Teq's Blog

Archive for February 2018

Trên đường 22/2/2018

with 5 comments

Cách Sapa không xa lắm, nhưng hôm nay tôi mới lần đầu đi Y Tý.  Đẹp quá. Mỗi tội đường đi vòng vèo, dốc không cao nhưng cua liên tục, có lẽ còn vòng vèo hơn cả đường Hà Giang. Khi gần đến Y Tý rồi, thì mới gặp cái thằng mà chúng tôi muốn thăm nhà nó, lại quay lại vài cây, tới một ngã tư mà lúc đi qua chỉ kịp liếc là rẽ trái thì là leo núi này, rẽ phải thì là leo núi kia. Thằng bé rẽ lên phía trái, lên được hai chục mét nó quay lại bảo “đường hơi khó đi đấy anh”, tôi phẩy tay ra hiệu cứ đi, anh mày mà phải ngại đường khó à.

Quên mất là tiêu chuẩn của người ta khác mình, đường không phải khó mà là cực khó. Có gần 5km thôi nhưng mà là đoạn đường đang làm dở rồi bỏ đấy, toàn đá hộc và chỗ nào là đất thì sống đất cao ngất, do xe tải đi lúc trời mưa bùn tạo ra. Tôi phải tập trung cao độ và thi triển hết kỹ năng đặt bánh xe. Hồi xưa tập lái xe, ông anh đồng hao dạy cho một bài mà sau này rất phải cảm ơn ông ấy, là phóng xe đá bay lon bia. Chạy xe làm sao để bánh bên phụ chạm vào lon bia cho nó bắn đi, chứ đâm cái rộp là hỏng. Dĩ nhiên không thể trăm phát trăm trúng nhưng có luyện tập và thỉnh thoảng thực hành khá ngon. Thế mà vào cái đường này, con sedan già cỗi của ông già cũng bị phang gầm xuống đường cành cành vài phát nhẹ nhẹ. Đường khó quá quên cụ của địa danh cái làng đấy.

Một cái làng cực đẹp ở một khu vực cực đẹp của Y Tý. Chúng tôi vào nhà thằng bé ăn cơm. Trong lúc chờ cơm, thì vợ đi ra ngoài xong quay về bảo có cái nhà vệ sinh đẹp nhất Vịnh Bắc Bộ. Tôi bèn ra xem, mặc dù không có nhu cầu. Quả thực là một cái nhà xí tuyệt trần.

wc y ty

Đấy là WC nhà thằng Thắng, 20 tuổi, sành điệu tóc cua hai bên dựng ngược trên đầu, áo trắng đeo kính đen hot boy.

Trên đời có tồn tại một cái hội gọi là hội Học làm Thợ. Hội này do một số thanh niên già giỏi võ và tốt bụng lập ra, chuyên hỗ trợ cho bọn trẻ dân tộc H’mong xuống Hà Nội học làm thợ, tất nhiên. Mỗi năm hội này xét duyệt thế nào đó, ra một số đối tượng chăm ngoan, rồi kêu gọi anh chị em quen biết tài trợ cho bọn chúng tiền đi học. Tôi cũng chả biết vợ tôi tài trợ cho thằng Thắng này lúc nào. Chuyến đi Sapa này, cậu ấy chỉ bảo là em có cho một thằng đi học, nó mời nhân tiện lên nhà nó, mà mình cũng đi Y Tý một chuyến cho biết. Hóa ra thằng Thắng này được vợ tôi tài trợ cho một học kỳ, rồi nó tự đi làm thêm kiếm tiền ăn ở, từ kỳ thứ hai là tự lập. Thằng bé rất ngoan, xứng đáng với bằng khen học sinh tiên tiến năm lớp 11 đóng đầy bụi treo trong nhà nó.

Lúc ăn cơm, vợ tôi lại dỗ dành thằng em nó, năm nay vừa lớp 11, là cố gắng học cho hết cấp ba, rồi lại xuống Hà Nội học, chị tài trợ cho. Trong chuyến đi này, đếm ra thấy vợ tôi dỗ dành tới mấy thằng trẻ con là học đi rồi chị/cô cho xuống Hà Nội học. Vợ tôi được cái tốt bụng, mà không kể. Chả bù cho tôi, giúp được ai cái gì thì kể lể đầy internet. Nhân tiện kể phát. Có lần buồn đời duyệt web, thấy có trường hợp thương tâm, bèn bấm chuyển khoản 1tr thấy tiếc tiếc nên chuyển 500k thôi không đề tên tuổi. Chuyển xong thấy mình tốt bụng quá, phục mình vãi, bèn đi uống bia với bạn hết 700k.

