Teq's Blog

Archive for March 2024

Bé con ngủ ngoan

leave a comment »

Tôi đá bóng uống bia về. Một trận bóng bao gồm hai phần, phần đá bóng kéo dài 90p, phần uống bia cũng tầm 90p. Người ta nói như thế là phản khoa học. Tuy nhiên tất cả những thằng vẫn đá được bóng và vẫn đá tốt khi ngoài 40 tuổi, mà tôi biết, thì đều duy trì nếp sinh hoạt phản vệ sinh này từ trẻ. Tất cả các thanh niên lành mạnh cùng trang lứa, thậm chí kém cả chục tuổi, thì đều đã không còn đủ sức khỏe để chơi môn thể thao hài hòa giữa đồng đội và cá nhân, sáng tạo và kỷ luật, khéo léo và bạo lực này. Đủ sức khỏe để chơi, và vẫn còn chơi tốt vẫn ăn thua được với bọn trẻ trâu, tất nhiên sẽ cần đến những cốc thực phẩm chức năng mà người ta gọi là bia.

Hôm nay tôi không ngồi lố giờ được, vì bị vợ gọi về, với nhiệm vụ cho con ngủ. Thằng cu quá quậy và mẹ nó không chịu được nữa. Tôi bèn về, mở cửa phòng, gọi nó, nó nhanh nhẹn lăn từ trên giường xuống. Chúc mẹ ngủ ngon. Chúc mẹ ngủ ngon – nó nói. Good night – good night, nó nói. Rồi chủ động đóng cửa và leo lên gác, chui vào phòng làm việc của tôi. Mặc dù chỉ có vốn tiếng Anh bồi nhưng tôi vẫn hay phải nói song ngữ với nó như vậy. Tôi chưa chắc chắn tiếng gì là tiếng mẹ đẻ của nó. Khi nó tự động nói một hay một cụm vài ba từ gì đó, thì nói tiếng Việt cũng sõi, mà nói tiếng Anh thì phát âm đương nhiên chuẩn hơn thằng bố, nghe không khác gì trên TV.

Rất có thể tới đây nó nói được nhiều hơn, người ta sẽ bắt gặp một thằng bố rởm rít, con thì bé tí nói tiếng Việt chưa sõi nhưng hai bố con lại trao đổi bằng tiếng tây. Nhất là thằng bố lại sử dụng thứ tiếng tây bồi. Nếu nó nói tiếng Nga hay tiếng Ả rập thì có lẽ tôi sẽ bớt lố bịch hơn.

***

Dù sao thì thằng bé đã ngủ, gần đây nó dễ ngủ khi tôi tắt đèn và cho nó nghe nhạc blues, guitar solo nhảy nhót trên một tiết tấu đều đều chậm rãi, rất thiền hehe. Nhìn nó ngủ, tôi thấy yêu nó rất. Thể nào rồi sau này nó cũng sẽ chơi guitar.

Thằng lớn của tôi thì đang chuyển hóa trở thành một thằng thanh niên và rất khó bảo. Nó là một phiên bản khó bảo hơn tôi. Hoàn toàn không thể bảo được nó gì cả. Nó đọc rất nhiều biết rất nhiều, học toán và tự nhiên giỏi, các vấn đề xã hội cũng luôn có sự tìm hiểu và kiến giải riêng, một mr. biết-tuốt, thế nhưng không quan tâm tới điểm số và những phương thức để cày điểm cao, do đó tất nhiên không – ít nhất là ở tình trạng bây giờ – không thể thành ra một người học hành đỗ đạt cao được. Thôi kệ mẹ nó, tức kệ vợ tôi, vậy. Một cách duy nhất để khiến nó trở nên một thanh niên con nhà người ta, là bố nó phải như bố nhà người ta. Chuyện đó bất khả thi với tôi.

