Teq's Blog

Archive for April 2014

Linh tinh 28/4/2014

with 4 comments

Anh ngồi trên triền đồi, nghe tiếng lục lạc bò. Đó là một con đường nào đó, vào một chuyến đi nào đó anh không còn nhớ. Đó là một buổi chiều, anh ngồi bên con đường quanh co ở triền đồi, nhìn xuống dưới khe, ở đó có một cái cây đứng đơn độc, và có tiếng lục lạc bò lốc cốc. Chẳng thấy bò đâu cả, chỉ có tiếng lục lạc lốc cốc. Anh thích tiếng lốc cốc đơn điệu, buồn tẻ, phát ra từ cái cổ đung đưa của một con bò vô danh (tất nhiên!). Anh tự hỏi con bò có để ý đến cái lục lạc cứ gõ vào tai mình như thế không, hay với nó, tiếng lục lạc cũng như tiếng gió, cũng như mọi thứ tiếng trên đời này. Anh ngồi hồi lâu, nghe tiếng lốc cốc lúc tỏ lúc mờ, cho đến khi con bò hiện ra dưới dốc. Nó đủng đỉnh đi, phe phẩy cái đuôi để đuổi ruồi và đuổi mọi thứ không đáng lưu tâm. Anh đứng dậy, vẫy các bạn, nổ máy xe và tiếp tục con đường.

Đã lâu anh không còn lồng lên như ngựa với cái xe máy nữa, và không còn nhớ tiếng lục lạc bò khúc quanh con đường đồi vắng.

Trời lại đang mưa rả rích. Làng Macondo này vẫn chưa ngừng mưa, còn Marquez thì đã chết, mưa như là tưởng niệm. Rất nhiều năm sau này, khi đứng trước đội hành hình, đại tá Aurelio Buyênđya nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, khi cha chàng giáng cho chàng một cái tát, cắm đầu vào tường sưng một cục to tướng, vì một lý do nào đấy không ai còn nhớ nổi. Còn vừa rồi anh xuống dưới nhà, lấy đá, xách theo hai chai bia. Cha anh thấy động đi xuống ngó, gặp anh, ông có vẻ ngượng nghịu, như là vừa làm cái gì không phải. Con làm gì đấy. Con lấy bia uống thôi, bố chưa ngủ à. Bố xuống kiểm tra cửa giả thôi. Ông ấy cẩn thận như sợ rằng nói cái gì không hợp lý thì anh ngày mai sẽ lại bỏ đi.

Anh đi qua ông để lên cầu thang. Ông có mùi của người già. Từ khi anh thấy cha mình có mùi của người già, là anh đã muốn về rồi. Nhưng mãi anh mới về, trong một bối cảnh không hoàn toàn phù hợp. Dù sao anh cũng đã về.

Trời mưa rả rích. Anh nhìn ra cửa sổ, tán cây che hết cả tầm nhìn. Trong tiếng mưa có tiếng rao đêm bánh khúc đây bánh khúc đây, tiếng những chiếc xe ào ào chạy qua ngoài đường cái. Từ máy tính tiếng madolin đang chơi khúc valse nhạc phim Bố già.  Một người đàn ông thực sự phải là người biết lo cho gia đình, Bố già bảo thế. Còn anh, anh bảo bố, bố ạ, mai con xin phép ra ở riêng, rồi đi luôn. Đôi năm sau, anh lại rót rượu cho bố và chú, bảo, thôi bố với chú uống với con chén này đi, không nói lằng nhằng nữa, con sẽ lấy cô ấy. Rồi đôi năm sau, anh lại bảo, bố, mai con lại xin phép ra ở riêng. Rồi bốn năm sau, anh lại bảo, bố ạ, con về.

Giờ thì anh đã về. Anh lọ mọ hai buổi tối để dọn dẹp cái phòng mà anh sẽ ngồi những buổi đêm, có máy tính, loa, ampli, giá sách, những cái guitar… Nó chưa phải là một phòng đọc sách có cái bàn rộng, nhưng cũng là không gian của riêng anh, nơi anh có thể đóng cửa lại. Anh đặt cái máy chữ cũ kỹ của ông ngoại lên bàn, cạnh màn hình máy tính.