***

Ra khỏi nhà thằng Thắng, lại lên đường trở về Lào Cai để về nhà. Vừa ra khỏi cửa, thằng con trai bắt đầu đòi kể chuyện. Chuyện nó đọc được ở đâu đó. Chuyện rất dài dòng nhưng đại loại rằng có một ông nhà nghèo, nhưng mà lại rất thích cho tiền người khác. Cứ có tiền là cho. Sau tự nhiên ông ấy may mắn có rất nhiều tiền, ông bèn mở cửa nhà cho tất cả mọi người cần tiền, tới khi hết tiền thì thôi. Mấy năm sau những người được cho tiền, quay lại trả tiền ông ấy gấp đôi, đâm nhà lại còn nhiều tiền hơn. Ông tức quá, vì suốt ngày có người đến đòi cho tiền lại ông ấy. Bèn ra lệnh cấm là ai được cho tiền cũng cấm được trả lại.

– Thế ông ấy thích nghèo à?

– Vâng, bố, ông ấy thích nghèo lắm. Ông ấy còn cầu cả Thần Nghèo Khổ phù hộ để ông ấy được nghèo.

– Bố thích nhiều tiền không thích nghèo.

Vợ tôi xen vào, đấy con thấy không, nếu mình cứ giúp đỡ người khác thì lúc nào mình cũng giàu. Câu chuyện lại thành ra một bài đạo đức SGK mất. Tôi bèn hỏi tiếp câu chuyện cuối cùng thế nào. Con trai kể tiếp, ông ấy cho hết tiền và cấm người ta trả lại. Rồi ông ấy phá hết nhà cửa chỉ để lại một cái nhà bé, phá hết ruộng vườn để được trở nên nghèo khổ như xưa. Nhưng mà lúc ông ấy phá ruộng vườn san đất cho phẳng thì lại đào phải một đống tiền. Cuối cùng ông ấy vẫn rất nhiều tiền và ông ấy cực kỳ tức giận.

Tôi nghĩ, có khi lần sau lên nhà trên núi mình phải đào vườn một phát, biết đâu lại đào được hũ vàng mà người ta chôn từ hồi dân H’mong chuyên tâm trồng thuốc phiện. Chứ chắc phải làm thế nào mua cái xe khác thôi, con sedan già cỗi này của ông già không còn phù hợp nữa. Năm người, cả ông già, ngồi trong xe chật chội, điều hòa thì hỏng. Bọn trẻ con lớn rồi, chúng không nằm ngả ngốn trong xe 5 chỗ được nữa, phải kiếm xe 7 chỗ thôi. Mà con xe cũ và xấu quá, đi vào trạm xăng người bán xăng còn ái ngại cho mình, chắc họ nghĩ thằng này mới tập xe nên chạy con xe cà khổ sứt mẻ khắp nơi. Đâu biết rằng nó vốn là một con xe nhập khẩu cực kỳ lành và bon. Đâu biết rằng thằng lái xe là một tay lái cứng chỉ thua các bác tài chuyên nghiệp. Xe tao cũ xấu, chúng mày ngon cứ vượt, tao đi đúng tốc độ cho phép biển bao nhiêu đi bấy nhiếu. Bọn em chã phóng ầm ầm vượt  cho vượt, có thằng thì bị cảnh sát xích, còn những thằng khác mười thằng đến chín thằng cuối cùng bị vượt lại. Bọn em chã chạy được 50km, 100km phóng như chó, nhưng lên đến tầm 150km, 200km cuối cùng đều phải chậm lại. Thằng 29K, thằng 30U…, lần lượt tụt lại hết. Tao chạy xe máy cà khổ từ Mèo Vạc về Hà Nội trong ngày, chạy sedan cà khổ từ Hội An về Hà Nội trong ngày.

Bởi vì lái xe và những con đường là sở thích. Chỉ là vì làm cái nghề văn phòng, ít được đi cho sướng đời.

