Teq's Blog

Archive for November 2011

Huế

with 2 comments

Hôm nay vợ bảo, đầu tháng mười hai mình đi Huế. Tôi gật đầu ngay, bởi vì cũng có kế hoạch từ trước rồi. Tháng mười hai người bạn họa sỹ của vợ tổ chức một sự kiện, chúng tôi đã định là sẽ đến.

***

Nhớ đến Huế, hình ảnh đầu tiên mà tôi nhớ, không phải thành nội, mà là sông Hương. Mà đoạn sông Hương, gần cầu Tràng Tiền, lại làm tôi nhớ Hà Giang. Lần đầu tiên đến Hà Giang, chiều tối đặt chân đến km 0 sau cả một ngày chạy xe từ Hà Nội, tôi cứ thấy chỗ này quen quen. Nhìn lúc, thì ra là giống Huế. Cũng là một công viên bên sông, rồi có một cái cầu bắc qua sông. Rất là giống nhau, hoặc không giống lắm mà chỉ giống trong cảm tưởng của tôi.

Tôi có vài kỷ niệm nhỏ với Huế, dù thực ra là không thích thành phố này lắm.

***

Hồi trước ở nhà tôi có một anh người Huế. Anh ấy là con của bạn của bà già. Anh ấy ở nhờ nhà tôi, ở cùng chúng tôi đến mấy năm trời. Nhưng sau này thì chỉ khi nghĩ đến Huế thì tôi mới nhớ đến anh ấy, bởi dù ở nhà tôi lâu như vậy nhưng khi ra trường đi làm thì anh ấy chẳng quay về thăm cha mẹ tôi, dần dần cả nhà đều quên rằng đã từng có một người khách ở lâu thế trong nhà mình.

Năm tôi học năm hai đại học, kỳ nghỉ hè tôi và thằng em đi Huế, ở nhà của anh ấy. Chúng tôi ở đấy dễ đến cả mười ngày. Mỗi sáng chúng tôi ra đường ăn một bát bún bò Huế, tôi rất sướng món này bởi bát bún bò luôn có một cục chân giò rất to.

– Tôi đội một cái mũ của dân du lịch, đạp xe đi trên đường. Tôi hỏi đường một em gái Huế xinh xinh, và ngạc nhiên sung sướng bởi được đáp lời bằng giọng nói nhẹ nhàng mà rất lễ phép, đúng là ngọt như mía lùi.

– Tôi đi sang thôn Vỹ Dạ. Thôn Vỹ hồi đó nhìn không khác gì trong thơ Hàn Mạc Tử.

– Tôi đi thăm thành nội, không có ân tượng nhiều. Tôi chỉ thích cái cột cờ. Buổi chiều nào tôi cũng đến cột cờ, leo lên những bậc thang, rồi ngồi bó gối trên bờ tường, ngắm nhìn hoàng hôn dần buông xuống trên thành nội. Khi ấy mới vãn khách du lịch, màu hoàng hôn mờ mờ phủ xuống đền đài thành quách làm cho nó dường như không còn ở thời điểm này nữa mà đã lùi về quá khứ khi những ông hoàng bà phi còn ở trong đó.

– Tôi đi Thiên Mụ cùng với anh bạn Huế đó, vào một ngày nắng. Cũng là vào chiều tà, tôi đứng ở Thiên Mụ nhìn xuống sông Hương. Nắng chiếu xuống mặt sông xanh lóng lánh vàng. Anh bạn bảo tôi, nắng này chính là nắng thủy tinh ở trong nhạc Trịnh Công Sơn. Quả là nắng thủy tinh thật.

Gần mười ngày đó, tôi đi hầu như hết Huế, không chỗ nào là không tới.

***

Đầu năm 2005, một ngày kia tôi và thằng bạn cứt lục ví của nhau đếm được tổng cộng năm trăm nghìn, quyết định vào Nam chơi, tiền chỉ đủ hai ngày đường nhưng cứ đi tới đâu tính tới đó. Xe thả chúng tôi ở Huế sau một đêm đi từ Hà Nội. Chúng tôi dừng chân ở công viên cạnh sông Hương, chỗ mà sau này tôi thấy giống Hà Giang.

