Teq's Blog

Archive for July 2021

Linh tinh 15/7/2021

with 4 comments

Trời sắp vào hè. Những ngày này thời tiết ẩm thấp, như để ẩm thấp cho nốt, u ám cho nốt. Mùa hè sẽ đến bằng một giọt mưa. Từ trên trời cao, giọt mưa lăn ra khỏi đám mây, như người lính dù đầu tiên nhảy ra khỏi máy bay, ngay trước khi hằng hà sa số những đồng đội khác lao theo, no tròn, xuyên qua bầu trời màu xám rồi hạ cánh. Mùi của mùa xuân ẩm thấp sẽ tan đi. Chúng ta sẽ ngửi thấy mùi bụi ẩm lưu cữu lâu ngày bốc lên rồi chìm đi trong cơn mưa, không khí sẽ mang một màu sắc khác. Giữa nước trút ào ào của cơn mừa rào đầu hạ, mùi không khí khô bắt đầu dâng lên, rồi mùa hè bắt đầu.

Nguyên sinh ra vào một ngày gần giữa tháng Tư, anh luôn nghĩ mình sinh ra vào một khắc mà cơn mưa rào đầu mùa vừa qua đi, hay một khắc mà cơn mưa rào ấy chuẩn bị đến. Không phải đúng vào lúc đó. Bạn anh có những người lúc nào cũng đúng. Và có những người không sai, như anh, nhưng luôn không đúng, lúc nào cũng lạc đi đúng một chút thôi. Một chút ấy dẫn ta đi xa cả nghìn cây số.

Ngoài phố lao xao thứ tiếng động hỗn tạp, tiếng xe, tiếng còi, người nói, gió thổi qua tán cây, lanh canh nhôm sắt. Ở trên những con phố cũ như thế này, những âm thanh ấy trộn thành một hòa âm đều đặn như tiếng một cơn mưa rào. Nó mặc định như thế, thoạt tiên rời rạc vào sáng sớm, dày lên rồi hơi tản đi vào ban trưa, lại dày lên cho đến chiều tối và tan dần vào đêm. Người ta có thể nằm yên trong một căn gác và nghe hơi thở mỗi ngày của phố phường như vậy, ba trăm sáu mươi lăm hơi thở là hết một năm.

Nguyên hay đi ăn trưa một mình. Từ văn phòng của anh, anh bắt một chiếc xe bus đi dọc lên Hàng Bài, xuống ở Bưu điện Thành phố, rồi đi bộ dọc bờ hồ, lên phố, hôm thì làm một đĩa cơm rang dưa bò, hôm thì ít lòng chần cháo, có hôm chỉ ăn một cái bánh mì vặt, uống cốc chè đá, rồi lại sang bên Lương Văn Can bắt xe bus về. Anh gọi đó là du lịch trưa. Được ngày nào rảnh rang, không có cuộc họp nào hay việc gì gấp vào đầu giờ chiều, thì anh nhắn tin cho thằng bạn xem có vướng bận gì không, rồi anh đi xuyên Hàng Bồ vào hướng Cửa Đông, rẽ vào Bát Sứ, rồi lên căn gác này cùng với đôi lon bia lạnh. Một cầu thang gỗ cũ kỹ cọt kẹt dẫn lên gác hai, một căn phòng nhỏ chỉ chừng hai chục mét vuông, công trình phụ khép kín, một cửa sổ nhỏ, cánh cửa đôi bằng gỗ sơn trắng đục mở ra ban công đặt vài chậu hoa dưới tán lá bàng xanh ngắt mùa hè và còng queo mùa đông. Góc phòng, cạnh tủ quần áo, bạn anh đặt một cái máy nghe nhạc nội địa Nhật cũ rích, nhưng tiếng tạm đủ nghe, cái chất lượng âm thanh non non mờ mờ của nó lại phù hợp với lao xao phố phường ngoài kia. Một cây guitar classic dựng tử tế trên chân đế cạnh kệ máy nghe nhạc. Vài gang tay sách trên giá. Một chiếc giường đơn mà chăn đệm lúc nào cũng được gấp gọn gàng tinh tươm. Một cái sofa nhỏ da cũ sờn và một cái bàn nước thấp, mà với anh thì nó có tác dụng để gác chân.

