Teq's Blog

Archive for September 2015

Anh Hùng ở Mù Cang Chải

with 8 comments

Khuya rồi mà nghe phải mấy bản nhạc hay đâm lại tỉnh ngủ.

Thế là sau chuyến độc hành Cao Bằng – Hà Giang có một tháng, tôi lại đi chuyến nữa, ngắn ngày. Lần này phục vụ anh em là chính. Tôi không hào hứng lắm, vì Mù Cang Chải quá gần, chưa đi đã tới, thành phần đội hình lại không như dự kiến ban đầu. Nhưng thôi cứ đi, cũng là ủng hộ thằng em giai, lấy vợ xong hai năm nay chả đi được đâu, cuồng cẳng quá rồi. Sau hóa ra lại vui. Mấy ông anh cũ rích hay mấy cô em mới tinh cũng đều vui cả.

Đi với đội anh em này cũng có cái lạ, là bất kể đông hay ít, thì tôi vẫn lo từ đầu đến cuối, mình giống thằng hướng dẫn viên (là do xung phong và anh em tin cậy chứ chẳng ai ép buộc gì). Mấy ông anh lớn thì thôi mình lo liệu chăm sóc cho các anh ấy vì mình làm em. Mấy thằng em dại thì thôi mình lo liệu chăm sóc vì mình làm anh. Nói tóm lại, dù sao lên núi thì tôi lúc nào cũng thấy thoải mái tự tin.

***

Chuyến này ngắn ngày, chả có gì mấy. Mà kể cũng lạ là, thằng em ruột mình, dù nó đã hơn ba mươi tuổi rồi, mà mình vẫn cứ thấy lo lắng cho nó những cái nhỏ nhặt. Nó hỏng xe cũng thấy lo. Anh em tắm suối xong nó mới tới, xuống suối một mình, cũng thấy lo sợ nó hứng quá lao ra chỗ sâu lại bị cuốn vào chỗ xoáy. Rồi do xe hỏng, nó đổi con xe Win siêu siêu ghẻ của thợ sửa để đi, thì mình cũng lấy đi thay lên đèo vì xe ghẻ mình phải đi thì mình mới yên tâm. Nó làm hướng đạo dẫn anh em đến bãi cỏ ven suối ở Mù Cang Chải cắm trại, mình cũng lo vì nhỡ cái bãi không đẹp như ý muốn thì anh em lại phàn nàn nó. Mình về tới nhà là 9h tối, thằng em do hỏng xe vẫn đang vật vờ trên Nghĩa Lộ với một thằng em của nó. Bà già nhăn nhó hỏi:

– Thế Nguyên đâu con, chưa về được à?

– Nó hỏng xe, ở lại Nghĩa Lộ. Mai về.

– Thế nó có một mình à?

– Không,còn có thằng Tuấn Anh nữa mẹ đừng lo.

– Thế là còn có người ở lại với nó chứ gì con?

– Vâng. Mà nó lớn rồi mẹ. Hơn ba mươi rồi. Một mình thì có sao.

Nói với bà già thế nhưng vẫn phải lên gọi điện cho nó, hỏi xem tình hình sao định như thế nào.

***

Tú Lệ – Mù Cang Chải thì đẹp quá rồi, google ra đầy ảnh đẹp. Chỉ tiếc là chuyến đi ngắn ngày, mà thành phần đội hình không phải ai cũng máu thích lang thang đến đâu thì đến, thành ra chỉ lanh quanh ven quốc lộ. Dù vậy, cũng có nhiều thú vui. Tắm suối buổi trưa. Đêm lại cắm trại ở một con suối khác. Thằng bán thịt nướng ở chợ Mù Cang Chải ướp thịt quá ngon. Lần sau mà có đi qua đường này, kiểu gì cũng phải vào làm ba xiên thịt của nó.

Đêm trên Mù Cang Chải thời tiết quá đẹp, đốt lửa uống rượu đánh đàn ngâm thơ ngắm trăng Trung Thu mười ba cho tới khi trăng lặn. Mà cũng chẳng nhớ trăng lặn hay không (nghe anh em nói thế) vì rượu táo mèo ngon quá, về cuối mình uống như uống chè đá, bèn gục trước bò vào lều ngủ. Sáng ra buồn thiu nhìn đôi giày, lần nào ngủ lều trời cũng mưa, và lần nào tỉnh dậy cũng thấy đôi giày ở ngoài lều, sũng nước.

