Teq's Blog

Archive for August 2016

Xu Be

with 15 comments

Vào năm cỡ 93 – 94 gì đó, trên truyền hình chiếu một quả phim sến chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Phim hay phết, có thằng nhà giàu bị mù do tai nạn, nó thuê một cô giáo dạy nhạc về dạy cho con gái, là con riêng với vợ cũ của nó, xong bèn phát sinh tình cảm với cô giáo, rồi thế quái nào sau lại phát hiện cô giáo chính là vợ cũ. Quá tài!

Phim đó hay, thời đó có phim mà xem thì đều là hay cả, nhưng cái đặc biệt của phim đó là nhạc phim hay. Toàn những bài nổi tiếng tương vào. Có một bản nhạc mà nhờ xem phim đó tôi mới biết đến, là bản Serenade của Schubert. Tôi thích quá, bèn bắt giai điệu của nó gảy trên guitar, đi hỏi ông thầy già của mình, thì mới biết tên bài, cụ bảo, Xu-be đấy cháu. Ừ thì Xu-be, tức là một thằng nhạc sỹ chết lâu quá rồi. Nhạc cổ điển hồi ấy với tôi chỉ giới hạn ở Beethoven với Xô-nát Ánh trăng (chương 1, chứ 2 chương sau nghìn năm sau mới biết) và thư gửi Elise, Mozart với hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng phương pháp dạy guitar huyền thoại mà cụ dạy cho tôi, không thể chơi được Serenade.

Vừa may, chị thằng bạn tôi, dạo đó chị ấy có một anh bạn học nhạc viện khoa guitar tới tán tỉnh. Tán chị có vẻ hơi khoai nên anh ấy tán hai thằng em trước, tuần hai buổi đi bộ từ nhạc viện tới Bách Khoa để dạy đàn cho chúng tôi. Yêu cầu đầu tiên của anh ấy, là phế bỏ võ công cũ, tập lại từ đầu. Khi đó tôi mới biết rằng bấm guitar cổ điển thì ngón tay nhất thiết phải vuông góc với dây đàn. Và dù anh không dạy, nhưng tôi tự kiếm bản nhạc và tự chơi được Seranade của Schubert.

Sau này mới thấy, bản Serenade này quá đẹp nhưng đơn giản, cái đẹp của nó là ở sự đơn giản. Và đó là một bản nhạc cổ điển hiếm hoi có thể chuyển soạn hoàn hảo sang guitar độc tấu, loại nhạc cụ vốn rất hạn chế khi chơi những bản nhạc cần nhiều bè phức tạp. Serenade không phức tạp, nó đơn giản, và hoàn hảo.

https://www.youtube.com/watch?v=nYKgOqRS6KI

***

Tương truyền Franz Schubert thuở đó còn rất trẻ, đem lòng yêu (tất nhiên đơn phương, nói chung bọn nhạc sỹ thiên tài luôn bị gái chê) một cô gái. Chàng bèn nghĩ đến việc tán gái bằng chiêu trò phổ biến thời đó, là tặng nàng một khúc Serenade, đến dưới ban công nhà nàng và tặng nàng. Serenade là một thể loại để tán gái, nó không có quy tắc gì nhiều cả, chỉ có một quy tắc là vác đàn đến và hát dưới ban công phòng ngủ của gái.

Schubert bèn nhặt một bài thơ mà chàng thấy là quá hay, phổ nhạc cho nó, nhờ một thằng bạn làm ca sỹ có giọng hát ngon nghẻ, nhờ mấy thằng bạn khác khiêng piano tới vườn nhà nàng. Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng. Bản nhạc viết xong, hay vãi đái. Thằng bạn ca sỹ đã sẵn sàng đúng giờ. Đàn piano đã xếp đặt. Mỗi tội, Franz Schubert, hôm đó thế đéo nào, chàng quên mẹ nó mất, không đến. Bản serenade huyền thoại vẫn được vang lên dưới ban công cửa sổ nhà gái, và gái sau đó đem lòng yêu thằng bạn ca sỹ, mà chẳng biết chẳng màng tới Schubert. Không biết là nên tiếc hay thấy may cho gái. Gái lúc nào chả thế, luôn yêu những thứ long lanh và người ta luôn làm ra những thứ long lanh để tặng gái.

