Teq's Blog

Archive for December 2015

Niềm vui của bố

with 2 comments

Năm 2015 đã sắp qua rồi, sáng nay Hà Nội sương mù lãng đãng. Bố ngồi ngồi trong phòng làm việc với những giấy tờ, email và một ly cafe buổi sáng, cửa sổ mở rộng. Một thằng bạn của bố gọi trên facebook, chỉ để chia sẻ một bản Nocturne của Chopin. Thằng bạn này của bố là một người đàn ông tốt bụng chân thành và là một người cha tuyệt vời. Bố vẫn thường nghĩ bố phải học tập nó rất nhiều trong vai trò làm cha. Buổi sáng nay, một buổi sáng mà niềm vui do con cái mang lại vẫn đang làm bố mơ màng, thì chính thằng bạn ấy lại gọi bố trên facebook để cùng nghe một bản nhạc. Nhiều khi các câu chuyện cứ duyên duyên như vậy. Và bố quyết định sẽ ăn cắp giờ công lao động, để ghi lại câu chuyện nhỏ của các con, mà nếu không ghi ra, có lẽ thời gian sẽ làm nó mờ đi và sau này bố con mình không đứa nào còn nhớ cả.

***

Năm nay con trai Phong đi học lớp một. Đáng lẽ bố phải ghi lại những cảm nghĩ của mình khi đến trường tiểu học cũ của bố, để đăng ký học cho con. Bố phải ghi lại là bố đi từ cổng trường vào, ngôi trường đã hoàn toàn khác, nhưng bố vẫn còn nhận ra những cái đã không còn tồn tại, chỗ này là vườn trường, chỗ kia là cây sung, chỗ đó là cột cờ… bố đi qua sân trường như đi qua những năm tiểu học của bố. Đáng lẽ bố cũng phải ghi lại cái hôm đầu tiên đưa con vào lớp, con tự đi một mình, bố bám theo sau. Bố thấy con tiến đến một bàn và định ngồi xuống, thì hai thằng ở bàn đó từ chối con, con bèn vui vẻ đi sang bàn khác, rồi quay đầu làm quen với các bạn khác. Bố đã rất hài lòng và yên tâm ra về. Đáng lẽ bố cũng phải ghi lại cái hôm bố đợi ở ngoài cổng trường, để mẹ đưa con vào trường. Khi ra mẹ con bảo, “nó đúng là con trai anh”, “tại sao”, “tất cả mọi người đều đi cầu thang bên này, mà nó cứ lững thững đi cái cầu thang mà nó thích”. Rồi đáng lẽ bố cũng phải ghi lại, vì sao bố mẹ phải chuyển trường cho con, chuyển khỏi trường tiểu học cũ của bố, để sang một trường khác. Có rất nhiều những điều cần phải ghi lại, về cái cách mà một đứa trẻ lớn lên.

Bố không đọc những cuốn sách về dạy dỗ con cái. Bố nghĩ phần lớn các bậc cha mẹ là những kẻ thất bại trong việc dạy dỗ rèn rũa bản thân mình, mà bố là một điển hình, chẳng dễ gì những kẻ thất bại đó lại có thể đọc sách rồi thành công trong việc dạy dỗ kẻ khác. Bố chỉ có thể hướng dẫn và khắt khe một chút để uốn nắn những điều lặt vặt, còn cái cách mà các con lớn lên và phát triển tính cách của mình thế nào, là hoàn toàn bí hiểm và bố sẽ phải tôn trọng. Bố muốn nuôi dạy chăm sóc các con như chăm sóc một cái cây tự nhiên trong khu vườn rộng, có thể vun sới gốc, tỉa lá dọn cỏ dại, rồi để nó tự phát triển với mặt trời và gió, chứ bố không muốn là một nghệ nhân bonsai uốn bẻ căn cốt của cái cây theo ý mình.

Và bố cứ hồi hộp về việc cái cây sẽ lớn thế nào. Đặc biệt là con, con trai. Thằng con trai, dù là tốt hay xấu, thông minh sáng láng hay ngu vật, đẹp giai ngời ngời hay xấu như khỉ, nó sẽ luôn được tôn trọng nếu nó có lòng can đảm, sự kiên cường.

Câu chuyện hôm qua của các con khiến bố rất vui, còn hơn cả vui, là hạnh phúc.

