Teq's Blog

Bơm xe phát ông ơi

leave a comment »

Hôm qua gần trưa, tôi chở vợ đi ăn sáng muộn rồi uống cafe. Trên đường về thấy người ta túa ra phố phường để ăn trưa, những người đàn ông và những phụ nữ trong trang phục công sở, ngồi ở những hàng cơm, hàng bún đậu, hàng lòng… chợt thấy kỳ lạ và phải cố một chút mới tưởng tượng lại việc mình mặc đồ tây kẻng bong hàng ngày đi làm ngân hàng. Những chiếc sơ mi phẳng lét trong tủ quần áo, lâu không dùng tới, đã phủ một lớp bụi mỏng.

Không phủ nhận rằng những năm tháng cổ cồn ấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhất là về các quy trình quản lý và khả năng tưởng tượng ra một hệ thống công nghệ chạy xuyên suốt như một hệ thống thần kinh của cơ thể doanh nghiệp. Thế nhưng phải nghĩ lại rằng, nếu người ta không cho tôi lên quản lý quá sớm, và tôi không có những hãnh tiến mà tất nhiên ở tuổi ấy người ta phải có, để chậm lại chừng ba năm thôi, thì tôi đã có thể phát triển thành một tay chuyên môn cứng cựa và sẽ có ích nhiều hơn cho cả tôi lẫn cho tổ chức mà tôi đã cống hiến bao năm mà thành tựu không có mấy.

Đấy là nghĩ thế thôi, chứ tôi biết là nếu có đảo ngược thời gian, thì sự thay đổi duy nhất tôi có thể thực hiện, là lười biếng theo một cách khác và ngu ngốc theo một cách khác.

Trong blog này tôi ít khi nhắc tới công việc, chẳng có gì đáng nói. Tuy vậy hiện nay tôi cảm thấy vui và khá ngạc nhiên với việc tôi làm bây giờ. Chỉ một năm trước đây, tôi chưa từng viết một dòng code nào, dù làm việc về công nghệ bao nhiêu năm. Tôi chỉ làm về hệ thống, chưa kịp tinh thông thì đã chuyển qua chỉ viết email với đi họp. Thế mà trong một năm trở lại đây, đống code mà tôi viết ra không biết nếu in ra giấy thì đã dày tới thế nào. Một doanh nghiệp sản xuất và phân phối cả B2B và B2C đang hoạt động trên hệ thống dữ liệu và những apps mà tôi một mình viết ra, dựa trên bộ công cụ khủng khiếp của Microsoft.

Tôi nhốt mình trong cái hang này, chẳng cần một quyết tâm nào, ngày ngày lọ mọ làm, như chơi một cái game lớn cứ vài ngày lại qua được một màn. Dù không, chưa, có thời gian để viết hay làm nhạc, nhưng mọi thứ đều liên thông với nhau. Trong lúc làm việc, thì một phần mềm thường trực trong đầu vẫn cứ chạy. Thời gian chạy nền ấy sẽ lắng đọng đi những cái màu mè hoa hoét, những gì đến nó sẽ đến.

Nhốt mình trong phòng làm việc, tôi cảm thấy hạnh phúc và yên tĩnh, kiểu trong truyện chưởng có những thằng cao thủ trong tuyệt cốc vậy. Cứ ở trong tuyệt cốc lâu tự khắc thành cao thủ, vì ở trong tuyệt cốc luôn luôn có con rắn, con bọ cạp, hay bông hoa gì đó, ăn vào tự nhiên nội lực tăng bộ phần. Trong tuyệt cốc của tôi đang có hai cái bánh sừng bò, để ăn phát.

***

Mỗi ngày thức dậy, nếu mà đêm trước được ngủ đầy đủ, tôi đi oánh răng rửa mặt và thưởng thức tuổi trẻ của mình. Phải, tuổi trẻ, dù tôi đã 45 tuổi. Cảm nhận cái sảng khoái trong hơi thở nhịp tim, cái đầu nhẹ bỗng trong veo veo không có stress dù cày như trâu đêm ngày. Cảm nhận những bắp thịt của đôi cẳng chân vẫn rắn chắc, Đức trâu siêu hậu vệ cánh bóng bay đến đâu người lao tới đó.

Của đáng tội là siêu hậu vệ cánh giờ đã chuyển về đá thòng cho nó nhàn. Phét tí, chứ hôm trước vừa gặp đội trẻ trâu hơn 20, toàn thằng nhanh khỏe khéo. Có thằng nó lắc qua đảo lại như rang lạc, làm mình cũng phải đảo theo. Không bị nó đi qua nhưng đá xong trận đấy thì nhức cổ chân trái tới mấy ngày, mấy thằng ranh làm mình phải đảo trụ quá nhiều, chúng mày làm anh, à chú, nhớ ra tuổi tác của mình. Có lần ở sân bóng, có thằng hỏi, anh bao nhiêu tuổi rồi. Thế à, anh lớn hơn bố em hai tuổi.

