Teq's Blog

Archive for the ‘Bạn bè và những người sống quanh tôi’ Category

Dran và những con đường cao nguyên

with 2 comments

Đã khá lâu rồi, chừng mười năm vài tháng gì đó, tôi đọc được một bài blog của một nick trên diễn đàn cũ, viết về quê hương của anh – thủ phủ Dran của huyện Đơn Dương – Lâm Đồng. Nick này tôi biết cũng khá lâu trước đó, tức là cũng phải chừng gần mười năm trước của trước. Bài viết đó như một cái nút bấm khiến tôi muốn rút cái giắc cắm của matrix, mà làm quen với anh ta ngoài đời, nói rằng vì cái bài viết của anh mà tôi muốn một ngày nào đến thăm Đơn Dương. Thoạt là sơ giao, biết nói gì với nhau, giờ thì thân thiết lại càng không thấy cần phải chia sẻ kể lể đời anh đời tôi nữa. Chúng tôi hay trò chuyện với nhau bằng những con đường. Thành lệ được bốn năm, năm nào chúng tôi cũng thu xếp đi với nhau, một nhóm bốn thằng. Năm Hà Giang, năm miền Tây, năm lại Hà Giang Cao Bằng, năm nay thì đi Tây Nguyên, một góc thôi.

Chuyến lần này tôi ít được lái xe, đợt này cảnh sát giao thông làm căng mà tôi lại thiếu giấy tờ chưa làm lại. Tôi chỉ lái được chừng đôi trăm km, còn lại cả chặng đường ngồi bó gối ngủ gà ngủ vịt ở ghế sau. Anh bạn tôi, thanh niên Dran nói ở trên, có cách lái xe hơi gắt, khiến người ngồi sau hay bị lắc từ bên này sang bên kia. Ấy là vì tay cầm vô lăng của anh bị mắc một lỗi. Khi vào cua xong, anh không để cho chiếc xe từ từ theo tiến trình của nó đẩy vô lăng trở về với tim đường một cách tự nhiên. Anh thường bẻ vô lăng cưỡng chế cho xe thẳng trở lại, trước thời điểm cần thiết, khiến cho chiếc xe hơi giật lắc và người trong xe chao đảo. Tôi chẳng bao giờ bị say xe nên không phiền hà gì. Vả lại anh cầm vô lăng tuy không ngọt bằng tôi, nhưng anh kiểm soát anh và cuộc đời anh rất tốt, không như tôi lái xe thì êm ái nhưng những người sống quanh tôi luôn bị tôi làm cho lắc giật.

Chúng tôi đi từ Sài Gòn lên Bảo Lộc, ngủ ở Bảo Lộc một đêm, ca hát váng trời, rồi hôm sau lượn vòng vèo trên đường Đắc Nông rồi về Tà Đùng. Hồ Tà Đùng là một cái hồ chứa nước của thủy điện, rất rộng, nước ôm vòng quanh những hòn đảo mà khi xưa là đỉnh núi, mây chiều khi xưa chắc lẩn khuất dưới thung khe thì nay lảng bảng mặt hồ. Nói chung là đẹp. Việt Nam rất nhiều chỗ đẹp, phá mãi không hết, như chúng tôi thường nhận xét. Nhưng người ta hay nói là, sự kiều diễm của giai nhân nằm trong đôi mắt của thi sĩ. Các thi sĩ của chúng ta dường như có đôi mắt khá khác lạ. Để giai nhân trở nên đẹp hơn, thì các thi sĩ người Kinh mà nhiều phần là bọn Thái Bình Nam Định (một người con Thái Bình là tôi cho hay) thường thích trang điểm cho nàng bằng những nếp mái tôn đỏ quạch hoặc xanh lè, những góc check-in không thể thiếu thảm cỏ nhựa và chiếc xích đu trắng, hay những ô cửa kính lớn mà từ đó có thể nhìn toàn bộ vùng hồ qua một lớp váng loang lổ mà mưa và bụi tạo ra.

