Teq's Blog

Archive for the ‘Những con đường’ Category

Dran và những con đường cao nguyên

with 2 comments

Đã khá lâu rồi, chừng mười năm vài tháng gì đó, tôi đọc được một bài blog của một nick trên diễn đàn cũ, viết về quê hương của anh – thủ phủ Dran của huyện Đơn Dương – Lâm Đồng. Nick này tôi biết cũng khá lâu trước đó, tức là cũng phải chừng gần mười năm trước của trước. Bài viết đó như một cái nút bấm khiến tôi muốn rút cái giắc cắm của matrix, mà làm quen với anh ta ngoài đời, nói rằng vì cái bài viết của anh mà tôi muốn một ngày nào đến thăm Đơn Dương. Thoạt là sơ giao, biết nói gì với nhau, giờ thì thân thiết lại càng không thấy cần phải chia sẻ kể lể đời anh đời tôi nữa. Chúng tôi hay trò chuyện với nhau bằng những con đường. Thành lệ được bốn năm, năm nào chúng tôi cũng thu xếp đi với nhau, một nhóm bốn thằng. Năm Hà Giang, năm miền Tây, năm lại Hà Giang Cao Bằng, năm nay thì đi Tây Nguyên, một góc thôi.

Chuyến lần này tôi ít được lái xe, đợt này cảnh sát giao thông làm căng mà tôi lại thiếu giấy tờ chưa làm lại. Tôi chỉ lái được chừng đôi trăm km, còn lại cả chặng đường ngồi bó gối ngủ gà ngủ vịt ở ghế sau. Anh bạn tôi, thanh niên Dran nói ở trên, có cách lái xe hơi gắt, khiến người ngồi sau hay bị lắc từ bên này sang bên kia. Ấy là vì tay cầm vô lăng của anh bị mắc một lỗi. Khi vào cua xong, anh không để cho chiếc xe từ từ theo tiến trình của nó đẩy vô lăng trở về với tim đường một cách tự nhiên. Anh thường bẻ vô lăng cưỡng chế cho xe thẳng trở lại, trước thời điểm cần thiết, khiến cho chiếc xe hơi giật lắc và người trong xe chao đảo. Tôi chẳng bao giờ bị say xe nên không phiền hà gì. Vả lại anh cầm vô lăng tuy không ngọt bằng tôi, nhưng anh kiểm soát anh và cuộc đời anh rất tốt, không như tôi lái xe thì êm ái nhưng những người sống quanh tôi luôn bị tôi làm cho lắc giật.

Chúng tôi đi từ Sài Gòn lên Bảo Lộc, ngủ ở Bảo Lộc một đêm, ca hát váng trời, rồi hôm sau lượn vòng vèo trên đường Đắc Nông rồi về Tà Đùng. Hồ Tà Đùng là một cái hồ chứa nước của thủy điện, rất rộng, nước ôm vòng quanh những hòn đảo mà khi xưa là đỉnh núi, mây chiều khi xưa chắc lẩn khuất dưới thung khe thì nay lảng bảng mặt hồ. Nói chung là đẹp. Việt Nam rất nhiều chỗ đẹp, phá mãi không hết, như chúng tôi thường nhận xét. Nhưng người ta hay nói là, sự kiều diễm của giai nhân nằm trong đôi mắt của thi sĩ. Các thi sĩ của chúng ta dường như có đôi mắt khá khác lạ. Để giai nhân trở nên đẹp hơn, thì các thi sĩ người Kinh mà nhiều phần là bọn Thái Bình Nam Định (một người con Thái Bình là tôi cho hay) thường thích trang điểm cho nàng bằng những nếp mái tôn đỏ quạch hoặc xanh lè, những góc check-in không thể thiếu thảm cỏ nhựa và chiếc xích đu trắng, hay những ô cửa kính lớn mà từ đó có thể nhìn toàn bộ vùng hồ qua một lớp váng loang lổ mà mưa và bụi tạo ra.

