Teq's Blog

sơn nữ ca

with 4 comments

Sơn nữ ca

Xin một chút tương tư em gái nhỏ
Hẹn xuân sang mang nắng trả cho người

Tặng c.T

I

Phong một tay đút vào túi áo khoác, một tay giữ ga chạy chầm chậm. Mùa đông năm nay lạnh thật, đã lâu lắm mới có một mùa đông như thế này. Dường như mặc bao nhiêu áo cũng không đủ ấm. Cái rét luồn qua cổ tay, xuyên qua chiếc khăn len dày, ngấm vào trong từng lớp áo. Gió lạnh hun hút thổi dọc những con đường dài, khiến trên những chiếc xe hai người vòng tay ôm chặt hơn gần hơn. Ai cũng như vội vã để trở về với không khí ấm áp đang chờ đợi trong những ngôi nhà ngôi nhà đèn sáng. Phong lang thang mãi trên những con phố vắng người. Đáng lẽ ra, lúc này Dương phải đang ở bên anh.

***

Lúc chiều vừa về đến cơ quan sau chuyến công tác, Phong đã vội vàng lấy xe máy ra, phóng thẳng đến nhà Dương. Thường thường, dù chỉ vắng nhau có mấy ngày, mà lúc gặp lại cứ như thể xa nhau hàng năm trời. Phong chạy ba bước một trên cái cầu thang dẫn lên tầng năm ngôi nhà chung cư, gõ cửa bước vào. Anh chờ đợi một nụ hôn, một cái nhìn âu yếm xoá tan đi những nhọc mệt.

Dương đón anh bằng ánh mắt dịu dàng, nhưng có vẻ gì đấy hơi lạ lạ mà anh chẳng ưa. Anh bước vào nhà, thì ra đang có khách. Lại là mấy tay bạn cùng lớp hồi đại học của Dương, lại là cái hội ấy. Một thời vì người đẹp mà anh với mấy tay này đã đứng hai bên chiến tuyến. Nhưng không phải vì thế mà anh ghét. Mà vì anh thấy mấy kẻ đó rất nhạt nhẽo, khoa trương huyên hoang mà rỗng tuếch. Và lí do chủ yếu hơn, là Dương luôn luôn yêu cầu anh phải có quan hệ tốt với họ, trong khi anh không thể nào xã giao thân ái được với những kẻ anh không ưa. Đó là cái mâu thuẫn chủ yếu của hai người.

Phong lạnh nhạt gật đầu chào mấy ông khách. Sao anh thấy bực mình ngứa mắt thế! Anh ngồi phịch xuống ghế, chả nói chả rằng lôi thuốc ra hút, mặc kệ Dương đang cố gắng khoả lấp bầu không khí nặng nề khó xử. Được một chốc, Phong lôi trong tủ ra chai rượu thuốc của bố vợ tương lai, rót vào chén uống một mình chẳng mời ai. Anh kín đáo nhếch mép cười, khi nghĩ lại chuyện cũ trong một lần sinh nhật của bạn Dương, chính là cái tay đang ngồi trước mặt anh. Trước khi đi Dương dặn anh phải hoà đồng nói chuyện thoải mái, đừng lạnh lùng và đừng giễu cợt, như cách anh thường ngồi với bọn bạn anh. Anh hứa. Hôm đó cả đám bạn cùng lớp Dương lôi rượu ra quây anh, định bụng hạ cho anh chết trước mắt Dương. Chẳng ngờ khi tất cả đều say mềm nằm lăn lóc, thì anh vẫn tỉnh táo để đưa Dương về “bạn em toàn thằng nhố nhăng”. Ngày hôm sau đi học, lớp Dương đồn ầm lên “người yêu cái Dương nát rượu, uống cứ như nước lã”. Vụ đó Dương giận anh tới nửa tháng.

Phong cứ ngồi uống rượu suông, chẳng nói gì mà cũng chẳng ai muốn bắt chuyện với anh. Một mình Dương không thể làm gì. Một lát sau những ông bạn đứng dậy ra về. Phong bắt tay từng người, trong khi tay kia vẫn đang cầm chén rượu thuốc uống dở. Khi Dương quay trở vào, cô khóc. Phong hiểu là mình sai, hiểu là thái độ của mình thật không ra sao. Nhưng một nỗi giận dữ vô cớ khiến anh mặc kệ cô. Và thay cho cái nồng nàn được gặp lại nhau sau những ngày vắng mặt, thì lại là một cuộc chiến tranh. Giá mà lúc đó chỉ cần có mẹ hay chị Dương đi làm về, thì anh sẽ dễ xử hơn. Anh sẽ hoãn binh và tìm cách xin lỗi Dương sau, khi đã bình tĩnh lại. Nhưng không có ai giúp Phong chuyện đó. Dương chưa bao giờ căng thẳng với anh như thế. Rồi cô im lặng hồi lâu, nước mắt dần khô đi trên gò má. Cô ngước mắt nhìn anh, ánh mắt hoang vắng xa lạ. Cô nói nhẹ nhàng. Lần đầu tiên trong suốt bốn năm yêu nhau, sau bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu thử thách, Dương nói chia tay với anh. Phong cảm thấy mình trống rỗng và chán nản. Trống rỗng, chán nản, bất cần. Anh lẳng lặng đứng dậy ra về. Tiếng khóc của Dương lại bật lên, đuổi theo sau lưng anh.