***

Hôm qua bố đi làm về sớm, lấy xe máy chở em Lam đến trường để đón anh Phong. Tới sân trường, bố dắt tay em Lam đi vào, thì từ xa nhìn thấy con trai bị một thằng bạn thấp hơn nhưng rất nhanh nhẹn, xô ngã lăn kềnh ra đất. Mấy lần bố nghe ông nội đi đón con về kể, là con hay bị các bạn bắt nạt, bố rất lo vì điều đó. Một thằng bé bị bắt nạt là rất bình thường, nó có thể thua liên miên nhưng một khi nó đầu hàng và chấp nhận bị bắt nạt, thì nó sẽ hỏng mãi mãi. Một hôm ông nội bảo, hôm nay có thằng đánh thằng Phong, tao phải quát thằng kia và tao sẽ nói với cô giáo hoặc bố mẹ thằng đấy. Bố bảo, không được làm thế, ông phải để cho trẻ con tự giải quyết việc của mình.

Vì vậy mà bố đứng chờ ở xa xa xem con làm thế nào. Con vùng dậy và đuổi theo thằng kia quanh sân. Thằng bé kia nhanh nhẹn hơn và có vẻ khỏe hơn, con không thể bắt được nó. Tới khi gần bắt được, thì nó gọi một thằng lớn hơn, lớp trên, “anh ơi đánh nó hộ em”. Thằng lớn kia lao ra chặn con lại. Con lại phải giằng co và đấm nhau với thằng lớn ấy, trước khi thoát ra và đuổi thằng kia tiếp. Ở trường này có vẻ các cô giáo dục khá tốt, cho nên đám trẻ đánh nhau khá quy ước, chỉ đẩy, đạp, đấm vào vai ngực mà không đấm vào mặt nhau. Cho nên bố cứ đứng sau gốc cây đợi xem. Có đến ba thằng lớp trên giúp thằng bé kia, con trai bố chỉ có một mình và tất nhiên là liên tục thua, mặt đỏ bừng mắt ngân ngấn nước, liên tục bị các anh lớn đấm cho và thoát ra, lại đi đuổi thằng kia, lại bị thằng lớn khác chặn lại… Cái lúc con bị cả ba thằng lớn bao vây, em bé Lam đang đứng với bố, buông tay bố ra chạy tới, giằng kéo một anh ra “không được đánh anh Phong của em! Đi đi! Đi đi!”. Lưng bố nổi cả gai ốc.

Tới chừng tình hình có vẻ hơi căng và bọn trẻ dễ chuyển từ đấm nhau quy ước sang đấm nhau thật, thì bố mới can thiệp. Khi con lại đuổi thằng bé kia chạy ra xa xa, bố mới gọi một trong những thằng lớn ấy, bảo “đấm nhau không sao, nhưng không được nhiều người đánh một người, cháu không được giúp nữa mà để cho hai em ấy tự chiến đấu, đồng ý không?”. Thằng bé lớn đồng ý và bọn lớn thôi không can thiệp, để mặc cho hai thằng đuổi nhau quanh sân, đuổi vào lớp, rồi lại ra sân.

– Lam!

– Dạ,

– Anh Phong chạy chậm quá, con giúp anh chặn anh kia chạy chậm lại.

Cũng là có tí bất công, nhưng bố muốn thằng bé kia không chạy nữa mà hai thằng giải quyết cho xong. Lúc này trong lớp, anh Phong và thằng bé kia gườm nhau ở hai đầu bàn. Bố đứng ngoài ghé mắt vào cửa sổ ngó. Con trai không bắt được nó mà nó cũng không chạy nữa. Em bé Lam chạy ra chặn một bên cạnh thằng kia, để anh Phong bắt. Thằng bé kia bảo con bé Lam:

– Em đi ra chỗ khác, để yên cho bọn anh! (như người lớn, thằng bé kia cũng hay thật)

Em Lam bèn đi ra chỗ khác, quả thật bọn trẻ con có những cư xử với nhau rất hay. Em Lam đi ra khỏi lớp, ra chỗ bố, vài chục giây sau bố quay lại cửa sổ ngó, thì thấy con đã bắt được thằng kia, đè được nó xuống đất, nắm được cổ áo của nó và đấm vào lưng nó. Bốn năm bạn cả trai cả gái vây quanh xem.

– Dừng lại, không được đánh nhau nữa.

Bọn trẻ buông nhau ra. Bố mới hỏi:

– Phong, tại sao lại đánh nhau!

– Bạn ấy đánh con suốt, lại cứ rủ các anh lớn bắt nạt con.

Bố quay sang bạn kia:

– Cháu tên là gì?

– Cháu là….