Một con chó cái chừng hai năm tuổi, xách bộ vú ve vẩy của nó đón tiếp chúng tôi, dẫn chúng tôi đi ngắm giai nhân của nó. Nó gặp hai thằng chúng tôi (hai thằng kia lười quá uống bia ngắm hồ ở resort mái tôn) ở đầu bãi xe, cứ quanh quẩn bên chân, rồi chạy lon ton dẫn đường cho chúng tôi tới triền đốc, rồi đi xuống nữa, qua một cái ruộng hoang, qua một vườn ớt nơi có một người đàn ông đang cặm cụi làm nốt công việc cuối ngày chẳng buồn ngẩng mặt lên nhìn người lạ, tới tận mỏm đất mà từ đó con chó biết rằng một cơn mưa đang đến và cầu vồng sẽ hiện ra. Chúng tôi ngắm cảnh, cố gắng chụp vài cái ảnh, chờ trận mưa đang trút nước từ phía tay phải cách xa chừng hơn hai cây số, tiến lại gần. Rồi mưa bắt đầu lất phất, rồi cầu vồng hiện ra. Một cái cầu vồng gần đến nỗi có cảm giác như mình đi tới gốc cây kia là sẽ tới chân của cầu vồng, rồi người mình cũng thành ra bảy màu. Chưa bao giờ tôi thấy một cái cầu vồng gần đến như vậy. Mưa bắt đầu nặng hạt và khi chúng tôi chạy trở lại được xe thì người đã ướt sũng. Những ông bạn ngồi ở resort mái tôn uống bia cũng kể cho chúng tôi về cầu vồng, nhưng khổ thân bọn chúng không thấy cầu vồng ở một vị trí mà ném viên đá cũng xuyên qua nó được.

Sáng hôm sau tôi ngủ muộn hơn. Anh bạn Dran của tôi thì dậy sớm và anh ta đi chạy. Dẫn đường cho anh cũng chính là con chó cái đấy, thêm cả thi sĩ của nó nữa, là một con chó đực hoành tráng có khả năng chửi bới hết tất cả bọn chó trong làng dám làm phiền đường chạy. Chắc hẳn con chó cái dễ thương kia tối về kể cho thằng thi sĩ của nó là hôm nay em thấy có mấy thằng người đi ngắm cảnh chứ không phải đi check in xích đu.

Rồi chúng tôi về Dran.

***

Không có nhiều điều để nói về Dran. Chỉ biết rằng Dran là một thị trấn nhỏ và xinh đẹp. Dran giống như một cuốn sách mỏng với những câu chuyện dịu dàng, mà chúng tôi mới biết cái tên chứ còn chưa được đọc. Có một cuốn sách như thế thật, đang chuẩn bị đem in, được viết bởi ông già của anh bạn Dran. Tôi nghĩ trong lòng mà gọi ông ấy là ông già Dran.

Ông già Dran sống ở thị trấn Dran, một phố thị cao nguyên nhỏ xinh chỉ có hai ba con đường, nằm nép cạnh đập nước thủy điện Đa Nhim. Ở Dran có những ngôi nhà gỗ chừng hơn 80 năm tuổi, từ khi người Nhật đến xây thủy điện. Bên cạnh đó là những ngôi nhà xây từ trước giải phóng, rồi những ngôi nhà xây tầm 80 –90, và những ngồi nhà tầm 2010 – 2020. Có nhiều nhà cũ xấu, như mọi thị tứ trên đất nước này. Nhưng cái hay là những ngôi nhà mới xây thì lại khá đẹp. Dường như khi người ta sống ở một nơi đẹp, trầm tĩnh, rồi người ta giàu lên và có tiền xây nhà, người ta sẽ xây những ngôi nhà đẹp và khá sang, mà lại không quá phô trương.

Ông già Dran có ba người con, tất cả ông đều đặt trùng một cái tên là Thao. Yên Thao – Nguyên Thao – Vũ Thao. Tên gì toàn tên đẹp quá đi. Chị Yên Thao nói, khi về nhà chỉ có chị được gọi tên Thao bản quyền, còn hai em chỉ được gọi bằng tên đệm là Nguyên và Vũ. Chị Thao hơn chúng tôi nhiều tuổi, là một người phụ nữ đã có cháu gọi bằng bà, nhưng còn rất trẻ và mi nhon, xưa ắt hẳn là hotgirl. Chị về Dran trước chúng tôi một ngày, lừa ông già rằng khách mà Vũ dẫn về nhà là hai cặp vợ chồng và một đứa con. Ông già Dran và bà già Dran lọ mọ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp phòng ốc. Ông nói rằng có phụ nữ tới nhà là mình phải chỉn chu cẩn thận, vì phụ nữ họ rất tinh tế. Chứ mà biết chúng mày toàn một lũ đực rựa thì tao chỉ cần cho chúng mày cái đệm rồi muốn sao cũng được. Tôi đoán ông nói thế thôi, như thể ngượng nghịu về sự chuẩn bị chu toàn chăm sóc mà ông dành cho chúng tôi. Ba con của ông thì có anh Nguyên là ở Dran, còn chị Thao và Vũ ở Sài Gòn cả năm chỉ về vài lần. Khi chiều xe xịch tới đậu bên lề đường, một thằng trong chúng tôi xuống mở cổng, cổng chưa mở xong thì ông bà già và chị Thao đã đứng ở bậc thềm để đón.

