Teq's Blog

Archive for August 2014

Làng Bách Khoa thơ bé

with one comment

Trời đang đổ mưa to như trút trong đêm, làng tôi đã lên phố từ lâu lắm rồi, không còn những rãnh nước chảy xiết bên bờ cỏ khi mưa xuống.

Cuộc sống dĩ nhiên phải thay đổi và phải phát triển lên. Từ một thành phố xinh đẹp mà ở bất kỳ góc nào cũng có thể là chỗ cho một thằng dở người ngồi làm thơ (tất nhiên bọn làm thơ thì luôn dở người và không hề lãng mạn) như thằng bạn cấp ba của tôi nay là sĩ quan kiêm chủ quán, xưa thường ngồi góc phố uống say với tôi rồi làm những bài thơ hay gần bằng Vũ  trên những vỏ bao thuốc đọc xong vo viên vứt, thì nay thành phố đã phát triển thành một bãi xấu xí khiến ở bất kỳ góc nào người ta cũng có thể chụp cái ảnh up lên facebook để chửi.

Tuổi thơ ở trong làng

563131_3471436958407_196148131_n

Vào những năm xưa đó, sau một trận mưa đêm như thế này, thì nước sẽ không bao giờ rút hết trước khi trẻ con kịp chơi. Nước sẽ từ đâu chầm chậm đổ về rồi chui vào và chảy rất xiết trong những khe rãnh nhỏ trước khi nó lại hòa vào dòng sông nhỏ nước đen đầy bèo tây ở mạn kia cách nhà tôi tầm hơn trăm mét. Tôi cùng thằng bạn hàng xóm, thằng mà tối trước đá bóng  về tôi và thằng em trai đi ngang qua con xe nó đang đậu vệ đường để chờ vợ nó vào mua bỉm sữa, tôi đã giơ tay chào nó trước khi thật sự nhận ra nó, khiến thằng em tôi cũng ngạc nhiên sao có thể nhận ra người quen đang ngồi sau vô lăng trong cái xe đậu nơi vỉa hè tối, nhưng người ta luôn nhận ra thằng bạn tuổi thơ của mình theo cách như vậy kể cả khi giờ trông nó già và béo rất buồn cười, tôi cùng thằng bạn đó thường chơi với nhau khi nước về sau mỗi cơn mưa. Hai nhà cạnh nhau, nước mưa chảy xiết qua rãnh thì phải qua nhà tôi rồi mới đến nhà nó. Tôi thường thả những chiếc thuyền bằng cọng cỏ, đôi khi là thuyền giấy gấp đàng hoàng, mà thuyền trưởng là một con bọ nào đó tóm được bên khóm cỏ, vượt qua những ghềnh thác của con rãnh nước để từ cửa nhà tôi sang cửa nhà nó rồi đi tiếp. Niềm mơ mộng của tôi về một chiếc thuyền trôi từ thượng nguồn về xuôi, có khi bắt đầu từ những con thuyền cỏ hay thuyền giấy đó, những con thuyền đã vượt qua ghềnh thác một cách hoành tráng biết bao.

Vào những năm xưa đó, khi tôi đã tốt nghiệp hết những khóa chơi đồ trên thành bể nước nhảy phom phóp qua những mảnh chai mảnh sắt tây bên dưới mà bất cứ bố mẹ nào ở thời buổi này cũng sẽ kinh hãi thì thằng em tôi còn đang dập dọ chơi những trò của nó mà đỉnh cao là bị rơi xuống hố vôi còn chưa nguội phải đi viện, cùng tầm ấy thằng bạn hàng xóm mà tôi nói ở trên đã có một pha cứu người mà giờ này có thể nó đã quên, là khi em tôi bị điện giật khi trèo tường bám phải dây điện hở, nó đã rất bình tĩnh cầm cái sào tre chọc cho thằng em tôi rụng từ bờ tường xuống đất mà thoát chết, khi đó tôi mười tuổi và đã biết đến sự kiên nhẫn và cảm giác dịu nhẹ của nỗi cô đơn chưa có thật. Trước cửa nhà tôi là rãnh nước, qua rãnh nước là vườn, vườn nhỏ thôi mà hồi bé ấy thì rộng lắm, qua vườn là một lối mòn nhỏ, qua lối mòn là rừng của tôi. Cái gọi là rừng ấy chắc chỉ rộng cỡ chừng ba chục mét vuông, nhưng rậm rạp. Ở giữa rừng có một tảng bê tông, cạnh tảng bê tông có một cây ổi, trên cây ổi năm đó có một quả ổi. Tôi đã ngồi nhiều giờ trên tảng bê tông đó, dưới cành lá cây ổi và ngắm nhìn quả ổi.

Tôi nhiều lần từng ngồi ở đó, vào buổi trưa, ngắm quả ổi và nghe tiếng còi tầm mà mọi người Hà Nội năm xưa ấy đều vẫn nhớ, khi tiếng còi ấy có lần tôi đã viết, bay từ Bờ Hồ xuôi theo Bà Triệu, vượt qua đê Đại Cồ Việt, bay vào khu Bách Khoa vượt qua các ruộng rau, lượn qua dãy nhà của chúng tôi và chui vào rừng của tôi, rót lên tai tôi đang ngồi bên dưới quả ổi. Quả ổi rất to, một ngày kia chúng tôi, hai anh em tôi và hai anh em hàng xóm đã ăn nó. Khi quả ổi đã bị ăn xong thì tôi không vào rừng nữa.

***

Vào những năm xưa ấy dây tơ hồng leo vàng rực trên những cây nhãn dọc con đường bên sân vận động mà nay gọi là đường Lê Thanh Nghị. Ông nội tôi bảo những dây tơ hồng là loài thực vật ký sinh và nó vắt kiệt sức những cây nhãn, nhưng đứa trẻ nào cũng kéo những dây tơ ấy để tết thành một vòng nguyệt quế đội trên đầu và đeo vào cổ, rồi bắt những con bọ xít vặt chân chúng đi để dán vào cái lá, thành xe đua. Trò đấy dã man tôi không ham, hồi bé ấy và cho đến lớn lên tôi vẫn là kẻ mềm yếu và không chịu nổi khi nhìn thấy những con vật khốn khổ ấy bị vặt chân và không hiểu gì cả cứ cố vẫy đôi cánh khốn khổ để chiếc lá chạy như xe đua. Tôi cũng theo chúng bạn trèo lên cây nhưng không để bắt bọ xít, mà trèo chỉ để trèo thôi, nằm trên cây mà nhìn bóng nắng len lỏi rọi xuống mặt đường thành những điểm sáng nhảy múa. Chẳng có đứa trẻ nào trong chúng tôi từng bị ngã vì trèo cây, vì cây là để trèo và cây sẽ không làm chúng ngã.

