Teq's Blog

Archive for May 2015

Impromptu

with 3 comments

Gần đây tôi hầu như không thể nghe được pop rock country gì nữa, chỉ toàn nghe cổ điển, hết sức bệnh hoạn. Khuya rồi mà vẫn đang nghe, muốn viết về nó mà thực sự khó, vì nhạc cổ điển quả là thứ khó miêu tả và khó chia sẻ. Do đang nghe Impromptu số 2 của Schubert nên tương đại cái tiêu đề như thế.

***

Vào năm 2007, trên diễn đàn Thanhnienxame.net, Gaup post một cái rất thú vị, là bản dịch của anh, dịch một bài báo trên báo Bưu điện Washington. Bài báo kể về một cuộc thí nghiệm, cho một nghệ sỹ violin đình đám là Joshua Bell, trên tay là cây vĩ cầm huyền thoại của Stradivari, đứng chơi những bản nhạc thần thánh ở ga tầu điện ngầm, xem có thằng nào đi qua mà nhận ra được sự thần thánh ấy không. Link đây: Vẻ đẹp cơ thể phụ nữ

Đầu topic này, trước khi post bản dịch, anh Gaup viết một đoạn mà tôi cứ nhớ:

Cách đây mấy tháng em có nhảy dù vào blog của Cavenui phát biểu chê trách bọn Việt Nam nhà mình đa phần "mê" nhạc cổ điển là mê theo kiểu bầy đàn, thấy người ta mê mình cũng mê, thấy mê nhạc cổ điển là hoành tráng thì cũng mê theo. Em cũng nói thẳng là em chỉ thích thú say mê cái gì mà em hiểu và đa số nhạc cổ điển dạng nặng ký là em chẳng hiểu mẹ gì. Em chỉ thích những thứ giai điệu mượt mà dễ hiểu như đa số người khác. Bài báo này giúp em khẳng định lại những gì em đã phát biểu trước đây, rằng là đa số người ta bố láo ba xiên về những thứ như nhạc cổ điển, tranh trừu tượng lập thể, lý thuyết tương đối của Anh Tanh, vv và vv chứ thực ra người ta chả hiểu con mẹ gì cả kể cả khi những thứ tốt lành đấy được dí vào tận sát mũi. Người ta tuyên bố say mê thích là bởi vì hoàn cảnh, chạy theo những gì đã được người ta bày sẵn ra đấy bảo là ngon đấy ăn đi chứ không phải người ta có đều có cái mũi thính cảm nhận ngay được cái gì là hay là tốt để tự thân thích thú. Và vì thế trên đường đời người ta rất lắm khi bỏ lỡ không nhận ra nhiều thứ tuyệt vời mà nếu được trưng bày hoàn hảo xứng đáng người ta sẽ chết mê chết mệt.

Hồi đó, khi đọc bài báo tuyệt vời này (cám ơn Gaup) tôi cũng khá nghi hoặc. Giá kể mình là một trong những thằng đi qua Joshua Bell và cây vĩ cầm Stradivari huyền thoại ấy, tôi có dừng lại để nghe không. Chắc là không. Hoặc có thể là có, nếu đang rảnh đi dạo chơi không vướng gì.

Hồi 2002 – 2003, tôi thường dạo các bến metro ở Moscow. Ở dưới đó, người ta thường chơi nhạc xin tiền, và nhiều người kéo violin. Cây đàn nhỏ bé ấy kêu rất là to, vang vọng cả hành lang metro mà chẳng cần loa kích âm. Nhớ nhất có lần, từ metro đi lên bến gần quảng trường Đỏ, tôi thấy bốn thằng chơi đàn dây, ba cái violin và một cái cello. Bốn thằng đều mặc complet như thể đang ở trong nhà hát, rất phê, tôi định đến nghe nhưng bất thành. Đi trước tôi ba bốn bước là một thằng công chức, cũng mặc vét. Đúng lúc đi ngang qua bọn chơi nhạc, thằng đấy giật giật như nhảy rap rồi lăn đùng ra đất sùi bọt mép. Thế là cả người đi đường cả bọn chơi nhạc cùng chạy tới giúp thằng động kinh ấy, hết cả nhạc. Nhưng hồi ấy tôi vẫn chưa nghe nhạc cổ điển.