***

Đường phố lên đèn từ lâu. Phong cảm thấy lạnh. Anh rẽ vào con ngõ vắng, dừng xe cạnh một quán cóc thân quen nằm nép bên bức tường dưới gốc cây cơm nguội. Thực ra anh chưa ngồi đây bao giờ. Nhưng cả cái đất Hà Nội này, làm gì có quán cóc nào là không thân quen. Anh quẳng cái túi công tác to tướng vào một góc khô ráo, ngồi xuống lầm lì gọi một chén trà nóng.

Đêm mùa đông giá rét, không gì bằng vào quán cóc uống một chén trà. Phong gọi thêm một chén nữa. Chén trà nóng đã xua tan đi cái lạnh. Phong tháo găng tay đút vào túi áo khoác. Anh tháo luôn cả cái khăn len dày, mở khuy cổ áo sơ mi, chợt ngón tay anh gợn gợn đụng vào sợi dây đeo trong cổ. Phong giật mình, điếu thuốc cháy dở trên môi rơi xuống mũi giày. Phong cảm thấy gai lạnh dọc sống lưng.

Ánh mắt hoang vắng của Dương. Sợi dây treo lá bùa đeo kín trong cổ áo. Thì ra anh vẫn đang đeo nó, sợi dây có lá bùa của người con gái miền sơn cước. Ma Thị Huê!..

 

II

Chuyến công tác lần này, Phong lên Võ Nhai – Thái Nguyên. Những người trẻ như Phong thường phải đi công tác. Chính Phong cũng ưa thích điều đó. Anh có dịp đến những vùng đất hầu như không có ai muốn đặt chân tới, đến với những con người nếu bình thường chẳng khi nào ta có dịp gặp. Cơ quan Phong đang triển khai dự án phát triển và hỗ trợ pháp luật cho những người dân vùng sâu vùng xa. Đến mỗi nơi, Phong và các đồng nghiệp phát những tờ rơi phổ biến kiến thức pháp luật, nói chuyện với người địa phương, giải đáp những thắc mặc của họ. Rất nhiều khi anh giải quyết chỉ dẫn cho những thắc mắc kiện tụng kiểu gà qué, hay một chồng ba bốn vợ, hoặc ly dị nhau chia chác bàn ghế… Anh vừa giải thích cho họ mà vừa buồn cười, mà đôi khi cười ra nước mắt. Anh yêu nghề nghiệp của anh và những việc anh đang làm.

Lần này, anh đi có một mình. Thượng Nung nơi anh đến, là một xã vùng sâu, ít dân và tình hình ở đó không phức tạp. Mặc dù tính theo đường chim bay chẳng đáng bao xa, nhưng từ Thái Nguyên phải đi mất gần nửa ngày mới tới nơi, đường xá thật tệ hại. Phong ngạc nhiên với những gì nhìn thấy. Có ai nghĩ rằng, chỉ cách Hà Nội hơn trăm cây, mà đời sống nơi đây lại khác biệt đến mức như vậy. Nghèo. Nghèo xơ nghèo xác. Người dân sống như cách họ vẫn sống trong hàng nghìn năm. Không có điện, không có nước sạch. Ánh sáng văn minh duy nhất là cái máy điện thoại đặt trong Bưu điện văn hoá xã. Chỉ có duy nhất một máy điện thoại bắt sóng vô tuyến, lúc được lúc không. Tất cả dân cư ở đây đều là dân tộc thiểu số, người Tày và người H’mông.

Công việc của Phong trong chuyến công tác này vẫn như thường lệ. Tức là đi đến những nhà dân, nói chuyện với họ. Tìm hiểu đời sống của bà con cũng như để biết chính quyền địa phương đã thực sự dân chủ với họ chưa. Mặt khác, sẽ phải làm việc với uỷ ban xã để giải đáp những vấn đề pháp lý, lập báo cáo về đời sống văn hoá cũng như những khả năng phát triển kinh tế. Tưởng cũng nhẹ nhàng như mọi khi, nhưng hoá ra không phải. Muốn làm được việc, Phong sẽ phải đi bộ mòn cả chân. Cả xã này không ai có xe đạp. Mà giá như có xe đạp thì kể cũng như không, chẳng đi được đến đâu trên những con đường mòn rộng cỡ gang tay chênh vênh đèo dốc. Ở đây, nếu chủ tịch muốn đi một vòng quanh xã sẽ phải cuốc bộ hết 18 ngày đường. Một anh trưởng xóm, chỉ cần đi đến từng nhà để mời chủ hộ đến họp, cũng phải đi ít nhất 2 ngày.