Nguyên nửa nằm nửa ngồi trên sofa, gác chân lên bàn nơi lon bia mở đang uống dở. Anh ôm cây đàn gảy linh tinh vài hợp âm chạy theo bản ballads cũ đang phát ra từ cái dàn nội địa. Linh bước ra từ nhà tắm, cô đã ăn mặc chỉnh tề và trang điểm nhẹ nhàng. Son đỏ, tóc buộc sau gáy nhưng vẫn để lơi vài lọn buông theo đường lượn của đôi má. Cái cằm thon hơi nhọn, mắt lá răm, mũi cao hơi hếch và cũng nhọn nhọn. Thân hình cao ráo, eo thon, chân dài, rất cân đối, duy có đường lượn của cặp mông là có vẻ hơi quá đà một chút, mà vì thế nên rất ấn tượng. Anh khá hâm mộ vẻ đẹp của cô, một con bé thật xinh xẻo sexy.

– Em đẹp thật Linh, nếu em không phải là bạn gái thằng kia thì anh thích em đấy.

– Ngày mai em sẽ chia tay Toàn luôn, anh thích em không? – Linh hơi xoay người vênh mặt khiêu khích, nháy mắt với Nguyên, cắn môi, một lọn tóc buông ngay trên môi thật gợi cảm. Một sự gợi cảm có ý thức luyện tập.

– Ngon quá, nói thật hả, chia tay xong thì bảo anh.

– Thì em bảo rồi, mai nhé.

– Chơi luôn. Nhưng kể ra anh nhiều rắc rối lắm rồi, anh lười quá rồi em.

– Em nói thật đấy, em chia tay Toàn thôi.

– Em hết yêu nó rồi à.

– Vẫn yêu.

– Thế sao chia tay?

– Em mệt mỏi rồi. – Linh thôi làm dáng, với tay lấy cái túi xách trên bàn – Sao em cứ phải chạy theo anh ấy, cứ phải tìm, cứ phải hỏi. Còn anh ấy chỉ tự xuất hiện lúc em không cần không muốn.

– Thì nó là công an mà – Nguyên cười – gọi thì chả thấy đâu nhưng có mặt ngay khi người ta rất không muốn.

– Thôi em đi đây, bai, anh với thằng bạn anh lúc nào cũng cợt nhả.

Linh đi ra và đóng cửa lại sau lưng, tiếng giày cao gót lộc cộc rời rạc của cô nghe là có thể thấy cô đang bám vào tay vịn, hơi xoay chân để bước từng bước cẩn trọng qua những bậc thang hơi hẹp và cao.

***

Đó là một gang tay trong Chương một của một cái tiểu thuyết đang viết dở. Viết dở có nghĩa là tôi đang viết dở chính cái Chương một đó, và bế tắc. Tôi có đầy đủ các nhân vật, tôi có gương mặt của họ, tính cách của họ, có cả cuộc đời của họ. Tôi biết vì sao họ yêu nhau, vì sao họ cãi lộn nhau, vì sao họ đánh bạn với nhau, vì sao họ yêu đời và vì sao họ cô đơn. Tôi chỉ không biết tại sao họ gặp nhau, họ gặp nhau để làm gì và điều đó có ý nghĩa gì không, nếu không có ý nghĩa gì cả thì cái vô nghĩa đó có ý nghĩa gì. Tôi lục lọi nhiều ngày với những ý nghĩ vẩn vơ về họ, cố gắng kể về họ vào những buổi sáng tinh mơ thức dậy hoặc nghĩ về họ vào những đêm khuya lơ mơ.