Rồi anh gõ những thứ không đầu không cuối này.

Written by Tequila

April 29, 2014 at 1:55 am

Posted in Linh tinh

Chỗ của Độc Cô

with 2 comments

Từ hôm đó Độc Cô Cầu Bại không đến quán nữa. Hôm đó là hôm nào thì chịu không nhớ nổi, chỉ biết đó là một hôm mà từ hôm đó trở đi thì Độc Cô Cầu Bại không đến quán nữa.

Quán, nhất là cái chỗ của Độc Cô ngồi, vào giờ khuya mà Độc Cô ngồi, có màu xanh cứt ngựa, không đẹp như xanh cứt ngựa mà một màu nào đó gần như thế nhưng bợt hơn, nhợt nhạt hơn, chết hơn, nhôm nhoam, gần giống như một lớp rêu chết lại còn bị vương bọt bia cũ lên trên. Chỗ Độc Cô ngồi không bao giờ đủ sáng, chỉ có ánh đèn neon từ phía sâu trong quán hắt ra, từ nơi ông chủ thọt chân thường ngồi xem ti vi kiên nhẫn chờ những vị khách uống bia đêm. Khách uống đêm không có mấy ai vào trong quán ngồi, chỉ ngồi ngoài sân, tản mát các bàn cái xoay dọc cái xoay ngang tùy theo ý thích của khách, dưới gốc cây, bên bờ tường, dọc theo rãnh nước. Chỗ của Độc Cô thì cạnh cửa, sau bức tường mà Độc Cô dựa lưng vào thì là toa lét. Toa lét chỉ là vài ô gạch chật chội, vừa một người đứng, được che bằng một tấm màn vải cũng màu xanh cứt ngựa. Để đi tè thì khách phải bước tới, qua bàn Độc Cô, bước vào cửa quán, xoay người sang bên tay trái gạt tấm màn xanh ra và chui vào. Tuy nhiên chẳng có mấy thằng khách đủ lịch sự để vào đó tè, thường thì khách hay ra gốc cây phía xa, hoặc đi thêm chục bước ra thượng nguồn của rãnh nước. Nên chỗ của Độc Cô không ai khác chọn do gần toa lét, nhưng lại thơm mùi bia do mấy thằng bưng bê hay đổ bia thừa vào đó trước khi vào rót cốc mới cho khách.

Độc Cô Cầu Bại quanh năm mặc áo sơ mi trắng, quần đen và giày tây. Trời lạnh thì anh khoác thêm một cái áo len đen, lạnh nữa thì anh có thêm một cái áo da đen, đại hàn thì anh có thêm một cái khăn kẻ caro đỏ. Tất cả những thứ đồ anh khoác trên người đều là đồ rẻ tiền. Anh trạc hơn ba mươi tuổi, gầy gò. Gương mặt anh hơi dài, hơi buồn, hơi khắc khổ, mà khá nhạt nhẽo và không có gì đáng nhớ. Anh rất dễ lẫn vào trong đám đông. Nhưng nếu người ta đến quán nhiều lần, vào giờ của anh, một lúc nào đó người ta sẽ nhận ra sự có mặt quen thuộc của anh, rồi từ đó trở đi khi đến quán vào giờ của anh thì người ta sẽ đưa mắt liếc tới chỗ của anh, xác nhận sự có mặt của anh, rồi mới tìm một bàn thích hợp để ngồi.

Độc Cô thường đến quán vào lúc 10h30 , ngồi xuống bàn của anh, nhân viên quán tự động mang cho anh một đĩa lạc và một cốc bia. Anh ngồi đó, uống bia, hút Vinataba, hầu như không nhìn ai bao giờ, chỉ trầm ngâm nhìn ra phía trước, nơi phía bên kia con ngõ ngoài chuyện thỉnh thoảng có xe máy chạy qua thì chỉ có một bức tường. Độc Cô không bao giờ có bạn đến ngồi cùng, cũng không bao giờ nói câu nào với chủ quán hay nhân viên phục vụ. Anh cứ ngồi đó uống chừng ba bốn cữ bia, tới 12h đêm là đứng dậy đi về. Duy nhất có một lần, khi Hưng cùng các bạn ngồi gần bàn của Độc Cô, Hưng quan sát anh lâu quá nên có lúc bắt được ánh mắt của anh bất giác nhìn sang, Hưng cười chào anh, anh cũng hơi mỉm cười chào lại.

