Teq's Blog

Archive for the ‘Gia đình’ Category

Viết cho Phong và Lam

with 6 comments

Các con của bố.

Bố tỉnh như sáo vậy, cho nên ra ngồi máy tính. Trước khi ra thì bố đi qua phòng các con để xem các con thế nào, hai đứa ngủ say trông thật đáng yêu. Vậy nên bố chẳng thèm viết những cái vớ vẩn của bố nữa, hôm nay viết cho các con, cho dù cũng là để cho bố thôi.

Chúng ta vừa có mấy ngày nghỉ thật vui. Ảnh này mẹ chụp cho chúng ta rất đẹp. Mẹ các con đã làm cho cái nhà này càng ngày càng đẹp lên.

WeChat_Image_801

Khi ngồi viết những dòng này thì cái chân trái của bố vẫn còn đang rất mỏi. Cái xe của ông nội đã quá cũ, nó lại còn đang bị lỗi ga hay chế hay điện đóm gì đó, khiến nó yếu xìu. Bố phải lái nó như cách lái xe Minsk ghẻ, tức là phải vê côn vê ga liên tục, vòng tua động cơ phải lên cực cao, thì xe mới đủ lực vượt dốc và khi có đủ lực rồi phải cố mà giữ tốc độ, hễ phải phanh là lại vê lại từ đầu. Thấy các con kêu nóng, nắng, bố lại càng thấy nhớ cái con xe trâu bò của bố, mà mấy năm trước đã buộc phải bán đi. Bố nhớ cái cảm giác lái con xe ấy, nó kềnh càng thế mà nó lại ngoan ngoãn như một đôi giày vừa chân. Bố đã phải bán nó đi, bố còn phải bán cả 2 chiếc vespa cổ, bán cả chiếc 67, bán cả chiếc xe ga nhỏ màu vàng mà bố mua cho mẹ khi mẹ mang bầu Phong. Bán chả được bao nhiều tiền, nhưng vì lúc đó bố mẹ phá sản rồi nên chẳng còn muốn giữ những đồ chơi nữa. Ngay cả cái xe CG 150 già cả mà bố còn giữ được, thì cũng là vì lúc đó chú Nguyên mượn dùng, chứ không cũng đã bán luôn rồi.

Thế nhưng ngay cả những lúc khó khăn nhất, bố mẹ vẫn bỏ tiền ra để tiếp tục cho ngôi nhà này, để dù đơn giản như thế nhưng nó vẫn tồn tại và ngày một đẹp lên. Mọi người chỉ thấy là bố mẹ làm một cái nhà trên núi thật chẳng giống ai, khoe ảnh lên mạng thì mọi người khen đẹp thôi. Mọi người không biết niềm vui khi bố thấy các con chạy chơi trong sân nhà, lên núi bắt bướm tìm quả, xuống suối nghịch nước nghịch đá. Bố vẫn xét nét các con từng li từng tí từ nết ngồi cho đến nết ăn, cho các con theo học đủ mọi thứ miễn là các con thích, để sau này các con không phải khớp khi đến những chỗ lịch xoạc và không ngại với người đối diện dù nó nói thứ tiếng gì. Nhưng bố cũng vẫn giữ cái nhà này và lái xe nhiều tiếng đồng hồ đưa các con lên ở, để các con có những trò chơi tuổi thơ mà không đứa trẻ thành phố nào có được.

Những vấn đề của người lớn mà bố mẹ đã thấy và liên tục phải ứng phó, từ khi làm cái nhà này, nó đã khác xa so với suy nghĩ ý tưởng ban đầu. Bố mẹ đã làm nhiều việc cùng những người ở đây, nhưng cuộc sống và công việc thì luôn biến đổi theo cách mà nó muốn. Chỉ có cách các con lớn lên là đúng như bố mẹ muốn. Và tình bạn của bố với bác Chư thì không thay đổi. Lúc nhà mình chia tay bác Chư đi về, bố thấy thật vui trong lòng, khi nghe các con chào “cháu chào bác Chư ạ”. Có những cái rất đơn giản nhưng không dễ để có.

***

Sáng nay, như các con biết, cả nhà mình xách đồ đạc ra tới trường học, thì xe không nổ máy được. Hôm trước đi qua một cái hầm chui, bố bật đèn gầm mà quên tắt, hết sạch ắc quy, cho nên ba mẹ con phải ngồi chờ bố với bác Chư chạy xe máy ra Sapa mang ắc quy ra cửa hàng để sạc. Trong lúc chờ sạc ắc quy, bố và bác Chư đi ăn phở. Bác Chư rất thích ăn phở. Quán phở thì vẫn ngon.