Phong được xắp xếp nghỉ trong nhà của Hà Văn Ung, Phó văn phòng uỷ ban nhân dân xã. Đó là một người đàn ông gày gò, gương mặt khắc khổ, nhưng những cơ bắp thì rắn như thép. Bởi ông ta cũng như mọi người khác, sống một đời lao động bằng đôi tay và trèo đèo lội suối trên chính đôi chân mình. Bà vợ 41 tuổi mà trông cứ như mới 30, rất đẹp. Đã thế lại rất đảm đang, khéo léo và nhã nhặn một cách không hề sách vở, không hề giả tạo như kiểu những người thành phố học vấn cao. Phong sắp xếp chỗ nghỉ của mình trong góc ngôi nhà sàn gỗ. Mùi hôi của gia súc và sự mất vệ sinh thiếu tiện nghi khiến anh khó chịu. Nhưng sự khó chịu nhanh chóng bị xua tan bởi cái hiếu khách của chủ nhà. Càng nói chuyện anh càng thấy mến họ. Người ở đây đặc biệt tốt bụng và thật thà. Nghe vợ chồng ông Ung nói chuyện, anh mới biết, nếu không nói đến tay y sĩ làm việc trong trạm xá xã, thì anh là người Kinh duy nhất chịu khó ở đây lâu tới 5 ngày.

***

Sáng sớm, sương mờ còn giăng kín những triền núi, Phong đã lên đường. Con trai của Phó văn phòng Hà Văn Ung, mười tám tuổi, tên là Lung, sẽ làm hướng đạo kiêm phiên dịch. Ở đây không phải ai cũng có thể nói tiếng Kinh trôi chảy, không có người phiên dịch sẽ không làm việc nổi. Lung rất bận việc nương rẫy, nên chỉ có thể đi cùng một ngày đầu tiên. Còn việc hướng đạo, thực tế chỉ là hướng dẫn Phong cách vượt suối bằng mảng. Còn đường đi lối lại thì không có gì phức tạp, bởi phần lớn các con đường mòn đều là độc đạo.

Phải vất vả mới theo được bước chân của Lung, tuy nhiên Phong không bỏ lỡ cơ hội để nhìn ngắm cảnh vật nơi đây. Rừng núi phía Bắc luôn khiến anh mê đắm. Những tán cây rừng xanh ngăn ngắt, những vách đá dựng đứng đầy cá tính, con lối mòn quanh co trên bờ vực… Đến con suối đầu tiên, cách nhà không xa mấy, Phong khoả tay xuống mặt nước. Nước trong vắt nhìn thấu đáy, thấy rõ từng viên sỏi, từng con cá nhỏ lượn qua lượn lại. Con suối nhìn rất hiền hoà, mặc dầu nước chảy khá mạnh. Một cái mảng ghép bằng những thân tre được buộc vào gốc cây cách bờ suối khá xa. Lung đứng lên mảng, tháo dây, rồi dùng sào chống qua suối. Hoá ra chỉ có thế, không có gì phức tạp. Suối chỉ nguy hiểm khi nào có lũ thượng nguồn. Những cơn lũ thường tràn xuống bất ngờ. Khi ấy lòng suối rộng ra gấp đôi ba lần, nước chảy rất xiết. Muốn chống mảng vượt qua phải đặc biệt chú ý, chỉ trượt tay một cái thì tấm mảng tre mỏng mảnh này rất có thể bị cuốn xoáy tròn, va vào những tảng đá và người đi sẽ bị ngã xuống dòng nước xiết. Phong chăm chú nhìn cách Lung điều khiển cái mảng tre. Anh thực tập luôn bằng cách vượt suối sang bờ bên kia rồi quay trở về.

Ngày hôm ấy Phong đi rất nhiều, thăm được tổng cộng bốn năm gia đình. Dân ở đây không bị đói, nhưng nghèo quá. Tài sản của họ không có gì ngoài trâu bò và một vài gia súc khác. Một tháng họ xuống chợ một lần, chủ yếu lấy hàng hoá đổi hàng hoá, tiền mặt hầu như không có mấy. Điều kiện giáo dục và y tế cũng không ra sao. Bởi lẽ xã tuy ít dân nhưng rộng quá, trường học ở xa, mà trạm xá cũng xa.

Điều bất ngờ nhất đối với Phong, lại là những người phụ nữ nơi đây. Người dân tộc thiểu số Phong từng gặp nhiều, họ thường thấp nhỏ và thô. Nhưng không hiểu rừng núi Thượng Nung thiêng thế nào, mà sinh ra những người phụ nữ đẹp như vậy. Con gái ở đây không cô nào là không đẹp, con gái Hà Nội thậm chí không bì được, quả thực là lạ lùng. Chiều về, vui chân vui miệng Phong nói điều đó với Lung. Lung dừng lại, nhìn Phong: “Tôi đã đi được đến đâu đâu mà biết con gái chỗ khác thế nào”. Được một lát Lung cười rồi bảo: “À Phong, nói đến con gái đẹp, tôi mới nhớ. Nếu anh chưa mệt thì mình tới nhà Ma Thị Huê. Nhà ấy gần thôi. Huê đẹp nhất vùng, mà lại học hết lớp 12. Mai tôi không đi với anh. Mà không có ai có thể giúp anh nói chuyện với dân bản tốt hơn Huê đâu”.

