Teq's Blog

Archive for June 2016

Chiều Vân Phong

with one comment

Trưa thứ bảy tuần trước, sau khi kết thúc chương trình công việc của mình một cách tốt đẹp nhưng cũng nhiều thắc mắc, tôi lững thững cắm tai nghe vào tai, xách theo một cuốn gọi là Truyện ngắn Châu Mỹ tập 1, NXB Văn học in năm 2000, xuống nhà hàng của khách sạn, chọn một cái bàn cạnh bể bơi, ăn một tí gọi là, làm chai bia, quyết định sẽ dành một buổi chiều Nha Trang rảnh rang này để đọc sách mà thôi, không đi đâu cả.

Tôi đọc khoảng vài truyện, tới hết một truyện kinh dị của Edgar Poe, truyện Con mèo đen. Truyện này rất kinh dị, thằng nhân vật chính chuyển từ yêu thương sang căm ghét con mèo đen của mình, đến nỗi đầu tiên khoét một mắt rồi một thời gian sau thấy vẫn chưa đủ bèn treo cổ nó, rồi ám ảnh hồn ma của con mèo đen đã khiến thằng nhân vật phạm một tội ác thật sự và rồi phải trả giá vì tội ác đó. Truyện này tôi đọc đâu đó lâu lắm rồi, giờ gặp lại đọc lại. Tôi không có cảm giác kinh dị về chuyện con mèo, mà cảm giác kinh dị đến từ những suy nghĩ về việc, làm thế nào mà một con người hiền lành bỗng phát sinh cảm giác căm thù tăng dần lên đến mức bệnh hoạn và bị hấp dẫn bởi cái ác đến nỗi cái ác bao trùm hắn trong một khoái cảm không thể thoát ra cho tới khi hắn tự hủy diệt bản thân.

Những suy nghĩ này khiến tôi phải bỏ sách xuống, ngồi thừ ra, và rồi mới nhìn thấy ở dưới bể bơi bên cạnh, có một con cá vàng đang bơi. Con cá vàng quốc tịch Nga, chừng 17 tuổi, những đường lượn tuyệt đẹp trên cơ thể nó vẽ ra những đường lượn tuyệt đẹp khác lan dần trên mặt nước xanh lấp lánh vàng dưới nắng. Tôi chợt biết rằng buổi chiều thư thả thanh nhàn của tôi đã bị con mèo đen trong truyện và con cá vàng đang bơi này làm cho thay đổi. Thế giới nhất định không phải ở đây. Tôi phải lượn một vòng thôi.

Tôi đi sang bên kia đường, vào một tiệm cho thuê xe máy, tính thuê xe, quên mất rằng khách sạn đang giữ giấy tờ, không có gì để cược. Tôi đang thảo luận với em trông cửa hàng rằng đợi tí anh sẽ về khách sạn rồi bằng cách nào đó mượn được giấy tờ của anh ra đây để cược thuê xe, thì một chiếc xe hơi đỗ xịch đến, cửa xe mở ra. Em bán hàng nói “chị ơi anh này muốn thuê xe nhưng không có giấy tờ gì”. Bà chủ của em, phẩy tay cái rẹt, vừa lắc đầu vừa liếc xéo tôi rất khinh bỉ như thể tao biết mày là đồ lừa đảo rồi. Tôi cảm ơn em bán hàng rồi quay đi. Bà chủ của em có một gương mặt dầy và bự phấn, lông mày xăm đậm như mới bị thằng nào lấy điếu thuốc cháy dở bôi vào, chả phải tôi tự ái với bà ấy đâu nhưng mặt bả thật khó ưa. Tôi bèn nhảy taxi tới trụ sở chi nhánh, gọi anh bảo vệ, mượn xe và mũ của anh ta, khỏi mất tiền.

Tôi chạy tới tham quan Tháp Bà Ponagar.

***

Quần thể tháp đẹp nhưng nhạt. Nó sẽ đỡ nhạt hơn nếu cách xa thành phố 200km thay vì 2km từ trung tâm. Không biết đúng hay sai nhưng tôi chắc chắn rằng Tháp Bà sẽ linh thiêng hơn nếu nó cách xa thành phố, có một vẻ gì đấy kỳ bí hơn.

