Teq's Blog

Archive for the ‘Ngày xưa Hà Nội’ Category

Một chuyện vớ vẩn

with 2 comments

Tôi có một vài người bạn ở khu phố quanh văn phòng làm việc. Vài bác xe ôm quen, rất thân ái với tôi, dù đi xe không nhiều, nhưng tôi hay chào hỏi họ. Kiểu như, chào bác, khỏe không bác. Ờ cảm ơn cháu, bác vẫn khỏe, trẻ con nhà cháu đi học ngoan chứ. Vâng chúng nó ngoan, bác. Thế thôi, một tình bạn rất vui vẻ chả liên quan đếch gì đến nhau. Một ông bạn khác bằng tuổi, chủ quán cafe đầu phố, cafe nhà anh ta chẳng ngon chẳng dở. Khi đông khách thì anh ta gọi tôi là anh, khi vắng khách gọi tôi là bạn, chả hiểu sao. Còn một ông bạn khác là ông hàng bún.

Vợ ông ấy mới là bà hàng bún, còn ông ấy làm chân rửa bát giúp việc. Bà vợ bày một tủ kính nhỏ và một cái bàn con ở ngoài vỉa hè, chỗ đấy chỉ tiếp khách là mấy bà bầu hay trẻ con. Quán thực sự thì nằm trong nhà của ông bà, đi vào ngõ hẹp thì mới tới. Chỉ có một chiếc bàn dài, kê hai cái ghế dài hai bên. Một chiếc TV, một quạt trần trên đầu, một cầu thang sắt đi lên gác xép chắc là nơi ở của hai ông bà, và vài đồ lặt vặt khác. Khách chỉ có ba loại, một là các ông già bà cả hàng xóm hay họ hàng gì đó xung quanh, hai là mấy con bé chíp con mấy thằng bé choai choai ở đâu mới lên thành phố làm thuê cho cửa hàng cửa hiệu gần đó, ba là dân văn phòng. Loại ba này chỉ có mỗi tôi làm đại diện duy nhất, chưa gặp đứa nào khác.

Ông chủ chừng hơn sáu mươi, nhưng thoáng nhìn thì trẻ hơn tuổi. Ông rửa rửa lau lau, pha trà đá, dọn bàn, tiếp chuyện khách ăn bún. Ông ưu tiên nói chuyện với khách loại một, các ông già bà cả, những câu chuyện liên quan hàng xóm láng giềng những người đã sống hàng chục năm ở cái góc phố này. Ông không bao giờ nói chuyện với khách loại hai. Khi khách loại ba, tức tôi, có mặt tháng đôi lần, thì ông nói chuyện với tôi sau khi loại một đã dứt chuyện. Câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu bằng kết quả một trận đấu kinh điển nào đó vừa diễn ra vài ba hôm, thằng này thế này, thằng kia thế kia. Tiếp theo sẽ là, tôi nói cậu nghe, ngày xưa ông A, ông B đá ở đội C đội D gì đó của Hà Nội, đá hay lắm, tây cũng phải khiếp, nó gọi là ma quái cậu hiểu không, bóng đá là phải như thế. Cái tay đó xấu trai dặt dẹo lắm, nhìn rất chán, nhưng mà khi vào sân mà hắn có bóng ở biên, thì cậu biết không, cả khán đài phải đứng dậy nín thở chờ, vì hắn đi bóng thì quên sầu, nhìn rất sướng, rất đã. Chuyện qua lại có từng đó thứ, nhẩn nha nói trong chừng 10 phút của bát bún. Đôi khi ông kể lại hồi trẻ đi xuất khẩu lao động bên Đức, Đông Đức với Tây Đức, những chiếc Simson, thuốc tây, đồng hồ, thuốc lá…

***

Chuyện về ông hàng bún ấy chả có gì cả, có mỗi thế thôi, và ông ta sẽ cứ thế nhiều năm nữa. Chẳng có gì phải bàn về một người như ông ấy, những người già có khắp trên các xó xỉnh phố phường Hà Nội cũ này. Tất nhiên phải là Hà Nội cũ mới có cái kiểu người như thế. Kiểu người có dẫu có từng đi đây đó như ông hàng bún, hay chả đi đâu cả như ông xe ôm tóc bạc, thì hàng ngày vẫn cứ làm đúng những việc hàng ngày, không một mảy may sốt ruột. Ông tóc bạc xe ôm bảo tôi, bác cả đời chỉ ở đúng cái ngã tư này, bé chơi ở đây, lớn đàn đúm tán gái ở đây, có mỗi mấy lần xin đi làm công nhân hơi xa một tí để trốn đi bộ đội, đỡ chết, bạn bác chúng nó chết cả, giờ già thì bác chạy xe ôm, trưa về ăn cơm bà vợ nấu, rồi lại ra đây ngồi chờ khách. Cuộc đời thật đơn giản.

Tháng trước đi ăn bún, quán vắng có mỗi tôi. Sát tường thấy kê một chiếc xe máy, phủ vải từ trên xuống dưới kín mít. Ông hàng bún khoe tôi, chú mới mua cái xe máy này cháu xem có được không. Đoạn ông lật lớp vải phủ, như lật lớp gấm vóc phủ châu báu, như chú rể gỡ tấm voan che mặt cô dâu. Một chiếc xe mới cáu cạnh hiện ra, một chiếc xe tay côn, hạng ruồi làng nhàng, 125cc, dáng naked bike. Chú mới mua hôm qua đấy, bốn mươi ba triệu đấy.

Đoạn ông đọc một loạt thông số kỹ thuật của chiếc xe, rồi kể chú chọn xe màu đỏ đun này vì màu đen thì nó đẹp hơn đấy nhưng hơi quá gấu so với tuổi của chú. Rồi chú chọn nó vì cái giá buộc hàng ở sau xe khá vừa vặn, chú có thể buộc ở đó cái làn của bà vợ, để chở bà ấy đi thăm mộ hay đi thăm họ hàng xa. Rồi chú sẽ lên Hà Trung đặt làm hai cái túi da treo hai bên, để đựng thêm đồ. Rồi chú đã xem kỹ hướng dẫn sử dụng, bao lâu thì phải thay dầu, bao lâu thì đưa đi bảo dưỡng, vân vân… Ấy nhưng mà khi dừng xe ở ngã tư thì chú cứ bị chết máy cháu ạ. Thằng bán xe nó bảo chú là phải bóp côn mà chú bóp thế nào cứ chết máy.