Một con chó cái chừng hai năm tuổi, xách bộ vú ve vẩy của nó đón tiếp chúng tôi, dẫn chúng tôi đi ngắm giai nhân của nó. Nó gặp hai thằng chúng tôi (hai thằng kia lười quá uống bia ngắm hồ ở resort mái tôn) ở đầu bãi xe, cứ quanh quẩn bên chân, rồi chạy lon ton dẫn đường cho chúng tôi tới triền đốc, rồi đi xuống nữa, qua một cái ruộng hoang, qua một vườn ớt nơi có một người đàn ông đang cặm cụi làm nốt công việc cuối ngày chẳng buồn ngẩng mặt lên nhìn người lạ, tới tận mỏm đất mà từ đó con chó biết rằng một cơn mưa đang đến và cầu vồng sẽ hiện ra. Chúng tôi ngắm cảnh, cố gắng chụp vài cái ảnh, chờ trận mưa đang trút nước từ phía tay phải cách xa chừng hơn hai cây số, tiến lại gần. Rồi mưa bắt đầu lất phất, rồi cầu vồng hiện ra. Một cái cầu vồng gần đến nỗi có cảm giác như mình đi tới gốc cây kia là sẽ tới chân của cầu vồng, rồi người mình cũng thành ra bảy màu. Chưa bao giờ tôi thấy một cái cầu vồng gần đến như vậy. Mưa bắt đầu nặng hạt và khi chúng tôi chạy trở lại được xe thì người đã ướt sũng. Những ông bạn ngồi ở resort mái tôn uống bia cũng kể cho chúng tôi về cầu vồng, nhưng khổ thân bọn chúng không thấy cầu vồng ở một vị trí mà ném viên đá cũng xuyên qua nó được.

Sáng hôm sau tôi ngủ muộn hơn. Anh bạn Dran của tôi thì dậy sớm và anh ta đi chạy. Dẫn đường cho anh cũng chính là con chó cái đấy, thêm cả thi sĩ của nó nữa, là một con chó đực hoành tráng có khả năng chửi bới hết tất cả bọn chó trong làng dám làm phiền đường chạy. Chắc hẳn con chó cái dễ thương kia tối về kể cho thằng thi sĩ của nó là hôm nay em thấy có mấy thằng người đi ngắm cảnh chứ không phải đi check in xích đu.

Rồi chúng tôi về Dran.

***

Không có nhiều điều để nói về Dran. Chỉ biết rằng Dran là một thị trấn nhỏ và xinh đẹp. Dran giống như một cuốn sách mỏng với những câu chuyện dịu dàng, mà chúng tôi mới biết cái tên chứ còn chưa được đọc. Có một cuốn sách như thế thật, đang chuẩn bị đem in, được viết bởi ông già của anh bạn Dran. Tôi nghĩ trong lòng mà gọi ông ấy là ông già Dran.

Ông già Dran sống ở thị trấn Dran, một phố thị cao nguyên nhỏ xinh chỉ có hai ba con đường, nằm nép cạnh đập nước thủy điện Đa Nhim. Ở Dran có những ngôi nhà gỗ chừng hơn 80 năm tuổi, từ khi người Nhật đến xây thủy điện. Bên cạnh đó là những ngôi nhà xây từ trước giải phóng, rồi những ngôi nhà xây tầm 80 –90, và những ngồi nhà tầm 2010 – 2020. Có nhiều nhà cũ xấu, như mọi thị tứ trên đất nước này. Nhưng cái hay là những ngôi nhà mới xây thì lại khá đẹp. Dường như khi người ta sống ở một nơi đẹp, trầm tĩnh, rồi người ta giàu lên và có tiền xây nhà, người ta sẽ xây những ngôi nhà đẹp và khá sang, mà lại không quá phô trương.