Rồi chúng tôi lên một chiếc xe khách để vượt Hải Vân sang Đà Nẵng. Lái xe là một anh ngọng líu ngọng lô. Anh này vượt đèo theo một lối rất kinh. Một tay quẩy vô lăng lượn đèo, một tay cầm điện thoại di động nói chuyện liên tục với giọng líu lô của mình. Lên tới đỉnh đèo Hải Vân cũng không thèm nghỉ như các xe khác, mà tiếp tục vừa gọi điện thoại ngọng vừa một tay vẩy quẩy vô lăng đổ đèo. Khách trên xe ai cũng mặt xanh như đít nhái. Anh Huế ngọng đó thật vãi đái. Anh ấy đưa chúng tôi an toàn sang Đà Nẵng, nhìn Đà Nẵng thoáng đãng hồi đó, tôi cảm giác như qua Huế sang tới đây, là một nửa khác của nước Việt.

***

Hè năm 2006, sau nhiều gian truân của tình yêu, tôi và người yêu tôi quyết định quay lại với nhau. Quyết định đó dù không dễ dàng nhưng mà nó là đương nhiên, bởi lần tình cờ gặp nhau ở quán chè đá, nhìn thấy nhau mà cả hai đều tim ngừng đập cảm thấy không thể thở nổi, phải chào thật nhanh rồi đi (sau này kể lại cho nhau nghe mới biết cả hai đều cảm thấy như nhau). Chúng tôi rủ nhau đi chơi Huế – Đà Nẵng – Hội An.

Ở Huế, chúng tôi nghỉ ở một khách sạn rất đắt tiền so với cái ví của chúng tôi hồi đó. Khách sạn có tên là Vỹ Dạ River Side. Đêm khuya, khi người yêu đã ngủ, tôi mò xuống sảnh khách sạn, vì ở đó có một cây guitar. Tôi mượn cái guitar, ra vườn, ngồi trên bậc thang xuống sông, ngắm những con thuyền lá đậu im lìm trên mặt sông, gảy đàn tưng tưng. Hồi lâu, anh quản lý khách sạn tới vỗ vai, bảo sao anh có tâm sự gì mà ngồi chơi đàn một mình ở đây, thôi có tâm sự thì nên nói ra, vào đây uống rượu với bọn tôi. Từ chối mấy lần không được, tôi đành phải vào uống rượu với anh quản lý và anh bảo vệ. Các anh cứ nài nỉ bảo tôi kể cho các anh nghe tâm sự, dù tôi cứ cam đoan rằng không có tâm sự gì, các anh cứ nhất định rằng phải có tâm sự thì mới đêm hôm ra sông ngồi đánh đàn. Tôi nghĩ mãi mà chẳng có tâm sự gì để kể cho các anh, bèn chơi vài bản đàn rồi uống rượu, các anh say xong thì tôi lại ra sông đánh đàn rồi mãi sau mới lên phòng ngủ.

Tình yêu đã ngủ trên phòng, ngồi bên sông gảy đàn hát nhỏ nhỏ, uống rượu với anh quản lý và anh bảo vệ, nhất định rằng phải có tâm sự thì mới thế, khách sạn Vỹ Dạ River Side… là kỷ niệm đẹp nhất của tôi với Huế.

***

Lần này quay lại Huế, thế nào tôi cũng phải bảo vợ quay lại ở Vỹ Dạ River Side. Chẳng có lý do gì đặc biệt để tôi lan man như thế này về Huế. Chỉ là năm tháng thì cứ lần lượt tiếp diễn, mà mỗi khi có gì đó gợi nhớ, ngồi nhớ lại những khoảnh khắc cũ đã đi qua, cũng là một điều thú vị.

Vậy nên tôi thường sống thật hết mình cho phút giây hiện tại, bởi biết rằng một lúc nào đó sẽ lại lấy ra nhìn lại, một ký ức có thể đẹp có thể không, nhưng mình đã từng như thế.

Written by Tequila

November 24, 2011 at 7:09 pm

9 Rota

with 2 comments

9 rota – 9th Company – Đại đội 9, là bộ phim Nga mà tôi đang xem. Đây là một bộ phim rất hay, mặc dù tôi mới xem đoạn đầu, còn chưa vào nội dung chính, chỉ mới đến đoạn đại đội sau khi trải qua khóa luyện tập và lên máy bay sang Afganistan. Tôi dừng lại ở đây để viết một entry, bởi thời gian không có đủ, chờ xem xong mới ngồi lọ mọ wordpress thì quá muộn. Xem phim đôi khi cũng giống xem truyện vậy, chỉ cần xem vài trang là biết hay rồi, để mai xem tiếp cũng không sao. Một cái phim như thế này, xem xong kiểu gì cũng mất ngủ.

Mới tra google thì Afghanistan là từ ghép của Afghan và stan, mà stan có nghĩa là vùng đất, vùng đất của những người Afghan. Afghanistan trong những văn bản cũ được dịch sang tiếng Tây là Afghanland.