Đúng ra là có nghe một số, một ít Chopin, một vài chương của mấy bản sonata đình đám, chẳng quan tâm ai chơi vì nghĩ rằng ai chơi cũng ra bản nhạc như thế cả. Hồi đó cũng phải cố gắng lắm mới nghe được hết một chương đầu hoành tráng của Beethoven Symphony 5, và có một ngày quyết tâm ngồi nghe từ đầu đến cuối bản Beethoven Symphony 9 mà muốn gần phát điên do sốt ruột. Hay thì hay đấy nhưng bố ai mà ngồi nghe lâu như thế được, lại trở về với rock và country, dễ nghe dễ phê.

Thế cho nên hồi 2007 đọc bài báo này do Gaup dịch, tôi nghĩ mình chẳng biết có nhận ra mà dừng lại nghe Joshua hay không. Và mãi đến năm ngoái, đến Nhà hát lớn Hà Nội nghe một chương trình giao hưởng, tôi đã phải lên youtube nghe trước mấy lần bản giao hưởng ấy trước khi đến nghe, vì sợ không quen sẽ không cảm được, sẽ buồn ngủ. Thậm chí sẽ giật mình vỗ tay khi người ta mới chơi hết một chương.

***

Bây giờ chắc chắn tôi sẽ dừng lại để nghe. Có một cái gì đã thay đổi. Một thay đổi khiến tôi cảm thấy mình hạnh phúc lên nhiều.

Written by Tequila

May 29, 2015 at 2:18 am

Linh tinh 26/5/2015

leave a comment »

Cái hồi mà tôi còn rất bé, tầm hơn thằng con tôi bây giờ một tí, 7h là chương trình Bông hoa nhỏ, sau đó là Thời sự, rồi Phim truyện, rồi hết chương trình, đi ngủ. Người lớn chỉ bàn những gì trên Thời sự và trên Phim truyện. Số lượng đề tài thật giới hạn. Cái thời ấy thật chật chội làm sao.

Bây giờ, số lượng đề tài là vô giới hạn, thời đại thông tin mà. Mấy tuần trước là cây, hôm nay là Bphone, vài bữa nữa lại có chuyện khác. Sự giới hạn cực ít ỏi những đối tượng quan tâm của mọi người, ở giữa cái thời đại thông tin này, còn đem lại cảm giác chật chội ngột ngạt hơn rất nhiều. Công cụ thông tin kết nối không giới hạn như facebook tóm lại là kéo được nhiều người vào chung một cái hố hơn TV năm xưa. Và mọi người thỏa mãn vì biết thật nhiều điều trên thế giới, đơn giản vì trong hố của mình rất đông người.

Thôi không lý luận nữa kẻo lại tỏ ra nguy hiểm.

***

Chư bảo, Hà Nội đông người quá và nóng quá, anh không chịu nổi. Tôi bảo, ở đây làm sao mà dễ chịu bằng trên bản. Chư bảo, đúng rồi đấy.

***

Mấy tuần trước, từ Magnitagorsk lạnh giá trở về, tôi cùng vợ con lên bản chơi mấy ngày dịp 30/4. Sapa đã thật tệ hại, như dự đoán, mà nó sẽ còn tệ hại dần với gia tốc ngày càng lớn. Thật may trong bản vẫn còn vắng vẻ. Chỉ có cái khác là khi ngồi thềm nhà mình, ngó lên đỉnh Fans, thì tôi thấy công trường cáp treo. Đêm ngồi đốt lửa một mình đọc sách, uống rượu, nửa đêm mò ra khỏi nhà ngửa cổ ngắm trăng, ngứa tay quá bèn lấy điện thoại ra viết status facebook. Giờ paste lại vào đây.

Vợ con đã ngủ cả, tôi ra ngoài vớt nốt lon bia ngâm trong thùng nước. Mấy hôm nay đêm nào cũng sáng trăng. Trăng trải một lớp mờ mờ bạc xuống khắp thung lũng.