Một bữa cơm gia đình ấm cúng với thời lượng rất vừa phải, rồi ông già bà già rút vào phòng xem tivi, nhường không gian thoải mái cho khách tự nhiên tán phét. Ông tinh tế hơn phụ nữ nhiều, tôi nghĩ. Chúng tôi ra vườn sau đốt lửa uống rượu chơi đàn hát hò. Có một khắc ông già Dran thò đầu ra vườn, chụp ảnh chúng tôi bên bếp lửa. Sáng sau ngủ dậy tôi thấy ông đang uống cafe bên cửa sổ, trước một cái laptop. Khi chúng tôi đi rồi, ông viết một cái tút rất tình cảm post facebook kèm cái ảnh.

Anh bạn Dran của tôi, ngoài sở thích lái xe, thì còn là một nhà thơ. Tôi nghĩ, anh lớn lên ở một nơi như vậy, một gia đình như vậy, không yêu thơ và không làm thơ sao được. Dran không có vẻ đẹp mĩ lệ, không làm người ta sững sờ, mà nó nên thơ. Có lẽ nó nên thơ vì con người hơn là vì những triền cỏ hay đồi thông. Chẳng thế mà anh Trịnh Công Sơn năm xưa lang thang ở Dran mà viết vài bức thư sến súa nồng nàn cho em Dao Ánh nào đó, khiến đến giờ biết bao nhiêu Dao Ánh trên facebook vẫn hàng ngày nức nở.

Rồi chúng tôi rời Dran, trôi xuống biển, ăn nhậu một đêm, rồi về Sài Gòn, rồi giải tán.

***

Người ta nói rượu ngon phải có bạn hiền. Với chúng tôi thì đường đi mà hay ho là phải có bạn hợp cạ. Anh bạn Dran thường đọc thơ cho chúng tôi nghe trên đường, anh thuộc rất nhiều thơ. Chuyến đi năm ngoái trên Hà Giang anh khiến tôi ngấm thơ Quang Dũng. Năm nay trên đường cao nguyên Lâm Đồng anh khiến chúng tôi ấn tượng với thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi thường chỉ nói chuyện ba lăng nhăng không có chủ đề. Hai thằng còn lại thường cãi nhau về rất nhiều chủ đề. Chủ đề nào mặc dầu, thì tóm lại càng đi càng thấy đất nước mình đẹp, phá mãi chưa hết. Tiếng Việt hay và thơ của nó quá hay, càng đọc càng cảm động.

Thôi nhé ngàn năm em đi qua
Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
Trời sinh ra để chiều hôm đó
Tôi thấy mây rừng bay rất xa

(thơ Nguyễn Đức Sơn)

Written by Tequila

June 16, 2020 at 12:57 am

Đường xưa

with one comment

Đêm nay nghe không còn hay bằng đêm qua, nhưng mà vẫn cứ nghe mãi bài hát này. Bản Đường xưa quen thuộc, do một ca sỹ khá lạ đối với tôi, Phạm Hoài Nam, trình bày. Bản phối quá hay, giản dị với tiếng guitar và violin chơi điệu valse chân phương.

Tôi rất thích bài này. Mặc dù từ lâu đã phát hiện ra câu đầu của nó giống y chang những nốt đầu của bản concerto cho piano cung La thứ của Schumann. Nhưng không sao, hay là được, cứ nghĩ rằng nhạc sỹ Quốc Dũng vô thức mà lặp lại câu đó, hoặc cũng có thể là trùng hợp tình cờ. Hay là được. Mà bản của Phạm Hoài Nam hát rất hay, dù đôi chỗ hơi điệu đà một chút.