Vào mùa đông chúng tôi đốt lên đống lửa giữa bãi khoai, bãi khoai cũng chỉ rộng vài trăm mét vuông mà thôi nhưng khi ấy thì khác gì một cánh đồng mà trong sách giáo khoa vẫn tả. Chúng tôi đốt lửa lên và khói thơm ngát cả cánh đồng nhỏ nhoi của chúng tôi, khói lan tỏa khắp đồng và lan cả ra ngoài đồng, nơi là khu mỏ của ông điên, ông điên ấy là bố một thằng bạn hàng xóm tôi, ông ấy chả hiểu sao cứ ngày này qua ngày khác đào đất thành cả một cái hố to kinh khủng, còn thằng bạn mà bố là ông điên ấy về sau lớn lên rất giỏi tin học, từng dạy dỗ tôi đôi tuần về món ấy nhưng tôi quá dốt không theo được, nó có khi giờ đang là thằng chuyên gia ở một cái nước nào đấy rồi vì tôi không còn nghe thấy nó ở bất cứ đâu nữa.

Vào mùa hè tôi thường làm những con diều, nhưng không biết thả diều. Diều tôi thả chỉ bay được đến ngọn cây mà không thể cao hơn, lại phải nhờ các anh lớn biết điều khiển diều nương theo gió mà lách qua được các ngọn cây tránh được các dây điện. Khi diều bay lên rồi thì tôi gửi thư. Thư là một mẩu giấy nhỏ, xé một đường rồi lồng vào dây diều, gió sẽ đưa mẩu giấy ấy leo lên dần, đến tận diều mới thôi. Các ông anh lớn giúp tôi thả diều ấy, khi đó là những siêu nhân giỏi giang không biết chừng nào mà kể, ngày nay tôi vẫn thường thấy các anh ngồi cà phê trong khu, chả có ông nào giống siêu nhân nữa cả, họ đã qua bốn mươi cả rồi và giống như tất thảy các vị bốn mươi bốn lăm tuổi ngồi các cafe cóc khắp thành phố này.

Có một siêu nhân từng ngồi trên thành bể nước bỏ không, nơi chúng tôi chơi đồ, nhảy phom phóp qua thành bể bên dưới là gạch đá và mảnh chai nhưng chưa từng có thằng nào sảy chân rơi xuống, kể chuyện ma cho chúng tôi. Rồi anh, khi ấy tầm mười hai mười ba tuổi, đã giảng dạy cho chúng tôi về giới tính. (Hôm rồi mấy cô bạn học cũ tôi kháo nhau trên facebook, kêu nhau là ê ê sao trẻ con nhà mình còn bé thế đã để ý bố mẹ chúng hôn hít nhau, tôi ngừa mồm mò lên bảo hồi xưa bé bằng con các bà bây giờ tôi đã được các đại ca giáo dục giới tính rồi nhé, chả bà nào like comment của tôi cả, nghĩ tôi nói nhảm). Anh siêu nhân ấy giảng cho chúng tôi rằng người cũng giống chó đấy, chúng mày thấy chó dính đuôi suốt rồi chứ gì, người cũng thế để sinh ra con cái, như thế gọi là (tự điền vào chỗ trống), là rất kinh. Kết luận, anh bảo, sau này tao sẽ không như thế, bọn trẻ con chúng tôi cũng thống nhất lớn lên mình sẽ không như thế. Câu chuyện của anh làm tôi buồn tới mấy ngày.

Bên cạnh những chuyện đó, thì chúng tôi lớn lên dần. Cách nhà tôi vài hộ, có một chú lính giải ngũ về, chú lúc nào cũng buồn, chú có một cây guitar. Em gái chú là một cô gái xinh đẹp và nhiều thanh niên đến nhà, còn chú lúc nào cũng buồn, chú thường chơi guitar lúc khuya, chú đánh dở nhưng với trẻ con ngồi ngoài thềm nghe lỏm thì thế quá hay rồi. Như bài hát của Trần Tiến vậy. Một vài năm sau chả biết là năm nào nhưng là lúc tôi chưa kịp lớn, nhà chú chuyển đi, tôi nghĩ cho tới bây giờ chú vẫn buồn, bởi ba mươi tuổi mà đã có vẻ buồn như thế thì làm gì có cái gì mà vui lên được.

***

Hôm rồi một ngày cũng mưa, trưa tôi đi ăn rồi cafe với một cô bạn. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ. Cô ấy tạt về Việt Nam để thu xếp công việc, tranh thủ mấy tiếng cafe với tôi rồi hôm sau lại đi, cô đã đi rất nhiều nước. Cô bảo tôi, thật buồn cười, bạn Đức có thể gọi là một loại người mà từ bé đến lớn chỉ sống ở một chỗ, ở một làng. Quả thật, trừ một thời gian ở Nga mà tôi cứ kể mãi, thì tôi chỉ lanh quanh bán kính 3km từ nhà mình, nơi tôi đang ngồi viết những dòng này.

Thế giới rộng lớn biết bao còn tôi chỉ lớn lên và sống trong cái làng của mình. Tôi không lấy làm phiền vì điều đó. Tôi là một người làng.

 

Làng ở rìa thành phố

Hôm rồi, cũng vào một ngày mưa, có bạn post trên facebook một trang của Tô Hoài, rồi viết, thảo nào mỗi lần từ Phố Huế sang Bạch Mai là mình đã thấy rất khác, khác cái không khí.

Quả đúng như thế, khi tôi còn nhỏ thì Hà Nội rất nhỏ. Về mạn phía nam này, thì đến hết Phố Huế tức là đến ô Cầu Dền là đã hết Hà Nội. Qua khỏi ô Cầu Dền, mà thời đó là một cái cầu nhỏ bắc qua một khe nước đen, thì Hà Nội thò thêm một khúc đuôi là phố Bạch Mai, hết chợ Mơ có thể gọi là ngoại thành thực sự rồi. Khu Bách Khoa là một làng có hình tam giác với một cạnh là phố Bạch Mai, một cạnh là đê Đại Cồ Việt, một cạnh là con sông Sét chia cắt đại học Bách Khoa và đại học Kinh tế.

***

Khu Đại học Bách Khoa khi xưa vốn là Đông Dương học xá. Nghe nói sau khi Việt Minh cướp chính quyền, người ta đã định tổ chức mít-tinh đọc tuyên ngôn độc lập ở Đông Dương học xá, nhưng sau đổi về Ba Đình bởi Đông Dương học xá cách quá xa trung tâm, dân phố có thể lười không tới.

