Teq's Blog

Archive for August 2013

Lưu Quang Vũ–29/8/2013

with 8 comments

Hôm nay là ngày mất (dương lịch) của Lưu Quang Vũ.

Vũ, về cơ bản, chẳng phải mặt trăng mặt trời, tôi nghĩ anh là một người như chúng ta, anh đã sống, đã làm thơ, đã viết và đã chết. Anh cũng phò đéo tả! Tôi, về cơ bản, là ghét thơ, thơ thẩn đéo gì hại não bỏ mẹ, tôi chi đọc được thơ của bạn Kỳ và thơ của Lưu Quang Vũ. Có thể nói là tôi yêu thơ Lưu Quang Vũ, và tôi yêu anh ấy, đáng lẽ anh ấy phải là bạn tôi. Nhưng anh đã chết từ lâu rồi. Vũ viết một bài thơ vãi đái như thế này, (tôi tạm nhặt trong nhiều bài thơ hay không thể nào tả nỗi của anh ấy):

(Tôi google rồi copy rồi patste, nhưng với thơ của anh Vũ thì đéo ai lại copy paste, buồn lắm, nên tôi gõ lại từng dòng sau đây)

Quán cà phê ngoại ô

Quán cà phê ngoại ô
Căn nhà gỗ bộ ghế bàn thấp nhỏ
Mảnh vườn tối với những pho tượng cổ
Bức sơn dầu đã cũ
Nắng chiều phố vắng ven sông


Ông chủ quán gầy bạc phếch chiếc quần nhung
Cô con gái mắt đen dài ngơ ngác
Cái máy hát ở góc phòng khẽ hát
Phơ-răng-xoa Hác-đy
Cô danh ca người Pháp giọng trầm khàn
Cháy trên lò tí tách ngọn lửa xanh
Khi mưa đổ bất thần ngoài cửa sổ
Mười bảy tuổi chúng ta thường tới đó
Nói rất nhiều về những cửa biển xa
Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta
Trước ngưỡng cửa cuộc đời mênh mông khu rừng tối
Vừa quyến rũ vừa phập phồng lo ngại
Như anh điên trước quán tóc bù xù
Cứ mỉm cười bí hiểm dõi nhìn ta.

Nay một mình trở lại ngoại ô mưa
Lụp xụp quán cà phê ngày cũ
Chiến tranh mãi, bạn đã nằm dưới mộ
Em nơi nào trong tít tắp chia xa
Ông chủ quán đã già
Mặt vàng vọt và tay xương run rẩy
Cô con gái vẫn ngồi trong bóng tối
Đã có chồng và tay đã xấu nhiều đi
Chiếc máy hát rè rè
Bài hát cũ nghẹn không thành tiếng được
Cô danh ca nghe nói giờ đã chết
Và bức tranh màu nắng đã phai sơn
Anh đã đi dằng dặc những ngả đường
Những rừng tối mịt mù muỗi độc…

Điều anh tin không có ở trên đời
Điều anh có không giúp gì ai được
Gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm
Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi.
Quán cà phê chạng vạng khói bay
Mùi khói cũ cay xè con mắt
Ngồi quanh bàn giờ bao người lạ khác
Cãi ồn ào những chuyện làm ăn
Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường
Thân tiều tuỵ ôm mặt cười lặng lẽ.

***

Với những bài thơ như thế này, thú thực là tôi không thể nào chịu nổi, đành phải chửi tục mà thôi.  Anh làm thơ hay đéo thể nào mà chịu nổi. Em đéo làm sao mà tin nổi là đất này từng có những người như anh.

Hôm nay, 25 năm ngày Lưu Quang Vũ chết, trên các báo mạng có tin về anh. Tôi google, và biết nhà anh ở 96 Phố Huế. Ôi, gần ngay văn phòng tôi, ngày nào tôi chả ngang qua nhà anh. Tôi thấy là tôi buồn, vô cùng tận, sến quá biết chia sẻ với ai. Điều anh tin không có ở trên đời, điều anh có không giúp gì ai được.

***

Các bạn ạ.

Ở nước ta có những nhà thơ như anh Vũ. Ở nước ta có những nhạc sỹ, như anh Cao anh Sơn anh Chuẩn. Ở nước ta cũng có những nhà văn, có những anh hùng chiến trận. Có những con người yêu và sống và yêu và sống. Nhưng họ đã chết cả rồi. Nay chúng ta chi có tiền, mà lại là ít tiền, và cứ thế sống và buồn cô độc. Quá nhiều người không sao mà tin nổi tình yêu tình bạn hay danh dự.

Anh Lưu Quang Vũ còn sống tới giờ này, ắt anh chẳng thể làm thơ nổi, anh sẽ ấy chỉ biết uống rượu mà thôi, nói nhăng cuội làm trò hề cho bọn trẻ. Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi.