Franz Schubert xấu trai, bất tài, và nghèo khổ. Mẹ của chàng vốn là người hầu trong gia đình quý tộc nào đó, cha chàng làm nghề nhạc. Làm nghề nhạc thời đó, đại loại ngang với chăn ngựa. Bọn quý tộc Tây Âu thời đó, tất nhiên tri thức chúng cao rồi, nhưng chúng đọ nhau bằng ngựa, xe, lâu đài, rồi vì chưa có iPod nên bọn chúng nuôi nhạc sỹ để khi cần thì nhảy lên đàn chơi cho chúng nghe. Nói chung cũng là phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của bọn quý tộc mà thôi.

Schubert là một nhạc công cừ khôi nhưng là một nhạc sỹ bất tài. Quả vậy, sinh thời chả thằng đéo nào thèm nghe giao hưởng với opera của chàng. Mà chỉ có làm giao hưởng và opera thì mới kéo được đám đông quý tộc đến nhà hát, và biết đến tên tuổi mình. Không ai nghe nhạc ấy của chàng, dù chàng vẫn sáng tác. Dù các nhạc sỹ khác vẫn biết đến chàng, qua cái network mà anh em trong giới biết nhau, như là Selieri – kẻ thù cay đắng của Mozart – làm thầy dạy cho chàng, hay các bạn chàng như Liszt, Schumann, Mendelsson mà sau này khi chàng chết đi mới công bố những tác phẩm của chàng và làm chàng bất tử khi đã chết rồi.

Schubert sống nghèo khổ, hình như cả đời chàng chẳng tán được gái nào cả. Ơ mà hình như cũng có tán được một cô nhưng lại không có tiền lấy vợ. Chàng không kiếm được tiền, chẳng có danh, một loser hoàn hảo. Những lúc rảnh quá hay đói quá hay buồn quá, chàng viết những ca khúc, và viết những bản nhạc không hoành tráng gì không dạy dỗ gì cho thế giới, như những bản Impromptu của chàng. Ân nhân của chàng là những người cho chàng công việc vớ vẩn nào đó kiếm cháo qua ngày, hoặc tài trợ cho chàng đơn giản là những tờ giấy viết nhạc, để chàng một mình buồn tủi và tự sướng và cô độc với những giai điệu đẹp đẽ phi thường trong cái đơn sơ giản dị, như một kiếm sỹ cả đời luyện kiếm chẳng để đấu với ai chỉ để mùa đông đến thì rút kiếm ra khỏi bao và thi đấu với những bông tuyết.

Schubert là bình minh của âm nhạc lãng mạn. Chàng nhanh chóng tiêu xài cuộc đời mình chỉ với âm nhạc. Chàng chết năm 31 tuổi không một xu dính túi nhưng có hàng đống những bản nhạc. Thật may cho nhân loại là những nhạc sỹ có biết đến chàng, họ tập hợp những bản nhạc ấy và công bố với thế giới. Nhiều năm sau này, tuyệt phẩm nhạc Việt là bài Nghìn thu áo tím, nghe chừng đâu giống giống với Impromptu No.2 A-Flat của chàng.

***

Một cái tam tấu hay, rất hay, cực hay, tóm lại là hay chứ từ ngữ chỉ có từng ấy:

https://www.youtube.com/watch?v=e52IMaE-3As

Có thể Schubert đã may mắn, khi còn có những ông bạn đồng nghiệp biết tới chàng và phổ biến những bản nhạc của chàng khi chàng đã chết. Có thể có những người khác kém may mắn hơn. Và hầu như chắc chắn rằng, chắc chắn đã tồn tại những người kém may mắn ấy. Có thể từng tồn tại một thiên tài còn hơn cả Schubert, Liszt, Beethoven, Mozart, Tchaikovsky… nhưng anh ta đã chết rụi trong một xó nào đó không ai biết anh từng tồn tại. Cũng như có thể đã có những thiên tài còn hơn Van Gogh nhưng không may mắn như Van Gogh.

Tôi chẳng thể biết được. Và không ai biết được.