Trong lúc ăn phở, bố nghe bàn sau lưng, người ta buôn chuyện với thằng con nhà bán phở, về việc người dân tộc đi ăn xin hoặc chèo kéo khách. Họ dè bỉu những người đàn bà Mông hay Dao, lẽo đẽo theo khách du lịch, địu đứa bé nhỏ xíu trên tay. Chèo kéo khách và ăn xin thì ở đâu mà chả có, kể cả quận Hoàn Kiếm và Quận 1 Sài Gòn. Nhưng dở hơi nhất là cái giọng của thằng con nhà bán phở “người dân tộc người ta chẳng như mình đâu cô ạ, trẻ con bé thế mà cứ lôi lếch thếch, như là người ta chẳng coi con cái ra gì”. Bố quay sang soi thằng ấy một phát, nó thôi, chắc vì nhận ra có người dân tộc là bác Chư đang ngồi đấy. Bố định nói, nhưng lại thôi, bố chẳng phải thầy giáo để dạy dỗ bọn đầu đất đấy, nói với chúng nó phí cả mồm mình. Chúng mày lên đây ăn xin văn hóa bản địa, mà không biết tôn trọng. Bố với bác Chư trả tiền xong đi. Chẳng biết bác Chư có nghe được câu chuyện kia không, tiếng Việt bác không giỏi lắm, nhưng biết đâu nghe được, kệ. Bố với bác là “anh em lâu dài” như bác vẫn nói, quan tâm gì mấy chuyện lẻ tẻ.

Mấy thằng bạn bố, khi nhậu với bác Chư ở nhà Bách Khoa mình say say rồi, đã rất khoái trá khi được bác Chư chia sẻ, là người H’mong tức là người Mèo, thì người Kinh được H’mong các bác gọi là bọn tộc Khỉ. Các bạn bố đã khoái trá công nhận cái tên này rất chuẩn. Các bạn bố nói, mấy thằng Khỉ bọn em rất vinh dự được uống rượu với các anh Mèo.

Bọn Khỉ đang đánh chiếm Sapa rất ác liệt, nhưng không lo, bác Chư bác Ninh còn rất nhiều rừng núi. Hôm qua uống rượu, bác Ninh bảo bố, bây giờ em đi đâu gặp thằng H’mong nào, cứ xưng tên là Vàng A Đức. Mà quả thật, chiều qua lúc bố chở mẹ đi Đầu Dù chơi, bố tóc tai bù xù mấy hôm không cạo râu, gặp mấy con Khỉ đi ngược lại hỏi đường, bọn chúng tưởng bố là con Mèo còn mẹ là con Tây.

***

Dông dài mấy chuyện Khỉ Mèo vậy, là bố muốn các con lớn lên sẽ biết tôn trọng mọi người, và tôn trọng những bạn bè của mình.

Hôm qua mẹ đã giật mình chỉ cho bố, khi thấy Phong đang một mình lên núi tìm cái gì đó. Con đội mũ, trông rất đẹp trai, đang bước trên đỉnh đồi sau nhà, cỏ xanh nắng vàng và bóng núi đá làm nền cho con, thật là một hình ảnh đẹp đẽ. Sau biết hóa ra con đi tìm thứ quả gì đó có vị chua mà các anh chị H’mong bảo con. Con đã thành một thằng bé quen thuộc với đèo dốc cây cối thật rồi. Bố thật vui lắm ấy.

Còn đêm trước, bố đã phải chụp trộm ảnh Phong. Bố thì ngồi đốt lửa, nhấm nháp wisky, chat chit với các bạn bố đang hì hục test phòng tập nhạc. Con thì đọc truyện và nói thao thao kể cho bố nghe, mà bố không để ý, ngẩng lên mới thấy trông con đáng yêu quá, bèn chụp trộm tấm ảnh, bố cũng post vào đây. Phong đúng là đẹp trai giống bố kaka! Mà con cứ mải mê đọc cái truyện tranh này, truyện này hồi bé bố chưa đọc, mà bố thấy đâu đó người ta kêu là truyện này phản giáo dục. Có lần Phong kể cho bố “bố ơi, cả bố của Shin và ông nội Shin đều mê gái bố ạ, sao lại thế nhỉ”. Bố bảo, thế con có thích các bạn gái không, trả lời có. Đấy, con trai thì phải mê con gái là đúng rồi còn gì. Con rất vừa ý với giải đáp. Bố thấy truyện này dán nhãn 12+ mà con bố mới có 7 tuổi, không sao, truyện này đọc tốt. Hồi bố đâu như mười tuổi, đã trèo giá sách nghiên cứu trọn vẹn cuốn Cẩm nang vợ chồng mà bà nội giấu tít trên đó. Nhân cách của bố đâu vì thế mà tồi đi đâu, trái lại, bố khá giỏi trong việc chung sống với sự xấu xa của mình.

IMG_20170430_215616

Bố cũng dán luôn một tấm ảnh chụp trộm Lam nữa, thấy bố chụp Lam giật mình ngước nhìn khi đang chơi iPad, trò nhổ răng trồng răng gì đó. Đúng là gái, suốt ngày răng với tóc với quần áo. Bố hy vọng sau này con sẽ chẳng coi mấy thứ tranh đoạt của bọn đàn ông ra cái gì, y như bây giờ con chả thèm coi mấy thứ siêu nhân năng lượng của anh Phong ra cái gì.

IMG_20170430_165445

Lam là một cô bé thật đặc biệt. Con quá xinh đẹp, cả gương mặt và khung xương đều hứa hẹn lớn lên con sẽ cực kỳ xinh đẹp. Đẹp quá cũng không tốt, rách việc với bọn đàn ông. Nhưng có lẽ không thể tránh khỏi rách việc nếu mình đẹp, chỉ có thể trau dồi cho mình một phẩm cách khiến bọn đàn ông phải run rẩy nghe lời, chứ đừng để bọn chúng vùi dập. Vậy nên bố cứ phải xét nét con từng tí một, ngồi khép chân vào, ăn ngậm miệng vào, quản lý anh Phong cho bố, vân vân, rồi ỉ ôi khóc lóc là bố đét đít đấy. Thậm chí đã có 2 lần bố phải cho con ăn roi. Và bố thường bảo con, xấu tính như thế thì sau không thành nàng công chúa được đâu mà chỉ thành xe công nông thôi.