Dạo đó quán là tụ điểm của Hưng và các bạn. Mỗi tuần Hưng có hai trận bóng, kết thúc vào lúc 10h, anh đến quán, gặp mấy thằng bạn cũng đi tennis về cùng giờ. Uống bia tán phét với nhau đến tận khuya. Từ khi phát hiện sự có mặt của Độc Cô, anh và các bạn thường để ý quan sát Độc Cô. Cái tên Độc Cô, Độc Cô Cầu Bại, là anh và các bạn đặt cho Độc Cô theo tên một nhân vật trong truyện chưởng. Có lần Hưng bảo các bạn, tao thích anh Độc Cô, hôm nào đấy tao sẽ sang làm quen với Độc Cô. Suốt hai năm trời, từ khi nhận ra sự có mặt của Độc Cô, tới khi đội bạn uống bia muộn cứ thưa dần, thưa dần, Hưng vẫn không sang làm quen với Độc Cô, dù anh biết chắc là Độc Cô cũng biết tới sự tồn tại quen thuộc của anh do nhìn thấy nhau rất nhiều lần ở quán.

Rồi một hôm không thấy Độc Cô đâu nữa, hôm sau rồi hôm sau nữa cũng vậy. Hưng và các bạn kháo nhau, có thể Độc Cô là một tay làm xây dựng, theo một dự án nào đó đến nay đã kết thúc và đi chỗ khác. Hoặc đơn giản là hắn đã lấy vợ. Hoặc là Độc Cô không còn thích bia ở đây, bia đây vẫn lạnh nhưng dạo này có vẻ như đã bớt thơm, uống vẫn vào vào chẳng qua là do quán chịu khó để lạnh sâu. Câu chuyện chuyển sang phân tích bia. Lần khác tới, vẫn cứ bảo nhau không thấy Độc Cô đâu nhỉ, Độc Cô đã đi hẳn rồi, chắc vậy rồi. Sự vắng mặt của Độc Cô rõ ràng đã để lại một khoảng trống.

Dần dà các bạn bia khuya vắng hẳn dần, tới khi chẳng còn thằng nào. Thỉnh thoảng hứng lên gặp nhau uống bia khuya thì bọn anh lại lựa một quán khác mà các bạn anh cho rằng bia ngon hơn, mà cũng được ngồi muộn không bị công an đuổi. Duy chỉ có Hưng vẫn quay lại quán, vào giờ rất muộn, một mình. Dạo đó chỗ làm của Hưng có dự án chuyển đổi công nghệ, Hưng thường phải làm khuya, ngày nào cũng về muộn, và anh đến quán uống vài cốc bia một mình cho thư giãn rồi mới về nhà. Chỗ của Độc Cô vẫn còn đó, chỉ có Độc Cô vẫn vắng mặt.

Một ngày Hưng đến quán, vào lúc 10h30, chỗ của Độc Cô có người ngồi, nhưng là một trung niên gày còm nhếch nhác, cùng một mụ to béo không biết là nhân tình nhân ngãi hay anh em xã hội của nhau, nói tục chửi bậy tung tóe. Hưng cảm thấy khó chịu. Anh đợi cho đến khi đôi bạn già kia trả tiền đi về, thì cầm cốc bia sang chỗ của Độc Cô ngồi. Anh ngồi đúng như cách Độc Cô vẫn ngồi, cửa, rồi đến cái bàn, rồi đến anh. Anh gọi một đĩa lạc, hút thuốc, uống bia, nhìn ra phía trước.