Tối nay tôi tập thử một đoạn trên piano bản Serenade của Schubert (bản giản lược, tối giản, cực đơn giản chỉ giữ lại những giai điệu chính) và rồi nhảy lên máy tính và nghe tiếp Schubert như tôi vẫn nghe hàng ngày. Sau hai năm nghe nhạc cổ điển hàng ngày và mỗi ngày là nhiều tiếng trong giờ làm việc, tôi thấy thích Schubert nhất. Anh ấy trong sáng, giản dị, hồn nhiên và hay xấu hổ, anh ấy gần gũi và đáng yêu, anh ấy buồn nhưng anh ấy luôn yêu con người. Anh ấy không trưng trổ như Mozart, không bạo lực như Beethoven, không sến súa như Chopin, không hãnh tiến như Tchaikovsky, không sang chảnh như Liszt, không mafia như Rachmaninoff. Anh ấy hiền lành, tinh tế, nhân hậu, nhăn mặt há mồm gặm nỗi thất vọng nhưng mắt vẫn tràn đầy mơ ước. Anh ấy là một Roberto Baggio trong âm nhạc.

Nghe nhạc của Schubert khiến tôi nghĩ rằng bên cạnh loài người chúng ta, còn có một loài người khác. Có đôi khi tạm quên đi những mưu cầu không biết để làm gì cả mà vẫn mưu cầu, thật là tĩnh lặng tự hỏi chúng mình đang làm gì đây trong những năm tháng cuộc đời này, tôi nghĩ chúng ta là con hoang của cái loài người ấy.

Written by Tequila

August 18, 2016 at 2:43 am

Sóng Danube

with 3 comments

Mấy hôm nay trên facebook có cái hashtag #firstsevenjobs hay phết, đọc của các bạn thấy vui. Cái trò này lành mạnh hơn nhiều trò chửi nhau. Mình cũng định góp vui nhưng mà ngoại trừ công việc kiếm được tiền đầu tiên, rất tử tế, là dạy đàn guitar cho trẻ con, thì 6 việc còn lại toàn là vớ vẩn. Dạy toán cho một thằng trẻ con chợ Vòm, sửa máy tính cài windows dạo, làm mạng quán net và cài máy cho bọn cá độ bóng đá, pha cà phê trông quán nét, in đĩa đồi trụy bán, biên tập làm kỹ xảo video đám cưới. Nói chung chả có gì để tự hào, nghĩ lại chỉ thấy buồn cười dù hồi đấy khổ sở bỏ mẹ.

Thế là quay sang tập đàn.

Nói chung trình tự sướng của mình thật là siêu hạng. Mua cái đàn piano điện rẻ tiền bằng nửa cái iPhone về để cho con gái đi học và bố thì tự nghịch. Cũng lên mạng đao tài liệu về, cũng mua sách tự học piano cái mẹ gì mà phương pháp hoa hồng… gõ thử một vài bài tập đầu tiên, thấy chán phè, bèn vứt. Tập cái phương pháp hoa hồng này thì mình sẽ bỏ đàn trước khi chơi được bài nào. Lấy luôn một bản nhạc của anh giai sến Richard Claydermann sáng tác để tập luôn, đó là một bản nhạc kỷ niệm, khi hai mươi năm trước lần đầu nghe nó vang lên từ đôi tay của cô em họ, giai điệu hay quá phát rùng mình. Tập bài đó được một hai khúc, thì bỗng phát hiện giai điệu chính của nó hóa ra là anh Richard ăn cắp từ nhạc cổ điển, tự nhiên thấy chán, bèn vứt luôn cả nhạc cả đàn, mấy tháng liền không tập tiếp.

Mấy hôm nay lại tập. Lôi luôn Chopin Nocturne No.20 kinh điển ra tập, sau một buổi chiều chơi nuột được 1 phút đầu của bản nhạc, thấy phê lòi mắt, vê ngón như đúng rồi, tự nghe thấy hay chả kém gì Barenboim chơi cả. Thật vãi chưởng trình tự sướng. Tất nhiên, sau đó sẽ là câu khó hơn và không phải cứ cố mà ra được, sẽ cần tập sang các bản dễ hơn để lấy hứng rồi mới có thể quay lại. Câu tiếp theo đó để chơi được, sẽ cần tập trung luyện ít nhất 3 tiếng.

