Teq's Blog

Archive for November 2015

Lạc bước nhân gian

with 3 comments

Ngày nhỏ xem phim Bao Công, mê phim vì nhạc phim hay quá, giai điệu hay, mà mê nhất là cái câu “rút đao chém xuống nước nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”. Hồi đó còn nhỏ, nào đã biết uống rượu và nào đã biết sầu, chỉ vì một câu hát trong phim mà cứ nhớ mãi.

Về sau lớn lên, có ngày nhớ lại câu hát cũ ấy, bèn lên mạng tìm, mới biết đó là một câu thơ của Lý Bạch, trích từ bài “Tuyên châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân”.

Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu

Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu

Rút đao chém nước nước càng chảy

Nâng chén tiêu sầu sầu lại sầu

Hai câu thơ có cái tráng chí, cái tự do, niềm bi phẫn và lòng kiêu ngạo khiến người ta say đắm. Đọc lên là thấy bạch y thi tiên đứng ở mũi thuyền trong đêm, vai đeo kiếm, tay cầm bầu rượu, mặt sông lấp loáng trăng.

***

Người làm thơ giờ thường bị tưởng tượng như là những kẻ ủy mị, sầu bi, chân yếu tay mềm, nghèo khó tiền không có, gái đá thất tình triền miên. Có thế mới ngồi làm thơ chứ?! Mà cũng có thể nhiều kẻ như thế thật, nhất là ở cái xứ này, nơi mà nửa đêm vào quán rượu ném cục gạch thế nào cũng trúng một thằng nhà thơ. Song để tránh đi mấy cái cái hình tượng thê thảm ấy, thì hãy đọc về các nhà thơ, và nếu lười thì chỉ cần nhớ đến Lý Bạch mà thôi.

Lý Bạch là công tử con nhà đại gia, cả đời tiền bạc không thiếu. Thuở nhỏ học giỏi, mười tuổi đã tinh thông văn chương chữ nghĩa. Thấy văn chương chẳng có gì đáng bàn, dù cũng có dăm ba bài thơ nổi tiếng ở quê,  chàng bèn chuyển qua luyện kiếm. Thơ với kiếm vốn chẳng có gì nhiều khác biệt. Chàng luyện kiếm cũng lên đến mức cao thủ, thường tự nhận mình là địch được muôn người. Luyện kiếm rồi cùng chẳng biết để làm gì. Năm mười sáu tuổi chàng lên núi tu tiên, tu được vài năm thì chán.

Thế là hai mươi tuổi, Lý Bạch từ biệt cha mẹ gia đình, khoác bào trắng, đeo gươm lên lưng, tay xách bầu rượu, lên đường viễn du, đi đến đâu rải thơ ở đó. Cả đời chàng là ngao du, dù cũng dành ra 15 năm để lấy vợ đẻ con. Năm bốn mươi tuổi, chàng bỏ vợ con ra đi, lang thang rồi gặp vài thằng bạn. Bạn rủ về kinh thành, chàng đi cùng, rồi gặp được vua. Vua và cả vợ vua là chị Dương Quý Phi đều thích chàng, cho chàng vào làm việc quan. Nhưng rồi cả vua và vợ vua đều dần chán chàng, vì lối sống bê bối, rượu chè liên miên, say xỉn suốt ngày. Chàng từ biệt vua ra đi. Vua mến tài thơ của chàng, tặng vàng bạc chàng không nhận, bèn cho chàng cái quyền đi đến đâu nhậu nhẹt tùy ý, vua trả tiền. Trong mười năm chàng lang thang uống rượu bằng tiền của vua. Chàng đã đi không sót nơi nào trên cả cái nước Khựa rộng lớn hùng vĩ của chàng.

Tương truyền hôm ấy Lý Bạch đứng trên thuyền uống rượu, thấy trăng in bóng nước, bèn lao xuống nước bắt trăng mà chết. Nếu chuyện ấy là có thật, ắt là do chàng đã say quá, bất đồ nhớ lại câu thơ năm xưa làm “rút đao chém nước nước càng chảy, nâng rượu tiêu sầu sầu càng sầu”, bèn rút kiếm ra chém trăng dưới nước, chẳng ngờ lộn cổ xuống sông mà chết.