Chi anh điên vẫn đứng sững ngoài đường. Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ.

***

Anh đã chết quá lâu ai quan tâm. Thơ của Quỳnh viết cho anh giờ này chỉ bọn gái ẩm ương mới đọc (vợ bọn em mà đọc thơ Quỳnh thì chỉ khổ cho bọn em). Kịch của anh giờ ai diễn ai xem. Em nghĩ anh chỉ còn những bài thơ, những bài thơ không thể nào mà chịu nổi.

Có những người không xa nổi Hà Nội vì những bài thơ của Lưu Quang Vũ.

Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi.
Quán cà phê chạng vạng khói bay
Mùi khói cũ cay xè con mắt

 ***

Mùi khói cũ cay xè con mắt.

Written by Tequila

August 30, 2013 at 1:01 am

Posted in Linh tinh

Chưa đi mà như đã đến

with 8 comments

Tôi cũng không ngờ rằng mình hoà nhập lại nơi này, cả về vị trí địa lý và vị trí tâm hồn, nhanh đến thế. Như thể một cái laptop đang dùng thì gấp xuống, hibernate, 6 năm sau mở lên mọi thứ lại y nguyên. Chủ nhật tôi đi chơi mua đồ mùa đông, mua trong siêu thị ngầm ở trung tâm, rồi bò lên mặt đất đứng hút thuốc. Mở cửa ra thấy mình đứng ngay cạnh vườn Alexandre, trước mặt là Kremli, tuyết bay mòng mòng, trời lạnh tê môi hút thuốc ngon đéo tả. Tôi thấy như là ngày hôm qua mình vừa ở đây.

Những dòng trên tôi viết vào tháng 2/2011, sau chuyến đi quay trở lại Matxcova yêu dấu, một chuyến đi lấp đầy mảnh ghép còn thiếu của quá khứ.

Mấy bữa trước đang trên đường về nhà, thì lãnh đạo gọi điện. Sếp bảo “anh chỉ định chú và anh C. đi, chú ok không?”, tôi mừng méo mẹ cả mồm hai giây sau mới trả lời được. Dập điện thoại xong thò tay bấm ngay nhạc của Victor Tsoi. Đời nó có cái duyên của nó. Chả có việc gì, một chuyến đi một phần ngoại giao chín phần giải trí chơi bời đú đởn, thế mà người ta lại bảo chính mình đi chứ không phải thằng khác. Sếp không biết là em cảm ơn sếp đến thế nào, em sẵn sàng cống hiến hết lòng cho các bác đôi năm không so đo đòi hỏi.

Em chờ từng ngày dần trôi cho tới giữa tháng 9.

***

Mười một năm trước, giữa tháng 9/2002, tôi lên đường sang Nga lợn. Đến hôm trước thì hôm sau đã một mình cầm tờ bản đồ đi tìm Quảng trường Đỏ, tiếng tăm chỉ biết xin chào cảm ơn và đánh vần địa danh. Tôi đến sát chân tường thành Kremli, sờ vào những viên gạch màu đỏ của nó, tôi biết rằng cái nơi này đã đóng một cái đinh vào giữa tâm khảm tôi. Và nó đã đóng một cái đinh to tướng dài ngoẵng, không thể nào rút ra nổi.

Nước Nga tôi không yêu. Người Nga tôi không thích, bọn Nga ngố. Tôi chỉ yêu cái thành phố Matxcova nơi đã nhào nặn tôi từ một thằng công tử bột trở thành một thằng bựa. Matxcova không tin vào những giọt nước mắt, Matxcova chỉ tin vào Vodka và đồng rup và bạo lực. Matxcova đã đưa đến cho tôi những hạnh phúc, những nỗi xúc động long lanh, những buồn và những vui, băng tuyết, mồ hôi và máu. Phòng 316, nhà số 8, phố Aviamotornaya. Đôi khi nhớ nhung mở Google Earth zoom tới chỗ ấy, tôi lại đắng nghét mồm phải vội đi mở chai bia, bâng khuâng lùng nhùng mơ mơ màng màng quay quay quắt quắt.

Khi ấy, mùa đông, tôi thường khoác một cái áo dạ dày màu đen, quần đen giày đen, thêm một chiếc khăn đen quấn quanh đầu và thả xuống cổ. Tóc tôi dài chấm vai có thể buộc vào sau gáy, nhưng tôi thường dùng cái khăn để che đầu thay cho mũ len, không quên nhét headphone vào tai, dạo ấy hay nghe Santana. Tôi ra khỏi nhà, mua một cái bánh saurma thịt cừu để nhai, rồi xuống metro, đâm tới vòng tròn trung tâm, chuyển bến ở Treschiakovskaya, rồi thẳng tiến tới trung tâm. Leo lên mặt đất, tôi đi dọc sông Matxcova, lên cầu, đứng hút thuốc ở trên cầu, rồi qua bên kia sông đi bộ một đoạn, xuống bến sông nơi lúc nào cũng có một hai con vịt cổ xanh bơi bơi, mở một chai bia và uống. Sau đó tôi đi tới cây cầu thứ hai, qua cầu trở lại bên này sông, dọc theo Quảng trường Đỏ, rồi băng qua nó, đi thêm vài phố tới Thư viện Quốc gia. Mua một chai bia khác và ngồi dưới chân Dotstoievskiy.