Nhà Ma Thị Huê nằm trên triền núi, dựa lưng vào vách đá. Một căn nhà sàn lớn nhưng đã cũ kỹ, có thể thấy chủ của nó trước kia tương đối khá giả, nhưng nay thì sa sút đi nhiều. Phong bước lên nhà. Trong nhà có mấy đứa bé và một cụ bà tóc bạc đang thái rau. Đó là bà nội của Huê. Lung nói: “Huê đi làm đồng chưa về, mình đợi một lát”. Qua câu chuyện với bà cụ, Phong được biết đôi điều về cảnh nhà. Chủ nhà vốn là một người đàn ông rất tháo vát, dù vợ mất sớm nhưng ông ta vẫn đủ sức làm lụng để nuôi cả đàn 7 đứa con, lại lo được cho con gái cả ăn học tận trường huyện. Ông ta vẫn ước mong Huê sẽ được đi học đại học trên thành phố. Nhưng khi Huê vừa tốt nghiệp lớp 12, thì ông bị rắn cắn chết khi đi rừng. Những đứa em còn nhỏ, nhà bây giờ chỉ dựa vào Huê là chính.

Tiếng đám trẻ dưới nhà xôn xao, rồi Phong nghe một giọng con gái thanh thanh. Cô vừa đi làm đồng về. Khi Huê bước lên nhà, Phong gần như sững sờ choáng váng. Anh chưa từng thấy người con gái nào đẹp như thế. Vẻ đẹp đầy quyến rũ, vừa là cái hoang sơ mộc mạc của núi rừng, vừa đằm thắm tinh tế như thể bước ra từ tranh Tô Ngọc Vân. Hầu như Phong không thể ngờ lại có người đẹp như thế, mà lại ở trên cái bản làng heo hút này…

Huê đồng ý sẽ theo giúp Phong những ngày tới. Bà nội cô cũng không phản đối. Phụ nữ nơi đây ít khi bước chân đi đâu. Nhưng Huê từ khi học cấp 2 đã quen sống xa nhà, việc đồng trong một vài ngày mấy đứa em lớn có thể đảm đương. Huê thu xếp ít đồ cá nhân, đi cùng Phong và Lung về nhà Phó văn phòng. Tối nay ông Ung sẽ mời thêm vài người khách, đó là y sĩ và thầy giáo trường xã.

 

III

Không có gì thú bằng ngồi bên bếp lửa vùng cao trong đêm mùa đông rét mướt, uống những chén rượu miền núi. Bà vợ đảm đang của Phó văn phòng Hà Văn Ung đã mất cả chiều để chuẩn bị món thịt dê rừng đãi khách. Thịt dê sản vật miền núi, mềm và rất ngon. Anh em của nó trong trong quán lẩu nổi tiếng đường Nguyễn Chí Thanh chỉ là loại đàn em tép riu dưới trướng. Đã thế lại rất hợp với vị rượu thơm nồng mà nặng cháy cổ, không biết nấu bằng những gì. Ở đây, chủ nhà mời rượu khách, khách không có chuyện xua tay lắc đầu. Tửu lượng của Phong kể cũng thuộc loại khá, nhưng không thể bì lại với người vùng cao. Cũng may Hà Văn Ung thông cảm, ông cười kiêu hãnh: “Con trai thủ đô mềm lắm, tôi có thể uống một lúc 18 chén mà trèo núi không chuội chân”. Phong nhăn mặt lắc đầu.

Thầy giáo tiểu học của xã là ngưòi địa phương, trạc hơn 30, một vợ ba con. Anh ta tốt nghiệp trung cấp giáo dục dưới xuôi, làm thầy giáo tiểu học đã nhiều năm. Trẻ con Thượng Nung không ít đứa học được. Nhưng thường chỉ hết cấp một là bỏ dở, thi thoảng mới có đứa lên trường huyện học cấp hai, cấp 3 thì hiếm vô cùng. “Bởi vì người Thượng Nung học nhiều cũng chẳng để làm gì” – thầy giáo nói giọng trầm buồn – “rồi cũng đi rừng lên nương, cái chữ không dùng làm gì ngoài thi thoảng đọc tờ báo, mà báo thì cũng có mấy đâu. Tiếng Kinh không nói, lớn lên rồi cũng quên dần”. Phong gật đầu, biết đến khi nào người Thượng Nung mới thấy cần đi học, trẻ em không bỏ trường bỏ lớp. Trừ phi có điện có nước, đài báo truyền hình về đến nơi đây. Kinh phí nào để chăng từng ấy km dây điện, chừng ấy km đường ống nước trên chập chùng đèo núi, để đem đến cho vỏn vẹn trăm nóc nhà, nhà nọ cách nhà kia hàng cây số.