Thế là tôi mới dành mười phút để ngồi lại, chứ không chuồn luôn sau bát bún, để hướng dẫn ông chú về xe côn tay. Tôi giải thích cho ông ấy côn là cái gì, tại sao phải bóp nó, tại sao phải nhả nó. Khi chú mới đi, thì lúc xuất phát chú bóp chặt côn rồi nhả dần, xe chạy là được, rồi chú chỉ cần nhớ là mỗi khi chuyển số thì bóp côn. Mà chú nhả dần dần thôi đừng nhả bụp phát, mỗi xe mỗi tính, cách nhả côn tùy chỉnh mà khác nhau. Như con xe này mới, chú chỉ cần đừng nhả nhanh quá là được, rồi đi sẽ quen dần. Rồi, chú có biết cái đồng hồ này làm gì không, đó là đồng hồ chỉ vòng tua động cơ. Chú nên vê ga tới khi vòng tua lên khá cao, xe này chắc cỡ nghìn rưởi hai nghìn, thì chuyển số nó sẽ êm. Rồi khi mà chú đi quen rồi, tự chú sẽ cảm thấy động cơ nó nổ thế nào và số nó đang thế nào, bóp côn ra sao. Rồi đi xe côn người ta điều tốc bằng côn chứ chẳng cần nhiều đến ga, vân vân… Ông chú ngồi nghe mồm há cả ra.

Dĩ nhiên ông ấy hơn sáu mươi rồi, và cái xe của ông ấy mới tinh, nó sẽ rất dễ tính. Tôi chém một hồi thế để cho đỡ thèm. Hơn năm rồi con xe cà khổ dựng ở góc nhà, buồn bã, chẳng được lôi ra đi. Cái con xe cà khổ, cũng chỉ có 125cc, mà đến giờ vẫn có thể nhá côn để nó nhảy dưới ổ voi đầy bùn lên mặt đường như một con ngựa. Ngồi giải thích cho ông hàng bún, mà thèm cài cảm giác chạy một con xe tay côn, khi vào cua dốc núi thì giảm tốc và phanh cho đến gần như là cạn tốc độ, bóp chặt côn, chiếc xe sẽ có một điểm rất tĩnh, mình nghiêng người cho xe nghiêng chừng 30 độ, tới đúng cái điểm tĩnh ấy, như thể vượt qua nó thì xe sẽ đổ, thì nhả côn vê ga một cái, búng nhẹ côn phát nữa, xe sẽ hộc lên vọt đi như một con chó bẹc giê tung chân chồm về phía trước, khi ấy sau đường cua thì cả một phong cảnh mới hiện ra, gió thổi lồng lộng.

Tôi chẳng có nhiều thời gian để mà đi thật nhiều, mỗi lần nhảy lên xe đi đâu thì chỉ hầu như đi những cung chính, rồi hành xác mình vài trăm km mỗi ngày để thỏa mãn cảm giác đường đất, chứ không có nhiều điều kiện để mà lang thang vào những lối nhỏ đường vắng thôn bản xa xôi. Ôi, cả năm trời ngồi văn phòng, chỉ thèm xách xe đi bốn năm ngày. Cứ đi tới đâu thì tới, xa mấy thì xa, ngày cuối chạy về nhà, cao lắm thì cũng chỉ 500km.

***

Hôm nay đi ăn bún, như thường lệ, bàn về bóng đá Việt Nam đi đấu Seagame. Ông chú bàn, chứ tôi thèm vào để ý. Tôi bảo, ôi giời cái bóng đá VN, bọn trẻ con U15 đã dạy dỗ chúng nó đánh nhau trên sân, triệt hạ người ta, muôn đời không khá được, chú xem làm gì. Ông chú bảo, ừ đúng đấy, nhưng mà bọn bây giờ là người lớn thì hồi bé chúng nó cũng được dạy đánh nhau rồi. Chú nhớ hồi xưa có ông Z đá đội Y, ông ấy đá bóng với bọn Cu Ba, hồi đấy Cu Ba sang đây giao hữu, chém thế nào mà mấy thằng Cu Ba khỏe như vâm chán quá xin không đá nữa.

Tôi ăn xong bát bún, đứng dậy ra về. Chợt nhớ ra, quay lại hỏi, chú đi quen xe chưa, đi được bao nhiêu km rồi. Chú đi được 86km rồi, cháu ạ. Tôi cười hehe, sao chú đi nhiều thế. Thì cháu thấy đấy, chú chỉ toàn là rửa bát, bao giờ có việc gì bà ấy ra lệnh thì chú mới được xách xe ra khỏi nhà thôi. Nhưng chú cũng khá quen rồi đấy, không bị chết máy nữa.

Ra tới ngoài cửa ngõ, tôi thanh toán tiền cho bà chủ. Ông chủ vẫn đang đi sau lưng, chắc thèm nói tiếp chuyện xe máy. Chú nói cháu nghe, chú sẽ tập đi con xe này cho thành thạo, bà ấy bảo nếu mà chú đi giỏi được cái xe này, bà ấy sẽ cho chú mua con xe to hơn, phân khối lớn hơn, cho nó đàn ông hoành tráng, cháu ạ. Tôi quay sang bà chủ quán cười. Bà chủ quán một tay cầm nắm tiền bán bún, một tay chống nạnh, lườm ông chủ quán một cái, nguýt dài. Ông chủ nhún vai, nhe hàm răng lổn nhổn, rồi quay lại với chậu bát trong nhà. Tôi cho rằng chỉ có những bà chủ quán đanh đá bán hàng ở phố mới có cái kiểu lườm chồng dễ thương như thế.

Cái lườm nguýt ấy đáng yêu đến nỗi tôi vui vẻ thư giãn cả buổi sáng, hết cả mấy cuộc họp vẫn không thấy mình cần phải nghiêm túc. Nhưng mà sắp đến lúc phải đi đếm cột cây số rồi.

Written by Tequila

August 22, 2017 at 12:07 am

Làng Bách Khoa thơ bé

with one comment

Trời đang đổ mưa to như trút trong đêm, làng tôi đã lên phố từ lâu lắm rồi, không còn những rãnh nước chảy xiết bên bờ cỏ khi mưa xuống.

Cuộc sống dĩ nhiên phải thay đổi và phải phát triển lên. Từ một thành phố xinh đẹp mà ở bất kỳ góc nào cũng có thể là chỗ cho một thằng dở người ngồi làm thơ (tất nhiên bọn làm thơ thì luôn dở người và không hề lãng mạn) như thằng bạn cấp ba của tôi nay là sĩ quan kiêm chủ quán, xưa thường ngồi góc phố uống say với tôi rồi làm những bài thơ hay gần bằng Vũ  trên những vỏ bao thuốc đọc xong vo viên vứt, thì nay thành phố đã phát triển thành một bãi xấu xí khiến ở bất kỳ góc nào người ta cũng có thể chụp cái ảnh up lên facebook để chửi.