Đêm qua cũng vào tầm này, à muộn hơn, khi đó trăng đã ngả gần về phía Fansipan, tôi đứng ngẩng đầu có đến nửa giờ để chờ mặt trăng bơi qua một quầng mây lớn. Trăng soi sáng bừng những đụn mây trắng, xen giữa mây trắng là những khoảng đen mà chỉ khi trăng bơi tới khoảng đen đó, ta mới biết đó là bầu trời hay là mây đen. Nếu là mây đen thì trăng sẽ lặn vào chìm khuất còn nếu là bầu trời thì trăng sẽ hiện ra vằng vặc như thể ném một viên đá là tới.

Ở phía Fansipan, tầm ngang núi Mặt Quỷ, có một quầng sáng lớn chiếu đỏ ối lên mây trời. Đó là công trường cáp treo, đêm từ đây nhìn lên nó cứ như là một toà thành trên núi. Những đụn mây đùn lên lừng lững từ toà thành đó, tràn lên bầu trời, trôi ngược về phía mặt trăng đang bơi. Mặt trăng vì thế không hiểu sao lại bớt đi vẻ đơn độc.

Hôm nay lúc mặt trời khuất bóng, tôi đang đứng ngắm núi bỗng nghe thấy bùm một cái. Rồi đến đêm không thấy toà thành đỏ lửa đấy đâu. Trên bầu trời hôm nay chỉ có trăng. Chắc trạm điện của họ bị chập hỏng. Nhìn khoảng đen thui của cái chỗ đáng lẽ là toà thành lửa ấy, tôi bỗng nhiên không còn ghét công trình cáp treo.

Thôi thì ko có cáp treo thì Fansipan cũng đã quá xô bồ. Anh Chư bảo đêm hôm kia trên 2800 ko có đủ chỗ mà dựng lều, hai thằng con anh đi làm porter, phải bó gối dựa gốc cây cả đêm.

Thằng Xu nói, em không hiểu sao họ làm cáp treo. Đi cáp thì làm sao thấy cây nào đẹp, góc nào hay mà chụp ảnh. Tôi bảo, đừng buồn, khi nào họ làm xong cáp treo, anh em sẽ đi cáp lên Fans. Rồi từ đó, chú lại dẫn anh đi tiếp đến những đỉnh núi xa kia, tôi chỉ tay lên những đỉnh núi không cao nhất nhưng rất hiểm trở. Những ngọn núi ấy em chưa đi bao giờ, Xu nói.

Khi nào đó chúng ta sẽ đi.

Năm rồi kinh tế khó khăn, tôi chẳng còn gì trong tay. Miền xuôi đói mốc mồm cho nên miền ngược chả có tiến triển gì. Nếp nhà vẫn nguyên si như thế, có khác chăng là bạt ở hai đầu nhà đã bay hết, rào dậu bị dê lợn dọn sạch. Gạch ngói xi măng tản mát, chỉ còn lại hai cuộn sắt trong nhà. Tôi chẳng làm được gì thêm cho ngôi nhà của mình cũng như các dự định dành cho những người anh em của mình.

Tôi lên nhà, bà già mẹ Chư nắm tay tôi khóc, nói gì đó, tôi nhờ trẻ phiên dịch, trẻ nói “bà bảo Chứ chết rồi, Chư “câm” chết rồi”. Tôi chả biết làm gì ngoài nắm chặt tay bà cụ. Chứ thầy cúng đã chết, vừa rồi là Chư “câm” cũng chết, hai người anh của anh Chư đều chết cả rồi. Trong năm qua. Hai bụi tre trên mảnh đất nhà tôi, là sở hữu của Chư “câm”, nay Chư “câm” chẳng còn mà giữ chúng, dù cũng chẳng ai chặt chúng đi làm gì. Tôi ngồi uống cốc café hòa tan, hút thuốc,nhìn thung lũng và con đường đất quanh co, gió thổi lồng lộng xào xạc những đọt lá tre và kẽo kẹt những thân tre của Chư “câm”, bất giác thở dài.