Tôi cảm thấy buồn bã khi tôi nghĩ đến cái kết của câu chuyện, một hình ảnh một cảnh phim mà tôi thấy đẹp. Tôi viết cái cảnh ấy ra và thấy buồn rười rượi. Nhưng ngay sau đó, thì hóa ra đó không phải là kết thúc của tiểu thuyết, mà nó hóa ra có khi chỉ là kết thúc của chương một mà thôi, và tôi sẽ phải viết chương hai thế nào đây.

Tôi không giỏi kể chuyện, cũng không giỏi viết thoại, đúng ra là tôi không biết viết. Tôi thường quan niệm tiểu thuyết chẳng phải là thứ để chúng ta gõ ra một đống những triết lý rởm rít vụn vặt, những suy nghiệm vớ vẩn, những so sánh ẩn dụ hay những thứ màu mè. Tiểu thuyết chỉ là một câu chuyện được kể ra, tuần tự hoặc lộn xộn, như cách chúng ta kể cho ai đó về câu chuyện cuộc đời mình. Thế nhưng, vì là không giỏi kể chuyện, tôi không sao kể ra được. Câu chuyện mà tôi cố gắng kể, đều phi lý, nhưng lại không đạt được đến độ phi lý cần thiết, mà chỉ như một kẻ nói dối đang cố gắng diễn tả ra một chuỗi sự kiện đầy những lỗi logic. Bất kể việc tôi luôn hiểu rằng cuộc sống tràn ngập những ngẫu nhiên phi lý, nhưng những ngẫu nhiên phi lý giản dị thường nhật hoàn toàn khác xa với những cố gắng logic hóa một câu chuyện không có thật mà tôi định kể ra. Rồi với cơ chế tự kiểm soát của một người đọc có thâm niên và có khung đánh giá đã định hình, những gì tôi đã viết ra thật đáng cho vào sọt rác. Tôi đành để mặc chúng trở thành những file word rời rạc trong một vài cái thư mục.

Giá như không có ruồi, giá như, giá như… Chẳng có giá như nào cả. Tôi có đầy đủ thời gian để viết, chỉ là không viết ra nổi mà thôi. Những câu chuyện không thể nào có được một sự gắn kết logic. Sao thằng này lại gặp con kia, sao thằng kia lại đi làm việc nọ,… những câu hỏi đòi hỏi sự lắp ghép logic mà càng làm thì càng thiếu logic. Tôi thấy bực mình, quên mất rằng ngay cả cuộc đời của tôi cũng chả có một cái logic nào cả. Nó cứ tự nhiên cứ thế diễn ra thôi. Như kiểu năm xưa tôi xách cái đàn guitar đi oánh đàn, rồi đút tay túi quần đi cùng thằng bạn dọc hành lang trường cấp ba cũ, rẽ vào đúng cái chỗ đó khi gặp hai cái cô học sinh mặc áo dài đó, thế rồi đến giờ hai cô đó là hai bà vợ của chúng tôi. Hay năm xưa tôi đang ngồi chè đá vỉa hè thư viện Lý Thường Kiệt nghe nhạc vặt hút thuốc vặt chờ cho một ngày hè vô định đi qua, thì có thằng bạn cũ alo hỏi có muốn thử đi làm nghề như tao không, có, thế là làm việc đó cho đến giờ này.

Ngay cả cuộc đời của chính tôi, tôi cũng không thể kể nó ra một cách logic được. Có rất nhiều thứ thiếu logic đã xảy ra và trở nên đương nhiên hợp lý, mà muốn lý giải nó, có lẽ tôi phải ngược thời gian về tới tận thời của cụ nội tôi, khi ông ta bán một thửa ruộng to lấy tiền đi đánh bạc hút thuốc phiện, hay thời mà ông nội tôi bắn nhau với cái cano trên sông mà một viên đạn Pháp may mắn trúng đích sẽ khiến ông tôi bể sọ và tôi sẽ không bao giờ biết được nếu ông nội tôi mà bể sọ vào năm 1946 đó thì liệu Roberto Baggio có đá hỏng cú pen định mệnh năm 1994 hay không. Hay là vào năm 1972 nếu cô hoa khôi ấy, tức bà già tôi, không cảm động vì bài thơ của chàng phi công đẹp trai, tức ông già tôi, để rồi chỉ vài năm sau nàng thất vọng cùng cực vì thật ra chàng chả có tí thơ ca nghệ thuật mẹ nào cả, tất cả nghệ thuật trên đời đều xa lạ với chàng, bài thơ chàng làm chẳng qua là chàng đang làm toán với các vần, đáng lẽ nàng cần nhận lời yêu một anh đánh piano cơ… nếu thế thì đương nhiên chẳng có tôi đang ngồi đây, hoặc là một thằng tôi khác với vẻ mặt khác với tính cách khác với cuộc đời khác với một ông già khác, lại đang rầu lòng vì thời buổi Covid này có vài chục tỉ trong ngân hàng biết đầu tư đâu bây giờ để tiền nó không chết đói.