Lão già này hồi xưa rất hay ngồi đây ngó tôi uống bia Baltika số 3 và hút LM đỏ

Tạm biệt lão già Dotstoievskiy thì thường là trời bắt đầu xẩm tối, tôi lại mua một chai bia khác. Về nguyên tắc đi đường một mình khi tối trời ở Matxcova thì luôn nên có một chai bia, để khi cần thì đập ra, cho yên tâm hơn vậy thôi. Chứ còn Matxcova đã dạy tôi kỹ năng đi đường, bán kính 50m không để sót một đối tượng nào.

Về sau mỗi lần mặc cảm Nga lợn nổi lên, tôi lại dành ra vài phút để mà dượt lại một chuyến dạo chơi theo hành trình quen thuộc ấy, hành trình thư thái nhất trong các chuyến dạo chơi của tôi. Năm 2011 quay lại Matxcova, tôi cũng đã dượt lại hành trình ấy cũng một mình trong một buổi chiều đầy tuyết. Hôm đó tôi xin lửa của một lão quét rác, và mời lão một chai bia nhưng lão từ chối, lão tiếp tục quét rác và thỉnh thoảng ngó tôi cười cười, chả hiểu lão cười cái gì. Chẳng lẽ lão từng gặp tôi từ trước.

***

Vào năm 2004, tôi ít tới gặp Dotstoievkiy hơn, những ngày thư thái vắng dần. Tôi đóng quân triền miên để kiếm ăn trong một ốp Cộng, cái ốp Cộng to nhất Matxcova và cũng là dạng bẩn bựa nhất. Những người chưa đến đó thì khó mà tưởng tượng ra được nó là như thế nào, tôi cũng chán chả buồn miêu tả. Chỉ biết rằng không hiểu sao người ta có thể sống như thế nhiều năm. Thế mà tôi cũng sống gần một năm ở đó.

Có anh bạn rủ tôi cùng làm một quán nét, anh tiếp khách lo cà phê cà pháo còn tôi thì lo máy móc, khi cần tôi cũng pha cà phê. Mục đích là anh cày tiền trả nợ còn tôi thì cày tiền để mà lo ăn học tiếp, chứ cuộc sống đói kém quá vodka chả có đủ mà uống nói gì lên lớp học. Sau một thời gian gần năm, anh trả được hết nợ, còn tôi thì vẫn chả có đồng nào, chả hiểu sao mà tôi cũng không trách anh vì tôi luôn luôn là không có đồng nào. Cái kiểu của tôi nó vậy.

Giấc ngủ của tôi ở đó là trên những chiếc ghế đẩu mà khách vẫn ngồi để chat. Đầu một cái, mông một cái, chân một cái, thế là ngủ ngon. Khi tôi ngủ thì các bạn cave hết thời dạt từ Hà Nội sang vẫn đang ngồi chat chit để kiếm khách. Đôi khi có những bạn rất ngon nhưng cũng chỉ nhận xét là ngon thế thôi chứ tôi vừa không có tiền vừa ở đẳng cấp thấp hơn các bạn.

Và đây là tôi của cái thời đó, 2004, chat với đứa em họ đang bên Pháp và capture ảnh qua webcam để gửi cho nó. Hồi ấy trẻ trung mà gầy mõm, trắng trẻo vì thiếu nắng, hơi tội nghiệp vì đang lay hoay tập giải những bài toán của cuộc sống. Nhìn lại vẫn còn thấy xót cho mình những muốn xoa đầu an ủi cái thằng mình hồi ấy. “Này cầm tiền gọi mấy thằng em làm đôi ba chai vodka đi, hay cầm tiền gửi một bạn cave đi chứ anh nhìn mày thấy khổ quá thằng em ạ”.

securedownload

2004, phòng 508, Xaliut 2

***

Sau thời điểm tôi capture cái hình webcam trên một vài tuần, tôi cũng ngồi đúng chỗ này, thì nghe bùm một cái cả tòa nhà rung chuyển. Bom nổ. Mọi người chạy nháo nhào. Duy có một ông chắc ở đây lâu rồi, nên vẫn cố tạm biệt bồ (hoặc cave) rồi mới tính tiền để chạy xuống xem vợ con sao. Vãi đái cái ông ấy. Tôi tắt máy đóng cửa phòng net, rồi ra ngoài, thì hành lang đã tối đen như mực.