Hiện giờ những ngôi nhà cũ của Đông Dương Học Xá vẫn còn tồn tại. Thời tôi còn nhỏ, những ngôi nhà lớn đó được đánh tên là A, B, C, D, E, F, và nhà Bát Giác.

50512418

(ảnh chôm trên blog anh Chitto)

Đông Dương học xá có 4 ngôi nhà chính đối xứng nhau, được xây khoảng 1938. Bức ảnh trên là nhà D (bên phải) và nhà C (bên trái), góc chụp này chắc đứng từ nhà A mà chụp. Bên phải nhà D, là ngã tư Lê Thanh Nghị – Tạ Quang Bửu bây giờ, mái nhà nhỏ có tháp hình trụ tam giác ở rìa phải ảnh là nhà E. Ở giữa nhà D và nhà C là nhà Bát Giác. Khoảng đất trống trong ảnh giờ là sân vận động Bách Khoa.

Trên nóc những ngôi nhà này có những ống khói. Hồi tôi còn nhỏ thì chim cú lợn làm tổ trong những ống khói đó. Buổi tối tôi thường nghe tiếng éc éc rợn người của chúng khi bay từ nóc nhà này sang nóc nhà kia. Những năm gần đây không thấy chúng nữa, chắc vì phố đã quá đông. Từ hồi tôi còn nhỏ, những ngôi nhà đó đã mang vẻ bí hiểm. Về sau tôi là sinh viên đại học Bách Khoa thì cũng chả bao giờ có dịp vào những ngôi nhà đó. Trừ nhà B bây giờ là trụ sở Đại học Mở thì tôi có vào rồi, nhưng vẫn nhớ hồi bé anh em vẫn chui xuống một cái rãnh và ngó vào trong hầm nhà B qua ô cửa sổ, nhìn mấy cái móc sắt và dây xích trên tường, kháo nhau rằng ngày xưa Pháp nhốt người và tra tấn trong đó, tất nhiên chỉ là trẻ con kháo nhau.

Năm tháng qua đi, sau chiến tranh vài năm thì tôi ra đời. Khi sinh ra tôi ở bên nhà bà ngoại cách một cây số đường chim bay. Rồi mẹ tôi xin với nhà trường cho được tự dựng nhà cấp bốn trên khu đất toàn hố bom mà ở, và thế là tôi lớn lên ở góc có gốc cây đen đen phía trái nhà C. Từ đó đến đầu nhà D là hàng cây nhãn và vài gốc xà cừ. Đầu nhà D nay là ngã tư thì là chợ cóc Bách Khoa, nơi bà nội tôi ngày ngày mang giá đỗ ra bán. Bãi đất này thì khi tôi sinh ra đã là sân vận đồng rồi, nhưng chỉ có 2 cái gôn và một deo đất teo hẻo ở giữa, chắc đá được theo đội hình 2 – 2 –2 –2 – 2, còn thì xung quanh toàn rau muống và cỏ dại. Về sau người ta xây tường bao quanh, rồi nhiều năm sau nữa là khán đài và thành cái sân vận động to đẹp như giờ.

Từ nhà tôi bây giờ, khi đứng ở cửa sổ nhìn ra, thì nhìn đủ cả bốn ngôi nhà cũ ấy của Đông Dương học xá, như khi tuổi thơ xưa tôi nằm trên mái bếp mà nhìn, như khi tôi leo lên sân thượng (nhà lúc ấy đã xây) mà khóc ròng khi đọc Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, như khi tuổi lớn lên gặp ngày buồn bã đọc cho lắm tiểu thuyết vào thì cũng trèo ra ban công trên cùng cắm điếu thuốc vào mồm mà mơ mộng về những yêu đương và buồn đau chưa biết tới.

***

Trong làng trẻ con rất lành và học giỏi, vì chủ yếu là con cái của giáo viên và cán bộ nhân viên trường Bách Khoa. Chúng tôi nghịch đủ trò, nhưng không đánh nhau, và thường bị nạn trấn lột do các toán trẻ con “ngoài phố” đi thành từng toán bốn năm đứa thỉnh thoảng đi càn trong làng. Bọn “ngoài phố” tức là bọn trẻ con phố Bạch Mai, bọn trẻ con đê Tô Hoàng, đàn em của những chàng “quân khu” đi tông Lào đội mũ Cối. Chả may chống lại được bọn chúng, thì lập tức chúng sẽ “tao sẽ gọi anh tao” và chẳng ai có thể chống lại những người anh đó.

Khi học lên cấp hai, ra học trường Tô Hoàng ngoài đê Đại Cồ Việt, bài giảng đầu tiên mà tôi được học không từ cô giáo, mà là cảnh một thằng lớp chín nhổ nước bọt xuống dép mình và một thằng khác quỳ xuống liếm. Nhìn cảnh đó, tôi thấy không được rồi, phải tìm cách nào để tồn tại. Tôi chơi với một hai thằng ngoài phố, gặp nhau là chào nhau tươi cười, cũng đỡ được việc bị bắt nạt. Trong túi quần tôi luôn có một vũ khí là một cái súng cao su, chỉ để cảm giác cho an toàn hơn thôi, dù tôi bắn súng cao su rất giỏi. Vẫn hai lần bị bắt nạt, một lần bị trấn lột cái thắt lưng, một lần khác bị chính một thằng bạn ngoài phố đi ngang qua giật lấy mũ và ném xuống sông Sét, với một cái cười rất lạ. Dù sao, không chỉ có tôi mà hầu hết bọn trẻ con trong làng đều có thể tồn tại giữa bọn ngoài phố và chỉ rất thỉnh thoảng mới bị bắt nạt. Cũng có thể tới khi ấy, khi tôi đã lên cấp hai, thì khoảng cách trong làng ngoài phố không còn quá xa nữa và về độ hư đốn cũng dần đều nhau, trong làng cũng bắt đầu có những nhân vật quân khu.

Từ trong làng ra đến ngoài phố, tức là ra đến Bạch Mai, ô Cầu Dền, thì còn một lớp bọc nữa mới lên tới Hà Nội. Lớp bọc ấy là quân khu chợ Giời. Qua khỏi chợ Giời, lên tới khúc Nguyễn Công Trứ rồi chợ Hôm trở đi, thì mới là Hà Nội văn minh. Trẻ con ở Hà Nội văn minh rất khác chúng tôi, chúng mặc đẹp, ăn đồ ngon, nhiều tiền tiêu vặt, đi xe đạp tốt. Khi lên tới cấp ba thì sự khác biệt càng rõ, bọn Hà Nội phố cổ là bọn giai thanh gái lịch, sành điệu và thường đẹp. Ngay đến bây giờ, Hà Nội trộn lẫn đủ người các nơi, ngắm gái đẹp chạy vè vè Vespa PS ngoài phố, tôi vẫn hầu như phân biệt được con bé nào là gái phố, con bé nào là ngoại tỉnh, con bé nào lớn lên từ những khu ven Hà Nội như khu của tôi.

