Teq's Blog

Archive for November 2022

with one comment

Hai hôm nay tôi đang sống như một kẻ hạnh phúc nhất thế gian. Thật là kỳ diệu. Niềm hạnh phúc, theo kinh nghiệm, tất nhiên sẽ giảm dần thôi, chứ còn cứ tăng dần đều thì mình điên mất. Tóm lại kiểu như tôi đang phê cần.

Có nhiều thứ mà một con người khi nhìn vào sẽ thấy cái hiển nhiên của sự bất khả tri. Như là dòng thời gian của vũ trụ, sự nhỏ bé của hành tinh này và những sâu kiến bò lóp ngóp vô nghĩa trên vỏ lục địa của nó, những ý niệm tôn giáo, những lý thuyết vật lý, những bài thơ tuyệt tác, những bức tranh mà khi tận mắt nhìn nó trong bảo tàng thì thấy dường như nó rất vô lý không có thật, những cuộc chiến tranh tàn khốc và sự lãng quên nhanh chóng dành cho chúng sau khi kết thúc…  Nhưng điều bất khả tri nhất đối với tôi, là sự hoàn hảo không thể hiểu được của một bản nhạc cổ điển. Tôi vẫn nghĩ những nhạc sỹ cổ điển là người ngoài hành tinh, hay là hình ảnh của Thượng đế, nhưng dường như ngay cả khái niệm người ngoài hành tinh hay Thượng đế cũng không thể lý giải nổi tại sao họ có thể viết ra những bản nhạc như thế.

Đang nuốt ly cô-nhắc và viết được tí thì con khóc òm tỏi, vợ gọi xuống dỗ con, xong bò lên viết tiếp chẳng biết đang viết đến đâu. Đấy người ta gọi thế là cuộc sống hehe. Và giờ nghĩ lại từ đầu để quay lại chủ đề. Nhiều khi muốn viết chỉ vì một ý nghĩ bất chợt lướt qua, nếu lỡ mất là nó bay đi thôi. Trong cuộc đời tử tế hay bất hảo của chúng ta, tốt đẹp hoành tráng hay thất bại của chúng ta, bất kể ra sao, tới một ngày kia may mắn chúng ta sống được tới lúc già cốc đế và phải rất cố gắng để tư duy xem mình đã ăn cơm chiều chưa, ăn món gì ấy nhỉ, thì chúng ta sẽ thấy là chúng ta đều đã bỏ lỡ cả cuộc đời này.

***

Năm xưa, một trong những thất bại của tôi, là thi trượt khoa Kiến trúc của trường Xây dựng. Thời bọn tôi, thi đại học ba môn, môn nào cũng có bộ đề 100 đề. Toán quá đơn giản, Lý cũng thế. Nhà tôi ở Bách Khoa, là lò luyện của mấy cái môn ấy. Nền giáo dục của chúng ta, lạ thay, càng cải tiến càng dở hơi, và cái rất dở hơi là Bộ đề luyện thi theo tôi vẫn là trác tuyệt so với những cải tiến bây giờ. À mà đấy lại là đề tài khác. Tóm lại tôi có lợi thế tuyệt đối so với rất nhiều anh em anh em ngoại tỉnh lên Hà Nội thi đại học, vì sau quá trình luyện lò thì cứ làm xong bài là tôi biết tôi được mấy điểm. Thi khối tự nhiên không thành vấn đề, Bách Khoa nằm trong túi quần. Tôi đi học vẽ để thi Kiến trúc. Cái hay của nền giáo dục nước nhà, khi ấy, là chả cần biết ông có thật sự thích cái ngành ấy hay không, thi thôi. Tôi nghĩ tôi biết vẽ.

Bài thi môn Kiến trúc, chả hiểu sao toàn bắt anh em chúng tôi luyện vẽ đầu lâu với cả lọ hoa, chả liên quan mẹ gì đến Kiến trúc. Kiến trúc sư sao không vẽ toa lét mà lại vẽ tượng?? Nhưng đấy cũng lại là một đề tài khác.

Chuyện là, lúc bấy giờ tôi đi học vẽ ở trên một chỗ xa lắc xa lơ là cầu Thăng Long. Giờ học vào sau trưa, lúc người ta buồn ngủ nhất. Và ông thầy, quên tên ông ấy rồi, thật đúng là một người thầy tuyệt vời, buổi trưa ông ấy bật radio nhạc cổ điển. Tôi toàn nghe rock, nhưng những giờ học vẽ đầu lâu thì tôi nghe nhạc cổ điển trên cái đài nhỏ của ông. Mà các bạn biết rồi đấy, ai lại nghe nhạc cổ điển trên radio, bọn biên tập viên không bao giờ cho anh em nghe những gì dễ hiểu. Chúng bật một bản giao hưởng chán lè lưỡi dài vãi chưởng, xong chúng đi bia hơi thịt chó, một tiếng sau quay lại vẫn chưa hết bài. Tôi là nạn nhân của chúng, và cũng xin cảm ơn những tiền bối ấy đã bật sóng trong lúc bia hơi. Rồi ngấm. Tôi nghĩ tôi đã nghe hết những bản nhạc cổ điển chán nhất trên đời, trong những giờ học vẽ đầu lâu.