Ông già Dran có ba người con, tất cả ông đều đặt trùng một cái tên là Thao. Yên Thao – Nguyên Thao – Vũ Thao. Tên gì toàn tên đẹp quá đi. Chị Yên Thao nói, khi về nhà chỉ có chị được gọi tên Thao bản quyền, còn hai em chỉ được gọi bằng tên đệm là Nguyên và Vũ. Chị Thao hơn chúng tôi nhiều tuổi, là một người phụ nữ đã có cháu gọi bằng bà, nhưng còn rất trẻ và mi nhon, xưa ắt hẳn là hotgirl. Chị về Dran trước chúng tôi một ngày, lừa ông già rằng khách mà Vũ dẫn về nhà là hai cặp vợ chồng và một đứa con. Ông già Dran và bà già Dran lọ mọ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp phòng ốc. Ông nói rằng có phụ nữ tới nhà là mình phải chỉn chu cẩn thận, vì phụ nữ họ rất tinh tế. Chứ mà biết chúng mày toàn một lũ đực rựa thì tao chỉ cần cho chúng mày cái đệm rồi muốn sao cũng được. Tôi đoán ông nói thế thôi, như thể ngượng nghịu về sự chuẩn bị chu toàn chăm sóc mà ông dành cho chúng tôi. Ba con của ông thì có anh Nguyên là ở Dran, còn chị Thao và Vũ ở Sài Gòn cả năm chỉ về vài lần. Khi chiều xe xịch tới đậu bên lề đường, một thằng trong chúng tôi xuống mở cổng, cổng chưa mở xong thì ông bà già và chị Thao đã đứng ở bậc thềm để đón.

Một bữa cơm gia đình ấm cúng với thời lượng rất vừa phải, rồi ông già bà già rút vào phòng xem tivi, nhường không gian thoải mái cho khách tự nhiên tán phét. Ông tinh tế hơn phụ nữ nhiều, tôi nghĩ. Chúng tôi ra vườn sau đốt lửa uống rượu chơi đàn hát hò. Có một khắc ông già Dran thò đầu ra vườn, chụp ảnh chúng tôi bên bếp lửa. Sáng sau ngủ dậy tôi thấy ông đang uống cafe bên cửa sổ, trước một cái laptop. Khi chúng tôi đi rồi, ông viết một cái tút rất tình cảm post facebook kèm cái ảnh.

Anh bạn Dran của tôi, ngoài sở thích lái xe, thì còn là một nhà thơ. Tôi nghĩ, anh lớn lên ở một nơi như vậy, một gia đình như vậy, không yêu thơ và không làm thơ sao được. Dran không có vẻ đẹp mĩ lệ, không làm người ta sững sờ, mà nó nên thơ. Có lẽ nó nên thơ vì con người hơn là vì những triền cỏ hay đồi thông. Chẳng thế mà anh Trịnh Công Sơn năm xưa lang thang ở Dran mà viết vài bức thư sến súa nồng nàn cho em Dao Ánh nào đó, khiến đến giờ biết bao nhiêu Dao Ánh trên facebook vẫn hàng ngày nức nở.

Rồi chúng tôi rời Dran, trôi xuống biển, ăn nhậu một đêm, rồi về Sài Gòn, rồi giải tán.

***

Người ta nói rượu ngon phải có bạn hiền. Với chúng tôi thì đường đi mà hay ho là phải có bạn hợp cạ. Anh bạn Dran thường đọc thơ cho chúng tôi nghe trên đường, anh thuộc rất nhiều thơ. Chuyến đi năm ngoái trên Hà Giang anh khiến tôi ngấm thơ Quang Dũng. Năm nay trên đường cao nguyên Lâm Đồng anh khiến chúng tôi ấn tượng với thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi thường chỉ nói chuyện ba lăng nhăng không có chủ đề. Hai thằng còn lại thường cãi nhau về rất nhiều chủ đề. Chủ đề nào mặc dầu, thì tóm lại càng đi càng thấy đất nước mình đẹp, phá mãi chưa hết. Tiếng Việt hay và thơ của nó quá hay, càng đọc càng cảm động.