Nhìn trên bản đồ, chỉ có 3km đường chim bay là tới Bờ Hồ, thế nhưng là cả một sự khác biệt lớn.

Vào năm lớp 6, tôi đi học đàn ở Cung Thiếu nhi, một ngày vào hiệu sách mua được bản nhạc Thư gửi Elise chuyển soạn cho guitar, tôi đã sung sướng đi bộ từ Bờ Hồ về đến nhà, dọc theo Hàng Bài Phố Huế Bạch Mai, đến giờ vẫn còn cảm thấy như đích thực là lần trở về nhà đầu tiên sau một chuyến đi xa.

Lớn lên trong làng

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Theo cánh chuồn chuồn bay rợp trời mùa hạ, chúng tôi đã lớn lên cùng nhau với các trò chơi ngày mưa ngày nắng. Đứa nào cũng biết bổ quay, đứa nào cũng biết trèo cây và đào đất, đứa nào cũng biết đánh gậy gộc vì chia quân đấu gậy dươi trăng là một trò chơi rất thú vị, đứa nào cũng biết làm diều, đứa nào cũng giỏi bắn súng cao su vì chuồn chuồn luôn bay rợp, đứa nào cũng biết nuôi cá và đấu cá chọi, đứa nào cũng biết sờ ve, đứa nào cũng biết đá bóng vì lớn lên gần sân bóng.

Chẳng đứa nào biết bơi vì con sông tuổi thơ chỉ là một khúc sông đen ngòm bẩn thỉu, chẳng đứa nào biết câu cá vì dưới cống dưới sông đen sì chỉ có toàn cá săn sắt. Chẳng đứa nào biết chơi với bọn con gái ra sao, vì lạ thay, trong khu toàn con trai. Nhất là mấy dãy nhà cấp bốn chỗ tôi lớn lên, có đến mấy chục đứa trẻ con các lứa tuổi nhưng chỉ có hai đứa con gái, trong đó một đứa là nhà từ nơi khác chuyển về. Chú ruột tôi bảo, ở cái đất này, chỉ toàn đẻ ra con trai, đến chó cũng toàn đẻ ra chó đực. Mà nghiệm lại vẫn đúng, khi lấy vợ xong tôi ở nhà Bách Khoa này, thì đẻ ra thằng cu. Rồi thuê nhà sang chỗ khác ở riêng, thì đẻ ra con gái. Có ông bạn nào giờ này muốn đẻ con trai, tôi cho thuê phòng tôi đấy.

Chúng tôi lớn lên nhẹ nhàng như không, chơi lắm nên chẳng thằng nào ốm vặt. Bố mẹ cứ thả chúng tôi ra đường chơi mà chẳng cần quản lý, đến giờ cơm thì gọi về. Khi bố mẹ đi làm thì thường nhốt bọn tôi trong nhà, khóa trái cửa lại. Bố mẹ cũng chẳng cần lo lắng vì có một tỉ cách để chúng tôi thoát ra nếu nhỡ nhà có sự cố.

Tôi hay nằm đọc sách trên mái bếp. Tôi trèo lên cây hồng xiêm, rồi từ cây hồng xiêm chuyền sang mái bếp, rồi leo lên nóc mái, nằm dài ở đó đọc truyện hoặc ngắm mây trời. Chán thì lại gọi thằng hàng xóm, mày góp đường tao móc trộm gạo, rồi rang gạo lên với đường, ngồi cùng ăn với hai thằng em. Nỗi lo lắng lớn nhất là con chó Nicka chui qua khe cửa sắt mà trốn đi chơi. Không thể để nó đi chơi được, vì nó là một con chó béc-giê lai, cao lớn lông trắng muốt, cực nhanh nhẹn nhưng sở thích vô cùng của nó là ăn cứt. Trong khu thiếu gì cứt, nó ăn phè phỡn xong không tiêu hóa được, bắt đầu thót bụng ục ục và nôn ra, thường là dưới gầm giường, mà cay nhất là sang nhà hàng xóm nôn dưới gầm giường nhà hàng xóm, phải dọn trước khi người lớn về. Dọn cứt người do chó ăn về nôn ra là một việc cực kỳ kinh tởm. Vì thế nó mà thoát ra là tôi cũng phải thoát ra để đi đuổi.

Tôi thường đuổi nó dọc đường đất cạnh nhà, đuổi xuyên qua ruộng khoai, lao xuống và lao lên từ khu mỏ của ông điên, chạy dọc theo con đường đầy nhãn mà giờ là Lê Thanh Nghị, có nhiều khi phải chạy đuổi nó ra tận đầu phố Bạch Mai. Ban đầu tôi chỉ có thể đuổi theo và ném gạch dọa nó. Về sau tôi có thể rình rình và cắt đường nước rút tóm được nó, nắm lấy cổ dề và gí xuống đất, xích lại và kéo về. Về sau tôi đá bóng kém cũng là do con chó này, nó luyện cho tôi chạy quá khỏe, nên đá bóng chỉ cần đẩy bóng dài và chạy thôi cần gì kỹ thuật, chả ai bắt được.

Và trẻ con lại lớn lên

Tôi còn nhớ vết sẹo đầu tiên của tôi là một vết thương ở chân do trèo tường mà ngã xuống mảnh chai, ông nội đã lấy bã thuốc lào mà rịt cho tôi. Tôi còn nhớ lần mê gái đầu tiên của tôi, mà người lớn sau này cứ trêu mãi, là ôm con voi của mình rồi đòi ông nội dẫn đến nhà bạn gái mẫu giáo để tặng bạn cho bạn nhanh khỏi ốm. Lần ngã vỡ mồm đầu tiên cũng là lần buổi tối đến nhà một bạn gái khác và ngã trên cầu thang nhà tầng tối, mếu máo đi về không dám nói với ai cứ liếm vị mặn ở lợi. Lần say rượu đầu tiên năm lớp một, trước khi đi học uống trộm rượu của bố và ông nội rồi chân nam đá chân xiêu tới lớp. Thất bại đầu tiên và bài họ về sự phản bội đầu tiên, là khi bị thằng bạn lôi kéo vào một trận đánh hội đồng mà khi xảy ra thì thằng bạn chạy mất hút trước khi đối thủ đến, còn tôi và mấy thằng khác bị bọn lớp trên đông hơn khỏe hơn giữ lại và đấm cho bèm bẹp. Tình bạn đầu tiên khi tôi và thằng bạn cùng lớp hai sau khi đọc vài tập Tam quốc bèn làm lễ kết nghĩa anh em bên nhà xí công cộng thối hoăng…