Y sĩ tên là Tường, bằng tuổi Phong, người thành phố Thái Nguyên. Tường tình nguyện đến Thượng Nung làm việc, cũng vì bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Tường nói chuyện với Phong rất nhiều. Phong có thể cảm thấy đất Thượng Nung vừa giữ chân lại vừa đẩy Tường đi. Người như Tường, đáng quý và cũng đáng khâm phục lắm. Làm việc ở đây mấy năm, Tường đã ngấm cái hồn và cái tình của Thượng Nung. Nhưng Tường khó mà xác định mình sẽ sống cả đời nơi đây. Phong cảm thấy đôi chút ghen tị của Tường đối với anh, với công việc đi đây đi đó không hề tẻ nhạt của anh. Phong chợt buồn. Người thành phố như Phong, xem TV nhìn ra nước ngoài thấy mình chẳng thua kém là bao. Nhà cửa đầy đủ, tiện nghi chẳng thiếu gì, máy tính lên mạng, điện thoại giắt túi. Có chăng người ta đi ô tô thì mình đi xe máy, thế thôi. Phải đến những nơi như thế này, mới thấy nước mình còn nghèo lắm.

Tiếng hát dứt Phong ra khỏi những ý nghĩ miên man. Im lặng trong suốt cả bữa cơm, nhưng bây giờ thì bà vợ của ông Ung đang cùng với Huê hoà nhau hát một bài dân ca. Phong tợp một ngụm rượu, anh như ngất ngây trong tiếng hát hơn là trong men say. Ánh lửa hắt thứ ánh sáng lên gương mặt Huê, khi mờ khi tỏ. Cùng với đôi mắt cô thăm thẳm nhìn ra ngoài khung cửa, tiếng hát bay theo đến phương xa, nơi có bóng đêm huyền bí.

Con suối nào tắm mát cho mái tóc dài con gái miền sơn cước, người tình nào trong mộng tưởng của nàng tiên đẹp nhất núi rừng, ước mơ nào vượt qua đỉnh núi, vượt qua con đèo, vượt qua bức màn đen xao xác tiếng chim đêm…

***

Từ khi có Huê đi cùng, những báo cáo của Phong chứa nhiều thông tin chất lượng hơn hẳn. Dù không hiểu những gì Huê nói với bà con dân bản, nhưng Phong biết cô có thể diễn đạt rất tài tình những điều phức tạp của ngôn ngữ luật pháp bằng ngôn ngữ Tày và H’mông. Từ lâu Huê vẫn chiếm được cảm tình của tất cả mọi người, nên các chủ nhà đều tiếp đón vị khách dưới xuôi rất thân mật và không chút dè chừng lạ lẫm. Phong rất cảm ơn cô.

Họ nói chuyện rất nhiều trên những con đường mòn uốn quanh sườn núi. Huê nói với anh về hình ảnh người mẹ trong tuổi thơ ký ức đã nhạt nhoà, về người cha thân yêu mà mỗi năm cô chỉ được gặp một hai lần trong những dịp nghỉ học, về bà nội và những đứa em mà cô đang chăm sóc kể từ ngày cha mất đi. Cô nói về những người bạn cùng trường cùng lớp, về mong ước được học trên thành phố, trở thành cô giáo.

Bạn Phong thường đùa: “Mày chỉ được cái lúc nào cũng đa cảm, đặc biệt đa cảm với các em đẹp!”. Nghĩ lại Phong thấy nhớ mấy thằng bạn đó quá. Anh kể cho Huê nghe thời niên thiếu của mình, kể về những góc phố những con đường Hà Nội mà anh và các bạn đã quen chân. Anh kể về những mái trường đại học của anh và của các bạn anh. Thằng nào cũng nhiều nhiệt huyết, thằng nào cũng nhiều ước mơ. Giờ đây, kẻ lang thang phương xa, kẻ quanh quẩn trên đoạn đưòng từ chỗ làm về đến cửa nhà, ai còn giữ mãi cho mình ước mơ tuổi trẻ, ai đã xua đi để yên lòng hơn và cũng để an phận hơn? Anh cứ kể chuyện mãi, cho đến khi nhận ra điều anh nói đang làm Huê lặng yên.

Hôm ấy chiều muộn, gần về đến nhà thì gặp lũ thượng nguồn. Lũ không lớn lắm, nhưng khi Phong và Huê đến trước con suối quen thì nó đã rộng thành vài chục mét, nước chảy cuồn cuộn. Một phụ nữ đang địu con trên vai, chị mừng rỡ ra mặt khi thấy có người đến. Suối lũ, chỉ có đàn ông mới dám chống mảng vượt, phụ nữ chỉ có cách đứng chờ cơn lũ qua đi. Trời đã gần tối, biết đến khi nào lũ mới hết. Mà trong đêm thì rừng nguy hiểm lắm. Vùng này rừng núi còn hoang sơ, vẫn còn nhiều thú dữ, như beo và nghe nói thỉnh thoảng vẫn có hổ… mà cái nguy hiểm đặc biệt và thường xuyên gặp là rắn độc. Huê cũng yên lặng cắn môi, giá như Phong là Lung hay bất cứ một người đàn ông bản địa nào thì đã không có gì phải lo nghĩ. Phong hiểu điều đó, anh tặc lưỡi, tiến đến bên chiếc mảng buộc bên gốc cây, vác nó ra bờ suối nước cuộn xiết. Huê can anh, cô biết anh chưa từng bao giờ đối mặt với sự hung dữ của lũ thượng nguồn. Anh bỏ ngoài tai, giá như Huê không can thì anh còn thấy ngán, nhưng chính lời nói của Huê lại khiến anh quyết tâm vượt suối bằng được. “Mình vẫn còn trẻ con” – Phong mỉm cười thầm nghĩ. Cũng may, chị phụ nữ địu con kia không hiểu tiếng Kinh, không nghe được Huê nói gì với Phong, nên chị ta vẫn yên tâm đứng lên chiếc mảng chênh vênh cùng với Phong.