Thôi nhé ngàn năm em đi qua
Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
Trời sinh ra để chiều hôm đó
Tôi thấy mây rừng bay rất xa

(thơ Nguyễn Đức Sơn)

Written by Tequila

June 16, 2020 at 12:57 am

Một người bạn buồn

with 4 comments

Trưa nay qua đường phố quen

Gặp những tiếng ve đầu tiên

Chợt nghe tâm hồn xao xuyến

Điệp khúc tiếng ve đầu tiên

Bây giờ chẳng phải là đầu hè nữa, mà đã cuối hè rồi, hình như trời cũng đã dần sang thu tới nơi. Thế nhưng mà hôm qua, khi lần đầu tiên đến nhà nó, một thằng bạn tuổi thơ, tự nhiên tôi lại cứ văng vẳng bên tai bài hát quen thuộc này. Tôi nhớ về những ngày xưa sinh viên, trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt, trước cổng thư viện Khoa học kỹ thuật, tôi với nó đã ngồi với nhau và các bạn, chè đá dưới vòm cây đầy tiếng ve mùa hè, chèn nóng những sáng mùa đông gió bấc lồng lộng dọc phố. Chúng tôi không phải bạn thân. Rất nhiều năm mới vừa gặp lại nhau và giờ đã thế này.

Nếp nhà đơn sơ chật chội trong một ngõ phố chật chội, neo đơn, chiếc bóng. Tôi ngắm kỹ gương mặt thằng bạn mình trong tấm ảnh. Một tấm ảnh đẹp. Tôi chưa từng nhìn nó lâu như thế, hóa ra nó đẹp trai. Cái lễ nghĩa của một đám ma, thắp nén hương, vái ba vái, rồi là về thôi chứ biết đứng đó làm gì. Mà tôi những muốn được ngồi bệt xuống góc nhà một lát, ngắm tấm ảnh của nó, bên cạnh quan tài của nó.

Thằng bạn tôi từ thời thơ ấu đến những năm sinh viên và cả thời gian gần đây, đều có vẻ khắc khổ cô độc, một sự khắc khổ cô độc mà nhìn một cái là thấy luôn. Là vì cái mặt và cái dáng nó thế. Chứ tôi không biết cuộc sống của nó thế nào cả. Nó chết đi như thế, nó sẽ nhanh chóng chìm vào lãng quên như chưa bao giờ tồn tại. Cuộc sống một con người tính ra có gì đáng kể đâu. Cầu cho linh hồn bạn yên nghỉ.

***

Người ta thường nói, mà thôi người ta nói thì rất nhiều thứ hay ho.

Nhưng mà sau mười lăm năm mới gặp lại thằng bạn, kết bạn trở lại, lấy số điện thoại của nhau, rủ nhau đi đá bóng, uống với nhau đôi trận bia, rồi lại phải đột ngột chào bạn đi như thế này, thật là đau lòng. Những cốc bia với nhau ấy hóa ra là đáng giá, những câu chuyện về những chuyến công tác nước ngoài làm nhiệm vụ mà không xu dính túi của bạn hóa ra là đáng giá, cái dáng liêu xiêu dặt dẹo của một hậu về thòng cứng cựa năm xưa nay cắt hụt quả bóng hóa ra là đáng giá. Biết là đáng giá khi tự nhiên thấy hóa ra đã tan biến đi như bọt xà phòng.

Và rồi những lúc đứng trước nghịch cảnh mới thấy quý những tháng ngày thư thả.

Nơi đây con đường vẫn qua

Chợt thoáng tiếng ve gần xa

Giọng chim im lìm trưa vắng

Lại ngỡ tiếng ve gọi ta

Written by Tequila

September 16, 2017 at 1:27 am

Bức tranh Đôi cuồng mã

with 3 comments

Tối nay ngồi làm việc lung tung, bật youtube nghe nhạc cổ điển, chả để ý đến đang nghe cái gì. Bỗng đâu sau một đoạn dài dài lạ lạ, thấy có đôi nét piano quen quen, rồi bùng ra một trường đoạn quen thuộc mà đã nghe từ hàng nghìn năm nay, là concerto số 5th “Emperor” của Beethoven.  Hóa ra tôi nghe nhiều lần khúc này nhưng toàn nghe một chương chứ chưa nghe hoặc không nhớ đến cả bản concerto. Nhạc của Beeth mạnh mẽ và có sức lôi cuốn như thế nào khỏi bàn, và thế là lại phải mở blog ra viết.