Tuổi thơ ở trong làng

563131_3471436958407_196148131_n

Vào những năm xưa đó, sau một trận mưa đêm như thế này, thì nước sẽ không bao giờ rút hết trước khi trẻ con kịp chơi. Nước sẽ từ đâu chầm chậm đổ về rồi chui vào và chảy rất xiết trong những khe rãnh nhỏ trước khi nó lại hòa vào dòng sông nhỏ nước đen đầy bèo tây ở mạn kia cách nhà tôi tầm hơn trăm mét. Tôi cùng thằng bạn hàng xóm, thằng mà tối trước đá bóng  về tôi và thằng em trai đi ngang qua con xe nó đang đậu vệ đường để chờ vợ nó vào mua bỉm sữa, tôi đã giơ tay chào nó trước khi thật sự nhận ra nó, khiến thằng em tôi cũng ngạc nhiên sao có thể nhận ra người quen đang ngồi sau vô lăng trong cái xe đậu nơi vỉa hè tối, nhưng người ta luôn nhận ra thằng bạn tuổi thơ của mình theo cách như vậy kể cả khi giờ trông nó già và béo rất buồn cười, tôi cùng thằng bạn đó thường chơi với nhau khi nước về sau mỗi cơn mưa. Hai nhà cạnh nhau, nước mưa chảy xiết qua rãnh thì phải qua nhà tôi rồi mới đến nhà nó. Tôi thường thả những chiếc thuyền bằng cọng cỏ, đôi khi là thuyền giấy gấp đàng hoàng, mà thuyền trưởng là một con bọ nào đó tóm được bên khóm cỏ, vượt qua những ghềnh thác của con rãnh nước để từ cửa nhà tôi sang cửa nhà nó rồi đi tiếp. Niềm mơ mộng của tôi về một chiếc thuyền trôi từ thượng nguồn về xuôi, có khi bắt đầu từ những con thuyền cỏ hay thuyền giấy đó, những con thuyền đã vượt qua ghềnh thác một cách hoành tráng biết bao.

Vào những năm xưa đó, khi tôi đã tốt nghiệp hết những khóa chơi đồ trên thành bể nước nhảy phom phóp qua những mảnh chai mảnh sắt tây bên dưới mà bất cứ bố mẹ nào ở thời buổi này cũng sẽ kinh hãi thì thằng em tôi còn đang dập dọ chơi những trò của nó mà đỉnh cao là bị rơi xuống hố vôi còn chưa nguội phải đi viện, cùng tầm ấy thằng bạn hàng xóm mà tôi nói ở trên đã có một pha cứu người mà giờ này có thể nó đã quên, là khi em tôi bị điện giật khi trèo tường bám phải dây điện hở, nó đã rất bình tĩnh cầm cái sào tre chọc cho thằng em tôi rụng từ bờ tường xuống đất mà thoát chết, khi đó tôi mười tuổi và đã biết đến sự kiên nhẫn và cảm giác dịu nhẹ của nỗi cô đơn chưa có thật. Trước cửa nhà tôi là rãnh nước, qua rãnh nước là vườn, vườn nhỏ thôi mà hồi bé ấy thì rộng lắm, qua vườn là một lối mòn nhỏ, qua lối mòn là rừng của tôi. Cái gọi là rừng ấy chắc chỉ rộng cỡ chừng ba chục mét vuông, nhưng rậm rạp. Ở giữa rừng có một tảng bê tông, cạnh tảng bê tông có một cây ổi, trên cây ổi năm đó có một quả ổi. Tôi đã ngồi nhiều giờ trên tảng bê tông đó, dưới cành lá cây ổi và ngắm nhìn quả ổi.

Tôi nhiều lần từng ngồi ở đó, vào buổi trưa, ngắm quả ổi và nghe tiếng còi tầm mà mọi người Hà Nội năm xưa ấy đều vẫn nhớ, khi tiếng còi ấy có lần tôi đã viết, bay từ Bờ Hồ xuôi theo Bà Triệu, vượt qua đê Đại Cồ Việt, bay vào khu Bách Khoa vượt qua các ruộng rau, lượn qua dãy nhà của chúng tôi và chui vào rừng của tôi, rót lên tai tôi đang ngồi bên dưới quả ổi. Quả ổi rất to, một ngày kia chúng tôi, hai anh em tôi và hai anh em hàng xóm đã ăn nó. Khi quả ổi đã bị ăn xong thì tôi không vào rừng nữa.

***

Vào những năm xưa ấy dây tơ hồng leo vàng rực trên những cây nhãn dọc con đường bên sân vận động mà nay gọi là đường Lê Thanh Nghị. Ông nội tôi bảo những dây tơ hồng là loài thực vật ký sinh và nó vắt kiệt sức những cây nhãn, nhưng đứa trẻ nào cũng kéo những dây tơ ấy để tết thành một vòng nguyệt quế đội trên đầu và đeo vào cổ, rồi bắt những con bọ xít vặt chân chúng đi để dán vào cái lá, thành xe đua. Trò đấy dã man tôi không ham, hồi bé ấy và cho đến lớn lên tôi vẫn là kẻ mềm yếu và không chịu nổi khi nhìn thấy những con vật khốn khổ ấy bị vặt chân và không hiểu gì cả cứ cố vẫy đôi cánh khốn khổ để chiếc lá chạy như xe đua. Tôi cũng theo chúng bạn trèo lên cây nhưng không để bắt bọ xít, mà trèo chỉ để trèo thôi, nằm trên cây mà nhìn bóng nắng len lỏi rọi xuống mặt đường thành những điểm sáng nhảy múa. Chẳng có đứa trẻ nào trong chúng tôi từng bị ngã vì trèo cây, vì cây là để trèo và cây sẽ không làm chúng ngã.

Vào mùa đông chúng tôi đốt lên đống lửa giữa bãi khoai, bãi khoai cũng chỉ rộng vài trăm mét vuông mà thôi nhưng khi ấy thì khác gì một cánh đồng mà trong sách giáo khoa vẫn tả. Chúng tôi đốt lửa lên và khói thơm ngát cả cánh đồng nhỏ nhoi của chúng tôi, khói lan tỏa khắp đồng và lan cả ra ngoài đồng, nơi là khu mỏ của ông điên, ông điên ấy là bố một thằng bạn hàng xóm tôi, ông ấy chả hiểu sao cứ ngày này qua ngày khác đào đất thành cả một cái hố to kinh khủng, còn thằng bạn mà bố là ông điên ấy về sau lớn lên rất giỏi tin học, từng dạy dỗ tôi đôi tuần về món ấy nhưng tôi quá dốt không theo được, nó có khi giờ đang là thằng chuyên gia ở một cái nước nào đấy rồi vì tôi không còn nghe thấy nó ở bất cứ đâu nữa.

Vào mùa hè tôi thường làm những con diều, nhưng không biết thả diều. Diều tôi thả chỉ bay được đến ngọn cây mà không thể cao hơn, lại phải nhờ các anh lớn biết điều khiển diều nương theo gió mà lách qua được các ngọn cây tránh được các dây điện. Khi diều bay lên rồi thì tôi gửi thư. Thư là một mẩu giấy nhỏ, xé một đường rồi lồng vào dây diều, gió sẽ đưa mẩu giấy ấy leo lên dần, đến tận diều mới thôi. Các ông anh lớn giúp tôi thả diều ấy, khi đó là những siêu nhân giỏi giang không biết chừng nào mà kể, ngày nay tôi vẫn thường thấy các anh ngồi cà phê trong khu, chả có ông nào giống siêu nhân nữa cả, họ đã qua bốn mươi cả rồi và giống như tất thảy các vị bốn mươi bốn lăm tuổi ngồi các cafe cóc khắp thành phố này.