***

Mặc dù tốc độ có khác nhau, chỗ nhanh chỗ chậm, nhưng tôi thấy là phong cảnh chỗ nào cũng đang bị làm cho xấu dần đi.

Sapa thì đã hỏng rồi, hỏng cả thị trấn lẫn Fans. Còn mấy cái thung lũng ruộng bậc thang, thì chả có chỗ nào đứng ngắm vì các sườn dốc có góc nhìn đẹp thì đều bị xây khách sạn. Hà Giang đã hỏng mất cái điểm đẹp nhất để ngắm Mã Pì Lèng, nơi người ta xây tới mấy lớp sàn bê tông ra đó. Mà Thủy điện Nho Quế mà xong, thì toi luôn khúc sông quá trời đẹp dưới chân đèo.  Chợ Đồng Văn đã hỏng, Phố Cáo lởm rồi, rồi còn lởm thêm cái gì nữa (tối nay Trung Thu nghe thời sự thấy lãnh đạo Hà Giang phàn nàn là nhiệm kỳ tới này Hà Giang không có kinh phí để cho các dự án lớn, thấy mừng ghê, các anh mà có nhiều kinh phí thì bỏ mẹ tất cả những chỗ đẹp nhất).

Lần này đi Mù Cang Chải, thấy những góc đẹp nhất từ trên đèo nhìn xuống Tú Lệ, các bạn đã cho dựng những chòi cao, bán bia và chắc để cho dân chụp ảnh đứng chụp. Ờ thì uống bia là rất tốt, chụp ảnh cũng vậy, nhưng có cần phải làm cái chòi như thế không. Rồi một chòi sẽ có nhiều chòi, nhiều hàng quán bên cạnh, rồi chả có chỗ nào mà ngắm cái thung lũng cẩm tú diễm lệ ấy.

Rồi qua khúc lên mâm xôi ở Mù Cang Chải, thấy các bạn dân tộc tụ tập đông đúc dưới đường cái, vẫy khách để chạy xe ôm đưa khách lên chụp ảnh mâm xôi, giá 80k/chuyến. Tất nhiên đông thế thì tôi chả đi làm gì. Sau mùa lúa này trên mạng chắc phải có vài chục nghìn tấm ảnh mâm xôi. Chỉ e là sau khi dân tự phát được mấy bữa, lãnh đạo thấy ngon, bèn dẹp dân xe ôm, cho làm lại đường lên góc view ngắm mâm xôi, xây trên đó một cái nhà để chụp ảnh, có thêm quán nhậu, thậm chí cả chùa, thế là xong cái mâm xôi.

Ruộng bậc thang thì nghèo. Nhà cổ truyền thì ẩm thấp kém vệ sinh. Trang phục dân tộc thì nóng, kém tiện nghi. Biết là không nên mong người ta cứ nghèo mãi lạc hậu mãi để mà mình đi qua ngắm cho đẹp. Nhưng chơi với người dân tộc nhiều, tôi thấy họ sống tự nhiên và họ muốn sự sung túc theo cách cha ông họ muốn. Rượu đầy vò thóc đầy bồ. Chứ không thích đông đúc chật chội. Cảnh đẹp toàn bị bọn người Kinh phá hoại và lối sống cổ truyền của họ cũng bị bọn người Kinh phá hoại. Tôi cũng là một trong những thằng người Kinh tham gia phá hoại.

Một chi tiết nhỏ.

Sau khi sáng tỉnh dậy, thu dọn lều xong, chúng tôi gom hết rác vào một tấm bạt lớn, gói vào, hai anh em tôi khệ nệ bê lên đường mòn, định là buộc vào xe rồi chạy ra thị trấn kiếm bãi rác vứt, thì có một anh dân tộc đến xin. Anh xin rất khẩn khoản nên cho. Lúc ấy mới thấy rằng đống rác của mình, anh có thể làm được nhiều thứ. Bát nhựa có thể dùng cho gia đình. Đũa ăn một lần có thể rửa đi dùng. Chai nước uống hết có thể đựng nước mới. Hộp xôi giấy có thể dùng lại để gói cơm mang đi làm đồng. Túi nilon có thể rửa đi làm nhiều việc. Tấm bạt có thể che cả một chái nhà khi mùa đông sắp đến. Ờ thì cũng tốt. Nhưng tháng sau ở trên núi gần thị trấn Mù Cang Chải sẽ có một nếp nhà xấu vãi cả đái do chắn gió bằng một tấm bạt in chữ “Lễ khai giảng năm học…”.

