Teq's Blog

Archive for March 2015

Linh tinh 30/3/2015

leave a comment »

Ôi thời gian trôi qua quá nhanh.

Tôi lại gặp một vấn đề y như ngày xưa, là thời gian của một ngày ở đất Nga này quá dài, và có quá nhiều lúc một mình. Và do đó, nhạc, bia, và viết. Nãy viết một entry kể đi nghe thính phòng ở nhà hát Opera Magnitogorsk xong, mới có 12h. Biết làm cái quái gì tiếp theo, khi mà 9h45 sáng mai mới cần dậy tắm rửa, 10h15 thì xuống tầng 1 khách sạn ăn sáng, 10h45 thì xe sẽ đến đón đi làm. Ít nhất, cũng phải thức đến 2h. Chả biết làm gì, bèn xuống quầy bar thì quầy bar đã đóng cửa, ngày chủ nhật nó chỉ mở đến 12h đêm.

Xem phim thì chán, đọc sách cũng chán. Có nhiều thời điểm không muốn nạp thêm vào, chỉ muốn xả rác.

***

[Mỹ Tâm – Đường xưa] Tiếng yêu ngày nào, em thương nhớ, em âm thầm…

Khatia Buniatishvili bước tới cây dương cầm, ngồi xuống, dáng vẻ cực sexy. Nhạc trưởng đầu trọc mũi khoằm vảy cái que, nàng bèn gõ phím păng păng păng păng… sau đó nhạc trưởng liếc mắt một cái, lập tức có thằng đeo kính giương cây kèn gì (quên tên rồi, dài dài chả biết gọi là kèn hay sáo, tóm lại là thổi kèn) lên thổi “Tiếng yêu ngày nào, em thương nhớ, em âm thấm…” nó thổi sai mẹ chữ “thầm” thành “thấm”, đáng phải về nốt mi thì lại vẫn là nốt la. Thằng này chưa nghe Mỹ Tâm. Thế là em Khatia cũng gõ piano sai theo, đang chơi Đường Xưa thì thành ra bản Concerto cho Piano cung La thứ, op.54 của Schumann.

Ở đây tôi không định quy kết tác giả Đường Xưa đạo nhạc Schumann. Đơn giản có khi người nhạc sỹ ấy cũng hay nghe cổ điển, mà cổ điển thì có đủ mọi giai điệu trên đời, đôi khi chỉ vô thức mà bắt đầu bản nhạc bằng một nét của nó. Rồi từ nét ấy, ra bài Đường Xưa là một bài hát rất hay của nhạc Việt Nam.

Còn thì, cảm ơn youtube, nó lôi ra cho tôi biết bao nhiêu bản nhạc hay. Lại còn đẹp nữa. Như Khatia Buniatishvili này, người Georgia, là một pianist có ngoại hình phong nhũ phì đồn thật vô cùng sexy. Người xem Youtube không thể rời mắt khỏi màn hình, vì nàng quá đẹp. Nàng chơi nhạc như đang làm tình với cây piano, như là làm tình với người đàn ông mà nàng yêu thương tôn thờ và căm ghét. Thương thay những thằng nhạc công chơi cùng dàn nhạc với nàng, khi nàng chơi những trường đoạn độc tấu thì chúng phải gác đàn lại và ngồi nghe, ngắm nàng. Vì chúng là nhạc công cổ điển, nên phải hết sức nghiêm trang, nhưng vẻ nghiêm trang của chúng làm cho anh em ta đều biết là chúng đang nghĩ những cái gì. Hãy xem một concerto của Khatia Buniatishvili. Oh my God!

Mà phải là thốt lên “Oh my God!” với giọng của thằng Ilya bồi bàn 23 tuổi ở khách sạn này.

***

Đêm qua, trời âm 10 độ, tôi với Ilya ra ngoài hút thuốc. Tôi nói bằng thứ tiếng Nga cùi bắp của tôi, nó nói bằng thứ tiếng Anh cùi bắp của nó, hai thằng vẫn hiểu nhau tương đối, khi nào không hiểu thì cười và chửi bậy bằng các thứ tiếng khác nhau. Nó hỏi tôi, sao anh lại hút LM đỏ, thuốc đấy thật kinh tởm. Tôi bảo, cũng tởm đấy, nhưng nó là kỷ niệm của anh. Mười hai năm trước khi anh ở Moscow, anh chỉ hút thuốc này.