Năm ngoái, khi đi cùng hai người bạn của vợ lên đây, là anh Aikido và anh Khí công, các anh đều rất hứng thú. Sau đó, anh Khí công thu xếp hội bạn bè của anh, cấp gạo đều tháng tháng cho trường học đầu bản để trẻ con có gạo ăn trưa đặng đi học đều hơn. Anh Aikido thì nói, các em có ý tốt là muốn giúp đỡ người ta, nhưng thật ra họ đã sống như thế từ ngàn đời và chính họ đang giúp đỡ các em. Bây giờ ngẫm lại thấy đúng. Trong khi tôi chưa làm được gì cho họ cả, thì họ đã cho tôi một nếp nhà, một tư cách người chú trong họ tộc, một bán kính mấy km đường chim bay mà tôi có thể coi như đường nhà mình, gió thổi là gió của mình và ngọn núi kia là ngọn núi của mình, các con tôi xuống suối chơi với trẻ em như thể suối là của chúng.

Bây giờ khi chúng tôi lên bản, trẻ em vẫn kéo đến đầy nhà, nhưng người lớn không sốt sắng đến để uống rượu nữa. Đàn ông vẫn uống rượu ở nhà nhau, gọi tôi sang, tôi sang thì sang không sang thì thôi chẳng ai nài. Vợ tôi làm cơm ở nhà tôi, tôi đi mời mọi người, ai sang được thì sang không sang được thì thôi. Tôi đã không còn là khách, mà đã là một người đàn ông trong bản, một người anh em.

Lâu tôi không lên do bận việc, các anh gọi điện cho tôi nhắc, không phải như những năm trước là “sao lâu không lên chơi”, mà giờ là “anh em đang uống rượu, sao lâu em không lên nhà”. Thay một chữ.

***

Một hình ảnh chẳng liên quan gì nhưng làm tôi nghĩ thật nhiều.

Thằng Sình, con trai anh Chứ thầy cúng (anh trai Chư, người mất năm ngoái) chả làm lụng gì cả ngoài đi săn chim rừng nhốt vào lồng và đem ra công viên Sapa bán cho người xuôi. Tôi xem nó lùa con chim từ bẫy sang lồng. Thoạt tiên nó để cái lồng bẫy và lồng cảnh sát cạnh nhau, kéo cửa để thông nhau, rồi búng búng để con chim hoảng sợ bay sang lồng cảnh. Con chim sợ, nhưng nó chỉ nhìn thấy bầu trời và chỉ vùng bay lên mà không bay ngang, cánh và mỏ rớm máu.

Thằng Sình ngửa cái lồng bẫy lên, để cánh cửa lên trời, rồi úp cái lồng cảnh xuống. Con chim thấy trên đầu nó có khoảng không liền bay lên, bay thoát khỏi lồng bẫy để rồi chui vào lồng cảnh.

***

Khi tôi ở trên bản, anh em trong gia đình đều lần lượt lên Lào Cai để thăm thằng Mao bị ốm, đi viện Sapa chữa không được người ta chuyển lên bệnh viện Lào Cai.

Tôi rời bản về nhà được hơn tuần, Chư gọi nói, Mao nó phải xuống Hà Nội, bệnh viện chuyển xuống, em đón nó nhé. Thế là tôi đá bóng uống bia về say lượt khượt, đón Mao và hai anh em nữa, đi ăn phở rồi về nhà tôi ở. Rồi Mao ở trong bệnh viện, anh em đi trông thì ở nhà tôi. Tôi cảm thấy vinh dự khi đưa họ về nhà, và cảm thấy rất oách khi dẫn họ lên nhà, trước khi leo lên tầng ba chỗ tôi thì phải qua chỗ ông bà già tôi để chào, “anh em qua chào bố mẹ tôi trước rồi hẵng lên ngủ”. Họ chào bố mẹ tôi thật đàng hoàng và lịch thiệp và đầy tư cách. Khiến tôi thấy mình cũng vì thế mà đàng hoàng hơn.