Tôi hay bị âm nhạc dẫn dắt kiểu như vậy. Như kiểu bây giờ, nó bắt tôi viết một tí rồi mới có thể đi ngủ, mà chả biết viết cái gì. Thôi kể một chuyện.

***

Bức tranh đôi cuồng mã

Tối hai chín Tết, bạn Hiệp tới nhà tặng vợ chồng tôi một bức tranh mà chàng vẽ quẹt quẹt bằng máy tính, một bức tranh con dê Ất Mùi trông rất dê và hóm. Chàng bảo, bức này vốn không phải bức tặng vợ chồng bạn, nhưng Tết nhất in không kịp nữa, cứ tặng tạm bức này đã, sau Tết tớ in bức kia ra tặng tiếp. Chúng tôi mừng rỡ, bởi bức tranh quá đẹp. Nhưng chàng còn xách theo một cái khung tranh to đùng, và một cuộn giấy dó.

Hiệp nói, bức này là tớ vẽ để tặng đại ca Yên. Tôi bảo, tặng Yên đại ca thì sao không mang sang đó trước đi, rồi hẵng quay về đây. Hiệp bảo alo thấy Yên chưa về, mà tớ phải căng lên trước xem thế nào đã, vì Yên đặt hàng tớ vẽ ngọn núi, mà khi đặt bút tớ vẽ thành ngựa. Thế là chàng ngả cái khung tranh ra giữa nhà, rồi cùng chúng tôi trải tấm giấy dó lên, dán, đóng khung lại, dựng lên tường ngắm. Đó là một bức tranh đẹp, bạn Hiệp dạo này vẽ cái gì cũng đẹp. Nét bút lông của chàng mạnh và bay, có cái gì đó mạnh mẽ lại có cái gì đó không vững vàng, ắt là vẽ lúc say say. Tôi bảo, thôi để đó đã, lên phòng tôi uống rượu đã. Và chàng là vị khách đầu tiên quá bộ lên phòng làm việc của tôi (gọi thế cho oai, tôi chả bao giờ làm việc ở nhà), nơi có giá sách và bộ máy tính và đôi loa, là toàn bộ những nhu cầu của tôi cho hang ổ của mình.

Chúng tôi ba đứa, hai vợ chồng tôi và Hiệp, ngồi cưa với nhau nốt chai grappa vợ chồng uống dở một nửa, rồi xơi hết luôn nửa chai tequila tôi đang uống dở một nửa. Rượu ngon bạn hiền, đêm cuối năm thích hợp để ngồi nhâm nhi nói những câu chuyện cũ. Khi hết rượu thì cũng đã ngà say, alo thấy Yên đại ca đã về nhà, bèn nói với nhau thôi giờ vác tranh sang tặng.

Nói đôi nét về Yên đại ca. Yên hơn tôi một tuổi, vốn biết nhau từ nhỏ lớn lên trong khu, sau là bạn đá bóng, sau nữa thành sư phụ. Tôi tôn Yên làm sư phụ kể từ ngày mười ba năm trước ngồi chè đá sau trận bóng với Yên, Yên chém gió hai tiếng đồng hồ vạch ra cuộc đời tôi mà ứng nghiệm cho đến bây giờ. Tôi mang các bạn mình giới thiệu với Yên, sau các bạn đều tôn Yên làm đại ca cả. Nhưng đại ca chuyên trị nói những điều nặng như búa bổ, toàn là hardcore, nên anh em hôm nào khỏe mới dám đến gặp, hôm nào đầu óc vốn đã nặng nề, thì tránh và chỉ gặp lẫn nhau nói nhảm mà thôi.

Tôi và Hiệp, hai thằng chân nam đá chân xiêu khiêng bức tranh qua đôi con ngõ ngắn ngủn, sang tới nhà Yên. Đại ca oai vệ ngồi chờ. Chúng tôi đặt bức tranh dựa vào tường, đối diện chỗ ba thằng ngồi. Yên ngắm một lúc, chúng tôi hồi hộp chờ đợi, rồi mấy phút sau bảo, tranh xấu đéo tả.