Con suối nguy hiểm hơn Phong tưởng. Nhưng khi chọn chỗ đặt mảng vượt suối, người ta đã tính kỹ rồi, nên lòng suối chỗ này trải rộng và đủ sâu khiến dòng nước không vặn mình cuộn lên như cách đó trăm mét. Phong cẩn thận từng điểm đặt sào xuống đáy nước, chầm chậm từng bước một. Mỗi lần nhấc sào lên, chống xuống, thời gian chỉ có một giây, mà cái mảng bị trôi đi tới vài ba thước. Sang trót lọt tới bờ bên kia, Phong thấy mình trôi xa cách chỗ Huê đứng phải tới năm chục mét chứ không ít. Anh vác cái mảng đi ngược lại khoảng trăm mét, rồi vượt suối trở lại đón Huê. Nó trôi gần chính xác vị trí của Huê, Phong mỉm cười hài lòng. Anh đợi Huê đứng vững rồi chống mảng đi. Phong tập trung cao độ, đi qua đi về đến lần thứ ba này, anh đã quen hơn. Chỉ còn cách bờ chục sải tay, anh mỉm cười “Thì ra mình cũng chẳng kém dân ở đây là mấy!”. Chính lúc đó, cái sào chống chuội đi dưới tay Phong, khiến anh cúi người loạng choạng.

Phong tuột tay, nước xiết cuốn phăng chiếc sào khỏi tay anh. Mảng tròng trành, Huê níu chặt lấy anh. Không còn gì chống giữ, con mảng tre lao đi vùn vụt. Tiếng người phụ nữ địu con kêu lớn lên phía trên bờ. Đã không còn là đoạn suối lòng rộng thoai thoải nữa. Cái mảng va vào một tảng đá, xoay tròn. Cũng may không cách bờ bao xa. Phong túm lấy Huê, kéo cả mình lẫn Huê nhảy xuống dòng nước, chỉ ngập đến đầu gối thôi. Nhưng Phong không ngờ, dù chỉ ngập đến đầu gối nhưng nước chảy mạnh kinh khủng. Dòng nước quật vào chân anh mạnh như một cú đá quét, khiến cả hai người ngã lăn. Huê hét lên “Úp ngưòi xuống, nương theo nước mà tiến dần vào bờ!”. Đầu gối và khuỷu tay Phong va vào những viên đá cuội dưới lòng suối, đau điếng, cộng thêm cái rét buốt của nước suối mùa đông. Cuối cùng anh cũng vào được bờ, người run lên cầm cập. Thật may mắn vì nhà của Hà Văn Ung đã gần kề.

***

Huê thì không sao, nhưng đầu Phong nhức như búa bổ. Bên bếp lửa, Lung lấy rượu ra chườm cho anh. Được một lát thì anh nhẹ người, ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ chập chờn, anh thấy mình trèo qua những ngọn núi đá cao dốc đứng, mây mù cuộn thổi, táp vào ướt đẫm mặt mày. Anh mơ thấy mình lội qua suối, rồi anh nằm xuống và bơi, cánh tay và khuỷ chân va vào nền đá. Anh thấy Huê đang đứng trên bờ suối, chụm tay gọi anh. Không, lúc này thì cô đang hát, tiếng hát bay xa dưới thung lũng. Không, không phải anh mơ thấy Huê hát, thật lắm và gần lắm. Anh mở mắt tỉnh giấc, đúng là tiếng hát của Huê, nhè nhẹ, cô không ở đây, chắc ngoài thềm hay dưói sân nhà. Bài ca anh không hiểu, giai điệu rất mênh mang khó nắm bắt. Lung ngồi bên anh, đang dùng dao gọt gọt một miếng gỗ, không biết để làm gì. Thấy anh đã thức, Lung hỏi: “Đỡ chưa?” “Hết đau đầu rồi” – Phong trả lời – “Huê đang hát gì vậy?” Lung nhìn anh: “Hỡi người con trai em chờ đợi, người con trai dũng cảm của núi rừng. Nhiều dốc núi cao, nhiều con suối dữ, nhiều lần mặt trời mọc lên, nhiều lần lặn xuống… Em đợi anh trở về”.

Yên lặng một lát sau, Lung nói thêm: “Huê hát cho anh đấy”.

 

IV

Năm ngày trôi qua nhanh hơn Phong tưởng. Lúc tối, Hà Văn Ung và vợ đã đãi khách bữa ăn cuối cùng. Ông cứ nằng nặc bắt Phong hứa sẽ trở lại đây. “Anh phải trở lại đấy, nhà của Ung này là nhà của anh, thằng Lung là em của anh. Đất Thượng Nung này là bạn anh. Dịp nào rỗi rãi, anh nhớ quay lại đây thăm, mang theo nhiều bạn bè càng vui”. Phong gật đầu. Hà Văn Ung tặng anh bình rượu nhỏ, ông nói: “Đừng uống vội vàng, lâu lâu uống một chén để nhớ”. Phong cười cảm ơn.