Ôi cái thời mười năm mười hai năm trước của tôi ở Moscow, thời khổ sở vất vả và trong trắng tuổi trẻ của tôi. Thời mà chỉ biết yêu bản thân mình một cách đầy tin tưởng, thời mà yêu người khác thật là trong sáng không bội phản, thời mà còn muốn khóc khi làm người khác buồn, thời mà nỗi cô đơn chỉ đơn giản là vì mình đang một mình một cách vật lý. Thời mà khi nào buồn thì chỉ đôi ly vodka có thể biến buồn thành vui, ngày mai là ngày khác, kệ mẹ thế giới. Thời mà có thể nhìn thẳng vào mắt kẻ địch và đề nghị ra tôi với ông ra ngoài tuyết phang nhau luôn ông đừng có dọa tôi đéo sợ đâu. Thời mà yêu gái tới quên cả cha mẹ, rồi khi mẹ trách phiền, thì buồn tới nỗi khóc ròng nước mắt thấm ướt vai áo khi nghe một thằng kéo vilolin lúc đang say rượu và thấy có lỗi với mẹ. Cái thời đó mới đẹp làm sao.

Cái thời đó mới đẹp làm sao. Và tôi lúc đó thật là đáng yêu làm sao, như bức ảnh này, giờ xem lại thấy mình đẹp giai đáng yêu vãi đái. Mà bây giờ thì như bạn Huệ Chi nói, đã bao nhiêu sương gió rồi.

IMG_20150103_222456

Thằng Đức 2006 kia mày cười cái đéo gì?

***

Anh nhớ mày, thằng Đức 2002 – 2006. Anh thấy anh say rồi vì anh đã uống đến lon thứ 4, bia Baltika số 7 chứ không phải số 3 khi xưa của chúng ta. Anh hút Paliament thấy hợp vị chứ không hút LM đỏ ngày xưa của chúng ta.

Anh giờ cũng chả còn có điều gì để chia sẻ với chú nữa. Thôi nghe nhạc đi.

[Mỹ Tâm] – Tiếng yêu ngày nào cho em nhớ anh tời bời….” 

Written by Tequila

March 30, 2015 at 4:40 am

Chuyện Magnitogorsk số 4 – Nhà hát Ballet và Opera

with one comment

Mấy ngày mới đến Magnitogorsk này, mỗi ngày lại thấy một điều mới mẻ cần ghi lại.

Như đã kể, dạo gần đây tôi bị chìm vào nhạc cổ điển. Cổ điển thì tôi vốn nghe vớ nghe vẩn thôi, nghe nhạc nhẹ rock riếc là chủ yếu, cổ điển chỉ thỉnh thoảng hôm nào khỏe mới xơi, hoặc chỉ thường nghe Chopin là chủ yếu, đỡ mệt. Nhưng gần đây, như thể có một bản pack mới được cài vào đầu, tôi nghe cổ điển rất vào. Độc tấu, tam tứ tấu, concerto, giao hưởng, opera, nhạc kịch… xơi tuốt. Mà cũng bỏ luôn cái thói “giá như không có ruồi”, tức là cứ bảo nghe cổ điển là chất lượng âm thanh phải tốt, nguồn vào phải tốt, dàn máy phải xịn, phòng phải rộng, phải nhiều thời gian ngồi nghe…. bỏ hết mấy thứ vớ vẩn ấy. Tôi nghe mọi lúc mọi nơi, bằng mọi thứ, trên xe buýt khi đi bộ bằng headphone, ngồi máy tính ở nhà nghe từ youtube bằng quả âm ly đểu giá 2tr và đôi loa đi xin được, mấy ngày nay thì nghe bằng loa máy tính giá 400k cũng vẫn chả thấy làm sao cả, phê như thường.