Song kỳ bí là gì, tôi cũng không hiểu được. Đi quanh khu di tích này, chỉ có duy nhất một tấm bia mà tôi có thể đọc hiểu, là bản dịch đặt cạnh văn bia chữ Nôm do Phan Thanh Giản dựng nên. Văn bia là một cổ tích rất đẹp kể lại câu chuyện về ngôi tháp này. Chuyện kể về một tiên nữ giáng xuống trần, rồi quá chán cõi trần nơi đây nàng bèn nhập vào một súc gỗ kỳ nam trôi sang Bắc Hải, hiện hình người lấy hoàng tử Bắc Hải rồi lại bỏ hoàng từ trôi về đây, hoàng từ sai hạm đội đuổi theo bắt lại vợ rồi giông gió bỗng nỗi lên đánh chìm cả chiến hạm của chàng. Tóm lại là một câu chuyện về một nàng tiên lạc lõng đi tìm hạnh phúc, rồi khi tìm được hạnh phúc thì nàng từ bỏ và trở về với nơi trước đây nàng thấy lạc lõng, hạnh phúc cử hạm đội đuổi theo nàng và thế là nàng nổi bão cho chìm luôn hạm đội ấy, cũng may hạnh phúc của nàng cẩn thận không đích thân đi tìm nàng. Chuyện hay phết.

Đó là cổ tích. Còn lịch sử thì không giống thế, dù lịch sử nhiều khi cũng là một loại cổ tích chỉ khác là có ghi ra giấy và có tên tác giả. Lịch sử nói rằng người Việt tới đây 360 năm trước, một đốt tay ngắn ngủi của dòng thời gian, quá ngắn để tạo nên một văn hóa nhưng càng quá ngắn để hỏi tại sao nền văn hóa trước đó lại có thể bị lãng quên. Nhiều điều khốc liệt độc ác đã diễn ra. Năm ngoái tôi đọc một tài liệu nghiên cứu về 35 năm cuối cùng của Chăm Pa, đầy máu. Văn bản đó cũng làm cho tôi lần đầu tiên biết rằng, ở xứ sở chữ S này, nơi dân tộc Việt Nam là một đất nước Việt Nam là một như hiện nay, đã có một cuộc Thánh chiến Hồi Giáo, một Jihah đàng hoàng.

Năm 1832 có một anh tên là Khatip, tập trung anh em Chăm và Campuchia theo Hồi giáo, khởi nghĩa tại Đồng Nai dưới ngọn cờ Thánh chiến Hồi Giáo, Jihah. Minh Mạng gửi thư chiêu an nhiều lần không được, bèn cử đại binh tiến đánh và vũ trang cho dân Kinh ở Ninh Thuận thực hiện việc tàn sát cướp đất. Một cuộc tàn sát vô tội vạ đã diễn ra, đặc biệt là các làng mạc duyên hải để người Chăm không thể trốn ra nước ngoài theo đường biển. Điều đó giải thích vì sao dân tộc Chăm rất giỏi về nghề biển và là những thủy thủ ngon lành song giờ đây dọc duyên hải chả còn anh Chăm nào bơi thuyền.

Tôi cảm thấy rất hài lòng khi biết rằng trong lịch sử của dân tộc mình đã từng có một Jihad. Lịch sử có quá nhiều uẩn khúc, và sự tồn tại của một Jihad khiến nó trở nên đầy đủ hơn dù nó lại tạo ra nhiều câu hỏi mới mà tôi chưa biết tìm đọc cái gì để hiểu thêm.

Lấy xe máy ra khỏi Tháp Bà, tôi mở điện thoại xem bản đồ, nhận thấy lên phía bắc đôi ba chục cây sẽ tới một cái vịnh có hình dáng rất hấp dẫn là vịnh Vân Phong, thế là tôi dành cả chiều để đi thăm vịnh đó, 250km cả đi và về.