Sự tiện nghi là không thể chối bỏ và ai cũng cần cả. Chúng ta không thể nào chê bai mấy em nhỏ đứng bên đường ở Hà Giang xòe tay chào khách du lịch để xin kẹo, trẻ con đứa nào chả thích kẹo. Chúng ta cũng không thể nói là không cần thủy điện, khi mà điện lưới quốc gia chưa đủ cho thành phố nói gì vùng sâu, để cho nhà họ cứ mất điện chúng ta đi chơi chụp ảnh không bị dây điện vướng và vào nhà thì chỉ có ngồi bếp lửa, sướng quá, hai hôm sau ta về văn phòng đi làm hễ mất điện mất điều hòa một cái là bỏ việc ra café ngồi cho mát. Chúng ta không thể cứ leo Fans rồi xả rác bừa bãi trên đó rồi thuê H’mong làm khuân vác có hai trăm nghìn một ngày đường vác ba bốn chục cân trên vai, rồi về post ảnh facebook nêu từ “chinh phục”. Chúng ta không thể đến Sapa đòi ăn thịt ngon, café ngon, bia cũng có mà whisky cũng có, rồi ta thán rằng sao cái thị trấn này nó đông và xô bồ đéo tả, mất hết cả chất. Chúng ta làm việc với tây suốt ngày xong lên núi lại kêu ôi zồi chỗ này du lịch hóa quá rồi mấy em tộc mắt xanh mỏ đỏ nói tiếng Tây rành hơn tiếng Kinh. Vân vân…

Tất nhiên có thể giữ được mọi thứ đẹp, nguyên sơ, mà người dân vẫn sung túc, việc đó các anh lãnh đạo IQ cao đang ngày ngày viết dự án.

Còn IQ chúng ta đéo cao. Chúng ta là dân, đi du lịch, chụp ảnh, tắm suối, cắm trại,… chúng ta chỉ cần biết rằng cảnh đẹp đó là nhờ công lao của những người dân nghèo trong núi. Chúng ta cần tôn trọng và lễ độ với họ. Chúng ta cần cảm ơn họ khi mua được một xiên thịt ngon, mua được một gùi củi. Chúng ta cần cảm ơn họ khi họ xin chúng ta bọc rác, đỡ phải đi đổ. Chúng ta cần cảm ơn họ khi mình giương máy ảnh và thốt lên “nước mình sao đẹp quá!”. Cái cảnh đẹp mà chúng ta đứng trên Khau Phạ nhìn xuống thung lũng Tú Lệ, đó là sự lao động. Cái cảnh xấu mà chúng ta đứng ở lưng chừng núi nào đó mà nhìn những mỏm núi trọc lốc trơ khấc, đó là sự nghèo đói và cái chết chờ chực khi lũ nguồn về.

Và cái vẻ mặt xấu hổ, hơi buồn, ngơ ngác và tự thấy mình thấp kém, của thằng nhóc 18 tuổi một vợ một con bên suối ấy, khi nhìn chúng ta bầu đoàn hoành tráng đàn ca sáo nhị rượu tràn thơm lừng, phải là cái đau xót của chúng ta. Và vẻ khinh khỉnh của một thằng tây xua tay từ chối người đàn bà dân tộc bán đồ lưu niệm ở chợ Sapa, phải đem đến nỗi xấu hổ cho chúng ta, chứ không phải cho người đàn bà ấy.

Chúng ta, những kẻ yêu núi non phong cảnh và mê luồn đèo mê chụp ảnh, chúng ta đang ăn mày sự lao động của những người dân nghèo khó miền ngược ấy. Mà kể cả ở thành phố này, ngày ngày chúng ta đi làm, lên mạng chém gió, chúng ta cũng đang ăn mày sự lao động của hàng hà sa số những số phận cả đời đéo ra khỏi núi hay bán mình như nô lệ trong các xưởng to xưởng bé khắp đất nước này, bởi vì, thôi đéo nói chúng ta, nói tôi thôi, tôi chả làm được cái đéo gì.