Con bé của tôi thì nó đang lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp, rất nữ tính và rất dở hơi. Từ chỗ là đứa con gái bé bỏng của mình, thì giờ nó lại thành ra một chị phụ nữ trong nhà. Muốn bảo được nó thì mình phải lịch thiệp, và giữ khoảng cách nhưng lại vẫn tình cảm. Ờ cái này thì tôi làm được nhưng tóm lại nó là một loài khác rồi.

Tôi có cái thằng cu tí này, nghịch ngợm, khó giao tiếp, ít nghe lời và rất mệt với nó. Nhưng mà những khi nó ngủ yên ở dưới chân bàn làm việc của tôi thế này, thấy thật là ấm áp và dễ chịu. Nuôi một đứa con lớn lên giống như nuôi dưỡng một tương lai mơ hồ, dẫu mơ hồ đó nhưng đã gọi là tương lai thì luôn chứa đầy hy vọng.

Tôi hy vọng chúng lớn lên sẽ là những người biết yêu và biết vui. Quả là một kỳ vọng lớn, bởi hai thứ này không dễ tìm ra và không dễ mà giữ được.

Written by Tequila

March 26, 2024 at 2:22 am

Posted in Linh tinh

Phượt

leave a comment »

Bây giờ khi nửa đêm hay quá nửa đêm đi nữa, nếu có xách xe đi ra khỏi nhà, lên phố, thì đâu cũng đầy ánh điện sáng. Vẫn đẹp, nhưng không đẹp như năm xưa. Không hẳn vì trong ký ức thì cái gì cũng được phủ một lớp màu vintage, mà bởi vì hồi xưa đó đêm Hà Nội đẹp thật.

Hồi đó tôi học đại học, năm thứ hai thứ ba gì đó, từ lối sống lành mạnh như mọi người tôi chuyển dần thành cú đêm. Thằng bạn cứt của tôi hồi đó, thằng Tuấn Anh, có một con xe cub 81. Thời mà chưa có điện thoại di động và tất nhiên nửa đêm không thể gọi tới nhà ông già chửi bỏ mẹ, chúng ta hẹn nhau một cái gì đấy là cứ thế giữ hẹn thôi. Tầm 2h sáng tôi sẽ trèo cổng ra ngoài, ra đầu ngõ. Nếu thằng bạn đến, nó sẽ đến giờ đó. Chúng tôi ngồi trên con 81 và lượn phố đêm. Thường thì tôi không có tiền, thường thì nó có, nhưng không nhiều. Đủ tiền thì có thể làm một con mực và ca bia chai rượu, ít tiền có thể lên ga Hà Nội ngồi uống chè đá. Hà Nội đêm thời đó rất đẹp, những con phố vắng ngắt, ngọn đèn đường treo trên tán lá bàng như trong thơ Lưu Quang Vũ, những cửa hiệu xếp lại bằng  ván gỗ chứ không phải cửa sắt cuốn. Những con người ban đêm thường là dân lao động, chất phác, vui vẻ và hiền lành. Dẫu không hiền lành đi nữa thì chẳng có ai buồn bắt nạt hai thằng sinh viên trẻ măng, mặt búng ra sữa, lễ phép và không có ví. Những chuyến đi đêm kết thúc khi trời tảng sáng, khi các chợ đầu mối đang tan dần, người già đi tập thể dục đông dần, thành phố đang dụi mắt tỉnh dậy. Tôi lại trèo cổng vào nhà, ngủ, giờ học trên giảng đường thường là buổi chiều. Dĩ nhiên nếu có đến giảng đường thì tôi cũng chả học mẹ gì cả. Tôi hoàn toàn không học hành gì ở trường, kể từ khi hết cấp 2.

Có những lần về muộn, trời đã sáng bạch, tôi về tới nhà và bắt gặp ông già đang dắt xe máy ra khỏi nhà để đi làm. Ông già vâm váp và rất hổ báo. Tôi hồ hởi chào, con chào bố, con mới đi tập thể dục về. Lách nhanh qua cổng chui tọt vào nhà, khẩn cấp thoát thân.