Những chú trai trẻ măng được gọi đi lính, chuẩn bị sang Afganistan. Những thằng này trông mặt mũi y như những thằng choai choai tối tối thường tụ tập uống bia cạnh những cửa hàng hoặc cạnh bến xe buýt, thể loại mà khi đi đêm ở Moscow tôi phải căng mắt canh chừng và giữ khoảng cách ít nhất 50m để có gì còn kịp chạy. Các chú đến thao trường, gặp phải một tay chuẩn úy huấn luyện rất hắc. Tay chuẩn úy lại mê một em gái thôn nữ trông gở gở. Thế rồi, không hiểu ra sao, (phim mà, điện ảnh sành điệu thì không kể rõ), tay chuẩn úy quỳ trên thảm hoa đỏ giữa cánh đồng, đau đớn. Cảnh tiếp theo, là anh em trong đại đội chui vào một cái nhà kho và thay phiên nhau chơi em gái kia, cuối cảnh này thì em gái trần truồng đứng giữa phòng vui quá cười ha ha khi các chú trai nằm bẹp xuống nắm lấy gót chân em mà hôn những giọt mồ hôi. Tiếp sau đó là các chú lên máy bay sang đất của người Afghan. Chuẩn bị sang những màn bắn nhau máu me mất mát khóc thương điên loạn v.v thì tôi pause không xem nữa, để mai xem.

Phim này là một phim hay. Chắc chắn. Dù IMDB chỉ đánh giá nó ba sao rưỡi. Dù tôi cũng mới chỉ xem đoạn đầu. Xem một đoạn là biết điện ảnh Nga nhợn bây giờ đã bỏ cái kiểu đối thoại liên tục lảm nhảm từ đầu đến hết.

Phim này làm tôi nhớ đến những khi đứng trong toa metro, lục túi quần lấy ra hai ba đồng rúp bỏ vào cái mũ của mấy tay cựu chiến binh cụt chân hoặc cụt tay, ngồi xe lăn hoặc vừa đi vừa kẹp nách cái mũ, trên ngực có bảng ghi những từ kiểu như Chechnya, Afghanistan… Bọn hắn khi xin tiền thường hô to trong toa tàu, đại loại, chúng tôi đã chiến đấu cho tổ quốc, chúng tôi đã đổ máu, chúng tôi đã không còn khả năng lao động… hô xong là im lặng đi dọc giữa hai hàng ghế. Khi nhận được những đồng xu, bọn hắn chỉ gật đầu hoặc tay nào lòe loẹt thì nói thêm một từ “cảm ơn” ngắn gọn. Trong mắt bọn hắn lúc nào cũng là sự bất mãn và ghét bỏ. Bọn hắn không hề giống với những hình ảnh trên VTV mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Phát xít, nơi mà trên Hồng trường bao giờ cũng có những ông già niềm nở chân tay lành lặn ngực đầy huân chương đỏ chói. Bọn hắn là những thằng mới choai choai đã được gọi vào lính, đi chiến đấu vì tổ quốc, tập luyện trong các thao trường, chơi gái trước khi ra trận, rồi nếu sống sót trở về thì cũng với một thân thể què quặt hoặc linh hồn què quặt. Bọn hắn chính là sắc tối lạnh ẩn trong cái ánh lửa mà tôi chắc rằng bọn hắn chẳng buồn đến nhìn, ngọn lửa bất tử dưới chân Kremli.

The Grieving Warrior – một người lính  Nga trong chiến tranh Afghnistan

Đầu năm nay trở lại Nga, trở lại Moscow, trở lại các toa metro quen thuộc, tôi vẫn gặp bọn hắn. Bọn hắn dĩ nhiên là già đi, còn những người ngồi trong metro thì vẫn vậy, cúi đầu đọc sách trong khi bọn hắn hô “chúng tôi đã chiến đấu cho tổ quốc”. Chỉ có điều khác biệt là, dân thường Nga thường chăm đọc, họ đã thay thế những cuốn sách nhỏ bằng những thiết bị đọc sách số. Ngoài sự khác biệt đó ra, thì vẫn là những người Nga êm đềm đọc sách trong toa tàu, là những đứa trẻ nhỏ mắt xanh như ngọc, là cô gái xinh đẹp đứng nép mình tựa vào chàng trai của cô, cả hai đều mặc đồ hiệu đắt tiền, chàng một tay đặt lên mông cô một tay bỏ đồng rúp vào mũ của người cựu chiến binh. “Cảm ơn, người anh em”.

***

Những người cựu chiến binh Nga, trở về sau chiến tranh ở Afghanistan.