Tập đàn kiểu phủi này, rất sướng, cứ câu nào hay là tập, câu nào khó thì bỏ đợi đến khi trình cao hơn tập tiếp. Đó là phương pháp huyền thoại của ông thầy già năm xưa dạy mình. Phương pháp ấy truyền cho mình tình yêu âm nhạc bất tận, song nó cũng hủy hoại khả năng tập bài bản để chơi được ở trình độ cao. Không sao. Cháu đổ tội cho ông như thế, nhưng luôn biết ơn ông, cầu cho ông yên nghỉ trên thiên đàng.

***

Sóng Đa-nuýp (Danube wave – Josif Ivanovici) là một bản nhạc kinh điển mà ông thầy giáo già ấy đã dạy tôi chơi, sau chừng một tháng cầm guitar, bấm được hợp âm La thứ Rê thứ. Về sau mới biết bản nhạc đó ông dạy tôi sai hoàn toàn về hợp âm, nhưng không sao, nó vẫn hay theo kiểu của nó và thậm chí với tôi nó hay hơn kiểu đúng.

Cháu phải tưởng tượng âm điệu của nó thế này này, đọc bằng mồm ông nghe theo điệu Van:  Mì Mì – chát chát – Mì – Sol La Si – chát chát – Mì – Sol Mi Đố – chát chát… Cái cụm “chát chát” ấy ăn một nếp hằn trong não tôi, sau bao năm không mờ đi.

Tôi bèn giở sách lấy Sóng Đa-nuýp ra tập. Tất nhiên tôi nhớ từng nốt của nó trên guitar nên một hai câu đầu gõ trên piano không thấy vấn đề gì, đến câu thứ ba thì là một hợp âm mà tôi bấm toàn trượt. Thế là phải mở youtube xem tutorial. Trên danh sách của youtube hiện lên phim hoạt hình ngắn nổi tiếng Father and Daughter. Xem lại nó, thế là ôi thôi không thể tập đàn được nữa, xem lại thôi mà vẫn rung rinh cảm động.

maxresdefault

Người cha và đứa con gái đạp xe lên đê, tới bờ sông. Người cha chia tay đứa con gái, xuống bờ nước, lên một cái thuyền nhỏ và chèo đi, đứa con gái nhìn theo mãi đến khi bóng cha mình khuất dạng. Ông ấy đi và không thấy quay lại, ngày lại ngày, bé gái đạp xe ra bến sông ngóng cha. Nó ngóng đến khi nó trở thành một bé gái lớn, rồi thành thiếu nữ, rồi yêu, rồi lấy chồng, có con… mỗi dịp đi qua bến sông, người con gái lại nhìn dòng sông và nhớ cha. Mãi đến khi cô trở thành một bà già, rồi trở thành một bà cụ. Ngày nọ, nước sông đã cạn, lòng sông lau sậy mọc đầy. Bà cụ bước xuống nơi xưa kia là dòng sông, rẽ lau sậy mà đi về hướng năm xưa cha đã đi, tới khi gặp chiếc thuyền đắm. Bà cụ nằm thu lu vào lòng thuyền, như nằm trong lòng cha mình, và trong giấc mơ bà cụ nhỏ lại thành người đàn bà, thành cô gái, thành một cô bé và gặp lại cha cô.

Phim ngắn này cảm động phát khóc, trên nền nhạc Sóng Danube lại càng làm nó dễ phát khóc hơn. Chiếc thuyền đắm ấy liệu có phải của người cha không, không biết. Chỉ biết người cha đã đi không bao giờ quay lại, và ở đây có một con thuyền đắm giống như chiếc thuyền xưa ấy. Một khoảng chống chếnh mênh mông nhưng đầy ắp nỗi nhớ tình yêu và day dứt của cả một cuộc đời.

***

Tôi may mắn vì có cả con trai và con gái. Tôi yêu chúng như nhau, nhưng theo cách khác nhau. Một đứa bé trai khác một đứa bé gái, nuôi dạy giống nhau nhưng chúng khác hẳn nhau. Đứa bé trai sau này lớn sẽ thành đàn ông còn đứa bé gái sau này sẽ thành đàn bà.

Tôi cư xử với con trai theo cách cư xử với một thằng đàn ông còn nhỏ, tôi có thể quát mắng nó đét đít nó, và sau đó có thể lại ôm nó vào lòng xoa đầu thảo luận một trò chơi nào đó. Tôi không hề ngại nếu 15 tuổi trở đi nó sẽ chống đối tôi hết mình. Đó là cách một thằng đàn ông lớn lên. Còn với đứa con gái, thì phải cư xử với nó như một người phụ nữ còn nhỏ. Phải lịch sự và dịu dàng với nàng bởi vì chưa kịp mắng thì nàng đã khóc mất rồi. Loài giai và loài gái, bình đẳng và không hơn kém, nhưng là hai loài khác nhau.