***

01300000013093119297157816278_s

Người ta nói Lý Bạch làm hơn hai mươi nghìn bài thơ, làm xong toàn vứt, số hơn nghìn bài còn lưu lại được đến giờ là do bạn bè và người ta hâm mộ ghi chép. Nếu con số đấy là đúng, thì mỗi ngày chàng làm hơn một bài thơ, trong suốt cuộc đời giang hồ của mình. Không khác gì nhiều anh em ngày nay, mỗi ngày phải post ít nhất là một cái status lên facebook. May cho Lý Bạch, là không có internet và chàng chỉ làm thơ xong  rồi vứt. Chứ nếu Lý Bạch làm thơ post facebook, thì thời gian mở điện thoại đếm like và comment đã hết ngày, còn đâu mà uống rượu làm thơ nữa.

Lý Bạch sinh ra là công tử con nhà, chuyện cơm áo cả đời không phải lo nghĩ. Về cơ bản đời chàng chả phải làm gì, mà cũng chẳng làm được gì. Lý Bạch lại là kiếm khách, song cái thời mà chàng còn trẻ, giang hồ bình lặng quá hay sao, chẳng có ác ma nào, chẳng có xung đột bang hội nào, chẳng có tuyệt cốc nào để mà rơi xuống, nên hiệp khách hành Lý Bạch chẳng để lại câu chuyện võ lâm nào. Lý Bạch cũng vào tới tận cung vua nhưng cũng chẳng có việc gì để làm. Tới khi chiến tranh loạn lạc, thì chàng đã quá già, đành ôm trăng mà chết.

Lý Bạch chỉ biết uống rượu làm thơ. Chắc cũng như những thằng nhà thơ kiệt xuất khác, chàng khinh bỉ thơ của mình, làm xong chỉ để đọc cho bạn nghe rồi vứt. Thế còn những bài thơ chàng làm một mình rồi vứt hoặc say rượu quên mất nữa. Chàng chỉ biết đi hết chỗ này đến chỗ khác, nói cho hay thì là ngao du sơn thủy, nói cho dở thì là lang thang lạc lõng.

Thi tiên Lý Bạch đúng là kẻ đi lạc vĩ đại.

Ngừng ly, ném đũa xuống đất, ăn không được

Rút gươm nhìn khắp bốn phía, lòng hoang mang

Định vượt sông Hoàng Hà, sông băng đóng nghẽn

Muốn lên đỉnh Thái Hàng, tuyết phủ mù trời

(Hành Lộ Nan)

***

Những kẻ đi lạc vĩ đại như Lý Bạch nhắc cho ta, sao mà cuộc đời của chúng ta tù đọng và buồn tẻ lắm thay. Song ta cũng biết rằng chính những kẻ đi lạc vĩ đại ấy cũng tù đọng và buồn tẻ. Bởi đi hết một con đường thì là một con đường, đi hết hai con đường thì là hai con đường. Đi hết một trăm đường thì là một trăm đường. Nhưng đã đi nghìn đường, vạn đường, thì lại cũng như một con đường mà thôi.

Những thi sỹ vĩ đại như Lý Bạch nhắc cho ta, đời này còn có thơ ca. Nhưng cũng thi sỹ đã viết hàng chục ngàn bài thơ như thế, thì liệu có nghĩ mình đang làm ra thơ hay không, hay chỉ tự nghĩ là những lời lảm nhảm cám cảnh cho những năm tháng rộng dài vô định ấy của mình.

Cái đọng lại nhất của Lý, đối với tôi, là hình ảnh bầu rượu túi thơ và thanh kiếm của chàng.

Đến nỗi có lần say rượu tôi viết rằng, mỗi một thằng đàn ông sinh ra ở cái thời mà thằng nào cũng đọc chưởng Kim Dung như thế hệ chúng tôi, thì thằng nào cũng ước mơ có một thanh kiếm trên vai, đi giang hồ từ nơi này sang nơi khác. Hay nếu không có kiếm, thì phải có cây đàn, hay một vật bất ly thân nào đó, để giữ theo bên người dù đi đến đâu đi nữa. (Cái cụm từ “vật bất ly thân” tự nó đã vừa lãng mạn vừa sang trọng làm sao).