***

Từ Nha Trang đi lên phía bắc 40km, vượt qua một đoạn đường đẹp cạnh một cái vụng biển gọi là Đầm Nha Phu, thì tới thị xã Ninh Hòa. Từ Ninh Hòa rẽ phải sẽ vào một con đường rất đẹp, to đùng trải nhựa mà suốt mười mấy km tôi chỉ gặp 3 cái ô tô và khoảng 15 – 20 con bò, bên trái là cánh đồng bên phải là núi, thì tới khu công nghiệp Huyndai với những con tàu to đùng đậu dưới biển. Từ Huyndai đi tiếp một đoạn đường cực đẹp khoảng 15 km thì tới xã Ninh Vân, nếu cứ đi thẳng tiếp con đường này thì bạn sẽ đâm thẳng xuống biển ở cái cảng cá nhỏ cuối làng Ninh Vân.

Ninh Vân là đầu mút của một cánh cung vịnh Vân Phong (sao toàn tên địa danh đẹp thế nhỉ), nó là một làng khang trang nhà cao cửa rộng  nhưng được quy hoạch gọn ghẽ. Đầu làng là núi, đuôi làng là biển, bên trái làng là cánh đồng lúa đang lên xanh mướt còn bên phải là một con đường nhỏ xuyên qua những khu vườn, đầu đường có biển ghi “di tích tàu không số – 1km”. Tôi tới di tích, thì chả thấy di tích đâu chỉ thấy chục ông cởi trần đang xây dựng một công trình gì đó, hỏi ra thì các ông ấy chỉ đi bộ vào trong góc trong của công trình. Một đống thép gỉ đen là di tích còn lại của con tàu bí danh 325, bên cạnh có một văn bia. Văn bia kể chuyện con tàu bị bao vây và bị áp đảo về số lượng, sau khi quyết chiến nhưng không lại và vài thủy thủ đã chết, thuyền trưởng quyết định thả hàng xuống biển, chạy về đây, địch quân chạy sát theo sau, thuyền trưởng và những thủy thủ còn lại nhảy xuống biển sau khi cài mìn hủy tàu, rồi trốn vào rừng. Sau nhiều ngày đêm bị săn lùng trong rừng, cuối cùng một số anh đã thoát, còn thuyền trưởng và 13 anh nữa bị thương kiệt sức đã nằm lại, được khắc tên trên văn bia này. Vị thuyền trưởng anh hùng này là dân Điện Bàn, Quảng Nam. Không hiểu cha ông của ông ấy có pha chút dòng máu Chăm nào không, nhưng ông ấy quả là một thủy thủ can trường.

Không có hương để thắp lên bát hương thờ đặt trước văn bia, tôi bèn vái chay các vị thủy thủ dũng cảm, rồi quay lại ngắm đống sắt đen thui từng là một phần của con tàu. Đống sắt được đặt trong một tủ kính to để tránh mưa gió. Vốn dốt về tàu bè, tôi không biết đống sắt đen thui méo mó từng là bộ phận gì của con tàu. Ngoài ra thì nó còn bị che bởi hai vòng hoa giả màu trắng, mỗi vòng hoa cài một tấm băng ghi tên tổ chức viếng thăm, chắc do quý trọng các anh lãnh đạo trưởng đoàn thăm nên người ta nhét cả vòng hoa vào trong tủ kính, chắc hy vọng các anh cũng sẽ được ghi nhớ. Nhưng mà chính quyền khóa mới rồi, có khi các anh cũng đã thành di tích ngồi đầu ngõ đánh cờ với nhau.

***

Từ Ninh Vân tôi quay ngược trở ra theo đường cũ, men theo cánh cung này của vịnh Vân Phong. Tôi dừng trên một đỉnh dốc, ngắm toàn cảnh vị. Vịnh quá đẹp. Trên mặt biển xa xa những hòn đảo gồ lên như lưng của những con khủng long đang lặn ngụp, có dăm bảy con khủng long như vậy, con to con bé. Giữa trưa trời nắng chang chang, gió lộng thổi, mặt nước lấp loáng không khí rung rinh khiến những con khủng long như đang bơi vậy.

Tôi thấy khát nước, thèm bia, đứng trước cảnh đẹp bao giờ tôi cũng thấy thèm bia. Nhớ khi đi vào đường này bên trái có cái resort, tôi định rẽ vào đó làm cốc bia ngắm biển, nhưng tới nơi thì resort chưa làm xong hoặc còn vắng quá nên nhà hàng đóng cửa. Thất vọng tôi đi tiếp. Một đoạn sau thấy có cái quán cổng vào khá lụp xụp, nhưng có xe máy ô tô đậu bên trong. Tôi bèn phi vào. Một anh trung niên gày gò đi ra hỏi tôi, rồi gọi với vào trong “Dưới nhà còn đồ gì ăn không?” “Có khách mới à?” “Không, có chú em đi đường xa đói bụng khát nước” “Thế bảo xuống bãi đi, chắc còn đồ ăn”.

