Teq's Blog

Archive for May 2018

Ve sầu nhốt trong hộp diêm

with 7 comments

Hôm nay tôi được nghe một trình diễn tuyệt vời trên youtube, nghệ sĩ mù trẻ tuổi người Nhật Bản tên Nobuyuki Tsujii chơi bản Piano Concerto số 2 của Rachmaninoff.

https://www.youtube.com/watch?v=dGX3temma5Q

Thoạt tiên là không có gì nổi bật, youtube tự bật tự chơi theo list của nó. Bản nhạc quen thuộc này tôi đã nghe nhiều lần mỗi lần nghe một nghệ sỹ khác nhau trình tấu. Nghe một hồi, bỗng thấy lần này có cái gì đó đặc biệt. Các bản tôi thường nghe thì tiếng đàn của nghệ sỹ piano rất nổi bật, concerto cho piano mà. Lần này, tiếng piano hòa quyện với dàn nhạc dây một cách đáng ngạc nhiên. Nó như không phải là một concerto dành cho piano mà là một bản hòa tấu mà các bè đều được có vai trò cân bằng với nhau. Tiếng piano đứng cùng với những tiếng đàn khác, không nhảy ra phía trước, không đứng lên cao, khiêm tốn, tinh tế, nhưng rồi vẻ đẹp của nó vẫn cứ hiện ra uy nghi và sững sờ như sau khi xuyên qua một cánh rừng nhiệt đới rậm rạp bỗng ta nhìn thấy một tòa thành cổ bị bỏ quên cả nghìn năm.

Tôi phải chuyển qua màn hình youtube, bật lại từ đầu để xem.

Người nhạc trưởng lớn tuổi dìu nghệ sỹ piano Nobuyuki ra tới đàn piano, giúp anh ngồi xuống, rồi nhạc trưởng về vị trí của mình. Những nốt nhạc đầu tiên vang lên như từ chốn xa xôi chiếu tới, nó quyện vào rồi chìm đi trong bè dây. Nobuyki còng lưng ngồi bên đàn. Cái đầu của anh lắc bên trái, lắc bên phải, theo từng nhịp đàn, cách đung đưa đầu thường thấy của những người mù chơi nhạc. Anh không đeo kính, gương mặt anh có lẽ là đẹp trai nếu nó gắn với một đôi mắt sáng, nhưng với đôi mắt nửa nhắm nửa mở thì trông nó như thể một chiếc mặt nạ. Nhìn khá quái dị, dù không đáng sợ hay thương. Đôi bàn tay anh cũng quái, nhảy nhót trên phím đàn như là tự những ngón tay chúng thích nhảy nhót như thế chứ không ai điều khiển cả. Những ngón tay không có sự điệu đàng làm dáng của các nghệ sỹ mắt sáng. Chúng dính vào phím đàn này, rồi bật lên nhảy sang phím đàn kia, hoàn toàn tự nhiên do cái âm thanh nó cần phải thế, có điều sự tự nhiên thuần chất đấy lại khiến chúng có vẻ ma quái. Đôi bàn tay của Nobuyuki như những xúc tu của một con bạch tuộc bám dính và vê vảy trên phím đàn, hay đúng hơn là giống với những cái chân luôn quờ quạng loạn xạ của một con tôm biển.

Vậy là cái gương mặt như mặt nạ vô hồn, cái đầu lắc từ bên này sang bên kia chẳng ăn nhập gì với cái lưng còng, những cái chân tôm biển gõ gãi trên phím đàn… không hòa nhập gì với những gương mặt trí thức đẹp đẽ và biểu cảm của các nghệ sỹ xung quanh anh. Từ góc máy quay, ta thấy gần cạnh anh là một nữ nghệ sĩ vionlin tóc nâu áo hở ngực đẹp như một nàng công chúa, thật đối lập. Kết thúc chương, anh đung đưa người một cách kỳ quặc, rút trong túi ra chiếc khăn mùi xoa để lau mặt, rồi vào chương tiếp.

Cái đầu anh vẫn lắc qua lắc lại. Lúc này, hình dạng cổ quái của anh không còn nữa. Tôi có thể nhìn thấy anh đẹp như một hoàng tử trong truyện tranh, với mái tóc dài, gương mặt thanh tú, mũi cao, đôi mắt sáng trong xanh mơ mộng, thân hình thanh thoát. Vị hoàng tử đẹp đẽ đó vì một lời nguyền cổ mà bị nhốt vào trong thân hình xấu xí, quẫy đạp trong cái vỏ thân xác bị người ta chụp lên mình, cô đơn trong miền tối tăm của đôi mắt đã bị bịt lại. Hoàng tử bị nhốt trong bóng tối ấy, không nhìn thấy những hình ảnh dẫu là đẹp đẽ hay là xấu xa, không nhìn thấy loài người. Đám đông đang lắng nghe bên dưới sân khấu, anh biết có đám đông ấy, đám đông với anh chỉ là một khái niệm, một cái gì đó gồm nhiều những thứ giống nhau. Cái anh nắm bắt rõ nhất là âm thanh của dàn nhạc dây, rõ từng nốt từng nốt một, tạo thành một thứ ánh sáng mà anh nhìn thấy. Anh điều khiển cho đám cẳng chân tôm biển của mình múa trên phím piano, tạo ra những viên bi lấp lánh hòa hợp với thứ ánh sáng đó. Đôi chỗ, ở những đoạn mà bản nhạc để riêng đất diễn cho piano, thì tiếng đàn của anh nổi lên một cách dõng dạc và mãnh liệt bất ngờ.