Mặc dù trong thâm tâm, thành thật với bản thân mình, tôi thấy mình chẳng có gì thay đổi so với hồi mười mấy tuổi, vẫn trẻ trâu, dễ phấn khích, ham phiêu lưu, dở hơi biết bơi, vừa thông minh xong đã lại ngu xuẩn ngay được. Song thực tế thì tôi đã là một người cha. Chưa biết làm bản thân mình như thế nào cho phải, lại còn phải làm cha nữa, quá khoai. Có lẽ để làm cha thì đơn giản là yêu bọn trẻ con và giữ cho chúng có lý do mà yêu mình.

Làm thế nào để được cái điều đơn giản thế nhỉ. Thôi cứ làm những cái be bé. Tiếp tục sáng chủ nhật lôi thằng con dậy tống ra sân bóng học bóng đá, quen bóng rồi mày thi đấu với bố mày xem sao, và bố con mình sẽ tiếp tục nghiên cứu thảo luận về các nền văn minh cổ đại. Còn con gái, bố mày sẽ tập chơi cho xong Sóng Đa-nuýp rồi bố con mình đọ xem bản bố chơi hay hơn hay bản Jingle Bells của con hay hơn.

Cả nuôi cá chọi và cá kiếm nữa.

Written by Tequila

August 17, 2016 at 2:21 am

Posted in Linh tinh

Chạy trốn khỏi AI

with 4 comments

Đã hai tháng không viết gì cả. Đúng ra là cũng muốn viết vài cái linh tinh, nhưng thế quái nào viết một hồi lại thấy mình đang sa vào một đề tài nào đấy lan tràn trên facebook. Một thời buổi thật kỳ dị. Thôi sống thời nào thì chấp nhận thời đó đi vậy.

Hôm nọ buổi trưa ngồi skype chat chit với thằng bạn cứt, đề tài hay quá, đến nỗi phải sign-out để dứt khoát ngừng chém với nhau, dành thời gian cho công việc đang lúc phức tạp. Đề tài đó là AI – Trí tuệ nhân tạo.

***

Tôi do vẫn đang dùng con BB cùi bắp, chưa có điều kiện cài Prisma để nghịch nó, nhưng xem ảnh trên mạng thì bị ấn tượng mạnh, rất mạnh.

IMG-0122.JPG(ảnh: internet)

Đây là một trong những bức ảnh prisma đẹp nhất mà tôi xem được trên mạng. Nó rất đẹp, rất hội họa, ít nhất nếu chúng ta dễ dãi quan niệm rằng hội họa là sự biểu diễn của hình khối màu sắc và ánh sáng. Dĩ nhiên, nếu thấy tôi khen bức tranh này thì bọn bạn họa sỹ nghệ sỹ của tôi sẽ chỉ mặt tôi cười hô hố kèm theo một vài lời chửi bới thông cảm cho trình độ thưởng thức nghệ thuật của tôi.

Tuy nhiên, chỉ ba năm trước thôi, nếu cho chúng xem bức này, chúng sẽ cũng sẽ tin ngay rằng đó là một bức tranh được vẽ hẳn hoi, dưới tay một họa sỹ bất tài hay một sinh viên mỹ thuật nào đó bày bán trên phố Arbat Cũ, với giá khoảng 300 rúp, bán cho khách du lịch. Thậm chí ít bức bày bán ở phố đó có vẻ đẹp như bức này. Khó có thể tin rằng đây có thể là bức vẽ của một phần mềm máy tính vô tri.

Không như những phần mềm trước đây, vẫn theo kiểu máy tính, kiểu photoshop, ta đưa một bức ảnh vào rồi máy tính phân tích, lọc các đường nét chính, cứng hóa chúng, bổ khối, phết màu. Prisma do một thằng Nga ngố không ngố lắm sử dụng AI. AI của Prisma bằng cách nào đó nắm bắt được bức ảnh gốc, đánh dấu những bốc cục, phân tích ánh sáng, chọn một phong cách hội họa nào đấy, rồi tiến hành vẽ lại chúng, từng nét một. Y như cách của một con người. Y như cách ta đưa một bức ảnh chụp cho một sinh viên mỹ thuật giỏi, nhờ vẽ lại cho ta theo một phong cách đặt trước.

