Teq's Blog

Archive for October 2016

Nhân chuyện Bob Dylan và được nghe con trai đọc thơ

with 6 comments

Hôm trước tôi, cũng như nhiều người khác, kinh ngạc khi đọc tin Bob Dylan nhận giải Nobel Văn chương 2016. Ý nghĩ đầu tiên là, thế giới hết nhà văn rồi hay sao? Hay là bọn Hàn lâm Thụy Điển, trong thời buổi công nghệ, đã sáng chế ra một bộ lọc nào đó để đỡ phải đọc hàng tấn sách để bình chọn, và cái bộ lọc tự động đó đã cho ra một danh sách ngắn mà chả có thằng nào ra hồn, ngoài anh Bob. Thật là một cú troll vĩ đại.

Tôi cũng có post facebook ăn theo sự kiện này, trong đó cái ý nghiêm túc mà tôi muốn nói tới, là bây giờ bọn giải Nobel muốn mở rộng hoặc điều chỉnh lại khái niệm văn chương. Dù sao bọn chúng cũng có lý do của bọn chúng, còn chúng ta có thể ưa hoặc không ưa lý do đấy. Dù sao, những thứ trao giải mà cả thế giới mong đợi, thì cũng mang tính showbiz như là Oscar hay Hoa hậu Hoàn vũ. Chúng ta không nên thay đổi suy nghĩ của mình chỉ vì một cái giải Nobel, giải đó không nhất thiết phải trao đúng người, cũng không nhất thiết phải trao sai người, có giải thì trao giải, vậy thôi.

Điểm quan trọng là, nhạc của Bob Dylan, chán bỏ mẹ, theo cảm nhận cá nhân tôi.

Nghe thì cũng chậc chậc, hay hay, nhưng guitar của anh chơi lúc nào cũng buồn tẻ, kèn armonica anh thổi lúc nào cũng éo éo, giai điệu hát thì đại khái tương tự khèn H’mong. Có thể anh có nhiều bài hay, nhưng vì đa số bài chán quá nên chẳng bao giờ tôi đủ kiên nhẫn nghe hết một album. Tôi chỉ luôn nhớ tới anh vì bài thơ quá hay của anh, bài Blowing in the Wind. Bài này dễ nghe, và tôi có thể hiểu lời.

Bob được trao giải Nobel, dù tiêu chí thay đổi gì đó rất gây tranh cãi, nhưng chắc chắn có lý do rằng lyric của Bob có tính văn chương cao. Rất tiếc, trình độ tiếng Anh hạn chế, tôi không thể cảm thụ được cái hay của anh ấy, ngoài cái bài dễ nghe nói trên. Nhạc của anh ấy thì quá chán đối với tôi, nên tôi cũng không có nhu cầu tìm đọc lyric của anh ấy. Và rồi, vì chẳng có thằng nào đủ rảnh và đủ dở hơi để dịch sang tiếng Việt và in tập lyric của Bob, nên có thể chắc chắn rằng tôi sẽ chả bao giờ hiểu được tính văn chương trong lyric của anh đỉnh cao thế nào. Và rồi nữa, khi dịch ra, thì nó còn hay không, lại là một vấn đề khác.

***

Vấn đề dịch, cũng là vấn đề tôi quan tâm lâu nay, dù tất nhiên tôi không đủ trình độ để đánh giá về bất kỳ một bản dịch nào. Tôi chỉ thông thạo một thứ ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt. Tôi quan tâm đến vấn đề dịch thuật bởi vì tôi chỉ có thể tiếp cận văn chương nước ngoài thông qua các bản dịch.

Vài năm vừa qua có một trận chiến vì vấn đề dịch, mà tôi có lần vì quá quan tâm đến nó, đã từng viết một cái mail dài ngoằng cho một anh bạn, mà tất nhiên anh ấy chả hiểu sao tôi lại húng lên như thế. Trận chiến đó là Thiên Lương vs Dương Tường, đúng hơn là dịch giả Thiên Lương đơn phương tấn công Dương Tường, về dịch Lolita của Nabokov. Thiên Lương cho rằng, khi dịch, điều quan trọng nhất là phải đúng, đúng cái đã, phải đúng từng từ từng ý không được sai đi đâu cả, bởi vì nếu dịch giả mà cố gắng làm cho dễ đọc và uyển chuyển khi chuyển ngữ, sẽ mất cái linh hồn mà tác giả đặt vào từng câu chữ. Tôi rất hứng thú và đồng ý với quan điểm này, cho đến khi tôi mua cuốn Lolita của Thiên Lương để đọc, và thấy là nó chán bỏ mẹ.