Bức tranh đột nhiên trở nên xấu trong mắt chúng tôi. Yên đã bảo xấu, thì có nghĩa là xấu, đéo thể cãi được. Cho dù bức tranh đó đẹp đi nữa, nhưng ở một góc tư duy nào đó mà Yên dẫn ra, thì nó xấu. Yên nói, bức này thằng Hiệp vẽ khi say, bố cục này là của người say, nét mực tàu này là phết ra từ tay người tâm đang loạn. Hai thằng chúng mày có thấy không, con ngựa đực là con đen đúng không, đang tung vó mà đàn áp con ngựa cái màu trắng, mẹ kiếp mà nó còn đang cắn cổ con ngựa trắng. Thằng Hiệp vẽ thì đẹp rồi, anh công nhận là đẹp, nhưng bức tranh này gây một cảm giác rất xấu.

Chúng tôi, sau khi uống nửa chai grappa và nửa chai tequila, thì độ thẩm thấu tư duy đã trở nên bất phàm, nói một hiểu mười, lập tức hiểu rằng Yên nói đúng. Chúng tôi lại uống một cái rượu gì đó của Yên rót, và vừa nói chuyện vừa ngắm tranh. Rồi tôi bảo, thế đéo nào mắt con ngựa đen đang đẹp, bạn lại ngoằng một nét tròn khắc cái hốc mắt nó, bạn biết tớ nghĩ đến cái gì không, nghĩ đến đôi mắt của Ivan Hung Đế trong bức tranh vẽ cảnh hắn say rượu giết con trai rồi ôm con trợn mắt nước mắt như máu. Hiệp bảo, tớ biết bức đó. Rồi uống một tí nữa, tôi lại bảo, bạn biết không, tớ thấy cái chân con ngựa đen, giờ mới nhìn ra, nó hoàn chỉnh là một con chuột đang gặm chân con ngựa. Quả thế, con chuột hoàn chỉnh cả mắt răng tai chân và đuôi. Yên bảo, con ngựa đen này không lành, nó sẵn sàng đạp tất cả để đi nhưng là để đi tới nơi đen tối. Treo tranh này trong phòng làm việc thì nó sẽ khiến ta làm điều không đúng, mà treo ở nhà thì vợ chồng ắt có chuyện.

Tốt nhất, uống đi, anh đéo nhận tranh này, mà chúng mày cũng đừng có mang về nhà, vứt đi, hoặc đốt mẹ nó đi. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Uống thêm vài ly, chia tay Yên, hai thằng lại loạng choạng ngất ngư khiêng bức tranh ra đường.

Tôi bảo Hiệp, nói vậy chứ, tranh này hủy đi thật phí phạm, hay bạn cho tớ, tớ về tớ treo, tớ cũng sợ đấy nhưng chắc tớ cũng đủ dũng cảm. Tranh này treo trong phòng tớ, nó sẽ nhắc nhở tớ nhiều điều. Hiệp nói, không, tớ sẽ mang về nhà. Ra đến đầu đường vẫy taxi, tôi vẫn cố bảo, thôi bạn cho tớ đi. Chàng vẫn lắc đầu, bảo, nếu có duyên một lúc nào đó nó sẽ là của cậu. Xe đến, tôi giúp chàng đưa bức tranh khổ to vào được trong cái taxi cụt đuôi bé tí, rồi nhìn cho đến khi xe chàng khuất bóng sau ngã tư vắng hoe đêm giáp Tết. Tôi thấy lòng nửa vui nửa buồn như thể nhớ lại được rằng, cách đây một nghìn năm chúng tôi đã chia tay như thế, vào một ngày giáp tết, bạn đến nhà uống say rồi nhìn theo bạn ngật ngưỡng gục gặc lên ngựa nước kiệu khuất bóng sau rặng cây.

Ngày 2 Tết, Hiệp lại sang nhà. Chúng tôi ba người, chàng và hai vợ chồng tôi, lại uống với nhau một chai rưỡi tequila. Say lướt khướt. Nói về bức tranh, Hiệp bảo tớ đã quyết định treo nó trong nhà rồi lại gỡ xuống, không hợp. Chẳng nói nữa, hoặc nói rất nhiều, chỉ vợ mới có thể tường thuật chứ hai thằng uống chừng đó là chả còn nhớ nói nhau những gì. Say quá.