Tôi vào viện, gõ cửa phòng trực của khoa, “chào các bác sỹ, cho tôi hỏi tình trạng bệnh nhân Vàng A Mao”. Họ hỏi tôi là thế nào, tôi bảo, là bạn và cũng là anh em, thế là bác sỹ chẳng hỏi thêm gì. Đưa Mao đi xét nghiệm, tôi không đủ thời gian để chờ đợi, chỉ nói với anh em H’mong rằng, ở đây đông người quá phải xếp hàng, cứ xếp thôi đừng chen lấn sẽ đến lượt mình, bác sỹ rất tốt nhưng đông quá thế này bọn nó nhỡ có cáu gắt thì cũng đừng giận. Anh em H’mong nói, “đông quá nóng quá bác sỹ khổ lắm, mình phải thông cảm”. Tối về nhà ăn cơm, anh em H’mong hôm thì mua quả dưa hôm thì mua ít mận, dù ít dù nhiều nhất định không chịu tay không về nhà, lễ phép với ông bà già và nhỏ nhẹ với con trẻ. Tôi thấy mình cũng đi đây đi đó nhiều nhưng cái cư xử chẳng bằng họ. Cái tự tôn và khiêm cung của họ là cái tự nhiên do núi rừng tạo ra, mà những bon chen phố phường này chẳng thể nào bì kịp.

Được một tuần, hai anh em đầu tiên đi chăm Mao là anh Pho và thằng Sinh trở về núi, anh Chư xuống thay. Tôi đón và dẫn Chư vào bệnh viện, gặp Mao đang ngồi ghế đá, Mao đã khỏe hơn và chắc là bệnh tình không nặng sẽ sớm ra thôi. Ba anh em ngồi nói chuyện, trời đổ mưa, ba thằng lại chạy vào hành lang trú mưa nói chuyện. Nói tiếng Kinh với nhau, mà hai thằng H’mong nhìn nhau tình cảm quá tiếng Kinh không đủ, tôi bèn bảo, thôi nói tiếng H’mong đi, thế là ba thằng lại ngồi cạnh nhau ở bậc thềm trú mưa, tôi nhìn trời mưa, hai thằng kia nói tiếng H’mong với nhau liến thoắng.  Tôi chẳng hiểu gì họ nói cả, nhưng chắc hẳn lanh quanh chuyện ruộng đồng nhà cửa. Nghe giọng điệu là tôi biết lúc nào có thể xen vào. Rồi tôi xen vào, tạnh mưa rồi, về đi ăn thôi.

***

Chuyện linh tinh chẳng có gì. Hôm nay hết giờ làm tôi vào viện thăm Mao rồi đi về, qua cầu vượt sang bên kia đường, xuống thấy có một thanh niên cao lớn dềnh dàng đang đứng tạo dáng cho thằng bạn chụp ảnh, phông nền là đường phố đông người nghìn nghịt xe cộ. Đúng là một chú nhà quê hết sức buồn cười, trông buồn cười đến nỗi nụ cười của chú ta khiến người ta không thể nào không cười một cái thật là sảng khoái. Hà Nội mấy bữa nay nóng quá, cười như thế thật là mát mẻ.

Written by Tequila

May 27, 2015 at 1:07 am

Posted in Linh tinh

Những mảnh ghép

with 3 comments

 

Một số ngày trước, nhân facebook thấy em Thảo Lam viết rằng khi ngoài ba mươi thì cần phải đọc lại Chiến tranh và Hòa bình, tôi bèn kiếm bản e-book chùa và đọc. (“Em Thảo Lam” là anh bạn của tôi và thằng Kỳ, một ông anh mọt sách của chúng tôi. Do không thể tìm ra ở hắn điểm gì để so sánh, vì cái gì hắn cũng hơn cả, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra một điểm hắn dưới cơ mình để có thể coi là bạn bè ngang phân, ấy là hắn không chửi bậy dẻo như chúng tôi.) Thảo Lam nhận định chuẩn, đúng là phải đủ lớn thì mới đọc được Chiến tranh và Hòa bình. Một bộ tiểu thuyết lớn và dài như vậy, nhưng mỗi đoạn đều có thể khiến người ta dừng lại và suy nghĩ, tìm thấy ra những liên kết kéo mình về một thời điểm nào trong quá khứ, mà khi đó mình đã có những xúc cảm, những suy nghĩ hoặc u tối hoặc bồng bột hoặc ngây thơ hoặc giả dối… như được miêu tả một cách nhẹ nhàng tinh tế trong trang sách. Bản e-book đút vào trong cái phần mềm trong tablet của tôi, đếm được gần 2000 trang màn hình, tôi nhẩn nha đọc vào những giờ trưa hoặc tối trước khi đi ngủ, mới được 500 trang.