https://www.youtube.com/watch?v=RaniebYaRUo

Bước trên đường về anh thương nhớ em âm thầm

Nhớ bao hẹn thề xưa êm ấm

Những trưa hè tình dâng lên đắm say vô bờ

Em nói bằng tiếng thơ mong chờ

***

Lời bài hát sến sẩm như vậy, mà hay ghê. Tiếng Việt có những bài hát những bài thơ thật hay. Những bài hát như vậy, trong một buổi chiều thật là trong trẻo, hay trong những đêm thật sâu, ta những muốn được trở về thời trai trẻ, rất trai trẻ, khi mà còn chưa có tình yêu nào. Thời mà chỉ có anh là thật thôi, còn lại là những thương nhớ những đắm say tưởng tượng. Tình yêu là khái niệm, em là khái niệm, là những Acxinhia, Meggi, Ligia, Laura, Phương… trong tiểu thuyết và trong bài hát.

Vào cái thời xa xôi ấy, cái thời mà chưa biết thức khuya vì sáng sớm 5h dậy đi đá bóng, nhưng buổi tối lại rất dài, tôi thường lạch cạch sửa cái máy nghe nhạc tồi tệ của mình, nghe chút nhạc trước khi nó lại tè le, rồi lôi đàn ra đánh. Cửa sổ mở rộng nhìn ra sân vận động, nhất là những ngày hè, đường phố còn chưa đông và còi xe còn chưa ồn ã, có khi cả tiếng đồng hồ chỉ xoay tua vài hợp quen thuộc với những cách gảy khác nhau và đầu thì bay bay trên những con đường chưa đi, những tình yêu chưa yêu.

Tôi nghĩ rằng mình sẽ khoác cây guitar lên vai, nhảy lên xe máy với một cái ba lô nhỏ buộc đằng sau. Tôi sẽ thắt một cái khăn màu đen hoặc màu xanh trên trán, không hiểu sao tôi rất thích chít khăn trên đầu để cho cái dải khăn thả ra sau lưng, bay theo gió. Tôi sẽ mang theo vài cuốn sách, đi đến đâu đấy thật xa, xa đến quên cả đường về, quên những bài học và trường lớp, quên cả mẹ tôi với những câu hỏi chăm sóc của bà mà tôi luôn không thoải mái khi nghe, quên cả ông bố khó tính hơi tí quát tháo, quên cả thằng em giai, quên hết tuổi thơ và thành phố này, để trở thành một người đàn ông mà tôi muốn, một người đàn ông lang bạt không chốn dung thân.

Hoặc tôi sẽ nhảy lên một chuyến tàu và đi đâu đấy xa tít tắp, nào có nghĩ rằng chuyến tàu xa nhất có thể đi chỉ là đi đến Sài Gòn. Hoặc rồi tôi sẽ biết lái xe, tôi sẽ xin đi làm lái xe đường trường, thật lãng mạn biết bao nếu một anh lái xe tải đường dài sẽ luôn có một cây guitar ném trong góc cabin và khi dừng lại nghỉ đêm ở một nơi xa tít anh ta sẽ lấy đàn ra và hát.

Portable-Guitar-Amps-650x450

***

Một vài năm sau, tôi buộc mái tóc dài quá gáy của mình bằng một chiếc khăn dạ đen, buộc thắt nút sau gáy để hai dải khăn trôi ra đằng sau, mặc một cái áo dạ đen dài tới gần đầu gối, khoác cây guitar trên vai, bước qua những con phố và những công viên đêm khuya trời tuyết. Nhưng tôi chỉ có thể giữ sự lãng mạn của mình với sức nặng của cây đàn trên vai, còn đôi mắt tôi phải căng ra, nhìn xuyên màn đêm nhờ nhờ trắng trắng, bởi nguy hiểm sẽ hiện ra ở bất cứ góc phố nào. Rồi tôi chui vào gian cafe internet nhỏ hẹp trong một chung cư bẩn thỉu, pha những cốc cafe cho các chị điếm. Có một số chị mà theo con mắt tôi thì chẳng điếm tí nào, nhưng tôi ở còn ở một đẳng cấp còn thấp hơn các chị nữa, và không gian ấy thì chẳng phải để rút đàn ra đánh.