Thứ nhất, truyện Lolita chán bỏ mẹ. Tôi rất không ưa thứ văn chương cài cắm, mà mỗi câu mỗi đoạn tác giả lại lồng ghép cái lọ cái chai, kiến thức và triết lý, này nọ và này nọ. Tôi có cả Lolita Thiên Lương và Lolita Dương Tường, và khi nào phải dọn nhà thì tôi sẽ không thương tiếc tặng nó cho bà đồng nát. Chẳng có gì phải xấu hổ khi cuốn sách ở trên giá của ta sẽ được đem gói xôi, dù có là kinh điển giải ngân hà đi nữa, nếu ta không thấy thích nó và chả giúp ích gì cho ta.

Thứ hai, cứ tạm cho rằng Thiên Lương dịch đúng, anh ấy bảo thế, nhưng đọc truyện vẫn thấy chán bỏ mẹ, câu cú ngôn từ không phải là thứ tiếng Việt tôi yêu thích. Nó không đi thẳng vào tâm trí mình một cách tự nhiên.

Và tôi nghĩ rằng, tất nhiên, dịch đúng cần được đặt lên hàng đầu, song chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là nó phải được dịch hay. Thế nào là hay, thật khó nói, cũng như âm nhạc vậy, hay là hay thôi. Mỗi ngôn ngữ có cái hay riêng, và nếu dịch xong không làm cho văn bản dịch đọc lên hay, thì là thất bại rồi.

Tiếng Việt, thứ tiếng duy nhất mà tôi biết, tôi thấy nó rất mạnh mẽ và rất hay.

***

Tôi đã nhiều lần thất bại với tiếng Việt, khi đi học và đi làm. Khi đi học, có một môn học, về máy tính hay viễn thông gì đó lâu ngày không nhớ nữa, tôi và các bạn đã không thể hiểu gì khi đọc giáo trình tiếng Việt. Chúng tôi kiếm giáo trình tiếng Anh và dù trình độ ngoại ngữ vô cùng hạn chế, chúng tôi vẫn hiểu rõ ràng, rồi thi qua môn đó đơn giản. Khi đi làm, nhiều vấn đề chuyên môn mà tôi chỉ có thể hiểu rõ khi đọc bằng tiếng Anh, dù tiếng Anh của tôi vẫn như cứt như ngày nào. Tiếng Việt không dành cho những thứ như vậy, chỉ đơn giản, rất đơn giản là, từ vựng của nó không có những từ cần thiết ấy.

Nhưng tiếng Việt ở khía cạnh khác, là một thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, cực mạnh. Cho dù ngữ pháp của nó là ngữ pháp ăn cắp, hoặc chẳng có ngữ pháp. Cho dù từ vựng kỹ thuật, chính luận, triết học… của nó rất yếu, do đó không phải là vấn đề mà các cụ nhà ta quan tâm. Các cụ nhà ta, với sức sống vô đối của mình, chỉ quan tâm uống rượu, tán gái, chửi nhau, và ngôn ngữ của chúng ta có sức biểu đạt hoàn hảo về những thứ mơ hồ ấy. Mày là một thằng ngu chứ gì. Tao bảo mày là “ngu” thì sẽ lao vào đấm nhau ngay. Nhưng tao bảo mày “ngu ngu”, thì lại dễ thương, thậm chí mày lại có vẻ gì đấy thoát tục. Hay là khi tao với mày ngồi uống bia ngắm gái đi trên phố, anh em bảo, em này “dâm” nhỉ, thì tình hình khá căng và nhiều thô tục. Nhưng nếu tao mày bình luận là em ấy trông “dâm dâm”, thì lại pha sự ngưỡng mộ, nàng ta lại được miêu tả trong một vẻ gì đấy vừa tiểu thư vừa đàn bà, nàng sẽ đoan trang lạnh lùng dí chúng ta như kiến, trừ phi chúng ta đủ bản lĩnh phá vỡ vỏ bọc của nàng.

Và tiếng Việt lại còn rất giàu nhạc tính. Cái nhạc tính ảnh hưởng mạnh tới cảm giác của người nghe, người đọc. Ví như câu chửi phổ biến ĐMM (viết tắt thôi lúc này không thích chửi bậy). ĐMM bằng ngôn ngữ Bắc nghe cực nặng, nhưng bằng tiếng Nam lại nhẹ hơn rất nhiều, dù ý nghĩa không khác gì nhau cả.