***

Hay nghe nhạc cổ điển, đến chọn phim để xem cũng tình cờ gặp phải toàn phim có nhạc cổ điển. Hôm lâu thì xem phim Nhật, có thằng nhạc công cello thất nghiệp về quê làm nghề khâm lượm xác chết. Xem nó khâm lượm xác cũng duyên dáng như kéo cello. Hôm trước ngồi máy bay sang đây, chọn đại một phim trong danh mục của VietnamAirlines để ngồi xem, thì cũng với ngay phải một phim có nhạc cổ điển. Phim rất hay, ai vừa muốn ngắm gái lại vừa muốn nghe nhạc cổ điển và nhạc rock thì nên xem phim đó, phim If I stay (2014). Nhạc nhẹ trong phim thì hơi cùi bắp nhưng bù lại có những trích đoạn của Bach và Beethoven rất phê.

Xuống máy bay, vẫn bâng khuâng vì mấy đoạn Cello của Bach, tôi lại cắm tai phone nghe Hilary Hahn kéo các bản của Bach, chờ hải quan hai tiếng không sốt ruột. Trộm nghĩ là lần này mò sang Nga, không bố trí được vào Nhà hát Bolshoi Moscow thì ắt phải tìm xem Magnitogorsk có cái nhà hát nào không để đến nghe.

Google thấy Magnitogorsk có nhà hát, gọi là Nhà hát Ballet và Opera Magnitogorsk, lại đúng hôm nay Chủ nhật có chương trình nhạc thính phòng, do các soloist địa phương biểu diễn, bèn đi nghe. Giá vé 250 rúp tức là 4$ quá rẻ. Gọi là nhạc thính phòng cho nên nó được tổ chức trong một phòng nhỏ, chỉ có hơn một trăm ghế ngồi. Toàn ông già bà cả đi nghe, à không, toàn bà già, đàn ông được mấy mống. Sao các bà già lại nghe nhạc nhiều hơn các ông già nhỉ?

Tuy vậy, cũng có 2 mống khán giả là gái trẻ, rất trẻ, chắc chưa được 18 tuổi. Khi phê quá rút điện thoại ra để quay lại một hai bài hát, tôi có lướt qua 2 cô bé này, để minh chứng việc  nói gái Magnitogrosk đẹp không phải là bốc phét.

***

Tất cả các Soloists, và hai cô gái chơi piano, đều là người của nhà hát Ballet & Opera Magnitogorsk. Đây là một điều khá ngạc nhiên, vì ở thành phố 400 nghìn dân cũ kỹ buồn tẻ nhà quê này, người ta vẫn có được một nhà hát lớn như thế với đầy đủ biên chế nhạc công, ca công và vũ công.

Google thì lại ngạc nhiên hơn. Ngôi nhà hát lớn này thì có lâu rồi, nhưng Đoàn nghệ thuật Ballet và Opera Magnitogorsk thì mới được thành lập từ 1996. Vào cái thời mà Liên Xô đã sụp đổ và nghệ thuật bao cấp mậu dịch quốc doanh đã không còn, thời khủng hoảng ấy, người ta vẫn nghĩ đến việc thành lập một nhà hát, duy trì nó để phát triển văn hóa của thành phố.

Hôm nay các nghệ sĩ của nhà hát trình bày một loạt ca khúc cổ điển, thế quái nào bài nào cũng hay. Bảo sao các khán giả già cả cứ một mực kính trọng vỗ tay không ngớt cho các nghệ sỹ. Những nghệ sỹ opera của họ hát rất hay, quá hay so với dự đoán của tôi. Piano chơi cũng rất hay.

Tôi cố quay trộm lại vài clip, nhưng chất lượng không tốt lắm, cũng vì cảm thấy xấu hổ nếu cứ ngồi giương điện thoại lên quay, dù ngồi hàng cuối.

 

 

 

Thật đáng nể, những nghệ sỹ và những người dân của thành phố công nghiệp buồn tẻ và khô khan này. Họ vẫn duy trì và phát triển cho riêng mình một mảnh ghép trên tấm bản đồ âm nhạc đầy tự hào của nước Nga.