Đặc nhiệm Nga lợn rất nhanh chóng đã có mặt, chắc bọn nó đóng ở gần, điện lập tức tắt hết, đặc nhiệm cao toàn mét chín lăm lăm súng to đùng cầm đèn pin lia lia như trong phim Mỹ. Loa thông báo bằng tiếng Việt và tiếng Nga tất cả mọi người phải ra khỏi tòa nhà ngay, kể cả cảnh sát, sau vụ nổ đã phát hiện rò khí gaz và tòa nhà có thể nổ tiếp bất cứ lúc nào. Tôi là người cuối cùng ra khỏi tòa nhà.

Xuống tới sân thấy chị đang khóc, chị gì quên đời tên rồi, đại loại là bà hàng xóm, thường tốt bụng thấy tôi ăn mỳ gói nhiều thỉnh thoảng mua cho bát bún. Chị bảo bao năm ở đây, chị làm nhiều mất nhiều, còn có cục tiền đô thì đút vào trong cái quạt, cả gia tài của chị. Tôi hỏi thế quạt để đâu sao không cầm theo, chị bảo chị giấu kỹ mà chưa kịp mang theo cảnh sát đã đuổi chị ra. Rồi lại khóc tướng lên.

Tôi bảo chị, quạt để đâu, chị bảo chị giấu kỹ lắm, thôi thế thì chị đi theo em. Rồi tôi kéo tay chị lừa lừa qua góc vắng, lên lại cầu thang. Loa vẫn thông báo tòa nhà sắp nổ khí gaz, cảnh sát phi rầm rập chạy xuống, chả thèm đuổi chị em tôi ngược lại, mạng người Việt kém cả mạng chó. Tôi dẫn chị quay lại phòng của chị, chui vào gầm giường lọ mọ gạt cả đống đồ đạc theo chỉ dẫn, lấy cái quạt, rồi lại hộc tốc nửa kéo nửa ôm chị xuống năm tầng cầu thang. Tất nhiên là không bị nổ gì nữa, chứ nổ tiếp khí gaz chắc tôi cũng chả còn ngồi đây mà bốc phét.

Vụ nổ bom đó nghe nói lại là dân tình có băng nào đấy định chơi nhau nổ chết ban quản trị Xaliut, mà nổ hơi kém nên chẳng chết thằng nào. Đến trưa hôm sau, ai về nhà nấy, ban quản trị gọi thợ đến sửa bức tường bị bom làm thủng. Cuộc sống lại tiếp diễn như chưa có gì xảy ra. Chị cho tôi một một trăm đô để cảm ơn nhưng tôi không nhận, tôi xơi của chị bát bún cá và một chai bia. Quán nét lại hoạt động và tôi lại ngủ trên ba cái ghế đẩu, mùi nước hoa cave sực nức khắp phòng.

Hồi đó cái gì cũng là chuyện bình thường, kể cả là chuyện mất mạng. Tôi có thể tự đắc là mình gần như là thằng duy nhất dám đi metro ban đêm một mình, khi mà giờ ấy tuyệt nhiên không bao giờ gặp bất kỳ thằng châu Á nào dưới metro. Tôi băng qua các công viên buổi đêm, đi xe điện, xuống metro, né qua những đám thanh niên say rượu mà nhỡ dính phải là chúng đánh mình chết như đánh một con chó. Các ông em của tôi thường chờ tôi trở về rồi mới ăn cơm.

Gần hết năm ở quán net thì tôi trở về ký túc xá của mình và kiếm tiền bằng việc khác. Mỗi lần tôi đi sửa máy tính dạo cho người ta, hay đi kèm trẻ con học, tối mới ra khỏi nhà và về metro chuyến cuối, đen đủi là tèo thôi. Những cảnh rượt đuổi tôi cũng trải qua nhiều. Những lần chạy được không tính, những lần không chạy được thì buộc phải đối đầu. Có lần bốn thằng trẻ trâu vây xung quanh và không còn đường chạy thì tôi rút tô vít sửa máy tính ra và bảo tao chơi với chúng mày ở đây, vào đây, may quá chúng chờn nên bỏ đi. Thế nên đêm khuya đi sửa máy tính dạo về được ít tiền, tôi lại rẽ vào quán 24/24 mua mấy chai vodka và thịt về uống với mấy thằng em, và thế là lại hết tiền. Cuộc sống đói khát cứ như thế. Cho đến khi tôi về thăm nhà và uống rượu cùng bạn Kỳ liên hồi kỳ trận rồi quyết định không đi nữa. Bỏ lại nỗi nhớ và hẫng hụt Matxcova ở sau lưng.