Một vài năm sau, tôi nhảy lên một chuyến tàu để vào nam, nhưng lại không có đàn để mang theo. Chặng trở về, tôi ngồi bó gối trên ghế gỗ cứng của một toa xe vắng vẻ, vạ vật nghĩ về những con đường cuộc đời. Ở một ga xép, một đám sinh viên nhảy lên, cả trai cả gái, chúng hát hỏng với nhau. Tôi ngồi lù rù như một thằng bụi đời, có một em cám cảnh biếu tôi một quả cam. Tôi lạnh nhạt cảm ơn gọn lỏn, rồi bóc quả cam ăn, rồi chúng nó cũng thôi hát, tôi co ro nằm như một con sói đói nghĩa đen.

Một vài năm sau, một vài năm sau… tôi thường bỏ cây guitar vào cốp xe, và chở vợ con phóng trên những con đường núi. Rồi ở nhà trên núi, tôi đốt một đống lửa, uống rượu, và gảy đàn khe khẽ. Thường là tôi đã quá say vì uống rượu với các bạn H’mong và chẳng đánh được cái gì cả, chỉ linh tinh lan man. Gảy đàn được vài câu lại dừng, đá chân đẩy củi và thổi lửa, rồi uống rượu cho đến khi đêm mờ đi trong mắt mình rồi dặt dẹo lò mò chui vào ngủ.

Có một lần tôi đã thực hiện được cái mong muốn năm xưa. Tôi một mình khoác guitar trên vai, nhảy lên con ngựa già của mình, chạy khắp núi. Nhưng đàn chủ yếu ở trên lưng làm chỗ dựa cho chặng đường dài chạy xe, không có nó để dựa lưng, chắc tôi không thể chạy nổi từng đấy đường đất. Cũng có lúc tôi dừng xe nơi hoang vắng, chui xuống bờ suối nơi xung quanh hoang vắng, tôi có hát đôi bài và uống whisky. Nhưng lòng tôi nặng trĩu, chẳng thấy gì là lãng mạn, chẳng thấy gì là mơ mộng như hồi bé từng tưởng tượng. Chuyến đó, không kể những lúc rút đàn ra khỏi bao và gảy linh tinh rồi đi ngủ, thì chỉ có một lần tôi thật sự chơi đàn. Đó là đêm trên hồ Ba Bể. Tôi uống rượu nửa chừng say, xách đàn ra thềm nhà. Nhà đẹp, có 5 khách. Một là tôi, một đôi người Việt thích nói tiếng Anh với nhau, và một đôi người Pháp thích nói tiếng Việt học được từ nào nói từ đó. Phòng của tôi ở giữa hai phòng của hai đôi kia. Tôi xách chai rượu của mình ra mái hiên, nó có một cái chòi nhỏ ở cuối hiên nhà. Tôi tu những ngụm rượu to, chơi tất cả những thứ linh tinh lang tang mà hồi nhỏ hay chơi. Tiếng đàn lan ra mặt hồ và tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi chơi đàn được một phần ba chai rượu, thì đứng lên về ngủ. Có tiếng vỗ tay ở sau lưng, đôi già người Pháp uống vang trước cửa phòng họ từ bao giờ, tôi chào cảm ơn họ. Phòng của đôi người Việt kia đóng kín cửa, tôi nghĩ rằng mình sẽ rất hân hạnh nếu họ đã làm tình với nhau trong tiếng đàn của tôi vẳng lên từ phía mặt hồ.

Vợ tôi chẳng ý kiến gì, khi đi đâu tôi cũng nhét vào vali vài cuốn sách, và xách theo cây đàn, dù không mấy khi mở sách ra đọc mà nhiều chuyến còn không rút đàn ra khỏi vỏ. Cô hiểu hành lý đấy của tôi không phải để tôi đọc nó hay chơi nó, mà chỉ là nếu thiếu chúng thì tôi thấy hành lý của mình không đủ cho một chuyến đi.

Rồi bây giờ tôi và mấy bạn gặp nhau mỗi cuối tuần để chơi nhạc, niềm vui của tôi là xách cây đàn ra khỏi nhà, gọi một cái taxi và đến nhà bạn. Chúng tôi chơi một thứ nhạc đáng chê cười khi nhỡ có ai nghe nó, nhưng chúng tôi yêu quý từng nốt nhạc của mình, như yêu những con đường chúng tôi đã đi, đi đúng hoặc lạc đường. Chúng tôi thường tự chế giễu bản thân, chê cười chính mình. Nhưng có điều gì ấm áp khi những thằng đàn ông vẫn trẻ trâu dù mặt già queo, không rành nhạc lý và chơi đàn kém đến vậy, vẫn cố gắng tìm kiếm những nét đẹp mà đôi khi nó hiện ra rạng rỡ trước khi tan biến không sao xâu chuỗi được. Chúng tôi hiểu vẻ đẹp của âm nhạc, chúng tôi muốn viết nó ra, chơi nó, dù nó chỉ là một hạt sương long lanh bỗng hiện ra rồi khô đi mất.