Có một siêu nhân từng ngồi trên thành bể nước bỏ không, nơi chúng tôi chơi đồ, nhảy phom phóp qua thành bể bên dưới là gạch đá và mảnh chai nhưng chưa từng có thằng nào sảy chân rơi xuống, kể chuyện ma cho chúng tôi. Rồi anh, khi ấy tầm mười hai mười ba tuổi, đã giảng dạy cho chúng tôi về giới tính. (Hôm rồi mấy cô bạn học cũ tôi kháo nhau trên facebook, kêu nhau là ê ê sao trẻ con nhà mình còn bé thế đã để ý bố mẹ chúng hôn hít nhau, tôi ngừa mồm mò lên bảo hồi xưa bé bằng con các bà bây giờ tôi đã được các đại ca giáo dục giới tính rồi nhé, chả bà nào like comment của tôi cả, nghĩ tôi nói nhảm). Anh siêu nhân ấy giảng cho chúng tôi rằng người cũng giống chó đấy, chúng mày thấy chó dính đuôi suốt rồi chứ gì, người cũng thế để sinh ra con cái, như thế gọi là (tự điền vào chỗ trống), là rất kinh. Kết luận, anh bảo, sau này tao sẽ không như thế, bọn trẻ con chúng tôi cũng thống nhất lớn lên mình sẽ không như thế. Câu chuyện của anh làm tôi buồn tới mấy ngày.

Bên cạnh những chuyện đó, thì chúng tôi lớn lên dần. Cách nhà tôi vài hộ, có một chú lính giải ngũ về, chú lúc nào cũng buồn, chú có một cây guitar. Em gái chú là một cô gái xinh đẹp và nhiều thanh niên đến nhà, còn chú lúc nào cũng buồn, chú thường chơi guitar lúc khuya, chú đánh dở nhưng với trẻ con ngồi ngoài thềm nghe lỏm thì thế quá hay rồi. Như bài hát của Trần Tiến vậy. Một vài năm sau chả biết là năm nào nhưng là lúc tôi chưa kịp lớn, nhà chú chuyển đi, tôi nghĩ cho tới bây giờ chú vẫn buồn, bởi ba mươi tuổi mà đã có vẻ buồn như thế thì làm gì có cái gì mà vui lên được.

***

Hôm rồi một ngày cũng mưa, trưa tôi đi ăn rồi cafe với một cô bạn. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ. Cô ấy tạt về Việt Nam để thu xếp công việc, tranh thủ mấy tiếng cafe với tôi rồi hôm sau lại đi, cô đã đi rất nhiều nước. Cô bảo tôi, thật buồn cười, bạn Đức có thể gọi là một loại người mà từ bé đến lớn chỉ sống ở một chỗ, ở một làng. Quả thật, trừ một thời gian ở Nga mà tôi cứ kể mãi, thì tôi chỉ lanh quanh bán kính 3km từ nhà mình, nơi tôi đang ngồi viết những dòng này.

Thế giới rộng lớn biết bao còn tôi chỉ lớn lên và sống trong cái làng của mình. Tôi không lấy làm phiền vì điều đó. Tôi là một người làng.

 

Làng ở rìa thành phố

Hôm rồi, cũng vào một ngày mưa, có bạn post trên facebook một trang của Tô Hoài, rồi viết, thảo nào mỗi lần từ Phố Huế sang Bạch Mai là mình đã thấy rất khác, khác cái không khí.

Quả đúng như thế, khi tôi còn nhỏ thì Hà Nội rất nhỏ. Về mạn phía nam này, thì đến hết Phố Huế tức là đến ô Cầu Dền là đã hết Hà Nội. Qua khỏi ô Cầu Dền, mà thời đó là một cái cầu nhỏ bắc qua một khe nước đen, thì Hà Nội thò thêm một khúc đuôi là phố Bạch Mai, hết chợ Mơ có thể gọi là ngoại thành thực sự rồi. Khu Bách Khoa là một làng có hình tam giác với một cạnh là phố Bạch Mai, một cạnh là đê Đại Cồ Việt, một cạnh là con sông Sét chia cắt đại học Bách Khoa và đại học Kinh tế.

***

Khu Đại học Bách Khoa khi xưa vốn là Đông Dương học xá. Nghe nói sau khi Việt Minh cướp chính quyền, người ta đã định tổ chức mít-tinh đọc tuyên ngôn độc lập ở Đông Dương học xá, nhưng sau đổi về Ba Đình bởi Đông Dương học xá cách quá xa trung tâm, dân phố có thể lười không tới.

Hiện giờ những ngôi nhà cũ của Đông Dương Học Xá vẫn còn tồn tại. Thời tôi còn nhỏ, những ngôi nhà lớn đó được đánh tên là A, B, C, D, E, F, và nhà Bát Giác.

50512418

(ảnh chôm trên blog anh Chitto)

Đông Dương học xá có 4 ngôi nhà chính đối xứng nhau, được xây khoảng 1938. Bức ảnh trên là nhà D (bên phải) và nhà C (bên trái), góc chụp này chắc đứng từ nhà A mà chụp. Bên phải nhà D, là ngã tư Lê Thanh Nghị – Tạ Quang Bửu bây giờ, mái nhà nhỏ có tháp hình trụ tam giác ở rìa phải ảnh là nhà E. Ở giữa nhà D và nhà C là nhà Bát Giác. Khoảng đất trống trong ảnh giờ là sân vận động Bách Khoa.

Trên nóc những ngôi nhà này có những ống khói. Hồi tôi còn nhỏ thì chim cú lợn làm tổ trong những ống khói đó. Buổi tối tôi thường nghe tiếng éc éc rợn người của chúng khi bay từ nóc nhà này sang nóc nhà kia. Những năm gần đây không thấy chúng nữa, chắc vì phố đã quá đông. Từ hồi tôi còn nhỏ, những ngôi nhà đó đã mang vẻ bí hiểm. Về sau tôi là sinh viên đại học Bách Khoa thì cũng chả bao giờ có dịp vào những ngôi nhà đó. Trừ nhà B bây giờ là trụ sở Đại học Mở thì tôi có vào rồi, nhưng vẫn nhớ hồi bé anh em vẫn chui xuống một cái rãnh và ngó vào trong hầm nhà B qua ô cửa sổ, nhìn mấy cái móc sắt và dây xích trên tường, kháo nhau rằng ngày xưa Pháp nhốt người và tra tấn trong đó, tất nhiên chỉ là trẻ con kháo nhau.