Mỗi một lần ra khỏi nhà là một lần đi về với trạng thái cẩn trọng giữ mạng sống, khiến tôi gắn bó với những con đường góc phố những metro của Matxcova thân yêu. Cũng có những ngày tôi bất an và sợ hãi, cứ có cảm giác là nếu đi một mình xuống metro khả năng sẽ bị đánh mất mạng, nên quyết định không xuống metro mà đi taxi về nhà, thành phố rộng lắm, và tiêu gần hết số tiền kiếm được.

Những điều đó hình thành nên nỗi nhớ Matxcova không thể nào nguôi của tôi.

***

Tôi đã đi nhiều nơi trong Việt Nam. Tôi cũng đã đi vài nước bên ngoài mà cơ bản là Tàu khựa và mấy cái nước lanh quanh cái ao Biển Đông. Tôi chưa được đi châu Âu hay đi Mỹ, rồi thì tôi cũng sẽ đi thôi nếu mà sau này nhà có điều kiện. Nhưng tất cả sẽ chỉ là đi chơi và tham quan. Sẽ chỉ là du lịch. Chụp ảnh post facebook đánh dấu câu like mà thôi.

Riêng Matxcova hay gọi tắt là Mát, thì mỗi lần tôi được quay lại là như được trở về. Tôi nhớ nhung nó lắm và tôi thuộc nó còn hơn Hà Nội. Hà Nội của tôi bây giờ gồm nhiều những địa bàn mà tôi không thuộc đường. Nhưng Matxcova, với bản đồ metro của nó, đâu cũng là quen thuộc.

Năm ngoái tôi mua một đôi giày đen để đi làm, thay cho đôi giày cũ. Về tới nhà cầm lên xem lại, thì đế giày thay vì những đường gạch chống trượt, lại là bản đồ metro Matxcova, chả phải duyên sao?

***

Ôi Matxcova của tôi.

Những con bé con 14-15 xinh như mộng chân dài đùi thon ảo diệu mà ngày xưa ở bến metro nó ngúc ngắc bước như người mẫu ra bảo tôi rằng mày đừng nhìn tao nữa, vì cái loại như mày thì không có quyền nhìn, bạn tao sẽ đánh mày chết, nay bọn chúng đã là những người mẹ. Những thằng trẻ trâu như những thằng rượt đuổi tôi dưới toa tàu metro, mà tôi lách qua khe cửa để thoát như trong phim, nay hẳn cũng đã là người đàn ông trưởng thành, đang cày tiền lo cho vợ con và mực thước lịch sự, hoặc đã trở nên nghiện rượu và đứng cửa metro xin từng đồng rup. Những bạn cave năm xưa ấy ngồi chat kiếm khách cạnh tôi nay ở đâu?

Sang tháng tôi sẽ lại sang đó, lại sẽ tới chào và ngồi dưới chân Dotstoievskiy làm chai Baltika số 3, ông có còn nhớ tôi không vậy?

Một ngày nào đó, khi nhà có điều kiện, tôi sẽ dẫn cả vợ con sang, để vợ ngồi xuống cái ghế gỗ mà nay thì nó vẫn còn đó, chụp một cái ảnh, và bảo rằng cái chỗ này anh đã uống rất nhiều chai bia trong nỗi nhớ em, đến bây giờ anh vẫn nhớ anh đã nhớ em thế nào khi ấy. Đó là một mảnh ghép mà tôi cần phải ghép lại, đưa vợ tôi đến đúng cái chỗ ấy, dưới ký túc xá của tôi trên chiếc ghế băng gỗ.

Em chưa bao giờ biết anh đã yêu và nhớ em như thế nào ở Matxcova. Với bia Baltika số 3 và những bao LM đỏ và những gói mỳ, ở Matxcova anh đã nhớ em và anh đã là anh như ngày nay em thấy.

Không có Matxcova hẳn là anh đã là người khác. Có thể tốt hơn nhưng là người khác, không phải anh.

Written by Tequila

August 22, 2013 at 12:56 am

Nghe nhạc – có một thời như thế ở Hà Nội – 02

with 4 comments

Có những ngày, dù là nhàn rỗi hay bận bịu lo toan cũng vậy, tôi chìm vào một thế giới khác. Cùng với những việc đang làm, thì một phần suy nghĩ của tôi của tôi miên man ở một không gian khác. Những ngày này có vẻ như bản mặt tôi trở nên xa lạ với mọi người, kể cả những người thân nhất, tôi giao tiếp rất hạn chế. Hôm nay cũng là một ngày như vậy.

Khi sáng tỉnh dậy sau giấc ngủ ngắn, đầu tiên là tôi nghĩ về cài vừa viết đêm qua. Ý nghĩ đầu tiên luôn là bật máy lên và xóa nó đi, bao giờ vào buổi sáng tôi cũng nghĩ là cái hôm qua viết đáng cho vào sọt rác. (Nếu không xóa, để 2 ngày sau thì tôi lại thấy ok, cứ để đó). Hôm nay tôi nghĩ rằng nên tiếp tục cho hết những ký ức này.