Tôi vẽ đầu lâu khá tốt. Tôi nghĩ tôi sẽ được bảy điểm. Với 8 điểm Toán 8 điểm Lý trong túi dù chưa thi, thế ngon mẹ rồi còn gì nữa. Tôi sẽ là một kiến trúc sư tương lai. Thế nhưng đến ngày thi thật, tôi vẽ kiểu gì đấy mà tẩy xóa sao đó rồi thủng mẹ giấy. Thời gian đã hết và tôi biết mình trượt. Đợt ba tôi thi trường Mở và tôi cùng thằng bạn mình đã giúp cho khoảng 15 thằng không biết một cái gì luôn trở thành sinh viên. Bách Khoa thì quá dễ rồi nên tôi đi học Bách Khoa, thừa một đống điểm. Chả có gì đáng tự hào bởi với một thanh nhiên lớn lên trong khu Bách Khoa như tôi thì đi thi đại học Bách Khoa đại khái giống chơi game Mario. Thuộc mẹ rồi, chạy chạy, nhảy, chui. Đâu có đó chơi quen rồi ạ.

Khi đi học đại học tôi rất vì nể mấy anh em ngoại tỉnh, đói như sói, dép buộc dây thép. Cơm chúng ăn thì tôi chịu. Trong lúc chúng học thì tôi ngồi chè đá ngẫm nghĩ về triết lý cuộc đời. Bọn dở hơi đấy rất tiếc sau này đều thành đạt, giáo sư tiến sỹ hay kỹ sư doanh nhân nước ngoài hoặc ông chủ trong nước. Có những thằng buồn đời chả biết làm gì hay hơn bèn suốt ngày lên mạng khoe thành tích câu cá ở những con sông gì gì mà tôi chỉ đọc được trong tiểu thuyết.

Ơ lan man quá.

***

Quay lại là sau khoảng ba bốn tháng học vẽ đầu lâu ở lớp của cái ông thầy gần cầu Long Biên, thì tôi bị ngấm nhạc cổ điển. Khi ấy tôi crush bạn gái của tôi, thật ra bạn ấy crush tôi trước mà tôi đâu biết đâu. Tóm lại bạn ấy tặng tôi Celine Dion album Falling into you trong đó vô vàn bài tình tứ… thì tôi ra 49 Quang Trung, tận vài lần để lựa chọn, băng UD II xịn xò, thu rồi tặng bạn bản Overture 1812 Tchaikovsky. Bạn nhận quà rất happy, bỏ vào máy cassette và cùng nghe với tôi. Và tôi biết đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng bạn nghe 1812 Overture.

Những kỷ niệm hồi thanh mai trúc mã ấy, và rồi sau này được nghe trực tiếp người ta chơi nhạc cổ điển ở trình độ cao, tôi có niềm kính trọng vô bờ bến với những nhạc công cổ điển. Nói nhạc công là hạ thấp họ. Chơi được nhạc ở trình độ cổ điển, thì là master. Tôi đá bóng với những nghệ sỹ ấy, nghe họ trình tấu, đi uống bia với họ vân vân, tôi vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao họ đạt đến trình độ như thế. Không phải như Toán Lý Hóa của tôi năm xưa, họ là thứ khác biệt. Nói không ngoa chứ cốc bia tôi uống với họ tôi đều thấy ngon kinh lên được. Dù về cuộc sống cá nhân họ hoàn toàn đồi bại như anh em ta.

***

Niềm hạnh phúc mà tôi nói ở trên đầu bài, ấy là tôi bắt đầu nghiên cứu bản Concerto Violin Em của Mendelssohn. Tôi muốn chuyển soạn nó để chơi bằng guitar điện là thứ tôi chơi được. Tôi đang chép tất cả các bè trong bản nhạc ấy của Mendelssohn. Niềm hạnh phúc dạt dào vô bờ bến. Một vẻ đẹp trác tuyệt hiện ra, hiển hiện trước mắt mình, qua những dòng kẻ và những nốt nhạc đậu xin xít nhau.

Khi ông nghe nó ông chỉ thấy hay thôi. Nhưng khi ông định chơi nó, thì thật là rất ngưỡng mộ và cảm phục, mỗi nốt nhạc đều khiến ông kinh ngạc. Nó kéo ông ra khỏi biên giới của tất cả những chuyện này, bất kể chuyện của ông là chuyện gì, tiền bạc, vợ con, sự nghiệp… nó kéo ông ra tới một bến bờ đầy rung động đến nỗi ông phải cầm vĩ lên nếu ông là một người chơi violin, hay phải cắm đàn vào và chơi nếu ông là một thằng chơi guitar.

Ông sẽ cảm động và hạnh phúc vì tim ông đang đập, vẫn còn đập. Những ngón tay của ông dù vụng về nhưng vẫn cố gắng nương theo. Ông sẽ cảm động vì hiểu rằng, bất kể chúng ta đang lo nghĩ chuyện gì to tát đến đâu nữa, thì kệ mẹ thôi, vấn đề là trái tim ông còn rung động hay không.

Written by Tequila

November 5, 2022 at 2:15 am

Posted in Linh tinh