– Đánh nhau thì không sao. Nhưng không được rủ nhiều người đánh một người. Phải tự thắng, đồng ý không.

– Vâng. Cháu đồng ý.

– Thôi hôm nay thế được rồi. Mai lại chiến đấu tiếp. Hôm nay trận đấu dừng ở đây. Hai đấu thủ bắt tay nhau đi.

Hai thằng bé miễn cưỡng sờ tay nhau. Bố bảo, không được, bắt tay là phải đúng kiểu như thế này này. Bọn trẻ con bắt đầu thi nhau mách. Chú ơi nhưng mà bạn Phong cũng hay trêu các bạn lắm, bạn ấy có hôm đánh cháu vào đây, cháu nữa, có hôm bạn Phong cũng đánh cháu ở đây. Mấy đứa con gái hùa vào, bạn Phong hay trêu mọi người lắm, rồi khi bị trêu lại thì bạn ấy lại tức, khóc rồi đánh nhau… Chuyện này các bạn nói có lẽ không sai và bố sẽ nghĩ cách xử lý dần.

Phong về bàn sắp xếp sách vở, vừa xếp vừa nghe các bạn gái mách bố. Mà cả em này nữa này, em gái bạn Phong nữa, cũng xấu tính cũng hư giống anh. Ừ, em ấy chẳng ra gì cả, em hư lắm. Bé Lam đứng nghe mặt thộn ra, không biết nói lại các chị thế nào, không hiểu sao lại bị chê. Con trai bố lúc ấy đứng im, mắt sáng như sao đăm đăm nhìn các bạn, trông thật xinh giai (nếu có thể thì bố đã chụp ảnh lại), rồi tiến lên đứng giữa em và mấy bạn gái “em tớ làm gì mà các bạn bảo em ấy hư!”. Bọn gái im lặng. Thật là không biết nói thế nào về niềm vui của bố và sự xúc động khi thấy các con như thế.

Có thể con có vấn đề gì đó khiến giao tiếp với các bạn chưa thật ổn. Có thể con chỉ chơi được với vài bạn còn lại các bạn khác không thích con. Vấn đề đó rồi dần dần chúng ta sẽ xử lý.

– Phong!

– Dạ,

– Bố thấy con chạy quá chậm.

– Bạn ấy cứ chạy con đuổi không được.

– Bố dạy con tập đá bóng, rồi con sẽ chạy nhanh như bố.

– Chạy nhanh thế nào?

– Sẽ đuổi bắt được cả chó.

Tối về, thấy em Lam khoe với mẹ, “Mẹ ơi bố bảo là bọn con sẽ được thưởng” “Vì sao”?” “Vì can đảm, vì hai anh em yêu nhau và bảo vệ nhau”.

Còn cái lúc mới ra khỏi trường, ba bố con ngồi xe máy, em Lam ngồi trước, anh Phong ngồi sau. Bố thấy con trai bố ngồi sát vào, ôm lấy eo bố, ngả đầu áp má vào lưng bố. Con thường ngày rất nghịch ngợm và ngồi xe luôn ngó ngoáy. Chắc chắn con không biết rằng, từ hồi ba tuổi trở đi thì con đã không còn ôm lưng bố khi ngồi xe máy. Mãi cho đến hôm nay mới lại thế. Sự bày tỏ tình cảm này khiến bố hạnh phúc và thấy thật may mắn vì hôm nay đã đến trường để tình cờ gặp và giúp con xử lý vấn đề quan trọng của mình, vấn đề mà không đứa bé trai nào về mách bố, nếu mà nó là đúng là một thằng con trai.

“Hôm nay bố thấy rất vui vì anh Phong đã dũng cảm chống lại ba bốn anh lớn mà không sợ, và vì hai anh em đã can đảm bảo vệ cho nhau. Cuối tuần này bố sẽ thưởng! Các con về suy nghĩ đi xem thưởng gì nhé.”

***

Thưởng cho các con thì đơn giản. Các con đã cho bố phần thưởng trước rồi.  Trẻ con lớn lên nhanh như thổi. Chẳng mấy mà các con sẽ không còn nhỏ như bây giờ. Bố cần tận hưởng thời gian hiện tại, để ra lệnh “Lam!” rồi vỗ vào vai trái mình, ra lệnh “Phong!” rồi vỗ vào vai phải mình, thế là cả hai đứa sẽ phi lên giường rúc vào bên cạnh bố và mỗi đứa gối đầu lên một bên vai.

Written by Tequila

December 22, 2015 at 11:32 am

Posted in Gia đình