Tiếp thôi.

Vào năm 1996 nếu nhớ không lầm, Jimi Nguyễn tràn vào quán Vọng, với cái bài gì mà Nhớ về em, ngồi nhìn mây trôi mãi trôi về nơi xa xăm mịt mù. Tôi nghe mà ghét cay ghét đắng thể loại sến sẩm này. (Thế nhưng cũng như Tuấn Vũ hồi xưa, mỗi lần chợt ở đâu đó nghe lại thì tôi lại thấy quán Vọng những năm 95 –97 đó. Về sau khi sang Nga ở cùng phòng chú em ba Tàu ngồi nghe nó hát Jimi thì lại thấy hay, nhất là cái bài gì mà “Chiếc nhẫn còn đây mà tay người đã cụt rồi”, tình vãi!) Thời đó ở Hà Nội, Vọng quán là nơi đầu tiên đưa ra cái trò sinh viên hát cho nhau nghe, với một cây đàn organ bài gì cũng đánh và dân tình lên sân khấu hát như ca sỹ. Những hôm có nhiều tiền (thường là bạn Chi có tiền) thì tôi và bạn cúp học thêm đến đó buổi tối nghe dân tình lên sân khấu hát. Những hôm rảnh hoặc ít tiền tôi đến Vọng vào buổi chiều để ngồi nghe nhạc và đọc truyện.

Ở Vọng quán có một cây guitar, khi quán vắng thì thỉnh thoảng tôi lấy xuống, chơi mấy khúc dạo của Don’t cry hay Still Loving You. Mấy khúc đó dễ vãi, nhưng cái thời chưa có internet ấy, có mấy thằng biết đánh được những đoạn ấy đâu. Những thằng đánh đàn giỏi hoặc dân nhạc viện thì chúng nó chết ở đâu ấy chả thấy xuất hiện trên giang hồ để truyền bá dạy dỗ cho anh em, thời đó làm gì có facebook để mà cái gì cũng đến ngay với cả làng.

Thời ấy, nhạc và lời là hai thứ tách biệt. Bạn Chi của tôi và các bạn gái khác, dự định sẽ học khối D nên luyện tiếng Anh suốt. Các nàng bỏ băng vào cassette, tua đi tua lại từng câu, ghi lyric ra giấy, trao đổi với nhau để nghe và sửa. Còn tôi, bỏ những băng ấy vào cassttte, tua đi tua lại từng câu nhạc, cầm đàn lên và “bắt”. Kiến thức âm nhạc lỗ mỗ chả có gì, nền tảng nhạc nhẹ không có, nên có bắt kỹ mấy nó cũng chỉ là giống giống mà thôi. Hơi giống cũng là được lắm rồi.

Thời đó lên quán Đinh, quán nhạc rock, nghe đồn nhau thằng này đánh được bài này, thằng kia đánh được bài kia, kể là kinh khủng lắm.

***

Cái trò ngồi tua băng để bắt nhạc, khiến cho cả đài Cassette và Walkman Tàu của tôi đều hỏng. Tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lắp ráp walkman. Thời ấy tôi còn cực ngoan và cực hiền, không nói bậy câu nào bao giờ, thuốc lá cũng còn chưa hút. Tôi cứ mang walkman đi sửa đi sửa lại và sau thì mò vào ngồi thiền chỗ anh thợ ở Chợ Giời xem anh sửa và học lắp walkman, nghe anh chửi, anh chửi phũ lắm, nhiều hôm bực lên anh chửi tôi nhưu chó. Tôi nghe cũng phật lòng nhưng mà nghĩ rằng (chả hiểu sao) sau này mình còn sẽ bị nhiều thằng chửi cho nên nghe dần cho quen. Đỉnh cao của tôi là lắp được một cái máy nghe nhạc treo tường, tức là bảng mạch thì treo trên tường, dây lòi tói nối xuống dưới tới hàn vào đầu từ, rồi cả bộ cơ thì lắp trên một tấm gỗ đặt trên bàn, đấu ra loa trần truồng không thùng, úp cái hộp giấy vào để có tiếng bass. Nghe được hai ba hôm đang phê thì ông già bắt gặp tôi ngồi vừa học vừa nghe nhạc, đập cho một phát đi luôn cả bộ.

Tôi cũng sửa được cả máy cassette của bạn Chi, chiếc cassette Sony hai cửa băng, bị hỏng bộ cơ. Bạn mặc quần sóc ở nhà, ngồi khoanh chân xem tôi sửa cassette, tôi vẫn còn nhớ như in cái ý nghĩ của mình lúc ấy là “đùi con gái nó trắng thế nhỉ!!!”. Hehe cái thời tong tắng ấy. Hồi đó bạn bắt đầu nghe Celine Dion. Còn tôi thì bắt đầu băn khoăn là sẽ thi đại học Bách Khoa để học Điện tử hay là thi Xây dựng để học Kiến trúc.