***

Nói thật là nhìn những đoàn “phượt thủ”, khi nắng thì mặc áo đỏ sao vàng cắm cờ trên xe, khi mưa thì mặc áo mưa bọc nilon kín cả giày, tôi chỉ muốn vượt lên tạt đầu cho chúng xòe cụ chúng ra ruộng. Lại còn thấy khó chịu hơn khi nhìn mấy thằng chạy cào cào mặc đồ xe máy hoành tráng như siêu nhân. Rồi mấy thằng bán tải đổ đèo bấm còi pim pim lại còn thò đầu ra nhìn mình vì mình dừng xe bố láo ở khúc cua. Bố mày dừng xe láo đấy, đường còn rộng bỏ mẹ nhìn gì bố.

Cụ các bạn chứ tôi đây ngày chạy năm trăm cây, xe ghẻ cỡ mấy cũng đi được, mà chả bao giờ dám tinh tướng vì khả năng đi đường. Bởi vì, cái đường nào mà tôi đã từng đi, đẹp cỡ mấy hay xấu cỡ mấy, cũng đều gặp những thằng dân bản chạy phà phà vừa cười vừa hét “Êy đi đâu đấy!”.

***

Chiều hôm ấy trước khi cắm trại, tôi lượn trên chợ tìm đồ ăn, đủ đồ rồi quay lại hàng thịt nướng. Xẩm tối đi bộ từ từ bạn thịt nướng chưa nhận ra. Bạn là người Kinh, vợ bạn là tộc. Vợ bạn bảo:

– Sao lâu thế chưa thấy người ta quay lại.

– Mình buồn cười, anh ấy bảo quay lại mà.

– Nhỡ không quay lại thì sao.

Không sao tôi đến đây rồi.

– À anh đây rồi. Than có đây rồi. Que xiên đủ đây rồi.

– Thế sao không xiên trước đi giờ vẫn chưa xiên à?

– Ơ, em tưởng anh chỉ mượn que. Hóa ra mua cả thịt à, hay quá!

– Anh bảo mười xiên thịt mà có bảo mười que đâu.

Hóa ra thằng nướng thịt cực  ngon ở chợ Mù Cang Chải ấy, nó tưởng tôi chỉ mua than hoa, mua hai con cá nướng, và mượn que xiên thịt chứ không mua thịt. Thế mà nó vẫn bắt vợ về nhà vét than ra để bán cho tôi. Vợ nó là một người đàn bà đẹp, chắc vì lấy được vợ tộc đẹp quá nên nó tộc hóa rồi, không ba bựa như dân Kinh nữa.

– Anh cứ xách về nướng ăn xem. Em đảm bảo với anh là vợ em ướp thịt sẽ khác tất cả những chỗ anh từng ăn.

– Anh về nướng mà không ngon là mai anh ra đòi chú lại nửa tiền đấy.

– Anh đừng lo. Chỉ sợ anh đi rồi còn muốn quay lại ăn thịt nướng vợ em làm.

Thế nào lần sau đi qua thị trấn Mù Cang Chải, tôi cũng sẽ dừng lại mua ba xiên thịt nướng của vợ chồng thằng ấy, thật sự quá ngon!

***

Đi từ Nghĩa Lộ lên Tú Lệ vài chục km, từ Tú Lệ lên Mù Cang Chải vài chục km nữa, đường rất đẹp. Nhưng từ Mù Cang Chải đi lên Than Uyên vài chục km nữa, ngắn ngủi, nhưng đoạn đó sẽ có thủy điện đang làm, đường rất xấu. Vì thế bạn nên dừng tí ở Mù Cang Chải, rẽ vào chợ ngay cái ngã ba có cầu qua suối. Sát chân cầu có con chó lông đen. Cạnh con chó là vợ chồng thằng bán thịt nướng. Cô vợ cao mét sáu lăm eo nhỏ hông to rất đẹp dù vai hơi rộng. Anh chồng đẹp giai nhỏ nhắn hơi còm so với vợ. Hai đứa bọn chúng ướp thịt nướng và cá nướng cực ngon, không nên bỏ qua.