Và Lam cũng là một lý do quan trọng khiến bố nhất định lôi các con lên núi ở thật nhiều thật nhiều. Bố rất nể trọng những người đàn ông bạn của bố ở trên núi. Họ có thể uống hơi nhiều rượu, họ có thể hơi hôi, họ có thể xấu trai, nhiều chú bác còn dốt đặc cán mai nữa. Nhưng mà công việc đồng áng và những ngọn núi cao ngất khiến cho họ có một phẩm cách mạnh mẽ ẩn sau sự khiêm nhường. Một người đàn ông như anh Lù con bác Chư, 8 tuổi đã có thể giắt bọc gạo vào đít quần, lên núi ở hai ngày hai đêm một mình làm việc gì đó bác Chư giao.

Con là gái, nếu con được lớn lên với những người đàn ông mạnh mẽ, thì sau này nhiều khả năng con sẽ nhận dạng và trị được bọn vớ vẩn. Tất nhiên là hy vọng thế thôi. Logic của gái bố không hiểu lắm. Con thì cứ đi nhiều với bố mẹ, rồi học theo mẹ con, là đủ rồi. Bố rất hư đốn và khiến mẹ phiền lòng rất nhiều, nhưng gầm trời này chắc chỉ mẹ trị được bố. Thật ra đáng lẽ mẹ phải trị một thằng nào xứng đáng hơn, nhưng thôi là duyên số con gái ạ.

***

Bố cũng phải tự nhận là bố không chăm sóc các con nhiều lắm. Bố là một người ích kỷ. Những người thân yêu nhất của bố, các bạn thân nhất sống với bố lâu năm nhất, đều nói bố như vậy. Họ nói nhiều quá thì bố cũng tin, và sau khi tin rồi thì suy nghĩ và thấy đúng thế thật. Chứ hồi trẻ trâu, bố cứ tưởng bố tốt bụng quảng đại lắm cơ. Bố thậm chí còn nghĩ bố là thằng tử tế nhất trong những thằng bố biết. Mãi gần đây bố mới hiểu không phải vậy. Bố đã làm nhiều điều mà bố nghĩ là tử tế, xong rồi bố mới thấy rằng ở bên dưới những điều tử tế ấy là sự xấu xa. Những điều này bây giờ các con còn nhỏ quá, bố không thể giải thích được. Bố chỉ có thể tự hiểu với bản thân, và tránh những lời giao giảng cho các con. Bố sẽ không nói với các con là phải sống tốt, là phải tử tế, là phải yêu thương mọi người, bố thấy xấu hổ khi dạy bảo các con những điều đó. Bố chỉ cố xét nét các con những kỹ năng nho nhỏ, dạy các con điều quan trọng nhất mà bố hiểu, là sự tôn trọng. Tôn trọng những người mình kính nể, tôn trọng những người mình ghét bỏ, tôn trọng cả những người khinh bỉ mình.

Và hơn cả là tôn trọng bản thân mình, tha thứ cho nó và yêu nó, ngay cả khi nó thực sự tồi tệ. Bố sẽ sửa đổi những chi tiết lặt vặt, để ra dáng một ông bố, nhưng bố sẽ tôn trọng cá tính và đời sống của bố, rồi qua đó tôn trọng sự lớn lên của các con. Một ông bố dù tốt đến mấy, nhưng cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho con cái nếu ông ta không tôn trọng cá tính riêng của mình. Bố đã tôn kính bố của bố, tức ông nội các con, suốt những năm tuổi thơ. Rồi bố khởi nghĩa, đả phá ông ấy, thậm chí có những thời gian còn khinh thường ghét bỏ ông ấy. Suốt hai mươi năm như thế, đến một ngày bố phải nói với bố của bố rằng, “bố thật là vãi đái”. Ông nội vẫn có những nét bố không ưa, nhưng cuối cùng bố đã phải thua trận đánh 20 năm của bố. Ông ấy không thay đổi, ông ấy sai đúng mặc dầu nhưng vững chãi như một bức tường, kể cả khi bức tường ấy đã rong rêu mục nát. Người ta có thể đá đổ bức tường ấy, nhưng người ta cứ phải nhớ sự tồn tại của bức tường. Bức tường chỉ cần nói, đơn giản và dõng dạc, tao muốn như thế đấy. Bố không bao giờ có được cái bản lĩnh đấy của ông nội, cho nên bố phải thua. Đó là một trận thua cay đắng. Một trận thua cả đời.

***

Con Phong và con Lam, rồi các con sẽ lớn lên rất nhanh. Bố còn chưa kịp dạy Phong viết chữ cho đẹp, thì con đã sắp lên lớp ba rồi và bố phát hiện là bố mà dạy thì con chỉ có ngu đi. Bố còn chưa kịp dạy Lam nốt nhạc nào, thì con đã xướng âm giai điệu giỏi hơn bố, con có những năng khiếu nghệ thuật mà bố không có. Bố chỉ có thể dùng quyền lực của người cha, sự vượt trội về kiến thức, khi các con đang còn quá nhỏ, để dạy các con những điều lẻ tẻ và cố gắng tạo ra một môi trường để các con lớn lên tự nhiên.