Như cách chúng tôi hiểu rõ thế nào là sự tử tế, thế nào là tình yêu, thế nào một người đàn ông mà người ta gọi là đàn ông, thế nào là một cuộc đời. Nhưng chúng tôi chỉ là chúng tôi. Đường đi trăm lối, bụi rậm mưa sa, bùn lầy đá hộc, những yếu đuối và gian trá, những bằng phẳng thênh thang mà trơn trượt… Chúng tôi hiểu rằng một người đàn ông chẳng có một cái đích nào để đi đến, những cái đích đều là ảo vọng. Người đàn ông mà chúng tôi yêu quý, sẽ là một kiểu người ngáo ngơ, một người mà mình thích đánh bạn. Một người mà khi ca nô cua một vòng lớn trên sông, sóng dập ầm ầm tung tóe, ngã ngồi xuống cano, vẫn kịp nhìn thấy một con chim xanh đang chao bên cạnh. Ây, con chim đẹp đéo chịu được kìa! Ờ đẹp vãi, để em chụp ảnh nó phát! Rầm, uỳnh! Đéo chụp được anh ơi, nhanh quá không kịp. Thế thôi kệ mẹ nó.

Rồi ta sẽ bước chới với khi người khuất xa chân trời

Sẽ hấp hối trong đêm mù khơi

Sẽ thấy bóng tối trong từng nỗi đau xanh ngời

Xa vắng rồi những khi bên người

Đường xưa.

***

Với những đêm như đêm nay, chỉ nghe duy nhất một bài hát sến sẩm, tôi những muốn được quên sạch đi ngày mai. Tôi những muốn uống sạch cái chai whisky trước mặt (mà nãy giờ tôi chỉ nhấp một ngụm vì mai còn đi làm) để chìm vào một trận say thật đã đời. Đã quá lâu rồi tôi không say một trận đã đời. Một trận say đã đời phải là một trận say một mình, uống hết mức và gục xuống trong mộng ảo.

Mộng ảo đó không có đàn bà, không có tiền bạc, không có thành công hay thất bại. Một trận say đầy mộng ảo sẽ vẫn là một chiếc khăn xanh chít trên đầu, một cây guitar sau lưng, vài cuốn sách nhét trong ba lô, và nhảy lên xe máy đi mãi đi mãi không nhìn bản đồ, quên hết đường về và gục ngã bên một vệ đường bụi bặm hay tuyết giá, như một nhà thơ lang thang.

Đàn ông nào cũng làm thơ và đàn bà nào cũng yêu nhà thơ. Rồi chúng để mất chất thơ trong mắt mình, rồi chúng yêu nhau và yêu bản thân mình theo cách mà Bà chúa Tuyết đã vảy những mảnh thủy tinh vào mắt chúng.

Written by Tequila

July 18, 2018 at 3:34 am

Miền Tây tháng 7/2018

with one comment

Tối chẳng thèm xem trận tranh 3 – 4 Worldcup, ngủ sớm, thành ra 3h đêm tỉnh dậy. Tính ngồi cày GTP, check xem làm sao mà cái bài hát sến súa của mình lại được bạn Hiệp đổi thành ra một cái màu trầm ấm nam tính hơn hẳn như vậy. Nhưng mà GTP là thứ rất hút thời gian, vèo cái sẽ đến sáng, mà trời đang đêm mưa, một thời gian thích hợp để viết hơn.

***

36975886_10210133937905521_7723779979208556544_n

Bạc Liêu 5/7/2018

Chuyến này, nguyên thành phần chuyến Hà Giang – những thứ đẹp xinh nho nhỏ – hẹn nhau đi miền Tây. Không dễ tí nào, nhưng cũng thu xếp được thời gian với nhau. Sài Gòn nháo nhào ở sân bay buổi tối và buổi sáng hôm sau, ngày giữa tuần đông đặc người trên đường. Tôi chỉ bắt đầu cảm thấy chuyến đi, khi xe trôi dần ra khỏi thành phố, vào cao tốc Trung Lương (một thứ cao tốc hạng bét so với các cao tốc hạng ruồi ở miền bắc), và đặc biệt là khi xơi xong một bữa trưa tuyệt vời cực kỳ tuyệt vời ở một quán bình dân đâu đó bên kia cầu Mỹ Thuận, món canh cá và cá kho thật hết xảy.