Mấy năm trước tôi xếp hàng ở trường mẫu giáo để đăng ký cho con trai vào học lớp bé nhất, lớp nhà trẻ. Đăng ký xong, hôm sau đưa con vào lớp, gặp bà giáo mẫu giáo năm xưa, bà bảo, hồi xưa tao rửa đít cho bố mày, bây giờ lại rửa đít cho mày. Tháng trước tối dẫn con đi chơi, qua trường tiểu học Lê Văn Tám, lại bảo con hồi xưa bố học trường này đấy, con có thích không sang năm bố sẽ cho con đi học ở trường này. Hôm trước tối đi chơi con gái lại chỉ ngôi nhà phía sau bức tường cũ, đây là trường con đấy. Ừ, ngày xưa bố và bạn hàng xóm thường trèo tường này cho sướng, mà không đi cổng chính, để đón hai thằng em nhà trẻ. Thỉnh thoảng buổi sáng tôi vẫn cho bọn trẻ con đi ăn hàng phở ấy, hàng phở ngon nhất Bách Khoa và giờ thuộc loại ngon đếm trên lòng một bàn tay của Hà Nội. Quán ấy năm tôi lớp 8 thì nó khai trương, chúng tôi vào quán, dõng dạc, cho cháu một bát nhiều hành, nhiều thịt, ít bánh.

Bây giờ trẻ con lại lớn lên. Tôi đã đưa chúng về lại nhà này mà ở.

Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, dù nhà vẫn có một con chó, con Vodka thay cho con Nicka khi xưa. Nhưng chó Vodka ít khi thoát được ra đường, thoát ra cũng không dễ kiếm được cứt mà ăn, có ăn về cũng không đủ liều mà nôn ọe. Các con tôi không còn nghe tiếng chim cú lợn, không còn thấy chuồn chuồn bay rợp trời khi mưa khi nắng, không có những con rãnh nước chảy xiết để thả thuyền. Các bậc bố mẹ giờ chẳng ai thả con ra đường được nữa, để chúng chơi với nhau một cách tự do. Hàng xóm láng giềng nhà nào biết nhà đấy, trẻ con không chơi lẫn với nhau, chúng cũng không được tự đi học hay tự do chạy chơi vì ngoài đường ô tô xe máy chạy như ăn cướp.

Tuổi thơ của chúng liệu có vì vậy mà kém phần hay ho không nhỉ, chẳng biết được. Có lẽ chúng đang có một tuổi thơ mà khi lớn lên chúng nhớ về thì vẫn không kém phần màu sắc. Vì thế giới của trẻ con, thì người lớn không bao giờ hiểu được. Cũng như cha mẹ tôi xưa cứ khốn khổ vì miếng thịt con cá cho hai đứa con, và khốn khổ vì vô vàn các chuyện của họ, đâu biết được hai anh em tôi đã có một tuổi thơ thật tuyệt vời.

Nhưng có lẽ cũng không thể cậy cái sự khác biệt người lớn – trẻ con ấy để mặc định rằng trẻ con nhà mình cũng sẽ có tuổi thơ. Con tôi sẽ không bao giờ được hưởng cảm giác khi hoàng hôn buông xuống đã lâu, mà vẫn còn đang bận trẻo lên cái công ten nơ bỏ không cao hơn hai mét, để nhảy xuống lớp cát cho giỏi bằng cách anh siêu nhân, nhảy một lần chưa đã phải trèo lên để nhảy lần nữa, trong khi nghe tiếng bố gọi vọng từ phía nhà “Đức đâu! Về ăn cơm”.

Tôi chẳng thể hoành tráng như cha mình, chống nạnh đứng trước cổng khi chương trình bông hoa nhỏ sắp bắt đầu, gọi lớn, giọng ông sang sảng bay suốt qua các dãy nhà, qua ruộng rau muống qua khu mỏ của ông điên, như khiến cho các bụi cúc tần run rẩy như khiến lá của các cây chuối cũng phải rung lên sột soạt rồi dội vào tai tôi khiến tôi run lên lo lắng.

“Đức đâu, về ăn cơm, mang cái đít về đâyyy!!!”.

Written by Tequila

August 31, 2014 at 12:13 am

Ngôi chùa

with 9 comments

Tối chủ nhật, giờ mới sớm quá, 10h30. Tôi dọn mặt bàn, lấy đá, lấy mấy chai bia, đổ gạt tàn thuốc, cất gọn cả đàn đóm và đống dây dợ, cất cả mấy cái móng gảy vào chỗ của nó, rồi nhìn quanh phòng, dọn dẹp cả những đồ vụn vặt trên cái bàn nhỏ giữa phòng nơi có bó hoa và mấy bức tranh trẻ con, như một kẻ gọn gàng sạch sẽ bậc nhất, rồi ngồi vào bật chương trình windows live writer này.

Tôi mở nhạc nghe, Mack Knopfler song kiếm hợp bích với Chet Atkins. Sẽ là hoàn hảo nếu mà ánh đèn neon không sáng quá. Tôi mới tập đàn hơn tiếng, tấy cả mấy đầu ngón tay. Tập chơi gọi là đỡ nhớ, đuổi bắt những ký ức ngày xưa khi còn là thằng trẻ trâu máu tập đàn mà chẳng có cây đàn đúng là cây đàn. Nay có đàn ngon, ampli ngon, trên mạng có backing track, trên máy tính có phần mềm guitar pro mua bản quyền hẳn hoi… thì cuộc sống đã đầy ắp những thứ lung tung xoèng. Chả có lúc nào mà tập. Chỉ có thời gian để uống bia!

Kể ra chịu khó mỗi ngày dành ra nửa tiếng thì chẳng mấy chốc mà trình sẽ đủ ở mức đi đâu có thể gật đầu bảo tôi biết chơi đàn. Nhưng có nhiều những thứ khác nữa, mà mỗi ngày cũng bỏ ra nửa tiếng thì sẽ có kết quả này kết quả nọ. Tôi mà làm được như thế đã ngon mẹ nó rồi.

***

Hôm qua thứ bảy, sáng cả nhà lại đi chơi công viên. Rồi ông bà ngoại chạy qua đón con bé đi chơi chỗ khác, mẹ và thằng bé thì dỗi nhau, mẹ giận con bỏ đi trước. Con trai ở lại với bố, mỗi thằng một ghế đá, nó vẫn còn đang cau có. Thằng bố ngồi ghế đá của mình đọc sách nghe nhạc, thằng ngon nằm giữa nắng trên ghế đá của nó, ngắm mây trời, rồi cúi xuống ngắm bãi cỏ với những con kiến con bọ của nó. Tới chừng quên đi cáu kỉnh, thằng con mò đến ghế đá của thằng bố, bàn về kiến và ong. Chỗ ghế đá hai bố ngon ngồi, rất gần cái chỗ mà trong một tấm ảnh cũ, bố của thằng bố đang bế thằng bố trên tay.