***

Chúng tôi đi nhiều, những đứa trẻ lớn lên với những chuyến đi, với rừng núi, qua thời gian chúng cũng ngấm dần qua những câu chuyện và những hình ảnh. Con gái 6 tuổi bảo, con chỉ thích Sapa như hồi trước ấy không tắc đường như thế này, ít người thôi. Con trai 8 tuổi bảo, đi chơi đã thích xịn là phải cực xịn, còn thích hoang vu là phải thật hoang vu cơ, xây nhà ít thôi, trồng cây nhiều vào. Thằng này khá, có thể làm được bộ trưởng bộ du lịch.

Thằng con trai mẹ dặn thế nào thì dặn, hễ xuống tới suối là bất kể đông hè, nhảy ngay ra lội nước. Còn dạy bố là nếu bố sợ nước lạnh thì đầu tiên thò một tí chân xuống thôi, quen rồi thò cả bàn chân, rồi quen nữa thì nhảy luôn xuống lội là sẽ không lạnh đâu bố ạ. Bố mày chả thừa biết khỏi phải dạy, nhưng bố không thích lội suối nữa, bố chỉ thích ngồi trên tảng đá ngắm chúng mày thôi.

Đứa con gái thì đẹp quá. Nếu nó không có cái tính đành hanh và lớp một đã biết điều khiển bọn giai, thì bố mày lo cho mày lắm. Đôi khi bố nhìn mày chả hiểu sao đẻ ra mày xinh thế. Vợ bố đẹp thì tất nhiên rồi nhưng mày vẫn xinh quá con ạ, xinh quá sợ khổ. Vậy nên bố rất ưng thấy mày đanh đá và cứng đầu.

Đứa con gái hôm qua đi trèo núi cao ơi là cao mà không biết mệt, lại cùng các chị H’mong lấy được những cành hoa mận dại màu đỏ tía cực kỳ đẹp. Con cùng các chị mang về nhà, đào đất cắm chúng xuống gốc đào trong vườn, lấy nước tưới. Những chuyến đi và những việc làm của bố mẹ, chỉ mong các con biết được cái gì là đẹp, cứ đẹp là vui rồi.

Tôi bảo nó, Lam có thể trở thành công chúa xấu xí đấy. Nó cười phá lên. Con rất thích được là công chúa xấu xí. Tôi thường kể cho nó nghe chuyện công chúa xấu xí. Tôi sợ nó tự mãn mình xinh đẹp nên luôn kể chuyện công chúa xấu xí cho nó nghe. Ngày xửa ngày xưa ở một vương quốc nọ, có một ông vua rất đẹp trai và một bà hoàng hậu rất xinh đẹp, nhưng mà đẻ ra một công chúa cực kỳ xấu xí. Xấu vãi lúa. Mà không chỉ thế, nàng còn cực kỳ ngu ngốc. Mỗi khi tôi miêu tả nàng công chúa xấu thế nào, nàng công chúa ngu thế nào, con gái lại cười phá lên khoái chí và nó rất thích nàng công chúa xấu xí, bởi nàng xấu và ngu nhưng nàng rất là tốt bụng và dũng cảm.

Ngồi khép chân vào, ăn ngậm miệng vào không được chép chép… muốn thành công chúa hay muốn thành công nông! Biết xe công nông chạy pành pạch khói đen xì thế nào rồi đấy! Tôi là một ông già khắt khe của nó.

***

Còn ông già tôi, ông ấy trông già quá so với tuổi của ông. Ông chẳng có bệnh tật gì, nền tảng sức khỏe vô đối vì ông ấy là phi công. Nhưng từ khi về hưu ông chỉ nằm xem ti vi, và ông già đi từng năm một. Lần này đi cùng chúng tôi lên bản, ông làm vườn cả ngày, rồi tối ông uống rượu. Ông uống khỏe cứ như hồi tôi còn bé vậy, cùng uống như nhau và cùng say như nhau.

Ông mua phân lân về, rồi tự tay bón cho từng gốc cây đào cây mận con từng gốc hồng trên nhà. Ông bảo, rồi con xem, mấy bữa nữa mưa xuống, có bón phân vào thì cây cối sẽ tốt tươi khác hẳn. Rồi ông uống rượu với anh em H’mong rất phấn khởi, rồi bảo tôi cái này cái kia. Ông già tôi không tinh tế, ông không thể cảm nhận được những thứ rất nhỏ thôi mà nó có những căn nguyên rất khác. Ông thô mộc và giật cục, ông chỉ có đen và trắng. Như cách ông lái xe, cà giật cà giật khiến ngay cả tôi ngồi bên cạnh còn muốn say xe. Mày đừng đòi bố mày lái êm, ông nói, bố mày toàn lái máy bay ném bom với trực thăng, êm thế nào được mà êm, mà bố thấy lái xe khó hơn lái máy bay.