Anh trai của bạn Chi, anh Thành, học Kiến trúc. Hồi đó trường kiến trúc là đỉnh cao bởi chất nghệ. Trên phố nhìn thấy anh nào đi xe cuốc, vai đeo ống đựng giấy, y rằng dân kiến trúc. Ước mơ của tôi khi ấy là có một con xe cuốc để đạp nhìn phong cách như các anh. Và tôi quyết định sẽ đi học vẽ để thi Kiến trúc. Dù sao tôi vẫn nổi tiếng trong bạn bè là vẽ đẹp. Tôi vẽ Quan Công Trương Phi đẹp hơn y như truyện tranh Tàu, vẽ ngựa cũng vậy. Thế là đi học vẽ, và nghe nhạc cổ điển.

***

Cái lớp học vẽ đó nằm trên đê Trần Quang Khải. Giờ học là buổi trưa, 1h trưa. Ông thầy vừa dạy học trò vừa bật đài, thường chương trình giao hưởng thính phòng, hoặc băng nhạc cổ điển. Các anh Beethoven, Chopin, Tchaikovskiy đến gặp tôi qua cái đài đài của ông thầy dạy vẽ. Làm sao một thằng ôn con hoạt náo, lại có thể ngồi nghe nổi nhạc cổ điển đây! Nhưng buổi học vẽ dài tiếng rưỡi, hai bản giao hưởng cũng hết, nghe mãi rồi nó thành quen. Thấy hay lúc nào không biết.

Thời đó không có youtube để mà gửi link cho nhau. Để tặng nhau một bản nhạc nó kỳ công lắm. Đầu tiên là về nhà kiếm cái băng nào còn tốt tốt, thu đi thu lại chưa nhiều, rồi lên 49 Quang Trung thu một chương trình về nghe. Thấy hay, ổn đấy, thì dành tiền mua một cái băng trắng mới, mỗi lần bỏ tiền mua đều đắn đo lắm. Rồi mang đi tặng bạn. Tôi nhớ tôi tặng bạn Chi một cái băng Tchaikovskiy mà mở đầu là 1812 Overture bất hủ, không quên dặn là “tất cả các giai điệu pop – rock mà chúng ta đã nghe, các ông này viết sẵn từ mấy trăm năm trước rồi”. Mấy hôm sau nghe bạn Chi phản hồi lại thất vọng quá, bạn bảo nghe cũng hay nhưng mà không hợp lắm. Hồi ấy bạn mê M.J với Celine Dion, và thích những thằng nhảy Mai Cơn. Còn tôi thì nghe cổ điển một mình còn thì lên quán cafe nghe rock và metal với anh em.

***

Rồi tôi đi thi đại học.

Cuối cùng tôi đỗ Bách Khoa một cách đương nhiên, không thể trượt được, và trượt Xây dựng – khoa Kiến trúc đo vẽ thế nào mà tẩy đểu rách cả giấy. Tôi vào Bách Khoa, bạn Chi chính thức xếp tôi vào diện bạn cũ. Hàng ngày buổi sáng tôi lên quán Đinh, nghe nhạc. Lúc này đĩa CD và nhạc mp3 đã dần dần chiếm lĩnh vai trò của băng cassette.

Lúc này thế giới âm nhạc đã ập đến Hà Nội, không thể nào mà bảo là nhạc nào tao cũng nghe rồi được nữa, chừng hai tuần là lại có một trào lưu mới một ban nhạc mới về, theo không kịp. Đan xen các loại nhạc từ metal, death, cho tới Beatles sến và Rock cổ như CCR The Door… Chúng tôi không chạy đua nghe nhạc nữa mà chuyển sang bày nhau chơi nhạc.

Đến khi có Internet vào Việt Nam, đến khi máy PC nào cũng có thể download và nghe Mp3, thì cộng đồng nghe nhạc và dạy dỗ nhau nghe nhạc của chúng tôi chính thức xóa sổ. Kể tử đó đến nay, mặc dù vẫn nghe nhạc mỗi ngày và lâu lâu lại tìm nghe một thứ gì mới, nhưng cái mới ấy không được lâu và được phê pháo như thời xưa chuyền tay nhau những cái băng cassette thu đi thu lại.

Giờ này làm gì có chuyện, có thằng bạn tới vỗ vai bảo, mày, nghe cái bài này đi, nó hay lắm. Cầm băng về nghe đủ một tuần mà đéo thấy hay thì làm ơn đến đạp một phát vào giữa mồm tao, tao nhe răng cho mày đạp. Hoàng Đế có cởi truồng thì cũng vẫn phải thấy hay mà chưa thấy hay phải nghe thấy hay cho kỳ được. Có rất nhiều band nhạc mà chúng tôi đã nghe để thấy hay cho kỳ được, rồi thấy hay rồi thì nó mãi mãi là của chúng tôi những năm xưa ấy.