Những người cựu chiến binh Mỹ, trở về sau chiến tranh Việt Nam.

Những người cựu chiến binh Nhật, trở về sau chiến tranh Đông Á – Thái Bình Dương.

Những người cựu chiến binh Việt Nam, trở về sau chiến tranh Cambodia.

Ông già tôi kể, chiến tranh mà, hồi đó bọn bố được lệnh xếp bom lên máy bay vận tải vì máy bay ném bom chuyên dụng không đủ cho số bom đầy trong kho mà Mỹ để lại. Máy bay vận tải được chế để cửa lấy hàng trở thành cửa cắt bom. Bom cứ xếp đầy trong khoang như xếp dưa hấu. Hễ mở cửa bụng là cứ thế tràn ra, chả cần ngắm nghía gì. Một đêm bố bay qua Campuchia, tới mục tiêu nhìn xuống thì là một bến phà, xe của quân Pôn pốt đậu sáng bừng cả một dọc đường, bọn bố được lệnh cắt bom, bom thả kiểu trút bừa bãi như vậy còn dày hơn cả B52 rải thảm, dội xuống cả một vệt người xe. Không biết bao nhiêu thằng dưới đó đã chết. Nhưng mình bay ở trên, không có cảm giác gì. Chiến tranh mà.

Đó là “Sự tầm thường của cái ác”, như một bài dịch của anh VNHL @TTVNOL ngày xưa.

Những câu chuyện chiến tranh của ông già tôi, tôi nhớ nhất hai câu, một là “mình bay ở trên không có cảm giác gì” như vừa kể. Hai là sau một câu chuyện về người lính VNCH chạy trốn không kịp, dám một mình trong bụi cây bắn nhau với đoàn quân miền bắc, và chịu chết sau một loạt trung liên… “Bọn lính ngụy miền Nam, chúng nó cũng là dân mình, dũng cảm lắm, nhiều khi bố không hiểu sao 1975 bọn hắn lại kéo nhau bỏ chạy”.

***

Cuối cùng, quay lại 9 Rota, một phim chưa xem hết, và tôi chắc sẽ xem nốt ít phút nữa. Chiến tranh lúc nào cũng tệ hại, nhưng nó không thể nào ngừng nghỉ. Lúc nào cũng có những vị tù trưởng, ngồi trong lều phủ bằng da thuộc, gọi người thanh niên anh hùng nhất của bộ tộc, trao cho cây gậy và nói rằng hãy chiến đấu vì danh dự và tình yêu, hãy mang lại cho ta da đầu của kẻ thù.

Anh hô to, mọi người, chúng tôi đã chiến đấu vì tổ quốc,… rồi anh lăn bánh chiếc xe lăn, bánh mỳ và vodka là những thứ anh đòi hỏi cho công lao ấy.

9 ROTA. Hình như chỉ còn một người trong đại đội sống sót trở về.

Written by Tequila

November 21, 2011 at 5:51 pm

Nước Nga–vài gạch đầu dòng

with 3 comments

Nghe cái tựa đề này, hẳn nhiều bạn bè của tôi lại lắc đầu ngán ngẩm, lại Nga. Vấn đề nằm ở chỗ, tôi vừa xem một bộ phim rất dở gọi là Charlie Wilson’s War, uống hết ba cốc lọc đá và ăn hết ba quả trứng luộc trong khi xem phim này.

Dù sao thì số phận cũng khiến tôi có rất nhiều liên quan đến đất nước này.

***

Hồi nhỏ tôi vẽ rất đẹp, mẫu giáo lớn thì phải, tôi được giải trong một cuộc thi vẽ thiếu nhi. Lý do khiến tôi không được giải nhất, chỉ là vì tôi đã vẽ lá cờ bay cùng chiều với hướng chạy của con ngựa đang phi nước đại. Đó là bức tranh vẽ một chiến sỹ hồng quân Liên Xô rạp mình trên lưng ngựa băng qua thảo nguyên, mang theo một lá cờ đỏ. Tại sao tôi lại vẽ bức tranh ấy? Bởi vì xung quanh tôi lúc đó toàn họa báo Nga, mà cùng với điện Kremli, lăng Lenin, thì hình ảnh đẹp nhất là những chiến sỹ hồng quân Liên Xô.

Khi lớn hơn thì tôi đọc hết tất cả văn học Nga dịch ra tiếng Việt. Thời đó ở HN, trên các giá sách văn học nước ngoài, sách Liên Xô vẫn là chủ yếu. Tuy vậy, cũng phải xác nhận rằng dù đọc nhiều văn học Nga thế nhưng tôi cũng không có cái gọi là “tình yêu nước Nga”. Chỉ là biết nhiều về đất nước ấy thông qua văn học của nó.