Chẳng có gì thú vị (ngay cả với bản thân tôi) nếu giờ ngồi liệt kê xem chuyến đi này mình đã đi qua những điểm nào, dù thằng bạn cũng đã chịu khó vẽ lại hẳn một cái bản đồ để anh em cùng ghi nhớ. Cái bản đồ ấy có ý nghĩa là chuyến này mình đã đi một vệt như vậy, là một cái vệt để ghi nhớ cho lần sau còn đi tiếp. Nếu như vùng tây bắc và đông bắc, mà tôi đã cày nát với rất nhiều chuyến đi, có thể dùng rất nhiều tính từ để tả. Nào là hùng vĩ, hoang sơ, cua tay áo, những góc núi âm u những cao nguyên nhỏ thôi nhưng cá tính… Ở miền tây, thì chỉ thấy mênh mang. Mênh mang, là từ duy nhất cần dùng và từ đó nói lên tất cả. Mênh mang đồng ruộng, mênh mang sông nước, mênh mang con người, mênh mang lịch sử và văn hóa.

Tôi không được ngồi sau tay lái cả hành trình. Ông bạn thuê một con xe số tự động để hắn cũng có thể lái được, có thể thấy hắn cũng là một thằng thích lái xe, như tôi. Bạn đồng hành của tôi có ba thằng, một ông bạn (tức bạn mà hơn tuổi), một thằng bạn cứt (thì tức là bạn thôi) và một chú em (là một thằng bạn mà ít tuổi). Chúng tôi vừa chạy xe vừa nói nhảm, về đủ mọi thứ quan trọng của cuộc đời này, trừ những thứ nghiêm túc. Miền tây êm đềm trôi trôi trước mũi xe.

Phong cảnh của miền Tây là một mặt phẳng trải tít tắp đường chân trời, sông, cánh đồng, cây, và lại sông. Những chuyển biến từ tỉnh này tới tỉnh khác, là không quá nhiều. Không như ở miền bắc, đang đồng bằng bụp phát thấy à trung du rồi, à núi cao đây rồi… Miền tây tất cả là mặt phẳng. Tuy nhiên những chuyển biến nho nhỏ luôn có trên từng km và rất chi tiết. Nơi này có nhiều lau lách, đi một đoạn nữa thấy ngợp vì sao màu xanh lá non nó rực rỡ đến thế, đi một đoạn nữa thấy nao lòng vì màu đỏ của những cây phượng vĩ đang trổ hoa bỗng hiện ra ở bên đường, đi đoạn nữa lại thấy sông hiện ra giống y chang các con sông khác mà lại có vẻ gì khác khác.

Con người cũng vậy, con người ở từng vùng của miền Tây là giống nhau. Ở đâu cũng là những anh miền tây và những chị miền tây, có người thư thả có người vất vả, nhưng  không có cái vẻ lam lũ vật lộn với những nỗi ước ao. Từ Cần Thơ trôi dần xuống Cà Mau, cảm giác như càng đi xa thì sự lo toan nhạt dần và cái vẻ hồn hậu đậm dần lên. Đến tới tận đất mũi, thì dường như họ đã sống nghìn năm như vậy và sẽ sống nghìn năm nữa như vậy, chỉ khác là hồi xưa thì họ chèo xuồng ba lá còn giờ thì chạy ca nô pằng pằng. Từ Năm Căn, chúng tôi được một ông lái ca nô chở đi Đất Mũi, ông tay phi cái cano ầm ầm nhảy tưng tưng qua những con nước lớn trên sông, thật ghê răng với cách lái cano của ông ta. Rồi ông đưa chúng tôi vào một quán nhậu để ăn trưa, nơi mà chúng tôi đã được ăn những con bề bề to chưa từng thấy và xơi món đặc sản cá thòi lòi, và một con cá quái dị gì nữa mà không nhớ tên. Quán nhậu nhìn thẳng ra một cánh đồng nước bao la, toàn đước là đước. Nhưng ở đây được được trồng thành một rặng dài, như một hàng cây giữa đại lộ. Tôi gọi nó là Đại lộ của những ước mơ tan vỡ – một cái tên bài hát bất giác nghĩ đến – The boulevard of broken dreams