Năm tháng qua đi, sau chiến tranh vài năm thì tôi ra đời. Khi sinh ra tôi ở bên nhà bà ngoại cách một cây số đường chim bay. Rồi mẹ tôi xin với nhà trường cho được tự dựng nhà cấp bốn trên khu đất toàn hố bom mà ở, và thế là tôi lớn lên ở góc có gốc cây đen đen phía trái nhà C. Từ đó đến đầu nhà D là hàng cây nhãn và vài gốc xà cừ. Đầu nhà D nay là ngã tư thì là chợ cóc Bách Khoa, nơi bà nội tôi ngày ngày mang giá đỗ ra bán. Bãi đất này thì khi tôi sinh ra đã là sân vận đồng rồi, nhưng chỉ có 2 cái gôn và một deo đất teo hẻo ở giữa, chắc đá được theo đội hình 2 – 2 –2 –2 – 2, còn thì xung quanh toàn rau muống và cỏ dại. Về sau người ta xây tường bao quanh, rồi nhiều năm sau nữa là khán đài và thành cái sân vận động to đẹp như giờ.

Từ nhà tôi bây giờ, khi đứng ở cửa sổ nhìn ra, thì nhìn đủ cả bốn ngôi nhà cũ ấy của Đông Dương học xá, như khi tuổi thơ xưa tôi nằm trên mái bếp mà nhìn, như khi tôi leo lên sân thượng (nhà lúc ấy đã xây) mà khóc ròng khi đọc Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, như khi tuổi lớn lên gặp ngày buồn bã đọc cho lắm tiểu thuyết vào thì cũng trèo ra ban công trên cùng cắm điếu thuốc vào mồm mà mơ mộng về những yêu đương và buồn đau chưa biết tới.

***

Trong làng trẻ con rất lành và học giỏi, vì chủ yếu là con cái của giáo viên và cán bộ nhân viên trường Bách Khoa. Chúng tôi nghịch đủ trò, nhưng không đánh nhau, và thường bị nạn trấn lột do các toán trẻ con “ngoài phố” đi thành từng toán bốn năm đứa thỉnh thoảng đi càn trong làng. Bọn “ngoài phố” tức là bọn trẻ con phố Bạch Mai, bọn trẻ con đê Tô Hoàng, đàn em của những chàng “quân khu” đi tông Lào đội mũ Cối. Chả may chống lại được bọn chúng, thì lập tức chúng sẽ “tao sẽ gọi anh tao” và chẳng ai có thể chống lại những người anh đó.

Khi học lên cấp hai, ra học trường Tô Hoàng ngoài đê Đại Cồ Việt, bài giảng đầu tiên mà tôi được học không từ cô giáo, mà là cảnh một thằng lớp chín nhổ nước bọt xuống dép mình và một thằng khác quỳ xuống liếm. Nhìn cảnh đó, tôi thấy không được rồi, phải tìm cách nào để tồn tại. Tôi chơi với một hai thằng ngoài phố, gặp nhau là chào nhau tươi cười, cũng đỡ được việc bị bắt nạt. Trong túi quần tôi luôn có một vũ khí là một cái súng cao su, chỉ để cảm giác cho an toàn hơn thôi, dù tôi bắn súng cao su rất giỏi. Vẫn hai lần bị bắt nạt, một lần bị trấn lột cái thắt lưng, một lần khác bị chính một thằng bạn ngoài phố đi ngang qua giật lấy mũ và ném xuống sông Sét, với một cái cười rất lạ. Dù sao, không chỉ có tôi mà hầu hết bọn trẻ con trong làng đều có thể tồn tại giữa bọn ngoài phố và chỉ rất thỉnh thoảng mới bị bắt nạt. Cũng có thể tới khi ấy, khi tôi đã lên cấp hai, thì khoảng cách trong làng ngoài phố không còn quá xa nữa và về độ hư đốn cũng dần đều nhau, trong làng cũng bắt đầu có những nhân vật quân khu.

Từ trong làng ra đến ngoài phố, tức là ra đến Bạch Mai, ô Cầu Dền, thì còn một lớp bọc nữa mới lên tới Hà Nội. Lớp bọc ấy là quân khu chợ Giời. Qua khỏi chợ Giời, lên tới khúc Nguyễn Công Trứ rồi chợ Hôm trở đi, thì mới là Hà Nội văn minh. Trẻ con ở Hà Nội văn minh rất khác chúng tôi, chúng mặc đẹp, ăn đồ ngon, nhiều tiền tiêu vặt, đi xe đạp tốt. Khi lên tới cấp ba thì sự khác biệt càng rõ, bọn Hà Nội phố cổ là bọn giai thanh gái lịch, sành điệu và thường đẹp. Ngay đến bây giờ, Hà Nội trộn lẫn đủ người các nơi, ngắm gái đẹp chạy vè vè Vespa PS ngoài phố, tôi vẫn hầu như phân biệt được con bé nào là gái phố, con bé nào là ngoại tỉnh, con bé nào lớn lên từ những khu ven Hà Nội như khu của tôi.

Nhìn trên bản đồ, chỉ có 3km đường chim bay là tới Bờ Hồ, thế nhưng là cả một sự khác biệt lớn.

Vào năm lớp 6, tôi đi học đàn ở Cung Thiếu nhi, một ngày vào hiệu sách mua được bản nhạc Thư gửi Elise chuyển soạn cho guitar, tôi đã sung sướng đi bộ từ Bờ Hồ về đến nhà, dọc theo Hàng Bài Phố Huế Bạch Mai, đến giờ vẫn còn cảm thấy như đích thực là lần trở về nhà đầu tiên sau một chuyến đi xa.

Lớn lên trong làng

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Theo cánh chuồn chuồn bay rợp trời mùa hạ, chúng tôi đã lớn lên cùng nhau với các trò chơi ngày mưa ngày nắng. Đứa nào cũng biết bổ quay, đứa nào cũng biết trèo cây và đào đất, đứa nào cũng biết đánh gậy gộc vì chia quân đấu gậy dươi trăng là một trò chơi rất thú vị, đứa nào cũng biết làm diều, đứa nào cũng giỏi bắn súng cao su vì chuồn chuồn luôn bay rợp, đứa nào cũng biết nuôi cá và đấu cá chọi, đứa nào cũng biết sờ ve, đứa nào cũng biết đá bóng vì lớn lên gần sân bóng.

Chẳng đứa nào biết bơi vì con sông tuổi thơ chỉ là một khúc sông đen ngòm bẩn thỉu, chẳng đứa nào biết câu cá vì dưới cống dưới sông đen sì chỉ có toàn cá săn sắt. Chẳng đứa nào biết chơi với bọn con gái ra sao, vì lạ thay, trong khu toàn con trai. Nhất là mấy dãy nhà cấp bốn chỗ tôi lớn lên, có đến mấy chục đứa trẻ con các lứa tuổi nhưng chỉ có hai đứa con gái, trong đó một đứa là nhà từ nơi khác chuyển về. Chú ruột tôi bảo, ở cái đất này, chỉ toàn đẻ ra con trai, đến chó cũng toàn đẻ ra chó đực. Mà nghiệm lại vẫn đúng, khi lấy vợ xong tôi ở nhà Bách Khoa này, thì đẻ ra thằng cu. Rồi thuê nhà sang chỗ khác ở riêng, thì đẻ ra con gái. Có ông bạn nào giờ này muốn đẻ con trai, tôi cho thuê phòng tôi đấy.