***

Tôi không cảm thấy vẻ đẹp của tiếng Việt khi được học văn trong nhà trường phổ thông. Đó chẳng qua là do cách giáo dục của nhà trường. Tôi chỉ cảm thấy vẻ đẹp của tiếng Việt khi những năm thơ bé đã đọc rất nhiều truyện dịch. Cho dù giờ người ta có xét lại, bảo các cụ dịch giả thời xưa dịch sai do nhiều hạn chế, thì tôi vẫn cảm ơn các cụ ấy. Ví như tôi đọc Tam Quốc lần đầu năm lớp 2, cho đến giờ tôi vẫn nhớ câu “đao Quan Công vừa giơ lên, đầu Tần Kỳ đã rơi xuống”. Thật là một câu văn trác tuyệt. Vừa hình ảnh, vừa nhạc tính, đọc mà ngửi thấy cả mùi bụi mùi máu và nhìn thấy con ngựa khựng lại một khoảnh khắc khi cây đao hoa lên như thế nào. Hay cái câu “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”, đọc câu ấy lên, hai dấu huyền trong câu, khác gì hai nốt cello trong một tam tấu.

Hồi nhỏ ấy tôi đã thất vọng biết bao khi đến trường học Văn, người ta dạy tôi những thứ chả liên quan gì tới cái mà tôi cảm thấy.

Nhưng con tôi thì khác, nó đang được hiểu vẻ đẹp của tiếng Việt ngay trên ghế nhà trường. Tôi xin cảm ơn trường tiểu học mà con tôi đang theo học. Năm phút dành cho quảng cáo.

***

Khi con tôi vào lớp một, tôi cho nó đi học trường công, gần nhà, đúng tuyến, là trường tiểu học năm xưa tôi đã học. Thôi chẳng nói về những vấn đề quá nhiều vấn đề của cái trường ấy. Tôi đã phát động một cuộc khởi nghĩa nho nhỏ để các phụ huynh chống lại nhà trường, nhưng cuộc khởi nghĩa chưa kịp thất bại thì tôi đã chuồn, vì khi họp các quý vị phụ huynh thì tôi phát hiện ra rằng cho dù họ có bán xôi hay là tiến sỹ, thì họ cũng không hề có một ý niệm gì về niềm vui của đứa trẻ khi cắp sách đến trường.

Thật may mắn, vì nhớ ra một tư vấn cũ của vợ một người bạn (xin trân trọng cảm ơn các bà vợ của chúng ta), tôi đã chuyển được con sang trường khác, là một trường có cái tên rất củ chuối là trường Công nghệ Giáo dục Hà Nội, của thầy Hồ Ngọc Đại. Giá tiền hơi cao hơn một chút thôi, học phí cứng có cao hơn nhưng tôi không phải mỗi năm góp tiền mua lại những cái điều hòa. Quan trọng nhất là con tôi cảm thấy niềm vui khi đến trường, và yêu tiếng mẹ đẻ.

Tôi đọc trên mạng, có rất nhiều quý vị phụ huynh kêu ca về giáo trình của trường. Kêu ca rất nhiều thứ, nếu cần google ra cả đống. Tôi cam đoan quý vị phụ huynh ấy hồi xưa đi học rất giỏi toán và giỏi văn, đặc biệt là giỏi văn. Mà giỏi văn trong nhà trường XHCN thế hệ chúng ta, tức là chả yêu gì tiếng Việt, không đọc sách văn chương, không đọc cả chưởng lẫn dâm thư, những thứ vô cùng đẹp của tiếng Việt. Những đứa bạn học của tôi mà giỏi văn, sau này hầu hết đều học ĐH Ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh.

Con tôi học trường này một năm, tất nhiên biết đọc biết viết. Viết sai chính tả be bét, đọc thì chậm chọe, nhưng nó thích tiếng Việt. Giáo trình của cụ Đại có một thứ rất đặc biệt, mà tôi những muốn học lại tiểu học, là được học làm đồng dao và làm thơ. Chúng được học gieo vần và làm ra những câu văn vần đọc lên có âm điệu. Đại loại cô giáo ra đề (văn minh như các cụ ngày xưa ra vế đối), tôi tạm ví dụ cái tôi bịa ra như sau:

Cô giáo ra đề: Nhà em có một con mèo.

Các em sẽ tự nghĩ xem nghĩ ra câu nào cho nó vần, không cần hay, rồi nó sẽ thành ra cái kiểu như là:

Nhà em có một con mèo

Bố em sao nghèo như chó

Đấy bọn trẻ con cứ học cách gieo vần và viết câu có nhạc tính, chả cần ý nghĩa gì cả. Chúng sẽ cảm nhận trực tiếp về âm điệu và gieo vần trong tiếng Việt, rồi sau đó chúng viết ra cái gì thì chúng viết.