Rồi qua cầu rẽ trái, đi vào một bản nhỏ du lịch hóa khá nhiều, có vài cái homestay đầu bản. Bỏ qua mấy cái homestay đểu ấy, đi tiếp chứng trăm mét thì bạn sẽ gặp một ông điên dở dở, hỏi đường ông nói linh tinh. Không hiểu sao trong đoàn có anh tên Minh hỏi chuyện ông điên thế nào mà biết là ông có hai người con hi sinh trong chiến tranh Biên giới 1979 (lúc tối anh kể lại), sao mà trông ông ấy trẻ thế nhỉ, hay ông lẫn con thằng khác chết tưởng con mình chết. Chỉ biết lúc mà tôi hỏi ông, thì ông bảo:

– Ờ đi vui nhé, cắm trại vui nhé. Về nhớ cho tôi gửi lời hỏi thăm anh Hùng.

– Vâng. Về cháu sẽ gửi lời tới anh Hùng.

Ông ta cười khà khà.

Chả biết anh Hùng là anh đéo nào. Anh Hùng được ông điên nhớ tên chắc là oách.

Chúc anh Hùng vui.

Written by Tequila

September 28, 2015 at 3:50 am

Một sáng thu

with one comment

 

Đêm trong mát như thế này, đã lên giường đọc sách, rồi gấp sách lại và tắt đèn rồi, lại phải trở dậy làm một shot wishky và nghe nhạc.

Sáng nay là một sáng thu, hơi có mưa bay lất phất, gió heo may se lạnh. Đường phố vắng người, Hà Nội rất Hà Nội vào những ngày như thế này. Vợ chồng tôi đưa con gái đi ăn sáng rồi vội đến một địa điểm trên phố, nơi mà chỗ lớp học múa của con gái tổ chức buổi diễn cho các cháu, gọi là báo cáo kết quả học tập sau một đợt tập luyện, cho các bố mẹ phấn chấn đặng đóng thêm tiền cho khóa học tiếp theo. 

Số là, cũng giống như các bậc cha mẹ thời buổi này, cho con đi học tất cả những gì chúng có thể học, vợ chồng tôi cũng thế. Ở thành phố này bây giờ có khá nhiều lớp cho các cháu, chất lượng khá tốt, giá cả phải chăng. Con gái tôi có nhạy cảm với âm nhạc, thích xem phim hoạt hình công chúa, thích được xinh đẹp và tự có ý thức rất rõ rệt về nữ tính, nên tôi cho nó đi học múa ballet. Cũng không nghĩ là nó thực sự thích, chỉ biết là nếu học múa ballet thì nó sẽ được tập múa trong tiếng piano và với một đứa nhạc cảm tốt thì sẽ rất hay. Quả nhiên con bé rất thích học múa, chẳng cần tới khi cô giáo nó nhận xét, mà tôi xem nó tập là biết nó rất năng khiếu. Tập múa một thời gian nó lại còn đề đạt là thích tập đàn piano, đúng ý tôi, nhưng chuyện đó để sau, có thể là sang năm sang năm nữa.

Buổi biểu diễn của các cháu được tổ chức khá lộn xộn. Tiết mục của con gái tôi là tiết mục thứ hai, nhưng cô giáo chưa tới, các cháu phải tự lên biểu diễn. Làm sao mà mấy đứa bé ba bốn tuổi có thể chạy được tiết mục của mình chỉ với tiếng piano phát ra từ đĩa, và không có cô giáo làm hiệu lệnh. Chúng diễn lộn xộn và hoang mang, kết thúc trong ngơ ngác và mấy đứa đều buồn thiu. Bọn chúng chẳng đứa nào cười, lặng lẽ xem các bạn ở lớp khác nhảy múa vui vẻ phấn khởi mấy tiết mục múa may hiện đại hay Ả rập Alibaba. Bọn chúng làm sao hiểu được là tiết mục ballet của chúng khó hơn rất nhiều so với Alibaba chỉ việc đứng ngoáy mông. Các mẹ quyết định gọi bằng được cô giáo đến để cho bọn chúng biểu diễn một tiết mục khác. Trong lúc chờ đợi tôi xuống đường uống café.