Rồi hồi lâu hai bố con dắt tay nhau ra về. Thằng bố tay cầm cuốn sách, thằng con cầm một cái nỏ cũ hỏng của trẻ con trên bản, quà tặng của nó. Đường đi dài ven hồ. Qua một chỗ, có ông già lang thang tiến tới xin tiền, thằng bố rút ví cho mấy đồng tiền lẻ. Trông mặt ông già hơi gian, tuy nhiên không sao, tối qua trên TV vừa chiếu nạn đói 45 và thằng bố mãi vẫn không trả lời được tại sao người ta lại có thể đói mà không ai cho ăn. Thằng bé cảm thấy hài lòng sau câu hỏi tại sao ông ấy xin tiền, bố nó trả lời là để mua thức ăn. Bình thường mà đi một mình, bố nó rất ít khi cho tiền ăn xin.

Chiều, vợ kể chuyện, khi vợ đi bộ từ công viên về tới nhà, có một ông già dắt chiếc xe xịt lốp chặn cô lại xin tiền. Vợ bảo, em cho ông ấy hai mươi nghìn, rồi đi. Đi mấy bước chợt nghĩ, biết đâu ông ấy không xịt lốp xe thật mà lừa mình thì sao, bèn đứng lại nhìn theo ông ấy một lúc xem có xin tiếp tiền người khác không. Nhìn theo một lát lại thôi, em chợt nghĩ sao mà bây giờ lòng tin của mình nó ít thế, rồi em đi đường em. Thôi em, cho người ta cũng là cho mình thôi. Tôi nghĩ thêm, tin người cũng là tin  mình thôi. Vợ bảo, ừ cũng như thằng sùi bọt mép trước cửa nhà hồi trước.

Năm ngoái trong một trưa hè cuối tuần, chỗ minimart nhà tôi có thằng dặt dẹo sùi nằm vật ra trước vỉa hè, tay ôm ngực. Vợ gọi, tôi ra xem. Ây, ông nằm đây làm đéo gì đấy. Thằng dặt dẹo bảo, em ở quê lên tìm việc, việc nặng quá mà em bị yếu tim, làm không nổi, giờ đang tìm đường về quê, lại đói và giờ lại lên cơn bệnh. Thế ông về bằng gì, quê đâu. Thằng dặt dẹo nói quê, rồi bảo em đang tìm ra bến xe rồi tìm cách về. Thế có tiền không, lắc đầu. Hai vợ chồng nhìn nhau, nó rất giống thằng nghiện. Chả biết tính sao, nghiện hết cơn tự nó bỏ đi nhưng nhỡ nó ốm thật nằm đây rồi chết lăn ra đấy thì sao, lúc này dân tình đã một vài người bu lại. Cuối cùng chúng tôi cho nó cái bánh mỳ, tôi cho nó hai lít đủ tiền xe về quê, cẩn thận bỏ vào túi ngực nó rồi cài khuy lại, rồi có anh xe ôm nhận chở nó ra bến xe. Anh xe ôm chở nó đi rồi, hai vợ chồng bảo nhau chả hiểu có mất tiền ngu hay không. Thôi thì mình có thể mất tiền ngu, anh xe ôm có thể mất chuyến xe ngu, nhưng mà không làm thì cũng không được mà.

Đó, những việc đơn giản như thế mà mình cứ phải lăn tăn. Cho tiền ăn mày ăn xin hay hoàn cảnh cơ nhỡ là rất băn khoăn, không thể yên tâm như người ta cho tiền tượng Phật. Cắm mẹ hai lít vào tay tượng Phật tượng Thánh trong đền chùa là yên chí, Thánh Phật được định nghĩa là bề trên và không lừa mình.

Có lần gần đây, tôi đi cùng đồng nghiệp đi đền thánh, anh em bèn lobby mấy con mẹ hàng nước gần đền để tranh chỗ vào hậu cung. Mấy con mẹ hàng nước này chắc có căn hộ pháp, thằng nào vào được hậu cung đều phải qua bọn nó cả. Tóm lại là tôi cùng mấy lãnh đạo chen được vào hậu cung. Tôi ngồi xuống, xếp bằng cung kính như ai. Vừa xếp bằng xong, tập trung tí, vì tôi dù láo xược vậy cũng vẫn là con dân của dân tộc 4000 năm văn hiến này, cung kính thánh thần là hết sức tự nhiên tự nguyện. Tôi thành thật cầu khấn Thánh phù hộ cho tôi vượt qua được các khó khăn của tôi, căn bản là làm sao vượt qua được trạng thái nghèo túng ít tiền này. Bất đồ tôi nhận thấy tiền bay lả tả xung quanh mình, như cây mùa thu trút lá, những tờ mười nghìn hai mười nghìn năm mươi nghìn một trăm nghìn năm trăm nghìn đủ các mệnh giá. Từ cửa cung đóng kín, qua khe cửa muôn bàn tay thò vào ném tiền. Thế là tiền hút tôi ra khỏi tâm trạng cung kính, mấy khi có người rải tiền bay trên người mình. Tôi khấn, ngàn lần xin lỗi Thánh chứ, Thánh sẽ độ hay sẽ vật bọn người u mê này? Thánh mà độ bọn này thì có quá buồn không Thánh.

Bỏ mẹ, entry này khéo thành đả phá mê tín, thôi kệ đi đang viết viết nốt.

Lần gần đây tôi đi chùa, quả chùa mới khai trương hơn năm, mà đi vì gia đình cũng có tí liên hệ tốt đẹp với một bà cụ rất tốt với gia đình đã giới thiệu là nên đến. Đi chùa thì ok mà, chẳng gì cũng là nơi thờ Phật, đã thờ Phật (mà lại chùa mới ở quê, xa nơi phố phường oằn tà là vằn) ắt là dẫu không đẹp cũng tôn nghiêm.