Con tôi hôm qua đọc cho tôi nghe một bài thơ, tặng em gái của nó. Đó là một bài thơ rất dở, tất nhiên, ai cũng có quyền làm thơ, và ai cũng có quyền làm thơ dở. Thơ rằng:

Bàn tay tí hon

Của người em gái

Một người em gái

Là một hạnh phúc

Hạnh phúc của anh

Là người em đấy

Tôi mừng vui biết bao khi con trai lớp 2 của tôi đã yêu tiếng Việt đến nỗi làm một bài thơ cực dở để tặng em gái, và em gái nó trong cái hiểu biết của bọn chúng với nhau, thật sự cảm động vì bài thơ. Bọn chúng ôm nhau hôn hít nhau rồi nhảy cẫng lên.

Trong mạch này tôi còn chưa nói đến giáo trình Toán. Toán của cái trường này, tôi rất ngạc nhiên, khi ngay những tiết đầu của năm lớp 1, SGK đã dạy ngay về tập hợp và phần tử, trước khi dạy những phép toán. Nó thật khác với ngày xưa tôi học. Tôi nghĩ cách tiếp cận này hay, nó khiến trẻ con ngẫm n ghĩ những vấn đề cơ bản của toán học, trước khi học cách giải quyết các vấn đề ấy.

Năm phút quảng cáo đến đây là hết. Tôi có thể nghiên cứu thật kỹ giáo trình mà con tôi đang học, và viết một bài dài hơn cụ thể hơn, sẵn sàng tranh luận, nhưng không ai trả tiền cho tôi. Nên nói thế thôi. Tôi chỉ cảm thấy mừng vui, là khi cho con vào học cái trường này, tôi đã đạt được hết những mục tiêu mà tôi đặt ra cho con trai tôi. Đó là các quyền: quyền được thấy vui khi đi học, quyền được học dốt, quyền được chơi, quyền được đánh nhau với các bạn trai và ngưỡng mộ các bạn gái, quyền được sai chính tả, quyền được giải toán đúng và được giải toán sai, quyền được làm thơ.

***

Quyền được làm thơ là một quyền cơ bản.

“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/ Rừng bạch dương sương trắng nắng tràn”. Với tôi, câu thơ này của Tố Hữu là một câu thơ tuyệt đẹp. Nó là một câu thơ khiến tôi yêu tiếng Việt từ những năm xưa thơ bé của tôi, dù sau này do đọc quá nhiều thứ vớ vẩn nên tôi không coi Tố Hữu là một nhà thơ hay nữa. Song dù thế, đây là một trong những câu thơ hay nhất mà tôi nhớ. Hay là một câu khác của chàng có giai điệu tương tự “Em ơi Cu Ba ngọt lịm đường/Mía xanh đồng bãi biếc đồi nương”. Ôi giời nó chả có một ý nghĩa triết lý hay hoành tráng gì cả, nhưng âm điệu của nó đọc lên thật là tiếng Việt.

Tôi ước gì mình không bị trói buộc bởi những thứ lằng ngoằng đã đọc đã nghĩ về văn chương, để có thể làm thoải mái những câu thơ tiếng Việt đơn sơ giàu nhạc tính, như là bây giờ thử làm một câu:

Mả cụ mày/Con trâu cày của tao đã chết lúc tuyết rơi/Cuộc sống của tao lúc đéo nào cũng vơi/Bơi trong ống Canon của mấy thằng từ thiện.

Phổ nhạc, C F Dm E, bài thơ thành một ca khúc, tỉa guitar tèn tén, thổi tí armonica, anh em nghe tưởng Bob Dylan.

Quyền làm thơ, đặc biệt là quyền làm thơ dở, được anh em Tây hết sức coi trọng. Anh em An nam mít ta thì coi khinh bọn nhà thơ, thơ càng hay càng bị khinh rẻ. Chỉ các cụ về hưu mới dám làm thơ. Và anh em phải thật thành đạt mới dám post thơ của mình. Còn nghèo mà dám post thơ, thì chị em xa lánh, anh em ngậm ngùi bàn cách giúp đỡ. Thế nên đừng hỏi tại sao tiếng Việt trở nên phế phẩm chỉ dùng lung tung trong sinh hoạt.

***

Tóm lại, Bob Dylan được giải Nobel vì tính văn chương trong ca từ của anh ấy. Con trai tôi được giải Xbel do em gái nó tặng nó vì tính văn chương trong bài thơ ngô nghê của nó. Cả hai anh đều đáng được tưởng thưởng vì đã sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để biểu đạt những suy nghĩ tư duy của mình.

Hai anh tôi đều thấy kính nể, vì tôi không hiểu cả hai anh.

Written by Tequila

October 16, 2016 at 4:26 am

Posted in Linh tinh