Tối ngồi ở nhà Chư uống rượu say, có anh say khác tên là Sang đến uống cùng. Sang bảo, chú là bố của Đức à, thế gọi là bố. Bố ơi, sáng mai sang nhà tôi uống rượu nhá. Bố ơi, bố uống thêm đi. Bố ơi, cái lọ cái chai, bố ơi. Ông già chắc sướng được gọi là bố, sáng sau tôi bận tự ông sang nhà Sang uống rượu. Ừ, con trai và con dâu tao đã lên chơi kết bạn với chúng mày được mười hai năm rồi, tao rất vui và tao sẽ uống với chúng mày. Ông già sung sướng và ông không thể hiểu hết được những điều nhỏ nhỏ, mà cũng không ai hiểu hết được. Làm khách vui với nhau khác, làm bạn thân nhau khác, mà thân nhau sống với nhau lâu đến thế này nó khác. Ngày xưa ông già có làm thơ, giờ ông không làm thơ được nữa rồi.

***

Tôi ngồi viết kể chuyện đêm nay, vì sau gần 12 tiếng chạy xe thì cũng mệt, nhất là vì đường xấu và vòng vèo khu Y Tý. Lần nào chạy xe lâu, về nhà, tôi cũng không ngủ được. Tôi phải ngồi uống bia và ngồi máy tính thật lâu, cho đầu nó giãn ra dần, và những ý nghĩ của mình được giải phóng ra.

Khi đạp côn đạp ga và vòng vèo qua những con đường núi, rất nhiều khi tôi nghĩ đến những con đường xa xôi vạn dặm của người xưa. Ví như con đường tơ lụa chẳng hạn. Có biết bao nhiêu thằng mà hồi xa xưa ấy đã bỏ cả đời ra để đi vài chuyến đi như thế, có thằng đi vài lần, có thằng đi vài bước đã gục. Làm sao hiểu nổi những gì đã xảy ra, những hạnh phúc nào và những buồn thương nào trên những chặng đường dằng dặc khổ ải khó khăn như thế. Những yêu thương không bao giờ được kể, những niềm vui đã bị quên lãng, những oán thù hay ti tiện mà thời gian đã chôn vùi.

Khi tôi ngồi trong đêm và cố gắng tìm một ngôi sao mà mình yêu thích trên trời, tôi có thấy thích một ngôi sao mà nó mờ tỏ quá đến nỗi không chắc là lần sau lại tìm ra đúng nó. Có điều gì là thực sự của mình hay không, mà liệu có nhất thiết phải có gì đấy là của mình hay không, kể cả là bản thân mình đi nữa thì có cần phải là mình hay không. Chẳng cần thiết, khi nếu thích thì mình có thể sở hữu được cả một ngôi sao miễn là mình thích thế.

Written by Tequila

February 22, 2018 at 3:10 am

Giao thừa năm mới

with 4 comments

Tôi có nhiều điều để nghĩ trong đêm nay, vì thế lại ngồi máy tính, sau nửa chai Ararat với ông em trai. Để tôi dốc nốt phần còn lại của chai whisky này đã. Một chai Chivas, cụ cái hãng Chivas, mẹ tôi xách về từ đâu đó cho tôi, cho nên nó ngon làm sao. Tôi dốc hết chai được phân nửa cái chén uống trà to. Hãy quên đi những chuyện như là uống whisky phải làm sao dùng cốc như thế nào. Chai này của mẹ tao mang về, do đó tao uống kiểu gì cũng đều ngon cả.