Năm 22 tuổi, sang Nga, ngay ngày thứ hai sang tới nơi, tôi đã một mình cầm bản đồ tìm đến quảng trưởng Đỏ, sờ tay lên những viên gạch của tường thành, đứng hút thuốc ở quảng trường nơi thời WWII đã có cuộc diễu binh thẳng ra mặt trận. Tôi đứng hồi lâu trước Ngọn lửa bất tử tưởng niệm những liệt sỹ Liên Xô. Mấy năm sau đó, thành phố Matxcova thần thánh đã dạy cho tôi rất nhiều, thế nào là người Nga và thế nào là nước Nga những năm 2000.  Những năm đó, cuộc sống bên lề cống rãnh ở Matxcova là quá đủ và tôi không có nhu cầu tìm hiểu thêm những gì sách vở về nó nữa.

Sống ở đó ba năm, tôi cũng không vì thế thêm yêu nước Nga hay trở nên ghét nó, bởi vì nó không phải là đất nước tôi và sự gắn bó của tôi chỉ là với những con phố góc đường Matxcova mà tôi đã sống mấy năm tuổi trẻ.

Cho đến khi đọc Người đua diều (lại là từ văn học) tôi mới thấy một hình ảnh khác về chiến sỹ Soviet. Đó còn là những người lính có thể tàn sát dân thường và cưỡng hiếp phụ nữ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, song vì thế mà tôi bắt đầu quay trở lại quan tâm đến những vấn đề lịch sử của Liên Xô. Tôi quan tâm tìm đọc và xem nhiều hơn về Liên Xô trước trong và sau Thế chiến II. Tôi đọc kỹ lại Sông Đông êm đềm để tìm câu trả lời cho câu hỏi hồi bé đọc sách không hiểu, tại sao thằng Grigori lại cứ nhảy như choi choi từ Hồng quân sang Bạch Vệ, nhảy qua nhảy lại tới mấy lần.

***

Hôm nay thì xem một bộ phim rất tệ, dù diễn viên chính là Tom Hanks. Phim có cái hay duy nhất là mấy cảnh trực thăng Liên Xô bắn giết dân thường và sau đó là các anh Afganistan dùng tên lửa vác vai bắn trả. Phim thì chẳng có gì hay và cũng chẳng có thông tin gì mới cho tôi, nhưng cũng khiến cho tôi nghĩ ngợi hồi lâu.

Số là tôi và các bạn vừa được mời chơi một ít nhạc Nga trong một party của những người thế hệ trước, những người đi học Nga về và yêu nước Nga. Trong buổi đó có một bác phát biểu và đọc thơ một cách rất xúc động về nước Nga là thế nào, tình yêu nước Nga là thế nào. Khi nghe, tôi thấy không vào, chép miệng nghĩ rằng hồi đó các bác sang Nga là từ nơi chiến tranh đói khổ sang thiên đường (dù cuộc sống người ta chưa thiên đường thì người ta cũng cho các bác thiên đường nhất có thể), các bác chẳng bị bọn du côn đánh đuổi dọc phố, có thể các bác cũng chẳng quan tâm tới cả triệu người chết đói ở Ukraina trước WWII, sự khốc liệt của WWII, những cuộc thanh trừng đẫm máu, sự khốn khổ của dân chúng thập niên 80, chiến tranh Afganistan, và những cuộc đánh bom ở Matxcova mà hồi đó chỉ cần lệch chuyến du ngoạn một ngày là tôi nổ banh xác ở metro, bom nổ đúng chỗ hôm qua mình đứng uống bia…

Bác kia vẫn rưng rưng xúc động khi nói những lời về nước Nga và đọc những bài thơ. Chẳng khác gì hồi mẫu giáo tôi đã vẽ hàng trăm bức tranh điện Kremli, ông Lenin và những chiến sỹ hồng quân. Thực ra nếu chỉ có xem họa báo, đọc văn học Nga Xô Viết và học những gì trong sách giáo khoa, thì có lẽ tôi cũng sẽ yêu mến nước Nga theo cách như vậy.

Còn nước Việt mình nữa, chả biết đến lúc nào mới nhìn thấy được nó rõ ràng. Cứ lục lọi hết lề phải lại sang lề trái, y như một con chó bị điếc mũi, cứ trợn cả mắt lên nhìn mà vẫn thấy ngu ngơ.

Written by Tequila

November 19, 2011 at 8:34 pm