Nhiều năm trước đây, những siêu máy tính của IBM rất vất vả mới có thể chiến thắng được Kasparov, khi đó nó vẫn chơi theo kiểu máy tính, tức là tiến hành phân tích mọi khả năng có thể và chọn ra khả năng tối ưu. Gần đây máy tính của Google đã chiến thắng vô địch cờ vây, là một môn cờ có số khả năng gần như vô hạn và siêu máy tính cũng không thể đủ năng lực ngồi đếm hết mà tính được. AI của Google đã học và chơi theo kiểu con người rồi, chơi bằng cảm nhận và trực giác.

***

Như bạn tôi nói, hồi trước nếu anh muốn dạy cho máy tính biết thế nào là cái ghế, anh sẽ định nghĩa cho nó là cái ghế có bốn cái chân, một mặt phẳng để ngồi và một mặt phẳng để dựa lưng. Ngày này thì anh chỉ việc đưa cho nó những tấm ảnh chụp ghế, đưa nó xem, và rồi nó tự hiểu thế nào là cái ghế. Y như cách chúng ta dạy cho trẻ con.

AI đã có những bước tiến vượt bậc.  Máy tính không còn chỉ là những công cụ đơn lẻ hỗ trợ cho công việc và cuộc sống của chúng ta. Máy tính đã, hay nói đúng hơn là một số thằng người đã chế ra những mạng máy tính rất thông minh, để điều khiển hành vi của chúng ta. Hàng ngày chúng ta online, chăm chỉ đều đặn dạy dỗ cho những cái AI của google hay facebook để chúng ngày một thông minh hơn, ngày một hiểu ta hơn.

Ngày trước mỗi khi tìm kiếm cái gì trên google, tôi phải gõ khá nhiều từ khóa với cộng trừ lằng nhằng để kết quả đến nhanh, gần đây, nhiều khi tôi chả phải gõ đến từ khóa thứ ba. Ngày nay cứ dừng nhìn lâu lâu cái gì là y như rằng trên thanh quảng cáo của facebook sẽ hiện ra cái đó, và giới thiệu những sản phẩm liên quan. Thiếu điều là facebook sẽ tự bấm like và tự comment hộ tôi luôn. Ngày đó cũng sắp đến rồi.

Một ví dụ khác như là, facebook có những trò vui vui kiểu như bấm để xem người bạn thân nhất của bạn là ai. Tất nhiên nếu tôi bấm thì kết quả sẽ ra sai bét, vì thông tin của tôi và các bạn trên facebook là khá ít, và hơn nữa là chính tôi cũng chả biết thằng nào là bạn thân nhất của mình. Nhưng nếu tôi đang học cấp 3, chơi facebook đều đặn cùng các bạn trong lớp, chia sẻ đủ thứ từ các sở thích cho đến vui buồn, thì AI sẽ chọn được đúng đứa nào mà tôi gần gũi và chia sẻ nhiều nhất. Chẳng phải khi 17 – 18 tuổi chúng ta vẫn định nghĩa bạn thân là như vậy sao? Và tiến thêm một bước nữa, nếu tôi không biết ai là thằng bạn thân nhất thì facebook sẽ chỉ cho tôi đó là ai.