Anh thấy hiểu Độc Cô. Anh hiểu cái cách Độc Cô Cầu Bại giơ tay trái cầm cốc bia lên, nhấp một ngụm, mắt nhìn thẳng ra phía trước. Ngồi chỗ này, nhìn thẳng ra phía trước, anh chỉ thấy bức tường, không phải nhìn thấy ai cả, không bận tâm tới ai. Ánh sáng chỉ soi tỏ cái bàn, rồi lờ mờ hắt lên anh. Anh nghe rõ những câu chuyện râm ran phía trong quán, phía ngoài quán từ các bàn dưới gốc cây, bàn bên rãnh nước. Anh cũng hiểu cái đĩnh đạc trầm ngâm của Độc Cô khi nhẹ nhàng đặt cái cốc vừa uống hết xuống bàn, đợi thằng nhân viên phục vụ tới lấy cốc và rót cho anh cốc khác, anh không nhìn nó và nó cũng không nói với anh lời nào. Anh cũng cảm thấy cái tự tin và sâu lắng của Độc Cô, khi một mình uống các cốc bia của mình, không phải nói gì với ai, cảm nhận một ngày bận rộn vừa qua, sắp xếp lại cái mớ bòng bong ấy, cái nào vào ngăn của cái ấy. Rồi anh trở nên nhẹ nhàng thanh thản, trả tiền bia rồi đi về nhà cho một giấc ngủ ngon.

Sau nhiều buổi đêm muộn ngồi ở chỗ của Độc Cô, Hưng bắt đầu nhận thấy những ánh mắt nhìn tới mình. Nhiều người khách uống bia bắt đầu nhận thấy sự có mặt quen thuộc của Hưng. Cũng như Độc Cô, Hưng không nhìn lại họ, anh chỉ ngồi uống bia và nhìn ra phía bức tường. Trong anh cảm thấy ngấm ngầm dâng lên một niềm kiêu hãnh, rất giản dị chân thật mà đúng là một niềm kiêu hãnh, khi tới quán, vào giờ của mình, ngồi vào chỗ dành riêng cho mình, không nhìn ai không có ai ngồi cùng và không nói chuyện với bất cứ ai kể cả chủ quán hay nhân viên. Đôi khi anh cảm thấy có những ánh nhìn quan sát mình, anh liếc ngang sang, bắt gặp một cái nhìn tò mò nhưng thân thiện, anh chào lại bằng một nụ cười rất nhẹ. Rồi anh bắt đầu để ý đến từng tác phong cử chỉ của mình từ lúc vào quán bia tới lúc tính tiền đi về. Mọi thứ đều cần nhẹ nhàng, điềm đạm và cân đối. Anh không ngồi ngả ngốn nữa, mà ngồi sát vào lưng ghế, hai chân đặt ngay ngắn, hơi nghiêng người chống tay lên mặt bàn hoặc thành ghế, đĩnh đạc, uống bia chậm rãi, hút thuốc chậm rãi. Như thể tất cả mọi thứ đều cần phải nghiêm cẩn như vậy khi anh đã hiểu mình là một truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại.

Cứ như vậy, ngày lại ngày, các buổi tối muộn, anh đến quán bia ngồi vào chỗ của Độc Cô và uống theo cách của Độc Cô. Anh đã trở thành Độc Cô Cầu Bại cho đến một ngày mà dự án kết thúc, anh không phải làm muộn nữa và cũng như Độc Cô ngày nào, anh không quay lại quán nữa.

***

Sau chừng mấy năm, một ngày Hưng quay lại quán, một ngày anh cũng phải làm muộn và bỗng dưng muốn quay trở lại quán. Anh dựng xe máy xong, bước tới quán, ngó cái chỗ của Độc Cô và của anh, thì thấy có một thằng trẻ tuổi đang ngồi ngay ngắn, vẻ mặt kiêu bạc lơ mơ ngó về phía bức tường.

Hưng tặc lưỡi, chỗ của mình lại có một thằng Độc Cô mới rồi. Rồi anh bảo nhân viên quán kê cho anh cái bàn ra chỗ gốc cây, anh gác chân chữ ngũ, ngả ngốn trên cái ghế nhựa có tựa, ngửa mặt lên trời hút thuốc, uống bia. Rồi anh nhìn thấy Độc Cô, ở một bàn nơi góc khuất mé kia của quán. Chính là anh ta, Độc Cô Cầu Bại. Anh ta có vẻ già đi, vẫn áo sơ mi mặc trong cái áo len đen mỏng.