Khán giả có hơi già cả một chút, quá già cả – toàn các bà già về hưu đi tàu điện đến rồi lại kéo nhau lên tàu điện về. Nhưng có lẽ là chương trình ca khúc thính phòng hôm nay không hấp dẫn nhiều giới. Chứ còn, nhà hát có một lịch biểu diễn dày đặc trong năm, họ không thể ít khán giả được. Mỗi tuần đều có chương trình mới. Và vào cuối tháng tư (thật tiếc lúc đó tôi đã về rồi), họ có một chương trình ấn tượng kéo dài một tuần với các nghệ sỹ quốc tế đến từ Pháp, Italia và Mông Cổ. Những buổi biểu diễn đó, ví dụ như buổi diễn vở Carmen, chắc chắn sẽ kéo được đông đảo các đàn ông đàn bà giai thanh gái lịch của thành phố này đến nhà hát, chứ không phải chỉ có 2 cô bé xinh xắn kia.

Riêng về khoản này, người đàn ông sành điệu đến từ Hà Nội 36 phố phường – thủ đô nước CHXHCN Việt Nam – cảm thấy ghen tị với bọn Magnitogorsk nhà quê.

P/S: Xin lỗi nói như thế là quá lời, không được đúng đắn cho lắm.  Từ mấy năm gần đây, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO – https://www.facebook.com/vietnamnationalsymphonyorchestra?pnref=lhc) đang có những bước phát triển đáng kể và họ cũng có một chương trình rất hoành tráng cho năm 2015. Cần phải ủng hộ VNSO để Nhà hát lớn và Dàn giao hưởng của chúng ta không chỉ phục vụ bọn tây lông đến HN làm thuê.

Written by Tequila

March 30, 2015 at 2:10 am

Chuyện Magnitogorsk số 3 – Nỗi sợ

with 4 comments

Trong các trò nghịch của mình, có thể tôi sẽ truyền dạy cho thằng con vài thứ, riêng thói lang thang phiêu lưu có khi phải xem lại. Bởi vì, thỉnh thoảng, kinh vãi đái. Bây giờ về tới khách sạn rót một cốc trà nóng ngồi gõ máy tính, nghĩ lại vẫn thấy lạnh cả sống lưng.

***

Hôm nay thứ bảy ngày nghỉ, bèn đi chơi. Tôi và hai thằng kia quyết định đi bộ thăm thú thành phố, đi về phía sông Ural. Tới cầu bắc qua sông, hai thằng kia cắm cúi chụp ảnh mãi không ngừng, tôi bèn tách đội đi bộ tiếp một mình.

Cầu bắc qua sông, dài khoảng nửa cây số. Bên tay trái, một nửa mặt sông vẫn còn đóng băng, bên phải thì băng đã tan hết. Gió lồng lộng thổi, trời xanh ngắt mặt nước cũng xanh ngắt. Cây bên đường và những cây bụi trên những doi đất nổi trên mặt sông đều khô queo chưa mọc ra cái lá nào.

ural river

Tôi muốn sang phía bên trái cầu, nhưng phải đi rất xa mới tới chỗ có thể qua đường. Vắng teo chẳng có mống người đi bộ nào cả, chỉ có xe điện chạy lịch xịch và những chiếc ô tô phóng qua vun vút. Đi mãi đi mãi, gió lạnh quá dù tôi đã mặc tới hai cái áo len. Tới cuối đường, thấy có một cái bến chờ xe điện, tôi bèn bước vào để tránh gió. Trong bến có một thằng đang ngồi, tay cầm một lon bia Klinskoe, bên cạnh có ba lon khác. Nó ngồi im như phỗng, chả thèm nhìn tôi, cứ chăm chăm nhìn sang bên kia đường, thỉnh thoảng cử động cánh tay phải để rót bia vào mồm.

IMG_20150328_163545

 

Trông nó buồn thê thảm như bị gái đá hay bị mất việc vậy, chứ không giống người lang thang nghiện rượu. Túi bia Klinskoe kia thừa sức mua được một chai vodka. Chắc chắn không phải là thằng nghiện rượu mà là một thằng đang buồn.

Đối diện chỗ chúng tôi ngồi là một nhà máy điện hay một phân xưởng của nhà máy luyện thép hay gì đó chả biết, có ba cột ống khói, thả khói đặc quánh lên trời. Không khí có mùi đậm đậm. Chắc những gì người ta nói về tình trạng ô nhiễm của Magnitogorsk là sự thật. Ba ống khói này, cùng với một đống ống khói của Con Tàu Đen cách đây chừng 1km, luôn xả khỏi lên bầu trời thành phố như vậy.