Đó là những chuyến đi phượt đầu tiên của tôi.

***

Tôi vốn không thích từ “phượt”, từ này được mấy anh già trên diễn đàn sáng tạo ra và tôi không thích lắm. Tuy nhiên thì nó đã là một từ nghiêm trang trong từ điển tiếng Việt rồi.

Tốt nghiệp đại học thì tôi có người yêu đầu tiên, chính là mẹ của ba đứa con tôi bây giờ. Em có một cái xe máy. Chúng tôi thường phượt hướng Hòa Lạc, xuyên qua toàn bộ tỉnh Hà Tây. Con đường nhỏ trải đầy rơm rạ, những dòng sông uốn quanh xanh biếc, hoa gạo nở trên cây cổ thụ đứng cô đơn giữa cánh đồng, những mái nhà ngói đỏ lẩn khuất dưới tán tre, những lò gạch thả khói lên trời quyện với khói của những đụn rơm cuối ngày mùa. Hà Tây khi đó còn thuần túy là nông thôn bắc bộ, đẹp ơi là đẹp.

Một hướng đi khác là hướng Cầu Đuống, qua cầu rồi đi ngược lại theo triền đê, cũng là những đụn rơm những mái nhà ngói đỏ và những cây gạo to lớn, cơn mưa ban chiều đột ngột đổ xuống và chúng tôi đứng hôn nhau khi trú mưa ở một điếm canh đê vắng người, mặt sông bát ngát mưa và nước. Khi ấy tôi sắp đi Nga, sẽ là yêu xa và xa cách. Em hỏi, rồi anh sẽ về với em chứ. Chắc chắn, tôi nói. Chả ai trong hai chúng tôi tin vào điều đó, có quá nhiều thứ có thể sẽ đổi thay và rồi sẽ đổi thay. Lời hứa là để nói về những điều không ai chắc chắn.

Rồi khi chúng tôi lại trở về với nhau, sau một thời gian dài dằng dặc, cái thời hai mươi ấy thì ba bốn năm biệt tăm và không có facebook là dài lắm (mà bây giờ có facebook thì thời gian chắc xa cách nhau còn dài hơn gấp bội). Chúng tôi quay lại con đường đê và cái điếm canh đê đã khác xưa. Chúng tôi cũng đã khác hồi xưa, tình yêu cũng đã khác xưa, à nhưng yêu kiểu quái gì chả được miễn là yêu.

Em nói, em thích đi chơi núi. Tôi bảo ờ đi, tôi chả biết núi non như thế nào cả. Cảnh núi với tôi khi ấy chỉ là một mặt hồ phẳng lặng ở ngã ba Mai Châu mà hồi đại học có lần đi cùng khoa và nhấn chìm trong rượu. Em nói, mấy thằng bạn em nó chạy xe giỏi lắm, ngày đi cả hai trăm cây không mệt, anh có theo được bọn nó không thì mới đi. À à, tôi nghĩ, Đức trâu siêu hậu vệ cánh, bóng bay tới đâu người bay tới đó, sao có thể kém mấy thằng bạn của em được. Và thế là một phượt thủ có hạng đã được trình làng như thế.

Những năm tiếp theo đó, khi còn là người yêu và khi đã là vợ chồng, đi một mình hoặc đi một cặp cùng nhóm năm bảy xe, tôi luôn dẫn đoàn trên những cung đường. Mỗi một khúc cua qua sườn núi mà từ đó mở ra một cảnh sắc mới, tôi muốn là người đầu tiên nhìn thấy. Mỗi một đoạn đường tối đen như mực, tôi muốn mình là người đi đầu để xi nhan cho các bạn. Ở những chặng đường offroad, tôi muốn là thằng không bị xòe hoặc xòe ít nhất, vì tôi chở em. Những ngày cuối chuyến đi bao giờ cũng là những ngày mệt nhất và chán nhất trên con đường trở về thành phố, tôi dẫn các bạn vượt qua mệt mỏi trôi dần về nhà. Đi nhóm đông thì bán kính mỗi ngày 300km, đi nhóm nhỏ thì 500km, nếu các bạn đi được. Tôi thường cười tự đắc khi đọc bọn nó khoe trên mạng về những chuyến phượt. Bọn chúng hay khoe rối lên chứ so với tôi thì thua xa, tôi chỉ thua mấy anh siêu phượt trên diễn đàn thôi. (Có anh giờ vẫn phượt hàng ngày, vãi thật!).