Chẳng ngờ, tôi và mấy ông anh trong nhà được uống bia lon Hà Nội và xơi trứng rán cùng thịt ba chỉ rang cháy cạnh rất ngon, ngay dưới bàn thờ Phật. Sư không ăn nhưng dọn mâm cho ăn thì ăn thôi, dù gì mình có ăn được cơm chay đâu. Sư chỉ cho xem mấy tấm ảnh to đùng, ảnh lãnh đạo nhà nước tới thăm khai trương chùa. Tôi cũng có tí sợ hãi, nhưng thôi, thầm khấn, thôi thì con vô tín vô đạo, nếu thần phật vật thì xin vật chết thằng sư hổ mang này trước. Rồi tôi chén một bữa no bụng. Rồi khen sư ngon, dựng được quả chùa to đẹp, tuy chưa được chất lắm. Sư rất hồ hởi, lại mời đi thăm chi nhánh chùa khác cách đó 10km, Tổng giám đốc sư  trụ trì ba chùa này mà hỏi về kinh kệ tu hành khác gì chửi vào mặt nó.

Tổ sư nhà sư.

Lại nhớ mấy lần vào chùa ăn cơm chay. Ngồi vào mâm, các bà bảo, ăn đi, ngon lắm, đồ chay nhưng có đủ giò, chả, thịt gà, cá chay. Hình như không có thịt chó chay. Tôi hỏi, thế đồ chay sao không chay luôn mà lại làm giả thịt gà. Các bà không trả lời, ấy tức là các bà đọc kinh thuộc làu làu nhưng không hiểu kinh vậy, tôi chán chả buồn nói với các bà nữa.

Ngồi xuống mâm ăn một bữa chay mà có đậu phụ giả làm miếng thịt, thì khác nào tuyên bố giới dục kiêng gái nhưng lại mua con búp bê Nhật về bem. Thế ăn thịt luôn đi cho lành.

Chưa nói đến cửa Phật mà cầu xin bất cứ điều gì cũng đã là sai rồi.

Tin Phật ắt người ta không chơi trò ma quỷ như gọi hồn, hãy để những linh hồn siêu thoát nếu quả thật có linh hồn. Tin Thánh ắt người ta không ùn ùn đến cửa đền mà xin danh lợi. Thánh là thánh, ai lại thánh mà ngồi bận tâm nhận lễ vật phát ấn tín rồi độ cho cái bọn giun dế tham lam đầy gian dối đầy xảo trá đạp lên nhau mà sống như chúng mày.

Thôi không sa đà đề tài này nữa, trích lại một đoạn của blogger Nguyễn Văn Vĩnh post hôm 26/3/1914 vừa qua, hôm nọ vừa post facebook:

Như có kẻ sáng ngày ra vào lễ điện-phủ thờ bà-cô ông-mễnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Hưng-đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giải những nhời đạo đức của ông Khổng, không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả, hoặc là đi lỡi Phật, là một đạo trái hẳn với ma thiêng thần dữ.
Nói rút lại, thì người An-nam ta tin bậy hình như theo lý-tưởng này :
Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý-tưởng ấy, cho nên sinh ra những đạo không có tôn-chỉ, qui tắc lễ pháp chẳng qua ở mấy anh sư mô, thầy cúng, nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao….

Rốt lại sau 110 năm, chúng ta vẫn thế. Trải qua 2 thậm chí có thể gọi là 4 cuộc chiến tranh, theo cả hai học thuyết chính trị khuynh đảo thế kỷ 20, theo đủ các loại đạo trên đời và tự mình cũng đẻ ra vài đạo ghẻ, rốt lại vẫn không biết tin vào cái gì. Rốt lại vẫn không thể tin vào những thằng đang sống, và phải tin vào những thằng đã chết, có vẻ những kẻ đã chết đáng tin hơn.

Như hôm rồi cô tôi vừa mang thầy cúng vàng mã chũm chọe ầm ỹ đến cúng vái ngày giỗ cho bà nội tôi, những mong bà sẽ phù hộ. Sinh thời bà nội tôi chỉ được giáo dục phổ cập đủ biết chữ và buôn thúng bán mẹt, chẳng có một tí hiểu biết nào so với những thế hệ ngày nay, cả đời chỉ biết đẻ con chờ chồng và thương yêu hy sinh đến lúc chết cho những thứ nhỏ hẹp ấy mà mình có… Nay bắt bà phù hộ việc kinh doanh kiếm tiền, thì là một bài toán quá khó, bà sẽ bị các cụ nhà khác trình buôn bán cao hơn đè cho mất cả chì lẫn chài thôi.

Hay là ông nội tôi, một người lính và cuối đời cũng chỉ đạp giá đỗ giúp vợ kiếm ăn, cái hoành của ông ấy là trong sạch và tự trọng. Vậy thì khi cầu đến ông, nếu linh hồn vẫn tồn tại, chỉ nên cầu ông phù hộ cho con cháu trong sạch và tự trọng, ông còn phù hộ được, chứ nhờ ông phù hộ sao cho hợp đồng này thông đồng bén giọt, thì ông biết làm sao.

Và nếu mà nói rằng khi chết đi rồi linh hồn sẽ không phải như đời đã sống, có những uy lực khác tu nhiều kiếp mà thành, thì khổ thân các cụ, biết chiến nhau làm sao để mà phù hộ cho đám con cháu nhà mình, khi con cháu nhà chúng nó cũng có chúng nó phù hộ. Con cháu tao phải hơn con cháu mày, vậy mày với tao ra đây đấu phép chăng, hay đấu vàng mã và ngựa nghẽo!?

Thắp hương lên bàn thờ tổ tiên mà cầu mong cái gì danh lợi cũng là đã sai rồi vậy.

Thôi không nói mấy vụ này nữa.

***

Hôm nay tôi đi long rong mấy việc giúp vợ, Hà Nội Bát kính chào quý khách như thường lệ. Xe cộ bán đời hết rồi, tái cơ cấu kinh tế. Tôi lên xe bus, cắm phôn vào tai, áo phông quần soóc sạch sẽ dép tông Hội An trông khá ngon nghẻ. Tay tôi cầm một cuốn sách đang đọc dở, một cuốn sách rất hay do anh bạn tôi dịch, ký tặng tôi lâu rồi nhưng giờ mới đọc tới. Tôi để ý thấy mình nhận được nhiều ánh nhìn thông cảm.

Tôi để ý thấy nếu ngày thường tôi đóng bộ sơ mi quần âu ngon nghẻ, đi bus, mà tay cầm cuốn sách, thì các bạn để ý nhưng chỉ ngạc nhiên không có vẻ thông cảm như tôi quần đùi áo phông, lại còn xòe ra thẻ xe bus 200k/tháng. Xe bus nhiều các bạn trẻ, đa phần là sinh viên mà bây giờ trường lớp đống tiền là học đứa nào chả là sinh viên, họ rút ra những con smartphone ghẻ giá khoảng 2 triệu mua cũ, quẹt quẹt chả hiểu có 3G không mà quẹt, 3G đắt bỏ mẹ tôi còn chả dám quẹt nhiều hết gói dung lượng cao là chậm rì. Chẳng bạn nào đọc sách. Có lần tôi cũng thấy có bạn đọc sách nhưng nhìn lại thì là một sinh viên chăm chỉ đọc sách dạy tiếng tây hay giáo trình nào đó chắc chuẩn bị thi. Tuyệt đối chưa bao giờ tôi thấy ai đọc tiểu thuyết hay loại sách gì không liên quan đến cuộc đời đang sống. Bạn nào cũng cắm tai phone vào tai nhưng tôi khá nghi ngờ cái thể loại nhạc mà các bạn nghe.