Tôi lắng nghe bản nhạc mà không thể rời mắt ra khỏi những cử động quái dị của cái đầu và đám càng tôm biển của Nobuyuki, thật là một phần trình diễn quá đẹp đẽ, chính xác tới từng chi tiết nhưng rất lại hoang đường.

***

Mùa hè đến rồi, tối nay đạp xe với vợ ra phố lượn một vòng, phố đêm o e tiếng ve gọi hè. Tầm này ve vẫn còn kêu giọng kim, chúng đang gọi hè thôi, hè còn chưa đến hẳn. Khi hè đến hẳn, chúng sẽ đông hơn, kêu to hơn thành một dàn nhạc hoành tráng hơn.

Nhớ hồi nhỏ thường chơi trò bắt ve. Bắt được con ve đực xong thì cũng ác, con ve sẽ bị cắt cánh để không bay mất được, bỏ vào hộp. Khi nào thích thì lôi nó ra, nắm trong lòng bàn tay, bóp nhẹ, thế là nó kêu váng lên. Tất cả các trò chơi trẻ con đều ác, ác theo nhiều cấp độ. Giật đuôi mèo, đá đít chó, vặt đầu châu chấu để xem các hiệp sĩ không đầu tiếp tục bò, bỏ đói cá chọi chôn xuống đất mấy ngày rồi lôi lên lắc lọ ầm ầm cho chúng say để lao vào đánh nhau, vặt chân bọ xít dính vào lá cây làm xe đua F1… Cái nhân tính của loài người, loài duy nhất có sở thích hành hạ các con vật khác và hành hạ nhau cho vui, thể hiện rất rõ trong các trò trẻ con.

Tính tôi vốn yếu mềm như gái, cho nên cũng không chơi mấy trò ác được lâu. Tôi từ từ bỏ mấy trò vặt chân bọ xít, rồi thường chăm sóc chó mèo, rồi bắt được ve cũng không cắt cánh chúng nữa, chỉ nhốt vào hộp diêm, bóp bóp chơi một hồi rồi khuya lại thả nó đi. Về sau cũng không ham bắt ve nữa, thấy tội tội, vì đọc sách biết là bọn ve chúng lóp ngóp dưới đất tới mấy năm rồi mới bò lên kêu ầm ĩ tán nhau, rồi đẻ trứng và chết. Cơ hội của chúng rất ít, bắt chúng vặt cánh và bóp cho kêu như kèn, quả là ác với chúng. Sau này lớn lên, đọc thêm nhiều những cuốn sách ba vạ, thì hiểu thêm là cái độc ác không chỉ đơn giản là bắt con ve và hành hạ nó, mà ác hơn là trong khi đó thì con ve không biết là chúng bị hành hạ ra sao. Con ve đâu biết gì, nó ở dưới đất tới mấy năm mới bò lên, lột xác, còn chưa kịp hiểu gì thế giới thì đã bị nằm trong bàn tay của đứa trẻ. Thế giới của nó chính là bao diêm và bàn tay, nó thấy bị bóp một cái, thì kêu thôi. Nó sẽ nghĩ rằng nó đã làm đúng những việc nó cần phải làm rồi, và khi bị bóp thì rung cái bụng là đương nhiên. Chắc hẳn nó rung hết mình đầy tự hào như nó cho rằng phải như thế.

***

Quay lại với phần trình diễn của hoàng tử Nobuyuki Tsujii.

Tiếng đàn của anh thật hay, sự chính xác của anh rất tuyệt, khả năng kiểm soát của anh khi trình diễn rất tốt… Một phần trình diễn tuyệt vời, nhưng sẽ không phải là phần trình diễn mà tôi sẽ muốn nghe đi nghe lại nhiều lần. Dẫu có là hoàng tử đi chăng nữa thì bị lời nguyền vẫn là bị lời nguyền. Trình diễn của Nobuyuki Tsujii xuất sắc, đẹp đẽ, đầy nhạc tính, nhưng nó thiếu tính người.