0707181350

The boulevard of broken dreams

***

Nhưng cái mênh mang của phong cảnh miền Tây, của con người miền Tây, không phải là sự êm đềm mặc định mà ngược lại, chứa đựng trong nó những cơn sóng ngầm. Cũng phải thôi, từ đầu cực bắc cho tới mũi cực nam của cái đất nước vừa già cỗi vừa non trẻ này, có chỗ nào là không cuộn chảy những con nước của lịch sử. Miền Tây là nơi nuôi dưỡng những đội quân tụ rồi lại tan rồi lại tụ của Nguyễn Ánh trong suốt bốn mươi năm chinh chiến. Máu của miền Tây tan vào nước trong suốt bốn mươi năm chiến tranh của thế kỷ trước. Rồi tiếp theo là gạo của miền tây đã nuôi sống biết bao nhiêu người trong thời gian khó khăn cả nước không có gì để ăn. Đến bây giờ, tiếp tục là cá tôm của miền tây.

“Một vùng đất có những câu chuyện đẹp dữ dội mà không ai kể” – thằng bạn tôi bình luận. Chắc chắn người ta đã kể nhiều, nhưng ít ai nghe. Trước khi đến đây, miền tây với tôi là một cái gì đó rất mờ nhạt (dù hơn mười năm trước cũng đã đi một chuyến nhưng là kiểu đi tour). Ngay như ông bạn tôi, người sống và làm việc ở Sài Gòn, thì miền tây cũng chỉ hiện ra rõ nét với hắn nhờ chuyến đi này.

Chúng tôi được một người kể chuyện rất hay, kể cho nghe câu chuyện về Huỳnh Phú Sổ – giáo chủ phật giáo Hòa Hảo. Người mà năm 18 tuổi xuống núi lập đạo, 20 tuổi có cả triệu tín đồ, 27 tuổi chết một cách bí ẩn nhưng đến giờ sau 70 năm vẫn còn được nhiều giáo dân chờ đợi giáo chủ của họ trở về. Lịch sử có những cái nhìn khác nhau, nhưng nhìn theo góc nào thì câu chuyện về Huỳnh Phú Sổ và phật giáo Hòa Hảo vẫn là câu chuyện về niềm tin, nỗi đau, hòa bình và chiến tranh. Một chuyện thường gặp, ở bất kỳ đâu. Dù có thường gặp thì có câu chuyện nào giống câu chuyện nào, có số phận nào giống số phận nào đâu.

Đi tới bất kỳ đâu, việc cần làm không phải là chụp ảnh check in, việc cần làm là tìm được một người kể chuyện. Người ta có thể lên google và tìm hiểu về bất cứ một chuyện gì. Nhưng khi được nghe một người kể chuyện, thì câu chuyện mà anh ấy kể, sẽ được ghi trên mặt sông, mặt người mà ta nhìn thấy, ghi được vào trong tâm hồn mình, làm cho mình lớn lên hoặc làm mình nhỏ bé đi.

***

Người Kể chuyện còn hứa với chúng tôi về những câu chuyện khác, khi nào chúng tôi có dịp quay lại miền đất này. Anh ta sẽ đưa chúng tôi đi Châu Đốc, Hà Tiên, tới những miền biên viễn đầy ắp những câu chuyện khác của quá khứ và hiện tại.

Chuyến đi rất ngắn nhưng ấn tượng. Ấn tượng lớn nhất không phải những gì đã nhìn thấy hay đã được nghe, mà ấn tượng bởi sự dày dặn đầy ắp của những điều chưa nghe chưa thấy. Thời gian không cho phép chúng tôi kéo dài thêm điểm dừng chân. Chúng tôi lướt qua thành phố Sa Đéc một cách đầy tiếc nuối vì không thể lưu lại. Một thành phố xinh đẹp, toàn là hoa, xin gửi lời chào những thành phố làng mạc và những con sông còn chưa kịp làm quen.

Xin gửi lời hẹn hò với những con đường và những vùng đất khác. Đất nước mình, càng đi càng thấy đẹp. Tạm thời bỏ qua không chê bai những bàn tay xôi thịt lúc nào cũng tìm cách bôi trát làm nó xấu đi, bọn không có mắt và không có tai.

Written by Tequila

July 15, 2018 at 5:43 am