Tôi đưa vợ con đi xem bắn pháo hoa. Đã nhiều năm nay chúng tôi thường xem pháo hoa ở chỗ đó. Phải đúng ở chỗ đó. Đến nỗi khi tôi bảo vợ đứng dịch ra một chút, để xem cho rõ, chứ chỗ này bị vướng cột đèn, xem pháo hoa bị chắn cột đèn. Nhưng vợ tôi không chịu dịch đi, em muốn đứng ở chỗ đó. Tôi ôm cái eo của em, em tựa đầu vào vai tôi, nhìn pháo hoa rực rỡ sau cái cột đèn, sau bao nhiêu những tình yêu và đau khổ mà tôi đã gây ra, và chắc là tôi còn sẽ còn gây ra. Căn nhà cũ của vợ chồng tôi cách đây không xa, chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Vài ba năm ấy, tầm tối 30 Tết, chúng tôi sẽ cố gắng bán hàng, rồi lên nhà tắm rửa, rồi cho bọn trẻ con lên xe ô tô, chở đến đúng chỗ này để trẻ con xem pháo hoa. Rồi chúng tôi đến xông nhà bố mẹ vợ, uống một vài ly rượu, rồi chúng tôi về nhà tôi, uống rượu với ông bà già, rồi về, rồi tôi sẽ mang vàng mã xuống đốt ở cái lò công cộng chân chung cư. Ôi bao là thương nhớ. Tôi còn nhớ những con ốc sên trượt trên lá cỏ mà những đứa trẻ của tôi tìm thấy, khi tôi dẫn chúng chập chững tập đi.

Hôm rồi tôi dọn văn phòng, dọn cả những tờ giấy cũ ghi chứng từ thuê nhà. Căn hộ chúng tôi đi thuê những năm ấy. Chúng tôi ôm đứa bé trai đầy tuổi để đến căn hộ chung cư ấy, rồi chúng tôi đẻ bé gái thứ hai ở đấy. Tôi đã bảo vợ mình, thôi ăn cơm đi, xong rồi mình đi đẻ. Rồi trong cái bếp nhỏ nơi tôi đặt bàn máy tính của mình, tôi đã ru những đứa con trên tay, trong tiếng nhạc. Rồi khi bọn trẻ đã ngủ, khi ấy tôi lại ngồi vào bàn máy tính và rầu rĩ.

Tôi rầu rĩ vì những điều gì, toàn những điều nhảm nhí mà thôi. Tôi muốn được là hình ảnh mà cha mẹ tôi muốn tôi là, tôi muốn là đại ca trong những hội nhóm vớ vẩn, tôi muốn được là tôi, một tôi hoành tráng mà tôi muốn là. Đó là cách mà tôi để cho cuộc sống của tôi diễn ra, và nó thật vớ vẩn quá.

***

Đêm ba mươi hôm nay, tôi uống rượu với thằng em trai. Chúng tôi nói những điều hoành tráng và giản dị. Khi nào tôi nói hoành tráng thì thằng em nói giản dị, và ngược lại. Rồi vợ tôi ở trên nhà nhắn tôi một cái tin. Tôi đứng dậy, vào nhà, vác thùng bia Ken trên vai, ra mở cổng bước những bước hoành tráng đàng hoàng mà tôi luôn đàng hoàng như vậy, tiến tới bãi rác.

Đã sang Mùng một Tết, ở bãi rác còn hai anh chị công nhân môi trường. Chị chửi anh gì đó rồi đẩy cái xe đi. Còn anh đứng đái bên thùng rác. Chắc hẳn anh rất buồn đái, anh đái lâu đéo chịu. Tôi bước chầm chậm, đợi anh đái xong và vẩy chim xong. Anh trố mắt nhìn tôi. Tôi tiến đến gần bảo, các bác vất vả quá, nhà nào cũng đón Tết, các bác vẫn làm việc, em vác két bia ra biếu anh, chúc mừng năm mới. Chúc anh và mọi người năm mới vui.

Anh thợ rác rất ngạc nhiên xong hiểu ngay, ờ, cảm ơn em, đéo gì rác nhiều vãi cả đái mãi anh đéo được về gì cả. Rồi anh chìa tay ra. Đôi bàn tay anh thật bẩn vì rác và vì mới vảy chim. Tôi bắt tay anh thật chặt. Nhà em đầu ngõ này, lại có mấy quán chè đá, mong các anh chị giúp đỡ, thôi năm mới em có két bia chúc các anh chị và gia đình mạnh khỏe. Ừ cảm ơn em nhé, Tết vui em ơi, anh mệt quá rồi nhưng cũng phải xong quả rác này em ạ, thôi em về nhé, chúc gia đình vui.

Tôi chia tay bác rác xong về nhà, đéo cần rửa tay, ngồi luôn vào bàn uống tiếp cognac với ông em trai. Rửa làm đéo gì khi đêm về sáng Mùng một Tết mình đã được bắt tay một bàn tay bẩn vãi đái nghĩa đen, nhưng tử tế. Chúng ta nên sống tử tế và yêu nhau, bẩn đéo gì.