Bản concerto số 2 của Rachmaninoff không phải là một bản nhạc vui, cũng không phải là một bản nhạc buồn, không giận dữ không thương cảm, nó là một bản nhạc mà theo tôi là một bản nhạc về sự xa cách và nỗi cô đơn. Chả thế mà chương hai của nó, đã được thằng nào chế thành ca khúc và Celine Dion đã hát All by myself rất phê. Hoàng tử Nobuyuki sinh ra đã mù, như một con ve bị bắt nhốt trong hộp diêm, chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trời hay mặt người, sự xa cách là mặc định. Nỗi cô đơn và khác biệt cũng là mặc định. Nobuyuki đương nhiên luôn xa cách và cô đơn. Anh dĩ nhiên không thể hiểu về thế giới của loài người. Anh không nhìn thấy mâm cơm mà mẹ nấu cho anh ăn, anh không nhìn thấy đàn bà và không xem được JAV, anh không xem được bóng đá hay là không xem được phim ma để trau dồi nỗi sợ hãi, anh không xem được phim chiến tranh để mà hiểu bom rơi máu đổ, anh cũng không xem được tranh để mà hiểu cái đẹp phi thời gian mà một thứ gắn liền với thời gian như âm nhạc dù rất liên quan nhưng lại hoàn toàn khác biệt. Anh làm tôi nhớ đến một lần xem cố nghệ sĩ guitar Văn Vượng trình diễn trên TV, ông nói, sau khi trình diễn độc tấu Người Hà Nội, rằng Hà Nội đẹp lắm tôi biết thế nhưng chưa nhìn thấy Hà Nội bao giờ.

Và vì thế mà bản Concerto số 2 Racmaninoff mà Nobuyuki trình diễn thật tuyệt vời, đẹp đẽ, không thể nào mà không cảm động. Nhưng nó vẫn thiếu hay vì nó quá đúng. Nó đúng một cách đương nhiên và vì thế nó sai. Giống như chúng ta không thể nào hiểu tình yêu nếu xung quanh ta toàn tình yêu, chúng ta không thể nào hiểu được sự tử tế nếu lúc nào mọi người cũng tử tế với ta và ta cũng tử tế với mọi người. Chúng ta không thể vui được nếu lúc nào ta cũng vui và cũng không thể buồn cho ra buồn nếu lúc nào ta cũng buồn thảm.

***

Dưới phạm vi tác động của bản Concerto số 2 Rachmaninoff mà hoàng tử Nobuyuki trình diễn, và mấy lon bia, thật ra tôi rất muốn nói về một cái gì hoành tráng, mang tầm nhân loại. Nhưng một cách khôn ngoan thì những suy nghĩ mang tầm nhân loại ấy nên giữ riêng cho mình, không cần trình bày bởi vì chỉ cần nửa chai whisky là ai cũng phát biểu mang tầm nhân loại cả. Mẹ ơi hôm nay ăn gì thế, cũng là một phát biểu mang tầm nhân loại rồi.

Hôm nay trước khi nghe Noubyuki, trước khi nghe tiếng ve gọi hè, tôi cho bọn trẻ con xem một cái phim, xem cùng bố mẹ. Phim về một con chó, và dù đã tra cẩn thận độ tuổi để xem cùng với trẻ con, thì trong phim vẫn có một cảnh yêu đương hôn hít. Cô con gái 6 tuổi xem cảnh ấy bỗng bẽn lẽn, tự dưng đánh trống lảng bằng một câu nói gì đó, và sau đó thì kín đáo sờ môi mình. Gái mà, 2 tuổi đã ôm nựng búp bê và trong đầu suốt ngày công chúa hoàng tử và hôn hít và cầu hôn đám cưới, dĩ nhiên cũng thương con chó vì sao nó tình cảm thế vân vân. Thằng con giai thì cũng xúc động, như tôi, nhưng thiên về những thứ kiểu tình bạn, lòng trung thành. Đó là những dòng code của Thượng Đế.

Chứ còn thì cũng như một con ve sầu mà thôi. Chui lên, đầu tiên cố gắng bò lên gốc cây ở một độ cao ok, bám chắc, lột xác ra, chui ra khỏi cái vỏ cũ, người ướt át yếu đuối bò dần lên cao. Vỏ mới sẽ khô cứng lại, bắt đầu rung bụng được rồi, rung thôi toe toe. Toe toe. May mắn thì sẽ có một con ve cái nào đó bắt sóng, thế là ổn, phá đảo game, hoàn thành kiếp ve và rụng xác xuống đất. Còn nếu không, chả ảnh hưởng gì, mùa hè này và mùa hè sau đều có ngàn vạn con ve chui từ dưới đất lên và cố gắng làm những việc y chang như vậy.  Nếu một ngày nào đó những con ve bắt đầu tự hỏi nhau mình làm thế để làm gì, cho ai, tại sao, thế nào… thì nỗi đau khổ bắt đầu và những con ve bắt đầu cần đến tài sản và tôn giáo. Khi ấy chúng sẽ rưng rưng khi bỗng thấy có một con ve thuần khiết, chỉ có chui lên, lột xác, trèo cao hơn, và rung bụng, không suy nghĩ gì cả. Kể cả khi con ve ấy bị một đứa trẻ bắt được và bóp cho nó kêu toe toe.

Written by Tequila

May 11, 2018 at 3:11 am