Trong mười năm nữa, nếu số phận cho bố những ngôi sao tốt lành, bố có thể có nhiều thứ hơn bây giờ. Bố thông minh, thường hiểu chuyện trước khi chuyện xảy ra. Bố dũng cảm, bố đã vượt qua nhiều nỗi sợ hãi mà các bạn của bố ít thằng đã từng trải qua. Bố cũng khá khôn khéo. Nhưng bố thiếu đi một cái căn cốt, mà con Phong của bố, con Lam của bố, bố muốn các con học từ những người khác, đừng học bố. Đó là sự giản dị và chân thành.

Bố không giản dị, bố không chân thành, bố e rằng bố sẽ chẳng bao giờ được như ông nội các con, bố sẽ chẳng bao giờ được nghe Phong nói, “bố thật là vãi đái!”. Bố yêu các con thật nhiều. Đến nỗi bố thấy tư cách của bố chẳng đủ để nuôi dưỡng các con đâu. Hãy cứ lớn lên, mẹ sẽ nuôi các con lớn. Mẹ sẽ là điều lớn lao nhất các con có.

Mẹ bố hỏi bố, cái loa di động của con hay thế, cho mẹ mượn hay chỉ cho mẹ mua đi. Bố bảo, mẹ ơi, cái loa này kêu nhỏ lắm, không thể đủ cho một phòng lớn mà mẹ dạy nhảy cho người ta đâu. Mẹ của bố nói, ừ thế thôi, để mẹ tìm cách. Bố chỉ ước sao bố có thật nhiều tiền để làm cho mẹ của bố một cái phòng dạy nhảy rộng rãi mà nhạc kêu ầm ĩ. Bố ước sao cho bố của bố, trưởng tộc, có đủ tiền để xây một cái nhà thờ họ hoành tráng, không phải im lặng nói tránh khi động đến tiền. Bố ước sao có thể cho con Phong và con Lam của bố được đi học những trường danh tiếng nhất, tốt nhất. Bố ước nhiều lắm.

Nhưng cái bố ước nhất và ước mãi bao năm, là đàn bà của bố, tức mẹ của các con, biết dùng mỹ phẩm. Mẹ của các con là một người đàn bà đẹp, thậm chí lại còn là một người đàn bà đẹp xuất thân từ một dòng dõi cao sang. Bố uống hết cả chai Bowmore rồi mới dám nói đến mẹ. Mẹ rất ghét những thứ bố viết, mẹ rất coi thường chúng, và rất đúng, bố toàn làm màu thôi các con. Muốn lớn lên làm người từ tế hãy sống như mẹ. Đừng như bố.

***

Nhưng bố vẫn đúng, theo kiểu của bố. Phong phải đánh nhau với thằng nào bắt nạt con. Đó là điều phải làm. Con hãy quên hết tất những điều gì người ta dạy bảo. Lòng tốt, sự tử tế, quên hết đi. Con hãy đấm vỡ mõm nó, hay bằng cách nào đấy, khiến những thằng ấy phải đối thoại với con. Đó là điều duy nhất thằng đàn ông cần làm và phải làm trong suốt cuộc đời mình.

Còn Lam, hãy theo mẹ con, bố chẳng biết đâu.

Written by Tequila

May 3, 2017 at 4:26 am

Posted in Gia đình

Niềm vui của bố

with 2 comments

Năm 2015 đã sắp qua rồi, sáng nay Hà Nội sương mù lãng đãng. Bố ngồi ngồi trong phòng làm việc với những giấy tờ, email và một ly cafe buổi sáng, cửa sổ mở rộng. Một thằng bạn của bố gọi trên facebook, chỉ để chia sẻ một bản Nocturne của Chopin. Thằng bạn này của bố là một người đàn ông tốt bụng chân thành và là một người cha tuyệt vời. Bố vẫn thường nghĩ bố phải học tập nó rất nhiều trong vai trò làm cha. Buổi sáng nay, một buổi sáng mà niềm vui do con cái mang lại vẫn đang làm bố mơ màng, thì chính thằng bạn ấy lại gọi bố trên facebook để cùng nghe một bản nhạc. Nhiều khi các câu chuyện cứ duyên duyên như vậy. Và bố quyết định sẽ ăn cắp giờ công lao động, để ghi lại câu chuyện nhỏ của các con, mà nếu không ghi ra, có lẽ thời gian sẽ làm nó mờ đi và sau này bố con mình không đứa nào còn nhớ cả.