Vợ đang trên nhà cho trẻ con ngủ, tôi nhắn một cái tin, anh mang két bia biếu các bác rồi. Vợ trả lời bằng một cái hình đại loại là yêu anh. Tôi nhắn lại một cái tin là, cảm ơn em, vì em cứ bảo anh làm những việc này nọ mà làm xong anh thấy rất vui.

***

Tôi lại nhớ đến buổi chiều hôm đó, chúng tôi ở trong ô tô và chạy trên một con đường mưa Hà Tĩnh. Một đôi vợ chồng chạy xe máy ôm đứa con nhỏ, mưa ướt hết cả hai. Vợ tôi vỗ vai tôi, rồi kéo kính xuống, em ơi lên đây. Người chồng ngần ngại dừng xe, người vợ ôm đứa con chưa đầy tuổi nhảy lên sau xe. Sau đó những người đàn bà chăm sóc những đứa trẻ. Tôi lái xe phóng vun vút, anh chồng kia phóng xe máy vun vút, mưa ướt hết anh ấy. Đến ngã ba gần tới nhà, tôi dừng xe, những người đàn bà cảm ơn nhau, tôi và anh kia cảm ơn nhau.

Một lúc nào khi em đừng quá để tâm đến anh, con chúng ta, bố mẹ chúng ta, bố mẹ em, bà của anh, mẹ của anh, những đứa em út… anh sẽ chở em sang nhà ngoại, và ở ngã tư chợ Mơ, anh sẽ chỉ cho em thấy em của năm xưa, mặc áo khoác màu vàng đạp cái xe đạp xanh, tóc dài buộc thả sau gáy, diễm tình xinh đẹp và đanh đá.

Written by Tequila

February 16, 2018 at 5:47 am

Posted in Linh tinh

Chiều cuối năm chờ tết

leave a comment »

Tết âm lịch luôn là một dịp đặc biệt của năm.

Ngày giáp tết, những con phố buôn bán chính vẫn rộn rã tấp nập, người ta hối hả mua bán những món đồ tết trên hè phố. Còn những cửa hàng cửa hiệu, phân nửa đã đóng cửa. Đa phần số cửa hàng ấy đóng cửa vì chúng không bán những món đồ của ngày tết, chủ của chúng đóng cửa để lo tết cho gia đình. Nhưng cũng có một phần nhỏ trong số chúng, rồi sẽ không bao giờ mở cửa trở lại nữa, sau tết chúng sẽ nhường diện tích cho những cửa hàng mới.

Ngoài những khu mua bán, đường phố đã rộng rãi và thoáng đãng. Hà Nội lại hiện ra vẻ đẹp êm đềm mà nó vẫn phải  giấu bên trong tấm voan dày roi rói rối rắm chen chúc màu sắc thường ngày. Nó lại để lộ ra cho mình thấy những êm đềm lãng mạn đầy kỷ niệm. Đi xe máy trên phố mà ngắm, đôi khi lại thấy vui vì hóa ra cái cây bàng góc phố kia vẫn thế suốt bao năm nay, cái cành to gấp khúc của nó vẫn làm dáng đúng như vậy suốt từ khi mình còn bé tới giờ. Nếu mình giờ mà đi xe đạp rẽ vào con phố đó, chắc hẳn ở cái ngõ nhỏ cạnh gốc bàng, con chó vàng tai cụp chắc chắn vẫn đang ghếch chân gãi tai và sủa gâu gâu khi mình đạp xe qua, chủ của nó chắc chắn lại quát “Giôn, im, chỉ được cái dọa trẻ con!”, còn mình sẽ nghĩ “bố mày lại ném cho quả pháo đùng bây giờ!”

Thời gian qua nhanh thật nhanh. Từ bé đến giờ tôi hầu như chỉ sống ở đây, với vài vệt đường của trung tâm Hà Nội cũ, nên hình ảnh và kỷ niệm của nó rất đậm đặc. Mỗi dịp năm cũ qua đi, năm mới đến, hay là đủ các dịp ba lăng nhăng nào đó trong năm, mà tôi muốn nhớ một chút, thì tôi nhớ ra đủ thứ. Khi nhớ lại thì những kỷ niệm bao giờ cũng êm đềm, cho dù khi xảy ra thì nó không được êm đềm cho lắm. Người ta thường hay nói là, khi mà cứ hay nghĩ về quá khứ thì tức là đã già. Những bọn hay nói thế, chắc là toàn sống với tương lai mà chẳng sống với hiện tại. Tôi thì thích hiện tại hơn, lúc nào tôi muốn một ngày hiện tại của mình thật là rõ ràng. Ngày hiện tại luôn rõ ràng và vì thế những ngày quá khứ cứ hiện ra vì có sự so sánh.