Thế rồi cũng có, chúng tôi có một vật bất ly thân là cái điện thoại di động, mang theo nó trên mọi nẻo đường, từ năm này qua năm khác, từ tình yêu này sang tình yêu khác, từ văn phòng này sang công sở khác. Về cơ bản cuộc đời này chẳng có gì đáng bàn, ngoài việc 8h sáng nào đến văn phòng với cái điện thoại di động trên tay, năm xưa là Nokia 3210 năm nay là BB hay iPhone. Và thỉnh thoảng chúng tôi cũng có làm thơ, viết vài đoạn văn, thường là để cho vào sọt rác.

Written by Tequila

November 25, 2015 at 1:58 am

Posted in Linh tinh

Tiên sư IS

with 13 comments

Tiên sư bọn IS man rợ. Chửi phát lấy số đã.

***

Hôm nay 5h chiều qua quán bạn hiền uống bia với bạn, liếc thấy chân bạn quá đẹp mà vì bạn là bạn nên chả dám ngắm, hai đứa nói chuyện rất vĩ mô, toàn về nhân loại mới kinh. Rồi 6h30 qua ngồi với các thằng bạn cấp ba đã chơi với nhau nghìn năm, cũng chẳng nói bất cứ một câu chuyện gì dù trao đổi với nhau nghìn lời hết tới 5 chai vang. Giờ khá say, về lên mạng, chửi tiên sư bọn IS.

Tiên sư bọn IS. Chửi phát nữa lấy số.

***

Mặc dù tôi đã xác định rằng trong cái blog này sẽ chỉ nói những điều hồng tím, như bao năm nay lên mạng chỉ nói những điều hồng tím yêu đương cô đơn phấn khích buồn chán lãng đãng vân vân… Nhưng đôi khi, vẫn muốn phải nói ra những cái mà mình nghĩ, mà mình nghĩ rất là nhiều, từ năm xưa xưa lắm mới biết đọc cầm cuốn sách trên tay.

Những ngày gần đây, bọn IS hạ một cái máy bay Nga, giết một số người Pháp. Rồi thiên hạ chia hai phe vì cái avatar cờ ba màu, thật là nhảm nhí. Tuyệt đại đa số những bọn treo cờ ba màu và tuyệt đại đa số những bọn chửi bọn treo cờ ba màu, đều chẳng chơi game, những game hoành tráng mê say như Total War. Bọn chúng, do không chơi game, làm sao hiểu mà dù có hiểu đi nữa cũng làm sao có được cảm giác về lịch sử.

Bọn IS và những bọn khủng bố thật khốn nạn. Tiên sư bọn chúng và ĐCM bọn chúng. Xong, ok. Xuống dòng.

Từ khi loài người lớn mạnh và có những nền văn minh, thì sự va chạm của những nền văn minh không bao giờ mềm mỏng. Sự va chạm của các nền văn minh luôn là chiến tranh, giết chóc, là cái ác, cái ác, sự ác độc. Và trong những cuộc chiến của các nền văn minh ấy, nền văn minh phương Tây, ôi những thằng tây lãng mạn những con tây chân dài đẹp gái, bọn chúng là bọn độc ác nhất, nền văn minh của bọn chúng là một “nền văn minh ăn thịt” (cụm từ copy được đâu đó facebook).

Bọn Tây đấy, chúng đi săn giết mẹ nó gần hết sư tử và tê giác ở Châu Phi, xong rồi thì chúng rao giảng với chúng ta về bảo vệ thú vật tự nhiên. Mãi đến 50 năm trước, châu Phi châu Á vẫn đầy thú hoang, nhưng bọn chúng săn con mẹ nó hết, trong đó có cả cái thằng Hemingway thần tượng của tôi, rồi bây giờ đổ tội và bắt bớ bọn da vàng là giết chết thú hoang. Media giờ tuyên truyền như thể thú hoang mất là do bọn da vàng mọi rợ. Đéo gì, hãy đọc tác phẩm hay vãi đái của Hemingway, “Hạnh phúc ngắn ngủi của Macomber”, chuyện kể về bọn đi săn thú hoang xong rồi thằng này bem vợ của thằng kia rồi ra chuyện. Chuyện nhảm đéo chịu, thế mà hồi 18 tuổi tôi lại thích kinh lên được.