Facebook cũng có thể lọc thông tin và nghiên cứu, cân nhắc, chọn ra cho tôi một cô bạn gái hợp với tôi nhất. Sau đó AI thả một con pokemon chẳng hạn, mà tôi và cô ta đều đang muốn bắt, vào một quán café. Quán café sử dụng radio iTunes và AI của nó sẽ tự bật lên một bản nhạc du dương mà chúng tôi đều sẽ thích. Và thế là tình yêu bắt đầu, nếu chưa bắt đầu thì AI sẽ hướng dẫn tiếp. Rồi AI sẽ giới thiệu việc làm cho chúng tôi, tới khi mà thu nhập của chúng tôi đủ đủ, nó sẽ thay thầy bói, xem cho chúng tôi một ngày tháng nào đó mà chúng tôi nên làm đám cưới. Rồi AI sẽ chọn cho chúng tôi một năm hợp lý để chúng tôi sinh con, sẽ chọn tên cho nó hợp với mạng và tử vi. Khi con sinh ra, AI sẽ lựa giùm bà giúp việc, chọn các khóa học cho trẻ con, chọn trường cho nó, dựa trên những quan điểm về nuôi dạy con cái mà AI biết rất rõ do nắm vững mọi ý nghĩ của chúng tôi. AI thậm chí sẽ đưa cho chúng tôi vài lựa chọn xem chúng tôi muốn con cái mình lớn lên trở thành ai, ví dụ muốn nó trở thành Bí thư Đoàn TNCS thành phố chẳng hạn, thì AI sẽ hướng dẫn nó phấn đấu thay chúng tôi.

Tôi nói với bạn tôi, hôm nọ anh say như thế chẳng hạn, thì AI sẽ lái xe hộ anh, đưa anh về nhà. Qua ngã tư, nếu AI thấy đồng chí cảnh sát giao thông vẫn chưa đủ chỉ tiêu ngày, và AI thấy là trong tài khoản anh còn tiền và số tiền phạt sẽ vừa cho chú cảnh sát mà không ảnh hưởng đến anh mấy, AI sẽ phạm một lỗi nhỏ, rồi trả tiền phạt cho chú cảnh sát vui vẻ ra về, rồi tiếp tục đưa anh về bàn giao cho vợ anh, an toàn vui vẻ.

Bạn tôi bảo, thế thì em sẽ đập cụ nó cái AI đấy đi, hoặc em sẽ bỏ hết mọi thứ và trốn lên rừng làm Tarzan. Tôi nói, cho dù anh có làm Tarzan, thì AI sẽ gửi một Jane vào rừng. Em Jane ấy sẽ đúng sở thích của anh, hơn anh một tuổi, mi nhon tóc dài, thông minh, cá tính…

***

Với siêu phẩm Prisma, AI hiện đã có thể nhìn những con bò và vẽ lại chúng như những người cổ đại đã vẽ trên hang đá, dường như đã đẹp hơn rồi, nó sẽ tiếp tục học và sẽ vẽ ngày càng đẹp lên ngày càng nghệ thuật lên.

AI hiện đã có thể giúp chúng ta tìm kiếm các bản nhạc cũ mà chúng ta chỉ mang máng nhớ, tức là nó đã hiểu âm nhạc rồi, nó hoàn toàn có thể sáng tác nhạc hay hơn nhạc Việt bây giờ.

AI hiện đã có thể đọc hiểu văn bản và tái tạo chúng, dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia ngon lành. Cho nó học kiếm hiệp Kim Dung là nó có thể sáng tác ra được, đại loại đầu tiên có một vị võ công cái thế rồi sau đó có một thằng khác rơi xuống tuyệt cốc và trở nên cái thế hơn, thằng đó sẽ tán vài đứa con gái mà trong đó thế nào cũng có một hai đứa là con riêng của bố nó, nó sẽ có ba bốn anh em trung thành và một hai đứa phản bội, nó sẽ chiến thắng vài ác ma trên một đỉnh núi cao và trở thành võ lâm minh chủ sau đó sẽ quy ẩn, đi cùng một em nào không phải là con riêng của bố nó. Truyện vô cùng hấp dẫn.

Cao cấp hơn, cho AI đọc Lev Tolstoi, rồi đọc dăm ba cuốn lịch sử chiến tranh Việt Nam, nó sẽ viết Chiến tranh Hòa bình mới phiên bản An na mít, mà câu chuyện bắt đầu vào năm 1940 có một thằng con hoang tự nhiên được bố cho thừa tự một căn biệt thự to phạc trên phố Hàng Khay. Cho AI đọc Hugo, cho nó bản thiết kế nhà thờ lớn Hà Nội, nó sẽ viết ra Thằng què nhà thờ Lớn Hà Nội, thằng què sẽ yêu một em ca sỹ, còn em ca sỹ ấy lại yêu một anh công an phường Cửa Đông.