Hưng trân trối nhìn Độc Cô, rồi anh ta cũng nhìn thấy Hưng. Lần này anh ta nở một nụ cười. Hưng cười lại. Anh cầm cốc bia giơ lên, Độc Cô cũng làm như thế, dù gì cũng là người quen lâu năm gặp lại, rồi bỏ cốc xuống bàn, mỗi người nhìn đi một hướng.

Còn thằng Độc Cô số ba vẫn ngồi đó, chỗ mà Độc Cô Cầu Bại từng ngồi, chỗ mà anh từng ngồi, mắt nhìn xa xăm ra phía bức tường, vẻ kiêu hãnh, trầm ngâm, nhẹ nhàng và nghiêm cẩn trong từng cử chỉ. Như thể khi đã ngồi ở chỗ của Độc Cô Cầu Bại thì người ta sẽ cần phải và sẽ được là như thế.

Written by Tequila

April 11, 2014 at 1:07 am

Posted in Bịa chơi

Đợi trời sáng 02

with 5 comments

Ở đâu đó tôi đọc được có người nói, mỗi năm nên một lần ngắm mặt trời mọc. Tôi nhớ mình có một entry về việc đợi trời sáng, lục lại, đã hơn một năm qua rồi. Lần trước là vào tháng Ba, lần này thì tháng Ba đã qua rồi. Trời vào ban đêm vẫn hơi se lạnh, quần đùi áo ba lỗ ngồi cạnh cửa mở rộng tôi cảm thấy lạnh, vào nhà tắm lấy áo choàng tắm khoác vào, rồi lại ra ngồi gõ tiếp một entry đợi trời sáng. Trong tiếng róc rách của album nhạc không lời chơi bằng mandolin. Và tiếng gà gáy, gà gáy canh năm.

***

Cũng như lần đợi trời sáng trước, tôi do đi ngủ quá sớm thành ra 2h đã thức dậy, rồi không ngủ lại được nữa.

Chiều nay hết giờ làm, thằng bạn gọi, làm tí du kích không mày, tôi ờ, hẹn nhau là chỉ uống ba cốc, 40 phút, 6h30 là đứng lên về, tao phải về ăn cơm với vợ con đợt này tao đi nhiều quá mà tháng Tư thì lịch quá dày phải tranh thủ từng ngày, ờ còn vợ tao thì đang trầm cảm sau sinh, lần sinh thứ hai này vợ tao đã có kinh nghiệm rồi nên lên hẳn một quy trình đối phó với chuyện trầm cảm và trong quy trình đó có nhiều điểm tao phải có mặt, ờ thế đúng 6h30 là anh em đứng dậy nhé, ờ.

Dĩ nhiên không thể chính xác là 6h30, 7h05 chúng tôi đứng dậy rất dứt khoát, này nếu mà làm thêm một cốc nữa thôi là tao với mày sẽ ngồi đến khuya đấy, về, về. Say phết, uống ít nhưng mà say.

Hôm nay chúng tôi nói về công việc và các vấn đề kiếm ăn. Thằng đấy nó uống khỏe hơn tôi, dạo này xuống phong độ chút nên uống tầm bằng tôi, một bữa bia hết cỡ của chúng tôi có thể kéo dài khoảng 8h, 8h ngồi giờ hành chính. Bao giờ cũng chia làm 3 giai đoạn tuần tự. Đoạn một là nói về công việc. Đoạn hai là nói về gia đình vợ con. Đoạn cuối cùng, khi say, thì chuyển sang nói ngu tức là nói chuyện đời anh đời tôi chỉ tập trung vào cảm giác của bản thân mình về cuộc sống, từ những năm tháng thơ bé mười hai mười ba tuổi cho đến nay đã chúng ta đã lớn lên cùng nhau tới ba lăm ba sáu rồi và sẽ còn như thế cho tới khi trở thành những thằng già. Bữa bia mà kéo dài được đủ ba giai đoạn thì thường là ngồi nhà tôi. Còn hôm nay, du kích ở ngoài đường, thì chỉ giai đoạn một mà thôi.