Chính bọn Tây ấy, đã chiếm đoạt châu Phi và đày đọa hàng chục hàng trăm hàng nghìn bộ lạc Phi chân dài khỏe mạnh, đẹp đẽ không kém loài ngựa, trở thành nô lệ cho bọn chúng trong mấy trăm năm. Chúng ta nên mừng vì kiếp này chúng ta đéo phải sinh ra làm thằng/con nô lệ cho bọn Tây ấy ở cái thời kỳ ấy. Chính bọn Tây mũi lõ ấy, đã tìm ra châu Mỹ và đã giết hại chín phần mười (nếu không nói là chín chín phần một trăm) người dân bản địa là người da đỏ, những con người hiền lành, hòa bình, cắm lông chim trên đầu, bắn cung chỉ để kiếm thức ăn, đặt cho nhau những cái tên đẹp đẽ lãng mạn như kiểu anh Nguyễn Văn A Người Đái Bậy.

Chính bọn Tây mũi lõ ấy, đã chả vì lý do gì ngoài niềm vui sướng của bọn chúng, đã mang tàu thủy đại bác đến bắn vào thành Hà Nội, mà mình có làm đéo gì bọn chúng đâu. Chúng tao đã trồng lúa nuôi gà ở đây nghìn năm rồi, có làm gì chúng mày đâu. Thế nhưng chúng vẫn đến.

Rồi như phim 007 năm nào đó, The World Is Not Enough, thế giới này là không đủ thức ăn, bọn chúng còn tự đánh lẫn nhau vì thức ăn. Và  bọn chúng cũng đẻ ra những chủ thuyết mà, trong thế kỷ 20, làm cho cả thế giới ngập trong máu, và dải đất chữ S cũng tắm máu. Chúng ta có kẻ thù truyền kiếp là các bạn Tàu Khựa, tiên sư các bạn Khựa. Song trong lịch sử mấy nghìn năm, bọn Khựa chẳng bao giờ khiến chúng ta đổ nhiều máu như bọn Tây da trắng. Chiến tranh của Vịt nhà ta đánh với Khựa, đều rất quy ước, thắng thắng thua thua, chẳng tuyệt nòi nhau. Song có các anh Tây vào là khác hẳn.

Tiên sư bọn da trắng. Dù bạn là cộng sản hay cộng hòa, không thể phủ nhận được chuyện bọn chúng vác bom ra đổ lên đầu chúng ta. Tiên sư chúng nó, chính bọn chúng mới là những kẻ máu lạnh đến nỗi thả đôi quả bom nguyên tử xuống đầu những người dân vô tội ở Nhật.

Ôi, ĐCM các bạn Tàu Khựa mất dạy, song các bạn Khựa chưa bao giờ mất dạy và ác độc đến như thế. Thế đéo nào mà xem phim Hollywood, bọn da trắng ấy lại là bọn cứu thế giới. ĐCM thằng Người Nhện. Văn minh phương Tây là văn minh Người Nhện.

***

Mỗi một con người đều có tình yêu của mình. Yêu gái theo kiểu của mình. Yêu thần thánh theo kiểu của mình.

100 năm trước mấy thằng da trắng không cho gái đi bầu cử, gái biết đéo gì. 100 năm sau chúng thả bom lên đầu bọn Hồi giáo coi thường gái. Hơn 50 năm trước chúng cho hết những bọn mà chúng ghét vào trại tập trung, lột truồng ra, cả trẻ con người lớn, rồi thổi khí ngạt cho bọn đấy chết. Con cái của bọn đấy giờ nói về nhân đạo, mở cửa biên giới cho người tị nạn (chắc do xem phim Casablanca ờ mà phim hay vãi).

Bọn chúng hô hào dân chủ. Bọn chúng bảo phải tôn trọng sự khác biệt. Song bọn chúng bắn giết anh em ở Afganistan, bắn giết anh em Trung Đông, chỉ vì mấy anh em này thấy họ không giống bọn chúng. Tại sao bọn chúng để Bắc Hàn tồn tại song luôn chọc vào Trung Đông.

Năm xưa, thôi thì lịch sử là chiến tranh, song chính bọn Tây mũi lõ đã tổ chức những cuộc thánh chiến tấn công và giết hại các tộc người Trung Đông. Chúng thắng.