Hôm trước nhà bố mẹ vợ tôi luộc bánh trưng tết, tôi đưa ông già tôi sang để uống rượu chung vui cùng đun bếp lửa. Rượu tàn, tôi đưa ông già về rồi quay lại. Ông anh đồng hao bảo, ông già chú dạo này già quá. Ừ quả vậy, ông già tôi mấy năm nay đích thực là một người già rồi. Ông ấy chẳng quan tâm đến hiện tại của mình nữa, chỉ quan tâm tới tương lai mà những đứa cháu nội là đại diện. Mà không già sao được. Thời gian qua quá nhanh. Mới hôm nào thôi rất là gần, ông già tôi còn kèm cặp dạy học cho thằng cháu, con cả của ông anh đồng hao, để nó có thể lên cấp hai thành công. Ông già tôi không đạt kết quả tốt lắm, tôi phải nhảy vào. Rồi nó cũng lên được lớp 6 ổn thỏa. Thế mà giờ thì nó đã 20 tuổi và dẫn bạn gái về nhà cùng ngồi đun bánh chưng. Tôi bảo nó lấy cái đàn guitar của nó ra, chú dạy mày chơi Love me tender để mà còn hát cho bạn gái nghe. Giời ạ mua đàn mấy năm rồi mà vẫn còn không biết bấm E7 với F#. Quay sang hỏi ông anh là hồi đấy mua bao nhiêu, tính ra cái hồi ấy cũng đã bốn năm rồi.

***

Chiều nay 29 Tết, tôi lên văn phòng. Tôi muốn đến phòng làm việc để dọn dẹp nó, vứt đi hết những thứ rách nát của năm cũ, hy vọng một năm mới sẽ tươi đẹp hơn. Tôi dọn từng tờ giấy, từng đồ vật lủng củng trong ngăn kéo, từng cái bút chì bút bi. Cả những tờ giấy cũ và những cuốn sổ làm việc cũ, mà tôi vẫn cứ thích giữ lại. Những cuốn sổ cũ cũng có cái hay của nó. Tôi thích công việc của mình và nó cho tôi nhiều niềm vui. Mở một cuốn sổ cũ, nhìn mấy dòng ghi chép cũ, tôi lại hình dung ra được cái ngày ấy mình đang làm việc gì, với những ai, tôi ngồi làm việc ở cái bàn nào hồi đó, nghe cái tai nghe nào trong giờ làm việc, hay nghe những bản nhạc nào, hồi đó chạy con xe gì, rồi với cái xe đó thì mình chạy đi chơi ở đâu vào năm đó, như thế nào. Những hyperlink như vậy khiến tôi có thể ngồi cả buổi để nhẩn nha nhẩn nha. Thường mỗi năm tôi vẫn dành ra đôi ba ngày như vậy, thu dọn, mở lại những cuốn sổ cũ xem vài trang, rồi lại cất lên giá. Nhưng hôm nay tôi cho tất cả vào túi đựng rác.

Năm sắp qua này khác những năm trước. Tôi vứt những cuốn sổ cũ đi vì đã một năm qua tôi không buồn mở chúng ra và tôi hiểu rằng mình sẽ không còn muốn mở chúng ra nữa. Có một dấu chấm đã được chấm, dù có thể là dấu chấm xuống dòng, chấm hết chương, hoặc chấm hết một cuốn sách để đọc sang cuốn mới. Chỉ có tương lai mới trả lời được, nhưng chấm vẫn là chấm.

Tôi dọn dẹp phòng mình sạch sẽ tinh tươm như là vừa mới chuyển đến. Tôi bỏ bộ ấm trà cũ đi, đặt trên bàn bộ ấm trà mới mà các bạn đồng nghiệp mua tặng cho tôi. Đặt lên bàn đôi hộp bánh, một chai sâm banh, để ra tết đi làm tôi sẽ chúc mừng năm mới với các bạn. Tôi đặt lên bàn một chai cognac nữa. Tôi để dưới chân bàn hai chai whisky.