Chúng tôi lớn lên nhẹ nhàng như không, chơi lắm nên chẳng thằng nào ốm vặt. Bố mẹ cứ thả chúng tôi ra đường chơi mà chẳng cần quản lý, đến giờ cơm thì gọi về. Khi bố mẹ đi làm thì thường nhốt bọn tôi trong nhà, khóa trái cửa lại. Bố mẹ cũng chẳng cần lo lắng vì có một tỉ cách để chúng tôi thoát ra nếu nhỡ nhà có sự cố.

Tôi hay nằm đọc sách trên mái bếp. Tôi trèo lên cây hồng xiêm, rồi từ cây hồng xiêm chuyền sang mái bếp, rồi leo lên nóc mái, nằm dài ở đó đọc truyện hoặc ngắm mây trời. Chán thì lại gọi thằng hàng xóm, mày góp đường tao móc trộm gạo, rồi rang gạo lên với đường, ngồi cùng ăn với hai thằng em. Nỗi lo lắng lớn nhất là con chó Nicka chui qua khe cửa sắt mà trốn đi chơi. Không thể để nó đi chơi được, vì nó là một con chó béc-giê lai, cao lớn lông trắng muốt, cực nhanh nhẹn nhưng sở thích vô cùng của nó là ăn cứt. Trong khu thiếu gì cứt, nó ăn phè phỡn xong không tiêu hóa được, bắt đầu thót bụng ục ục và nôn ra, thường là dưới gầm giường, mà cay nhất là sang nhà hàng xóm nôn dưới gầm giường nhà hàng xóm, phải dọn trước khi người lớn về. Dọn cứt người do chó ăn về nôn ra là một việc cực kỳ kinh tởm. Vì thế nó mà thoát ra là tôi cũng phải thoát ra để đi đuổi.

Tôi thường đuổi nó dọc đường đất cạnh nhà, đuổi xuyên qua ruộng khoai, lao xuống và lao lên từ khu mỏ của ông điên, chạy dọc theo con đường đầy nhãn mà giờ là Lê Thanh Nghị, có nhiều khi phải chạy đuổi nó ra tận đầu phố Bạch Mai. Ban đầu tôi chỉ có thể đuổi theo và ném gạch dọa nó. Về sau tôi có thể rình rình và cắt đường nước rút tóm được nó, nắm lấy cổ dề và gí xuống đất, xích lại và kéo về. Về sau tôi đá bóng kém cũng là do con chó này, nó luyện cho tôi chạy quá khỏe, nên đá bóng chỉ cần đẩy bóng dài và chạy thôi cần gì kỹ thuật, chả ai bắt được.

Và trẻ con lại lớn lên

Tôi còn nhớ vết sẹo đầu tiên của tôi là một vết thương ở chân do trèo tường mà ngã xuống mảnh chai, ông nội đã lấy bã thuốc lào mà rịt cho tôi. Tôi còn nhớ lần mê gái đầu tiên của tôi, mà người lớn sau này cứ trêu mãi, là ôm con voi của mình rồi đòi ông nội dẫn đến nhà bạn gái mẫu giáo để tặng bạn cho bạn nhanh khỏi ốm. Lần ngã vỡ mồm đầu tiên cũng là lần buổi tối đến nhà một bạn gái khác và ngã trên cầu thang nhà tầng tối, mếu máo đi về không dám nói với ai cứ liếm vị mặn ở lợi. Lần say rượu đầu tiên năm lớp một, trước khi đi học uống trộm rượu của bố và ông nội rồi chân nam đá chân xiêu tới lớp. Thất bại đầu tiên và bài họ về sự phản bội đầu tiên, là khi bị thằng bạn lôi kéo vào một trận đánh hội đồng mà khi xảy ra thì thằng bạn chạy mất hút trước khi đối thủ đến, còn tôi và mấy thằng khác bị bọn lớp trên đông hơn khỏe hơn giữ lại và đấm cho bèm bẹp. Tình bạn đầu tiên khi tôi và thằng bạn cùng lớp hai sau khi đọc vài tập Tam quốc bèn làm lễ kết nghĩa anh em bên nhà xí công cộng thối hoăng…

Mấy năm trước tôi xếp hàng ở trường mẫu giáo để đăng ký cho con trai vào học lớp bé nhất, lớp nhà trẻ. Đăng ký xong, hôm sau đưa con vào lớp, gặp bà giáo mẫu giáo năm xưa, bà bảo, hồi xưa tao rửa đít cho bố mày, bây giờ lại rửa đít cho mày. Tháng trước tối dẫn con đi chơi, qua trường tiểu học Lê Văn Tám, lại bảo con hồi xưa bố học trường này đấy, con có thích không sang năm bố sẽ cho con đi học ở trường này. Hôm trước tối đi chơi con gái lại chỉ ngôi nhà phía sau bức tường cũ, đây là trường con đấy. Ừ, ngày xưa bố và bạn hàng xóm thường trèo tường này cho sướng, mà không đi cổng chính, để đón hai thằng em nhà trẻ. Thỉnh thoảng buổi sáng tôi vẫn cho bọn trẻ con đi ăn hàng phở ấy, hàng phở ngon nhất Bách Khoa và giờ thuộc loại ngon đếm trên lòng một bàn tay của Hà Nội. Quán ấy năm tôi lớp 8 thì nó khai trương, chúng tôi vào quán, dõng dạc, cho cháu một bát nhiều hành, nhiều thịt, ít bánh.

Bây giờ trẻ con lại lớn lên. Tôi đã đưa chúng về lại nhà này mà ở.

Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, dù nhà vẫn có một con chó, con Vodka thay cho con Nicka khi xưa. Nhưng chó Vodka ít khi thoát được ra đường, thoát ra cũng không dễ kiếm được cứt mà ăn, có ăn về cũng không đủ liều mà nôn ọe. Các con tôi không còn nghe tiếng chim cú lợn, không còn thấy chuồn chuồn bay rợp trời khi mưa khi nắng, không có những con rãnh nước chảy xiết để thả thuyền. Các bậc bố mẹ giờ chẳng ai thả con ra đường được nữa, để chúng chơi với nhau một cách tự do. Hàng xóm láng giềng nhà nào biết nhà đấy, trẻ con không chơi lẫn với nhau, chúng cũng không được tự đi học hay tự do chạy chơi vì ngoài đường ô tô xe máy chạy như ăn cướp.