Mỗi một con người, nếu dễ tính mà nhìn, thật chẳng có gì phức tạp, gồm dăm bảy mảnh ghép, như những mảnh của trò xếp hình Trí Uẩn. Ấy thế mà ghép ra thành hình hài đầy đủ rồi thì muôn hình vạn trạng, chẳng ai giống ai. Bối cảnh xã hội thượng lưu Nga những năm đầu 1800 ấy, quy định ra thành ra bộ những mảnh ghép. Ông già Tolstoi nhặt các mảnh ghép lên, chơi Trí Uẩn, xếp ra thành Bolkolsky, Bezhukov, Rostov, Denisov, Dolokhov, Natasha, Maria, Elen… bày họ ra bàn đứng cạnh những nhân vật lịch sử như Hoàng đế Alexander I, Napoleon Bonaparte, Kutuzov… rồi thả họ xuống dòng sông lịch sử 1805 – 1812, thế là thành tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình.

***

Tối hôm nọ, tôi đến quán bia dự sinh nhật thằng bạn thân Welcome to the Hell, thằng Nguyên lác. Bàn có gần mười thằng, toàn là chơi với nhau biết nhau từ nhỏ hoặc khá nhỏ, muộn nhất cũng là đại học. Chúng tôi sinh cùng năm, lớn lên ở Hà Nội 198x, nhà cửa đều là cơ bản khá giả không đói nghèo, cha mẹ trí thức hoặc viên chức, đều học đại học trong nước, đều đi đây đi đó ít nhiều, đều đang đi làm đi ăn nếu không oách rồi thì cũng vẫn có cái để nhìn vào… chúng tôi đều từ một bộ Trí Uẩn mà ghép ra. Nhưng bộ tiểu thuyết mà chúng tôi là nhân vật thì chẳng có gì đặc biệt. Chúng tôi chỉ đang trôi đi và làm những việc cần làm hoặc không cần phải làm. Bộ tiểu thuyết này, dở thì cũng không hẳn, nhưng không có gì thật hấp dẫn.

Bữa bia khá nhạt vì chúng tôi chẳng có đề tài gì để cãi nhau. Nhắc vài chuyện nhỏ thời thơ bé, đá dăm chủ đề xã hội đang quan tâm. Đề tài hấp dẫn nhất là HIV, lậu, và phương pháp tránh thai không dùng bao cao su, đơn giản vì đề tài này chúng tôi có thể cười khặc khặc khả ố và trêu chọc nhau. Nếu chia cặp ra mà uống tay đôi, chúng tôi có thể nói với nhau sâu sâu và lâu lâu về một đề tài nào đó, có thể là công việc hoặc gia đình. Nhưng trộn cả đống lại, chúng tôi chỉ là những nhân vật mờ nhạt của một tiểu thuyết mờ nhạt. Kể cả việc ở bàn bia này, có tới sáu doanh nghiệp trong đó có hai ông chủ nhà máy lớn. Đã từ lâu, tôi và vài thằng trong bàn này đã thống nhất với nhau, là cái may mắn lớn nhất của anh em mình, là được ở trong một thế hệ vô cùng hiếm hoi của dân tộc Việt Nam, được sinh ra và lớn lên cơ bản là trong hòa bình. Một điểm sáng bốn nghìn năm. Và vì thế cơ bản chúng ta chả có việc gì lớn để làm, chúng ta là kẻ thụ hưởng của phía bên này và đồng minh tiềm năng của phía bên kia, chúng ta chỉ có đi làm đẻ con và nuôi chúng.