Thôi kệ thằng buồn kia. Tôi quyết định sang đường, đây là chỗ có vạch sang đường rồi. Tôi sẽ đi ngược lại về phía thành phố, phía Châu Âu, rồi hết cầu sẽ xuống phía sông đóng băng. Tôi muốn thử một lần bước đi trên mặt sông đóng băng.

 

***

Đi mất gần nửa tiếng mới quay lại được về bên kia cầu. Tôi mua một bao thuốc, rồi đi về phía sông, chui xuống bờ sông. Bát ngát một vùng băng trắng toát, phía xa xa giữa những bụi lau sậy khô queo có bóng người, chắc là một ông già nào đó đục lỗ dưới mặt băng để câu cá. Tôi đi về phía đó.

Đi khoảng 100m, thì gần tới chỗ bụi lau rồi. Tôi định sẽ ra gần chỗ người câu cá, để chắc chắn rằng mặt băng chỗ đó rắn thì ông ta mới đi được. Và tôi sẽ bước ra sông, có thể nói chuyện với ông ta một tí, và chỉ cần bước ra mặt băng vài ba mét để chụp tự sướng một cái ảnh là được rồi, không cần ra quá xa nguy hiểm.

Tôi châm điếu thuốc. Bất đồ nhận thấy có một bóng người khác, không phải ông già câu cá phía xa, bước ra khỏi bụi lau. Một thằng đàn ông trẻ. Nó đứng hai tay buông thõng, chân hơi dang ra, bất động. Nó mặc một cái áo khoác mỏng có mũ, mũ kéo trùm qua đầu, nắng vàng chiếu gắt khiến cái mũ đổ bóng xuống khuôn mặt nó. Chỉ thấy đôi mắt sáng quắc. 

Tôi giật mình, chào lớn tiếng “Xin chào”. Nhưng nó không trả lời, vẫn bất động. Tôi liếc nhìn xung quanh, không một bóng người, có khi người câu cá kia lại là đồng bọn của thằng này. Nỗi lo bắt đầu trùm lên tôi. Tôi chào lần nữa, nó vẫn không trả lời. Ba mươi giây sau, nó dợm bước lừ lừ tiến lại phía tôi. Khi nó bắt đầu đi, thì mặt trời chiếu thẳng vào mặt nó khiến tôi nhìn thấy khuôn mặt. Đó là một đôi mắt to, sáng, gườm gườm với đôi lông mày xếch. Vẻ mặt lừ lừ của nó có một vẻ gì đó ghê rợn khiến tôi rợn hết cả tóc gáy, lạnh toát sống lưng. Đó là đôi mắt đầy nguy hiểm, như của một kẻ tội phạm, một tên cướp.

Nhiều hình ảnh tưởng tượng lướt qua trong não tôi trong một phần mười giây. Trong đó, hình ảnh tồi tệ nhất là tôi sẽ bị giết, bị ném xuống cái lỗ câu cá dưới dòng sông băng kia. Thôi bỏ mẹ mình rồi!

Nó bước đến bước thứ ba thì tôi quay đầu bước đi. Tôi không chạy. Tôi nghĩ hễ chạy là nó biết mình đang sợ vãi đái và tình hình còn nguy hiểm hơn. Tôi bước chậm chậm đúng bằng vận tốc những bước chậm chậm của nó, tiến về phía đường. Tôi tính toán, từ đây lên mặt đường tới chỗ có người là khoảng 200m, nó đang cách tôi mười lăm mét. Trong điều kiện bình thường, nếu tôi không đen đủi vấp ngã ở đám băng trơn đoạn kia, thì tôi hoàn toàn đủ thời gian để chạy kịp. Lên tới chỗ có người, nó sẽ không làm gì tôi được nữa.