Nhưng các bạn có những ánh nhìn rất thông cảm với tôi. Như thể, anh già, chắc là thất bại, sách vở đéo gì khổ chưa.

Nó cũng giống như, khi tôi và các bạn tôi ngồi uống bia với nhau, thường cười hô hố với nhau là, đéo gì thời buổi này mình còn đọc còn viết thậm chí có thằng làm cả thơ, thì là dở hơi mẹ nó rồi còn đéo gì nữa.

Có thể là tôi suy diễn ra. Rất có thể là thế. Có thể các bạn ấy chỉ ngạc nhiên khi có một người đọc sách trên xe bus. Còn tôi thì không ngạc nhiên vì các bạn. Hồi trước có chú em đồng nghiệp cũ của tôi, rất giỏi, một ngày hai anh em uống cafe, chú bảo “sao anh lại đọc sách nhỉ, đời em chả bao giờ đọc một cuốn sách nào ngoài sách chuyên ngành”. Nhiều năm sau, chú em đã bỏ việc, sang Úc học và lao động, vẫn rất ổn, nhưng có tí vấn đề cá nhân. Về VN chú gọi tôi nói chuyện, kể lể, tôi nghĩ chuyện của chú nếu chỉ cần đọc một cuốn sách này là sẽ chẳng phải hỏi vớ vẩn thế. Nhưng mặt khác tôi cũng nghĩ rằng câu hỏi thì vẫn là câu hỏi và đọc càng nhiều sách chỉ khiến cho câu hỏi càng không có lời giải, nên tôi chả nói với chú nữa. Tôi có một đống các vấn đề của mình và sách chỉ khiến tôi rối tinh thêm mà thôi.

Nhưng cái rối tinh của tôi có một hương vị hoàn toàn khác khi tôi không có cuốn sách nào.

Và khi tôi đọc sách trên xe bus mà còn để ý tới các ánh nhìn, tức là khi đó tôi không đọc cuốn sách trên tay tôi, tôi đọc một cuốn sách khác rồi.

Xong việc cho vợ, còn sớm, tôi ra bên hồ, ngồi vào quán bia quen mà trong bốn năm ở khu đó tôi thỉnh thoảng vẫn ngồi. Tôi gọi bia và nem chua, rồi vừa ngồi uống nhấm nháp vừa đọc sách, khi trời đang dần về lúc hoàng hôn. Chú em, con của ông bà chủ, ngồi gần tôi cũng đang đọc một cuốn sách, vừa đọc vừa chỉ đạo bọn nhân viên. Tôi rất ngạc nhiên và vui. Tôi liếc thấy cuốn mà chú đọc, tuy mỏng, nhưng đặc chữ. Hay! Rồi lúc mà chú úp cuốn sách xuống bàn để chạy vào điều khiển nhân viên làm một con cá chép om dưa do khách câu dưới hồ lên đặt nấu, tôi thấy cái bìa sách có vẻ đáng nghi. Nó xanh xanh đỏ đỏ một vẻ đáng nghi như quán tẩm quất gội đầu thư giãn thì có màu hồng.

Tôi bèn đứng dậy, giả bộ tìm nhân viên gọi thêm cốc bia mới, mục đích chỉ để liếc qua bìa cuốn sách. Thì, thật bỏ mẹ, tụt hết cả hứng, là một cuốn sách của một nhà ngoại cảm Việt Nam. Tiên sư, hóa ra đọc ngoại cảm, mà một nhà ngoại cảm Việt Nam thì chỉ có vẽ ra ma mà dọa người thôi, tư cách còn kém cả anh Trứ anh giai anh Chư, thầy cúng  H’mong vừa chết. Giờ mà nhà nước ra sắc lệnh chỉ được tôn kính không được cảm tạ tiền bạc gì với nhà ngoại cảm dưới mọi hình thức, thì tự khắc sẽ hết nhà ngoại cảm.

Thế rồi tôi cũng buồn chán mà gấp cuốn sách của tôi lại. Tôi nhìn ra hồ.

Chỉ có những đứa trẻ chơi và vài con chó vui trên bãi cỏ là ổn.

Còn thì, những người lớn chở nhau về nhà trên những chiếc xe máy, ai tôi cũng thấy mặt họ buồn, họ không buồn sao được khi chẳng có điều gì có thể khiến họ thỏa mãn trong cuộc đời này. Bàn bên cạnh có mấy ông về hưu nói chuyện chửi về những lãnh đạo cũ, chả thằng lãnh đạo đéo nào ra gì, sao còn thương nhớ mãi khôn nguôi. Bên mé hồ, một tập hợp các bà nạ dòng đang tập thể dụng theo đài và một bà hướng dẫn liên mồm đọc năm – sáu – bảy – tám. Động tác mà các bà tập, để đẹp người thì chẳng phải mà để khỏe cũng không phải, nó chỉ là một thứ lưng chừng chả hiểu để làm gì, chỉ là những hoạt động của những phụ nữ đã qua thời xuân sắc còn cái đáng kính của người bà thì chưa đến.

Nhưng các bà vẫn đang tập, các ông vẫn đang ngồi uống bia chửi sếp cũ, thằng con chủ quán vẫn đang đọc ngoại cảm, các bạn sinh viên vẫn đang chúi mũi vào smartphone ở những chuyến xe bus ngoài kia, tôi muốn mở cuốn sách ra đọc tiếp nhưng trời đã âm u. Mở tablet ra facebook và xem tin thì bóng đá mùa giải mới đã bắt đầu và người ta tiếp tục giết nhau trên khắp thế giới.

Tôi cũng gần như không còn mong muốn gì trong cuộc đời của mình, tuổi trẻ của tôi cơ bản đã trôi qua đầy phấn khích nhưng nó cơ bản đã trôi qua. Nếu tôi không vẫn thèm uống bia vẫn thèm chén thịt và vẫn thèm đàn bà, thì có lẽ là tôi nên bắt đầu dựng một ngôi chùa của mình. Một ngôi chùa thờ Phật nhưng không có tượng Phật và chỉ có sự u mê tăm tối và nghi ngờ.

Written by Tequila

August 18, 2014 at 1:37 am

Posted in Linh tinh