Đó là cái nghiệp của chúng mày, bọn tây da trắng, nền văn minh man rợ của chúng mày đã đem đến cái chết cho bao nhiêu thế hệ ở bao nhiêu miền đất. Rồi hôm nay chúng mày trở nên hòa nhã, chúng mày bây giờ đẹp đẽ và thân thiện, đáng yêu biết bao, tội nghiệp cho những người da trắng ngày nay đã chết vì cái nghiệp của cha ông họ.

***

Mỗi một con người đều có tình yêu của mình. Mỗi một cộng đồng đều có văn hóa của mình. Khi ta không thể, cho dù uống đến 20 cốc bia, vẫn không thể giải thích cho bạn ta tại làm sao mà tao lại yêu cái con đấy, thì đừng có phán xét nhau. Cái ta nghĩ và cái ta muốn không phải là duy nhất đúng, tư tưởng của ta không phải là tối thượng, đàn bà mà ta yêu không phải là cô gái mà người bạn từ thuở nhỏ của ta có thể thích… Sao mẹ ta đáng yêu như thế mà cha ta không yêu bà ấy. Sao cha ta tử tế như thế mà mẹ ta lại không yêu ông ấy. Tại sao tại sao.

Tại sao bọn Hồi lại khinh bỉ đàn bà như vậy, trong khi bọn Lào lại răm rắp nghe đàn bà. Tại sao ta không thể sống trên núi mà bọn H’mong 8 tuổi đã có thể chăn gà trong rừng. Tại sao bọn Polpot ở Cam có thể giết hại đồng bào của chúng như thế, tại sao chúng ta suốt bốn trăm năm nay cứ chia phe ra mà giết nhau cho bằng được.

Tại sao và tại sao. Hỏi tức là trả lời.

***

Tình yêu biết đâu rằng chính nó, tình yêu ấy, là cội nguồn của cái ác. Tao bảo yêu như tao mới đúng, mày bảo yêu như mày mới đúng, đó chính là lúc chúng ta bỏ cốc rượu xuống, cầm kiếm lên và giết nhau, nhân danh tình yêu.

Có khi tất cả những bọn triết gia bọn nghệ sĩ chết mẹ hết chúng mày đi, đừng có đứa nào cổ súy tình yêu và nhân tính nữa, loài người sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta chả yêu ai cả nữa, chúng ta chỉ sinh tồn, ăn ị làm tình rồi chết. Những con người đực lại như xưa, chiến đấu sống chết để kiếm thức ăn. Những con người cái sẽ ôm vào lòng cho bú những đứa trẻ không phải do mình sinh ra. Và chúng ta sẽ quay về lại cảnh giới mà Jesus, Phật tổ, Mohamet, Lão, Trang,… và cả đại ca Micheal Jackson hay đại ca John Lennon đã từng hiểu và rao giảng.

Written by Tequila

November 18, 2015 at 2:11 am

Posted in Linh tinh

Linh tinh 12/11/2015

leave a comment »

Hôm nay thấy người nhạt nhạt, nhìn lại hóa ra cả hơn tháng rồi chẳng viết cái gì. Viết nó cũng nên như một thói quen thường xuyên, thì mới thấy hứng thú. Giống xem bóng đá. Có những năm tôi xem bóng đá thường xuyên, như năm nay xem giải Anh, thấy hứng thú lạ. Có những giai đoạn vài năm liền tôi không xem bóng đá, thì lập tức chả hiểu sao lại cần phải xem bóng đá. Năm nào chả có đội nào đấy vô địch.

Mà, có khi đợt này đang ở đoạn im ắng làm sao, cả tháng nay chỉ nghe duy nhất một bản nhạc, bản concerto số 3 cho piano của Rachmaninoff.