59566611_10216805138154531_3585389310871863296_n

(đường Mường Tè – Mường Nhé một năm nào đó)

Mười mấy năm trước, đường chưa tốt như bây giờ, chính vì thế mà nó vắng, những ngôi làng và những con đèo chưa có nhiều nhà bê tông bên vệ đường, chưa nhiều mái tôn đỏ đáng ghét. Chưa nhiều những đoàn xe máy mặc đồng phục. Chúng tôi vượt qua suối trên những cây cầu trải bằng phên tre, hoặc lội luôn qua suối bằng cách bám đít xe máy một bà già dân tộc, vốn thuộc địa hình lòng suối y như một hoa tiêu kinh nghiệm. Có khi đi đêm trên con đường đèo đang làm dở, tôi driff một phát bóp còi inh ỏi, thằng em trai chạy đằng sau bèn driff theo, hai cái xe phanh kít lại song song nhau sát bên bờ hố sâu hoắm của một đoạn sạt lở chẳng có gì cảnh báo. Có khi đi một mình trong đêm tối, đèn xe thì hỏng, một tay lái xe một tay cầm đèn pin. Thế rồi núi rừng cứ thế ngấm vào mình.

Núi thì vẫn ở đó, ngày xưa ở đó là rừng ngày nay là đồi trọc, ngày mai có khi lại phủ xanh bằng cây công nghiệp, dẫu sao thì núi vẫn đó. Mình thì năm này sang tháng khác thay những âu lo này bằng âu lo kia, chi bằng kệ mẹ, sao phải quan tâm đến mình nhiều quá vậy, sự đời ít khi như ý muốn cho nên quan trọng nhất là xe còn bao nhiêu xăng và khi nào cơn mưa này tạnh để bố mày thay cái áo khác chứ nước ngấm vào người khó chịu quá.

Sau khi khảo sát ngang dọc hết các cung đường thì tôi cũng trở nên gắn bó nhiều hơn với một điểm ở Sapa, rồi những đứa trẻ được sinh ra. Tôi chuyển từ xe máy lên lái cái ô tô và trở thành người lái xe nhân dân, KPI của người lái xe là những đứa trẻ bé xíu của mình ngủ ngon trên những cung đường dài dằng dặc. Rồi sau này chúng trở thành luật sư bác sỹ, hoặc chúng trở thành một ông nông dân, một chú đầu bếp, hay một phụ nữ nội trợ… thì chúng cũng đã lớn lên với những khoảng không gian rộng lớn, khiến những bon chen dẫu cần thiết thì cũng vẫn như cái áo mưa tới chỗ ráo thì tháo bỏ, những so sánh anh tôi dẫu đôi khi khiến hơi đắng họng chút nhưng ta hoàn toàn có thể trở về bếp lửa nhà mình và nhìn lên đỉnh núi nơi mặt trăng đang lạnh lùng trôi qua, đẹp và xa vắng, chả quan tâm mày là ai và có gì. Chúng có thể nhìn thấy ngoài đường những người phụ nữ cao sang, những người đàn ông hoành tráng, hơn nhiều nhiều cha mẹ chúng. Nhưng chúng cũng sẽ nhớ về ngôi nhà trên núi của chúng, khi mình ngồi ở thềm nhà mình, phóng tầm mắt ra bốn phía, đến tận nơi những đám mây đang tan vào màu trời chiều và xóa mờ cả những đỉnh núi, bốn phía ấy đều là không gian của chúng. Của chúng ta chứ không phải của người ta.