Tuổi thơ của chúng liệu có vì vậy mà kém phần hay ho không nhỉ, chẳng biết được. Có lẽ chúng đang có một tuổi thơ mà khi lớn lên chúng nhớ về thì vẫn không kém phần màu sắc. Vì thế giới của trẻ con, thì người lớn không bao giờ hiểu được. Cũng như cha mẹ tôi xưa cứ khốn khổ vì miếng thịt con cá cho hai đứa con, và khốn khổ vì vô vàn các chuyện của họ, đâu biết được hai anh em tôi đã có một tuổi thơ thật tuyệt vời.

Nhưng có lẽ cũng không thể cậy cái sự khác biệt người lớn – trẻ con ấy để mặc định rằng trẻ con nhà mình cũng sẽ có tuổi thơ. Con tôi sẽ không bao giờ được hưởng cảm giác khi hoàng hôn buông xuống đã lâu, mà vẫn còn đang bận trẻo lên cái công ten nơ bỏ không cao hơn hai mét, để nhảy xuống lớp cát cho giỏi bằng cách anh siêu nhân, nhảy một lần chưa đã phải trèo lên để nhảy lần nữa, trong khi nghe tiếng bố gọi vọng từ phía nhà “Đức đâu! Về ăn cơm”.

Tôi chẳng thể hoành tráng như cha mình, chống nạnh đứng trước cổng khi chương trình bông hoa nhỏ sắp bắt đầu, gọi lớn, giọng ông sang sảng bay suốt qua các dãy nhà, qua ruộng rau muống qua khu mỏ của ông điên, như khiến cho các bụi cúc tần run rẩy như khiến lá của các cây chuối cũng phải rung lên sột soạt rồi dội vào tai tôi khiến tôi run lên lo lắng.

“Đức đâu, về ăn cơm, mang cái đít về đâyyy!!!”.

Written by Tequila

August 31, 2014 at 12:13 am

Đêm đông nghe Suite Intima–Hà Nội–Tiếng ve đu cành sấu

with 9 comments

Suite Intima là một bản nhạc rất dễ chơi, kỹ thuật phải chăng, và rất dài, chả bao giờ nhớ đủ các chương của nó. Lâu lâu nhớ nhớ lại mở guitar pro tìm bản nhạc rồi chơi một chương, rồi lại bỏ. Bản này chơi khi còn bên Nga lợn với mấy chú em, vừa chơi vừa uống vodka nhớ quê nhà.

Đêm đầu đông nghe Suite Intima, ngồi góc Hà Nội mà nhớ Hà Nội quá.

***

Hà Nội ba tuổi của tôi, còn quá nhỏ, ngồi sau lưng bà ngoại ngắm nó. Bấy giờ tôi còn chưa có đứa em nào, kể cả em ruột lẫn em họ, tôi được cưng chiều. Bà ngoại tôi thường đèo tôi bằng xe đạp, lượn vòng hồ Gươm, thỉnh thoảng bà cho ăn kem Thủy Tạ, còn thường thì ngồi ghế đá ven hồ, chỗ đối diện nhà bưu điện. Ngồi đó ngắm đồng hồ, lâu lâu nó lại kêu tang tang. Rồi có hôm bà cho tôi ăn bánh mỳ phố Huế, bảo là bánh mỳ ở đây ngon nhất. Bây giờ văn phòng tôi gần đó, cách vài ngày tôi lại đi bộ sang bánh mỳ phố Huế, làm cái, nó chẳng khác gì ngày xưa. Có bà bán bánh mỳ, năm xưa khi tôi đến lần đầu, không nhớ người bán chỉ nhớ bánh mỳ, nhưng hồi ấy chắc bà còn là thiếu nữ. Nay cũng có một đứa thiếu nữ, thỉnh thoảng quần soóc ngắn từ nhà trong đi ra, nhảy lên LX phóng đi. Nó chắc là con gái hay cháu gái bà ấy, có khi bay lượn vài năm rồi là lại sẽ trải qua một đời năm tháng bên bàn bánh mỳ với bánh, pa tê, bơ, giăm bông. Ở những thành phố có bề dày năm tháng, đôi khi hồn vía cũ lưu giữ ở những người cả đời chỉ ngồi đó bán bánh mỳ.

Đôi khi đi với bà ngoại ngồi chơi ở Hồ Gươm, vào đúng trưa, tôi rất thích thú lặng nghe tiếng còi trưa. Nó hú lên vào giữa trưa, 12h, rồi sẽ một lần nữa vào lúc 5h chiều.

Tiếng còi tan tầm ấy, khi vang lên thì chững lại một chút trong không gian, rồi tràn xuống lan ra cả mặt hồ, rồi bay dọc theo đường Bà Triệu, tới đê Đại Cồ Việt. Nó vượt qua đê, bay trên những mái nhà, qua con sông đen ngòm, qua khu nhà ăn Bách Khoa, rồi xuyên qua rặng phi lao, lướt qua sân vận động đầy cỏ dại và rau muống, rồi ào vào nhà tôi. Nghe ở nhà tôi hay nghe ở bên Bờ Hồ, dường như âm lượng vẫn vậy. Hà Nội thời ấy mọi người đều lắng nghe còi tan tầm. Một tiếng còi dùng chung cho tất cả mọi người.

Chẳng biết từ bao giờ thì người ta bỏ cái tiếng còi tan tầm ấy đi. Có lẽ là khi mà Hà Nội bỏ xe đạp chuyển sang xe máy, tiếng còi không còn vượt được qua vài dãy phố. Hoặc là khi mà trong các công xưởng, như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo chẳng hạn, chả còn bác công nhân nào đi làm.

***

Hà Nội mười hai tuổi của tôi, tôi đi theo ông thày dạy nhạc già đi dạo từ Cung Thiếu nhi dọc theo đường Ngô Quyền để tới Tràng Tiền, phô tô bản nhạc. Ông chỉ, đây là Bắc Bộ Phủ, ngày xưa bắn nhau với Pháp ở đây. Tôi đi dọc theo hàng rào sắt Bắc Bộ Phủ, hàng rào có từ ngày ấy, gần như thanh rào nào cũng có vết đạn. Có một hay hai viên cắm thẳng vào giữa thanh sắt, sâu hoắm, những lớp sơn mà năm nào người ta cũng sơn lại rào, không bám được tới chỗ đó, vẫn nhìn và sờ được cái đít viên đạn. Nó găm vào đó từ mùa đông 1946, mắc kẹt ở đó và quên lãng đi ở đó.

Năm ngoái tôi đội thằng nhóc lên vai, đi quá đó, các thể loại cô dâu chú rể đứng chụp ảnh lăng xăng. Tôi chỉ cho thằng nhóc, đây là viên đạn này, nó cắm vào đó lâu lắm rồi đấy. Tôi nói với nó với lòng tự hào vô đối, như thể, bố mày biết được có viên đạn này ở đây, bởi vì bố đã sống ở đất Hà Nội này từ bé. Mà rất nhiều thằng cũng sống ở đây từ bé nhưng vẫn không biết viên đạn này, nó là tài sản riêng của bố.