***

Sáng mùa thu phố vắng. Tôi đến quán café ở ngã tư. Ngã tư Quang Trung – Trần Hưng Đạo là một ngã tư đẹp, nhất là sáng thu vắng thế này. Tôi ngồi vào ghế, anh chủ quán đang ngồi giữa vỉa hè cùng một anh bạn, thấy tôi bèn quay sang hỏi uống gì rồi vào nhà pha café. Anh bạn của chủ quán ngồi lại một mình với hai cái cốc để trên ghế gỗ, nhìn nhìn hai cái cốc rồi quay sang nói với một người ngồi cách tôi ba bước chân. “Đéo hiểu nó cho cái đéo gì vào cái rượu này mà ngọt như nhân trần ấy nhỉ?!”. Đối tượng được câu cảm thán ấy nhắm đến, chỉ im lặng nhìn, chả nói gì. Ông ta là một loại người mà có thể đoán là cả ngày thậm chí cả đời chả buồn nói gì. Ông ta chừng hết tuổi trung niên mà chưa tới tuổi già, có vẻ hơi nghèo khổ mà không nghèo quá, lót dép ngồi ở tam cấp cạnh quán café, rung đùi, ngắm sáng thu Hà Nội. Ông ta nhìn anh kia và nhìn cốc rượu mà anh ta miêu tả, khinh khỉnh, bố chả thèm quan tâm.

Anh chủ quán mang cốc café ra cho tôi. Anh bạn, đầu đội lưỡi trai mặc áo phông cũ rích màu vàng, hất hàm hỏi “ông pha rượu này bằng cái đéo gì thế?” Anh chủ quán vừa quay đít bước lại bàn của hai anh, vừa nói, “thuốc kích dục đấy”. “Thế à, đm ông chứ sao lại sáng ra đã cho tôi uống kích dục?” Anh chủ quán đã ngồi lại xuống bàn và hai anh nói tiếp cái gì đấy tôi cũng chẳng để tâm nghe nữa. Hai anh cười khia khia với nhau bông đùa gì đó. Hai anh trông rất Hà Nội, trung niên Hà Nội sinh sống ở phố.

Phía trái tôi bỗng nghe cái rầm. Một cái giá bày hàng văng ra vỉa hè, một thân hình đàn bà rất cân đối ngã kềnh ra đè lên cái già bày hàng. Nhìn lại hóa ra là con manơcanh của cửa hiệu quần áo nhỏ bên ấy, bị đổ. Một thân hình đàn bà khác, kém nuột hơn rất nhiều, lao ra theo, nhưng là một người đàn bà thật. Người đàn bà đích thực ấy tru tréo lên, “mày phá thế à!”. Giờ tôi mới nhìn thấy một đứa bé trai chừng ba tuổi, béo mũm mĩm ăn mặc sạch sẽ, đang rúm lại vì bị mắng, hai tay vẫn đang nắm chặt lấy tay lái của chiếc xe trượt.

Người đàn bà dựng con manơcanh lên, một cánh tay của con manơcanh long ra. Bà ta cầm cái cánh tay ấy, giơ lên như một nữ chiến binh Vikings cầm chiếc rìu của nàng, dứ dứ về phía đứa bé. Bây giờ có thể thấy bà ta chính là mẹ của đứa bé.

– Con mẹ mày, mày nghịch thế à, tao đã bảo mày không được nghịch ở đây mà!

Đứa bé rúm ró nhưng tròn to đôi mắt nhìn, vừa sợ hãi vừa có mầm mống phản kháng.

– Thằng bố nhà mày! Đi ra chỗ khác, nhanh! Tao phang chết mẹ mày bây giờ, mới sáng ngày ra chưa mở hàng! Cút ngay!

Thằng bé lật đật đẩy cái xe trượt chui vào trong ngõ. Phố mùa thu lại trở nên im ắng.

Thằng bé là một thằng bé phố và nó sẽ lớn lên làm một thanh niên phố. Nó lớn lên như vậy. Cha mẹ nó là những thị dân bình thường sinh sống bằng buôn bán trên hè phố. Họ yêu thương và dạy dỗ con cái theo kiểu của họ. Những thằng bé như này sẽ biết chửi bậy từ năm sáu tuổi, lượn phố với các bạn từ năm mười tuổi, năm mười bốn tuổi sẽ bắt đầu hút thuốc quậy phá chọc gái và chơi bời, tới chừng hai lăm hai sáu sẽ lấy vợ và lao động chăm chỉ tối ngày như cha mẹ chúng. Và sẽ sống tốt với kinh tế gia đình không giàu sang nhưng đều đặn vững vàng. Rồi qua ba mươi tuổi khi giao tiếp với người lạ, họ sẽ giao tiếp bằng giọng lịch sự lễ độ như sách giáo khoa.