Chúng tôi tập hợp lại thì mờ nhạt như vậy, nhưng tách ra thì chúng tôi cũng là một nhân vật nào đó. Ví như đề tài HIV được đưa ra và chiếm tới 30% thời lượng cuộc nhậu, là vì có một thằng chiếm diễn đàn để tuyên bố theo một thuyết âm mưu nào đó rằng HIV là không có thật, chẳng có HIV nào hết, các ông cứ tự nhiên đi. Cả bọn nghe, cười, rồi lại nghe. Thằng ấy chuyển chỗ sang ngồi cạnh tôi, chừng như hy vọng rằng tôi sẽ nghe nó một cách nghiêm túc hơn mấy thằng kia, nhưng tôi cũng không cổ vũ nó lắm. Rồi đổi đề tài khác để cười cái khác. Nhưng có một câu quan trọng mà nó nói, gợi cho tôi nhớ lại rằng mấy năm vừa qua của nó là một tiểu thuyết không được viết ra, “tôi nói về HIV như thế, các ông đừng cười, thuyết ấy cũng có ít nhiều lý lẽ, tôi tìm hiểu sâu hơn các ông nhiều, mấy năm qua tôi đọc rất nhiều về virus và về gen”. Năm ngoái, đứa con gái đầu của nó cuối cùng thì đã qua đời vì một căn bệnh hiếm gặp và bí hiểm liên quan đến gen, mang theo hai năm vật vã trong đau khổ và hy vọng và rồi tuyệt vọng, cùng với rất nhiều tiền bạc. Một tiểu thuyết chẳng ai muốn viết.

***

Trước khi viết entry này, tôi ngồi ở phòng ngoài, đang định xem phim thì thằng con mở cửa vào xin tôi chơi với nó một ván bài trước khi nó đi ngủ. Nó cần phải ngủ ngay vì mai là bế giảng lớp mẫu giáo, ngày mai nó tốt nghiệp mẫu giáo, nhưng vẫn thèm làm một ván bài. Đó là một bộ bài gọi là magic gì đó toàn siêu nhân với các điểm tấn công điểm phòng thủ và các kết hợp tăng sức mạnh mà tôi chịu chả hiểu được. Tôi đánh theo hướng dẫn của nó, cuối cùng tôi thắng.

Trong lúc nó chia bài, xếp quân nào của bố quân nào của con, bố đặt quân vào chỗ này, để con tính xem quân nào mạnh… thì tôi với tay bấm một bản sonata của Beeth nghe cho đỡ sốt ruột, và tò mò quan sát nó. Nó sẽ lớn lên là ai?

Thằng bé này thông minh, nhớ được và có cảm hứng thực sự với những thứ kết hợp phức tạp như lũ siêu nhân hệ lửa hệ cây lằng nhằng này. Nó có vẻ có trí thông minh về toán học và dễ dàng với các con số. Nó xếp lego rất sáng tạo và kết hợp màu sắc đẹp. Nó cũng vẽ đẹp khiến tôi ngạc nhiên, thật sự đẹp. Nó rất tình cảm và tôi biết nó có một thế giới tưởng tượng và tình cảm riêng biệt. Cho đến nay nó hoàn toàn chưa quan tâm tí nào về âm nhạc. Khi khó chịu gì đó thì nó hay lèo nhèo, khiến tôi và thằng chú của nó đều cho rằng cần phải làm thế nào để nó bớt ẽo ợt, trong đó tăng cường đàn áp và tẩn nó một cách đàng hoàng được đưa ra như một giải pháp để lựa chọn.

Ngày mai nó tốt nghiệp mẫu giáo rồi, thật nhanh. Tôi đã tuyên bố là lên lớp 1 tôi sẽ kèm cặp nó và chắc là tôi phải cố mà thực hiện tuyên bố này. Tôi sẽ chẳng làm được gì nhiều và không kỳ vọng nó xuất sắc, nó sẽ xuất sắc nếu nó là thế, không thì nó tầm tầm như bố nó hoặc kém hơn bố nó chả sao. Việc của tôi là làm sao giúp nó tự gọt đẽo các mảnh ghép Trí Uẩn của thế hệ nó, sao cho gọn gàng thẳng thớm.

Tôi tò mò ngắm nhìn thằng con mình, những muốn ôm nó vào lòng mà hôn hít nhưng chỉ xoa đầu nó, tôn trọng sự tập trung của nó khi tính toán sự kết hợp các quân bài siêu nhân. Trên con đường rất dài mà nó sẽ đi, nó sẽ tự ghép các mảnh ghép của nó theo một cách nào đó để ra con người nó sau này. Nó sẽ tự viết ra một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời nó. Và nếu như tôi có một kỳ vọng nào về thằng con mình, thì tôi chỉ kỳ vọng rằng đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết chứa nhiều niềm vui.

Written by Tequila

May 22, 2015 at 1:12 am

Posted in Gia đình