Những ngày này trung tâm của tôi là bọn trẻ con. Dạo này chúng có nhiều thay đổi, thằng lớn thì sắp thi cấp ba, con bé thì dạo này mê mải chơi piano, còn thằng bé con thì biểu hiện rất nhiều tình cảm đa dạng và nói nhiều hơn, tất nhiên vẫn nói song ngữ. Có những điều làm mình hài lòng với chúng, có những điều khác thì không, thế nhưng tựu chung lại thì việc nhìn quá trình chúng lớn lên là một điều đáng giá của cuộc sống. Cuộc sống của chúng không chỉ là của chúng, còn là của mình, mình vừa là một thằng trẻ trâu bốn mấy tuổi, vừa là một thằng trẻ trâu mười lăm, đôi khi lại là một con bé mười ba, và thường xuyên là một thằng ba tuổi.

Hè này, thằng lớn thi xong, tốt xấu mặc dầu, tôi sẽ bắt nó tham gia một dự án với tôi. Hai bố con tôi sẽ dọn dẹp cái tầng mái nóng nực này, gọn lại các giá để đồ cũ, trải nền, làm thành một cái Dojo. Chúng tôi sẽ tự tay làm một con mộc nhân, mặc cho nó bộ áo samurai, để vung kiếm tre tẩn nó hàng ngày. Dạy cho một thằng bé trai sắp lớn cách cưa đục, khoan, vít… sẽ là một niềm vui. Dẫu tôi làm những thứ này không được giỏi, không sao, những thứ đó thằng giai không nhất thiết giỏi mà cần biết làm là được. Một thằng đàn ông sẽ luôn cảm thấy vững chãi, nếu nó có thể làm những việc giản dị mang tính bản năng như các cụ nó ở trong hang đá đã làm, là làm những thứ nho nhỏ giản dị xung quanh mình để tồn tại không cần người khác cứu vớt. Một cái ghế băng xấu xí, một cái bàn khòng khoèo, mấy cái đường điện kém thẳng thớm nhưng gọn gàng và an toàn, trồng được mấy cái cây cho nó sống, dạy con chó úp mặt xuống khi xin ăn, đi xe máy, lái ô tô… Thằng bé còn ngỏ ý, lên cấp ba nó muốn chơi bóng đá. Trước tôi bảo nó đi chơi nó không đi. Nó thay đổi ý kiến vì một ông bạn, ông anh của tôi, có lần lôi được nó ra sân đá với bọn trẻ con cùng tuổi, và khen nó rằng, nếu cháu mà chơi bóng thì sẽ hay hơn thằng bố cháu. Nếu nó đi tập bóng và tôi có thể chỉ cho nó một ít, tôi sẽ rất vui. Tôi sẽ dạy cho nó môn võ bóng đá, cái thời khắc để mình xoạc quả bóng, cách đỡ đòn khi người ta cùi chỏ vào mõm mình, hay tiện tay vỗ hạ bộ mình, dù gì bố mày đây cũng là cao thủ, tuy đá thì như hạch nhưng giỏi võ.

Thế rồi năm, mười năm nữa, bọn chúng lớn lên và bay xa. Vợ tôi nói, chúng ta sẽ về ở một chỗ nào yên tĩnh. Tôi đồng ý với cô. Nhưng tôi thầm nghĩ, có lẽ tôi đã khác với những mơ mộng hồi trẻ hơn, là sẽ sống ở trên một triền núi hay ở một làng chài. Tôi nghĩ có lẽ sau này tôi sẽ thích sống trên một căn gác nhỏ nào đó ở giữa các phố Hàng.

Mà có lẽ, tôi sẽ thích tóm gọn những vật dụng mình cần, cái máy tính, đôi cặp loa, hai cái đàn, sao cho có thể xếp chúng vào sau một cái cốp xe. Tháng này tôi ở Hà Nội, tháng sau tôi ở trên núi, tháng sau nữa tôi ở làng chài. Chúng tôi có đủ chỗ để có thể tránh được đám đông. Và cái xe bán tải chở đồ của tôi, có thể lúc chỗ này lúc ở chỗ kia, nhưng sẽ vẫn ở trên cái dải đất hình con giun đầy những vấn đề này mà thôi. Vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc, hay con người… của nơi này nơi nọ, có thể làm tôi choáng ngợp và thán phục, nhưng tôi chỉ cảm thấy xúc động khi nhìn cảnh đẹp của đất nước mình, khi mình đứng trên mảnh đất thấm đầy máu của những thế hệ trước, léo xéo tiếng nói của những người đồng bào ít khi thấy ưa.