Tôi uống cốc café của mình rồi đứng dậy trả tiền. Ông trung niên vẫn ngồi im lặng như phỗng cách tôi ba bước chân. Anh chủ quán vào nhà lấy tiền lẻ để trả lại. Quán ngã tư nên có hai khoảng vỉa hè. Ở góc vỉa hè bên kia của quán, có một đội đông đông người ngồi quây lại với nhau. Một ông trung niên giơ máy ảnh lên chụp phố phường, mà ống kính dừng lại hơi lâu ở một góc. Góc đó có một gái, do quay lưng lại chỗ tôi nên tôi không nhìn thấy mặt, nhưng chắc là khá đẹp.

Tôi bước qua ngã tư quay lại chỗ con tôi. Trên vỉa hè có một vọng gác, “vọng gác Thanh Niên”, cửa sổ của vọng gác chắn bằng kính gương, chàng quân cảnh đứng trên hè, quay đầu kín đáo ngắm mình trong gương. Chàng đẹp trai và cao lớn. Rồi chàng nhìn đăm đăm qua góc ngã tư bên kia. Bên đó có một chú thanh niên Hà Nội tuổi choai choai, gày mõ, ngồi trên con xe đạp điện, nghiêng đầu nhìn trời thu đầy ngạo mạn, đằng sau bạn gái chú ôm eo và tựa đầu vào lưng chú.

Vào tối nay ở góc ngã tư này thể nào cũng vấn vương hương hoa sữa, mà những thanh niên Hà Nội dù chửi bậy dẻo hay không, thì cũng đều gắn bó.

***

Vào những ngày lòng mình yên tĩnh, một cốc café góc phố cũng khiến tôi để ý và nhìn thấy nhiều điều, mà những ngày bận rộn thì mọi thứ cứ xẹt xẹt cuốn đi.

Tôi trở lại chỗ con gái, cô giáo dạy múa đến và ba đứa bé gái được diễn lại một tiết mục khác, chúng làm tốt và mặt chúng đang héo trở lại tươi như hoa. Ở chỗ ấy, không giống vỉa hè dưới kia, các bậc cha mẹ đều chuẩn chỉ con ơi con à. Các mẹ lăng xăng váy vung giơ điện thoại chụp ảnh, các bố phong thái ngon nghẻ, kẻ ngồi ở xa lông yên lặng nhìn vợ con và ngắm các cô giáo, kẻ giơ máy ảnh nòng dài ra chụp. Tất cả các bé tham gia buổi biểu diễn này, vì là môn múa, nên toàn là bé gái. Kết thúc bài biểu diễn của con gái tôi, cô giáo ballet của nó bị mời phát biểu. Cô nhận xét về các học trò của mình, cô nói tốt, khi cô vuốt tóc các bé gái của cô, các ngón tay của cô run run, cô không quen cầm micro mà nói chỗ đông người. Cô nói con gái tôi thật tuyệt vời và chẳng có điểm gì để chê cả, trong các bạn thì con là đứa bé rất thích tập với nhạc của piano.

Sáng thu mà yên tĩnh thế này, tôi ước gì mình được ở trong một ngôi nhà cũ giữa phố cũ Hà Nội, nơi mà khi ta đi dưới phố nhìn lên thường thấy một cái ban công nhỏ đặt một vài chậu hoa, một cửa sổ với những chấn song sắt nâu xỉn theo thời gian. Ở đó, tôi làm một ly café phin từng giọt từng giọt, rồi châm một điếu thuốc thơm mà không gì bằng Marlboro đỏ vỏ mềm, rồi giữa âm thanh lao xao của phố phường tôi sẽ nghe nhạc mà không gì bằng một bản tam tấu của Schubert. Rồi tôi sẽ đọc một cuốn sách, sách nào cũng được bởi sẽ chẳng có trang nào có thể in được vào đầu.

Written by Tequila

September 14, 2015 at 2:43 am

Posted in Linh tinh