***

Năm nay con trai Phong đi học lớp một. Đáng lẽ bố phải ghi lại những cảm nghĩ của mình khi đến trường tiểu học cũ của bố, để đăng ký học cho con. Bố phải ghi lại là bố đi từ cổng trường vào, ngôi trường đã hoàn toàn khác, nhưng bố vẫn còn nhận ra những cái đã không còn tồn tại, chỗ này là vườn trường, chỗ kia là cây sung, chỗ đó là cột cờ… bố đi qua sân trường như đi qua những năm tiểu học của bố. Đáng lẽ bố cũng phải ghi lại cái hôm đầu tiên đưa con vào lớp, con tự đi một mình, bố bám theo sau. Bố thấy con tiến đến một bàn và định ngồi xuống, thì hai thằng ở bàn đó từ chối con, con bèn vui vẻ đi sang bàn khác, rồi quay đầu làm quen với các bạn khác. Bố đã rất hài lòng và yên tâm ra về. Đáng lẽ bố cũng phải ghi lại cái hôm bố đợi ở ngoài cổng trường, để mẹ đưa con vào trường. Khi ra mẹ con bảo, “nó đúng là con trai anh”, “tại sao”, “tất cả mọi người đều đi cầu thang bên này, mà nó cứ lững thững đi cái cầu thang mà nó thích”. Rồi đáng lẽ bố cũng phải ghi lại, vì sao bố mẹ phải chuyển trường cho con, chuyển khỏi trường tiểu học cũ của bố, để sang một trường khác. Có rất nhiều những điều cần phải ghi lại, về cái cách mà một đứa trẻ lớn lên.

Bố không đọc những cuốn sách về dạy dỗ con cái. Bố nghĩ phần lớn các bậc cha mẹ là những kẻ thất bại trong việc dạy dỗ rèn rũa bản thân mình, mà bố là một điển hình, chẳng dễ gì những kẻ thất bại đó lại có thể đọc sách rồi thành công trong việc dạy dỗ kẻ khác. Bố chỉ có thể hướng dẫn và khắt khe một chút để uốn nắn những điều lặt vặt, còn cái cách mà các con lớn lên và phát triển tính cách của mình thế nào, là hoàn toàn bí hiểm và bố sẽ phải tôn trọng. Bố muốn nuôi dạy chăm sóc các con như chăm sóc một cái cây tự nhiên trong khu vườn rộng, có thể vun sới gốc, tỉa lá dọn cỏ dại, rồi để nó tự phát triển với mặt trời và gió, chứ bố không muốn là một nghệ nhân bonsai uốn bẻ căn cốt của cái cây theo ý mình.

Và bố cứ hồi hộp về việc cái cây sẽ lớn thế nào. Đặc biệt là con, con trai. Thằng con trai, dù là tốt hay xấu, thông minh sáng láng hay ngu vật, đẹp giai ngời ngời hay xấu như khỉ, nó sẽ luôn được tôn trọng nếu nó có lòng can đảm, sự kiên cường.

Câu chuyện hôm qua của các con khiến bố rất vui, còn hơn cả vui, là hạnh phúc.

***

Hôm qua bố đi làm về sớm, lấy xe máy chở em Lam đến trường để đón anh Phong. Tới sân trường, bố dắt tay em Lam đi vào, thì từ xa nhìn thấy con trai bị một thằng bạn thấp hơn nhưng rất nhanh nhẹn, xô ngã lăn kềnh ra đất. Mấy lần bố nghe ông nội đi đón con về kể, là con hay bị các bạn bắt nạt, bố rất lo vì điều đó. Một thằng bé bị bắt nạt là rất bình thường, nó có thể thua liên miên nhưng một khi nó đầu hàng và chấp nhận bị bắt nạt, thì nó sẽ hỏng mãi mãi. Một hôm ông nội bảo, hôm nay có thằng đánh thằng Phong, tao phải quát thằng kia và tao sẽ nói với cô giáo hoặc bố mẹ thằng đấy. Bố bảo, không được làm thế, ông phải để cho trẻ con tự giải quyết việc của mình.

Vì vậy mà bố đứng chờ ở xa xa xem con làm thế nào. Con vùng dậy và đuổi theo thằng kia quanh sân. Thằng bé kia nhanh nhẹn hơn và có vẻ khỏe hơn, con không thể bắt được nó. Tới khi gần bắt được, thì nó gọi một thằng lớn hơn, lớp trên, “anh ơi đánh nó hộ em”. Thằng lớn kia lao ra chặn con lại. Con lại phải giằng co và đấm nhau với thằng lớn ấy, trước khi thoát ra và đuổi thằng kia tiếp. Ở trường này có vẻ các cô giáo dục khá tốt, cho nên đám trẻ đánh nhau khá quy ước, chỉ đẩy, đạp, đấm vào vai ngực mà không đấm vào mặt nhau. Cho nên bố cứ đứng sau gốc cây đợi xem. Có đến ba thằng lớp trên giúp thằng bé kia, con trai bố chỉ có một mình và tất nhiên là liên tục thua, mặt đỏ bừng mắt ngân ngấn nước, liên tục bị các anh lớn đấm cho và thoát ra, lại đi đuổi thằng kia, lại bị thằng lớn khác chặn lại… Cái lúc con bị cả ba thằng lớn bao vây, em bé Lam đang đứng với bố, buông tay bố ra chạy tới, giằng kéo một anh ra “không được đánh anh Phong của em! Đi đi! Đi đi!”. Lưng bố nổi cả gai ốc.

Tới chừng tình hình có vẻ hơi căng và bọn trẻ dễ chuyển từ đấm nhau quy ước sang đấm nhau thật, thì bố mới can thiệp. Khi con lại đuổi thằng bé kia chạy ra xa xa, bố mới gọi một trong những thằng lớn ấy, bảo “đấm nhau không sao, nhưng không được nhiều người đánh một người, cháu không được giúp nữa mà để cho hai em ấy tự chiến đấu, đồng ý không?”. Thằng bé lớn đồng ý và bọn lớn thôi không can thiệp, để mặc cho hai thằng đuổi nhau quanh sân, đuổi vào lớp, rồi lại ra sân.