Lung chẳng nói gì, đứng dậy vào trong buồng, lấy ra một cái gì đó bọc trong cuộn vải thô, đưa cho Phong “tặng anh làm kỷ niệm”. Phong mở tấm vải, đó là một con dao đi rừng, lưỡi thép cắm trên một cái chuôi gỗ rất đẹp. Thì ra đó là kết quả của việc Lung cứ gọt gọt đẽo đẽo mấy buổi tối. “Đã đến Thượng Nung, ở nhà Thượng Nung, vượt suối Thượng Nung, thì anh là trai Thượng Nung”.

Cái tình miền sơn cước này khiến Phong xúc động. Anh xếp những món quà vào túi, tự nhủ rằng sẽ quay lại nơi đây. Theo kế hoạch, năm sau cơ quan sẽ lại phái ngưòi lên đây lần nữa. Mà không biết anh có đi được không, hay người ta sẽ xếp ai khác. Còn Huê đâu? Từ chiều đi chuyến cuối cùng về, Huê đã tránh mặt anh.

Nằm thao thức mãi, rồi Phong cũng ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ anh lại thấy tiếng hát của Huê, hư hư thực thực, dịu dàng mà mênh mang, mênh mang buồn.

***

Phong khoác túi lên vai, trời còn chưa sáng hẳn. Lung bảo Phong: “Tôi định đi tiễn anh, nhưng đã có Huê rồi.”

Phong xuống nhà, đúng là Huê đang đợi anh dưới chân cầu thang. Mấy ngày mà anh vẫn chưa thấy quen, khi nào cũng sững sờ khi gặp lại cô mỗi buổi sáng. Hôm nay Huê lại càng đẹp hơn, đẹp và buồn, rất buồn. Anh không dám nhìn vào mắt cô.
Phong chào tất cả lần cuối rồi cùng Huê bước đi. Từ đây đến nơi có xe lên huyện, phải đi mất cả nửa ngày đường. Phong cũng thấy mình bâng khuâng. Liệu có bao giờ anh gặp lại người con gái đang đi bên mình nữa không? Huê đã nói sang năm cô sẽ lấy chồng, đã đến lúc trong nhà cần có đàn ông, bà nội bảo thế. Phong rất muốn nói chuyện với Huê, nhưng cô chỉ trả lời nhát gừng rồi thôi. Một nỗi xao xuyến nhè nhẹ dâng lên trong anh. Anh không biết con gái nơi đây yêu như thế nào, nhưng anh cảm thấy Huê yêu anh.

Tiễn người đi mà Huê im lặng suốt. Cô im lặng bước đi bên anh, qua từng đèo dốc, qua từng vách đá, qua từng con suối. Rồi có lúc đột nhiên cô cất tiếng hát. Bài ca mênh mang buồn. Giống như tiếng hát văng vẳng xa xa anh nghe thấy đêm qua trong giấc ngủ. Giống như bài ca tối hôm trước Lung dịch đôi lời cho anh, giống thôi hay là chính nó? “Hỡi người con trai em chờ đợi, người con trai dũng cảm của núi rừng. Nhiều dốc núi cao, nhiều con suối dữ, nhiều lần mặt trời mọc lên, nhiều lần lặn xuống… Em đợi anh về”

Qua con suối cuối cùng một đoạn. Huê dừng bước. “Em tiễn anh đến đây thôi, em không đi nữa đâu.” Phong quay lại, anh nhìn cô giây lâu. Huê cúi đầu xuống, giọt nước nhè nhẹ lăn trên gò má. Chợt cô ngẩng đầu lên, quả quyết, nắm lấy tay anh. “Anh sẽ quay lại phải không?” “Anh sẽ quay lại, sang năm” “Em chờ anh. Trong một năm, một năm thôi, được không anh?” Phong nín lặng, anh không thể lắc đầu, anh nắm chặt tay cô. Giá như, giá như, anh không biết mình muốn giá như cái gì đây nữa.

Huê thôi khóc, cô mỉm cười nhẹ nhàng, nụ cười chắc sẽ còn in đậm trong ký ức Phong. Cô lấy ra một sợi dây nhỏ, trên đó treo một miếng gỗ mỏng tròn tròn màu nâu đỏ. “Anh đeo cái này vào nhé, nó sẽ giữ anh khỏi những tình yêu khác”. Phong để yên cho Huê đeo nó lên cho anh, bàn tay dịu dàng ấm áp.