***

Trong cái đề tài này, tôi chỉ muốn giới hạn (mặc dù vẫn lan man) trong chuyện nghe nhạc. Chứ ký ức nó tràn về, hồi đó nghe nhạc cũng khác giờ, bóng đá cũng khác giờ, chơi game cũng khác giờ, đọc sách cũng khác giờ, gái gẩm cũng khác giờ.

Ơn Đảng ơn Chính phủ là đã có công cuộc mở cửa dù rằng hì hục gần ba mươi năm vẫn chưa mở xong, gái mà như Chính phủ thì có mà chết già hoặc bốn mươi tuổi vẫn ngẫn, nhưng dù sao mới có internet tràn về và hôm nay có thằng bỏ mẹ nào bên tây hát một bài thì chúng ta cũng nghe được. Nhưng mặt trái của nó (trong chuyện nghe nhạc thôi) là chúng ta, và cả bọn tây ở thế giới, không có thời gian mà thưởng thức và hiểu rằng cái gì là hay nữa.

Ngày nay thật có ít những ca khúc mà ăn vào não người nghe. Nhiều quá và không có gì để nhớ.

Ngày xưa Hà Nội, once upon a time in Hanoi như tên phim Mỹ, thì người ta nghe một bản nhạc mà cứ nghe đi nghe lại tới thấm từng nốt nhạc từng câu hát, như yêu một đứa con gái mà mấy năm trời chả dám ôm nhau nhưng vẫn trộm tin rằng mình hiểu tất cả những rung động nhỏ nhất của nàng, hay đúng hơn là hiểu hết nhưng rung động nhỏ nhất của bản thân mình khi soi vào tấm gương của nàng. Nay thì bọn trẻ trâu tán nhau hai hôm đã vào nhà nghỉ bem nhau, nghe một bản nhạc mới chỉ hai lần Youtube là tự thấy có thế thôi ok rồi có gì hay nữa đâu.

Những thằng già có điều kiện, ngày nay vẫn còn cố tạo dựng cho mình một bộ âm thanh ở nhà, và ít nhất cũng phải là nghe nhạc bằng đĩa, không chơi mp3 hay lossless phát ra từ máy tính. Tai nghe nhạc thì cứ tự huyễn hoặc mình thôi, nghe qua loa đã là giả rồi. Cái quan trọng là, ông bật cái bộ nhạc của ông lên, rồi ông lựa ra một cái đĩa, ông bỏ vào đầu đĩa và ra ghế ngồi nghe, thì không thể nào di chuột là ông lại nghe bản nhạc khác. Ông đã bỏ đĩa vào đầu CD rồi, đã ra ghế ngồi rồi, thì ông sẽ nghe một cách đúng là lắng nghe, ít nhất là một bản. Cầm cái CD lên, bỏ vào đầu đĩa, đã là một điều gì khác biệt.

***

Tôi kết thúc cái seri nghe nhạc 2 entry của mình ở đây, dù còn nhiều điều muốn viết nhưng mà cũng không nên là dài quá. Chỉ biết rằng, ngày nay, vào năm 2013, vẫn có những ngày thậm chí là cả một tuần, tôi chỉ nghe một bản nhạc. Tôi bật nhạc trong xe, để chế độ repeat, và cứ thế nghe đi nghe lại.

Lần gần nhất, trong những ngày lo lắng và mệt mỏi, tôi repeat bài này suốt cả một tuần, và chỉ nghe bài đó suốt cả tuần ấy. Một bản mà Eric Clapton cover, nghe cho tới thấm từng nốt nhạc, đến khi thấm rồi thì tôi nghe từng bè, có lần bật đó mà chỉ nghe hát, có lần bật đó mà chỉ nghe bass, có lần chỉ nghe tiếng thằng trống dùng cái que của nó lẹt quẹt mà thôi.

http://www.youtube.com/watch?v=UQlFOX0YKlQ

Về sau này, tôi nghỉ, khoảng năm năm mười năm nữa, mà tôi nghe lại bản này, thì với một chút yên tĩnh tôi sẽ dựng lại được hết cả không gian, cả nhiệt độ và mùi vị, của cái tuần mà tôi nghe nó liên miên. Một vài lần tôi đã trộm nghĩ rằng, không phải tôn giáo hay những trò dọa nạt ma quỷ, mà chính nghệ thuật cho ta bằng chứng về sự tồn tại – nếu không tồn tại thì quá ư là phi lý – của linh hồn.

Written by Tequila

August 11, 2013 at 2:39 am