– Lam!

– Dạ,

– Anh Phong chạy chậm quá, con giúp anh chặn anh kia chạy chậm lại.

Cũng là có tí bất công, nhưng bố muốn thằng bé kia không chạy nữa mà hai thằng giải quyết cho xong. Lúc này trong lớp, anh Phong và thằng bé kia gườm nhau ở hai đầu bàn. Bố đứng ngoài ghé mắt vào cửa sổ ngó. Con trai không bắt được nó mà nó cũng không chạy nữa. Em bé Lam chạy ra chặn một bên cạnh thằng kia, để anh Phong bắt. Thằng bé kia bảo con bé Lam:

– Em đi ra chỗ khác, để yên cho bọn anh! (như người lớn, thằng bé kia cũng hay thật)

Em Lam bèn đi ra chỗ khác, quả thật bọn trẻ con có những cư xử với nhau rất hay. Em Lam đi ra khỏi lớp, ra chỗ bố, vài chục giây sau bố quay lại cửa sổ ngó, thì thấy con đã bắt được thằng kia, đè được nó xuống đất, nắm được cổ áo của nó và đấm vào lưng nó. Bốn năm bạn cả trai cả gái vây quanh xem.

– Dừng lại, không được đánh nhau nữa.

Bọn trẻ buông nhau ra. Bố mới hỏi:

– Phong, tại sao lại đánh nhau!

– Bạn ấy đánh con suốt, lại cứ rủ các anh lớn bắt nạt con.

Bố quay sang bạn kia:

– Cháu tên là gì?

– Cháu là….

– Đánh nhau thì không sao. Nhưng không được rủ nhiều người đánh một người. Phải tự thắng, đồng ý không.

– Vâng. Cháu đồng ý.

– Thôi hôm nay thế được rồi. Mai lại chiến đấu tiếp. Hôm nay trận đấu dừng ở đây. Hai đấu thủ bắt tay nhau đi.

Hai thằng bé miễn cưỡng sờ tay nhau. Bố bảo, không được, bắt tay là phải đúng kiểu như thế này này. Bọn trẻ con bắt đầu thi nhau mách. Chú ơi nhưng mà bạn Phong cũng hay trêu các bạn lắm, bạn ấy có hôm đánh cháu vào đây, cháu nữa, có hôm bạn Phong cũng đánh cháu ở đây. Mấy đứa con gái hùa vào, bạn Phong hay trêu mọi người lắm, rồi khi bị trêu lại thì bạn ấy lại tức, khóc rồi đánh nhau… Chuyện này các bạn nói có lẽ không sai và bố sẽ nghĩ cách xử lý dần.

Phong về bàn sắp xếp sách vở, vừa xếp vừa nghe các bạn gái mách bố. Mà cả em này nữa này, em gái bạn Phong nữa, cũng xấu tính cũng hư giống anh. Ừ, em ấy chẳng ra gì cả, em hư lắm. Bé Lam đứng nghe mặt thộn ra, không biết nói lại các chị thế nào, không hiểu sao lại bị chê. Con trai bố lúc ấy đứng im, mắt sáng như sao đăm đăm nhìn các bạn, trông thật xinh giai (nếu có thể thì bố đã chụp ảnh lại), rồi tiến lên đứng giữa em và mấy bạn gái “em tớ làm gì mà các bạn bảo em ấy hư!”. Bọn gái im lặng. Thật là không biết nói thế nào về niềm vui của bố và sự xúc động khi thấy các con như thế.

Có thể con có vấn đề gì đó khiến giao tiếp với các bạn chưa thật ổn. Có thể con chỉ chơi được với vài bạn còn lại các bạn khác không thích con. Vấn đề đó rồi dần dần chúng ta sẽ xử lý.

– Phong!

– Dạ,

– Bố thấy con chạy quá chậm.

– Bạn ấy cứ chạy con đuổi không được.

– Bố dạy con tập đá bóng, rồi con sẽ chạy nhanh như bố.

– Chạy nhanh thế nào?

– Sẽ đuổi bắt được cả chó.

Tối về, thấy em Lam khoe với mẹ, “Mẹ ơi bố bảo là bọn con sẽ được thưởng” “Vì sao”?” “Vì can đảm, vì hai anh em yêu nhau và bảo vệ nhau”.

Còn cái lúc mới ra khỏi trường, ba bố con ngồi xe máy, em Lam ngồi trước, anh Phong ngồi sau. Bố thấy con trai bố ngồi sát vào, ôm lấy eo bố, ngả đầu áp má vào lưng bố. Con thường ngày rất nghịch ngợm và ngồi xe luôn ngó ngoáy. Chắc chắn con không biết rằng, từ hồi ba tuổi trở đi thì con đã không còn ôm lưng bố khi ngồi xe máy. Mãi cho đến hôm nay mới lại thế. Sự bày tỏ tình cảm này khiến bố hạnh phúc và thấy thật may mắn vì hôm nay đã đến trường để tình cờ gặp và giúp con xử lý vấn đề quan trọng của mình, vấn đề mà không đứa bé trai nào về mách bố, nếu mà nó là đúng là một thằng con trai.

“Hôm nay bố thấy rất vui vì anh Phong đã dũng cảm chống lại ba bốn anh lớn mà không sợ, và vì hai anh em đã can đảm bảo vệ cho nhau. Cuối tuần này bố sẽ thưởng! Các con về suy nghĩ đi xem thưởng gì nhé.”