Hôm nay chủ yếu nó nói. Nó nói về cảm giác phấn khích và hoang mang của nó trong công cuộc kiếm ăn. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, thì đến giờ nó cảm thấy dường như đã hiểu cách kiếm tiền. Tiền bay xung quanh nó như đàn chuồn chuồn trước cơn mưa, mỗi tội cái vợt thì bị thủng đáy cho nên chuồn chuồn vào lưới rồi lại trợt ra ngoài. Phát điên lên với những con chuồn chuồn. Không sao chúc mày kịp mạng được cái vợt khi mà đàn chuồn chuồn chưa bay mất, tôi bảo, còn tao thì dù vẫn biết là mình không có tài cán gì nhưng mà giờ lại còn đang phải sắp xếp cái ngu ngốc của mình vào một quỹ đạo mới để có thể thay đổi câu chuyện theo hướng tốt hơn. Ờ, nó bảo, bản chất mày là một thằng excel nhưng mà mày lại quá lãng mạn. Ừ, tôi nghĩ, ừ.

Nó bảo, à quên, chưa kể với mày là A (công ty của nó và một thằng bạn) giờ này đã thuộc hẳn về tao, nếu tao muốn. Nhưng một là tao đã có B rồi, là cái vợt thủng mà tao đang cầm, còn A tao giả về cho thằng H. Một năm trước, hồi mà tao cứ hay ngồi với mày nói mãi ấy, lúc đó thằng H quyết định đi khỏi A, tao đã đưa cho nó những option tốt nhất cho nó. Nhưng nó đã quá excel, nó không tin vào tình cảm hay tình bạn, nó không tin là tao có thể chịu thiệt cho nó chỉ vì nó là một thằng bạn mà năm xưa mấy thằng mình từng uống rượu say khướt trên mái cửa hàng may của bà già. Nó không tin vào option tối ưu dựa trên tình bạn mà tao đưa ra cho nó, nó nghĩ tao tính chơi nó. Giờ này, sau một năm, nó nhắn tao thế này (nói đoạn đưa điện thoại cho tôi xem tin nhắn): “Mày quyết định luôn đi nhé, tất cả A thuộc về mày, tao chỉ cần giữ lại con xe này thôi”. Đấy, nó chỉ còn muốn giữ lại con xe, đã trả ngân hàng được nửa tiền rồi, tức là tao chỉ cần gánh tiếp nốt phần tiền xe còn nợ ngân hàng là tao có luôn cả A, một công ty vẫn đang đẻ ra tiền dù không nhiều, nhưng bán đi cũng có giá trị cao gấp mấy chục lần phần tiền xe. Nhưng mà tao đéo cần, dù tao đang chưa bắt được con chuồn chuồn nào và vẫn nghèo như chó, nhưng tao không thèm lấy A nữa. Tao mà lấy, anh em bạn bè đâu hiểu đầu đuôi là gì, sẽ nghĩ tao cướp trắng A của thằng H. Tao cho A vào dĩ vãng, cho thằng H muốn làm gì thì làm đánh sập nó cũng được. Ừ, tôi bảo, mày làm thế là đúng.

Rồi chúng tôi vẽ hươu vẽ vượn về tương lai một năm sau nữa, với hai lượt bia, rằng khi ấy nó sẽ (hy vọng rằng) bắt được một hai con chuồn chuồn. Lúc đó tao sẽ có chuồn chuồn, còn mày thì có cái mà tao cần tao thích, chúng ta sẽ thử lần đầu tiên làm việc với nhau. Thôi giờ đi về, tôi bảo, thêm một cốc nữa là anh em sẽ ngồi tới khuya. Ờ.

Nó bảo, hãy nhớ, mỗi tuần dành một tiếng, chia ra mỗi ngày 10 phút để suy nghĩ về việc này. Chỉ mười phút thôi không hơn, nghĩ nhiều quá là mày sẽ thành ra đang chơi game, ảo mộng. Mười phút mỗi ngày, chỉ thế, sau một năm mày sẽ có cái mà tao cần và nếu lúc đó tao có chuồn chuồn, thì mình làm việc. Câu chuyện này mình sẽ nói tiếp sau một năm.