Tôi đã lớn lên nhiều kể từ khi cô người yêu leo lên sau xe và tôi bắt đầu vặn ga để đi lên núi. Các con tôi thì giờ cũng bắt đầu lớn. Chúng giống như cha mẹ chúng. Tôi không thể ép chúng cắm đầu vào bàn học để trở nên những con nhà người ta, đôi khi rầu lòng vì chúng chẳng thể thành ai cả. Chúng lớn lên trên xe. Chúng chẳng có giải này giải nọ, chúng không đạt những điểm cao xuất sắc, rồi thỉnh thoảng chúng viết những bài văn khiến tôi ngạc nhiên. Chúng chắc không thể trở thành ông nọ bà kia được. Nhưng thôi kệ mẹ chúng tức kệ vợ tôi. Dòng dõi bên mẹ chúng là dòng trí thức oách xà lách nhưng đã bị thời cuộc vùi dập tan thành những mảnh thủy tinh. Còn dòng dõi bên bố chúng thì võ biền và ngốc nghếch, toàn những thằng đàn ông chỉ tìm thấy bản thân trong chiến trận và trở nên ngớ ngẩn thậm chí xấu xa khi chẳng còn ai để bắn và để bị bắn chết.

Chúng sẽ phải tự đi tìm số phận của chúng thôi. Việc mà chúng tôi có thể làm, là một bếp lửa ở trên triền núi, hay một ngôi nhà trong thành phố để chúng lại trốn nhà đi phượt Hà Nội đêm và chào bố con mới đi tập thể dục về.

***

Tuần trước tôi mới đi Hà Giang cùng các bạn.

Con đường Du Già – Mậu Duệ vẫn nát bấy nhưng cái nát chẳng còn như xưa. Thung lũng Lũng Hồ – Làng Quá đã đầy nhà mái tôn đỏ. Từ trên lưng đèo nhìn xuống, quan sát một lúc tôi mới có thể dần hình dung lại năm xưa chiều tà đứng giữa cái thung lũng ấy, vắng lặng, trống trải, không người. Chúng tôi dựng hai cái lều. Mấy thằng kia thì ở một lều, tôi và vợ mình thì ở một lều, dựng trên một nếp ruộng khô nước. Đêm đến, nước và hơi lạnh từ dưới nền đất thấm lên. Tôi lôi tất cả quần áo trong hai cái ba lô của chúng tôi, trải xuống nền lều, rồi ôm nhau co quắp chịu cái lạnh suốt một đêm đó. Tôi đã vào mấy nếp nhà xa xa để mua rượu, nhưng rượu quá nhạt, không thể đủ sưởi ấm dạ dày.

Tôi không tìm lại được thửa ruộng đó, khung cảnh đã quá khác, rất nhiều mái nhà đã mọc lên trong thung lũng. Phải nói rằng tôi đã qua lại nơi này nhiều lần, kể từ cái đêm lạnh buốt đó, nhưng tự nhiên lần này tôi mới muốn nhìn lại nơi dựng căn lều cũ, và không tìm được. Ký ức thật hay vì đôi khi mình muốn tìm lại nó, thì hóa ra đúng là ký ức thật, chẳng còn dấu vết nào ở hiện tại.

IMG_4679

(Lũng Hồ 2008 – cả thung lũng còn chưa có cái nhà nào cả)

Nếu không phải vì chúng tôi vẫn còn sống với nhau cho đến ngày nay, có sự tuyến tính kết nối các sự kiện, có lẽ tôi sẽ nghĩ rằng ngay cái ký ức về đêm buốt giá đó cũng chỉ là ảo ảnh.

Written by Tequila

March 25, 2024 at 5:03 am

Posted in Linh tinh