Ở thời buổi này, hai thằng say thì chào nhau thế nào. Đêm 2 Tết đó, chúng tôi, do âm hưởng của bức tranh Đôi cuồng mã, và chai rưỡi tequila, mở cổng ra, tôi đứng cạnh cổng, Hiệp đứng cạnh con xe máy, hai thằng khum bàn tay trước trán vái chào nhau  như phim chưởng Tàu. Lòng tràn ngập sự thương mến trọng thị và tự hào vì sống trên đời được thằng này coi thằng kia là bạn, chúng tôi vái chào nhau thêm hai lần nữa, rồi Hiệp mới thượng mã mà đi. Người tỉnh mà nhìn thấy chúng tôi, ắt cười lên hô hố, bố tiên sư hai thằng dở. Nhưng tôi hôm sau tỉnh rượu, nghĩ lại hành động lúc say, lòng vui không tả xiết.

Sống ở trên đời, biết trọng nhau vì những câu chuyện vớ vẩn bông phèng mà người đời chẳng ai làm thế, có phải là vui biết mấy.

***

Viết về bức tranh Đôi cuồng mã và kể về tình bạn này vào blog đầu năm, kể cũng thích hợp. Đầu năm người người thường đi chùa lễ Phật lễ Thánh để mưu cầu. Mưu cầu thì ai chẳng mưu nhưng mưu quá chẳng phải là vô mưu à. Chúng ta đằng nào chả phải cày cuốc mưu lợi đến rạc cả người, có mấy khi được bay bổng núi non mây gió sông dài trăm khúc đường xa vạn nẻo với bạn bè tri kỷ. Nếu có mưu, nên mưu điều đó, mà đó mới là khó, vì muốn được thế không thể thiếu tiền, chi dùng gia đình con cái ăn học rồi còn lấy le với người đời.

Bạn Hiệp, chàng vẽ ra Đôi cuồng mã đã thống khoái lúc vẽ. Tôi lại thống khoái khi cùng chàng đưa tranh vào khung, rồi uống rượu rồi vác tranh đi tặng. Lại cùng thống khoái khi người được tặng phát biểu rành mạch, tranh xấu đéo tả. Rồi lại cùng khoái lạc khi vác tranh về rồi cứ xin lẫn nhau, cảm thấy mình đều đủ dũng khí để treo nó, rồi khi tỉnh rượu lại khoái vì không treo tranh nữa. Rồi vì những chuyện đó mà dẫn đến phải vái nhau rởm rít đến quá cả phim chưởng, thật là hạnh ngộ.

Viết thế này cứ như thể chúng tôi gặp nhau suốt và rượu chè liên miên. Thực tôi cũng không biết đã uống say với nhau được bao lần. Nếu mà uống tay đôi chắc chưa đủ nửa số ngón một bàn tay, suốt hơn mười năm dài coi nhau là bạn.

Entry đầu năm này dành cho bạn, bạn Hiệp phò, và cũng dành cho tớ, cũng dành cho các bạn của chúng ta, những kẻ cô đơn kiêu ngạo luôn dặn nhau hãy sống sao cho thật rởm rít nhố nhăng, đừng có làm điều gì mà tự mình nghĩ là tử tế, bởi định bụng làm điều gì tử tế thì tức là đã thiếu tử tế rồi.

Lại nhớ đêm nào, bên cửa sổ tầng 4 số 8 Ngô Quyền huyền ảo, giáo sư Hà Dũng Hiệp đăng đàn, bằng tất cả trí tuệ và sự trang nghiêm của chàng, thuyết trình cho anh em nghe và xem những bức ảnh sex qua các thời kỳ lịch sử. Anh em chống cằm chăm chú. Các bức ảnh, cái thì dịu dàng cái thì tục tĩu cái thì thô thiển cái thì rạng rỡ, cái phũ phàng cái thì ân điển. Cái nào cũng cởi truồng.

Written by Tequila

March 2, 2015 at 2:18 am