Cụ tôi phải đi đánh bạc mất ruộng, thì mới trở nên nghèo, ông tôi mới phải bỏ học trường Pháp đi làm thông ngôn ở mỏ và sau đó cầm súng. Đạn Pháp không dính ông thì ông mới kịp để lại một giọt máu ở quê trước khi đi chín năm. Bà già tôi tất nhiên cũng chả đọc được bao nhiêu thơ ca tiểu thuyết cho nên mới cảm động với cái bài toán ghép vần của ông già, đồng thời là một người đàn bà rất đàn bàn nên tất nhiên chàng phi công lực lưỡng đầy sức sống sẽ hấp dẫn hơn anh piano lẻo khoẻo. Và rồi khi nàng thất vọng với chàng, nàng dắt tay thằng con nhỏ đến giao cho một ông trung niên xấu hoắc hôi mù thuốc lá nhưng biết đánh guitar và ngưỡng mộ nàng, để rồi cái ông xấu xí dạy đàn siêu lởm đó trờ thành người thầy mà con trai nàng rất kính yêu.

Những logic của cuộc sống ấy hễ cứ kể ra là như thể chúng không bao giờ có thật được. Vậy sao tôi cứ phải đi tìm sự logic nhỉ, tôi cứ kệ mẹ mấy thằng mấy con nhân vật của tôi, kệ cụ chúng nó làm sao lại gặp nhau, yêu nhau, chửi nhau. Chúng cứ thế thôi, ai biết được.

Và vì thằng em tôi gọi tôi uống bia vì một câu chuyện gì đó chắc chắn rất vớ vẩn phi lý, và tôi cũng sẽ kể cho nó nghe một việc phi lý mà quá đau buồn cho chúng tôi, nên tôi dừng entry này ở đây.

Hôm kia tôi sang nhà bà ngoại ăn giỗ ông ngoại. Khi tôi rẽ qua cái khúc cua để vào ngõ, tôi chợt nhận ra, nó chẳng khác gì nhiều nhiều năm xưa, khi mà hai anh em tôi và thằng em họ đi nhặt những xác pháo, bóc ra, lấy thuốc pháo, đổ vào một tờ giấy vo lại và đốt cho nó cháy cái xèo, túa lên làn khói pháo trắng xanh và hít hà mùi thơm ấy. Đời nhẹ khôn kham, đúng là thế.

Hôm nay tôi đọc lại vài đoạn đầu của Đời nhẹ khôn kham Milan Kundera. Hình như anh ấy hiện ra ném cuốn sách đó vào tay tôi và bảo mày đọc lại đi, rồi đừng có thắc mắc nữa. Truyện của anh đã hết ngay từ chương một với đầy những thứ phi logic, và rồi anh ấy cứ thế viết tiếp thôi. Có lẽ tôi sẽ thử viết như thế, nhân vật của tôi sẽ bỏ nhau ngay từ chương một rồi sau đó chúng nó mới đứa này yêu đứa kia một cách thật là vớ vẩn.

Bia thôi, còn đi ngủ sớm, chỉnh lại giờ giấc đã quá sai do Euro.

Written by Tequila

July 15, 2021 at 10:27 pm

Posted in Linh tinh