***

Có lẽ trời sẽ không thể sáng trước khi tôi lại buồn ngủ. Một cơn mưa rào đang đến, vào lúc 5h sáng, trời vẫn tối đen.

Tôi vui vì cuộc uống bia du kích với thằng bạn. Viễn tượng về chuyện nó sẽ có chuồn chuồn và tôi sẽ có cái nó cần, và chúng ta sẽ làm việc với nhau để ra nhiều chuồn chuồn, chẳng làm tôi phấn khích. Năm nào chúng tôi chả nói thế với nhau, và với các thằng bạn khác. Tôi đã có nhiều thất bại trong cuộc đời mình đến nỗi tôi có thể diễn thuyết về cách làm thế nào để thất bại một công việc. Thậm chí tôi còn biết làm thế nào để thất bại trong cả một cuộc đời. Nhưng một người lính sẽ không bao giờ biết đến thất bại, không hiểu được thất bại và nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm, nếu anh ta không ra chiến trường. Tôi đã thất bại nhiều nhưng tôi vẫn đang chiến đấu, và bằng cách nào đó tôi vẫn có những gì đó có thể gọi là thành công dù nhỏ.

Tôi sẽ cười khằng khặc nếu cách đây 10 năm có ai bảo tôi sẽ đạt được cái mà tôi đang có ngày nay, khi lúc ấy tôi đang tính chuyện mình sẽ kiếm ăn bằng cách chạy xe ôm hoặc sửa máy tính ở Lê Thanh Nghị. Tôi cũng sẽ cười khằng khặc nếu cách đấy 10 năm mà có người bảo rằng đến năm 2014 tôi vẫn tay trắng, có mười năm lao động chăm chỉ mà vẫn tay trắng là thế đéo nào được? Nhưng mà nó là như thế, cái tự ti và cái tự tin luôn song hành với nhau, chỉ có vạch đỏ của thời gian là tiến đều đều.

Nhưng chẳng phải là niềm vui không ở đích đến, mà ở trên đường, sao?

***

Mưa đang nặng hạt, 5.30am, trời đang sáng lên trong màn mưa. Rồi trong mưa trời sẽ sáng lên nữa. Rồi bà giúp việc sẽ dậy, kết thúc khoảnh khắc êm ái mà tôi được ở trong gam màu của mình và không gian của mình.

Trời đã sáng. Mưa đã ngớt. Gà đang gáy loạn cả lên, rồi cả tiếng chim sẻ lích chích, rồi cả tiếng chim gì khác nữa, thật khó mà tin nổi nhiều tiếng chim hót như thế vào lúc tảng sáng ở đây. Bà giúp việc đã dậy, thấy tôi đang ngồi máy tính, bà ấy nhìn như nhìn một thằng quái đản. Màu của tôi và không gian của riêng tôi đã bị đóng lại.

Bà giúp việc vào phòng của bà ấy. Rồi lại mở cửa đi ra. Tôi nghe tiếng xe máy vọng lên từ ngoài đường lớn. Trời đã sáng và đêm đã không còn.

“Cháu dậy sớm thế à, cô thấy cành cạch cành cạch lâu rồi!”. Ẹc, một lời trách cứ. Thôi bèn tắt máy và ngủ tiếp thôi.

Trước khi tôi ngủ vùi trên sofa, trước khi tỉnh dậy lúc 2h sáng và ngồi xem phim rồi viết entry này, tôi bảo vợ, em à, anh cần không gian (như con cá cần nước và con chó cần ngửi thấy mùi thối), có những lúc anh chỉ muốn một mình. Vợ bèn đứng dậy bỏ đi, không thèm nói chuyện với tôi nữa. Như thể, mong muốn “một mình” là một cái gì sai quấy, ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm và vô vọng.

Written by Tequila

April 5, 2014 at 6:07 am

Posted in Linh tinh