Phong quay đi, vội vã bước.
Anh cũng để mặc cho màn sương mỏng đang dâng lên trên mắt mình …

 

V

Ma Thị Huê! Người con gái của Thượng Nung, người con gái đẹp nhất mà anh từng gặp. Phong hấp tấp tháo sợi dây treo lá bùa của Huê ra. Trước khi xuống Thượng Nung, còn nhớ một tay công chức trên Thái Nguyên đã nửa đùa nửa thật bảo anh: “cẩn thận không xuống đấy bị con gái nó bỏ bùa!”. Lúc đó Phong cười không tin, nhưng bây giờ anh không biết nghĩ thế nào. Anh vội đứng dậy, trả tiền nước cho bà chủ quán, xách túi đặt lên xe, rồi một mạch phóng thẳng về phía nhà Dương.

Phong lại chạy ba bước một lên cầu thang dẫn lên tầng năm, hấp tấp gõ cửa. Người mở cửa là Dương, nhìn cô, anh hiểu cô đang đợi anh quay lại. Phong xin lỗi, ôm lấy Dương và hôn nhẹ lên mắt cô. Anh không thể nào mất Dương được, anh yêu cô và anh cần cô. Ôi, thật cứ như là… Lá bùa không còn trong cổ áo. Chẳng còn thấy đâu nỗi giận dữ cách đây hơn một tiếng. Chẳng còn thấy đâu ánh mắt Dương hoang vắng lạnh lùng. Chẳng còn thấy đâu lời nói chia tay.

Trở về từ nhà Dương, Phong thấy hoang mang. Chuyện lá bùa này là thật hay ngẫu nhiên trùng hợp. Anh dừng xe bên vỉa hè một con đường vắng, cạnh một gốc cây bằng lăng. Anh vươn tay níu lấy một cành cây, “Huê ơi, em tha lỗi cho anh…” Phong treo lá bùa nhỏ lên đó, buông tay. Trên cành bằng lăng mùa đông lá thẫm, sợi dây treo lá bùa đung đưa nhè nhẹ. Anh nhìn hồi lâu, nó cô đơn và lặng lẽ như bài dân ca mênh mang buồn, chia ly, chia ly và ngóng đợi.

***

Bản báo cáo sau chuyến đi của Phong được đánh giá cao, Phong rất vui. Anh nhận được một khoản tiền thưởng nho nhỏ, rủ mấy thằng bạn đi uống bia được một bữa thì nhẵn túi.

Nhưng Phong cứ bứt rứt không yên. Một nỗi ám ảnh kỳ lạ cứ tràn đến dâng ngập trong những giấc ngủ mơ của anh. Mấy đêm rồi anh chợt tỉnh và thao thức cho tới sáng. Đêm nay lại là một đêm không ngủ nổi.

Phong ngồi dậy, khoác áo, đến bên bàn làm việc. Anh mở cửa tủ, lấy chai rượu của ông Phó văn phòng và con dao đi rừng cán gỗ của Lung ra ngắm nghía hồi lâu. Vẫn còn thiếu một thứ. Sợi dây có lá bùa. Sợi dây của Huê, sợi dây của người con gái có vẻ đẹp kỳ lạ của đất Thưọng Nung. Phong đứng bật dậy. Sợi dây…

Ba giờ đêm, Phong xuống nhà lấy xe đi. Anh thấy mình nóng bừng như lên cơn sốt, quên cả cái rét lùa vào qua tấm áo khoác mỏng. Anh cũng không hiểu sao mình muốn thế nữa, không hiểu tại sao nữa. Anh phóng một mạch thẳng đến góc phố có cây bằng lăng. Anh muốn lấy lại sợi dây, anh muốn quay lại nơi ấy. Cuối tuần này, không, ngay ngày mai. Anh không biết tại sao, không biết tại sao.

***

Hà Nội đêm mùa đông lạnh giá, tiếng còi tàu văng vẳng xa từ phía Long Biên. Có lẽ Phong đã đứng đây cả tiếng đồng hồ, hay là hơn thế. Anh tựa lưng vào gốc bằng lăng, lặng lẽ châm từng điếu thuốc. Những cơn gió lạnh thổi dọc phố đêm không một bóng người.

Trên cành bằng lăng, sợi dây treo lá bùa không còn nằm đấy nữa.

Có lẽ ai đó đã lấy nó đi…

Hỡi người con trai em chờ đợi
Người con trai dũng cảm của núi rừng
Nhiều dốc núi cao
Nhiều con suối dữ
Nhiều lần mặt trời mọc lên
Nhiều lần lặn xuống
… Em đợi anh về…

Matxcơva tháng Một 2003

Written by Tequila

April 15, 2009 at 8:09 am

4 Responses

Subscribe to comments with RSS.

  1. Thật là hay!

    Nhữ khánh- Tuyên Quang

    March 14, 2013 at 10:44 am

  2. Truyện nào cũng hay, kỳ lạ thật. Ông đúng là 1 văn tài!

    Đỗ anh vũ

    December 26, 2014 at 2:14 pm

  3. viết dài vãi đạn

    Hải Võ

    November 30, 2015 at 10:56 pm

  4. hay quá, mình theo dõi đọc các bài của bạn từ rất lâu rồi, cho mình xin facebook của bạn nhé, bạn gửi link vào email của mình nhé, cám ơn bạn, email của mình là: ahkknp@gmail.com

    Nguyễn Phúc AHKKNP

    August 23, 2017 at 10:44 am


Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.