Đó là ba phút mà nỗi sợ phủ lên tôi từ đầu tới chân, lạnh toát như bị dội một gáo nước. Vận tốc của thằng kia tăng dần, tôi cũng bước nhanh dần. Chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa, nó đang bám theo tôi và tôi là mục tiêu.  Ôi cuối cùng cũng lên được đến đường, và dường như tôi đi hơi quá nhanh so với mình nghĩ, vì khi quay lại thì nó cách tôi khoảng ba mươi mét rồi, nhưng vẫn bám theo tôi. Khi tôi đến được chỗ những chiếc xe đầu tiên đậu bên lề đường, thì nó bắt đầu chạy. Đuổi theo tôi. Tôi thấy hoảng lên, định chạy. Nhưng lại có một ý kiến nữa nổi lên, là, này, đéo được sợ hãi như thế, hãy kiềm chế nỗi sợ hãi, đây là mặt đường rồi. Tôi nhớ lại bài học của bạn Hiệp dạy cho hôm sau tết, khi say khướt tequila, và bài học ngày xưa hồi bé có lần cha tôi dạy, là khi phải đánh nhau mà mình thế yếu, thì phải làm sao thật nhanh và mạnh, chặt cho kẻ địch một cái thật mạnh vào cần cổ, sát dưới cằm. Tôi hít một hơi sâu rồi dừng lại, quay mặt về phía thằng kia, chờ nó đến. Thay cho nỗi sợ, là cảm giác hồi hộp và hơi lạnh lùng xanh chín.

– Cho xin điếu thuốc – đấy là lời mà kẻ địch nói khi tiến lại phía tôi.

Tôi thở phào, nhưng cũng không tự chế giễu mình vì đã sợ hãi. Ở một nơi không người như bờ sông kia, với một kẻ như thế này, thì việc tôi rảo bước lên đường cái là chính xác. Và thằng này không phải là tội phạm, nhưng nó là một kẻ lang thang. Từ đầu đến chân nó bẩn thỉu bụi đất, tóc bết lại, khóe mép vương dãi như đã lâu rồi không rửa mặt đánh răng. Một mùi hôi nồng nồng toát ra từ đôi bàn tay to bè đen sì không cắt móng tay của nó, khi nó nhận từ tôi điếu thuốc.

– Anh đi đâu đấy mà ra sông?

– Đi dạo chơi.

– Thế à, tôi tên là Zairk (đại loại thế, tôi không nghe rõ lắm).

– Tôi tên là Đức.

Rồi hai thằng bắt tay nhau, đi sóng bước về phía chợ. Tay nó đúng là hôi thật, khô ráp, và cảm nhận được đó là đôi bàn tay cực khỏe, có thể bẻ gãy cánh tay tôi không khó khăn gì. Nói chuyện, cười và nhìn vào mắt nhau, tôi yên tâm vì khi nó cười thì cảm thấy nó là một thằng bé ngoan. Nhưng một thằng bé ngoan nhất cũng có thể vì nghèo đói mà nổi lòng tham và đánh cướp một người bên bờ sông, tôi lại thấy mình té là đúng chứ không sai, biết đâu nó đang đói thì sao, hay là nghiện ma túy thì sao…

Hai thằng đứng bên một thùng rác để hút nốt điếu thuốc. Tôi bảo, “chú có uống bia không, anh mời?”, Zairk gật đầu. Tôi dẫn nó vào quán bia tươi bên đường. Bước vào quán, thằng đứng quầy và con mụ tiếp viên có cặp mông vĩ đại đều trố mắt nhìn chúng tôi, một thằng Việt Nam và một thằng lang thang cơ nhỡ. Chắc chúng quá ngạc nhiên thấy hai thằng khách kì lạ như vậy. Vào bên trong nhà mới thấy mùi vị của thằng Zairk quả nhiên là không tắm cả mùa đông. Và chắc chắn là nó chẳng bao giờ dám bước chân vào một quán bia tươi sang trọng như thế này. Tôi gọi hai cốc to, loại ngon, Zairk ngại ngùng tiến bước về bàn xa nhất ở phía góc quán. IMG_20150328_171847 (1)

Thằng ku thật là xinh giai.  Đôi mắt của nó rất đẹp, rất đàn ông, khuôn mặt thon dài, mũi cao. Loại này, nếu cho tắm rửa sạch sẽ, mặc một cái sơ mi kẻng, thắt cà vạt, khoác bộ vest vào, thì ắt sẽ cực ngon nghẻ. Tôi xin nó cho chụp một tấm ảnh, để kỷ niệm, nó e ngại rồi cũng đồng ý.

