ta được hiểu thế nào là đẹp. Mà để được như thế, thì phải cho chúng quen với những gì đẹp đẽ xung quanh. Chúng nên được ở trong những ngôi nhà đẹp hoặc ít nhất là xinh xắn, chúng cần được ăn bằng những cái bát đôi đũa đẹp xơi những món được trình bày đẹp, chúng cần được xem những cuốn sách đẹp, chúng cần được ăn mặc gọn gàng, và nhìn thấy những chú đẹp giai những cô xinh gái ăn mặc trang nhã ngoài phố. Sau này lớn lên chúng sẽ hiểu được cái đẹp của sự sang trọng, cái đẹp của sự giản dị, cái đẹp của sự lộn xộn vất vả mà không nhếch nhác, cái đẹp của tự nhiên và cái đẹp của công trình con người tạo ra.

Chứ còn như giờ, tôi nghĩ là những kẻ phá hoại không cố tình phá hoại, họ chỉ không hiểu thế nào thì là đẹp. Cho nên họ mua một cái nhà tường đá ở Phố Cáo, xây trát bóng bẩy, phá cái cổng đá đi và thay bằng một cái cổng sắt như cổng ủy ban. Nhìn chả khác nào một con ngựa mặc vét tông.

***

Nhưng có một chuyện quan trọng đã xảy đến với tôi trong chuyến đi này. Trên cái xe Pajero cũ kỹ ấy, toàn là những tay yêu thích sách vở văn chương, và các bạn cổ vũ tôi viết. Của đáng tội là tôi luôn thích viết, và tôi vẫn viết lảm nhảm đều đều từ rất nhiều năm nay. Nhưng tôi không dám viết một cái gì tử tế vì tôi sợ không đủ trình, và hơn cả là tôi không biết viết về cái gì cả. Các bạn đã làm tôi cảm thấy tự tin và nhất là chọn được thể loại và đề tài. Một thể loại tôi thích và một đề tài tôi đặc biệt thích. Tôi quyết định bắt tay vào viết nghiêm túc, không phải để chơi chơi giết thời gian nữa. Tôi đã nghĩ về việc này lâu rồi, nhưng không dám bắt đầu. Và giờ thì tôi đã bắt đầu rồi. Cảm ơn các ông bạn.

Nó sẽ là một thứ rất dài dòng, nó sẽ tốn nhiều năng lượng và thời gian của tôi. Nhưng ngay từ khi bắt đầu những chữ đầu tiên, tôi đã cảm thấy được niềm hạnh phúc mà nó mang lại cho tôi. Cuối cùng tôi đã dám làm thứ mà tôi muốn làm nhất.

Cuối cùng, với những tháng ngày âu lo nặng nề căng thẳng mà gánh lo vẫn chưa thể cất đi được, tôi đã nhìn sâu vào trong lòng mình và hiểu rằng mình nên bắt đầu làm những thứ mà mình thực sự muốn làm. Không vì ai, không vì điều gì, không vì được cái gì và trở thành cái gì. Những thứ hoa hòe hoa sói đã bộc lộ hết những thứ phù phiếm và vô nghĩa của nó. Tôi không cần những thứ ấy nữa và không sống vì những thứ ấy nữa. Tôi sẽ dồn tất cả những kỷ niệm của mình, những tưởng tượng của mình, những rung động và những suy nghĩ của mình, để làm những thứ phù phiếm và vô nghĩa hơn. Đó là cùng các bạn viết ra nhạc của anh em mình, và một mình viết ra những thứ của riêng tôi. Những thứ mà tôi nghiêm túc cẩn trọng và cân nhắc, một câu một từ cũng là một viên gạch của tổng thể, khác hẳn với những đêm buồn rầu hoặc phấn khởi say sưa gõ loạn xà ngầu.

Năm xưa, tôi ngồi cafe bên hồ Hale với một anh bạn mà đã nhiều năm rồi không gặp lại anh ấy, anh ấy nói, chú cần phải lựa chọn. Một là cứ viết vui vui như trên diễn đàn hay blog, chả sao cả, vui mà. Hai là viết tử tế. Anh thích chú viết tử tế, vì anh cảm thấy chú có năng lực để viết, nhưng chú sẽ phải học để viết được. Tất cả những thứ từ trước tới nay chỉ là cái năng khiếu của một đứa trẻ nghịch chơi vui thôi, nếu chú muốn viết đàng hoàng chú sẽ phải khác đi. Tôi hỏi anh, học thế nào, anh trả lời là anh đéo biết.

Đã mười năm trôi qua và mỗi lần lên cơn thèm viết một cái gì đó tử tế, theo nghĩa là viết nghiêm túc cố sức mà viết ra, tôi lại nhớ lời anh và vẫn cứ nghĩ là làm sao để học. Không có câu trả lời. Tôi chỉ biết rằng từ khi nghe anh ấy nói thế, mỗi khi tôi đọc một cái gì hay, tôi đều tự hỏi là làm sao mà người ta viết ra được thế, tất nhiên chẳng phải là cái kiểu phê lên login vào blog và viết loạn xạ để rồi mai xấu hổ xóa đi như tôi vẫn làm. Nhưng cái kiểu đúng là cái kiểu gì. Rồi câu trả lời dần dần đến.