Xuyên qua một con đường lát gạch dở dang, dăm ba nếp nhà du lịch đầu tư có ý đồ nhưng làm chưa tới, thì xuống bãi biển. Chừng chục thằng con tây già trẻ lớn bé đang nhậu bên một bàn thịt nướng, vài chị chắc là Việt kiều. Chủ quán là một anh đang nướng thịt, một chị phục vụ đồ ăn, một con bé đoán chừng là con lai cầm cuốn sổ ghi chép tính tiền. Tôi gọi đĩa cơm rang, hai xiên thịt và một chai bia. Chỉ có bia lạnh là ngon còn thì cơm rang và thịt đều rất dở.

Có một cái lán gỗ lợp gianh, dưới mái lán có mấy thằng tây đang bày loa đàn ra nghịch. Một bộ loa khủng, một bàn mixer, một keyboard, một guitar bass và một guitar solo, và một bộ trống cơ hẳn hoi. Chúng đang lên dây căn mic, một chị gái người Việt đứng thử giọng. Rồi tới chừng tôi nhai nhặm nhọ hết nửa đĩa cơm, thì họ bắt đầu chơi. Chất lượng chơi tuyệt hảo, gần như chuyên nghiệp. Tất nhiên chưa phải chuyên nghiệp, nhưng ở level cao nhất trong mức nghiệp dư. Tôi bèn dừng ăn, gọi thêm đôi chai bia, gác chân hút thuốc uống bia nghe nhạc.

When the night has come and the land is dark, and the moon is the only light we’ll see. No I won’t be afraid, no, I won’t be afraid. Just as long as you stand, stand by me…

Đứa bé gái tóc vàng hát Stand by me của John, em không hát, mà em đọc với một giọng thánh thót mà đệm bằng âm giai nào cũng quyện vào được, như là kể một câu chuyện cổ tích trong lớp mẫu giáo của em. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa cha ông của em, những thủy thủ da trắng với lòng dũng cảm không thể tưởng tượng nổi, đã lên những con tàu buồm đi thẳng vào giữa đại dương hãi hùng để tìm kiếm những vùng đất mới, mỗi một cái chết lại mở rộng một ly hải đồ của họ. Khi hải đồ ấy vẫn còn chưa hoàn thành, cách nơi này vài trăm dặm lên phía bắc, mồm đọc thơ tay múa đại đao, chiến binh cũng dũng cảm không kém là Đào Duy Từ dựng nên một chiến lũy để chống lại vua phương Bắc, để chúa phương Nam tiếp tục mở rộng bờ cõi, đẩy lùi dần những chủ nhân cũ của đất này. Mỗi một mét đất lan ra là kết quả của một cuộc thương thuyết hòa bình trước khi kết thúc bằng quyết đấu máu me. Những người đàn bà xinh đẹp chủ nhân cũ của đất này đã liên tục sinh ra những chiến binh, cũng dũng cảm vô song, và những chiến binh ấy đã đổ gần như cạn kiệt máu của mình trên con đường lui đau khổ. Rồi những thủy thủ tóc vàng cập bến, lại bằng lòng dũng cảm, cộng thêm súng và nền văn minh, thiết lập một trật tự. Trật tự ấy lại nhanh chóng tan vỡ, tiếng súng vang lên tươi vui rôm rả gần một trăm năm suốt từ núi cao cực bắc đến đồng nước cực nam, lan sang cả bên kia dãy Trường Sơn và tỏa ra ngoài biển. Mỗi một thước đất là một bát máu và một bát nước mắt, chẳng biết bát nào đầy bát nào vơi. Trong khi biển vẫn xanh và nắng vẫn vàng, nước vấn lấp lánh từng đợt một liếm lên mép bờ cát trắng phau, còn máu mới ngừng đổ ba mươi năm. Thời gian còn quá ngắn, người ta còn chưa biết yêu nhau trở lại, hay là họ đã từng yêu nhau hay chưa.