Nhưng cũng đôi mắt này, đã toát ra cái nhìn lạnh cả sống lưng, dưới cái mũ trùm đầu khi đứng bên sông băng. Tôi bảo nó:

-  Lúc nãy ở dưới bờ sông, tôi sợ quá, tôi tưởng chú định đánh tôi.

– Tại sao lại đánh?

– Không biết. Tôi sợ. Lúc đó tôi chỉ có một mình. Hơn mười năm trước ở Moscow tôi từng bị đập một cái chai vào đầu, tôi sợ chú cũng làm thế với tôi.

– Tôi chẳng đánh ai bao giờ. Đánh người là không tốt.

Zairk nói nhiều và nhanh, tôi chỉ nghe được lõm bõm. Zairk 21 tuổi, không nghề, thất nghiệp, bò tới Magnitogorsk này làm khuân vác và bất cứ việc gì người ta thuê trong chợ. Có những ngày, hàng từ Siberia về nhiều, thì kiếm được khá, nhưng hầu hết là chẳng có mấy việc để làm. Một tháng Zairk kiếm được khoảng 100 USD. Số tiền đó đúng là chỉ vừa để có cái đút vào mồm. Không bia, không thuốc lá, không vodka, không quần áo ấm, không chỗ ngủ, chắc chắn là cũng không bạn gái, không bạn bè.

Đôi lúc mắt của Zairk lại ánh lên vẻ lạnh lẽo như khi ở bờ sông đã khiến tôi hoảng sợ. Nhưng khi nhìn gần thế này, thì vẻ lạnh lẽo đó không phải là cái lạnh của sự ác độc, mà là cái lạnh của nỗi buồn, sự cô đơn, thất vọng và chẳng biết làm gì với cuộc sống tệ hại nghèo đói này. Ở đâu cũng có những cuộc đời vô vọng như thế này. Mỗi lần gặp một cuộc đời như thế, tôi lại chạnh lòng.

Tôi bảo Zairk, bây giờ tôi phải đi rồi. Dù sao, dù nó ngoan đi nữa, cũng không thông minh khi ở cạnh nó quá lâu và nói nhiều khiến nó biết chỗ ăn chỗ ở của mình. Tôi sẽ vui nếu gặp lại Zairk, nhưng phải ở chỗ an toàn, không phải lại là bờ sông hoang vắng. Những cuộc đời vô vọng thì sẽ luôn bị người ta đóng cửa lại như thế, biết làm sao được. Tôi trả tiền và hai thằng ra khỏi quán, đứng hút với nhau một điếu thuốc nữa.

Zairk nói, cảm ơn anh vì cốc bia, và vì tình bạn. Tôi nghĩ có nên biếu nó vài trăm rúp không, nhưng lại thôi, vì vài trăm chả giải quyết gì cái cuộc đời vô vọng này của nó, lại còn có thể mất đi sự tôn trọng chân tình với nhau. Tôi đưa nó bao thuốc, mới hút có 5 điếu, bảo nó, chú cầm đi, anh không thích thuốc này, chán, anh chỉ thích thuốc Việt Nam. Zairk cầm. Bắt tay nhau, nói tạm biệt, nói vui vì đã gặp nhau. Tôi bước về phía phố xá nơi có khách sạn của mình. Zairk quay bước về lại phía dòng sông.

Tạm biệt Zairk, kẻ đã tặng tôi khoảnh khắc sợ hãi lâu lắm rồi mới gặp lại, hãy cố gắng mà vật lộn với cuộc đời này. Chúc Zairk may mắn.

***

Trong dòng đời bất tận này, đôi khi chúng ta cắt ngang qua nhau, lưu lại cho nhau một kỷ niệm nho nhỏ, chỉ để sau này nhớ lại rằng ở chỗ đó vào lúc đó, đã gặp nhau. Như tôi và Zairk, năm điếu thuốc, hai cốc bia tươi, và nỗi sợ hãi bên bờ dòng sông băng hoang vắng.

Written by Tequila

March 28, 2015 at 10:27 pm