Xuất phát từ khi một hôm tết nhất ngồi với bạn Hiệp, mà từng nhắc rồi, tôi nói với bạn, tự nhiên giờ tớ hiểu được nhạc cổ điển. Tự nhiên tớ nghe nhạc cổ điển như là đọc văn bản, tự nhiên nó không còn gì là kỳ bí. Đọc văn bản có thể mình không hiểu nghĩa thực sự của nó hoặc không đủ trình để hiểu, nhưng vẫn có thể đọc to lên như một thằng trẻ con bị cô gọi lên bảng và cầm sách đọc trôi chảy. Tớ nghe cổ điển một bản nhạc xa lạ thấy như mình đang nghe ông tác giả diễn thuyết. Rồi nghe được nhạc cổ điển, tự dưng tớ xem được tranh cậu ạ. Tự nhiên tớ biết là bức nào đẹp đối với tớ, và tự nhiên thấy không thích những bức nổi tiếng được ca ngợi nhưng mà mình cứ thấy không ưa. Rồi tự nhiên tớ xem được ba-lê với niềm xúc động tràn trề. Rồi tự nhiên tớ đọc sử thấy rất vào, đọc được sách tôn giáo thấy rất vào. Tất cả những thứ thuộc về loài người, cái trí tuệ đó chỉ là một, và các thứ nghệ thuật là sự diễn giải theo những hình thức khác nhau. Khi chúng ta có thể hiểu được hình thức này thì cũng sẽ hiểu được hình thức kia mà thôi.

Rồi khi ban nhạc được thành lập, tôi khởi xướng chơi nhạc của chúng mình, của chúng ta. Chúng nó sáng tác nhạc hay chơi nhạc hay, thì anh em sáng tác nhạc lởm và chơi nhạc lởm, có gì đâu mà sợ. Tôi phát hiện ra rằng giữa hằng hà sa số những bản nhạc mà mình đã nghe và ngưỡng mộ tưởng như không thể nào vượt qua, vẫn có một cách vượt qua, đó là viết một cách có thể tệ đấy nhưng là của mình. Mình không cố tình để nó tệ, mình muốn nó thật vãi đái, nhưng nếu nó tệ thì cũng không sao cả. Vì cuộc đời là thế mà. Không bao giờ có hoa hậu nếu không có một đội các em chân dài tí to tham gia cuộc thi. Không bao giờ có nhạc sỹ thiên tài nếu không có hằng hà sa số những anh nhạc sỹ bất tài ăn cám lợn. Không bao giờ có tiểu thuyết tót vời nếu không thằng nào dám ngồi kỳ cạch gõ dù biết tuyệt đại đa số là dở ẹc.

Tôi đã có câu trả lời cho bữa cafe mười năm trước với ông anh nọ. Tôi sẽ không bao giờ học được cách viết một truyện ngắn hay một tiểu thuyết, bởi vì không có cái giáo khoa nào cho nó cả, dẫu có đọc hết tiểu thuyết trên đời và đọc hết các lý luận văn chương trên đời. Chỉ có một việc là viết đi, và cố sao cho nó hay nhất có thể, với chính mình. Viết theo cách mà mẹ mình đẻ mình ra, cách cha mình tát cho mình vỡ mồm để uốn nắn, theo cách những bạn bè cùng lớn lên với mình để tạo ra tính cách của mình, theo cách tình yêu khiến mình phấn khích và thê thõm, theo cách những thành công phù phiếm khiến mình hãnh tiến và những thất bại ngu ngốc khiến mình tủi hổ, theo cách mà đến giờ phải dậy đi làm thì cái điện thoại bắt đầu réo chuông báo thức ò e ò e. Và để mà phút giây phải tỉnh giấc ấy, để một ngày mới bắt đầu đẹp đẽ hơn, thì chuông điện thoại báo thức hãy để một bản nhạc mà mình yêu thích, nó sẽ kéo mình ra khỏi giấc ngủ và cho mình một thứ đẹp để bắt đầu một ngày.

Những ngày gần đây tôi thức dậy với tiếng Cello suite No 1 G của Bach. Tôi chở bọn trẻ con đi học, mua cafe và tới văn phòng. Tôi đóng cửa phòng mình, bật máy tính, đốt một cái nến, tôi nhâm nhi cốc cafe, cuốn điếu thuốc hút, nghe một bản cổ điển, hoặc nghe những đoạn nhạc mà chúng tôi đang làm, và đọc lại những dòng viết được tối qua. Thường thì tôi thấy hài lòng với những câu nhạc và những đoạn viết được đó. Chúng có thể chưa được hay lắm, hoặc dở tệ, nhưng chúng đẹp đẽ, vì mình đã cố sức làm chúng đẹp hết mức có thể, bây giờ. Mai mình sẽ làm chúng đẹp hơn một chút, hoặc xóa mẹ chúng đi viết lại. Thoải mái và tự nhiên đi thôi. Rồi tôi bắt đầu công việc kiếm ăn của mình. Làm việc để kiếm ăn, rất khác với chuyện làm việc để kiếm ăn để có cái ăn rồi mình lại gắng làm ra những thứ đẹp xinh nho nhỏ.

***

Ngủ thôi đêm nay khuya quá rồi, sắp phải dậy đi làm rồi mà còn chưa ngủ. Hết cụ nó ba phân whisky và bốn phân tequila rồi.

Written by Tequila

November 16, 2017 at 4:01 am

Posted in Linh tinh