Stand by me

***

Tôi tính tiền và bỏ đi khi bài hát của em bé kết thúc. Tôi biết rằng buổi cắm trại của họ sẽ kéo dài từ giờ cho đến khi đêm xuống, có thể cho tới khuya, và sẽ hay. Nhưng thôi thế là đủ. Tôi muốn đi đến đầu mút bên kia của Vịnh. Bữa trưa này đã quá đẹp. Tôi post một status trên facebook, kiểu nó là phải thế. Sau này tôi sẽ suy nghĩ để tìm hiểu sao mỗi khi đi một mình mà có gì hay, tôi đều post facebook. Có thể tôi cần like, có thể không phải thế, có thể tôi vẫn cần một giá trị nào đấy mình cảm thấy từ sự chia sẻ, hoặc bằng sự chia sẻ ấy tôi chứng minh rằng những chia sẻ thật sự rất hão huyền.

Tôi phóng một mạch 100km đến đầu kia của vịnh Vân Phong, dừng chân tại Sơn Đừng. Gmap báo cho tôi biết rằng tôi đang ở cực Đông của đất nước. Cái điểm thực sự cực đông ấy, chỉ cách chỗ tôi dừng chân có vài trăm mét. Song tôi không đi đến đó. Một là đã gần tối, tôi cần phải trở về Nha Trang tối nay, và là một thằng thích chạy xe máy đường dài, tôi có những nguyên tắc của mình. Hai là đánh dấu không phải là sở thích của tôi. Tôi rẽ vào một quán ở Sơn Đừng. Chủ quán và năm sáu thằng bạn đang uống bia. Tôi vào và gọi hai lon bia cho mình, ra ngồi một góc ngắm hoàng hôn.

Tôi cũng từ chối ngồi vào bàn của anh chủ quán và các bạn, dù tôi biết chắc ngồi vào sẽ là một câu chuyện. Ai ở trên đời này cũng là một câu chuyện. Mỗi một lối rẽ đều là một câu chuyện. Như cái quán nước ven đường mà tôi dừng lại để mua nước uống, ông già quắc thước chủ quán gây cho tôi một cảm giác rằng nếu tôi dừng lại đây và ngồi với ông, thì câu chuyện của ông ấy chắc chắn sẽ hay. Nhưng tôi muốn ngắm hoàng hôn ở đầu mút này của Vân Phong, nên tôi trả tiền nước và đi. Tôi đến Sơn Đừng, vào một quán, thực ra là quán duy nhất mở cửa ở đó lúc chiều hôm, mặc kệ anh chủ quán và các bạn, tôi ngồi bên mép nước, uống lon bia SàiGòn lạnh, hút điều thuốc, post thêm một status facebook, ngắm mặt trời đang lặn, nó ném những quầng sáng cuối ngày chụp lên vùng nước mênh mang với những con thuyền dập dờn ngoài bãi và một bà mẹ cùng đứa trẻ làm gì đó trên bờ cát.

Tôi rời đi khi mặt trời đang ném nốt những vệt sáng cuối cùng đỏ ối lên những đám mây, đến quốc lộ là trời đã tối. Không có kính, phải lim dim mắt mà chạy, côn trùng dày đặc bắt sáng đèn xe máy lao vào, cứ như thằng nào ném từng vốc cát vào mặt mình. Một trăm km thì về tới nơi, trả xe máy, taxi về khách sạn, kết thúc chuyến du ngoạn của mình.

Tôi lại xuống nhà hàng, ngồi vào cái bàn buổi sáng, nhà hàng chỉ còn mỳ tôm. Tôi làm một bát. Dưới bể bơi tất nhiên không có cá vàng nữa và tôi cũng đã quá mệt để đọc tiếp cuốn Truyện ngắn châu Mỹ. Tôi lên phòng, đặt đồng hồ giờ mà xe sẽ đón mình đưa ra sân bay Cam Ranh, rồi do mệt mỏi sau mấy trăm km chạy cái xe máy ghẻ tư thế gù lưng, tôi chìm vào một giấc ngủ đầy mộng mị, bồng bềnh giữa biển, mặt trời và những cột cây số.

Written by Tequila

June 2, 2016 at 1:40 am

Posted in Linh tinh