Mà cả năm nay tôi chỉ nghe cổ điển. Thật sang chảnh. Song đúng ra nhạc cổ điển chả có cái mẹ gì hay hơn nhạc nhẹ, chẳng qua nó dài mà để ra được một bản nhạc dài thì người ta phải cho nhiều thứ vào đó. Như cái bản Concerto số 3 này của Racmaninoff, vốn là tôi đao được một CD lossless, đao chỉ để nghe 3 track đầu là bản concerto số 1 quá quen thuộc của anh gay Tchakovsky. Tôi bỏ vào máy mp3 để nghe, hết 3 track đầu sang track 4 tự nhiên thấy câu nhạc hay quá, bèn xem lại cái tiêu đề các track, thì thấy đề là Concerto số 2 của Rachmaninoff. Bèn youtube nghe các tay đàn khác chơi xem sao, thì không phải là bản đó. Tìm hoài không được, một lúc sau hóa ra cái file mình đao  nó ghi nhầm, là bản Concerto số 3. Lại lục nghe. Rồi thấy bản này hay nhất là xem cụ già Horowitz chơi, trông cụ chơi bản này như thể một con chó già khinh khỉnh liếm khúc xương. Thật hay. Rồi cả tháng nay cứ nghe mãi nó và chỉ nghe nó. Nghe nhạc nhẹ giống như đọc truyện ngắn còn nghe cổ điển giống như đọc tiểu thuyết vậy.

Mà, ba tháng nay tôi chỉ đọc một tiểu thuyết, là cuốn Chiến tranh Hòa bình. Dài vãi cả đái. Tất nhiên do bận rộn và hay đi ngủ sớm nên tôi đọc hơi lâu, nhưng dù sao cuốn này cũng quá dài, hay thì thật là hay mà dài thì thật là dài. Có thể vứt đi được 7/10. Có đến nửa số chữ là phân tích bình luận và các suy tư cài cắm của tác giả. Dường như các tác giả thời ấy có ước mơ lớn lao là trở thành triết gia, nhưng do không phải triết gia nên cố mà nhét đủ mọi thứ suy nghĩ vào tiểu thuyết. Tôi thấy xét về độ hay, chắc Tiếu Ngạo Giang Hồ hay hơn.

Nhưng tôi vẫn sẽ đọc hết cuốn ấy, đơn giản vì hồi bé đọc giờ chẳng còn nhớ gì, chả hiểu cuối cùng thì thằng nào lấy con nào. Thằng nào sống thằng nào chết.

***

Hà Nội những ngày này ngát hương hoa sữa.

Hoa sữa mùa thu Hà Nội những ngày này, giống món thịt bê xào sả ớt trứ danh của cha tôi nấu. Một ngày kia, ông già tôi nấu món bê xào sả ớt, tôi buột miệng khen ngon. Thế là cả một năm rưỡi sau đó, tuần nào cũng có ba bữa bê xào sả ớt. Cho đến khi tôi đành lòng nói với ông, bố ơi, con chịu không thể nào xơi được món này nữa. Hà Nội bây giờ như thế, một thành phố đầy nỗi nhớ bởi đến cả hoa sữa cũng làm ta nhớ về hoa sữa năm xưa.

Từ trên cửa sổ văn phòng của tôi, là một dãy mái ngói lô xô của Hà Nội cũ. Các mái ngói cũng chẳng cũ lắm, nó tươi roi rói, tuổi đời có lẽ chưa tới mười năm, song vì là mái ngói nên vẫn cũ. Chen giữa những mái ngói cũ ấy, là những mái tôn đỏ lần lần chiếm lĩnh. Cả thành phố này đã toàn là mái tôn đỏ và thùng nước Inox lấp lánh nắng chiều, thế mà sao nó vẫn gợi ra những kỷ niệm xa xưa. Tiếng dương cầm ngày nay nếu có, sẽ va vào thùng inox kêu boong boong. Tiếng rao đêm giờ đây được phát bằng loa, khiến trẻ con giật mình tỉnh ngủ. Phố cổ thì toàn thằng tây ba lô lông lá con tây nhà quê xồ xề, hồ Gươm bọn cô dâu chú rể đứng cười tạo dáng như tâm thần, hồ Tây chỉ còn đẹp khi sáng nào sương mù bao phủ chả nhìn thấy gì, những con đường chỉ còn đẹp về đêm khi mà tất cả mọi người đều đã ngủ…

Ấy thế nhưng nó là một thành phố mà tôi đang sống, tôi thấy mình thuộc về nó, chả hiểu sao.