Tình yêu đất nước là chỉ là thứ bọn nó dõng dạc giơ nắm đấm lên trời khi cần anh em cầm giáo gươm, nhưng sự gắn bó với mảnh đất nơi cái bộ lạc của mình sinh sống, thì lại có thật. Sự huễnh hoãng khi bốc phét về những con đường đã đi có thể là cái khoa trương, nhưng tình cảm của mình với chiếc xe máy, chiếc xe ô tô lái mòn cả vô lăng, thì là có thật. Tình cảm gia đình có thể là cái thứ nhàm chán bọn nó lải nhải khắp nơi, nhưng bát cơm động viên ông già ăn, lời khen khi ăn món ăn vụng về mà đứa bé lần đầu nấu, lại là có thật. Tình yêu đôi lứa đẹp trên phim, cũng đẹp trong đời thật, dù bị pha loãng và bị làm xấu xí đi bởi vô vàn điều hay dở, song sự gắn bó với người đàn bà đã đẻ ra và cùng ta nuôi nấng tới mấy đứa con, cuối tháng vét sạch tiền cho chúng đi học này đi chơi nọ, em còn tiền không bắn anh ít, em hết rồi, lúc sau lại thấy ++ trong tài khoản… thì người ta vắng nhà vài hôm lập tức thấy cái ngôi nhà này rộng như cung điện của một Sultan.

***

Cái xe máy điện non hơi, vợ bảo bơm nó đi, mấy ngày sau vẫn non hơi, mãi rồi tôi mới mới chịu bơm.

Nhà tôi ở đầu này sân vận động, bên kia sân vận động là nhà Lào, tức là KTX của anh em sinh viên Lào và một số sinh viên ngoại quốc khác, tới lễ tết của họ là múa may ồn ã mấy ngày. Bên bức tường của nhà Lào, có hai cha con làm nghề sửa chữa vặt xe đạp xe máy, chiếm lĩnh một khoảng vỉa hè. Người cha khỏe mạnh và phương phi, nhưng lúc nào cũng cau có và u buồn. Người con thì khoèo tay, ngớ ngẩn, mặt mũi xấu xí nhưng lành hiền, lúc nào cũng ngồi bên cạnh người cha, khi có khách vá xe thì lật đật bưng chậu nước bằng đôi cánh tay khoèo của mình, nhúng cái săm xuống, tìm những bong bóng hơi. Anh con trai trạc tuổi tôi, hoặc trẻ hơn vài tuổi, hoặc già hơn vài tuổi. Tôi vá xe ở chỗ họ nhiều lần.

Một ngày kia, người cha qua đời, hay là sao đó, không còn ngồi bên tường nhà Lào nữa, chỉ còn anh con trai. Xong lại chẳng thấy đâu, tôi cũng không để ý tới nữa. Bỗng một ngày đi qua, chợt thấy mọi thứ vẫn như xưa, vẫn bộ đồ nghề ấy, vẫn hai cái ghế, nhưng chỉ có anh con trai ngồi, mặt vẫn thế không hiểu là cười hay mếu, bó gối nhìn ra đường. Mai bơm xe thôi. Nhưng mai không thấy anh ta, ngày kia cũng không thấy,… cuối cùng tôi phải tự bơm khi cái lốp xe đã dẹp lép. Đợi mấy hôm mà không thể, ây ông ơi bơm xe phát, ờ ờ, ô,..ô k..kê.

Tôi tưởng như mình cũng như anh khoèo, dù tôi sống cuộc đời khá là nhiều linh hoạt của mình, nhưng rốt lại thì cũng luôn chờ một sự kiện gì đó xảy ra mang đến thay đổi cho một ngày hay cho mười năm tới, một người khách dừng cái xe, bơm phát ông ơi. Điều rốt lại tôi hiểu ra, rằng ngày mai sẽ tới, kiểu mẹ gì nó cũng tới hễ mình còn thở, dù cả ngày chẳng có người khách nào dừng lại. Ngày mai kiểu gì cũng tới dù ngày mai ấy có thể không như mình muốn, thường khi nó chẳng như mình muốn.

Có một người khách, may lắm thay, đã dừng ở quán bơm vá xe của tôi. Này có bơm không ông ơi, bơm, bơm.. ờ, ô..ô.. kê. Và tôi đang bơm xe bằng tất cả niềm vui của mình. Tôi bơm một cách chỉn chu, phấn khởi, tận hưởng từng nhát bơm, cảm thấy từng bọc phân tử khí bị nén xuống bởi cái pít-tông và tuôn trào vào cái lốp đang ngày một căng và nặng.

Written by Tequila

April 14, 2024 at 4:45 am

Posted in Linh tinh

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.