***

Thưởng cho các con thì đơn giản. Các con đã cho bố phần thưởng trước rồi.  Trẻ con lớn lên nhanh như thổi. Chẳng mấy mà các con sẽ không còn nhỏ như bây giờ. Bố cần tận hưởng thời gian hiện tại, để ra lệnh “Lam!” rồi vỗ vào vai trái mình, ra lệnh “Phong!” rồi vỗ vào vai phải mình, thế là cả hai đứa sẽ phi lên giường rúc vào bên cạnh bố và mỗi đứa gối đầu lên một bên vai.

Written by Tequila

December 22, 2015 at 11:32 am

Posted in Gia đình

Những mảnh ghép

with 3 comments

 

Một số ngày trước, nhân facebook thấy em Thảo Lam viết rằng khi ngoài ba mươi thì cần phải đọc lại Chiến tranh và Hòa bình, tôi bèn kiếm bản e-book chùa và đọc. (“Em Thảo Lam” là anh bạn của tôi và thằng Kỳ, một ông anh mọt sách của chúng tôi. Do không thể tìm ra ở hắn điểm gì để so sánh, vì cái gì hắn cũng hơn cả, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra một điểm hắn dưới cơ mình để có thể coi là bạn bè ngang phân, ấy là hắn không chửi bậy dẻo như chúng tôi.) Thảo Lam nhận định chuẩn, đúng là phải đủ lớn thì mới đọc được Chiến tranh và Hòa bình. Một bộ tiểu thuyết lớn và dài như vậy, nhưng mỗi đoạn đều có thể khiến người ta dừng lại và suy nghĩ, tìm thấy ra những liên kết kéo mình về một thời điểm nào trong quá khứ, mà khi đó mình đã có những xúc cảm, những suy nghĩ hoặc u tối hoặc bồng bột hoặc ngây thơ hoặc giả dối… như được miêu tả một cách nhẹ nhàng tinh tế trong trang sách. Bản e-book đút vào trong cái phần mềm trong tablet của tôi, đếm được gần 2000 trang màn hình, tôi nhẩn nha đọc vào những giờ trưa hoặc tối trước khi đi ngủ, mới được 500 trang.

Mỗi một con người, nếu dễ tính mà nhìn, thật chẳng có gì phức tạp, gồm dăm bảy mảnh ghép, như những mảnh của trò xếp hình Trí Uẩn. Ấy thế mà ghép ra thành hình hài đầy đủ rồi thì muôn hình vạn trạng, chẳng ai giống ai. Bối cảnh xã hội thượng lưu Nga những năm đầu 1800 ấy, quy định ra thành ra bộ những mảnh ghép. Ông già Tolstoi nhặt các mảnh ghép lên, chơi Trí Uẩn, xếp ra thành Bolkolsky, Bezhukov, Rostov, Denisov, Dolokhov, Natasha, Maria, Elen… bày họ ra bàn đứng cạnh những nhân vật lịch sử như Hoàng đế Alexander I, Napoleon Bonaparte, Kutuzov… rồi thả họ xuống dòng sông lịch sử 1805 – 1812, thế là thành tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình.

***

Tối hôm nọ, tôi đến quán bia dự sinh nhật thằng bạn thân Welcome to the Hell, thằng Nguyên lác. Bàn có gần mười thằng, toàn là chơi với nhau biết nhau từ nhỏ hoặc khá nhỏ, muộn nhất cũng là đại học. Chúng tôi sinh cùng năm, lớn lên ở Hà Nội 198x, nhà cửa đều là cơ bản khá giả không đói nghèo, cha mẹ trí thức hoặc viên chức, đều học đại học trong nước, đều đi đây đi đó ít nhiều, đều đang đi làm đi ăn nếu không oách rồi thì cũng vẫn có cái để nhìn vào… chúng tôi đều từ một bộ Trí Uẩn mà ghép ra. Nhưng bộ tiểu thuyết mà chúng tôi là nhân vật thì chẳng có gì đặc biệt. Chúng tôi chỉ đang trôi đi và làm những việc cần làm hoặc không cần phải làm. Bộ tiểu thuyết này, dở thì cũng không hẳn, nhưng không có gì thật hấp dẫn.

Bữa bia khá nhạt vì chúng tôi chẳng có đề tài gì để cãi nhau. Nhắc vài chuyện nhỏ thời thơ bé, đá dăm chủ đề xã hội đang quan tâm. Đề tài hấp dẫn nhất là HIV, lậu, và phương pháp tránh thai không dùng bao cao su, đơn giản vì đề tài này chúng tôi có thể cười khặc khặc khả ố và trêu chọc nhau. Nếu chia cặp ra mà uống tay đôi, chúng tôi có thể nói với nhau sâu sâu và lâu lâu về một đề tài nào đó, có thể là công việc hoặc gia đình. Nhưng trộn cả đống lại, chúng tôi chỉ là những nhân vật mờ nhạt của một tiểu thuyết mờ nhạt. Kể cả việc ở bàn bia này, có tới sáu doanh nghiệp trong đó có hai ông chủ nhà máy lớn. Đã từ lâu, tôi và vài thằng trong bàn này đã thống nhất với nhau, là cái may mắn lớn nhất của anh em mình, là được ở trong một thế hệ vô cùng hiếm hoi của dân tộc Việt Nam, được sinh ra và lớn lên cơ bản là trong hòa bình. Một điểm sáng bốn nghìn năm. Và vì thế cơ bản chúng ta chả có việc gì lớn để làm, chúng ta là kẻ thụ hưởng của phía bên này và đồng minh tiềm năng của phía bên kia, chúng ta chỉ có đi làm đẻ con và nuôi chúng.