Khi chuyển về văn phòng mới này, phòng làm việc của tôi ở cuối tầng nhà. Tôi đóng cửa phòng mình và nhìn ra cửa sổ, ngắm những mái ngói. Rồi tôi ngắm cái khoảng sân không bao giờ có một bóng người, mà mãi một thời gian sau, tôi mới phát hiện ra nó không có người vì nó là một sân thượng. Góc nhìn xéo rất hẹp và mái ngói lô xô làm tôi mất cảm giác về độ cao. Tôi dường như thất vọng vì phát hiện này, hóa ra nó vắng vì nó là một sân thượng. Rồi nó làm tôi nhớ về một giấc mơ rất kỳ lạ cách đây một năm. Trong giấc mơ đó, cô bạn G.T của tôi đã nắm tay tôi dẫn đi một vòng Hà Nội bằng đường mái nhà. Trong giấc mơ đó, có một khúc quanh chúng tôi đi xuống một sân thượng, rồi sân thượng có bể nước, chúng tôi leo lên bể nước, nhìn qua một ô cửa sổ và lên tiếng chào một gia đình đang ăn cơm mà người chồng đang cởi trần mặc quần đùi bộ đội, rồi chúng tôi leo tiếp lên mái nhà họ, tiếp tục chuyến hành trình, rồi chia tay bên một bức tường xốp xốp đầy rêu.

Từ cửa sổ văn phòng tôi, ngắm những mái ngói mới mà như cũ ấy, khoảng sân không bóng người vì nó là sân thượng ấy, cái ban công trồng những bông hoa chỉ có một người ngắm là tôi vì nó nằm lọt giữa mái nhà ấy, tôi suy nghĩ về công việc hoặc nghĩ về những điều gì đó chả liên quan, trong tiếng nhạc du dương phát ra từ bộ dàn mini Nhật cũ mà tôi mua giá triệu rưởi, Chopin hay Beethoven hay Rachmaninoff hay Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An… về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay… dù biết rằng chiều đã muộn vợ đã nấu chờ cơm các con đang đợi bố về, tôi vẫn những muốn khóa trái cửa lại lấy ra một chai vang rẻ tiền chua loét hội họp uống dở còn thừa và cứ đứng đó cho đến đêm.

***

Máy bay rơi, IS, Putin, Tập, biển đảo, đại hội, Miến Điện, Hillary Clinton, TPP, bụi Chương Mỹ, giám đốc viện Tâm thần, Mourinho… có một tỉ điều đang diễn ra dồn dập cứ như thể xưa nay nó chưa bao giờ dồn dập. Trên màn hình máy tính phòng làm việc của tôi lúc nào cũng thường trực một tab Facebook, là thứ tôi dùng thay cho báo điện tử. Song tôi chỉ có một việc nên làm là sống cuộc sống của mình. Trên màn hình máy tính, lúc nào cũng có một gái ta rất đẹp hay một gái tây rất đẹp, lúc nào cũng có những chuyện rất vui, lúc nào cũng có một đội bóng nào thắng, lúc nào người ta cũng giết nhau. Tay phải người ta đưa sô cô la cho trẻ con tay trái người ta nhét cứt vào mồm nhau. Ôi chỉ có những con thuyền giấy trôi dưới rãnh sau cơn mưa rào là đáng để chúng ta ngồi thu lu vào tóm tay lấy cổ chân mình mà hạnh phúc.

Vào năm 2003, 24 tuổi, ngoài trời đầy tuyết ôi sao mà nhớ tuyết, dưới ảnh hưởng của một chai rưỡi vodka rẻ tiền, tôi đã viết thư cho mẹ mình, nói rằng con muốn làm một điều gì đấy, rất là to tát. Mẹ không trả lời thư ấy, mẹ yêu tôi. Mười hai năm sau, vào lúc này, chẳng biết vì đã qua nhiều thất bại hay vì trong lòng vẫn tràn hy vọng, tôi chỉ muốn được uống hai chai vang tự say với chính mình không có ai cả, dù là uống ở văn phòng mình hay là trên ngôi nhà bên núi. Tôi nhớ Chư, đã lâu không gặp anh. Anh là bạn nhậu tuyệt vời của tôi. Khi tôi và anh say với nhau, mỗi thằng một ý nghĩ, mà mỗi ý nghĩ lại là chạy theo một ngôn ngữ khác nhau, không có cách gì chia sẻ. Chỉ nhìn trăng mà thôi và nếu trời không có trăng thì chỉ nhìn bóng đêm mà thôi.

Written by Tequila

November 12, 2015 at 3:12 am

Posted in Linh tinh