Nhưng rồi tôi thấy rằng mọi cái Tết từ khi đi làm, bao giờ tôi cũng ở lại muộn nhất ngày cuối tết, để thưởng thức một không gian cuối năm chỉ có một mình mình, uống một chút viết một chút. Thế nên tôi mở cái chai cognac, tự chiêu đãi mình ngày cuối năm ở văn phòng. Tôi mở nhạc nghe, chỉ nghe một bài nãy giờ, một bài của Mark Knopfler và vợ lão là Emmylou Haris, bài Love and Happines for You. Thật là một bài hát dịu dàng cho một ngày giáp tết.

Here’s a spinning wheel
Use it once you’ve learned
There’s a way to turn
The straw to gold
Here’s a rosary
Count on every bead
With a prayer to keep
The hope you hold

You will always have a lucky star
That shines because of what you are
Even in the deepest dark

Bài hát thật dịu dàng và vị cognac thật dịu dàng. Mày sẽ luôn có một ngôi sao may mắn chiếu sáng, kể cả trong bóng tối sâu nhất, bởi vì cái kiểu nó là như  thế.

Vào năm hơn hai mươi tuổi, trong một đêm lạnh giá băng đóng từng mảng trên cửa sổ mà vẫn phải mở hé cánh vì khói thuốc quá dày đặc, tôi chơi nguyên một chai vodka và viết một trong những thứ tôi yêu thích nhất và đến giờ vẫn thuộc lòng, là cái câu chuyện  nhảm nhí Đường đi dưới ánh mặt trời. Một câu chuyện thật trẻ trâu, nó chỉ có ý nghĩa nhắc nhở bản thân mình rằng mình lúc nào cũng sẽ vui, sẽ ngây thơ, tin tưởng vào con người, yêu tình yêu, và dở hơi biết bơi.

Tôi tin vào một ngôi sao của mình, ngôi sao nằm đâu đó trên bầu trời. Nó không phải là một ngôi sao thật sáng, nó sẽ bị che mờ đi khi chỉ cần một đụn mây mỏng trôi qua. Nhưng nó luôn ở đó, dù mây mỏng, mây dày, hay mưa, hay đèn đường quá sáng. Nó luôn ở đó.

***

Ngày mùng ba Tết, như mọi năm, tôi sẽ lại chở vợ con mình, lần này có cả ông già đi theo, lên bản ăn Tết H’mong. Góc núi nơi có căn nhà gỗ của vợ chồng tôi rất gần bầu trời. Vào những đêm trời trong, có thể leo lên máy nhà dùng một cái sào tre mà khều sao xuống được. Nếu gặp may trời trong, tôi sẽ đợi cho ông già và vợ con ngủ cả, tôi sẽ thức muộn hơn, và cùng với một ít rượu ngô hoặc whisky, tôi sẽ tìm ra ngôi sao của mình.

Tôi sẽ ngồi trước thềm nhà mình, gió lạnh quá thì tôi sẽ khều cho lửa to lên. Rồi say quá khuya quá tôi sẽ đi ngủ. Khi thức dậy sẽ lêu hêu một lúc rồi lại nhập vào một bàn rượu nào đó, nhai những miếng thịt gác bếp, hồ hởi bốc phét cho đến khi thằng nói tiếng Kinh thằng nói tiếng H’mong mà vẫn hiểu nhau, bởi đơn giản chúng ta yêu quý nhau.

Và một năm mới tốt đẹp sẽ đến, như mọi năm mới đã qua và mọi năm mới đang chờ.

Chai cognac này uống êm quá, tôi có thể uống nó cho đến khi lăn quay ra và ngủ một giấc. Nhưng chiều tối ngày hai chín tết, còn nhiều thứ phải làm, thế này là đủ. Vợ đang đợi ở nhà, phải đi mua mấy cái bóng đèn, mang mấy cái chai rượu quà tết còn lại này về nhà để tự xử. Tất cả mọi người sẽ còn phải bận rộn với đủ mọi thứ việc hiện ra, cho tới đùng một phát vào thời khắc sắp giao thừa, tự nhiên chả còn việc gì nữa cả không còn gì phải lo nghĩ và chúng ta chỉ còn đợi giao thừa để chúc mừng năm mới nữa thôi.

***

Tôi dành lại một chai whisky, giờ xuống biếu chú em bảo vệ rồi đi về. Chú em sẽ phải ngồi trực ở đây qua Tết, chai whisky này chắc sẽ khiến chú thêm vui.

Chúc mừng năm mới.

Written by Tequila

February 14, 2018 at 6:53 pm

Posted in Linh tinh