Chuyện nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực tế không còn xa mấy. Mười mấy năm trước đã có anh nào viết được phần mềm làm thơ lục bát tiếng Việt, với luật bằng trắc cực chuẩn đọc lên rất du dương. Chỉ cần nâng cấp phần mềm ấy, cho AI học một số chủ đề, đại loại thơ về hoa thì phải có kiểu như này như này,… rồi post lên mạng cho AI học tiếp dựa trên các like. Lúc đầu có thể chưa hay, nhưng cứ phân tích like sẽ biết dân tình thích thơ như thế nào, rồi cứ thế phang tiếp, phân tích tiếp, và làm thơ hay hơn.

***

Đó là cách mà AI sẽ thống trị chúng ta, sẽ không thể nào khác được, nếu hàng ngày chúng ta cứ cần mẫn báo cáo cho nó mọi thứ của chúng ta. Chúng ta đang dạy nó từng ngày, để nó tiến hóa theo đúng cái cách mà loài người đã tiến hóa.

Loài người cứ tự tin rằng chúng ta khác những sinh vật khác, và máy tính không thể đuổi kịp, vì chúng ta có tư duy và có nghệ thuật. Nhưng cái cách mà phần mềm Prisma làm, cho thấy AI đã bắt đầu hiểu được cơ chế sáng tạo nghệ thuật, cho dù còn rất sơ khai và máy móc. Giả dụ nếu có hai ba Prisma cùng đấu nhau xem cái nào được nhiều like hơn, dần dần những Prisma sẽ trở thành họa sỹ thực thụ. Và điều quan trọng hơn là, điều căn bản nhất là, khi chúng ta cứ like những Prisma, thì chính những Prisma, những AI mới là kẻ đào tạo kiến thức nghệ thuật cho chúng ta, dạy chúng ta thế nào là nghệ thuật. Nghệ thuật theo tiêu chuẩn AI. Và không chỉ nghệ thuật, AI cũng sẽ điều chỉnh hành vi và đạo đức xã hội, nếu định nghĩa đạo đức là một bộ quy tắc hành vi và ứng xử để đảm bảo sự tồn tại của xã hội và sự tốt đẹp tương đối cho mỗi cá nhân. Đạo đức theo tiêu chuẩn AI, do AI sẽ hiểu chúng ta nên như thế nào hơn cả chúng ta biết.

Tất nhiên là khá viễn tưởng. Nhưng đúng là ngay hiện nay, số đông nhân loại có trí tuệ tầm thường hơn AI rồi. Hay mỗi người, thì có cái giỏi hơn AI có cái lại thua xa. Như tôi giờ đọc truyện giỏi hơn AI nhưng mà kiến thức về các trường phái hội họa thì kém AI của Prisma, còn cờ vây thì không biết đánh chứ đừng nói là làm học trò lớp một của Google AlphaGo.

***

Vì thế mà những ngày tháng gần đây, mỗi lần lên facebook thì ngoại trừ like ảnh hay trêu chọc bạn bè, còn thì với các topic nóng hổi thì tôi tràn ngập một cảm giác buồn chán. Facebook đánh kẻng, ăn trưa, mọi người đều ăn chung một món, rồi chia hai phe thích hoặc không, chửi nhau cãi nhau. Facebook đánh kẻng, ăn tối, mọi người lại ăn và lại chia phe như vậy. Tôi có thể đoán trước là với mỗi món ăn đấy, trong danh sách friend của tôi ai sẽ like cái gì và share cái gì, phát biểu cái gì… giống nhau và dễ đoán một cách kỳ lạ.

Bản thân tôi, tôi cũng bắt đầu phát sinh nhu cầu là nhờ AI của facebook like hộ tôi, đỡ phải bấm, vì tôi cũng thấy mình luôn luôn like một đề tài nào đấy hoặc một thằng nào đấy.

Và trong nỗ lực phản kháng của mình, tôi không sử dụng facebook như một công cụ để thể hiện những cái thuộc về cá nhân, tránh bị hấp dẫn bởi like và trở thành một người thuộc giai cấp cần like, bàn giao bản thân cho AI quản lý. Tôi duy trì việc viết blog như một nơi tuy không hoàn toàn riêng tư nhưng là nơi mà tôi cảm thấy nhiều tính cá nhân, với những câu chuyện và suy nghĩ cá nhân, làm một Tarzan trốn chạy khỏi bàn tay lông lá của AI.

Written by Tequila

August 1, 2016 at 1:52 am

Posted in Linh tinh