Chúng tôi tập hợp lại thì mờ nhạt như vậy, nhưng tách ra thì chúng tôi cũng là một nhân vật nào đó. Ví như đề tài HIV được đưa ra và chiếm tới 30% thời lượng cuộc nhậu, là vì có một thằng chiếm diễn đàn để tuyên bố theo một thuyết âm mưu nào đó rằng HIV là không có thật, chẳng có HIV nào hết, các ông cứ tự nhiên đi. Cả bọn nghe, cười, rồi lại nghe. Thằng ấy chuyển chỗ sang ngồi cạnh tôi, chừng như hy vọng rằng tôi sẽ nghe nó một cách nghiêm túc hơn mấy thằng kia, nhưng tôi cũng không cổ vũ nó lắm. Rồi đổi đề tài khác để cười cái khác. Nhưng có một câu quan trọng mà nó nói, gợi cho tôi nhớ lại rằng mấy năm vừa qua của nó là một tiểu thuyết không được viết ra, “tôi nói về HIV như thế, các ông đừng cười, thuyết ấy cũng có ít nhiều lý lẽ, tôi tìm hiểu sâu hơn các ông nhiều, mấy năm qua tôi đọc rất nhiều về virus và về gen”. Năm ngoái, đứa con gái đầu của nó cuối cùng thì đã qua đời vì một căn bệnh hiếm gặp và bí hiểm liên quan đến gen, mang theo hai năm vật vã trong đau khổ và hy vọng và rồi tuyệt vọng, cùng với rất nhiều tiền bạc. Một tiểu thuyết chẳng ai muốn viết.

***

Trước khi viết entry này, tôi ngồi ở phòng ngoài, đang định xem phim thì thằng con mở cửa vào xin tôi chơi với nó một ván bài trước khi nó đi ngủ. Nó cần phải ngủ ngay vì mai là bế giảng lớp mẫu giáo, ngày mai nó tốt nghiệp mẫu giáo, nhưng vẫn thèm làm một ván bài. Đó là một bộ bài gọi là magic gì đó toàn siêu nhân với các điểm tấn công điểm phòng thủ và các kết hợp tăng sức mạnh mà tôi chịu chả hiểu được. Tôi đánh theo hướng dẫn của nó, cuối cùng tôi thắng.

Trong lúc nó chia bài, xếp quân nào của bố quân nào của con, bố đặt quân vào chỗ này, để con tính xem quân nào mạnh… thì tôi với tay bấm một bản sonata của Beeth nghe cho đỡ sốt ruột, và tò mò quan sát nó. Nó sẽ lớn lên là ai?

Thằng bé này thông minh, nhớ được và có cảm hứng thực sự với những thứ kết hợp phức tạp như lũ siêu nhân hệ lửa hệ cây lằng nhằng này. Nó có vẻ có trí thông minh về toán học và dễ dàng với các con số. Nó xếp lego rất sáng tạo và kết hợp màu sắc đẹp. Nó cũng vẽ đẹp khiến tôi ngạc nhiên, thật sự đẹp. Nó rất tình cảm và tôi biết nó có một thế giới tưởng tượng và tình cảm riêng biệt. Cho đến nay nó hoàn toàn chưa quan tâm tí nào về âm nhạc. Khi khó chịu gì đó thì nó hay lèo nhèo, khiến tôi và thằng chú của nó đều cho rằng cần phải làm thế nào để nó bớt ẽo ợt, trong đó tăng cường đàn áp và tẩn nó một cách đàng hoàng được đưa ra như một giải pháp để lựa chọn.

Ngày mai nó tốt nghiệp mẫu giáo rồi, thật nhanh. Tôi đã tuyên bố là lên lớp 1 tôi sẽ kèm cặp nó và chắc là tôi phải cố mà thực hiện tuyên bố này. Tôi sẽ chẳng làm được gì nhiều và không kỳ vọng nó xuất sắc, nó sẽ xuất sắc nếu nó là thế, không thì nó tầm tầm như bố nó hoặc kém hơn bố nó chả sao. Việc của tôi là làm sao giúp nó tự gọt đẽo các mảnh ghép Trí Uẩn của thế hệ nó, sao cho gọn gàng thẳng thớm.

Tôi tò mò ngắm nhìn thằng con mình, những muốn ôm nó vào lòng mà hôn hít nhưng chỉ xoa đầu nó, tôn trọng sự tập trung của nó khi tính toán sự kết hợp các quân bài siêu nhân. Trên con đường rất dài mà nó sẽ đi, nó sẽ tự ghép các mảnh ghép của nó theo một cách nào đó để ra con người nó sau này. Nó sẽ tự viết ra một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời nó. Và nếu như tôi có một kỳ vọng nào về thằng con mình, thì tôi chỉ kỳ vọng rằng đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết chứa nhiều niềm vui.

Written by Tequila

May 22, 2015 at 1:12 am

Posted in Gia đình