Hàng rào Bắc Bộ Phủ do Pháp làm, bao năm không hoen rỉ. Cho nên người ta chỉ có sơn lại nó mà không có nhu cầu thay thế, chắc nó và những viên đạn vẫn còn ở đó lâu. Nhưng chẳng may lúc nào đó bọn ngu xuẩn hứng lên, thay rào, mà tôi biết được, ắt tôi sẽ đến xin mua cái thanh sắt có viên đạn đó. Viên đạn do một anh Pháp, một anh lê dương da đen, hoặc một anh cảm tử quân gầy như con cò mới rời mẹt hàng chợ cầm lấy khẩu súng trường và bắn ra vào mùa đông 1946.

***

Hà Nội mười bảy tuổi của tôi, chỉ có một con mifa mất phanh nửa km tuột xích một lần, nhưng có thằng bạn quá nửa đêm tới đón bằng Cup 81. Hai thằng lọ mọ chạy dọc phố mùa đông, trời còn tối, qua Hồ Gươm, qua Hàng Ngang Hàng Đào, lên Hồ Tây rồi lên đê Yên Phụ, chui vào chợ hoa. Lọ mọ trong những ánh đèn dầu, đèn pin. Rồi trời tảng sáng, hai thằng mua một đống hoa, rất nhiều hoa. Hoa hồng hoa ly các kiểu, thì ôm thành mấy ôm, qua nhà các cô bạn gái, gọi cửa đánh thức các cô khi còn đang ngái ngủ, mắt mũi còn kèm nhèm mà ngát hương thiếu nữ, tặng cho mỗi cô một ôm, còn lại mang về tặng mẹ và cắm trong nhà. Tôi bao giờ cũng mang về hoa đồng tiền đơn. Đó là loại hoa tôi thích nhất. Hoa này giờ gần như tiệt chủng.

Lần gần nhất tôi đi chợ hoa, mấy năm trước, vét cả chợ mà chả có đồng tiền đơn. Từ đó tôi không đi chợ hoa nữa. Giờ chợ chỉ có những loại hoa lòe loẹt mà không hương. Và hoa đồng tiền đơn đỏ thắm từng cánh mà tôi yêu thích, thì chẳng ai bán nữa.

Có rất nhiều thứ đẹp đẽ của Hà Nội mà ngày nay chúng ta không còn nữa.

***

*************

***************************

Hà Nội là một thành phố không được gìn giữ, văn hóa của nó chính là sự mất đi. Nó mất đi và thêm mới, mất đi thêm mới và mất đi, mất đi càng nhiều thêm mới càng nhiều thì người ta càng nhớ. Nó chẳng có gì trường tồn với người đến sau, nó luôn trộn những cái mới mẻ và những tàn tích. Bạn có thể xúc động khi đi ăn trên phố cũ rồi bắt gặp một nếp mái nâu cổ kính còn sót lại, thậm chí bạn có thể xúc động khi bắt gặp một ngôi nhà được xây những năm 90 giờ này vẫn còn giữ được nguyên vẹn những năm 90. Điều dễ nhất ở Hà Nội là tìm một quán phở để ăn sáng, mà cũng là điều khó nhất bởi giờ này chẳng còn bát phở nào có mùi vị năm xưa khi bạn còn bé. Kể cả quán phở nấu y chang công thức cũ. Nhưng thịt bò đã khác đi, hành đã khác đi, bánh phở đã khác đi, và than để đun bếp cũng đã khác đi.

Thế nên mới có những quán ăn bày trò phong vị bao cấp, mới có những quán ăn mang cho khách những cái bát sành cố tình đập cho mẻ, mới có chuỗi cafe kiểu Cộng với những đồ giả cổ, mới có Zone 9 xập xình bia rượu trên nền nhà cũ gạch vỡ. Người Hà Nội mới và nhất là những người không sinh ra ở Hà Nội mà đang sống ở Hà Nội hay tìm đến những chỗ như thế. Để tìm đến cái Hà Nội đã mất đi, để tìm cái mà họ nghĩ Hà Nội đã từng là.

Ông xe ôm quen của tôi, một bộ đội già Hà Nội đứng làm xe ôm ở góc phố, ông mới mua cái xe Future mới, Hà Nội là chính ông. Ông chẳng cần chơi xe máy cổ, chẳng đi cà phê giả cổ, chẳng sưu tập cái gì. Ông ta chỉ sinh ra lớn lên và già đi chuẩn bị chết trên cái chỗ này.

***

Tôi và nhiều bạn cấp một cấp hai cấp ba của tôi (mà đa phần cũng chẳng phải dân Hà Nội gốc, là dân sinh ra và lớn lên ở đây thôi) hầu như không sống ở Hà Nội. Chúng tôi chán Hà Nội tới độ mà không thằng nào còn sống ở đó nữa. Chúng tôi chỉ đến nơi làm việc, rồi về nhà, hoặc đi uống bia, hoặc đi đá bóng đánh tenis,… chúng tôi làm đủ mọi trò của một người dân thành phố nhưng thành phố này không còn thuộc về chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi tìm về Hà Nội cũ, mỗi đứa lại có những địa điểm khác nhau, nhưng không phải là những Hà Nội mới cố làm cho có vẻ cũ

Chúng tôi đã lạc khỏi thành phố này. Hà Nội bây giờ thuộc về các bạn học sinh cấp ba đang lớn lên, các bạn sinh viên ngoại tỉnh, lên Hà Nội học đại học và đi làm, và ở lại… như cha mẹ chúng tôi khi xưa. Cha mẹ của chúng tôi năm xưa từ các tỉnh, về Hà Nội làm việc và sống, chiếm lĩnh Hà Nội của những người muôn năm cũ, rồi đẻ ra chúng tôi. Chúng tôi sinh ra và lớn lên, ngấm Hà Nội vào lòng, rồi lại bị chiếm mất Hà Nội bởi những lứa thanh niên sau. Chúng tôi chẳng còn Hà Nội để mà truyền lại cho những đứa trẻ của chúng tôi. Tất thảy của chúng tôi chỉ còn là ký ức.

Trưa nay qua đường phố quen

Gặp những tiếng ve đầu tiên

Chợt nghe tâm hồn xao xuyến

Điệp khúc tiếng ve triền miên

Tiếng ve đu cành sấu

Tiếng ve náu cành me

Tiếng ve vẫy tuổi thơ

Tiếng ve chào mùa hè

https://www.youtube.com/watch?v=pCyDOn5JMxk

Nhớ bài này rồi tìm được cái link youtube. Một bản phối quá tốt, tốt hơn mức quy định. Tốp ca nữ Sở giáo dục Hà Nội 198x. Ôi, “biển của một thời đã mất”.

Written by Tequila

December 11, 2013 at 11:58 pm